Trần Thu Minh1
Tóm tắt: Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật trên thế giới, kinh tế số đã trở thành một động lực tăng trưởng trong phát triển kinh tế ở Trung Quốc suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, tình trạng độc quyền trong nền kinh tế số, bao gồm độc quyền trong nền kinh tế nền tảng khiến Bắc Kinh phải gấp rút tăng cường xây dựng và hoàn thiện các quy định và chế tài chống độc quyền. Bài viết nhận diện thực trạng độc quyền trong nền kinh tế nền tảng ở Trung Quốc; đồng thời phân tích các giải pháp chống độc quyền của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Từ khóa: Kinh tế số, kinh tế nền tảng, Trung Quốc, độc quyền, chống độc quyền
C |
ùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật trên thế giới, trong suốt 20 năm qua, nền kinh tế số của Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc về chất. Thuật ngữ “kinh tế số” (digital economy) sử dụng rộng rãi hiện nay được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn G20 vào tháng 9/2016: “kinh tế số là một loạt các hoạt động kinh tế trong đó sử dụng thông tin và tri thức được số hóa làm yếu tố chính của sản xuất, coi mạng thông tin hiện đại như một không gian hoạt động quan trọng và sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin và truyền thông như một động lực quan trọng nhằm tăng năng suất và tối ưu hóa cơ cấu kinh tế”[2]. Kinh tế số Trung Quốc ngày càng phát triển về quy mô, vươn lên đứng thứ hai thế giới từ năm 2018, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế mới của Trung Quốc. Từ năm 2016 đến 2021, quy mô kinh tế số Trung Quốc tăng gấp đôi, từ 22.600 tỉ nhân dân tệ lên 45.500 tỉ nhân dân tệ; tỉ trọng kinh tế số đã tăng lên mức 39,8% GDP của Trung Quốc năm 2021[3]. Theo thống kê của CBInsights (Mỹ), tính đến cuối tháng 9 năm 2022, trên thế giới có tất cả 1199 “kỳ lân” (các công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị hơn 1 tỉ USD), trong đó các công ty Trung Quốc chiếm 14,4%, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ[4]. Nền kinh tế số Trung Quốc sở dĩ có thể phát triển mạnh mẽ như vậy là nhờ các chính sách hỗ trợ, chính sách quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế số của Chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là việc bảo hộ thị trường công nghệ số trong nước để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, khẳng định vị thế độc quyền.
“Kinh tế nền tảng” (platform economy) là một phần của nền kinh tế mà tại đó các hoạt động kinh tế và xã hội được diễn ra trên các nền tảng kỹ thuật số (digital platform)[5]. Khái niệm “nền tảng” là để chỉ mô hình kinh doanh thông qua công nghệ số trên mạng internet, khiến hai hay nhiều nhóm người dùng có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau tiến hành trao đổi thông qua những quy tắc được đề ra trong một không gian xác định, nhằm cùng tạo ra giá trị chung. “Kinh tế nền tảng” là phương thức tổ chức và mô hình kinh doanh kiểu mới dựa vào nền tảng và những người kinh doanh sử dụng nền tảng, là một hình thái kinh tế mà nền tảng internet sẽ tiến hành điều phối sắp xếp các nguồn tài nguyên[6].
Đặc trưng điển hình của thời đại kinh tế số là kinh tế nền tảng, kinh tế nền tảng là phương thức tổ chức mới của lực lượng lao động trong thời đại số hóa. Trải qua hơn 20 năm phát triển nhanh chóng, vị trí và vai trò của nền kinh tế nền tảng trong phát triển kinh tế xã hội và sáng tạo khoa học kỹ thuật của Trung Quốc đã ngày càng trở nên rõ nét hơn. Tính đến năm 2021, có khoảng 197 doanh nghiệp nền tảng internet có giá trị thị trường trên 1 tỷ USD tại Trung Quốc, trong đó quy mô giá trị thị trường của 5 doanh nghiệp đứng đầu trong thị trường nền tảng đã vượt mốc 2003,1 tỷ USD, tổng quy mô giá trị vượt 3,5 nghìn tỉ USD. Đáng chú ý, hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế nền tảng rất sôi động, số lượng các “kỳ lân” có quy mô từ 1-10 tỷ USD không ngừng gia tăng, không những thế, những “kỳ lân” này đang nhanh chóng trở thành các doanh nghiệp nền tảng lớn. Nền kinh tế nền tảng của Trung Quốc đang phát huy vai trò dẫn dắt trong sự phát triển của nền kinh tế số, thể hiện sức sống sức sáng tạo to lớn[7].
