Trần Văn Thọ1
Tóm tắt: Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản cho đến nay là giao lưu giữa một nước đang phát triển với một nước tiên tiến, và quan hệ đó thay đổi cùng với sự phát triển của Việt Nam từ nước thu nhập thấp lên nước thu nhập trung bình. Trong quá trình đó dòng chảy tư bản chỉ một chiều từ Nhật Bản sang Việt Nam dưới hình thức vốn vay ưu đãi (ODA) và đầu tư trực tiếp (FDI) nhưng trọng tâm dần dần chuyển từ ODA sang FDI. Về mặt ngoại thương, cùng với tiến triển của công nghiệp hóa tại Việt Nam, phân công giữa hai nước chuyển từ hàng dọc sang hàng ngang. Đó là sự tiến hóa hợp quy luật. Chỉ tiếc là Việt Nam chưa tận dụng các nguồn lực từ Nhật Bản để phát triển nhanh và hiệu quả hơn. Để đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần liên tục tăng năng suất lao động qua nỗ lực chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, tham gia sâu hơn và cao hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong giai đoạn mới, ODA và FDI từ Nhật Bản cần có nội dung mới, cụ thể là ODA theo phương thức đề án (Offer-type ODA) kết hợp với FDI, song song với hợp tác về đào tạo nhân tài và về phát triển doanh nghiệp. Trong dài hạn Việt Nam sẽ tốt nghiệp ODA, và doanh nghiệp Việt Nam có khả năng đầu tư sang Nhật Bản, bắt đầu thời đại triển khai FDI hai chiều trong quan hệ Việt - Nhật.
T |
rong 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023) thì 20 năm đầu hợp tác giữa hai nước chưa có thành tựu đáng kể vì tình hình quốc tế không thuận lợi và vì kinh tế Việt Nam còn trong giai đoạn thực hiện cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, đổi mới cũng còn ở thời kỳ sơ khai. Quan hệ hai nước phát triển mạnh kể từ năm 1993 khi Nhật Bản bắt đầu cung cấp vốn vay ưu đãi (ODA) và sau đó doanh nghiệp Nhật triển khai các dự án đầu tư trực tiếp (FDI) ở Việt Nam. Trong quan hệ kinh tế, những mặt khác như mậu dịch, xuất khẩu lao động, thực tập sinh... cũng được triển khai.[1]
Bài viết tóm tắt quá trình triển khai quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 30 năm qua, đánh giá quan hệ đó từ thành quả phát triển của Việt Nam và từ so sánh kinh nghiệm trong quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với một số nước khác ở châu Á. Cuối cùng, bài viết sẽ bàn về quan hệ kinh tế Việt - Nhật trong tương lai, với tiêu điểm là Việt Nam có thể tận dụng nguồn lực nào từ Nhật Bản để đạt mục tiêu phát triển từ nay đến năm 2045 và dự đoán hướng thay đổi về chất trong quan hệ hai nước.
1.1. Thời kỳ sơ khai (1973-1992)
Trước năm 1975 Nhật Bản có quan hệ bang giao với Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam và quan hệ kinh tế được triển khai bình thường như quan hệ của Nhật Bản với các nước khác ở Đông Nam Á. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Nhật Bản và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc chính thức lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9/1973 và thời điểm này đánh dấu khởi đầu giai đoạn bang giao giữa Nhật Bản với nước Việt Nam thống nhất. Tuy nhiên, trước đó cũng đã có buôn bán giữa Nhật Bản với miền Bắc và có cả các chuyên gia kinh tế và kỹ thuật của Nhật Bản sang miền Bắc để tìm hiểu về tình hình kinh tế, nhất là về địa chất khoáng sản[2].
Sau năm 1975, Nhật Bản muốn triển khai quan hệ tích cực với Việt Nam. Đặc biệt Việt Nam thống nhất năm 1976 trùng hợp với thời kỳ Nhật Bản tích cực đóng vai trò quan trọng tại Đông Nam Á, phản ánh cụ thể qua Học thuyết Fukuda[3]. Phía Việt Nam cũng mong Nhật Bản hợp tác trong việc tái thiết hậu chiến và phát triển kinh tế. Hai bên thương lượng và năm 1978 đã đạt thỏa thuận về số tiền nợ của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đối với Nhật Bản. Theo đó Nhật Bản đã cam kết viện trợ vốn phát triển (ODA) cho Việt Nam. Tuy nhiên sau sự kiện ở Campuchia và trong tình hình cấm vận của Mỹ, vấn đề viện trợ của Nhật Bản bị đóng băng từ năm 1979. Khoảng 10 năm sau, tình hình quốc tế sáng sủa hơn và Nhật Bản là nước tích cực nhất trong việc nối lại quan hệ bình thường với Việt Nam, cụ thể là xúc tiến việc viện trợ trở lại. Nổi bật nhất là vai trò của Watanabe Michio, nhân vật số 2 trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) là đảng cầm quyền lúc đó. Theo lời mời của ông, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Phan Văn Khải thực hiện chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 8/1989 và chính ông Watanabe cũng sang thăm Việt Nam tháng 5/1990. Tháng 12/1991 Chính phủ Nhật Bản cử đoàn chuyên gia liên bộ đến Việt Nam trao đổi khả năng nối lại ODA. Tháng 3/1992 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản sang đàm phán chính thức về khoản vay bắc cầu 45 tỷ yên và cuối năm đó khoản vay này được ký kết.
Mậu dịch giữa hai nước vẫn tiến triển dù viện trợ và đầu tư hầu như không đáng kể trong thời kỳ sơ khai. Theo tư liệu trong Nakahara (1995), từ năm 1974 đến năm 1992, kim ngạch xuất khẩu từ Nhật Bản sang Việt Nam tăng gần 12 lần và nhập từ Việt Nam tăng gần 14 lần. Nhật Bản xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là sản phẩm công nghiệp như: thép, tơ sợi, vải và nhập khẩu từ Việt Nam các nguyên liệu như than đá, dầu mỏ, và nông hải sản như tôm, mực, cà phê...
