Trang chủ

Vấn đề lương thực của Triều Tiên hiện nay

Đăng ngày: Hôm qua, 09:01 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 4

Trần Thị Mỹ Hoa1

Tóm tắt: Tình trạng thiếu lương thực ở Triều Tiên ngày càng trầm trọng nhất là trong bối cảnh nước này chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 cũng như phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh vì phát triển vũ khí hạt nhân. Bài viết phân tích tình trạng thiếu lương thực của Triều Tiên cùng những nỗ lực từ phía Chính phủ Triều Tiên nhằm cải thiện trình trạng trên trong khoảng thời gian kể từ năm 2020, mốc thời gian bùng phát đại dịch COVID-19 đến nay.

Từ khóa: Triều Tiên, lương thực, nông nghiệp

 

1. Tình hình thiếu lương thực của Triều Tiên hiện nay

Nền nông nghiệp của Triều Tiên có vai trò sản xuất lương thực, thực phẩm để cung cấp cho người dân, đồng thời là nền tảng để hoàn thiện nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Với mục tiêu tự cung tự cấp, Triều Tiên trong nhiều năm qua đã tối đa hóa tỷ lệ sử dụng đất nông nghiệp để đạt được sản lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay Triều Tiên đang phải đối mặt khó khăn lương thực nghiêm trọng đặc biệt kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 khiến nước này phải đóng cửa biên giới vào năm 2020.

Tháng 1/2021, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thừa nhận kế hoạch kinh tế 5 năm kết thúc vào năm 2020 thất bại ở hầu hết các ngành nghề, trong đó tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng. Đến tháng 6/2021, tại phiên họp toàn thể của Đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim tiếp tục thừa nhận tình hình lương thực trở nên căng thẳng vì ngành nông nghiệp không thể thực hiện kế hoạch sản xuất lúa gạo do các cơn mưa bão năm 2020. Báo cáo của Viện Phát triển Hàn Quốc ngày 3/6/2021 cho biết trong năm 2020 Triều Tiên đã sản xuất khoảng 4,4 triệu tấn ngũ cốc, giảm 240.000 tấn so với năm 2019, trong khi phải cần ít nhất 5,75 triệu tấn lương thực hàng năm để đáp ứng nhu cầu của người dân[2].

Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA) tháng 12/2022 cho biết sản lượng canh tác lương thực của Triều Tiên năm 2022 đạt 4,51 triệu tấn, giảm 180.000 tấn so với năm 2021. Trong đó, ước tính sản lượng gạo đạt 2,07 triệu tấn, giảm 90.000 tấn so với năm trước (4,2%); sản lượng ngô đạt 1,57 triệu tấn, giảm 20.000 tấn (1,3%); khoai tây và khoai lang đạt 490.000 tấn, giảm 80.000 tấn (14%). Sản lượng đậu tương đạt 180.000 tấn, giảm 10.000 tấn (5,3%) so với năm 2021[3]. RDA cũng ước tính sản lượng cây trồng của Triều Tiên đã giảm gần 4% trong năm 2022 so với năm 2021[4]. Trước đó, trong báo cáo “Triển vọng canh tác và tình hình lương thực” quý I được công bố vào tháng 3/2022, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) phân loại Triều Tiên là quốc gia gặp khó khăn trong việc tiếp cận lương thực và nằm trong danh sách 44 quốc gia cần viện trợ lương thực. Về tình trạng lương thực của Triều Tiên, FAO cũng chỉ ra rằng phần lớn dân số phải chịu khổ cực do lượng tiêu thụ lương thực ở mức thấp và không đa dạng. Đây là năm thứ 16 liên tiếp kể từ năm 2007, FAO xếp Triều Tiên vào diện cần viện trợ lương thực[5].

Như vậy có thể thấy, việc sụt giảm sản lượng sản xuất dẫn đến thực trạng thiếu lương thực ở Triều Tiên, kéo theo hệ quả nhiều người dân của Triều Tiên bị thiếu dinh dưỡng. Theo “Báo cáo lương thực và nông nghiệp thế giới 2021” do FAO công bố tháng 11/2021, trong giai đoạn 2018-2020 có khoảng 10,9 triệu người dân Triều Tiên bị suy dinh dưỡng, tương đương 42,4% dân số; cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 8,9% của toàn thế giới, 8,2% ở châu Á và 19% của châu Phi[6]. Con số này tiếp tục được nhắc lại trong báo cáo “An ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới năm 2022”, trong đó báo cáo chỉ ra rằng tỷ lệ suy dinh dưỡng của Triều Tiên từ năm 2019 đến 2021 là 41,6%[7].

