Hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực
Việt Nam – Nhật Bản từ năm 1992 đến nay
Nguyễn Thị Ngọc Anh1
Tóm tắt: Quan hệ hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản trong hơn 30 năm đã có nhiều điểm nhấn quan trọng, đặc biệt là sau khi nối lại quan hệ viện trợ và nâng cấp quan hệ từ "đối tác chiến lược" trở thành "đối tác chiến lược sâu rộng". Hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực giữa hai quốc gia đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển nhanh chóng và bền vững. Từ năm 1992 đến nay là cả một tiến trình hợp tác với nhiều dấu ấn cũng như thành tựu, hạn chế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản và đó cũng là những nội dung chính của bài viết này.
Từ khóa: Hợp tác giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản
N |
guồn nhân lực là điều kiện quan trọng hàng đầu cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Theo Tổ chức Lao động quốc[1]tế, nguồn nhân lực của một quốc gia là toàn bộ những người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động. Nguồn nhân lực được hiểu theo hai nghĩa. Theo nghĩa rộng, nguồn nhân lực là nguồn cung cấp sức lao động cho sản xuất xã hội, cung cấp nguồn lực con người cho sự phát triển. Do đó, nguồn nhân lực bao gồm toàn bộ dân cư có thể phát triển bình thường. Theo nghĩa hẹp, nguồn nhân lực là khả năng lao động của xã hội, là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm các nhóm dân cư trong độ tuổi lao động, có khả năng tham gia vào lao động, sản xuất xã hội, tức là toàn bộ các cá nhân cụ thể tham gia vào quá trình lao động, là tổng thể các yếu tố về thể lực, trí lực của họ được huy động vào quá trình lao động.
Kể từ khi thiết lập mối quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973 đến nay, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản tuy có những thời điểm trầm lắng, song đã không ngừng được củng cố và phát triển. Đặc biệt là sau năm 1992, khi quan hệ hai nước "nồng ấm" trở lại sau một số trở ngại chính trị. Từ đó đến nay, quan hệ hai nước đã liên tục được củng cố và phát triển. Cùng với sự tăng cường quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác giáo dục đào tạo nguồn nhân lực giữa hai nước cũng bước vào thời kỳ phát triển nhanh chóng.
1. Tiến trình hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản
1.1. Nhu cầu hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản
Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực là hoạt động trang bị kiến thức, hoàn thiện kỹ năng cần thiết cho những người trong độ tuổi lao động mà Việt Nam và Nhật Bản đã và đang thực hiện trong nhiều thập kỉ qua.
Thêm vào đó, hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nói chung lại hết sức cần thiết nhằm nâng cao tay nghề và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam. Hợp tác quốc tế sẽ tạo điều kiện cho lao động Việt Nam tham gia sâu rộng vào phân công và hợp tác lao động quốc tế, góp phần vào việc đặt nền móng cho thị trường việc làm và phát triển nguồn nhân lực một cách ổn định, bền vững. Nhờ có hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình gắn kết nền kinh tế của đất nước với nền kinh tế thế giới diễn ra nhanh hơn, thúc đẩy sự tham gia vào phân công lao động quốc tế, gia nhập các tổ chức quốc tế, tuân thủ những quy định và các "luật chơi" chung[2]. Có thể nói, vai trò của hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực là không thể phủ nhận. Song tuy đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng hệ thống giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực trong nhiều năm qua nhưng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu của quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế, xã hội, văn hóa với thế giới. Hệ thống giáo dục của nước ta so với tiêu chuẩn giáo dục trên thế giới vẫn còn nhiều điểm hạn chế, chưa đồng nhất.
