Nguyễn Tiến Lực1
Tóm tắt: Phong trào Đông Du là mốc son trong lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nó là tiếp điểm của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX và nước Nhật Bản cận đại. Có thể hiểu theo nghĩa hẹp, phong trào Đông Du là phong trào du học của thanh thiếu niên Việt Nam ở Nhật Bản. Theo nghĩa rộng, phong trào Đông Du là một phong trào dân tộc Việt Nam mà ít nhất có ba bộ phận cấu thành: một là phong trào du học; hai là tiếp xúc và giao lưu với các nhà hoạt động chính trị, xã hội Nhật Bản và các nhà cải cách và cách mạng châu Á; ba là hoạt động xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền tinh thần yêu nước và cách mạng cho nhân dân Việt Nam. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu một cách chi tiết về các cuộc tiếp xúc, giao lưu của Phan Bội Châu với các nhà chính trị, các nhà hoạt động xã hội Nhật Bản đầu thế kỷ XX và phân tích ảnh hưởng của các cuộc tiếp xúc đó đối với Phan Bội Châu nói riêng và đối với phong trào dân tộc Việt Nam nói chung.
Từ khóa: Phan Bội Châu, nhà chính trị, nhà hoạt động xã hội, Nhật Bản
1. Tiếp xúc và đàm luận với Okuma Shigenobu[1]
Trước hết xin lược qua nhân vật Okuma Shigenobu (1838-1922) trước khi gặp Phan Bội Châu (1867-1940)[2]. Okuma Shigenobu (大隈重信/Đại Ôi Trọng Tín) xuất thân trong một gia đình võ sĩ bậc trung, có truyền thống về chế tạo vũ khí và kiến trúc lâu đài ở Saga-han, nay là tỉnh Saga, thuộc đảo Kyushu. Lúc trẻ ông học kỹ thuật pháo binh và Rangaku (蘭学/Hà Lan học) ở quê, sau đó lên Nagasaki học tiếng Anh. Vào cuối thời Bakufu (1192-1868), ông hoạt động theo chủ trương Tôn Vương nhương Di (Ủng hộ Thiên hoàng, chống phương Tây).
Trong những năm đầu của chính quyền Minh Trị (1868-1912), ông phụ trách Cục hiệp ước với nước ngoài ở Bộ Ngoại giao. Trong chính quyền, ông là người có tư tưởng cấp tiến, vì thế mà nhiều lần xung đột với phái bảo thủ. Trong cuộc chính biến năm 1881, ông bị Iwakura-Okubo gạt ra khỏi chính quyền. Ngay sau đó, ông đứng ra thành lập chính đảng dân sự - Đảng Lập hiến cải tiến (立憲改進党). Cùng với hoạt động chính trị, năm 1882, ông thiết lập và quản lý Trường chuyên môn Tokyo (東京専門学校), tiền thân của Đại học Waseda (早稲田大学) rất nổi tiếng hiện nay. Năm 1889, Okuma giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao của Nội các Ito (伊藤内閣). Tiếp đến năm 1890, ông làm Trưởng phái đoàn thương thuyết sửa đổi hiệp ước của Nội các Kurota (黒田内閣). Năm 1896, ông thành lập Đảng Tiến bộ (進歩党) và tham gia Nội các Matsukata (松方内閣), giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao.
Năm 1898, Đảng Tiến bộ của Okuma hợp nhất với Đảng Tự do (自由党) của Itagaki thành Đảng Hiến chính (憲政党) do Okuma làm Chủ tịch (đảng của Okuma chiếm đa số trong Quốc hội nên cùng năm ông được bầu làm thủ tướng và là thủ tướng đầu tiên của chính phủ chính đảng ở Nhật Bản). Tuy nhiên, do bất đồng trong nội bộ Đảng Hiến chính cầm quyền, ông từ chức thủ tướng và trở lại vai trò Chủ tịch đảng Hiến chính, đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội Nhật Bản.
Năm 1904, Okuma có bài diễn thuyết quan trọng Trung Quốc bảo tồn luận (中国保存論), trong đó, ông phê phán chính sách xâu xé Trung Quốc của các cường quốc phương Tây, coi Trung Quốc là nước “đồng văn, đồng chủng, đồng châu” và chủ trương cần phải “bảo toàn” Trung Quốc. Trước khi gặp Okuma, Phan được nghe về tư tưởng “đồng văn, đồng chủng, đồng châu” và tỏ lòng ngưỡng mộ Okuma.