Ngoài ra, Bộ Thống nhất Hàn Quốc vào tháng 2/2023 cũng cho biết tình hình lương thực của Triều Tiên dường như xấu đi. Tờ báo DongA Ilbo của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết Triều Tiên giảm khẩu phần lương thực hằng ngày cho binh sĩ, đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2000[8]. Trong tháng 2/2023, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn giấu tên đưa tin khoảng 700 tù nhân tại ba nhà tù ở Triều Tiên, bao gồm cả nhà tù ở thành phố miền trung Kaechon, chết vì đói và bệnh tật. Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan xử lý các vấn đề liên Triều, mặc dù không bình luận về bản tin trên nhưng cho biết dường như gần đây số người chết vì đói ở một số tỉnh của Triều Tiên gia tăng[9].

Bên cạnh đó, một trong những dấu hiệu rõ nhất cho thấy tình hình lương thực đáng lo ngại ở Triều Tiên là giá các loại thực phẩm cơ bản đều tăng vọt, khiến người dân khó tiếp cận được với nguồn lương thực. Trang web chuyên về Triều Tiên của Mỹ “38 North” vào tháng 1/2023 công bố kết quả phân tích cho biết giá gạo, lương thực chính của Triều Tiên và ngô, loại lương thực thay thế tăng vọt. Hình 1 cho thấy giá ngô - gạo tăng sau khi đóng cửa biên giới vào tháng 1/2020 và thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt. Hình 2 cho thấy từ các trang tin chuyên về Triều Tiên như Daily NK, Asia Press, giá lương thực của Triều Tiên cao hơn giá toàn cầu, điều này thể hiện sự bất ổn lương thực.

Hình 1: Giá ngô - gạo Triều Tiên (tháng 5/2018- tháng 7/2022)

Vấn đề lương thực của Triều Tiên hiện nay

Nguồn: Daily NK, Asian Press. Dẫn theo: Lucas Rengifo-Keller (2023), “Food Insecurity in North Korea Is at Its Worst since the 1990s Famine”, https://www.38north.org/2023/01/food-insecurity-in-north-korea-is-at-its-worst-since-the-1990s-famine/.

Hình 2: Giá gạo và ngô ở Triều Tiên so với thế giới

Vấn đề lương thực của Triều Tiên hiện nay

Nguồn: Asian Press, Daily NK, World Bank. Dẫn theo: Lucas Rengifo-Keller (2023), “Food Insecurity in North Korea Is at Its Worst since the 1990s Famine”, https://www.38north.org/2023/01/food-insecurity-in-north-korea-is-at-its-worst-since-the-1990s-famine/.

2. Nguyên nhân tình trạng thiếu lương thực của Triều Tiên hiện nay

Trong báo cáo “Đánh giá quốc gia tự nguyện về các mục tiêu phát triển bền vững” gửi Liên Hợp Quốc vào năm 2021, Triều Tiên cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực của Triều Tiên là do các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa. Về điều này, các chuyên gia cũng cho rằng những khó khăn kinh tế và lương thực của Triều Tiên ngày càng trầm trọng hơn một phần do các lệnh trừng phạt cứng rắn của Liên Hợp Quốc, phần là do đại dịch COVID-19 bùng phát làm suy giảm các giao dịch thương mại với bên ngoài cùng với sự quản lý yếu kém trong nước. Cụ thể:

2.1. Nguyên nhân bên ngoài

Thứ nhất, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến việc đóng cửa biên giới gây tắc nghẽn giao thương với Trung Quốc, Nga. Sau khi COVID-19 bùng phát, Triều Tiên đóng cửa biên giới và dừng mọi hoạt động thông thương với bên ngoài. Năm 2020, Triều Tiên chặn các tuyến đường đến và đi từ Trung Quốc và Nga, điều này dẫn đến hạn chế việc nhập khẩu thực phẩm, đầu vào nông nghiệp như phân bón, hạt giống, thiết bị nông nghiệp, phụ tùng máy móc, cũng như viện trợ nhân đạo. Việc đóng cửa biên giới trong thời kỳ dịch bệnh gây căng thẳng cho nền kinh tế, khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp Triều Tiên. Theo số liệu từ cơ quan hải quan Trung Quốc, thương mại Trung Quốc - Triều Tiên đạt 318,04 triệu USD vào năm 2021. Con số này thấp hơn khoảng 41% so với 539,06 triệu USD được ghi nhận vào năm 2020 và chỉ bằng khoảng 11% trong số 2,78 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2019 trước khi đại dịch COVID-19 tấn công[10].