Tuy nhiên, cũng nhờ việc bảo hộ thị trường công nghệ số, cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc, hiện tượng độc quyền trong nền kinh tế số mà nổi bật là trong nền kinh tế nền tảng trở nên ngày càng tràn lan trong thời gian gần đây, như việc “dùng dữ liệu để phân biệt giá với người dùng” (大数据杀熟), buộc người kinh doanh “chọn một trong hai nền tảng” (二选一), nhà khai thác nền tảng lạm dụng dữ liệu khách hàng… Trong bối cảnh đó, việc tăng cường xây dựng các quy định và chế tài chống độc quyền đối với nền kinh tế số nói chung và nền kinh tế nền tảng nói riêng sẽ là yêu cầu tất yếu đối với Bắc Kinh. Bài viết sẽ nhận diện các hành vi độc quyền chủ yếu trong nền kinh tế nền tảng ở Trung Quốc thời gian gần đây, phân tích các biện pháp chống độc quyền của Chính phủ Trung Quốc cũng như một số thách thức mà chính phủ phải đối mặt trong cuộc chiến này.
1. Thực trạng độc quyền trong nền kinh tế nền tảng ở Trung Quốc
Quá trình đổi mới phát triển của kinh tế số đã thể hiện đặc điểm “con dao hai lưỡi” của nền kinh tế. Một mặt, kinh tế số tạo ra số lượng lớn những ngành nghề mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, đem lại nhiều lợi ích to lớn cho người tiêu dùng và xã hội; nhưng mặt khác, nó cũng làm xói mòn quy mô của thị trường truyền thống, thậm chí phá vỡ các quy tắc vận hành của các ngành nghề truyền thống[8]. Độc quyền trong kinh tế số, bao gồm độc quyền trong kinh tế nền tảng cũng là vấn đề gây ảnh hưởng đến sự cạnh tranh công bằng trên thị trường, gây hại cho sự phát triển lành mạnh của cả nền kinh tế. Những hành vi độc quyền trong kinh tế nền tảng ở Trung Quốc thời gian gần đây chủ yếu bao gồm: từ chối và hạn chế giao dịch, tập trung kinh tế, thông đồng trong thuật toán và thao túng dữ liệu.
Thứ nhất, từ chối và hạn chế giao dịch, đáng chú ý nhất là hiện tượng buộc các doanh nghiệp thương mại điện tử phải “chọn một trong hai”. Các doanh nghiệp bị yêu cầu chỉ được hợp tác với nền tảng hoặc chủ thể đó, không được phép hợp tác với một số đối thủ cạnh tranh của nền tảng hoặc chủ thể đó; thông qua đó, nền tảng hoặc chủ thể này sẽ tăng cường được ưu thế của mình. Đây được coi là hành vi độc quyền hạn chế cạnh tranh. Ví dụ, năm 2019, trong vụ án Douyin (phiên bản quốc tế là Tiktok) kiện Tencent vì người dùng không thể mở Douyin trực tiếp trên các nền tảng như Wechat hay QQ.
Thứ hai, tập trung kinh tế, trong lĩnh vực kinh tế số chủ yếu thể hiện ở việc mua lại và sáp nhập kiểu “bức tử”, tức là các doanh nghiệp chiếm vị trí ưu thế trong thị trường chèn ép các đối thủ cạnh tranh tiềm năng[9]. So với các ngành nghề truyền thống, ranh giới của việc mua lại và sáp nhập trong các doanh nghiệp nền tảng internet ngày càng trở nên mơ hồ. Tencent và Alibaba đã mua lại và sáp nhập rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực, như mạng xã hội, nền tảng đám mây, nền tảng phục vụ ăn uống, công cụ tìm kiếm, cổng thông tin, phát triển phần mềm, giao thông vận tải, điện ảnh, giáo dục trực tuyến… Theo số liệu thống kê của nền tảng tra cứu thông tin doanh nghiệp Qichacha (企查查), từ năm 2010 đến ngày 14/12/2020, các doanh nghiệp internet ở Trung Quốc đã tiến hành tất cả 542 vụ mua lại và sáp nhập, trong đó năm 2018 có 97 vụ, 2019 có 57 vụ, 2020 có 65 vụ[10]. Điều đáng chú ý là, sau khi các doanh nghiệp nền tảng lớn thu mua các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như không đầu tư nhiều vào phát triển doanh nghiệp đó, mà sẽ cho đóng cửa các doanh nghiệp vừa và nhỏ này. Thực chất việc mua lại và sáp nhập này là hành động mang tính độc quyền khi các doanh nghiệp lớn mua lại các doanh nghiệp có tiềm năng cạnh tranh nhằm củng cố địa vị chi phối trong thị trường. Hành vi độc quyền này có ảnh hưởng tiêu cực đến sự sáng tạo kỹ thuật cũng như tính tích cực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ ba, thao túng dữ liệu. Các nền tảng coi việc thu thập các dữ liệu cá nhân liên quan đến khách hàng là công cụ trao đổi nhằm phục vụ khách hàng. Sau khi thu thập các dữ liệu này, thông qua việc tổng hợp, phân tích, có thể nhanh chóng đem ra để sử dụng nhiều lần với chi phí cận biên bằng 0. Chỉ cần khách hàng tiếp tục sử dụng, nền tảng sẽ có thể tiếp tục thu thập được những dữ liệu mới. Với nguồn dữ liệu vô tận này, nền tảng còn có thể thâm nhập vào các lĩnh vực liên quan khác và hình thành ưu thế độc quyền liên thị trường, từ đó củng cố địa vị ưu thế độc quyền của nền tảng trong cả lĩnh vực. Hành vi độc quyền trong thị trường yếu tố dữ liệu đang ngày càng xuất hiện nhiều, ví dụ như việc Didi mua lại Uber Trung Quốc, hay việc Wechat cấm Lark. Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số ở Trung Quốc chắc chắn sẽ thúc đẩy thị trường yếu tố dữ liệu tiếp tục xuất hiện, đòi hỏi sự bắt kịp của hệ thống pháp luật liên quan.