1.2. Thời kỳ phát triển mạnh mẽ quan hệ Việt Nhật (1993-2023)
1.2.1. Hỗ trợ vốn vay ưu đãi (ODA) từ Nhật Bản
Đầu những năm 1990, Nhật Bản là nước tích cực nhất trong việc kêu gọi các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các nước tiên tiến hỗ trợ Việt Nam vốn vay ưu đãi để xây dựng hạ tầng và giúp Việt Nam trong việc cải cách thể chế để chuyển dần sang kinh tế thị trường. Nhật Bản cũng luôn là nước dẫn đầu trong hợp tác song phương, đặc biệt suốt nhiều chục năm luôn là nước cung cấp ODA nhiều nhất cho Việt Nam.
ODA của Nhật Bản có 3 loại: quan trọng nhất là loại cho vay bằng tiền yên với điều kiện ưu đãi (gọi là yen loan) dùng cho việc xây dựng hạ tầng kinh tế; thứ hai là loại tặng không (grant) dùng cho lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; và thứ ba là hợp tác kỹ thuật. Kim ngạch lũy kế vốn ODA của Nhật Bản hỗ trợ cho Việt Nam từ 1993 đến tháng 3/2022 lên tới 2.900 tỷ yên (khoảng 22 tỷ USD theo tỉ giá hiện nay), trong đó 2,784 tỷ là yên loan, 98 tỷ yên là tiền hỗ trợ không hoàn lại và 18 tỷ yên là hợp tác kỹ thuật. Vì hỗ trợ không hoàn lại và hợp tác kỹ thuật chỉ chiếm một phần nhỏ trong ODA nên khi nói vốn ODA thường là nói về yen loan. Vốn ODA của Nhật Bản đã giúp Việt Nam xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng quan trong, như bến cảng, metro, đường cao tốc, nhà máy phát điện...
Yen loan có hai hình thức: một là vay không ràng buộc (untied loan) trong đó nước đi vay có thể mua vật tư, thiết bị, tư vấn kỹ thuật từ bất cứ nước nào xét thấy có lợi nhất (qua hình thức đấu thầu công khai); hai là vay có ràng buộc (tied loan) nhưng điều kiện rất ưu đãi mà Nhật Bản gọi là STEP (Special Term for Economic Partnership). Loại STEP ràng buộc nên điều kiện lãi suất ưu đãi hơn loại vay không ràng buộc. Cần nói thêm là tuy STEP là loại vay có ràng buộc nhưng các công ty Nhật Bản phải cạnh tranh với nhau trong đấu thầu. Các nước nhận ODA có thể chọn lựa giữa hai hình thức này. Theo tác giả được biết, hầu hết các nước ASEAN nhận cả hai loại ODA vì loại ràng buộc cũng dễ chấp nhận do lãi suất được ưu đãi hơn loại còn lại và kỹ thuật, công nghệ, máy móc của Nhật Bản được đánh giá cao.
Để hiểu nội dung ODA của Nhật Bản ở Việt Nam, có thể lấy ví dụ tình hình trong nửa đầu những năm 2010. Trong 5 năm đầu những năm 2010, bình quân mỗi năm ODA của Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam theo hình thức STEP là 45 tỉ yên (lãi suất chỉ có 0,1%) và theo hình thức untied loan là 124 tỉ yên (thời hạn 30 năm, lãi suất 1,4%/năm). Như vậy ODA không ràng buộc vào công ty Nhật Bản chiếm tới 73%, nghĩa là công ty Nhật Bản phải tham gia đấu thầu trong các dự án phát sinh từ nguồn vay này. Tỉ lệ công ty Nhật Bản thắng thầu cũng chỉ có 36%, không phải 100% như nhận định của Bộ trưởng Giao thông Vận tải thời đó[4]. Ngay cả trường hợp STEP là loại có thể hoàn toàn ràng buộc vào Nhật Bản, công ty Nhật Bản cũng chỉ chiếm 87% vì họ mời các công ty Việt Nam cùng tham gia trong việc cạnh tranh với các công ty khác của Nhật Bản. Một ví dụ cụ thể là dự án sân bay Nội Bài tuy theo hình thức STEP nhưng được thực hiện bởi công ty Xây dựng Taisei của Nhật Bản và Công ty Vinaconex của Việt Nam, dự án cầu Nhật Tân trên đường lên sân bay Nội Bài cũng do một liên doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam xây dựng.
1.2.2. Đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật Bản tại Việt Nam
Việt Nam công bố Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 nhưng lúc đó kinh tế vĩ mô còn bất ổn, hành lang pháp lý cũng mới bắt đầu được xây dựng. Thêm vào đó, tình hình quốc tế chưa thuận lợi (đến tháng 2 năm 1994 Mỹ mới bỏ cấm vận) nên doanh nghiệp của các nước tiên tiến, kể cả Nhật Bản, chưa có phản ứng tích cực. Trong lúc đó, từ đầu những năm 1990, các nền kinh tế công nghiệp mới nổi như Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, Singapore không bị ràng buộc từ chính sách cấm vận của Mỹ nên đến Việt Nam sớm. Các nền kinh tế này từ giữa những năm 1980 đã chuyển từ nhập sang xuất khẩu tư bản, đã bắt đầu đầu tư ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia... Bấy giờ họ xem Việt Nam là cơ hội mới nên rất tích cực.
Nhật Bản đánh giá rất cao tiềm năng của Việt Nam nên bắt đầu chuẩn bị đặt quan hệ để khi tình hình thay đổi thì triển khai được ngay. Các tập đoàn lớn lần lượt đến Việt Nam thăm dò thị trường và môi trường đầu tư như Nissho Iwai (tháng 12/1990), Mitsui (tháng 3/1991), Mitsubishi (tháng 4/1991). Như trên đã nói, năm 1992 Nhật Bản bắt đầu viện trợ trở lại, các tổ chức tiền tệ quốc tế cũng chính thức hỗ trợ cho Việt Nam từ cuối năm 1993. Tình hình đó cho thấy hạ tầng kinh tế sẽ được xây dựng. Do đó, từ giữa những năm 1990, các công ty lớn của Nhật Bản lần lượt triển khai hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Ở phía bắc (Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh phụ cận) có các công ty tiêu biểu như Canon, Toyota, Honda, Panasonic, Brothers, Kyosera, Denso, Bridgestones, Yamaha... đến đầu tư. Đặc biệt từ khi tập đoàn Sumitomo lập Khu công nghiệp Thăng Long (Cơ sở I hoàn thành tháng 2 năm 1997, Cơ sở II ở Hưng Yên 11/2006 và Cơ sở III ở Vĩnh Phúc 4/2015), ngày càng nhiều công ty Nhật Bản sang đầu tư. Ở phía nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương...), ngoài những doanh nghiệp lớn như Nidec, Fujitsu, YKK, Bia Sapporo, Bia Kirin, AEON… còn nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư trong các ngành công nghiệp hỗ trợ, thực phẩm, thuốc tây hoặc tiệm tạp hóa tiện lợi. Ở miền Trung (chủ yếu là Đà Nẵng), Mabuchi Motors, Fujjikura, Foster... đầu tư trong các ngành sản xuất máy nhỏ hoặc sản phẩm điện tử. Gần đây AEON, Tokyu, Sumitomo đầu tư lớn trong các lĩnh vực mới như trung tâm buôn bán, đô thị thông minh (smart city).