Thứ hai, thường xuyên xảy ra thiên tai, bão và lũ lụt, bệnh dịch tàn phá nghiêm trọng mùa màng. Triều Tiên thường xuyên hứng chịu thời tiết cực đoan, khi nắng nóng kéo dài dẫn đến hạn hán, khi bão đổ bộ liên tiếp và gây lũ lụt, những tai ương liên tục tác động vào nền nông nghiệp lạc hậu của Triều Tiên. Trong năm 2020, Triều Tiên bị thiệt hại lớn bởi ba cơn bão liên tiếp “Bavi”, “Maysak” và “Haishen”. Trong đó, cơn bão Maysak cuốn trôi hơn 2.000 ngôi nhà, 60.000 mét đường, 59 cây cầu sập đổ và khiến ngành đường sắt cũng bị ảnh hưởng nặng nề với 3.500 mét đường sắt ngập trong nước lũ[11]. Năm 2021, Triều Tiên bị mất mùa do mưa lớn, tháng 8/2021, mưa lớn xảy ra ở một số khu vực duyên hải phía đông, bao gồm các tỉnh Bắc và Nam Hamgyong, hơn 1.100 ngôi nhà bị hư hại, hàng nghìn người phải sơ tán, trang trại bị ngập úng và đường sá bị cuốn trôi sau nhiều ngày mưa lớn kéo dài. Lũ lụt tại những vùng sản xuất nông nghiệp làm gia tăng nỗi lo về tình trạng mất mùa, làm trầm trọng thêm tình hình thiếu lương thực tại Triều Tiên. Trước đó, Triều Tiên trải qua đợt nắng nóng (7/2021), gây ra hạn hán nghiêm trọng tại nhiều nơi. Nhiệt độ đo được vào buổi chiều tại tỉnh bắc Hwanghae - vựa lúa của Triều Tiên đều trên 35 độ C, một số khu vực lên tới 36,5 độ C, khiến diện tích lớn ruộng ngô bị hạn hán, lượng mưa trung bình tại Triều Tiên chỉ đạt 21,2mm, tương đương 25,8% so với mọi năm, thấp thứ hai kể từ năm 1981[12]. Năm 2021, Triều Tiên tự nhận định là “quốc gia có tình trạng biến đổi khí hậu cực đoan” trong “Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện” (VNR) vì sự phát triển bền vững đệ trình lên Liên Hợp Quốc. Có thể thấy, thiên tai khiến Triều Tiên mất mùa, hệ quả là thu hoạch giảm sút hoặc mất trắng dẫn đến tình trạng thiếu lương thực triền miên và nguy cơ xảy ra nạn đói.

Thứ ba, đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) thông qua các nghị quyết với sự đồng thuận của các quốc gia thành viên, áp dụng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên gồm: cấm buôn bán vũ khí và thiết bị quân sự, các công nghệ lưỡng dụng, phương tiện, máy móc công nghiệp và kim loại; đóng băng tài sản của các cá nhân liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên; cấm nhập khẩu vào Triều Tiên một số mặt hàng xa xỉ; cấm Triều Tiên xuất khẩu thiết bị điện tử, than, khoáng sản, hải sản và thực phẩm và nông sản khác, gỗ, dệt may và đá; giới hạn số lượng lao động xuất khẩu của Triều Tiên; giới hạn số lượng dầu và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế nhập khẩu vào Triều Tiên; cấm nhập khẩu khí thiên nhiên; giới hạn quyền đánh bắt cá. Các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên gây ra nhiều trở ngại cho hoạt động giao thương với các quốc gia khác cũng như sản xuất trong nước của Bình Nhưỡng, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo lương thực ở Triều Tiên.