Thứ tư, thông đồng về thuật toán. Thuật toán là công cụ nhằm thực hiện các nhu cầu khác nhau thông qua việc thao tác theo các hướng dẫn rõ ràng. Thông qua các thuật toán được cá nhân hóa, người cung cấp dịch vụ có khả năng phân tích, đánh giá xu thế của thị trường, họ sẽ cài đặt định giá khác nhau đối với các nhóm khách hàng khác nhau, nhằm thu được lợi nhuận tối đa. Theo một nghiên cứu của Đại học Phúc Đán, nếu dùng điện thoại iphone gọi xe rất dễ bị chuyển xe khác, hoặc phải trả giá cao hơn cho mỗi chuyến xe; trong khi đó, nếu dùng điện thoại không phải iphone, thì giá điện thoại càng cao, chi phí mỗi chuyến xe cũng sẽ cao hơn[11]. Sự phân biệt về giá cả này sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh không lành mạnh, tăng cường cơ hội cho các giao dịch bất thường, do đó trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến cạnh tranh thị trường. Tuy nhiên, trong các thuật toán thường bao gồm nhiều kế hoạch phát triển chiến lược nền tảng, luôn được coi là bí mật cốt lõi của doanh nghiệp và không công khai với bên ngoài. Một mặt, người dùng không biết các dữ liệu của mình được dùng để thiết kế trong thuật toán nào, mặt khác, nền tảng thông qua các thuật toán để “lách luật”, cạnh tranh không công bằng, nhằm củng cố hơn nữa vị trí độc quyền của mình.
Như vậy, có thể thấy, cùng với sự phát triển của kinh tế số ở Trung Quốc, một loạt doanh nghiệp nền tảng như Alibaba, Tencent, Baidu, Jingdong… đã ra đời và có ảnh hưởng to lớn đối với mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa của nước này. Tuy nhiên, một số hành vi độc quyền của các doanh nghiệp nền tảng đi đầu như lạm dụng vị trí chi phối trong thị trường để từ chối hay hạn chế giao dịch, tập trung kinh tế, thao túng dữ liệu, thông đồng về thuật toán… đang ngày càng trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Điều này buộc Bắc Kinh phải xây dựng một loạt biện pháp chống độc quyền nhằm hạn chế những hệ lụy mà hiện tượng này mang lại.
2. Các biện pháp chống độc quyền trong nền kinh tế nền tảng của Trung Quốc
Đối mặt với tính chất biến đổi nhanh chóng, khó nắm bắt của các hành vi độc quyền trong nền kinh tế số nói chung và nền kinh tế nền tảng nói riêng, Chính phủ Trung Quốc cũng đã dùng nhiều biện pháp khác nhau nhằm hạn chế, chống lại các hành vi mang tính độc quyền này. Từ năm 2021 đến nay, các biện pháp được đưa ra chủ yếu bao gồm: tái cấu trúc lại cơ quan chống độc quyền; hoàn thiện các quy định pháp luật về chống độc quyền; tăng cường mức độ kiểm soát và xử phạt các hành vi độc quyền.