Nhật Bản là quốc gia có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới. Giáo dục Nhật Bản là một trong những lĩnh vực quan trọng, là niềm tự hào của đất nước này. Hệ thống giáo dục chất lượng cao của Nhật Bản đã liên tục giành được sự khen ngợi của quốc tế. Hơn nữa, xét cả về kinh nghiệm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, tài chính, nền giáo dục của quốc gia này đều đạt ở tiêu chuẩn cao. Thêm vào đó, những năm gần đây, Nhật Bản lại đang đặt trọng tâm kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia bằng việc gia tăng nguồn nhân lực nước ngoài, đặc biệt là tăng số lượng sinh viên trong và ngoài nước giúp lấp đầy các vị trí còn trống do lực lượng lao động nội tại của Nhật Bản đang bị thu hẹp. Mặt khác, nền giáo dục quốc tế mà sinh viên Nhật Bản du học nhận được có thể được các tập đoàn và chính phủ quốc gia tận dụng để tăng cường quan hệ thương mại và ngoại giao.
Xuất phát từ nhu cầu đó, trong những năm qua, Việt Nam và Nhật Bản đã trải qua tiến trình hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đạt nhiều thành tựu đáng kể và tiếp tục khai thác được những tiềm năng tương xứng của hai quốc gia.
1.2. Tiến trình thực hiện hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản
Việt Nam và Nhật Bản có quá trình hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực lâu dài từ trong quá khứ song mối quan hệ này thực sự có được những dấu ấn quan trọng kể từ sau năm 1992, khi Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam. Trên thực tế, ODA là nguồn tài trợ lớn, trực tiếp hoặc gián tiếp hướng đến các vấn đề giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam. ODA được giải ngân thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) bằng các hình thức như hợp tác kỹ thuật, hợp tác vốn vay và viện trợ không hoàn lại.
Đến năm 1998, sau khi Hiệp định về hợp tác kỹ thuật giữa hai quốc gia được ký kết, hai Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) do Trường Đại học Ngoại thương thực thi bằng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA, đã được thành lập. Trong nhiều năm qua, trung tâm này là nơi đào tạo về tiếng Nhật và các khóa học kinh doanh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho nhiều người Việt Nam.
Tháng 4/2002, hai nước đã thiết lập khuôn khổ "quan hệ đối tác tin cậy, ổn định lâu dài". Sau đó, trước khi quan hệ hai nước tiếp tục được nâng cấp, tháng 3 năm 2008, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết bản ghi nhớ về việc Nhật Bản giúp Việt Nam đào tạo 1.000 tiến sĩ đến năm 2020 ở Tokyo dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Masahiko Komura. Bản ghi nhớ nêu rõ Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng các suất học bổng cho Việt Nam trong vòng ba năm tiếp theo với những đối tượng được nhận học bổng là học sinh trung học chuyên nghiệp, đại học và sau đại học[3]. Việt Nam cũng cam kết tăng cường và mở rộng chương trình giảng dạy tiếng Nhật ở trong nước. Đây là sự kiện quan trọng trong quan hệ hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước trong thập niên đầu của thế kỉ XXI.
Về chương trình hợp tác đào tạo lao động Việt Nam theo diện tu nghiệp sinh sang Nhật Bản làm việc, có thể kể đến các chương trình như: năm 1992 Tổ chức Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO) đã kí kết với Việt Nam, trong khuôn khổ bản ghi nhớ về “Chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài vào tu nghiệp tại Nhật Bản”, chương trình hợp tác với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (IM Japan) từ cuối năm 2005 và chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản năm 2012 trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA).
Tháng 4/2009, hai nước đã nâng cấp mối quan hệ lên mức "đối tác chiến lược" và ký Tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”, trong đó nhấn mạnh “hai bên sẽ coi trọng và thúc đẩy hợp tác văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, giao lưu thanh - thiếu niên; đồng thời tôn trọng truyền thống văn hóa của nhau và thúc đẩy hợp tác trong việc bảo vệ các di sản văn hóa” [4]. Quan hệ hợp tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực tiếp tục có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cả về lượng và về chất.
Sau Tuyên bố chung năm 2009, Hội nghị Hiệu trưởng đại học Việt Nam – Nhật Bản lần đầu đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện các trường Nhật Bản và Việt Nam cùng các tổ chức chính phủ hai nước. Đến nay, hội nghị đã được tổ chức ba lần, đưa ra nhiều sáng kiến chia sẻ quan trọng liên quan đến hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai quốc gia.