Mùa xuân năm 1905, Phan và các đồng chí của ông đã tiến hành chuyến đi Nhật đầu tiên nhằm thực hiện sứ mệnh “quan trọng nhất, khó khăn nhất” của Duy tân hội là cầu viện Nhật Bản. Khi đến Nhật Bản, ông tới gặp Lương Khải Siêu (1873-1929) và trao đổi với Lương về “mưu cậy nhờ người Nhật giúp cho vũ khí để khởi binh đánh đổ chính phủ Pháp”[3]. Lương cho rằng, trong điều kiện hiện tại, “có khi nào Chính phủ Nhật chịu giúp khí giới cho các ông” và “nghĩ tới cách khác duy chỉ có mấy chính đảng của dân, họ đem sức riêng mà giúp nhà chính trị Nhật Bản... Ông mới hẹn tôi tới trung tuần tháng 5, đem tôi đi yết kiến Đại Ôi bá tước. Bá tước từng hai phen làm Thủ tướng, trước là công thần Duy tân mà nay là đầu Đảng Tiến bộ Nhật Bản, rất có thế lực trong Chúng nghị viện (Hạ viện)”[4].
Nhờ sự giới thiệu và giúp đỡ của Lương, Inukai Tsuyoshi (犬養毅), Kashiwabara Buntaro (柏原文太郎), Phan đã tiếp xúc và đàm luận với Okuma. Buổi đàm luận diễn ra tại dinh thự của Okuma ở Waseda (hiện nay nằm trong khuôn viên Đại học Waseda). Về phía Việt Nam có Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ, về phía Nhật có Okuma, Inukai, Kashiwabara. Ngoài ra còn có Lương Khải Siêu của Trung Quốc cùng tham dự. Nội dung đàm luận về hai vấn đề là khả năng Nhật viện trợ cho Việt Nam và phương hướng hoạt động của Việt Nam duy tân hội.
Okuma cho rằng, “quốc dân Nhật Bản vui lòng” giúp đỡ Việt Nam và các nước châu Á chống lại thực dân phương Tây. Tuy nhiên trong quan hệ quốc tế lúc bấy giờ, Chính phủ Nhật Bản không có khả năng viện trợ cho một tổ chức cách mạng Việt Nam chống Pháp. Vì “lấy dân đảng mà giúp cho các ngài thì được, nếu lấy binh lực mà giúp cho các ngài, thì nay là thì giờ chưa tới nơi. Hiện tình thế chiến tranh ở đời bây giờ, chẳng phải vấn đề riêng ở Pháp với Nhật, mà là vấn đề Âu Á hơn thua nhau. Nhật Bản muốn giúp quý quốc thì tất phải tuyên chiến với Pháp, Nhật - Pháp tuyên chiến thì chiến cơ động cả toàn cầu. Lấy sức Nhật Bản ngày nay mà tranh với toàn châu Âu thật chưa đủ sức. Các ngài có thể ẩn nhẫn được mà chờ cơ hội sau này không?”[5].
Về hoạt động của Việt Nam Duy tân hội, Okuma cho rằng, vì tương lai lâu dài cho cuộc vận động, cần phải ra hoạt động ở nước ngoài, từng bước khai sáng dân trí trong nước; về nhân sự nên đưa Hội chủ Cường Để sang Nhật Bản và hứa: “Các ngài nếu đem được đảng nhân các ngài ra đây, nước Nhật Bản thu dụng được hết”. Phan đánh giá cao thiện chí của Okuma “lúc bắt đầu xáp mặt nhau, tân chủ hoan hợp rất mực” và nêu rõ ý nghĩa của cuộc đàm luận: “Ngày ấy là ngày thứ nhất mà tôi tiếp xúc với người Nhật Bản”[6].
Sau cuộc đàm luận với Okuma, Phan quan sát, tìm hiểu thêm về tình hình Nhật Bản, hoạt động của người Trung Quốc ở Nhật Bản và nhận thức được rằng khả năng Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam chống Pháp vào thời điểm này là không thể, nhưng khả năng sử dụng Nhật Bản làm cứ điểm để các hoạt động cho cách mạng Việt Nam là có thể và việc chuẩn bị về tổ chức, bồi dưỡng cán bộ là vô cùng quan trọng, chứ “chỉ bo bo về quân khí nào phải là cái kế tuyệt hay để mưu tính công cuộc độc lập cho dân mình được đâu”[7].
Trên cơ sở những nhận thức đó, ông đã thay đổi phương hướng từ việc “cầu viện” sang việc sử dụng Nhật Bản làm căn cứ hoạt động cách mạng, tìm cách đưa Hội chủ Cường Để và các đồng chí sang Nhật và phát động phong trào đưa thanh niên sang Nhật Bản học tập và rèn luyện, chuẩn bị cán bộ cho phong trào đấu tranh giành độc lập. Như vậy, Okuma có vai trò rất quan trong trong sự thay đổi phương hướng hoạt động của Phan Bội Châu.