Cho đến nay, Nhật Bản là một trong ba nước đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Tính đến ngày 20/12/2022, kim ngạch FDI lũy kế của Nhật Bản tại Việt Nam là gần 69 tỷ USD, xếp thứ ba sau Hàn Quốc (81 tỷ) và Singapore (71 tỷ). FDI của Nhật Bản góp phần quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp Nhật Bản có vai trò lớn trong việc phát triển ngành điện tử gia dụng, xe máy, máy in và nhiều sản phẩm cao cấp khác. Một điểm cần nhấn mạnh nữa là chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản luôn đồng hành với Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư qua các chương trình đối thoại được gọi là “Sáng kiến chung Việt - Nhật”, trong đó hai bên cùng tìm ra những vấn đề còn vướng mắc về chính sách, về hành lang pháp lý, về thực thi chính sách để cải thiện, sửa đổi. Sáng kiến chung Việt - Nhật bắt đầu năm 2003 và được thực hiện qua nhiều giai đoạn, hiện nay vẫn còn tiếp tục (ở giai đoạn thứ 8, khởi động tháng 11/2021).
1.2.3. Mậu dịch giữa Việt Nam và Nhật Bản
Phân tích sự thay đổi trong cơ cấu mậu dịch giữa Việt Nam và Nhật Bản (Biểu 1 và Biểu 2, ở đây dùng tài liệu từ phía Nhật Bản) ta thấy các đặc điểm sau. Thứ nhất, trước năm 2000, Nhật Bản nhập nhiều nông phẩm và nguyên nhiên liệu (như than đá, khí đốt) từ Việt Nam, sau đó hàng tiêu dùng có hàm lượng lao động cao như áo quần, giày dép chiếm ưu thế. Ngoài ra, cùng với tiến triển công nghiệp hóa của Việt Nam, Nhật Bản nhập nhiều hơn sản phẩm sơ chế như thép, hóa chất và hàng công nghiệp hỗ trợ như linh kiện, bộ linh kiện (Bảng 1). Thứ hai, Nhật Bản xuất khẩu sang Việt Nam đủ các loại hàng công nghiệp, nhưng trong 30 năm qua, cơ cấu có sự thay đổi khi tỉ trọng hàng tiêu dùng giảm và tỉ trọng của linh kiện, bộ linh kiện tăng. Về hàng tiêu dùng, trước năm 2000, Việt Nam nhập nhiều xe máy, xe hơi và một số đồ điện gia dụng nhưng các mặt hàng này ngày càng sản xuất tại Việt Nam để thay thế nhập khẩu. Mặt khác, cùng với các dự án FDI của Nhật Bản ngày càng nhiều trong các ngành lắp ráp như ô tô, máy in, đồ điện gia dụng,... tỉ trọng của linh kiện, bộ linh kiện trong xuất khẩu từ Nhật Bản ngày càng lớn (Bảng 2).
Bảng 1: Cơ cấu nhập khẩu của Nhật Bản từ Việt Nam (%)
|
1990 |
1995 |
2000 |
2010 |
2022 |
Nông phẩm, nguyên nhiên liệu |
88,2 |
44,3 |
26,1 |
10,6 |
8,6 |
Sản phẩm sơ chế |
- |
1,7 |
5,1 |
14,6 |
18,3 |
Linh kiện, bộ linh kiện |
- |
0,3 |
8,9 |
26,9 |
19,4 |
Hàng tạo tư bản (máy móc…) |
- |
0,1 |
4,1 |
6,5 |
14,6 |
Hàng tiêu dùng |
- |
53,2 |
55,6 |
41,1 |
38,6 |
Tổng cộng |
100 |
100 |
100 |
100 |
100 |
(Tổng kim ngạch, triệu USD) |
587 |
1.715 |
2.638 |
8.178 |
26.352 |
Nguồn: Năm 1990 tính từ Nakahara (1995). Các năm khác tính từ Global Trade Atlas.
Bảng 2: Cơ cấu xuất khẩu của Nhật Bản sang Việt Nam (%)
|
1995 |
2000 |
2010 |
2022 |
Nông phẩm, nguyên nhiên liệu |
0,4 |
0,8 |
1,6 |
5,0 |
Sản phẩm sơ chế |
29,8 |
36,2 |
43,3 |
37,6 |
Linh kiện, bộ linh kiện |
7,4 |
22,6 |
25,1 |
30,1 |
Hàng tạo tư bản (máy móc…) |
28,6 |
21,3 |
24,7 |
15,8 |
Hàng tiêu dùng |
26,3 |
7,6 |
5,9 |
7,8 |
Tổng cộng |
100 |
100 |
100 |
100 |
(Tổng kim ngạch, triệu USD) |
921 |
1.974 |
8.181 |
18.611 |
Nguồn: Tính từ Global Trade Atlas
Nhìn chung có thể nói, quan hệ mậu dịch Việt - Nhật từ khoảng năm 2000 đã chuyển từ sự phân công hàng dọc (vertical specialization) sang phân công hàng ngang (horizontal specialization) và dần dần chuyển sang phân công trong nội bộ từng ngành công nghiệp (intra-industry specialization)[5]. Việt Nam đã tiến hành công nghiệp hóa một bước và trở thành nước thu nhập trung bình (trung bình thấp từ năm 2010 và vài năm nữa sẽ là nước thu nhập trung bình cao) nên quan hệ ngoại thương đối với một nước tiên tiến như Nhật Bản đã thay đổi theo hướng như vậy. Ngoài ra, phân công quốc tế trong vài chục năm nay ngày càng chịu ảnh hưởng bởi các chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCs), Việt Nam cũng tham gia vào GSCs của các công ty lớn của Nhật Bản, thúc đẩy sự phân công trong nội bộ từng ngành công nghiệp giữa hai nước.