Tháng 3/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tiếp tục ký Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản lên một tầm cao mới thành “Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cùng với Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã ký Chương trình chiến lược về hợp tác giáo dục. Phía Nhật Bản cam kết tích cực hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ thúc đẩy giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam cũng như xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề của Việt Nam. Hai bên quyết định tiếp tục thúc đẩy giao lưu giữa các trường đại học, sinh viên, các nhà nghiên cứu nhằm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa thế hệ trẻ của hai nước và góp phần vào sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Đặc biệt vào năm 2014, Trường Đại học Việt - Nhật chính thức được thành lập, trở thành biểu tượng cho quá trình hợp tác giáo dục tốt đẹp giữa hai nước. Không dừng lại ở đó, hai nước tiếp tục đưa ra “Tuyên bố chung hướng tới một giai đoạn mới của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á". Tháng 11/2021, thủ tướng hai nước đã thống nhất bản cập nhật tiến độ hợp tác về 8 lĩnh vực, trong đó có hợp tác văn hóa, giáo dục đang triển khai.
Như vậy, song hành cùng mối quan hệ hợp tác ngoại giao ngày càng gắn kết, hợp tác giáo dục đào tạo nguồn nhân lực giữa hai nước cũng vì thế có nhiều điều kiện thuận lợi để đạt được nhiều lợi ích cả về lượng và chất như mong muốn của hai bên.
2. Thành tựu và hạn chế trong giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản
2.1. Thành tựu
Trong những năm qua, bên cạnh những bước tiến về quan hệ ngoại giao, hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước, tăng cường sự gắn bó, giúp đỡ, hiểu biết lẫn nhau.
Nội dung hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản chủ yếu là Nhật Bản đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục tại Việt Nam; giáo dục tiếng Nhật và đào tạo nguồn nhân lực do chính phủ hoặc các đơn vị tư nhân (doanh nghiệp, cá nhân) bao gồm cả Việt Nam và Nhật Bản là đơn vị tổ chức, tài trợ.
Trong những năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã đặc biệt quan tâm đến các dự án tài trợ cho việc nâng cấp và xây mới các trường học, cung cấp trang thiết bị kỹ thuật và đồ dùng giảng dạy, học tập.
Về giáo dục tiếng Nhật và đào tạo nguồn nhân lực, ở cấp độ hợp tác chính phủ, JICA đã hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo tiếng Nhật, cấp học bổng và ban hành nhiều ưu đãi trong đào tạo lao động Việt Nam sang Nhật Bản. Cụ thể, năm 1995, thông qua cây cầu nối được xây dựng từ các tình nguyện viên Nhật Bản, theo chương trình của JICA liên tục được cử đến Việt Nam. Tính đến tháng 7/2013, tổng số tình nguyện viên JOCV của Nhật Bản đã được cử sang Việt Nam là 345 người. Tổng số tình nguyện viên cao cấp là 129 người[5]. Trong số đó, một nửa các tình nguyện viên là những người đặt nền móng giảng dạy tiếng Nhật tại các Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội). Hàng năm, trường có khoảng 90 sinh viên theo học chuyên ngành tiếng Nhật và khoảng 30 sinh viên theo học chuyên ngành phương pháp giảng dạy tiếng Nhật. Kết quả là có khoảng 60% số sinh viên tốt nghiệp vào làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản, 10% làm công tác giảng dạy tiếng Nhật. Khoa tiếng Nhật thuộc Trường Đại học Hà Nội hiện nay được thành lập từ năm 1993 là nơi đóng góp rất lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực biên phiên dịch tiếng Nhật – Việt, trao đổi sinh viên và văn hóa với các viện nghiên cứu, tổ chức các hội thảo liên quan đến hợp tác Nhật Bản - Việt Nam.
