Phạm Hồng Thái1
Tóm tắt: Từ việc phân tích nền tảng vững chắc của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, bài viết tổng kết, đánh giá quan hệ hai nước từ năm 1992 đến nay trong lĩnh vực chính trị và an ninh - quốc phòng. Quan hệ chính trị Việt Nam - Nhật Bản được đánh giá là đã phát triển vững chắc, ngày càng sâu rộng và đáp ứng lợi ích chiến lược của cả hai bên. Hợp tác an ninh - quốc phòng là một trong những điểm nhấn trong quan hệ hai nước trong thời gian gần đây với sự phát triển nhanh và hiệu quả thực chất. Chiều sâu của quan hệ chính trị và an ninh - quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản không chỉ thể hiện trong phạm vi quan hệ song phương mà còn ở cả các diễn đàn đa phương. Bài viết đưa ra một số dự báo khẳng định triển vọng phát triển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực chính trị và an ninh - quốc phòng thời gian tới.
Từ khóa: Việt Nam, Nhật Bản, chính trị, an ninh - quốc phòng
1. Nền tảng vững chắc của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản[1]
Khi đề cập đến quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, một số nhà ngoại giao và học giả đã nhận xét rằng đây là mối quan hệ rất đặc biệt, một loại quan hệ “liên minh tự nhiên” (自然の同盟関係)[2]. Điều này muốn nói đến những tương đồng về lợi ích chiến lược dựa trên những nền tảng vững chắc của quan hệ giữa hai nước.
Việt Nam nằm ở rìa đông của bán đảo Đông Dương, trên tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới đi qua Biển Đông nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á, phía bắc tiếp giáp với Trung Quốc. Hàng năm có tới một phần ba tổng lưu lượng hàng hải trên toàn thế giới chuyển qua tuyến đường này[3]. Biển Đông cũng là tuyến đường vận chuyển huyết mạch của Nhật Bản với 45% hàng hóa xuất khẩu và 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu đi qua mỗi năm. An ninh Biển Đông, do vậy, cũng chính là an ninh kinh tế của Nhật Bản. Trong bối cảnh an ninh Biển Đông đứng trước nguy cơ bất ổn, nhu cầu hợp tác đảm bảo an ninh, tôn trọng quyền tự do hàng hải trên Biển Đông giữa Việt Nam với Nhật Bản ngày càng trở lên quan trọng cấp bách và trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy, củng cố quan hệ hai nước.
Với Nhật Bản, Việt Nam còn có vai trò trọng yếu trong khu vực Đông Nam Á - nơi có các nền kinh tế đang phát triển mạnh và năng động, trở thành động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới, là cầu nối giữa hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của các nước Đông Nam Á và châu Á[4]. Với hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm các cảng nước sâu, hệ thống sân bay, cầu, đường… đang ngày một cải thiện, Việt Nam có thể dễ dàng kết nối với các nước Đông Nam Á và khu vực bằng đường thủy, đường bộ, đường không và trở thành điểm đến, điểm giao thương, trung chuyển hàng hóa thuận tiện của Nhật Bản đối với khu vực ASEAN và toàn cầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn là nước có tài nguyên khoáng sản phong phú và nguồn nhân lực dồi dào với tiềm năng lớn có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về tài nguyên khoáng sản và lao động tại Nhật Bản. Với những khoáng sản có giá trị và quan trọng mang tính chiến lược cho sự phát triển của công nghiệp và trữ lượng lớn như dầu khí, đất hiếm, quặng titan, quặng bauxite… tài nguyên khoáng sản của Việt Nam có đủ khả năng cung cấp lâu dài cho sự phát triển của công nghiệp hiện đại. Việt Nam là nước có tốc độ tăng dân số ổn định với dân số trong độ tuổi lao động rất dồi dào và giá lao động thấp. Trong khi Nhật Bản đang ngày càng thiếu hụt lao động do dân số suy giảm, xã hội già hóa và tỉ lệ sinh thấp, chi phí nhân công cao… thì Việt Nam trở thành đối tác có nhiều tiềm năng góp phần bù đắp những thiếu hụt về lao động và mở ra một không gian mới cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Điều này cũng có nghĩa sẽ nhiều cơ hội việc làm cho một bộ phận đáng kể người lao động Việt Nam.