Thứ tư, viện trợ lương thực gặp khó khăn. Trong những năm gần đây, các khoản viện trợ quốc tế dành cho Triều Tiên giảm mạnh sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Mặc dù hoạt động viện trợ không bị áp lệnh trừng phạt nhưng kể từ năm 2020, các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các nhóm cứu trợ phương Tây rời khỏi Triều Tiên do những biện pháp hạn chế của dịch COVID-19 khiến Triều Tiên gặp khó khăn trong việc nhận viện trợ lương thực. Tháng 3/2023, Hàn Quốc quyết định ngừng cung cấp viện trợ cho Triều Tiên và khẳng định chừng nào Triều Tiên còn theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân, Hàn Quốc sẽ không viện trợ[13].

Bên cạnh đó về phía Triều Tiên, mặc dù thiếu lương thực trầm trọng nhưng Triều Tiên vẫn từ chối viện trợ lương thực từ quốc tế và thay vào đó là kêu gọi tự lực về kinh tế nội bộ. Trong một bài bình luận, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên ngày 22/2/2023 tuyên bố rằng việc dựa vào viện trợ bên ngoài để đối phó với tình trạng thiếu hụt lương thực giống như nhận kẹo độc, đồng thời cảnh báo không nên nhận viện trợ kinh tế từ “những người theo chủ nghĩa đế quốc”[14].

Thứ năm, cuộc chiến Nga - Ukraine bùng nổ cũng là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng lương thực ở Triều Tiên bởi cả Nga và Ukraine hiện là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì và 17% sản lượng ngô xuất khẩu, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương[15]. Xung đột khiến Ukraine phải đóng cửa các cảng biển, Nga gặp khó khăn trong việc xuất khẩu do các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh áp đặt. Cả Nga và Ukraine đều là các quốc gia thống trị trên thị trường nông sản toàn cầu. Do đó, xung đột này mang đến nhiều rủi ro không chỉ đối với các quốc gia phụ thuộc trực tiếp vào nhập khẩu nông sản từ hai nước này, mà còn gia tăng sự biến động giá cả trên thị trường, gây khó khăn cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Triều Tiên.

2.2. Nguyên nhân bên trong

Thứ nhất, thiếu các yếu tố cần thiết cho sản xuất nông nghiệp, các phương tiện, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp: công nghệ, nhân lực, vốn, phân bón... Do kinh tế đình trệ, dịch bệnh... nên Triều Tiên không thể cung cấp đầy đủ các yếu tố cần thiết cho sản xuất, như túi ni lông, thuốc trừ sâu và năng lượng... Tháng 2/2021, nhà máy phân bón lớn nhất của Triều Tiên phải tạm dừng hoạt động do không có thiết bị thay thế, sau khi Triều Tiên đóng cửa biên giới với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất để chống dịch vào đầu năm 2020, điều này khiến Triều Tiên gặp nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy sản lượng nông nghiệp.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng yếu kém, đất sản xuất hạn chế. Triều Tiên dễ bị ngập lụt do hệ thống tưới tiêu kém và nạn phá rừng, Peter Ward, chuyên gia về kinh tế, cho biết Triều Tiên gặp khó khăn do hệ thống quản lý nước và tưới tiêu kém, khiến họ trở nên dễ bị tổn thương bởi những biến động khí hậu[16]. Bên cạnh đó, Triều Tiên là quốc gia thiếu đất canh tác khi có địa hình chủ yếu là đồi núi và chỉ một phần nhỏ đất đai thích hợp cho việc trồng trọt, chiếm khoảng 17 - 18% tổng diện tích, tương đương hơn 2 triệu ha có thể trồng trọt. Trong đó có khoảng 1,4 triệu ha thích hợp để trồng các loại ngũ cốc[17].

Thứ ba, tình trạng quản lý sản xuất nông nghiệp kém. Triều Tiên đến nay vẫn áp dụng hệ thống nông trường tập thể, các chính sách của nhà nước không tạo ra động lực sản xuất cho nông dân. Bên cạnh đó, chế độ chia sản phẩm không hợp lý, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã chỉ ra các vấn đề về phân phối ở Triều Tiên, cụ thể: trong những năm gần đây có sự hợp pháp hóa các khu chợ địa phương hay còn được gọi là jangmadang, nơi được nhiều người tìm tới để mua thực phẩm, nhưng Triều Tiên lại hạn chế việc bán ngũ cốc tư nhân kể từ năm 2022[18]. Nguồn cung bị gián đoạn, kết hợp với thu nhập của tiểu thương ở chợ giảm, đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực.