Về sự phát triển trong mậu dịch giữa hai nước, như Biểu 1 và Biểu 2 cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng khá nhanh. Tuy nhiên so với mậu dịch của Việt Nam với thế giới nói chung và với một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ nói riêng thì mậu dịch của Việt Nam đối với Nhật Bản tăng ít hơn. Do đó, trong tổng xuất khẩu của Việt Nam, từ năm 2000 đến 2020, tỉ trọng của Nhật Bản giảm từ 17,8% xuống còn 6,9%. Trong cùng thời kỳ, tỉ trọng của Mỹ tăng từ 5,1% lên tới 27,4% và của Trung Quốc tăng từ 10,6% lên 17,4%. Về nhập khẩu của Việt Nam, trong cùng thời kỳ, tỉ trọng của Nhật Bản giảm từ 14,7% xuống còn 7,8%, trong khi tỉ trọng của Trung Quốc tăng từ 9% lên tới 32%, của Hàn Quốc tăng từ 11% đến 18%. Công nghiệp hóa của Việt Nam trong thời gian qua ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc và phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu ở Mỹ.
1.2.4. Xuất khẩu lao động và thực tập sinh ở Nhật Bản
Về quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản còn có vấn đề xuất khẩu lao động và thực tập sinh.
Về xuất khẩu lao động, không kể thời kỳ quan hệ mật thiết với các nước Đông Âu, lao động Việt Nam ra nước ngoài tìm việc tăng nhanh từ cuối những năm 1990 và chủ yếu sang các nước Đông Á[6]. Trong những năm 2000, bình quân mỗi năm có 7 vạn lao động được đưa ra nước ngoài, trong đó Nhật Bản là nước tiếp nhận nhiều thứ ba (năm 2011 là gần 7.000 người), sau vùng lãnh thổ Đài Loan (gần 39.000 người) và Hàn Quốc (hơn 15.000 người). Gần đây, số lao động ra nước ngoài đông gấp bội và Nhật Bản trở thành nước tiếp nhận nhiều nhất. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.779 người, tập trung chủ yếu ở ba thị trường Đông Á, trong đó Nhật Bản tiếp nhận nhiều nhất (67.295 người), tiếp đó là vùng lãnh thổ Đài Loan (58.598 người) và Hàn Quốc (9.968 người). Vào tháng 10 năm 2020, lao động người Việt Nam tại Nhật Bản lên tới 44 vạn người, chiếm vị trí số 1 (26%) trong tổng số 172 vạn lao động nước ngoài tại Nhật Bản.
Từ năm 2014 lao động Việt Nam sang Nhật Bản tăng nhiều và biến nước này thành thị trường lao động lớn nhất của Việt Nam vì hai lý do. Thứ nhất, do số lao động bỏ trốn nhiều, năm 2012 Hàn Quốc quyết định không nhận thêm lao động từ Việt Nam, lao động Việt Nam phải tìm thị trường mới và Nhật Bản đang có nhu cầu lớn. Thứ hai, trước đây lao động Trung Quốc sang Nhật Bản nhiều nhưng dần dần do tiền lương ở Trung Quốc đã tăng nên họ không cần sang Nhật Bản nữa. Do đó, Nhật Bản tích cực thu nhận lao động từ Việt Nam.
Song song với xuất khẩu lao động, vấn đề thực tập sinh ngày càng quan trọng từ những năm 2010.
Liên quan thực tập sinh, từ năm 1981 Nhật Bản có chính sách đưa một số lao động đang làm việc tại các công ty của họ ở châu Á sang tu nghiệp, học tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Năm 1992 chính sách mở rộng đối tượng là lao động nói chung ở châu Á, không nhất thiết làm ở các công ty Nhật Bản, và sau khi sang Nhật Bản làm việc với tư cách là lao động, có lương và thực tập qua công việc. Từ đó có cụm từ “thực tập sinh kỹ năng”. Trong chế độ này, lao động từ các nước châu Á sang Nhật Bản vừa làm vừa học một thời gian rồi về nước mình làm việc ở các công ty hoặc tự mình khởi nghiệp. Tháng 4 năm 2019, Nhật Bản lập thêm chế độ cấp chứng nhận “kỹ năng đặc biệt” cho những thực tập sinh đã có chứng chỉ về trình độ Nhật ngữ trung cấp trở lên và đỗ kỳ thi về một lĩnh vực chuyên môn.
Từ những năm 1990 đến giữa những năm 2000, thực tập sinh kỹ năng từ Trung Quốc, Thái Lan và Philippines chiếm phần lớn nhưng sau đó thực tập sinh từ Việt Nam dần dần chiếm vị trí số 1. Theo JICA (2022), vào cuối tháng 6 năm 2021, tổng số thực tập sinh kỹ năng ở Nhật Bản là 317 vạn người, trong đó riêng Việt Nam là 202.365 người, chiếm tới 64% (cho đến năm 2016 Trung Quốc là nước đứng đầu). Số thực tập sinh Việt Nam đạt đỉnh cao vào năm 2019 (218.727 người, sau đó giảm vì đại dịch Covid-19. Theo Umeda (2022), vào cuối năm 2020, số thực tập sinh Việt Nam có kỹ năng đặc biệt là 9.412 người (chiếm 60% trong tổng số 15.663 người). Vào cuối năm 2022, con số của Việt Nam đã lên tới 26.000, tăng hơn gấp đôi so với hai năm trước.
