Hoàng Minh Lợi1
Tóm tắt: Cho đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác chiến lược sâu rộng, điều đó được thể hiện rất rõ qua quá trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà một trong số đó là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là lĩnh vực vô cùng quan trọng trong tiến trình hợp tác giữa hai quốc gia diễn ra trong thời gian khá dài nhưng về cơ bản tập trung ở các khía cạnh chính là: vấn đề đào tạo, sử dụng và quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam, Nhật Bản.
Từ khóa: Hợp tác, nhân lực chất lượng cao, Việt Nam, Nhật Bản
P |
hát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là yêu cầu bức thiết mà còn là một trong những nhân tố quyết định đối với việc tăng cường sức mạnh của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ,[1]trong đó bao hàm cả Việt Nam và Nhật Bản. Trước đây, những thành tựu của Nhật Bản trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho thấy vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tại quốc gia này. Bước sang thế kỷ XXI, quá trình toàn cầu hóa sâu rộng tác động tới sự phát triển của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam và Nhật Bản cũng không là ngoại lệ. Thực tế chứng tỏ rằng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhân tố then chốt đối với sự phát triển bền vững tại Việt Nam và Nhật Bản, do đó quá trình hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực này có giá trị thực tiễn sâu sắc. Những thành công trong chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Nhật Bản tác động lớn tới Việt Nam, đồng thời cũng chỉ ra một thực tế là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng nhận được sự quan tâm to lớn của chính phủ hai nước và được xem là một trong những động lực cơ bản để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đối với Việt Nam, trong bối cảnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay đang đòi hỏi nguồn nhân lực dồi dào ở các cấp độ thì vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành nhu cầu bức thiết. Do đó, hợp tác về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với Nhật Bản luôn được Việt Nam đặc biệt quan tâm và chú trọng đầu tư cho hiện tại và tương lai.
1. Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam - Nhật Bản
1.1. Đào tạo đại học, cao đẳng
Một trong những lĩnh vực quan trọng mà Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đề ra là hợp tác về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, trong đó bao hàm vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, các hoạt động hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và Nhật Bản không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về đào tạo nguồn nhân lực mà còn có hiệu quả thúc đẩy công việc “quốc tế hóa từ bên trong” tại đất nước mình. Với phương châm chung như vậy, hệ thống các trường đại học tại Việt Nam và Nhật Bản ngày càng đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bởi nó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát huy nguồn tài nguyên “con người” của hai nước, qua đó đóng góp lớn cho sự phát triển quốc gia từ trước tới nay.
Có thể thấy rằng, sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng của hai nước vào xu thế hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không những ngày càng được mở rộng về quy mô mà còn đem lại sự ổn định về thể chế hợp tác, bởi lẽ các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc trường đại học, cao đẳng được đánh giá là một đối tượng hợp tác có tính ổn định lâu dài. Những năm gần đây, số lượng các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam và Nhật Bản tham gia ký kết hợp tác nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang tăng lên nhanh chóng ở tất cả các khu vực quốc lập, công lập và tư lập. Với sự phát triển mạnh mẽ của xu thế hợp tác đào tạo, số lượng du học sinh tại Việt Nam và Nhật Bản ngày càng gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đã tăng từ 12.926 người vào năm 2016 lên 54.849 người năm 2020. Đây là một con số khá ấn tượng cho thấy sự phát triển của sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản[2]. Hiện chưa có thông tin chính thức về số lượng du học sinh Việt Nam dự kiến đến Nhật Bản trong năm 2023, song dựa trên xu hướng tăng trưởng của số lượng du học sinh Việt Nam, trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 cũng đã được giải quyết, có thể dự báo rằng số lượng sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Việt Nam là nước có số lượng sinh viên cao thứ hai trong số các nước có du học sinh theo học tại Nhật Bản. Trong khi đó, số lượng du học sinh Nhật Bản tại Việt Nam còn rất khiêm tốn cho dù chiếm tỷ lệ cao so với số lượng du học sinh các quốc gia phát triển đến Việt Nam. Tuy nhiên, dù chưa có số liệu cụ thể nhưng thực tế cho thấy số lượng du học sinh Nhật Bản tại Việt Nam ngày càng tăng do mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp. Rõ ràng, đây là điều kiện thuận lợi để các trường đại học của Việt Nam tiếp tục khai thác thế mạnh, thu hút sinh viên Nhật Bản đến Việt Nam học tập.