Năm 1998, sau khi Hiệp định về hợp tác kỹ thuật giữa hai quốc gia được ký kết, hai Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam- Nhật Bản (VJCC) do Trường Đại học Ngoại thương thực thi bằng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA đã được thành lập. Trong nhiều năm, hai trung tâm đã tổ chức nhiều khóa học kinh doanh, các khóa học tiếng Nhật và giao lưu văn hóa, kết nối du học dưới sự hỗ trợ của chuyên gia Nhật Bản.
Chính phủ Việt Nam cũng cấp học bổng có giá trị dành cho học sinh, sinh viên đi du học nói chung và du học tại Nhật Bản nói riêng thuộc Đề án 322, Đề án 911. Không chỉ vậy Chính phủ Nhật Bản cũng thể hiện sự quan tâm rất lớn đến sự hợp tác bằng việc tích cực xúc tiến hợp tác với Việt Nam thông qua những chương trình mang tính toàn cầu như chương trình JET (Japan Exchange and Teaching Program), JENESYS (Chương trình giao lưu thế hệ trẻ và sinh viên giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á), G30 (Chương trình học bổng đại học và sau đại học được giảng dạy bằng tiếng Anh tại Nhật Bản).
Trên thực tế, kể từ sau khi quan hệ hai nước được nâng cấp vào năm 2009, với số lượng các công ty Nhật Bản đã và đang tăng lên tại Việt Nam, nhu cầu học chuyên ngành tiếng Nhật và làm việc cho các công ty Nhật Bản trở nên phổ biến. Ở cấp độ tư nhân, tại các trung tâm đào tạo tiếng Nhật phục vụ lao động xuất khẩu, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ cử giáo viên đến dạy tại chỗ tại công ty, hoặc nhân viên của công ty sẽ được tài trợ đi học tập huấn tại các trung tâm. Đáng chú ý là, gần đây Việt Nam đã trở thành đối tác lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực gia công phần mềm và công nghệ thông tin. Vì vậy, nhu cầu trang bị và nâng cao năng lực tiếng Nhật của nhân viên và người lao động trong lĩnh vực này là rất cao.
Với sự hỗ trợ ở cả cấp độ chính phủ và tư nhân, Việt Nam đã trở thành quốc gia có sự tăng trưởng liên tục về số lượng người học, giáo viên, số lượng du học sinh và tu nghiệp sinh hàng năm, nhất là từ sau năm 2009.
Về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế, Nhật Bản đã tiếp nhận hàng ngàn thực tập sinh và du học sinh Việt Nam sang học tập trong nhiều năm qua. Trước hết là đối với thực tập sinh, cho đến nay số lượng thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản đã lên đến 370 nghìn người, đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu các quốc gia có số lượng thực tập sinh tại Nhật Bản[6]. Từ năm 1992 đến 2006, đã có khoảng 16.000 tu nghiệp sinh cùng hàng ngàn lao động Việt Nam sang Nhật Bản học nghề và thực tập kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực như điện tử, gia công cơ khí, chế biến thuỷ sản…
Nổi bật nhất là năm 2012, trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), hai bên đã triển khai đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang học tập và làm việc tại Nhật Bản. Chương trình này đã tạo cơ hội tốt cho các điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam được huấn luyện trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, nâng cao trình độ của bản thân trong thời gian làm việc tại Nhật Bản cũng như có thể sử dụng kiến thức và kinh nghiệm học tập được khi trở về làm việc trong nước.
Đối với du học sinh, từ năm 2000 đến năm 2006 đã có 175 thạc sĩ Việt Nam được đào tạo tại Nhật Bản. Trong số đó, đã có 110 người trở về Việt Nam làm việc. Ngoài ra còn có nhiều học sinh du học tự túc[7].