2.1. Đánh giá tổng quát
Nhật Bản là nước công nghiệp tiên tiến, lại gần gũi với Việt Nam về địa lý và văn hóa. Là một nước châu Á thành công trong nỗ lực đuổi kịp các nước tiên tiến Âu Mỹ, Nhật Bản còn cung cấp nhiều kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình đổi mới và phát triển[7]. Nhật Bản còn xem Việt Nam là quốc gia có tiềm năng và vị trí chiến lược trong khối ASEAN, khu vực quan trọng trong đối ngoại của họ nên trong nhiều cơ hội đã tích cực hỗ trợ Việt Nam. Như đã đề cập, vào đầu những năm 1990 Nhật Bản là nước tích cực nhất chẳng những chính mình sớm nối lại viện trợ cho Việt Nam mà còn kêu gọi cộng đồng quốc tế sớm có chính sách tương tự đối với Việt Nam. Khi thấy Việt Nam chậm cải thiện hành lang pháp lý và môi trường đầu tư, nhất là có chính sách đối xử phân biệt đối với người và doanh nghiệp nước ngoài, Nhật Bản không nản chí mà còn cùng với Chính phủ Việt Nam tìm biện pháp tháo gỡ các vướng mắc qua việc thành lập Sáng kiến Việt - Nhật như đã nói ở trên. Trên bình diện quốc gia, hai nước có độ tin cậy, liên đới với nhau rất cao đến nỗi ông Umeda Kunio, nguyên đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, hình dung quan hệ Nhật - Việt như là một "đồng minh tự nhiên”[8].
Như vậy, đẩy mạnh quan hệ nhiều mặt với Nhật Bản và có chiến lược, chính sách tận dụng các nguồn lực từ Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam phát triển nhanh, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hóa. Từ góc độ đó chúng ta thử đánh giá thành quả trong 30 năm qua.
Đối với một nước trên đường phát triển thì vốn đầu tư là quan trọng và nguồn vốn tích lũy trong nước còn nhỏ nên phải thu hút các nguồn lực từ nước ngoài. Vốn nước ngoài gồm hai hình thái chính là ODA và đầu tư trực tiếp (FDI). Các hình thái khác như vay ngân hàng thương mại thì rất nhỏ. Hình 1 biểu diễn sự thay đổi trong tỉ lệ của Nhật Bản trong tổng luồng vốn từ nước ngoài vào Việt Nam. Như Hình 1 cho thấy, Nhật Bản chiếm tỉ lệ rất cao (phần lớn là trên 30%, nhiều năm trên 50%) trong tổng nguồn vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam. Điều này nói lên sự quan trọng của Nhật Bản trong quá trình phát triển của Việt Nam.
Trong quá trình phát triển của một nước, cơ cấu đầu tư xã hội thay đổi theo nhu cầu. Trước hết là đầu tư công để xây dựng hạ tầng như bến cảng, đường sá, cơ sở phát điện... Sau đó đầu tư (chủ yếu là tư nhân) để sản xuất kinh doanh mới tăng. Cũng theo sự thay đổi đó, luồng vốn của Nhật Bản vào Việt Nam lúc đầu cũng tập trung trong ODA, sau dần dần tăng trong FDI. Hình 2 biểu diễn sự thay đổi trong cơ cấu của luồng vốn công (chủ yếu là ODA) và luồng vốn tư (chủ yếu là FDI) chảy từ Nhật Bản vào Việt Nam. Cần lưu ý các con số tính toán ở đây là số ròng (net) nghĩa là luồng vốn chảy vào Việt Nam trừ đi luồng vốn chảy ra. Vốn ODA ròng là vốn thực hiện năm đó trừ đi tiền trả nợ cho số vốn đã đến hạn phải trả trong cùng năm. ODA là vốn dài hạn nên Việt Nam mới bắt đầu trả nợ trong khoảng 10 năm gần đây. Về FDI, vốn ròng là vốn thực hiện năm đó trừ đi lợi nhuận chuyển về Nhật Bản từ các dự án đầu tư trong quá khứ.
Hình 1: Tỉ phần của Nhật Bản trong tổng luồng vốn nước ngoài
chảy vào Việt Nam (%, vốn ròng)
Chú thích: Vốn ròng là vốn chảy vào trừ vốn chảy ra.
Nguồn: Tính từ OECD, Geographical Distribution of Financial Flows to Aid Recipients
Hình 2: Cơ cấu dòng tư bản chuyển từ Nhật Bản sang Việt Nam (%)
Chú thích: ODA ở đây bao gồm tất cả các nguồn vốn ở cấp chính phủ. Private ở đây ngoài FDI còn có vốn vay từ ngân hàng tư nhân… Đây là dòng chảy ròng (dòng chảy vào Việt Nam trừ đi dòng chảy ra tức là tiền trả nợ hoặc tiền lời của FDI chuyển về Nhật Bản.
Nguồn: Tính từ OECD, Geographical Distribution of Financial Flows to Aid Recipients.
Tuy có sự hạn chế về số liệu nhưng Hình 2 cũng cho thấy khuynh hướng chung như đã đề cập. Trong khoảng 15 năm đầu, từ 1993 đến 2007, ODA là luồng vốn chủ đạo, khoảng 10 năm sau đó thì ODA và FDI hầu như có cùng tỉ lệ (trên dưới 50%), và từ năm 2016 là giai đoạn FDI chủ đạo. Trên thực tế, xem thống kê về vốn ODA mà Nhật Bản cam kết cho Việt Nam ta thấy ODA đạt đỉnh cao năm 2011 (288 tỷ yên), sau đó giảm dần và từ năm 2018 hầu như còn rất ít[9]. Diễn tiến xảy ra trong vài năm gần đây có vài lý do đặc biệt, chẳng hạn do việc giải ngân các dự án đã ký kết bị chậm trễ, nhưng nhìn chung, sau một thời gian dài tiếp nhận ODA, việc giảm nhận thêm để không làm tăng nợ nước ngoài và để huy động tốt hơn nguồn lực trong nước là rất đáng hoan nghênh, tránh hiện tượng vừa lãng phí nguồn lực trong nước vừa tiếp tục vay vốn nước ngoài. Một nước phát triển là nước đến một giai đoạn nào đó phải “tốt nghiệp ODA”, nghĩa là chấm dứt giai đoạn nhận ODA để phát triển kinh tế[10].
2.2. Đánh giá FDI
Khuynh hướng và thành quả đầu tư (FDI) của Nhật Bản tại Việt Nam đã được nói sơ lược ở phần 1. FDI của Nhật Bản đã đóng vai trò nhất định trong quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn từ nguồn lực to lớn của Nhật Bản cùng với thái độ tích cực của họ đối với Việt Nam, và so sánh Việt Nam các nước châu Á khác trong việc tranh thủ vốn và công nghệ của Nhật Bản, chúng ta thấy thành quả của Việt Nam không lớn. Dưới đây là vài nhận xét.