2. Tiếp xúc và giao lưu với Inukai Tsuyoshi (1855-1932)
Inukai Tsuyoshi (犬養毅/Khuyển-Dưỡng Nghị) hiệu Bokudo (木堂/Mộc-Đường) xuất thân trong một gia đình võ sĩ bậc trung, có truyền thống học vấn, ở làng Niwase (庭瀬), Bicchu (備中), nay thuộc tỉnh Okayama (岡山). Lúc nhỏ, ông theo học Hán học ở quê và sau đó ở Kurashiki. Năm 1875, Inukai lên Tokyo vừa làm phóng viên cho tờ Bưu điện Thông tri (郵便報知新聞) vừa học ở Trường Keio Gijuku (慶應義塾), tiền thân của Đại học Keio Gijuku nổi tiếng ngày nay. Đầu năm 1881, qua sự giới thiệu của Okuma và Fukuzawa Yukichi (福沢諭吉), Inukai được nhận vào làm Thư ký ở Tham nghị viện (参議院/Thượng viện) và từ đó trở thành trợ thủ thân cận của Okuma. Năm 1882, Inukai trúng cử vào Nghị viện Tokyo, khởi đầu tốt đẹp cho con đường hoạt động chính trị của ông. Cùng năm, Inukai tham gia thành lập Đảng Lập hiến cải tiến, phụ trách các vấn đề ngoại giao của đảng. Ông tích cực chủ trương thúc đẩy quan hệ kinh tế và văn hóa với các nước châu Á[8].
Như trên đã nói, khi sang Nhật Bản, qua sự giới thiệu của Lương Khải Siêu, Phan đã sớm tiếp xúc với Inukai. Từ đó, Inukai đã có nhiều hoạt động giúp đỡ phong trào Đông Du. Hoạt động giúp đỡ lớn nhất của Inukai là sắp xếp cho thanh niên Việt Nam vào trường học. Trong Niên biểu, Phan Bội Châu viết: “Tôi vừa đến Bính Ngọ hiên thì gấp gửi giấy cho ông Khuyển Dưỡng Nghị mưu với đồng đảng ba người gồm: Tế Xuyên hầu tước (細川侯爵/Hosokawa), ông này là Viện trưởng Đông Á đồng văn thư viện[9] (東京同文書院); Phúc Đảo Yên Chính (福島安正/Fukushima Yasumasa), ông này là Lục quân Đại tướng sang làm Tham mưu Bộ Tổng trưởng kiêm Chấn Vũ học hiệu (振武学校/Shimbu Gakko); Căn Tân Nhất (根津一/Nezu Hajime), ông này là Lục quân Thiếu tá làm Tổng cán sự cho Đông Á đồng văn hội. Lại có một người khác nữa là Bá Nguyên Văn Thái Lang (柏原文太郎/Kashiwabara Buntaro), ông này là một người rất giỏi của Khuyển Dưỡng Nghị, lo bôn tẩu sắp đặt hết mọi việc”[10].
Năm 1907, khi học sinh Việt Nam đến Nhật rất đông, Phan Bội Châu muốn gửi họ sang học bên Chấn Vũ học hiệu là một trường quân sự, ông lại một lần nữa nhờ đến Inukai và Fukushima. Song lần này Fukushima từ chối, không nhận được một số lượng học sinh Việt Nam lớn như vậy, vì ông lo ngại nếu Chính phủ Pháp biết được điều này thì sẽ gây khó khăn cho quan hệ ngoại giao Nhật - Pháp. Fukushima gợi ý rằng, nên nhờ Đông Á đồng văn hội, một tổ chức dân sự sắp xếp cho vào học ở Đông Kinh đồng văn thư viện thì tốt hơn. Phan viết tiếp: “Tôi y theo các lời trù hoạch ấy, mới nhờ ông Khuyển Dưỡng Nghị, ông Phúc Đảo, hai ông ấy giới thiệu tôi với ông Oa Đảo hầu tước (鍋島侯爵/ Nabeshima) là Đông Á đồng văn hội trưởng, ông Tế Xuyên hầu tước là Đồng văn viện trưởng... Các người ấy đều nhận lời vì chúng tôi mà xuất lực trù biện. Nhà học hiệu đặt tên là Đông Á đồng văn thư viện”[11].
Vào cuối năm 1908, khi thực dân Pháp với sự cộng tác của nhà đương cục Nhật Bản gây sức ép để giải tán lưu học sinh Việt Nam, Phan Bội Châu vấp phải một vấn đề rất nan giải là không đủ tiền để làm kinh phí cho học sinh về nước. Một lần nữa, Phan Bội Châu lại nhờ đến Inukai. Inukai đã thuyết phục Công ty Bưu thuyền Nhật Bản (日本郵船会社) cấp cho 100 vé tàu từ Yokohama sang Hồng Kông hết khoảng 2000 yên và bản thân Inukai cũng cấp thêm 2000 yên để làm lệ phí đi về. Đó là khoản tiền lớn lúc bấy giờ. Không có sự giúp đỡ nhiệt tâm của Inukai thì chắc chắn tình trạng của lưu học sinh sẽ trở nên bi thảm hơn.