Một cơ sở quan trọng thúc đẩy và củng cố quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian qua là sự thành công của công cuộc “đổi mới” tại Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán, Việt Nam từng bước vững chắc chuyển đổi nền kinh tế từ chế độ quản lí bao cấp tập trung sang kinh tế thị trường. Về mặt quốc tế, Việt Nam chủ trương đường lối đối ngoại đa phương, độc lập, tự chủ, có quan hệ hợp tác hữu nghị với hầu hết các nước trên thế giới, nhất là các cường quốc hàng đầu. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam có nhu cầu lớn về vốn và công nghệ. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, có nhu cầu cao về ngoại thương và đầu tư ở nước ngoài. Đây chính là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự hợp tác lâu dài và thiết thực giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Cùng với những thành quả của tiến trình “đổi mới”, vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là trong khu vực Đông Nam Á ngày một gia tăng, trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy và củng cố quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Với vai trò trụ cột, thúc đẩy liên kết ASEAN và liên kết Tiểu vùng Sông Mekong, Việt Nam trở thành đối tác quan trọng góp phần giúp Nhật Bản thực hiện những mục tiêu chiến lược tại khu vực này.
Có thể thấy, Việt Nam có ưu thế hợp tác đặc biệt đối với Nhật Bản trong quá trình Nhật Bản củng cố, mở rộng ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á cũng như đảm bảo lợi ích an ninh của mình và môi trường hòa bình trong khu vực. Những cơ sở được phân tích ở trên đã thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc và động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ Nhật Bản - Việt Nam không ngừng phát triển ngày càng sâu rộng trong thời gian qua và trong tương lai.
2. Quan hệ Nhật Bản – Việt Nam trong lĩnh vực chính trị và an ninh - quốc phòng: không ngừng vươn tới những tầm cao mới của đối tác chiến lược sâu rộng
Năm 1992 đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, mở đầu bằng việc Nhật Bản nối lại viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Kể từ đây, quan hệ song phương Nhật Bản - Việt Nam được thúc đẩy tích cực và từng bước phát triển mở rộng trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, chính trị - an ninh, giao lưu văn hóa...
Về mặt chính trị, hợp tác hai nước đạt nhiều thành quả thiết thực và sự tin cậy cao. Ngoài việc trao đổi nhân sự lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức của chính quyền trung ương và địa phương của hai nước, lãnh đạo cấp cao hai nước thường niên tổ chức các chuyến thăm chính thức lẫn nhau với tần suất tăng dần. Có thể kể đến các chuyến thăm quan trọng của các nguyên thủ và quan chức cấp cao Nhật Bản đến Việt Nam như: Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam 10 lần; Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản thăm Việt Nam 2 lần; Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Yamazaki thăm Việt Nam tháng 12/2015; Hoàng Thái tử Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam tháng 2/2009. Đặc biệt, chuyến thăm Việt Nam của Thiên hoàng Nhật Bản Akihito vào tháng 3 năm 2017 được xem là chuyến thăm nước ngoài hiếm hoi của Thiên hoàng Nhật Bản, mang tính biểu tượng cao về sự trọng thị của Nhật Bản. Nhiều thủ tướng Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Riêng Thủ tướng Abe Shinzo đã hai lần đến thăm Việt Nam đầu tiên trong hai nhiệm kỳ thủ tướng của mình vào các năm 2013 và 2006.
Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản 4 lần; Chủ tịch nước Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản 2 lần; Thủ tướng Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản 10 lần, chưa kể các cuộc viếng thăm và làm việc với các đối tác Nhật Bản nhân hội nghị thượng đỉnh như chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản tháng 5/2023 nhân dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 với tư cách khách mời của Nhật Bản; Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức 3 lần, ngoài ra còn có các chuyển thăm làm việc thường xuyên của ngoại trưởng hai nước và nhiều quan chức cấp cao khác.