Thứ nhất, do việc cải cách thể chế để cải thiện môi trường đầu tư và việc thực thi chính sách không nhanh chóng nên Việt Nam đã đánh mất thời cơ trong những năm 1990 và nửa đầu những năm 2000, một thời gian dài gần 15 năm. Từ khi đồng yên lên giá đột ngột vào giữa những năm 1980, Nhật Bản đã đầu tư ồ ạt sang các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Đến năm 1994-1995, đồng yên lại lên giá mạnh lần nữa gây nên một làn sóng mới về đầu tư trực tiếp của Nhật Bản. Vì đã đầu tư nhiều ở ba nước vừa nói, các công ty Nhật Bản muốn tìm một thị trường mới. Lần này họ chú ý đến Việt Nam, một nước có nguồn nhân lực dồi dào, được tiếng là cần mẫn và có trình độ giáo dục cao. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng đã bước vào giai đoạn ổn định, và như đã thấy ở phần 1, Nhật Bản và các nhà tài trợ thế giới cũng vừa cam kết các khoản viện trợ lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều công ty đã đến điều tra thị trường và đặt các cơ sở ban đầu. Tuy nhiên, họ thấy rằng Việt Nam không phải là môi truờng đầu tư thuận lợi, thủ tục hành chính nhiêu khê, chính sách thiếu nhất quán và phí tổn kinh doanh, phí tổn cư trú quá cao.
Cùng lúc đó, thị trường Trung Quốc xuất hiện rõ hơn. Trong khoảng thời gian gần 7 năm, từ cuối 1994 đến đầu 2001, nhiều công ty Nhật Bản liên tiếp lập các cứ điểm sản xuất tại nhiều tỉnh thành ven biển, đặc biệt là các thành phố ở Quảng Đông như Đông Hoàn, Hàng Châu, Châu Hải, Quảng Châu... Nhiều công ty Nhật Bản trong thời gian ngắn đã hình thành tập đoàn có trên 10 cứ điểm sản xuất và thương mại tại Trung Quốc, đưa công nghệ tối tân từ Nhật Bản sang và sản xuất với quy mô lớn. Tại Trung Quốc, trước năm 1990, Nhật Bản mới chỉ đầu tư trong các ngành dùng nhiều lao động giản đơn như vải vóc và các loại tạp hóa, nhưng từ giữa những năm 1990, các công ty lớn có công nghệ cao ào ạt sang sản xuất máy chụp hình, máy in, ti vi màu, máy điều hòa không khí, đồng hồ và nhiều sản phẩm điện tử khác.
Bảng 3: Thứ hạng các nước doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm trong dài hạn
|
1994 |
1996 |
1997 |
1998 |
1999 |
1 |
Trung Quốc |
Trung Quốc |
Trung Quốc |
Trung Quốc |
Trung Quốc |
2 |
Việt Nam |
Ấn Độ |
Ấn Độ |
|
|
3 |
|
Việt Nam |
Hoa Kỳ |
|
|
4 |
|
|
Việt Nam |
|
|
5 |
|
|
|
|
|
6 |
|
|
|
Việt Nam |
|
7 |
|
|
|
|
|
8 |
|
|
|
|
|
9 |
|
|
|
|
Việt Nam |
Nguồn: Điều tra hàng năm của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Nhật Bản và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản
Trong cuốn sách xuất bản cuối năm 2005, tôi đã tóm tắt hành động đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào giữa những năm 1990 như sau: Hình thành nhóm cứ điểm sản xuất ở Thái Lan, thăm dò ở Việt Nam, và lập nhóm cứ điểm thứ hai tại Trung Quốc. Để minh họa cho mô hình hành động đó, tôi đã phân tích trường hợp của Fujikura, công ty sản xuất bộ phận, linh kiện điện tử, sợi quang và các sản phẩm khác dùng trong công nghệ thông tin, dây dẫn điện, và nhiều sản phẩm điện, điện tử cao cấp[11].
Bảng 3 cho thấy vào năm 1994 doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng rất nhiều vào thị trường Việt Nam nhưng sau đó dần dần chuyển quan tâm sang các nước khác. Việt Nam đã đánh mất cơ hội đầu tiên vào giữa những năm 1990.
Thứ hai, quan chức Việt Nam thiếu nỗ lực trong việc tiếp thị những công ty đa quốc gia có uy tín đến đầu tư vào những ngành Việt Nam cần chú trọng trong quá trình công nghiệp hóa. Lẽ ra các bộ ngành, các quan chức liên quan đến việc thu hút FDI phải căn cứ trên chiến lược phát triển chung để định ra một số ngành quan trọng, một vài địa điểm có tính cách chiến lược cho việc phát triển và đặt ra chương trình tiếp thị với doanh nghiệp nước ngoài, kể cả việc kiến nghị với cấp lãnh đạo cao nhất đứng ra tiếp thị trực tiếp đối với những công ty đa quốc gia có khả năng FDI lớn. Thụ động và thiếu định hướng trong việc tiếp nhận FDI đưa đến hậu quả là một mặt nhiều lĩnh vực cần phát triển nhưng thiếu các dự án FDI (chẳng hạn những ngành ở thượng nguồn sản xuất linh kiện và sản phẩm trung gian cao cấp) trong khi một số lĩnh vực khác FDI được cấp phép quá nhiều, gây khó khăn trong việc xây dựng các ngành công nghiệp chủ lực (chẳng hạn ngành lắp ráp ô tô).
Về điểm này, rất tiếc Việt Nam đã không tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan và Malayia trong việc tiếp cận với Nhật Bản. Trong những năm 1980, các lãnh đạo cấp cao nhất của Malaysia và Thái Lan thường xuyên tiếp xúc và đưa yêu cầu cụ thể với những công ty lớn của Nhật Bản mà họ muốn đến xứ họ xây dựng nhóm cứ điểm công nghiệp. Kết quả là ở ngoại ô Bangkok có một quần thể sản xuất ô tô và linh kiện, bộ phận ô tô lớn thứ ba, thứ tư ở châu Á. Còn Malaysia đã trở thành một trong những cứ điểm sản xuất đồ điện gia dụng nhiều nhất thế giới sau khi Thủ tướng Mahathir triển khai chính sách nhìn về phương Đông, chủ yếu là học tập kinh nghiệm Nhật Bản và kêu gọi công ty đồ điện gia dụng Matsushita (hiện nay là Panasonic) kéo cả tập đoàn đến đầu tư.