3. Tiếp xúc và giao lưu với Kashiwabara Buntaro
Kashiwabara Buntaro (柏原文太郎/ Bá Nguyên Văn Thái Lang, 1869-1936) sinh ở Narita-cho (成田町), tỉnh Chiba (千葉県) trong một gia đình nông dân có nghề nấu rượu truyền thống. Lúc nhỏ ông theo học Hán học ở quê, sau đó vào học ở Trường Nông nghiệp Komada (駒田農業学校). Năm 1899, ông vào học Trường chuyên môn Tokyo (東京専門学校), một trường chuyên nghiệp nổi tiếng do Okuma sáng lập. Năm 1891, ông tốt nghiệp khoa Anh ngữ - Chính trị. Ra trường ông được giữ lại làm giáo viên. Trong thời gian theo học ở đây, ông đã tham gia vào các tổ chức có hoạt động liên quan tới các nước châu Á như Đồng nhân hội (同人会), Đông Á hội (東亜会) và Đồng văn hội (同文会).
Năm 1904, Đông Kinh đồng văn thư viện (東京同文書院), một trường học thuộc tổ chức Đông Á đồng văn hội chuyển về Koishikawa (小石川). Cùng năm Kashiwabara được cử làm Viện phó của viện này.
Niên biểu ghi lại rằng, trong lần gặp gỡ đầu tiên của Phan với Okuma và các chính khách Nhật Bản có sự tham gia của Kashiwabara. Trong lần gặp đó Kashiwabara đã để lại ấn tượng rất sâu sắc cho Phan. Phan ghi lại như sau: “Ở trong khoảng ngồi đó có ông Bá Nguyên Văn Thái Lang là Nghị viên của Chúng nghị viện Nhật Bản. Ông xem hết những giấy bút đàm của tôi với ba người (Okuma, Inukai và Lương) thì nói với tôi rằng: “Tôi ngày nay thấy các ngài như được đọc cổ hào kiệt truyện ở trong tiểu thuyết. Bởi vì người Việt Nam đến đất Phù Tang này, mà có tiếp xúc với sĩ phu nước tôi, thực ông là người thứ nhất”. Phan cảm kích bởi những nhận xét của Kashiwabara, ông viết: “Tôi nghĩ đến đó khiến trong lòng đau đớn biết chừng nào! Nghĩ vì cớ sao mà nước ta từ xưa đến nay không ai biết lo xa, mà cái mưu của người Pháp o bế mình sao mà cùng công cực sảo đến như thế”[12].
Như trên đã đề cập, khi học sinh Việt Nam đến Nhật Bản, vấn đề đầu tiên là sắp xếp cho họ vào học tập tại các trường của Nhật Bản. Phan lại nhờ đến Inukai và Kashiwabara. Kashiwabara đã nhận học sinh đầu tiên người Việt Nam là Lương Nghị Khanh vào học ở Đông Kinh đồng văn thư viện. Năm 1907, khi một số lượng lớn học sinh Việt Nam đến Nhật Bản, nhờ sự giúp đỡ của Kashiwabara, tất cả đều được nhận vào Đông Kinh đồng văn thư viện. Tài liệu phía Nhật Bản cho biết, số học sinh này được Kashiwabara bố trí cho ăn ở trong ký túc xá của Đồng văn thư viện hay Trường Thương nghiệp Đông Á (東亜商業学校). Ông còn dành riêng 5 phòng học cho học sinh Việt Nam. Hơn nữa, khi Phan Bội Châu, Cường Để thành lập Việt Nam công hiến hội, Đồng văn thư viện cho mượn hội trường làm nơi sinh hoạt và trên thực tế trở thành trung tâm hoạt động của lưu học sinh Việt Nam. Việc đó không thể thiếu sự giúp đỡ của Kashiwabara, người phụ trách chủ yếu của viện này.