3. Những nỗ lực của Triều Tiên trong việc giải quyết vấn đề lương thực

Trong bối cảnh đất nước đối mặt với những khó khăn lương thực nghiêm trọng, nguồn cung lương thực không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, lãnh đạo Triều Tiên đưa ra nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề trên.

Thứ nhất, tiến hành nhiều cuộc họp thảo luận định hướng cải tổ ngành nông nghiệp.

Vào tháng 6/2021, ông Kim chủ trì phiên toàn thể của Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên để đánh giá lại các chính sách lớn và biện pháp khắc phục những vấn đề kinh tế. Tại cuộc họp, ông Kim Jong-un kêu gọi các quan chức tìm cách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai qua bài học của năm 2020, cho rằng đây là chìa khóa để đạt được các mục tiêu đề ra.

Phát triển nông nghiệp cũng là một trong những nhiệm vụ chính mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề ra tại Hội nghị toàn thể của Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra vào tháng 12/2021. Ông Kim nhấn mạnh việc cần giải quyết triệt để vấn đề lương thực trong 10 năm tới, đồng thời thông qua những chính sách rất quan trọng về nông nghiệp, nông thôn, trong đó có việc thông qua Cương lĩnh Cách mạng nông thôn mới, một kế hoạch phát triển toàn diện nông nghiệp và nông thôn ở Triều Tiên trong thập kỷ tới. Đây là một kế hoạch phát triển toàn diện xuất phát từ nhận thức về vấn đề chỉ có thể tăng sản lượng lương thực liên tục và ổn định khi tiếp cận bài toán “tam nông” bao gồm nông dân, nông nghiệp và nông thôn một cách tổng thể và toàn diện. Đáng chú ý, chính thức chuyển đổi canh tác từ lúa và ngô truyền thống sang gạo và bột mì. Triều Tiên cũng nhấn mạnh rằng so với ngô, lúa mì có thể trồng được hai vụ. Bằng cách này, Triều Tiên được cho là đang chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngũ cốc từ gạo và ngô sang gạo và lúa mì[19].

Tháng 2/2023, Triều Tiên tổ chức Hội nghị toàn thể mở rộng lần thứ 7 của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 8 do ông Kim chủ trì nhằm xem xét các dự án phát triển nông thôn, những thành tựu chính đạt được vào năm 2022 trong các chương trình cách mạng nông thôn của đất nước và quyết định những nhiệm vụ quan trọng trước mắt, cũng như những nhiệm vụ cấp bách nảy sinh trong giai đoạn phát triển kinh tế quốc gia hiện nay, những biện pháp thiết thực để thực hiện chúng. Đây là lần đầu tiên Đảng Lao động Triều Tiên triệu tập một phiên họp toàn thể dành riêng cho nông nghiệp.

Trong ngày thứ hai của Hội nghị toàn thể mở rộng lần thứ 7, ông Kim yêu cầu chuyển đổi căn bản hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời vạch ra mục đích của phiên họp nhằm tìm ra các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài với tính khả thi hoàn hảo để đạt được mục tiêu sản xuất ngũ cốc và mang lại sự thay đổi căn bản trong sản xuất nông nghiệp trong một vài năm tới.

Thứ hai, Triều Tiên nâng cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp.

Ông Kim Jong-un chỉ đạo cải tạo hệ thống tưới tiêu nhằm đối phó biến đổi khí hậu, sản xuất các loại máy móc nông nghiệp nhằm hiện đại hóa canh tác. Phát biểu bế mạc Hội nghị toàn thể mở rộng lần thứ 7 của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 8, tháng 3/2023, ông Kim Jong-un đã ra chỉ thị cải tạo hệ thống thủy lợi, chế tạo máy móc nông nghiệp hiện đại và tạo thêm đất canh tác. Bên cạnh đó, vạch ra các kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể để xây dựng “các cộng đồng nông thôn xã hội chủ nghĩa giàu có và văn minh với công nghệ tiên tiến và hiện đại”. Việc cải tạo hệ thống thủy lợi để đối phó với biến đổi khí hậu, sản xuất máy móc nông nghiệp hiệu quả để hiện đại hóa sản xuất và khai hoang các vùng đất ngập nước để mở rộng diện tích canh tác góp phần tăng sản lượng nông nghiệp.