Thứ ba, nhìn cơ cấu các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ta thấy vị trí của Nhật Bản tương đối thấp. Như đã đề cập, trong tổng kim ngạch FDI đăng ký lũy kế từ trước đến nay, Nhật Bản chiếm vị trí số 3, sau Hàn Quốc và Singapore là những nước mới phát triển và qui mô nhỏ hơn Nhật Bản nhiều. Chẳng hạn trong tổng kim ngạch sản xuất công nghiệp của thế giới vào năm 2015, Nhật Bản chiếm 10,5% trong khi Hàn Quốc là 3,7% và Singapore 0,5%[12]. Nhật Bản không những lớn hơn mà còn có lịch sử phát triển dài hơn nên nhìn tổng thể văn hóa kinh doanh, quản trị kinh doanh đã được xác lập sớm. Về điểm này, ý kiến của Lý Quang Diệu rất khách quan và chính xác. Vào cuối năm 1993, ông Võ Hồng Phúc lúc đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước (tiền thân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sang Singapore để gặp ông Lý Quang Diệu trình bày về hiện tình kinh tế Việt Nam trước khi ông Lý sang thăm Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông Lý hỏi ông Phúc là: “Hiện nay ai là nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam? Và thứ tự tiếp theo?”. Ông Phúc đã liệt kê nhà đầu tư số 1 cho đến số 8 theo thứ tự số vốn cam kết và ông Lý “lắc đầu”. Hồi đó là đầu những năm 1990, hầu hết FDI ở Việt Nam đến từ những nền kinh tế mới nổi như Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore. Và Lý Quang Diệu nói thêm: “Bao giờ mà các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản giữ vị trí là nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam thì các ông mới thành công”[13].
Tôi hoàn toàn đồng ý với Lý Quang Diệu và từng phát biểu sự hiện diện của các nước tiên tiến (Nhật Bản và Âu Mỹ) là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng của dự án FDI[14]. Cho đến nay, FDI từ các nước Âu Mỹ xem như không đáng kể và chỉ có Nhật Bản là một trong những nước đầu tư nhiều nhưng cũng chỉ xếp hạng thứ ba. Đáng tiếc là trong hồi ký, ông Võ Hồng Phúc không giải thích nguyên nhân tại sao như vậy mặc dù ông trực tiếp nghe lời khuyên của Lý Quang Diệu và ông cũng là người lãnh đạo suốt nhiều chục năm ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan phụ trách cấp giấy phép FDI.
2.3. Đánh giá chế độ thực tập sinh
Như đã nói ở phần 1, số thực tập sinh Việt Nam tại Nhật tăng nhanh, vượt qua Trung Quốc từ giữa những năm 2010 và hiện nay chiếm tới trên 60% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản. Nếu tổ chức tốt, lao động Việt Nam sang Nhật Bản vừa làm việc vừa thực tập trong một thời gian sẽ trở thành lao động có kỹ năng, sau khi về nước có thể đóng góp tích cực vào công nghiệp hóa. Trong 30 năm qua, đã có khoảng 2 triệu thanh niên châu Á, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan đã đến Nhật Bản theo hình thức thực tập sinh kỹ năng và khi về nước nhiều người đã trở thành những người quản lý ở nhà máy hoặc tự mình khởi nghiệp.
Tuy nhiên, trường hợp Việt Nam cho đến nay, chất lượng và hiệu quả thì rất hạn chế. Ngoài ra có hiện tượng tiêu cực liên quan thực tập sinh. Có thể tóm tắt một số nhận xét sau.
Thứ nhất, việc tổ chức gửi thực tập sinh sang Nhật không được tốt, gây ra tình trạng người xin đi thực tập phải tốn một chi phí quá lớn. So với thực tập sinh đến từ các nước châu Á khác, thực tập sinh Việt Nam tốn số tiền bảo đảm cao gấp nhiều lần[15]. Do phải vay nợ để chi cho các khoản tiền môi giới quá lớn nên nhiều người sang Nhật Bản lo làm thêm mọi việc để có thu nhập, thay vì chuyên tâm học tập chuyên môn. Số người Việt Nam phạm tội ở Nhật Bản tăng một phần có bối cảnh đó.
Thứ hai, sau khi thực tập xong trở về nước, kỹ năng và kinh nghiệm của nhiều thực tập sinh không được tận dụng. Theo điều tra của Tổ chức Thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản vào năm 2019 về hiện trạng của thực tập sinh châu Á sau khi về nước, trường hợp Việt Nam chỉ có 26,7% là đang làm việc (số còn lại đang tìm việc làm hoặc có các định hướng mới). Thêm vào đó, trong số những người đang làm việc chỉ có 51% là làm đúng với chuyên môn đã thực tập tại Nhật Bản. Để so sánh, trong trường hợp Trung Quốc và Thái Lan, có gần 60% đang làm việc và trong số đang làm việc 86% (trường hợp Thái Lan) và 77% (Trung Quốc) đang làm đúng ngành nghề đã thực tập tại Nhật. Như JICA (2022) nhận xét, trường hợp Việt Nam là hiện tượng lãng phí nguồn nhân lực đã được bồi dưỡng trong các chương trình thực tập. Trong lúc đó tại Việt Nam, nhiều nhà máy đang thiếu lao động có kỹ năng.
Nguyên nhân có sự lãng phí này là do thiếu tổ chức ở phía các nhà quản lý ở Việt Nam. Lẽ ra phải có kế hoạch cụ thể và thực thi nhanh chóng trong việc kết nối thực tập sinh với các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam.
Nói chung, hai vấn đề trên đây sẽ được giải quyết nếu việc tuyển chọn, hướng dẫn lao động chuẩn bị đi thực tập kết hợp với việc giới thiệu, hướng dẫn tìm việc sau khi thực tập được tổ chức tốt, với tinh thần trách nhiệm của các bộ ngành liên quan.