Thứ nhất, cơ cấu lại cơ quan chống độc quyền. Từ năm 2018, Trung Quốc tiến hành cải cách các cơ quan nhà nước, theo đó, công tác chống độc quyền của Bộ Thương mại, Ủy ban cải cách và phát triển và Tổng cục Quản lý hành chính Công nghiệp và thương mại Quốc gia (Trung Quốc) đã được quy về một mối, trở thành chức năng chủ của Cục Chống độc quyền thuộc Tổng cục Quản lý giám sát thị trường. Ngày 18/11/2021, Cục Chống độc quyền Quốc gia (Trung Quốc) chính thức được thành lập, tiền thân chính là Tổng cục Quản lý giám sát thị trường quốc gia[12]. Trong đó, Phòng Điều phối chính sách cạnh tranh phụ trách điều phối chính sách (bao gồm xử phạt hành vi độc quyền mang tính hành chính và xét xử các vụ cạnh tranh công bằng); Phòng Chấp pháp 1 về chống độc quyền phụ trách điều tra các vụ việc thỏa thuận độc quyền và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; Phòng Chấp pháp 2 về chống độc quyền phụ trách điều tra các vụ tập trung kinh tế. Việc tái cấu trúc cơ quan thực thi chống độc quyền cho thấy Trung Quốc ngày càng coi trọng việc tăng cường chống độc quyền, ổn định trật tự thị trường và cạnh tranh công bằng; đồng thời cho thấy cơ chế thể chế trong chống độc quyền ở Trung Quốc đang ngày càng hoàn thiện hơn. Điều này sẽ góp phần tăng cường năng lực quản lý giám sát chống độc quyền, tăng mức độ quy chuẩn của các hành vi cạnh tranh trong thị trường, thúc đẩy và xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Thứ hai, ban hành các quy định và hướng dẫn liên quan việc phòng chống độc quyền trong kinh tế số. “Luật chống độc quyền” của Trung Quốc được ban hành từ ngày 1/8/2008, đến nay đã thi hành được hơn 12 năm. Ngày 10/11/2020, một tuần ngay sau khi việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Ant Group bị đình chỉ, Cục Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc (SAMR) đã đưa ra bản “Hướng dẫn chống độc quyền trong lĩnh vực kinh tế nền tảng”. Tháng 12/2020, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố cần tăng cường chống độc quyền và phòng tránh việc mở rộng vốn một cách “lộn xộn”. “Quy định của Ủy ban Chống độc quyền Quốc vụ viện về chống độc quyền trong lĩnh vực kinh tế nền tảng” đã được chính quyền Bắc Kinh ban hành ngày 7/2/2021, trong đó quy định cấm các công ty có hành vi ép buộc các nhà bán hàng trực tuyến phải lựa chọn giữa các nền tảng thương mại điện tử[13].
Đến ngày 17/8/2021, SAMR đã công bố dự thảo quy định cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp mạng. Theo đó, các hành vi bị cấm khi cạnh tranh trên mạng bao gồm: (i) khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với các sản phẩm của doanh nghiệp khác; (ii) làm giả hoặc khiến người khác hiểu nhầm về tính chất, chức năng, công dụng, các danh hiệu đã đạt được, kiểm định chất lượng… về các sản phẩm của doanh nghiệp mình; (iii) tuyên truyền sai hoặc khiến người khác hiểu nhầm về tình trạng giao dịch, thông tin giao dịch, số liệu kinh doanh, đánh giá của người mua… đối với các sản phẩm của doanh nghiệp mình; (iv) hối lộ các nhà quản trị mạng, hoặc các đơn vị, cá nhân có sức ảnh hưởng đối với giao dịch mạng, nhằm giành cơ hội giao dịch hoặc ưu thế cạnh tranh trên mạng; (v) lan truyền thông tin giả hoặc sai lệch, gây tổn hại đến danh dự và uy tín sản phẩm của đối thủ cạnh tranh[14]… Ngày 30/8/2021, Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị lần thứ 21 Ủy ban đi sâu cải cách và phát triển trung ương, hội nghị đã thông qua “Ý kiến về việc đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách thúc đẩy cạnh tranh công bằng trong chống độc quyền”, bảo vệ và thúc đẩy hơn nữa việc đưa ra chiến lược trong cạnh tranh công bằng trên thị trường[15]. Trong “Cương yếu thi hành xây dựng chính phủ pháp trị (2021-2025)” cũng chỉ rõ, cần tăng cường và cải tiến chống tham nhũng và chống các hành vi cạnh tranh không chính đáng[16].