Cùng với các cuộc viếng thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, quan hệ song phương không ngừng được nâng cấp. Năm 2002 ghi dấu mốc quan trọng trong quan hệ Nhật - Việt khi hai nước đã thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Tháng 7/2004, ngoại trưởng hai nước ra Tuyên bố chung “Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững”. Tháng 10/2006, Thủ tướng hai nước ra Tuyên bố chung về “Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Tháng 11/2007, hai nước kí Tuyên bố chung về việc “Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam và Nhật Bản” và “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược”. Tháng 4/2009 đánh dấu mốc mới quan trọng trong quan hệ Việt - Nhật với “Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (4/2009). Với sự kiện này, Nhật Bản trở thành nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh đi vào chiều sâu và toàn diện với “Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào năm 2010. Quan hệ song phương tiếp tục được nâng cấp qua “Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” năm 2014. Đặc biệt, hai nước đã ra Tuyên bố về “Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản” trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9/2015. Đây được coi là dấu mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn phát triển mới toàn diện và tốt đẹp chưa từng có của quan hệ Nhật Bản - Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, như chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội. Tháng 11/2021, lãnh đạo cấp cao hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản: Hướng tới một giai đoạn mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á... Nội dung các tuyên bố chung đã tạo cơ sở vững chắc cho các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước về chính trị, kinh tế và văn hóa ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu.
Sự phát triển của quan hệ Việt - Nhật đã đem lại những kết quả thiết thực, thể hiện sự chân thành và lòng tin cậy cao giữa hai nước. Trong số các đối tác của Việt Nam, Nhật Bản là nước đầu tiên nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam (11/1992), là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đi thăm (9/1995), là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (4/2009), là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (10/2011), là nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng (tháng 5/2016). Điều đáng nói là các quyết định có tính đột phá trên của Nhật Bản đã tạo nên hiệu ứng tích cực mạnh mẽ khiến các nước G7 khác làm theo trong việc tăng cường quan hệ với Việt Nam. Trong số các đối tác của Nhật Bản, Việt Nam là quốc gia ủng hộ nhiệt thành việc Nhật Bản trở thành ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (2005). Trong các cuộc bầu cử quốc tế mà Nhật Bản là ứng cử viên, Việt Nam ủng hộ Nhật Bản gần như 100%. Việt Nam kịp thời khẳng định sẽ cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản trong bối cảnh Trung Quốc cấm vận đất hiếm cho Nhật Bản năm 2010. Năm 2017, Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gây rối loạn, đe dọa sáng kiến của Nhật Bản, Việt Nam vẫn kiên quyết ở lại. TPP 11 (11 thành viên không có Mỹ) có hiệu lực vào cuối tháng 12 năm 2018 nhờ sự hợp tác tuyệt vời giữa Nhật Bản và Việt Nam tại Đà Nẵng[5].
Hợp tác Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng là điểm nhấn quan trọng trong quan hệ hai nước thời gian gần đây.
Về trao đổi đoàn cấp cao, lãnh đạo cấp cao của bộ quốc phòng hai nước đã tăng cường các cuộc gặp gỡ, trao đổi song phương thường niên. Năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu đã có cuộc hội đàm chính thức trong khuôn khổ Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 8 diễn ra tại Singapore. Ngoài việc đánh giá tiến độ của các trao đổi khác nhau như trao đổi cấp cao, hai bên nhất trí việc xây dựng một bản ghi nhớ trao đổi quốc phòng, tăng cường giao lưu trên các lĩnh vực như giáo dục, thăm viếng lẫn nhau[6]. Có thể coi đây là sự kiện đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác an ninh - quốc phòng giữa hai nước. Kể từ đây, các cuộc gặp gỡ, trao đổi ở cấp bộ trưởng quốc phòng giữa hai nước được tổ chức thường niên. Ngoài ra còn có các cuộc thăm viếng cấp thứ trưởng bộ quốc phòng và các cấp lãnh đạo quốc phòng khác của hai nước… Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các hoạt động trao đổi gặp khó khăn, lãnh đạo cấp cao bộ quốc phòng hai nước vẫn duy trì các cuộc hội đàm thường xuyên qua điện thoại. Năm 2020, Tham mưu trưởng Liên quân của Nhật Bản đã thăm Việt Nam (2/3/2020), tiếp đó là các cuộc viếng thăm Việt Nam của cấp tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ trên không (27/6/2022), tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ mặt đất (13/2/3023)... Các cuộc hội đàm cấp bộ trưởng cũng tăng lên cho thấy nhu cầu hợp tác về quốc phòng ngày một gia tăng giữa hai nước.