Đặc biệt, theo phân tích số lượng du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản một vài năm gần đây, năm 2012 Nhật Bản tiếp nhận 4.373 sinh viên Việt Nam (đứng thứ tư về số lượng sinh viên nước ngoài được Nhật Bản chấp nhận), chỉ một năm sau đó, năm 2013, số lượng lưu học sinh đã tăng lên đến mức đáng kinh ngạc là 13.328 sinh viên. Cũng chỉ một năm tiếp theo, số lượng lưu học sinh Việt Nam tiếp tục tăng lên gấp đôi (lên đến 27.000 sinh viên) và tính đến năm 2021, tuy bị ảnh hưởng gián đoạn của đại dịch Covid-19 song số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản vẫn đạt số lượng khoảng hơn 62.000 sinh viên, vượt lên đứng thứ hai về số lượng sinh viên quốc tế tại Nhật Bản.
Như đề cập ở trên, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua dự án học bổng JDS, học bổng MEXT và một số học bổng do các doanh nghiệp Nhật Bản cấp cho sinh viên Việt Nam trong các lĩnh vực như luật, chính sách công, giao thông/phát triển đô thị, nông nghiệp và phát triển nông thôn, môi trường, cải cách hành chính công và năng lượng. Tính đến năm 2019, Nhật Bản đã tiếp nhận hơn 200 nghiên cứu sinh Việt Nam sang du học, trong đó đã có 100 người tốt nghiệp[8]. Nhiều lưu học sinh đã về nước, làm việc và đóng góp hiệu quả trong giảng dạy đại học, nghiên cứu khoa học. Hiện nay, Nhật Bản vẫn đang tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác, cụ thể là dự án nâng cấp trường Đại học Cần Thơ, dự án trường Đại học Việt - Nhật, dạy tiếng Nhật tại Việt Nam và hỗ trợ các trường đại học Việt Nam kết nối doanh nghiệp… Trong đó, dự án trường đại học Việt - Nhật được coi là điểm nhấn quan trọng, thể hiện rõ nét nhất thành quả hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai quốc gia. Trường chính thức được thành lập năm 2014 và cho đến nay đã đào tạo được 260 học viên thạc sĩ, hiện có hơn 200 sinh viên đang theo học và con số này đang tiếp tục gia tăng.
Số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (trong một số năm)
Năm |
2012 |
2013 |
2014 |
2021 |
Số lượng (người) |
4.373 |
13.328 |
~27.000 |
~62.000 |
Nguồn: Tổng hợp từ JASSO (Tổ chức Hỗ trợ sinh viên Nhật Bản).
2.2. Hạn chế
Trên thực tế, tiến trình hợp tác giáo dục đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản trong hơn 30 năm qua vẫn tồn tại hạn chế, đặc biệt là những năm gần đây.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, Nhật Bản luôn nắm quyền quyết định và định hướng cũng như mức độ ưu tiên trong từng dự án, lĩnh vực. Trong khi đó, Việt Nam chưa có sự chủ động cần thiết trong việc đề xuất hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong những dự án mà Việt Nam quan tâm theo từng thời kỳ nhất định. Đồng thời có quan điểm cho rằng, các hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam ít nhiều mang tính điều kiện, nhằm phục vụ cho những lợi ích lâu dài của Nhật Bản hơn là những thiện ý như phía Nhật Bản công bố[9].
Thứ nhất, về phía Việt Nam, nguồn nhân lực nội tại gặp những vấn đề về năng lực sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng tin học. Đối với học sinh, sinh viên Việt Nam, khả năng giao tiếp tiếng Nhật còn yếu, việc trao đổi học sinh, sinh viên giữa hai quốc gia còn ít. Điều này cũng dẫn tới những hạn chế trong việc khai thác các học bổng và các chương trình đào tạo do Nhật Bản tài trợ.