3.1. Mục tiêu phát triển đến năm 2045 và các chính sách cần thiết
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (từ 25/1 đến 1/2/2021) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định mục tiêu phát triển trung và dài hạn của Việt Nam. Theo mục tiêu trung hạn, cho đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành nước trung bình cao có nền công nghiệp hiện đại, và mục tiêu dài hạn đến năm 2045, Việt Nam sẽ thành nước tiên tiến có thu nhập cao.
Trong một bài viết gần đây tôi phân tích cho thấy là chậm nhất thì năm 2027 Việt Nam sẽ đạt mức phát triển trung bình cao theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới, nghĩa là đạt mục tiêu sớm hơn kế hoạch của Đảng Cộng sản (Trần Văn Thọ 2022b). Vấn đề ở đây là Việt Nam có thể chuyển từ thu nhập trung bình cao lên thu nhập cao vào năm 2045 hay không. Điều kiện để Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình và phát triển bền vững trong hai thập niên tới là gì? Trong bài viết ấy, tôi đã phân tích và đưa ra 5 chính sách để liên tục tăng năng suất lao động, điều kiện cơ bản để vượt bẫy thu nhập trung bình và phát triển thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Năm chính sách có thể tóm tắt như sau: (1) thực hiện chiến lược công nghiệp hóa và thu hút FDI theo hướng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao, tiến lên cao trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị; (2) đẩy mạnh quá trình chuyển dịch khu vực phi chính thức thành những doanh nghiệp chính qui và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) để ngày càng nhiều doanh nghiệp bản xứ tham gia vào các công đoạn cao của chuỗi giá trị toàn cầu; (3) tiếp tục cải cách thể chế nhằm hoàn thiện thị trường các yếu tố sản xuất để vốn và lao động di chuyển dễ dàng đến những khu vực có năng suất cao; (4) tăng cường giáo dục đào tạo theo hướng cung cấp ngày càng nhiều lao động có kỹ năng cao; (5) tăng cường hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D) ở cả cấp chính phủ và doanh nghiệp, kể cả chính sách khuyến khích FDI và doanh nghiệp bản xứ đầu tư cho đổi mới sáng tạo.
3.2. Nguồn lực Nhật Bản và mục tiêu phát triển của Việt Nam
Trong quá trình cải cách và đưa ra các chính sách để liên tục tăng năng suất lao động nhằm đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao trong khoảng 20 năm nữa, nguồn lực Nhật Bản có thể đóng vai trò như thế nào và Việt Nam cần tranh thủ những hỗ trợ gì từ Nhật Bản? Có hai nhóm vấn đề. Một là tận dụng nguồn lực Nhật Bản, hai là tham khảo kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản, nhất là kinh nghiệm phát triển ngoạn mục giai đoạn 1955-1973, giai đoạn đưa Nhật Bản từ nước thu nhập trung bình trở thành một cường quốc công nghiệp tiên tiến.
Về việc tận dụng nguồn lực Nhật Bản, trong khuôn khổ chính sách thứ nhất trong 5 chính sách nói trên, Việt Nam cần những tập đoàn doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đến triển khai các dự án chất lượng cao, đồng thời kéo theo các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng có công nghệ cao đến đầu tư. Việt Nam nên tiếp thị, bàn thảo cùng họ những chính sách và chuẩn bị cần thiết. Chẳng hạn, chỉ định vài khu công nghiệp đặc biệt và đầu tư hạ tầng tốt để những doanh nghiệp Nhật Bản có công nghệ cao, có qui mô và năng lực lan tỏa lớn đến Việt Nam đầu tư sản xuất, lập trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, lập bản bộ quản lý dây chuyền cung cấp cho cả vùng châu Á. ODA của Nhật Bản trong thời gian tới ưu tiên nhắm vào việc xây dựng hạ tầng cho những khu công nghiệp, những cơ sở sản xuất hàng công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, hàm lượng lao động có kỹ năng cao.
Về nhóm vấn đề thứ hai, cũng trong khuôn khổ một số trong 5 chính sách của Việt Nam nói trên, Chính phủ Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam bằng ba biện pháp nhằm đạt mục tiêu thành nước thu nhập cao năm 2045: (1) cụ thể hóa việc chuyển giao công nghệ từ SMEs có công nghệ cao đến SMEs bản xứ Việt Nam, bằng cách khuyến khích và hỗ trợ SMEs Nhật Bản chuyển giao công nghệ qua việc thiết lập liên doanh với SMEs Việt Nam; (2) chuyển giao bí quyết và công cụ chính sách liên quan việc nuôi dưỡng, phát triển SMEs. Công cụ chính sách gồm việc thiết lập quỹ cho vay hoặc ngân hàng chuyên môn cho SMEs. Các quỹ và ngân hàng này không chỉ đóng vai trò cung cấp vốn mà còn cung cấp dịch vụ tư vấn cho SMEs. Ngoài ra, chế độ cấp chứng chỉ cho những chuyên gia chuyên về SMEs (tiếng Nhật gọi là Chusho-kigyou Shindanshi) cũng là kinh nghiệm của Nhật Bản rất đáng cho Việt Nam tham khảo. Những chuyên gia này thường tư vấn cho SMEs trong việc cải tiến quản lý; (3) Nhật Bản có thể giúp Việt Nam cải thiện chế độ giáo dục đào tạo để nhanh chóng cung cấp kỹ sư, chuyên gia quản lý và lao động có kỹ năng. Đặc biệt kinh nghiệm Nhật Bản liên quan đào tạo huấn nghiệp, trung học chuyên nghiệp, và đại học ngắn hạn trong quá trình công nghiệp hóa cũng rất hữu ích cho Việt Nam[16].
Vài lời kết
Quan hệ kinh tế Việt - Nhật cho đến nay là giao lưu giữa một nước bắt đầu quá trình phát triển với một nước tiên tiến, và quan hệ đó thay đổi cùng với phát triển của Việt Nam từ nước thu nhập thấp lên nước thu nhập trung bình. Trong quá trình đó tư bản chảy từ Nhật Bản sang Việt Nam dưới hình thức vốn vay ưu đãi (ODA) và đầu tư trực tiếp (FDI) nhưng gần đây trọng tâm chuyển từ ODA sang FDI. Về mặt ngoại thương, cùng v