Thứ ba, kêu gọi nhân dân khắc phục khó khăn, nỗ lực phát triển kinh tế nông nghiệp.

Trong bài phát biểu trước hội nghị đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 4/2021, ông Kim Jong-un kêu gọi các quan chức thực hiện chiến dịch “Tháng Ba gian khổ” trong công tác và lao động. “Tháng Ba gian khổ” là một thuật ngữ được Triều Tiên sử dụng để kêu gọi tinh thần người dân vượt khó trong nạn đói xảy ra những năm 1990 từng khiến khoảng 3 triệu người Triều Tiên thiệt mạng sau khi Liên Xô sụp đổ. Việc đưa ra thông điệp này Triều Tiên dường như có ý nhấn mạnh những khó khăn hiện tại của đất nước, đồng thời kêu gọi tinh thần vượt khó của toàn dân.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị toàn thể mở rộng lần thứ 7 của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên tháng 3/2023, ông Kim Jong-un tiếp tục kêu gọi người dân khắc phục những khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, các trang trại trên khắp cả nước cần tập trung đẩy mạnh sản xuất ngũ cốc, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Cần tập trung tăng năng suất trên mỗi hec-ta tại tất cả các nông trang để tăng sản lượng nông nghiệp của cả nước.

Ngoài ra, Triều Tiên huy động nhân viên văn phòng và công nhân nhà máy đến các vùng nông nghiệp trên cả nước để tham gia nỗ lực chống hạn hán[20], đồng thời huy động hàng trăm nghìn binh sĩ giúp người nông dân gieo trồng và thu hoạch mùa màng. Ông Kim Jong-un kêu gọi quân đội trở thành “động lực” của phong trào gia tăng sản xuất lương thực. Quân đội cũng tái cấu trúc một số nhà máy sản xuất vũ khí để sản xuất máy kéo và máy tuốt lúa, đồng thời chuyển đổi một số sân bay thành nhà kính.

4. Kết luận

Vấn đề đảm bảo lương thực đang trở thành mối lo ngại lớn của Triều Tiên hiện nay, mặc dù Chính phủ Triều Tiên đã và đang nỗ lực đề ra chiến lược phát triển nông nghiệp cũng như thực hiện các biện pháp liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn trước mắt và lâu dài, nhưng điều này không thể giúp Triều Tiên đáp ứng ngay lương thực ở thời điểm hiện tại cho người dân. Số liệu trình bày ở trên cho thấy, sản lượng nông nghiệp của Triều Tiên giảm sút kéo theo tình trạng thiếu lương thực, suy dinh dưỡng của người dân ngày càng trầm trọng, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đối mặt với thiên tai, dịch bệnh và các lệnh trừng phạt.