Tháng 3/2023, Trung Quốc vừa ban hành “Ý kiến về việc xây dựng chế độ cơ sở trong quản lý dữ liệu, phát huy hơn nữa vai trò của dữ liệu”, đưa ra một loạt sáng tạo trong quan niệm và chế độ quản lý dữ liệu. Trong đó, đáng chú ý nhất là chế độ phân phối mang tính cấu trúc về quyền sở hữu dữ liệu, bao gồm tam quyền phân bố: quyền sở hữu đặc biệt tài nguyên dữ liệu, quyền sử dụng gia công dữ liệu, quyền kinh doanh sản phẩm dữ liệu. Chế độ này cũng thực hiện xác định quyền phân cấp tùy theo dữ liệu công cộng, dữ liệu doanh nghiệp và dữ liệu cá nhân. Đối với dữ liệu công cộng, cần tăng cường quản lý và sử dụng tổng thể, nhằm tránh độc quyền thao túng dữ liệu. Đối với dữ liệu doanh nghiệp, chủ thể thị trường có các quyền sở hữu, sử dụng và thu lợi. Còn đối với các thông tin cá nhân, cần thúc đẩy việc người xử lý dữ liệu được ủy quyền mới được thu thập, sở hữu, ủy thác quản lý và sử dụng dữ liệu. Cùng với chế độ này, còn cần xây dựng chế độ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan đến yếu tố dữ liệu, nhằm bảo vệ đầy đủ quyền lợi của nguồn dữ liệu cũng như người xử lý dữ liệu.[17]
Thứ ba, mạnh tay xử phạt các hành vi độc quyền. Việc đẩy mạnh chống độc quyền của Bắc Kinh được đánh dấu bởi năm 2020, với việc xử phạt 109 trường hợp có biểu hiện độc quyền trong các năm trước đó, với hình phạt tổng cộng 450 triệu nhân dân tệ và việc tăng cường đàn áp chống độc quyền đối với các công ty nền tảng internet[18]. Chiến dịch được đẩy mạnh hơn nữa trong năm 2021, bắt đầu từ việc đình chỉ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu của Ant Group, tiến hành điều tra và phạt tập đoàn Alibaba 18 tỉ nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỉ USD) (tháng 4/2021). Ngay sau khi Alibaba bị sờ gáy, 34 công ty công nghệ khác bao gồm Tencent, Alibaba, Baidu, Meituan… đã được chính phủ yêu cầu rút ra bài học từ Alibaba, chấp hành các quy tắc và thực hiện cải cách toàn diện hành vi độc quyền, các vi phạm hoặc bất thường liên quan đến thuế.
Một số thương vụ đầu tư và mua lại trong quá khứ của nhiều công ty công nghệ cũng bị cơ quan chống độc quyền Trung Quốc bắt nộp phạt. Cụ thể, 12 công ty liên quan đến 10 thương vụ vi phạm, như Tencent bị phạt 500.000 nhân dân tệ (khoảng 77.000 USD) cho khoản đầu tư vào ứng dụng giáo dục trực tuyến Yuanfudao từ năm 2018; Baidu bị phạt vì tiến hành tiếp quản công ty thiết bị điện tử tiêu dùng Ainemo từ năm 2014 vì không xin phép cơ quan thẩm quyền; Didi Mobility Pte và tập đoàn SoftBank bị phạt vì tự ý thành lập liên doanh[19]… Tính đến ngày 20/11/2021, SAMR đã tiến hành xử phạt đối với tất cả 43 trường hợp tiến hành tập trung kinh tế mà chưa khai báo với chính quyền[20]. “Báo cáo thường niên về việc thi hành chống độc quyền ở Trung Quốc (2021)” cho thấy, năm 2021, Trung Quốc đã xét xử 176 vụ độc quyền với tổng mức xử phạt lên đến 23,592 tỉ nhân dân tệ, trong đó các vụ án độc quyền trong lĩnh vực kinh tế số có tổng mức phạt lên đến 21,74 tỉ nhân dân tệ, chiếm 92%[21], số lượng vụ mua lại và sáp nhập là 727 vụ[22].