Ngoài các hồi ký của Phan như đã nêu trên, ở Nhật Bản cũng có những tài liệu đề cập đến sự giúp đỡ của Kashiwabara đối với hoạt động của người Việt Nam tại Nhật Bản. Trong cuốn Truyện ký về các chí sĩ tiền bối Đông Á (東亜先覚志士記伝) cho biết Phan Bội Châu đã tiếp xúc với Kashiwabara trước rồi mới tiếp xúc với Okuma và Inukai. Như vậy, Kashiwabara đã có mặt trong những lần đầu tiên mà Phan tiếp xúc với các chính khách Nhật Bản để luận bàn về kế hoạch cầu viện của Duy tân hội cũng như sắp xếp cho lưu học sinh Việt Nam vào học ở các trường học của Nhật Bản. Tài liệu trên ghi cụ thể: “Số lượng học sinh An Nam ở Tokyo lên tới 100 người, đại bộ phận rõ ràng đã vào học ở Đông Kinh đồng văn thư viện”… “Kashiwabara đã đưa một số học sinh nhỏ tuổi về nhà mình ở, coi các em như con cái trong nhà. Các em cũng gọi vợ chồng Kashiwabara là bố mẹ, như thân sinh của mình” [13]. Điều này cũng hợp với hồi ký của Trần Trọng Khắc khi nói về việc ăn ở, học tập của một số thiếu niên Việt Nam ở Nhật Bản lúc đó: “Ba trẻ em Việt Nam dưới 10 tuổi ở nhà một ông đại nghị sĩ Nhật Bản để theo học một trường quốc dân tiểu học cùng với trẻ em Nhật Bản đồng học”[14]. Ông đại nghị sĩ ở đây không ai khác là Kashiwabara và trường quốc dân tiểu học đây là trường tiểu học Koishikawa như đã đề cập ở trên.
Trong bài nghiên cứu của Ogawa Hiroshi, tác giả có viết rằng vào các năm 1915 và 1924, khi đang hoạt động ở Trung Quốc, Phan Bội Châu có gửi thư cho Kashiwabara Buntaro. Thật đáng tiếc là tác giả không đề cập đến nội dung của các bức thư trên nhưng điều này cho thấy quan hệ giữa Kashiwabara với Phan vẫn tiếp tục được duy trì trong một thời gian khá dài sau khi phong trào Đông Du tan rã[15].
4. Tiếp xúc với Miyazaki Toten (1871-1922)
Miyazaki Toten (宮崎滔天) là một nhà hoạt động xã hội, hoạt động cách mạng nổi tiếng của Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Miyazaki Toten, tên thật là Torazo (寅蔵), sinh ra tại làng Arao (荒尾) thuộc tỉnh Kumamoto (熊本). Lúc còn nhỏ, ông theo học tại Trường Oe Gijuku (大江義塾) do nhà tư tưởng dân quyền nổi tiếng Tokutomi Soho quản lý và trực tiếp giảng dạy. Sau đó ông chuyển sang học Trường chuyên môn Tokyo do Okuma Shigenobu quản lý. Có thể nói ông đã từng học ở những ngôi trường danh giá của Nhật Bản lúc bấy giờ. Cha ông Miyazaki Chozo (長蔵) và người anh Yazo (弥蔵) cũng là các nhà lãnh đạo của Đảng Dân quyền Kumamoto (熊本民権党). Có thể nói, tinh thần tự do dân quyền là tư tưởng, là niềm tin tuyệt đối của ông và gia tộc Miyazaki.
Tuy nhiên, sau khi phong trào tự do dân quyền ở Nhật Bản tan rã, Miyazaki hướng sự quan tâm và kỳ vọng đến cách mạng Trung Quốc. Ông quyết định rời Nhật Bản sang Trung Quốc để hoạt động cách mạng.
Năm 1897, ông tiếp xúc với Tôn Trung Sơn (1866-1925)[16] và nhanh chóng trở thành bạn tâm giao với Tôn. Cũng từ đó, Miyazaki trở thành một trong những người Nhật Bản ủng hộ nhiệt thành và có hiệu quả phong trào cách mạng Trung Quốc. Miyazaki là nhân vật quan trọng trong quá trình thống nhất các tổ chức cách mạng Trung Quốc cách mạng đồng minh hội (中国革命同盟会) ở Tokyo năm 1905.
Sau đó, Miyazaki cho xuất bản tờ báo Bình luận cách mạng (革命評論) kêu gọi sự ủng hộ của các phong trào cách mạng ở Trung Quốc. Sau Chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905), số lượng thanh niên Trung Quốc sang du học tại Nhật Bản ngày càng tăng, Miyazaki đã tích cực hoạt động giúp đỡ họ và tuyên truyền tư tưởng “liên kết thế giới” cho họ. Sau Cách mạng Tân Hợi năm 1911, Miyazaki tiếp tục cống hiến hết mình cho cuộc cách mạng Trung Quốc. Những hoạt động ủng hộ cách mạng Trung Quốc và các tác phẩm viết của ông được đánh giá cao ở Trung Quốc.