Cùng với việc duy trì, tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức quốc phòng cấp cao hai nước, hợp tác song phương trong lĩnh vực này đã tạo nên những thống nhất về nguyên tắc chỉ đạo, khuôn khổ pháp lí ngày một rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trong thực tế.
Năm 2011, Việt Nam và Nhật Bản đã ký Bản ghi nhớ về Hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương (24/10/2011, tại Tokyo) nhân chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh. Bản ghi nhớ nêu rõ, Việt Nam và Nhật Bản sẽ tăng cường trao đổi các đoàn cao cấp, tiến hành đối thoại định kỳ ở cấp thứ trưởng, đào tạo nhân lực, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, cũng như hợp tác tại các diễn đàn quốc phòng và quốc tế khu vực[7]. Bản ghi nhớ được hai bên ký kết đã tạo nền tảng cho sự tương tác cả lực lượng bảo vệ bờ biển và ở cấp bộ quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và các ngành khác nhau của lực lượng vũ trang của hai nước. Đối tượng hợp tác là cả những thách thức và đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, bao gồm an ninh hàng hải, chống khủng bố và tội phạm có tổ chức, an ninh mạng, quản lý thiên tai, tìm kiếm và cứu nạn… Trước đó, tháng 6/2011, trong khuôn khổ Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10 tại Shangri-la Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Ichikawa Yasuo và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã có cuộc hội đàm trao đổi về hợp tác quốc phòng Nhật Bản - Việt Nam và tình hình khu vực bao gồm Biển Đông[8].
Từ năm 2012, Việt Nam và Nhật Bản đã có đối thoại về chính sách an ninh; từ năm 2013 hai nước tiến hành tham vấn ở cấp thứ trưởng bộ quốc phòng. Trong các cuộc đối thoại chính sách và tham vấn, hai bên đã trao đổi về chính sách an ninh của hai nước, tình hình khu vực..., đồng thời thảo luận về hợp tác trong tổ chức hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, lĩnh vực an ninh hàng hải, ASEAN...
Năm 2018, trong chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch (tháng 4/2018), Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Nhật Bản đã kí kết về Tầm nhìn chung Việt Nam - Nhật Bản. Đây là một văn kiện quan trọng, trong đó xác định rõ mục tiêu tầm nhìn chung, phương thức hợp tác, cơ chế hợp tác song phương trong lĩnh vực hợp tác an ninh quốc phòng, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hai nước. Hai bên coi Tầm nhìn chung sẽ là kim chỉ nam cho sự hợp tác song phương trong tương lai.
Tháng 5/2019, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya, Bộ Quốc phòng hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác 5 lĩnh vực quan trọng dựa trên “Tầm nhìn chung Việt Nam - Nhật Bản” trong lĩnh vực hợp tác an ninh quốc phòng đã được thống nhất trước đó. Đó là (1) trao đổi cấp cao, (2) các chuyến thăm (ghé cảng) của tàu hải giám và tàu sân bay, (3) tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực chính sách, và (4) thúc đẩy hợp tác đa phương dựa trên “Tầm nhìn Viêng Chăn” với tư cách là phương châm chỉ đạo hợp tác ASEAN - Nhật Bản, (5) thực hiện tham vấn chính sách. Cũng trong dịp này, đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam và Nhật Bản đã kí kết “Bản ghi nhớ về định hướng thúc đẩy hợp tác giữa các ngành công nghiệp quốc phòng”.
Tháng 9/2021, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã hội đàm, trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đặc biệt đánh giá cao tầm quan trọng và ý nghĩa của hợp tác quốc phòng song phương và có bài phát biểu quan trọng: “Hợp tác quốc phòng Nhật Bản - Việt Nam đạt “tầm cao mới”: quan hệ đối tác hướng đến toàn cầu”. Trên cơ sở phân tích những thách thức đang đặt ra đối với an ninh quốc phòng thế giới, khu vực cũng như của mỗi nước, phía Nhật Bản muốn chuyến thăm Việt Nam này trở thành một dấu mốc đánh dấu sự hợp tác quốc phòng Nhật Bản - Việt Nam đã bước sang một “giai đoạn mới”[9]. Cũng trong dịp này (11/09/2021), Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết Hiệp định giữa Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng. Việc ký kết hiệp định này sẽ đảm bảo quản lý phù hợp các thiết bị và công nghệ quốc phòng được chuyển giao giữa Nhật Bản và Việt Nam liên quan đến việc chuyển giao cho nước thứ ba và sử dụng cho các mục đích khác, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn về thiết bị quốc phòng giữa Nhật Bản và Việt Nam và duy trì cải tiến cơ sở sản xuất và công nghệ của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản, từ đó đóng góp vào an ninh của Việt Nam cũng như Nhật Bản[10].