Đáng chú ý, từ 3 vụ mua lại và sáp nhập bị SAMR xử phạt năm 2020, mô hình sở hữu đặc biệt (VIE) đã không còn là lý do để các doanh nghiệp internet lách luật. Cụ thể, Alibaba đã tăng cổ phần trong chuỗi trung tâm thương mại Intime Retail Group lên 73,79% năm 2017; công ty kinh doanh e-book China Literature năm 2018 đã đồng ý mua New Classics Media với giá 15,5 tỷ nhân dân tệ để mở rộng nội dung; DouYu International Holdings sáp nhập với Huya – công ty có khả năng tạo ra nền tảng stream game dẫn đầu Trung Quốc[23]. Đây là lần đầu tiên SAMR tiến hành xử phạt đối với các doanh nghiệp có cấu trúc VIE. Đối với đa số các doanh nghiệp internet, cấu trúc VIE là cách thức thường thấy, ban đầu là nhằm tạo thuận lợi cho việc quản lý của doanh nghiệp, nhưng gần đây đã trở thành lỗ hổng cho hành vi độc quyền của các doanh nghiệp. Alibaba và Tencent đều sử dụng mô hình VIE để ra mắt công chúng lần đầu ở nước ngoài. Ban đầu, cấu trúc VIE đóng vai trò bảo vệ những người sáng lập và vốn của doanh nghiệp. Mô hình VIE của doanh nghiệp internet có thể giúp doanh nghiệp tránh khỏi mối đe dọa từ các nhà đầu tư hiếu chiến và các hành động pháp lý. Với sự mở rộng nhanh chóng, các doanh nghiệp mạng đã trở thành một chủ thể chính trong thị trường, cấu trúc VIE đã trở thành cái cớ để một số doanh nghiệp trốn khỏi sự giám sát của chính quyền. Chính vì vậy, việc siết chặt quy định chống độc quyền đối với các doanh nghiệp internet có cấu trúc VIE cho thấy quan điểm của chính quyền Bắc Kinh trong việc đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp mạng và các công ty truyền thống trong cuộc chiến chống độc quyền[24].
3. Một số nhận xét và kết luận
Có thể thấy, cùng với sự phát triển không ngừng của kinh tế số, các hình thức độc quyền ngày càng trở nên đa dạng và tinh vi hơn, đòi hỏi sự bắt kịp của chính sách chống độc quyền. Điểm khó nhất trong việc xây dựng chính sách chính là làm thế nào để cân bằng giữa tiềm năng đổi mới và việc chống độc quyền. Bởi kinh tế số tồn tại đồng thời hai đặc điểm, là “sáng tạo cái mới” và “phá hủy cái cũ”, nhiều hành vi kinh tế hoặc mô hình thương mại dù có tính đổi mới, nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề tiềm ẩn đi ngược lại chính sách cạnh tranh truyền thống[25]. Ví dụ như, việc sử dụng dữ liệu người tiêu dùng có thể mở ra các sản phẩm và dịch vụ mới, nhưng đồng thời cũng còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc xâm phạm đời tư cá nhân của người tiêu dùng; hay việc các bưu kiện miễn phí có thể đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội, nhưng đồng thời hành vi này cũng liên quan đến hành vi định giá mang tính cưỡng đoạt. Nếu chỉ căn cứ vào các quy định pháp luật truyền thống, sự sáng tạo trong nền kinh tế số sẽ bị trói buộc. Tuy nhiên, nếu để kinh tế số phát triển tự do, cũng có thể đem lại những nguy cơ gây thiệt hại cho kinh tế truyền thống.
Bên cạnh đó, vấn đề luật sẽ được áp dụng như thế nào đối với các hành vi lũng đoạn trong thị trường kinh tế số vẫn luôn là vấn đề được thảo luận nhiều. Ví dụ như việc “chọn một trong hai” trên các nền tảng mua sắm trên mạng cần được áp dụng “Luật chống độc quyền” hay “Luật Thương mại điện tử”? Cần áp dụng các luật này cụ thể như thế nào? Có thể thấy, thách thức đặt ra đối với Luật chống độc quyền không nằm ở bản thân cơ sở lý luận của Luật, mà ở năng lực lý giải và vận dụng Luật này.
Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, kinh tế nền tảng càng có nhiều không gian phát triển hơn, quyền lực của các công ty công nghệ ngày càng trở nên lớn mạnh hơn, khi các công ty này đang nắm giữ và sử dụng một lượng lớn dữ liệu cá nhân của người dân, doanh nghiệp và dữ liệu công cộng. Nhìn trong bức tranh rộng lớn hơn, việc tăng cường kiểm soát vấn đề độc quyền của các công ty công nghệ là một trong những động thái nhằm xoa dịu người dân Trung Quốc trước sự bất bình đẳng giữa ngành công nghiệp internet đang phát triển thần tốc khi nhận được các chủ trương, chính sách hỗ trợ từ chính phủ, với các ngành công nghiệp truyền thống; giữa các doanh nghiệp lớn có địa vị chi phối thị trường với các doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Dự báo trong 2-3 năm tới, việc hoàn thiện các quy định, điều luật liên quan đến chống độc quyền có thể sẽ dẫn đến sự bất ổn định trong hoạt động của ngành công nghiệp internet, hoặc có thể làm chậm quá trình đổi mới và phát triển của kinh tế số. Tuy nhiên, chính sách của Trung Quốc mang tính ổn định khá cao, khi lãnh đạo Bắc Kinh không hoạt động theo chu kỳ bầu cử mà thường có tầm nhìn dài hạn nhất quán, do đó, các công ty công nghệ cũng sẽ thích ứng và dung hòa được giữa đổi mới và sự quản lý của chính phủ. Nếu dung hòa được giữa các đặc điểm của kinh tế số với các yêu cầu của chính phủ, thì các công ty công nghệ vẫn có nhiều cơ hội phát triển, vì thực chất chiến dịch chống độc quyền của Bắc Kinh lần này chỉ nhằm đưa ra sự điều chỉnh để bắt kịp và kiểm soát được sự phát triển của nền kinh tế số, chứ không hề nhằm phá hủy hay chặn đường phát triển của nền kinh tế này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TS., Trường Đại học Ngoại thương
[2] G20 Information Centre (2016), “G20 Digital Economy Development and Cooperation Initiative”, G20 Research Group, 5 Sep, http://www.g20.utoronto.ca/2016/160905-digital.html.