Khi hoạt động ở Nhật Bản, Phan đã tiếp xúc, giao lưu với Tôn và qua Tôn đã tiếp xúc được với Miyazaki. Theo Niên biểu, Phan Bội Châu tiếp xúc với Miyazaki lần đầu do chính Tôn giới thiệu. Về thời gian và địa điểm hai ông gặp nhau thì căn cứ vào bức thư Phan gửi cho Miyazaki được in trong Miyazaki Toten Toàn tập(宮崎滔天全集) có đoạn viết: “trước đây trong một bữa tiệc của Tôn Dật Tiên tiên sinh vào tháng 11 năm Meiji thứ 38 (năm 1905), tôi đã một lần kính chào Ngài tại Trí Trung Đường ở Yamashita-cho (山下町), Yokohama (横浜), tôi hân hoan cảm kích vô cùng”. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Shiraishi Masaya, về thời gian vào tháng 11 năm 1905 thì không chính xác. Bởi vì Tôn đã rời Nhật vào tháng 10 năm 1905 và trở lại Nhật cuối tháng 12 năm 1905, cho nên hai ông chỉ gặp nhau khoảng tháng 7 đến tháng 9 năm 1905 mà thôi[17].
Về nội dung cuộc gặp và đàm luận đầu tiên với Miyazaki, trong Niên biểu, Phan viết:
“Năm Mậu Thân (1908), mùa đông, tháng 10, việc giải tán học sinh đã xong rồi, Công hiến hội đã chết rồi. Tôi biết Nhật Bản không thể trông mong được nữa, chuyển khuynh hướng về cách mạng Trung Hoa và hy vọng vào các dân tộc đồng bệnh với ta, nên lại nhớ đến ông Tôn Trung Sơn. Ông Tôn giới thiệu cho tôi một người là Cung Kỳ Thao Thiên (Miyazaki Toten). Người ấy là một tay lãng nhân nước Nhật Bản, mà tư tưởng toàn thế giới cách mạng lại chứa chất rất nhiều. Tôi thoạt đầu gặp ông Cung Kỳ Thao Thiên, ông nói với tôi rằng: “Thế lực một mình nước Việt Nam tất không đánh đổ được Pháp thế thì cầu giúp các nước láng giềng cũng lẽ phải. Nhưng mà Nhật Bản làm gì giúp cho các ngài được. Nhật Bản chính trị gia tất thảy giàu về phần dã tâm mà nghèo về phần nghĩa hiệp. Ông khuyên các thanh niên nên học tiếng Anh hay tiếng Nga, tiếng Đức để giao kết với người thế giới cho thiệt nhiều, tuyên bố tội ác nước Pháp, khiến cho người thế giới được nghe thấy. Trọng nhân đạo ghét cường quyền, thế giới chắc không thiếu hạng người ấy, mà duy chỉ có hạng người ấy mới giúp được cho các ông”. Tôi lúc đầu chưa lấy lời ấy làm tin, thì nay mới cho là nghiệm, mà tư tưởng liên kết thế giới cũng vì đó mà nảy ra”[18].
Cũng theo bức thư mà Phan Bội Châu gửi cho Miyazaki Toten, chúng ta biết được rằng lần gặp gỡ lần thứ hai giữa hai ông diễn ra vào tháng 9 năm 1906 tại trụ sở báo Bình luận cách mạng do Miyazaki là chủ quản ở Tokyo. Trong “Nhật ký biên tập” (編輯日記) của tờ báo ngày còn ghi rõ: Ngày 3 tháng 9 (1906) có hai vị chí sĩ An Nam tới thăm”. Trong lần gặp này, Miyazaki hỏi thăm tình hình Việt Nam khiến Phan rất cảm động: “Tình cảm cao quý của hào kiệt bổng nhiên làm tôi nhớ lại tình cảm mạnh mẽ của con trai Phù Tang”. Sau lần gặp ấy, Phan về nước một thời gian. Ngay khi trở lại Nhật Bản, ông viết thư cho Miyazaki mong muốn được gặp một lần nữa: “Có dịp được gặp ngài lần nữa tôi muốn tăng thêm tình cảm tốt đẹp và được thổ lộ hết những tư tưởng tràn ngập trong lòng. Liệu tôi có gặp được một người quắc thước vĩ đại được không? Vì biết tin ngài Miyazaki đang đi công tác cho nên tôi rất muốn ngài cho biết tình hình sau khi trở về Tokyo”[19].
Nhờ tiếp xúc với Miyazaki và theo lời khuyên của Miyazaki, Phan và các đồng chí của ông đã tiến hành hoạt động “liên kết châu Á”. Đó cũng là động cơ để Phan và các đồng chí của ông tham gia và hoạt động trong tổ chức Á châu hòa thân hội[20], một tổ chức liên kết các nhà hoạt động châu Á ở Nhật Bản vì mục đích chung là chống chủ nghĩa thực dân phương Tây, bảo vệ những giá trị châu Á.
Như vậy, có thể tin rằng Miyazaki Toten thực sự là một trong những người Nhật Bản có ảnh hưởng đáng kể đến lịch sử phong trào cách mạng Việt Nam.