Năm 2022, nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản - ASEAN mở rộng tại Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang (21/6/2022) đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi quan điểm về tình hình an ninh khu vực và thế giới, trao đổi quan điểm về hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương, ghi nhận rằng hợp tác đang tiến triển trong nhiều lĩnh vực như hỗ trợ xây dựng năng lực trong khuôn khổ “Hợp tác quốc phòng Nhật Bản - Việt Nam bước sang một giai đoạn mới”; hai bên nhất trí quan điểm sẽ tiếp tục hợp tác vì hòa bình, ổn định của khu vực và cộng đồng quốc tế[11].
Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập các cơ chế hợp tác an ninh - quốc phòng quan trọng như: Ủy ban Hợp tác Việt Nam -Nhật Bản do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng chủ tịch (từ năm 2007, đã họp 11 lần); Đối thoại đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản về ngoại giao - an ninh - quốc phòng cấp thứ trưởng ngoại giao (từ năm 2010, đã họp 7 lần); Đối thoại chính sách quốc phòng Việt - Nhật cấp thứ trưởng (từ tháng 11/2012, đã họp 9 lần); Đối thoại an ninh cấp thứ trưởng (từ tháng 11/2013, đã họp 6 lần); Ủy ban Hỗn hợp về thương mại, năng lượng và công nghiệp (từ 2014, đến nay đã họp 3 lần); Đối thoại chính sách quốc phòng cấp bộ trưởng lần thứ 8 vào tháng 11/2021 tại Nhật Bản; Đối thoại chính sách biển Việt Nam - Nhật Bản cấp bộ trưởng (thành lập từ tháng 12/2019).
Trên lĩnh vực hợp tác đa phương, hai nước ngày càng tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, nhất là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Việt Nam ủng hộ các hoạt động trong khuôn khổ sáng kiến Tầm nhìn Viêng Chăn do Nhật Bản đề xuất nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN - Nhật Bản, ủng hộ Nhật Bản tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.
Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, nổi bật là trong hợp tác an ninh biển.
Từ năm 2006, Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã thiết lập đầu mối liên lạc để trao đổi các thông tin liên quan với tư cách là thành viên tham gia Hiệp định Hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền tại châu Á (ReCAAP). Tháng 9/2015, “Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOC) giữa Lực lượng Bảo vệ biển Nhật Bản và Cảnh sát biển Việt Nam” đã được trao đổi. Dựa trên MOC này, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã cung cấp sự hỗ trợ mềm cho phía Việt Nam như các khóa đào tạo, nghiên cứu và hội thảo khác nhau. Từ năm 2015 đến nay, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đều đưa tàu tuần tra hoặc tàu huấn luyện sang thăm và giao lưu, luyện tập chung với Cảnh sát biển Việt Nam. Tháng 12/2018 máy bay “Falcon” đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội. Tháng 12 năm 2019, tàu tuần tra CSB8002 của Cảnh sát biển Việt Nam đã ghé cảng Yokohama. Đây là lần đầu tiên một tàu tuần tra của cơ quan bảo vệ bờ biển Đông Nam Á cập cảng Nhật Bản. Những chuyến viếng thăm lẫn nhau này giúp tăng cường hiểu biết, nâng cao trình độ, củng cố tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa hai bên.
Như một hình thức hỗ trợ phần cứng, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cung cấp 3 tàu đánh cá cũ có trọng tải lớn cho Cảnh sát biển Việt Nam theo viện trợ không hoàn lại phi dự án năm 2014. Ba tàu này đã được cải tạo thành tàu tuần tra và được sử dụng tại vùng biển Việt Nam và Biển Đông. Tháng 7/2020, Việt Nam và Nhật Bản cũng đạt thỏa thuận Nhật Bản sẽ đóng mới 6 tàu tuần tra trị giá gần 350 triệu USD từ khoản vay ODA ưu đãi 40 năm[12].