[3] 新华社(2022), “稳居世界第二!我国数字经济规模超45万亿元”, 央视新闻 (Tân Hoa xã (2022), “Ổn định giữ vững vị trí thứ hai – Quy mô kinh tế số Trung Quốc vượt mức 45.000 tỉ NDT”, Tin tức Đài Truyền hình Trung ương, ngày 7/6), http://www.xinhuanet.com/2022-07/06/c_1128808439.htm, truy cập ngày 15/3/2023.
[4] 黄益平 (2023), “数字经济的发展与治理”, 中国人大网 (Hoàng Ích Bình (2023), “Phát triển và quản lý kinh tế số”, Mạng Nhân đại Trung Quốc, ngày 03/01), http://www.npc.gov.cn/npc/c30834/202301/e85122dc97eb4c0d80c098ccd61197c5.shtml, truy cập ngày 15/3/2023.
[5] Deloitte (2018), “The rise of the platform economy”, https://www2.deloitte.com/content/dam/Deloitte/nl/Documents/humancapital/deloitte-nl-hc-the-rise-of-the-platform-economy-report.pdf
[6] 国反垄 (2021), “国务院反垄断委员会关于平台经济领域的反垄断指南” (Ủy ban Chống độc quyền Quốc vụ viện (2021), “Hướng dẫn của Ủy ban Chống độc quyền Quốc vụ viện về việc chống độc quyền trong lĩnh vực kinh tế nền tảng”), ngày 7/2, https://gkml.samr.gov.cn/nsjg/ fldj/202102/t20210207_325967.html, truy cập ngày 10/5/2023.
[7] 王春晖 (2022), “平台经济是发展数字经济的主力军”, 人民邮电报 (Vương Xuân Huy (2022), “Kinh tế nền tảng là quân chủ lực trong phát triển kinh tế số”, Báo Bưu điện Nhân dân), ngày 17/12, https://www.cnii.com.cn/rmydb/ 202212/t20221217_434940.html, truy cập ngày 10/5/2023.
[8] 法治日报 (2023), “数字经济时代,反垄断规制难在哪儿?” (Nhật báo Pháp trị (2023), “Thời đại kinh tế số, điểm khó của quy định chống độc quyền là gì”, ngày 16/3), http://www.legaldaily.com.cn/IT/content/2023-03/16/ content_8833506.html, truy cập ngày 5/4/2023.
[9] 胡郡玮 (2022), “数字经济领域反垄断监管研究”, 商业创新 (12), tr.132-134. (Hồ Quần Vĩ (2022), “Nghiên cứu việc quản lý giám sát chống độc quyền trong lĩnh vực kinh tế số”, Đổi mới thương nghiệp (12), tr.132-134).
[10] 王进雨 (2020), “互联网反垄断背后:近十年我国互联网企业并购事件达542起”, 北京报 (Vương Tiến Vũ (2020), “Đằng sau chống độc quyền mạng: Số lượng các vụ mua lại sáp nhập trong lĩnh vực internet của Trung Quốc 10 năm gần đây lên tới 542 vụ”, Báo Bắc Kinh), ngày 14/12, https://www.bjnews.com.cn/, truy cập ngày 15/12/2021.
[11] 张元钊,李鸿阶 (2021), “我国互联网平台垄断现象、机理与治理思路”, 福建论坛 (人文社会科学版) (7), pp. 72-84 (Trương Nguyên Chiêu, Lý Hồng Giai (2021), “Thực trạng, cơ chế và quan điểm quản trị đối với độc quyền trong kinh tế nền tảng tại Trung Quốc”, Luận đàm Phúc Kiến (bản Khoa học xã hội nhân văn) (7), tr. 72-84.
[12] 新华网 (2021), “国家反垄断局正式挂牌”, (Tân Hoa xã (2021), “Cục Chống độc quyền Quốc gia chính thức treo biển”), ngày 18/11, https://www.samr.gov.cn/ xw/zj/202111/t20211118_336974.html, truy cập ngày 15/12/2022.