Hơn nữa, việc quản lý lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản vẫn còn thiếu cơ chế thông tin, cần sự phối hợp hiệu quả, "nhịp nhàng" từ hai phía. Đặc biệt là việc quản lý hoạt động của các trung tâm tư vấn du học. Cụ thể, một vài năm gần đây, các loại hình dịch vụ tư vấn du học Nhật Bản đang "nở rộ" dưới dạng sang Nhật Bản là du học sinh (xin visa du học, có đăng ký lớp tại một trường tiếng Nhật) nhưng thực tế chủ yếu đi làm kiếm tiền. Năm 2016, phía Nhật Bản lên tiếng về việc một số công ty tư vấn du học ở Việt Nam đã đưa thông tin sai lệch rằng sinh viên qua Nhật Bản có thể làm việc đủ chi trả tiền học phí, sinh hoạt phí và thậm chí có thể tiết kiệm tiền về nhà[10]. So sánh với chi phí du học tại các nước phát triển khác, du học Nhật Bản được đánh giá là rẻ, có nhiều ưu đãi về học bổng và trợ cấp, nhiều cơ hội việc làm song nếu sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản với những mục đích không rõ ràng sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Một trong những rủi ro là nhiều trường hợp du học sinh Việt Nam làm thêm quá giờ quy định dẫn đến bị Cục Quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản cảnh cáo và trục xuất về nước. Do lo sợ mất trắng số tiền đã bỏ ra để đi du học, nhiều du học sinh đã bỏ trốn khỏi sự kiểm soát của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp trên đất Nhật để làm thêm. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều du học sinh Việt Nam bị bắt vì hành vi trộm cắp, gây rối trật tự tại Nhật Bản, ảnh hưởng lớn đến uy tín trong hợp tác du học giữa Việt Nam và Nhật Bản. Để hạn chế vấn đề này, năm 2017, Chính phủ Nhật Bản đã thắt chặt việc cấp COE (giấy chứng nhận tư cách lưu trú) và visa du học Nhật Bản đối với 5 nước, trong đó có Việt Nam, do vậy tỷ lệ hồ sơ đạt đủ tiêu chuẩn của sinh viên Việt Nam không được như mong muốn.
Trong khi đó, tại Việt Nam, Trường Đại học Việt - Nhật, biểu tượng hợp tác giáo dục, đào tạo giữa hai nước, khởi đầu rất tốt nhưng cơ sở vật chất vẫn sơ sài và rất cần hỗ trợ đầu tư xây dựng hoàn thiện, chưa thể hoàn toàn đáp ứng nhu cầu học tập tối đa.
Thứ hai, chương trình tu nghiệp sinh sang Nhật Bản làm việc cũng tồn tại nhiều vấn đề đáng chú ý. Nhiều thông tin cho thấy, trong quá trình triển khai chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản đã xuất hiện một số vụ cưỡng bách lao động và người lao động phải trả hàng nghìn USD để kiếm được việc ở Nhật Bản nhưng cuối cùng bị mắc kẹt trong những điều kiện tồi tệ. Họ bị trả lương ít hơn hứa hẹn, bị bắt làm việc nhiều giờ hơn và nhất là họ thường không được đào tạo. Điều này đẩy họ bỏ trốn khỏi công ty và trở thành những lao động không có giấy tờ, sống bất hợp pháp ở nước sở tại.
Không chỉ vậy, nhiều lao động Việt Nam sau khi trở về từ Nhật Bản đã không thể tìm được việc làm hoặc công việc không đúng như từng được đào tạo, làm việc tại Nhật Bản, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lao động có tay nghề.
Theo khảo sát của JICA, hiện nay Việt Nam đã trở thành quốc gia cung cấp lao động lớn nhất cho Nhật Bản. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, tỉ lệ thực tập sinh Việt Nam trở về nước tìm được việc làm ở mức thấp nhất, chỉ 26,7%. Đáng chú ý, thực tập sinh Việt Nam sang Nhật làm việc nhiều nhất trong ngành xây dựng nhưng gần 80% các công ty trong lĩnh vực này và bất động sản tại Việt Nam không tuyển dụng những lao động này khi họ trở về nước.
Chính vì vậy, có thể thấy rằng hạn chế lớn nhất của chương trình thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang Nhật Bản là việc nguồn nhân lực Việt Nam đã không đạt được mục đích ban đầu của chương trình là đào tạo chuyển giao kỹ năng từ Nhật Bản cho lao động Việt Nam[11].