5. Kết luận
Trong những năm tháng hoạt động trên đất Nhật, Phan đã để lại một nghiệp tích lớn, tạo ra một mốc son trong lịch sử quan hệ Việt Nam và Nhật Bản. Một trong những nhân tố tạo nên nghiệp tích ấy là nhờ Phan Bội Châu đã tiếp xúc, giao lưu được với nhiều nhân vật nổi tiếng trong xã hội Nhật Bản đầu thế kỷ XX và tiếp nhận sự giúp đỡ và ảnh hưởng của họ để tiến hành phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Qua việc giới thiệu sự tiếp xúc và giao lưu của Phan với các nhà chính trị, nhà hoạt động xã hội nói trên, chúng ta có thể rút ra những kết luận sau:
Một là, trong 4 năm (1905-1909) hoạt động ở Nhật Bản, Phan đã tiếp xúc, gặp gỡ, đàm luận với nhiều chính khách và các nhà hoạt động xã hội của Nhật Bản. Nếu như Okuma, Inukai là các chính khách tiêu biểu của Nhật Bản thì Kashiwabara là nhà quản lý và giáo dục lưu học sinh nước ngoài (Trung Quốc, Việt Nam). Ngược lại Miyazaki lại là nhà cách mạng, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, nhiệt tình ủng hộ cách mạng Trung Quốc và châu Á. Như vậy, Phan đã tiếp xúc với nhiều nhà chính trị, nhà hoạt động xã hội đa dạng, có quan điểm khác nhau, có khi đối lập nhau. Nhờ vậy, Phan nắm bắt đầy đủ và phong phú hơn, tiếp nhận nhiều ý kiến đa dạng, đa chiều hơn để hình thành nhận thức đầy đủ hơn về bối cảnh quốc tế, tình hình châu Á, nội tình Nhật Bản và kịp thời điều chỉnh phương hướng hoạt động của phong trào cách mạng mà ông đang lãnh đạo.
Hai là, khi tiếp xúc và đàm luận với họ, Phan đã “thu hoạch” được rất nhiều thành quả. Tiếp xúc với Okuma, Phan đã nhận được những lời khuyên rất có giá trị để nhận thức mới về tình hình quốc tế và khu vực, góp phần tác động đến sự thay đổi phương hướng hoạt động từ “cầu viện” sang sử dụng Nhật Bản làm cứ điểm hoạt động cách mạng. Còn khi tiếp xúc với Inukai, Phan đã tiếp nhận rất nhiều giúp đỡ về việc sắp xếp cho học sinh Việt Nam vào các trường học ở Nhật Bản. Tiếp xúc với Kashiwabara, Phan được ông giúp đỡ rất nhiều trong việc tiếp nhận hầu hết du học sinh Việt Nam vào trường ông quản lý để học tập. Ông còn lo chỗ ở, sinh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khác của người Việt Nam ở Nhật Bản. Còn khi tiếp xúc với nhà hoạt động xã hội Miyazaki, đàm luận với ông về mưu đồ kháng Pháp khôi phục lại độc lập cho Việt Nam, Phan nhận được những nhận xét có tính phê phán Chính phủ Nhật Bản và tầm nhìn liên kết thế giới.
Ba là, trong quá trình hoạt động ở Nhật Bản, tất nhiên Phan có tiếp xúc với nhiều nhân vật đại biểu cho các tầng lớp xã hội khác. Ông tiếp xúc với các chính trị gia như Fukushima Yasumasa, Đại tướng, Hiệu trưởng Chấn vũ học hiệu; Nabeshima Naohiro, Hầu tước, Hội trưởng Đông Á đồng văn hội; Hosokawa Morishige, Hầu tước, Viện trưởng đầu tiên của Đông Kinh đồng văn thư viện… Tuy vậy, các chính trị gia này không để lại ấn tượng nhiều cho Phan. Trường hợp với bác sĩ Asaba Sakitaro (1867-1910) thì lại khác. Phan tiếp xúc với bác sĩ không nhiều nhưng nghĩa cử, sự hào hiệp của ông, thái độ ứng xử và cả những lời nói của ông lại để lại cho Phan một ấn tượng sâu sắc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. 黒龍会編『東亜先覚志士紀伝』中巻, 原書房, 1977年 (Hắc Long hội (biên tập), Truyện ký về chí sĩ tiên phong Đông Á, Quyển Trung, Nxb Hara Shobo, 1977).
2. 木堂先生伝記刊行会編『犬養木堂伝』中巻, 東洋経済新報社 1968年 (Hội phát hành truyện ký Bokudo Tiên sinh (biên tập), Inuka Bokudo tiên sinh truyện, Quyển Trung, Nxb Toyo Keizai Shimpo,1968).