Trong những năm qua, Triều Tiên có nhiều hoạt động chứng tỏ nỗ lực tập trung vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp để bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước. Triều Tiên hiện nay cần các yếu tố thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp để góp phần nâng cao năng suất, tuy nhiên để giải quyết nạn thiếu lương thực tồn tại lâu nay Triều Tiên cần thực hiện thêm các chính sách mở cửa và giao lưu quốc tế trong lĩnh vực kinh tế và nông nghiệp nhằm nhận được nhiều đầu tư hơn nữa ở lĩnh vực này. Bàn về vai trò của chính sách mở cửa trong việc giải quyết vấn đề lương thực, nhà kinh tế cấp cao Kwon Tae-jin tại Viện GS & J ở Hàn Quốc cho rằng: Triều Tiên đang đi giật lùi và quay về quá khứ. Để giải quyết vấn đề lương thực thì cần để thị trường đóng vai trò lớn hơn. Nhưng Triều Tiên đang quay trở lại nền kinh tế kế hoạch[21]. Trong khi đó, ông Park Won-gon, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học nữ Ewha, Hàn Quốc nhận định: “Cách duy nhất để giải quyết tình trạng thiếu lương thực là mở cửa thị trường”. “Ngay cả khi nỗ lực canh tác, diện tích đất nông nghiệp của Bình Nhưỡng cũng có giới hạn và cơ cấu nông nghiệp chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân”[22]. Cùng quan điểm, ông Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, cũng cho rằng rất khó để lạc quan về nguồn cung lương thực chừng nào Bình Nhưỡng vẫn khăng khăng thực hiện mô hình cũ, cô lập đất nước khỏi thương mại và hỗ trợ quốc tế trong khi theo đuổi chương trình tên lửa hạt nhân[23]. Thật vậy, cho đến nay Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển các chương trình tên lửa song song với thúc đẩy nông nghiệp, vì cho rằng chúng sẽ mang lại đòn bẩy giúp đạt được lợi thế trong các cuộc đàm phán và cuối cùng có thể nắm giữ chìa khóa đảm bảo tương lai đất nước. Tuy nhiên, việc tiếp diễn phát triển vũ khí hạt nhân sẽ đồng nghĩa với việc Triều Tiên tiếp tục hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế. Tựu trung  có thể thấy, việc thiếu lương thực hiện tại của Triều Tiên dần trở nên nghiêm trọng và có thể còn tiếp diễn nếu như Bình Nhưỡng tiếp tục từ chối viện trợ từ cộng đồng quốc tế. Đồng thời, để giải quyết tình trạng thiếu lương thực dai dẳng này Triều Tiên cần có sự ưu tiên trong việc đổi mới và cải cách xã hội một cách toàn diện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Elizabeth Shim (2021), “North Korea's grain production not enough to feed population, think tank says”, https://www.upi.com/Top_ News/World-News/2021/06/03/nkorea-North-Korea-grain-output-down-2020/3681622 732849/.

2. Hyonhee Shin (2021), “N.Korea’s Kim says food situation ‘tense’ due to pandemic, typhoons”, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/nkoreas-kim-says-food-situation-tense-due-pandemic-typhoons-2021-06-15/.

3. Hyonhee Shin (2022), “North Korea mobilises office workers to fight drought amid food shortages”, https://www.reuters.com/ world/asia-pacific/nkorea-mobilises-office-workers-fight-drought-amid-food-shortages-2022-05-04/.

4. Hyonhee Shin (2023), “North Korea's Kim demands more farmland to boost food production”, https://www.reuters.com/world/ asia-pacific/north-koreas-kim-demands-more-farmland-boost-food-production-2023-03-01/.

5. Lucas Rengifo-Keller (2023), “Food Insecurity in North Korea Is at Its Worst Since the 1990s Famine”, https://www.38north. org/2023/01/food-insecurity-in-north-korea-is-at-its-worst-since-the-1990s-famine/.

6. The Guardian (2021), “North Korea floods damage more than 1,000 homes, state media reports”, https://www.theguardian.com/world/ 2021/aug/06/north-korea-homes-wreckedda maged-and-and-bridges-washed-away-in-floods.

7. Choe Sang-Hun (2023), “To Combat Food Shortages, North Korea Deploys the Military”, https://www.nytimes.com/2023/03/19/world/asia/north-korea-kim-jong-un-food.html.

8. Yoonjung Seo, Gawon Bae and Ivana Kottasová (2021), “Kim Jong Un admits North Korea is facing ‘tense food situation’”, https://edition.cnn.com/2021/06/17/asia/north-korea-food-shortages-intl/index.html.

9.  KBS World, https://world.kbs.co.kr.

10. Yonhap, https://en.yna.co.kr.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Elizabeth Shim (2012), “North Korea's grain production not enough to feed population, think tank says”, https://www.upi.com/Top_News/World-News/ 2021/06/03/nkorea-North-Korea-grain-output-down-2020/368162 2732849/.

[3] KBS (2022), “Sản lượng lương thực năm 2022 của Bắc Triều Tiên giảm 180.000 tấn so với năm ngoái”, https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=56946.

[4] Hyonhee Shin (2023), “ Korea's Kim demands more farmland to boost food production”, https://www.reuters. com/world/asia-pacific/north-koreas-kim-demands-more-farmland-boost-food-production-2023-03-01/.

[5] KBS (2022), Vấn đề lương thực của Bắc Triều Tiên, https://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=northkorea&id=&board_seq=420126.

[6] KBS (2021), “42% dân số Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng”, https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm? lang=v&Seq_Code=52143.

[7] Yonhap (2022), “Over 40 pct of N. Koreans undernourished: U.N. report”, https://en.yna.co.kr/view /AEN20220707003100325#:~:text=agencies%2C%20including%20the%20Food%20and,percent%20from%202004%20to%202006.