Những năm qua, được sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, các trường đại học, cao đẳng hai nước đã có nhiều chương trình liên kết để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây được xem là nền tảng vững chắc cho việc nâng cao hiệu quả hơn nữa trong tương lai. Với Việt Nam, Nhật Bản không chỉ là nhà đầu tư lớn, uy tín về kinh tế mà còn là đối tác quan trọng về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, dưới sự bảo trợ của Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu. Chính vì vậy, mô hình liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng của Nhật Bản tiến theo hướng mới là đào tạo theo đơn đặt hàng của các tập đoàn tại Việt Nam và Nhật Bản, qua đó tạo ra đội ngũ có tay nghề cao khi tham gia nhanh chóng vào thị trường lao động. Có thể nói, sự kết hợp giữa trình độ công nghệ cao và chương trình đào tạo tiên tiến của các trường đại học Nhật Bản với trình độ nghiên cứu, giảng dạy ngày càng được nâng cao tại các trường đại học Việt Nam đã và sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần gắn kết chặt chẽ, không ngừng phát triển tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Trường Đại học Việt Nhật được thành lập (ngày 21/7/2014) trên cơ sở sự đồng thuận giữa các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Nhật Bản, là biểu tượng cho sự hợp tác hai quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho hiện tại và tương lai.
Chính phủ hai nước luôn mong muốn hai bên cam kết thực hiện các thỏa thuận hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã ký kết để cùng hướng tới các thỏa thuận khác vì lợi ích của hai quốc gia. Phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác về tương đương văn bằng và chương trình đào tạo để thúc đẩy dịch chuyển sinh viên giữa hai nước. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác song phương giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo của hai nước, khuyến khích các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng, qua đó tăng cường tổ chức giao lưu, trao đổi sinh viên, giảng viên, cán bộ giữa hai nước. Như vậy, cho đến nay, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam và Nhật Bản dù thuộc khu vực công lập hay tư lập đều phát huy thế mạnh của mình để trở thành những chủ thể quan trọng trong tiến trình hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giữa hai nước.
1.2. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau đại học
Hợp tác về đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) tại các trường đại học, viện nghiên cứu, học viện, trung tâm ngày càng được chú trọng, phát triển bởi đây là lĩnh vực quan trọng nằm trong chính sách chung về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam và Nhật Bản. Tuy nhiên, hợp tác về đào tạo sau đại học hầu hết phải căn cứ vào thế mạnh, nhu cầu tự thân của mỗi cơ sở đào tạo ở mỗi giai đoạn, hoàn cảnh cụ thể để đầu tư trọng điểm về lĩnh vực quan tâm (khoa học tự nhiên, xã hội, khoa học và công nghệ…). Vẫn biết rằng, một trong những yêu cầu quan trọng của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay là “tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở đào tạo sau đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế cao, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ đào tạo lực lượng nhân lực tinh túy cả về quy mô và chất lượng”[3]. Trên thực tế nhiều năm qua, Việt Nam và Nhật Bản luôn có sự hỗ trợ, hợp tác tiến hành xây dựng nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời hoàn thiện cơ chế tổ chức, đào tạo có tính hệ thống, liên hoàn ở bậc sau đại học. Trên nền tảng đó, phía cơ sở đào tạo sẽ cử nghiên cứu sinh, học viên thông qua trao đổi, hợp tác từ các “kênh” của chính phủ, tư nhân… giữa hai nước đáp ứng yêu cầu đối với việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của