3. 柏原文太路『 安南学生教育顛末』1909年1月25日, 日本外交史料館 (Kashiwabara Buntaro, “Ngọn nguồn về việc giáo dục học sin An Nam”, Báo cáo ngày 25 tháng 1 năm 1909, Nhật Bản ngoại giao sử liệu quán.
4. 『宮崎滔天全集』 第一巻平凡社1971年 (Miyazaki Toten toàn tập, Tập 1, Nxb Heibonsha, 1971.
5. 長岡新次郎-川本邦衛編『ヴェトナム亡国史他』平凡社 1966年 (Nagaoka Shinjiro-Kawamoto Kunie (biên tập), Việt Nam vong quốc sử và những bài khác, Nxb Heibinsha, 1966.
6. Ngục trung thư, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 3, Nxb Thuận Hóa, 1990.
7. 小川博「柏原文太郎と中島栽之『社会科学討究』第101号 1989年(Ogawa Hiroshi, “Kashiwabara Buntaro van Nakajima Saishi”, Nghiên cứu Khoa học xã hội, số 101, 1989.
8. Phan Bội Châu niên biểu (viết tắt là Niên biểu), trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 6, Nxb Thuận Hóa, 1990.
9. 白石昌也「ファン・ボイ・チャウ(ベトナム)と宮崎滔天・孫文との日本における接触」『タイ・ベトナムと日本』大阪外国語大学 1984年 (Shiraishi Masaya, “Sự tiếp xúc giữa Phan Bội Châu (Việt Nam) với Miyazaki Toten và Tôn Văn ở Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản, Đại học Ngoại ngữ Osaka, 1984.
10. 白石昌也『ベトナム民族運動と日本・アジア- ファン・ボイ・チャウの革命思想と対外認識―』巌南堂1993年 (Shiraishi Masaya, Phong trào dân tộc Việt Nam với Nhật Bản và châu Á - Tư tưởng cách mạng và nhận thức đối ngoại của Phan Bội Châu, Nxb Gannando, 1993).
11. Trần Trọng Khắc, Năm mươi bốn năm hải ngoại, Sài Gòn xuất bản, 1971.
[1] PGS.TS., Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
[2] Từ đây trở đi tên của các nhân vật lịch sử phần lớn sẽ được viết tắt. Ví dụ Okuma Shigenobu sẽ viết là Okuma, Phan Bội Châu sẽ viết là Phan; Lương Khải Siêu sẽ viết là Lương; Tôn Trung Sơn sẽ viết là Tôn…
[3] Phan Bội Châu (1990), Ngục trung thư, Phan Bội Châu toàn tập, Tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 182.
[4] Phan Bội Châu niên biểu, Phan Bội Châu toàn tập, Tập 6, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1990, tr. 93.
[5] Phan Bội Châu niên biểu, Sđd, tr. 94.
[6] Phan Bội Châu niên biểu, Sđd, tr. 96-97.
[7] Phan Bội Châu, Ngục trung thư, Sđd, tr. 188.
[8] Hội phát hành truyện ký Bokudo tiên sinh (biên tập), Inuka Bokudo tiên sinh truyện, Quyển Trung, Nxb Toyo Keizai Shimpo,1968, tr. 231. Bokudo, đọc theo âm Hán - Việt là Mộc Đường, là hiệu của Ikukai.
[9] Thực ra là Đông Kinh đồng văn thư viện mới đúng, tuy nhiên khi trích dẫn, tôi vẫn giữ nguyên văn bản của Phan.
[10] Phan Bội Châu niên biểu, Sđd, tr.114-115.
[11] Phan Bội Châu niên biểu, Sđd, tr. 119.
[12] Phan Bội Châu niên biểu, Sđd, tr. 97.
[13] Hắc Long hội (biên tập), Truyện ký về các chí sĩ tiền bối Đông Á, Quyển Trung, Hara Shobo tái bản, 1977, tr. 818-821.
[14] Trần Trọng Khắc, Năm mươi tư năm hải ngoại, Sài Gòn, 1971, tr. 28-29.
[15] Ogawa Hiroshi, “Kashiwabara Buntaro và Nakajima Saishi”, Nghiên cứu Khoa học xã hội, số 101, 1989, tr. 7.
[16] Tên thật là Tôn Văn (孫文), hiệu Dật Tiên (逸仙)
[17] Theo Shiraishi Masaya, Phong trào dân tộc Việt Nam với Nhật Bản và châu Á - Tư tưởng cách mạng và nhận thức đối ngoại của Phan Bội Châu, Nxb Gannando, 1993, tr. 548 (bản tiếng Nhật).
[18] Phan Bội Châu niên biểu, Sđd, tr.178-179.
[19] Theo Shiraishi Masaya, Sđd, tr. 548.
[20] Phan nhầm là Đông Á đồng minh hội.