[13] 市场监管总局 (2021a), “国务院反垄断委员会关于平台经济领域的反垄断指南” (Tổng cục Quản lý giám sát thị trường (2021a), “Hướng dẫn của Ủy ban Chống độc quyền Quốc vụ viện về việc chống độc quyền trong lĩnh vực kinh tế nền tảng”), Tổng cục ngày 7/2, http://gkml. samr.gov.cn/nsjg/fldj/202102/t20210207_325967.html, truy cập ngày 15/3/2022.
[14] 市场监管总局 (2021b), “禁止网络不正当竞争行为规定 (公开征求意见稿)” (Tổng cục Quản lý giám sát thị trường (2021b), “Quy định nghiêm cấm các hành vi cạnh tranh không chính đáng trên mạng (Bản dự thảo công khai trưng cầu ý kiến)”), ngày 17/8, https://www.samr. gov.cn/hd/zjdc/202108/t20210817_333683.html, truy cập ngày 15/12/2022.
[15] 新华社 (2021a), “习近平主持召开中央全面深化改革委员会会议:加强反垄断反不正当竞争监管力度 完善物资储备体制机制 深入打好污染防治攻坚战” (Tân Hoa xã (2021), “Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị Ủy ban đi sâu Cải cách và phát triển toàn diện: Tăng cường mức độ chống độc quyền và chống các cạnh tranh không chính đáng; hoàn thiện sự chuẩn bị về thể chế cơ chế, đi sâu trong việc phòng chống ô nhiễm”), ngày 30/8, http://www.gov.cn/xinwen/2021-08/30/content_5634220.htm, truy cập ngày 15/12/2022.
[16] 新华社(2021b), “中共中央 国务院印发《法治政府建设实施纲要(2021-2025年)》” (Tân Hoa xã (2021), “Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện ban hành “Cương yếu thực hiện xây dựng chính phủ pháp trị (2021-2025)”, ngày 11/8, http://www.gov.cn/ gongbao/content/2021/content_5633446.htm, truy cập ngày 15/3/2022.
[17] 黄益平(2023) (Hoàng Ích Bình (2023)), Tlđd.
[18] Chu, D. & Chi, J. (2021, July 7), “China intensifies antitrust crackdown with latest fines on internet giants”, Global Times, Jul 7, https://www.globaltimes.cn/, truy cập ngày 15/3/2022.
[19] Huang, Z. & Liu, Co (2021), “Tencent and Baidu Fined by Antitrust Regulator For Previous Deals”, Bloomberg, March 12, https://www.bloomberg.com/, truy cập ngày 15/3/2022.
[20] 万静 (2021), “市场监管总局对43起未依法申报违法实施经营者集中案作出行政处罚决定”, 法治日报 (Vạn Tĩnh (2021), “Tổng cục Quản lý giám sát thị trường ra quyết định xử phạt hành chính đối với 43 vụ tập trung kinh tế trái với quy định pháp luật”, Nhật báo Pháp trị), ngày 24/11, http://www.legaldaily.com.cn/.
[21] 胡郡玮 (2022) (Hồ Quần Vĩ (2022), Tlđd.
[22] 张乐 (2022), “数字经济反垄断:规范与发展并重” , 中国经济评论 (Trương Lạc (2022), “Chống độc quyền kinh tế số: Quy phạm và phát triển cần tiến hành song song”, Bình luận kinh tế Trung Quốc), pp. 28-32.
[23]市场监管总局 (2020), “市场监管总局反垄断局主要负责人就阿里巴巴投资收购银泰商业、腾讯控股企业阅文收购新丽传媒、丰巢网络收购中邮智递三起未依法申报案件处罚情况答记者问” (Tổng cục Quản lý giám sát thị trường (2020), “Phát ngôn viên của Tổng cục Quản lý giám sát thị trường trả lời phỏng vấn về việc xử phạt 3 vụ án: Alibaba mua lại Intime Commercial, Yuewen của Tecent mua lại Xinli Media và Fengchao mua lại China Post Zhidi”), ngày 14/12, http://www.samr.gov.cn/, truy cập ngày 15/3/2023.
[24] 赵述评,何倩 (2020), “杜绝边界游走 VIE架构不是互联网垄断借口”, 搜狐 (Triệu Thuật Bình, Hà Thanh (2020), “Chấm dứt việc cấu trúc VIE trở thành cái cớ cho hành vi độc quyền trên internet”, Sohu), ngày 14/12, https://www.sohu.com/.
[25] 法治日报 (2023) (Nhật báo Pháp trị (2023)), Tlđd.