Trang chủ

Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 4

Hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản từ năm 1992 đến nay

Đăng ngày: Hôm qua, 09:15

Quan hệ hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản trong hơn 30 năm đã có nhiều điểm nhấn quan trọng, đặc biệt là sau khi nối lại quan hệ viện trợ và nâng cấp quan hệ từ "đối tác chiến lược" trở thành "đối tác chiến lược sâu rộng". Hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực giữa hai quốc gia đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển nhanh chóng và bền vững. Từ năm 1992 đến nay là cả một tiến trình hợp tác với nhiều dấu ấn cũng như thành tựu, hạn chế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản và đó cũng là những nội dung chính của bài viết này.

Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 4

Thỏa thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động theo pháp luật Nhật Bản – kinh nghiệm cho Việt Nam

Đăng ngày: Hôm qua, 09:03

Người lao động đôi khi chính là đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất của doanh nghiệp vì họ có thể tiếp cận được bí mật kinh doanh của doanh nghiệp đó và mang sang phục vụ cho đối thủ cạnh tranh hoặc tự kinh doanh để cạnh tranh với doanh nghiệp cũ. Thỏa thuận không cạnh tranh được xem là một trong những công cụ hiệu quả để ngăn chặn những hành vi này. Tại Việt Nam, vấn đề thỏa thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động vẫn chưa được pháp luật quy định trực tiếp. Trong khi đó, vấn đề này đã được quy định cụ thể hơn trong pháp luật Nhật Bản. Với sự tương đồng nhất định về văn hóa, xã hội và pháp luật giữa hai quốc gia, tác giả sử dụng phương pháp luật học so sánh để phân tích quy định của pháp luật Nhật Bản và thực trạng pháp luật Việt Nam về thỏa thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động. Các bài học kinh nghiệm rút ra được qua nghiên cứu giúp hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong thời gian tới.

Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 4

Vấn đề lương thực của Triều Tiên hiện nay

Đăng ngày: Hôm qua, 09:01

Tình trạng thiếu lương thực ở Triều Tiên ngày càng trầm trọng nhất là trong bối cảnh nước này chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 cũng như phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh vì phát triển vũ khí hạt nhân. Bài viết phân tích tình trạng thiếu lương thực của Triều Tiên cùng những nỗ lực từ phía Chính phủ Triều Tiên nhằm cải thiện trình trạng trên trong khoảng thời gian kể từ năm 2020, mốc thời gian bùng phát đại dịch COVID-19 đến nay.

Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 4

Độc quyền trong nền kinh tế nền tảng ở Trung Quốc: Thực trạng và giải pháp

Đăng ngày: Hôm qua, 08:57

Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật trên thế giới, kinh tế số đã trở thành một động lực tăng trưởng trong phát triển kinh tế ở Trung Quốc suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, tình trạng độc quyền trong nền kinh tế số, bao gồm độc quyền trong nền kinh tế nền tảng khiến Bắc Kinh phải gấp rút tăng cường xây dựng và hoàn thiện các quy định và chế tài chống độc quyền. Bài viết nhận diện thực trạng độc quyền trong nền kinh tế nền tảng ở Trung Quốc; đồng thời phân tích các giải pháp chống độc quyền của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 4

Một số thành tựu và nguyên nhân phát triển kinh tế của Hàn Quốc giai đoạn 2001 - 2010

Đăng ngày: Hôm qua, 08:55

Bước vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, trong bối cảnh tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực và toàn cầu, Hàn Quốc đã nhanh chóng vượt qua và vươn lên trở thành một quốc gia phát triển. Việc kịp thời áp dụng thực hiện nhiều chính sách, biện pháp mang tính sáng tạo, đột phá là nguyên nhân cơ bản giúp cho nền kinh tế của nước này đạt được nhiều thành tựu. Trong vòng 10 năm (2001-2010), quy mô nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc liên tục phát triển; các chỉ số phát triển về công nghiệp, nông nghiệp, quan hệ thương mại và đầu tư... đều gia tăng mạnh mẽ. Những thành tựu này giúp Hàn Quốc trở thành nền kinh tế phát triển, là một trong bốn “con rồng châu Á” và gia nhập vào nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20). Bài viết tập trung làm rõ những thành tựu và nguyên nhân chủ yếu trong phát triển kinh tế của Hàn Quốc giai đoạn 2001-2010, từ đó đưa ra một số kết luận.

Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 4

Đóng góp của Nhật Bản vào tiến trình hòa bình Campuchia đầu những năm 1990

Đăng ngày: Hôm qua, 08:47

Châu Á và Đông Nam Á là khu vực nhạy cảm và đặc biệt quan trọng đối với Nhật Bản. Do đó, Nhật Bản luôn mong muốn có được quan hệ bình thường với các nước trong khu vực này. Với xu thế mở rộng hợp tác hòa bình cùng có lợi, Nhật Bản cũng có những điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình mới. Giải quyết vấn đề hòa bình cho Campuchia không chỉ đem lại lợi ích cho cộng đồng quốc tế mà còn mang lại giá trị tối ưu cho vị thế của Nhật Bản tại khu vực này, nhằm giảm áp lực của Mỹ đang “đè nặng” lên chính nước Nhật. Cùng với chính sách “hướng về châu Á” mà bước đi đầu tiên là tham gia vào tiến trình hòa bình Campuchia, Nhật Bản đã và đang từng bước tạo cho mình một vị trí xứng đáng ở Đông Nam Á nói riêng và trên diễn đàn ngoại giao thế giới nói chung. Tìm hiểu quá trình Nhật Bản tham gia vào giải quyết những vướng mắc tại Campuchia cũng góp phần tìm hiểu về chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Qua vấn đề này, chúng ta càng có cơ sở hiểu rõ hơn quan hệ Nhật Bản - Đông Dương trong thời kỳ này và tác động của nó đối với sự phát triển lịch sử quan hệ khu vực.

Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 4

Sáng kiến Văn minh toàn cầu của Trung Quốc

Đăng ngày: Hôm qua, 08:46

Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất vào tháng 9 năm 2021 từ diễn đàn cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thu hút sự chú ý của thế giới đến các vấn đề phát triển và tăng cường hợp tác giữa các nước đang phát triển trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra. Tháng 4 năm 2022, khi phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) nhằm đối phó với các xung đột và thách thức an ninh ngày càng gia tăng trên thế giới. Ngay sau kỳ họp Lưỡng hội của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục đưa ra Sáng kiến Văn minh toàn cầu. Đây là sáng kiến toàn cầu thứ ba mà Trung Quốc chủ động đưa ra trong vòng 3 năm qua. Điều này như một sự khẳng định rõ ràng hơn nữa kỳ vọng của Trung Quốc trong vai trò dẫn dắt và định hình luật chơi hiện nay. Bài viết phân tích bối cảnh ra đời và nội hàm sáng kiến, từ đó đưa ra những đánh giá về mục đích của Trung Quốc trong việc đề xuất Sáng kiến văn minh toàn cầu.

Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 4

Ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Moon Jae-in

Đăng ngày: Hôm qua, 08:44

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc đã chủ động thực hiện nhất quán chính sách “hướng Nam mới” (The New Southern Policy) nhằm tăng cường hợp tác với các nước ASEAN và Ấn Độ. Với vị thế quốc tế ngày càng cao lại có thành tựu phát triển kinh tế nổi bật, Việt Nam được Hàn Quốc đặc biệt quan tâm trong quá trình triển khai chính sách này. Trên cơ sở đó, quan hệ giữa hai nước đã đạt được nhiều bước tiến toàn diện và đột phá trên các lĩnh vực hợp tác, trong đó có chính trị - ngoại giao. Xuất phát từ thực tiễn đó, bài viết tập trung phân tích những kết quả đạt được, đồng thời xác định những hạn chế và một số vấn đề đặt ra đối với bộ đôi đối tác chiến lược toàn diện trong thế kỷ XXI.

Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 3

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc

Đăng ngày: 19-11-2024, 08:48

Trong kỷ nguyên kinh tế “bình thường mới” (新常态), Chính phủ Trung Quốc đang hướng tới mô hình tăng trưởng định tính thay cho mô hình tăng trưởng định lượng hiện có. Để phù hợp với quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ sản xuất sang phát triển công nghệ cao, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai chiến lược “Khởi nghiệp và đổi mới đại chúng” (大众创业,万众创新) thông qua việc đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới mang tính bền vững. Các chính sách mới của Chính phủ Trung Quốc đã khiến văn hóa khởi nghiệp, cơ sở hạ tầng và các nền tảng hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp phát triển nhanh chóng. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng, những thành tựu và hạn chế của hệ sinh thái khởi nghiệp của Trung Quốc trong giai đoạn 2012-2022, trên cơ sở đó bước đầu làm rõ vị thế, đặc thù, năng lực cạnh tranh, triển vọng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc trong thời gian tới.

Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 3

Kinh tế Nhật Bản năm 2022: Một số đặc điểm nổi bật và chính sách ứng phó

Đăng ngày: 19-11-2024, 08:39

Năm 2022, nền kinh tế Nhật Bản đã có những dấu hiệu phục hồi. Tăng trưởng kinh tế đạt 3,8%, vượt mức ước tính ban đầu là 2,2% và tăng 0,9% so với kỳ vọng của thị trường. Xuất khẩu giữ ở mức ổn định nhờ vào những dấu hiệu suy yếu trong mâu thuẫn thương mại Trung – Mỹ. Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại quốc tế của Nhật Bản lại trở nên bấp bênh hơn, vào năm 2022, cán cân thương mại của Nhật Bản đã thâm hụt kỷ lục 11.010 tỷ yên (73 tỷ USD). Dự báo tăng trưởng của Nhật Bản trong năm tài chính 2023 (bắt đầu từ tháng 4/2023 và kết thúc vào tháng 3/2024) đã được điều chỉnh tăng, theo đó GDP thực tế tăng 1,5% so với năm 2022 lên khoảng 558,5 nghìn tỷ yên. Các chính sách kích thích kinh tế mới của Nhật Bản chắc chắn sẽ có những tác động đáng kể đến nền kinh tế Nhật Bản trong năm 2023.

Trang trước 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 ... 59 Trang sau