[8] Soo-Hyang Choi (2023), “North Korean food shortage seems to be worsening, South Korea says”, https://www. reuters.com/world/asia-pacific/north-korean-food-shortage-seems-be-worsening-south-korea-says-2023-02-15/.

[9] Hyonhee Shin (2023), “North Korea paper calls outside aid 'poisoned candy', urges self-reliance”, https://www. reuters.com/world/asia-pacific/north-korea-paper-calls-outside-aid-poisoned-candy-urges-self-reliance-2023-02-22/.

[10] Sang Yong Lee (2022), “North Korea’s Dramatically Increasing Trade Deficit with China: A Short-term Trend or Longer-term Strategy?”, https://www.38north.org/ 2022/07/north-koreas-dramatically-increasing-trade-deficit-with-china-a-short-term-trend-or-longer-term-strategy/.

[11] Kiều Giang (2020), “Triều Tiên nỗ lực khắc phục hậu quả sau 3 cơn bão”, https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/trieu-tien-no-luc-khac-phuc-hau-qua-sau-3-con-bao-563268.html.

[12] VOV (2021), “Triều Tiên tiếp tục đối mặt với hạn hán trong bối cảnh nước này thừa nhận thiếu lương thực”, https://vov.vn/the-gioi/trieu-tien-tiep-tuc-doi-mat-voi-han-han-trong-boi-canh-nuoc-nay-thua-nhan-thieu-luong-thuc-877206.vov.

[13] Đình Nam (2023), “Hàn Quốc ngừng viện trợ sau khi Triều Tiên tiết lộ mẫu đầu đạn hạt nhân mới”, https://baomoi.com/han-quoc-ngung-vien-tro-sau-khi-trieu-tien-tiet-lo-mau-dau-dan-hat-nhan-moi/c/45405227. epi.

[14] Hyonhee Shin (2023), “North Korea paper calls outside aid 'poisoned candy', urges self-reliance”, https://www. reuters.com/world/asia-pacific/north-korea-paper-calls-outside-aid-poisoned-candy-urges-self-reliance-2023-02-22/.

[15] Jack Nicas (2022), “Ukraine War Threatens to Cause a Global Food Crisis”, https://www.nytimes.com/2022/03/ 20/world/americas/ukraine-war-global-food-crisis.html.

[16] Hoàng Trang (2022), “Triều Tiên được miễn trừ trừng phạt để cải thiện an ninh lương thực”, https://baotintuc. vn/the-gioi/trieu-tien-duoc-mien-tru-trung-phat-de-cai-thien-an-ninh-luong-thuc-20220517070432477.htm.

[17] Wikipedia, “Nông nghiệp Bắc Triều Tiên”, https://vi.wi kipedia.org/wiki/N%C3%B4ng_nghi%E1%BB%87p_B%E1%BA%AFc_Tri%E1%BB%81u_Ti%C3%Aan.

[18] Bắc Hiệp (2023), “Triều Tiên tìm cách 'giải bài toán' thiếu lương thực”, https://ngaynay.vn/trieu-tien-tim-cach-giai-bai-toan-thieu-luong-thuc-post130892.html.

[19] KBS World (2022), “Vấn đề lương thực của Bắc Triều Tiên”, https://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm? lang=v&menu_cate=northkorea&id=&board_seq=420126

[20] Hyonhee Shin (2022), “North Korea mobilises office workers to fight drought amid food shortages”, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/nkorea-mobilises-office-workers-fight-drought-amid-food-shortages-2022-05-04/.

[21] Hyung-jin Kim, Kim Tong-Hyung (2023), “N. Korea wants more control over farming amid food shortage”, https://apnews.com/article/north-korea-food-shortage-kim-jong-un-350762f3d28144f8617e2c96af709eb8.

[22] Lê Na (2023), “Triều Tiên sẽ tăng nhập lương thực từ Trung Quốc?”, https://www.congluan.vn/trieu-tien-se-tang-nhap-luong-thuc-tu-trung-quoc-post241961.html.

[23] Hyung-jin Kim, Kim Tong-Hyung (2023), “N. Korea wants more control over farming amid food shortage”, https://apnews.com/article/north-korea-food-shortage-kim-jong-un-350762f3d28144f8617e2c96af709eb8.

0thảo luận