3. Kết luận
Trong hơn 30 năm, hợp tác giáo dục đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội. Với sự hỗ trợ lớn từ Nhật Bản, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng giáo dục của Việt Nam đã được nâng cấp, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và người lao động Việt Nam đã được tiếp cận với môi trường học tập tiên tiến, nhiều dự án khoa học thành công và đem lại lợi ích thiết thực. Rõ ràng, Nhật Bản đã trở thành người bạn lớn của Việt Nam.
Tuy nhiên, để mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia ngày càng được bền chặt và tương xứng, hai nước cần mở rộng và phát triển hơn nữa về giáo dục ở nhiều ngành nghề trong tương lai. Cùng với đó nhằm giải quyết những hạn chế tồn tại, có thể hai nước cần thảo luận nhiều biện pháp chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý du học sinh và lao động Việt Nam sang Nhật Bản. Tiến trình hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản được minh chứng qua những thành tựu (và cả hạn chế) cho thấy đó là nền tảng vững chắc để hai quốc gia tiếp tục nỗ lực đạt nhiều mục tiêu lớn hơn nữa trong tương lai. Sở dĩ như vậy là bởi tiềm năng và dư địa vẫn còn rất lớn để hai nước tiếp tục hướng tới nhiều thành tựu hơn nữa trong lĩnh vực này. Hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản trong hơn 30 năm không chỉ khẳng định sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực này mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy, mở ra những cơ hội lớn đối với nhiều lĩnh vực khác (văn hóa, xã hội, môi trường, thể thao…) mà hai nước cùng quan tâm ở hiện tại và những năm tiếp theo. Điều đó cho thấy vị trí, vai trò không thể phủ nhận của hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản thực sự đúng hướng và phù hợp với tầm vóc quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai quốc gia.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] Lê Thị Mỹ Linh (2008), "Kinh nghiệm quốc tế về phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa", Tạp chí Kinh tế và Phát triển, đặc san Viện Quản trị Kinh doanh, số 4, tr. 15.
[3] Trần Mỹ Hoa, "Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực giáo dục những năm gần đây", http://cjs.inas.gov.vn/ index.php?newsid=1085.
[4] “Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản về quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”, https://nhandan.vn/tuyen-bo-chung-viet-nam-nhat-ban-ve-quan-he-doi-tac-chien-luoc-vi-hoa-binh-va-phon-vinh-o-chau-a-post531966.html.
[5] JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) (2013), “Quan hệ đối tác Việt Nam – Nhật Bản từ quá khứ đến tương lai” https://www.jica.go.jp/vietnam/office/others/ pamphlet/ku57pq0000221kma-att/Japan_Vietnam_ Partne rship_To_Date_and_From_Now_On_vie.pdf.
[6] “Thị trường Nhật Bản thu hút trở lại lao động, thực tập sinh Việt Nam”, https://nhandan.vn/thi-truong-nhat-ban-thu-hut-tro-lai-lao-dong-thuc-tap-sinh-viet-nam-post72 9137.html.
[7] Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, “ Bước phát triển mới của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản”, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=BTC335250.
[8]“Hợp tác giáo dục Việt Nam – Nhật Bản”: Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, http://icd.edu.vn/372/hop-tac-giao-duc-viet-nam--nhat-ban-tang-cuong-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao.html/BPF/vi-VN/CMS_Cat/Thong-Tin-Hop-Tac-Quoc-Te/CMS_Detail/1712.
[9] Trần Thanh Hậu (2020), "Đào tạo nguồn nhân lực trong hợp tác Việt Nam – Nhật Bản từ năm 2014 đến nay", Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 10, tr. 66.
[10] "Du học Nhật Bản: Người học dễ "sập bẫy" quảng cáo", https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/du-hoc-nhat-ban-nguoi-hoc-de-sap-bay-quang-cao-201703221420157 38.htm.
[11] "Vì sao nhiều lao động ở Nhật trở về thất nghiệp?", https://tienphong.vn/vi-sao-nhieu-lao-dong-tu-nhat-tro-ve-that-nghiep-post1468810.tpo.