Có thể thấy, quan hệ Nhật Bản - Việt Nam trong những thập kỷ qua đã chứng tỏ Việt Nam và Nhật Bản thực sự là đối tác chiến lược sâu rộng của nhau. Việc triển khai những hợp tác về an ninh - quốc phòng từ những năm 1990 trở lại đây cho thấy, quan hệ song phương đã trở nên toàn diện. Nhật Bản đã xác lập được những cơ sở vững chắc để duy trì mục tiêu chiến lược của mình tại Việt Nam, góp phần quan trọng củng cố vị thế của Nhật Bản ở Đông Nam Á. Nhờ xác lập được những khuôn khổ quan hệ ngày càng được nâng cấp đó, quan hệ song phương Nhật Bản - Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích to lớn về nhiều mặt cho cả hai bên.
3. Triển vọng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực chính trị và an ninh - quốc phòng thời gian tới
Cạnh tranh chiến lược ngày một gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với cuộc chiến của Nga tại Ukraine có tác động phức tạp, khó lường đến hòa bình, ổn định và quan hệ quốc tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi như Việt Nam và Nhật Bản có thêm những động cơ mới để gia tăng hợp tác nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các nước lớn, cũng xuất hiện những thách thức mới trong quan hệ song phương, nhất là việc dung hòa giữa lợi ích song phương với lợi ích với các đối tác đa phương của mỗi nước.
Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động, có vị trí địa kinh tế - chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới, nhưng tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn do là tâm điểm cạnh tranh giữa các nước lớn và tham vọng của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông của Việt Nam, tác động đến việc bảo đảm lợi ích an ninh của Việt Nam và Nhật Bản.
Đông Nam Á vẫn tiếp tục trở thành một trong những trọng tâm chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở khiến Việt Nam tiếp tục trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Nhật Bản. ASEAN tiếp tục được củng cố để duy trì và phát huy vai trò trung tâm hợp tác, thúc đẩy liên kết khu vực Đông Á, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức dưới sự tác động của cạnh tranh các nước lớn.
Công cuộc đổi mới của Việt Nam phát triển, đi vào chiều sâu tạo cơ hội thuận lợi cho quá trình đầu tư của Nhật Bản. Trên nền tảng phát triển của kinh tế, chính trị, Việt Nam sẽ tăng cường cùng cố tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là tiến hành hiện đại hóa quân đội với hướng đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, trang bị.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực như vừa nêu trên và “Tầm nhìn chung Việt Nam - Nhật Bản” trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, có thể thấy trong thời gian tới quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục được củng cố và phát triển sâu trên tất cả các lĩnh vực trên tầm cao mới của đối tác chiến lược toàn diện.
Nhật Bản là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu của Việt Nam và có ảnh hưởng ngày càng lớn trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Việt Nam có vị thế ngày một gia tăng về kinh tế và chính trị trong khu vực Đông Nam Á. Nhật Bản tiếp tục coi trọng vị thế trọng tâm của Việt Nam trong chính sách đối ngoại mới của nước này tại khu vực Đông Nam Á, nhất là thông qua việc triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Cùng với việc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh - quốc phòng vẫn tiếp tục là những lĩnh vực ưu tiên trọng tâm trong hợp tác phát triển giữa hai nước. Hợp tác chính trị và an ninh - quốc phòng sẽ tiếp tục được tăng cường, nhất là trong lĩnh vực hợp tác phát triển công nghiệp quốc phòng, duy trì an ninh Biển Đông và chống biến đổi khí hậu.
Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản đã trải qua chặng đường nửa thế kỷ, không ngừng phát triển từ hợp tác về kinh tế, chính trị, văn hóa mở rộng đến hợp tác về an ninh quốc phòng và ngày càng đi vào chiều sâu trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động. Có được những thành quả như vậy không chỉ nhờ sự nỗ lực của chính phủ và nhân dân hai nước mà còn xuất phát từ nền tảng vững chắc. Đó là sự thống nhất giữa hai bên trong những lợi ích chiến lược về kinh tế, chính trị và an ninh. Kết quả của hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực chính trị và an ninh cũng như các lĩnh vực khác trong chặng đường vừa qua đã có tác động tích cực to lớn đến quá trình đổi mới của Việt Nam. Không thể phủ nhận được rằng, sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong những năm qua từ một nước kinh tế nghèo nàn và lạc hậu trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp, đạt tốc độ phát triển kinh tế cao có phần đóng góp quan trọng của quan hệ hợp tác Nhật Bản - Việt Nam. Những thành quả của quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản - Việt Nam trong thời gian qua cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Nhật Bản, nhất là về đảm bảo an ninh và gia tăng ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Nam Á. Tiếp tục phát triển quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên những tầm cao mới là lợi ích chiến lược của cả hai nước và điều đó đòi hỏi nỗ lực hơn nữa từ cả Việt Nam và Nhật Bản trong việc đưa ra các giải pháp tăng cường hợp tác sâu rộng và hiệu quả./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] PGS. TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] 服部則夫, ベトナムと云う国―「日越自然の同盟関係」 (Norio Hattori, Đất nước Việt Nam: “Liên minh tự nhiên Nhật-Việt'”), Kasuminoseki-kai, https://www. kasumigasekikai.or.jp/12-03-15/.
[3] Candace Dunn, Justine Barden, “More than 30% of global maritime crude oil trade moves through the South China Sea”, US. Energy Information Administration, https://www.eia.gov/todayinenergy/ detail.php?id=36952.
[4] Hoa Nguyễn, “Vị thế của Việt Nam trong cục diện mới của khu vực”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchi congsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/ vi-the-viet-nam-trong-cuc-dien-moi-cua-khu-vuc.
[5] 梅田 邦夫, ベ ト ナ ム が日 本に とっ て重 要にな った 3 つ の理 由ー 国 際 秩 序 の 大 変 革 期 の 中 で (Kunio Umeda, 3 lý do tại sao Việt Nam trở nên quan trọng đối với Nhật Bản trong thời kỳ có nhiều thay đổi lớn trong trật tự quốc tế), https://www.resona-ao.or.jp/pdf/20221019-04 .pdf.
[6] 防衛省。第8回アジア安全保障会議 (Bộ Quốc phòng, Hội nghị An ninh Châu Á lần thứ 8). https://www.mod.go.jp/j/approach/exchange/dialogue/iiss/iiss_shangrila_8th.html.
[7] RFI, Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng, https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/ 20111025-viet-nam-va-nhat-ban-tang-cuong-hop-tac-quoc-phong.
[8] 防衛省, 第10回アジア安全保障会議への出席及び三国間・二国間会談等について(概要), (Bộ Quốc phòng, Khái yếu về việc tham dự Hội nghị An ninh Châu Á lần thứ 10 và Đối thoại ba bên/song phương), https://warp.da.ndl.go.jp/info:ndljp/pid/ 11591426/www.mod.go.jp/j/approach/exchange/dialogue/iiss/10th_iiss_shangrila.html.
[9] 防衛省, 「新たな段階に入った日越防衛協力関係とグローバル・パートナーシップ」, 2021年9月12日 (Bộ Quốc phòng, “Hợp tác quốc phòng Nhật Bản - Việt Nam và quan hệ đối tác toàn cầu bước vào một giai đoạn mới”, ngày 12 tháng 9 năm 2021), https://www.mod.go.jp/j/approach/exchange/area/2021/20210912_vnm-j.html.
[10] 外務省、日・ベトナム防衛装備品・技術移転協定の署名、令和3年9月13日 (Bộ Ngoại giao, Ký kết Thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng Nhật Bản - Việt Nam, ngày 13 tháng 9 năm 2021), https://www.mofa.go.jp/mofaj/press/r elease/ press3_000584.html.
[11]防衛省, 日越防衛相会談について(Bộ Quốc phòng, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản-Việt Nam), https://www.mod.go.jp/j/approach/ exchange/area/2022/20220621_vnm-j.html.
[12] Vnexpress, “Nhật đóng 6 tàu tuần tra cho cảnh sát biển Việt Nam”, https://vnexpress.net/nhat-dong-6-tau-tuan-tra-cho-canh-sat-bien-viet-nam-4137744.html.