hai quốc gia. Minh chứng tiêu biểu nhất cho sự hợp tác đó là việc Chính phủ Nhật Bản cấp viện trợ không hoàn lại để thực hiện Chương trình Học bổng phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam (JDS) ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong nhiều thập kỷ qua. Học bổng JDS dành cho ứng viên đang công tác tại các cơ quan nhà nước, các trường đại học, cao đẳng công lập trên cả nước, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Người nhận được học bổng sẽ theo học từ 2-5 năm tại các trường đại học của Nhật Bản cho rất nhiều ngành học như: giao thông, năng lượng, an sinh xã hội, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, luật pháp… Bên cạnh đó, giữa các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam và Nhật Bản cũng thường xuyên trao đổi việc đào tạo sau đại học căn cứ vào thỏa thuận ký kết giữa hai bên. Số lượng học viên được đào tạo còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố của mỗi bên như: nguồn lực kinh tế, thế mạnh chuyên môn cùng nhu cầu của các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam và Nhật Bản. Mặc dù vậy, đây vẫn là xu hướng chính và ngày càng phát triển mạnh mẽ trong hợp tác đào tạo sau đại học giữa hai quốc gia.
Quá trình hợp tác đào tạo sau đại học giữa hai nước ngày càng phát triển bởi chỉ tính trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Chương trình phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam (JDS) đã được triển khai ở Việt Nam từ năm 2000 và đến năm 2022 đã cung cấp 751 suất học bổng cho Việt Nam[4]. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo của Việt Nam và Nhật Bản ngày càng gia tăng giao lưu, hợp tác đào tạo sau đại học nhằm đẩy mạnh chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực và trên thế giới. Không chỉ vậy, thông qua các tổ chức, diễn đàn quốc tế, hợp tác đào tạo sau đại học giữa Việt Nam và Nhật Bản được triển khai tích cực, qua đó xác định phương hướng cơ bản của các hoạt động và dự án liên quan tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Với phương châm đầu tư cho phát triển tiềm năng con người, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, chính phủ hai nước mà nòng cốt là các cơ sở đào tạo trong nước nỗ lực tham gia các dự án liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao với trọng tâm là đào tạo sau đại học. Sự hợp tác này có sự tham gia của nhiều cơ sở đào tạo có uy tín tại mỗi nước, qua đó tiến tới công nhận năng lực và học vị chuẩn chung cho Việt Nam và Nhật Bản. Như vậy, hợp tác về đào tạo sau đại học là nhu cầu tất yếu của hai nước, điều đó cho thấy vai trò của các cơ sở đào tạo ngày càng được nâng cao trong chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam và Nhật Bản.
2. Hợp tác về sử dụng, quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam - Nhật Bản
Cho đến nay, “Nhật Bản vẫn là thị trường lao động hàng đầu tiếp nhận nhiều nhân lực Việt Nam nhất trong năm 2022 với hơn 67 nghìn người”[5], ngoài ra còn có nguồn nhân lực chất lượng cao từ nhiều năm trước đó nên có thể nói nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam được sử dụng tại Nhật Bản chiếm tỷ lệ đáng kể. Đó chính là kết quả của quá trình hợp tác và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giữa hai nước qua nhiều thập kỷ. Hơn thế nữa, liên quan tới việc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam tại Nhật Bản, phía Nhật Bản đã và đang tiếp tục sửa đổi các quy định pháp luật để tạo dựng môi trường làm việc cho người lao động Việt Nam tại nước sở tại ngày càng tiến bộ, công bằng và hợp lý. Trong đó, cần thực sự bảo đảm các quyền của người lao động Việt Nam về thu nhập, bảo hiểm, chế độ phúc lợi cũng như các quyền chuyển đổi công việc một cách hợp lý, hài hòa lợi ích của cả người sử dụng lao động và người lao động. Có thể thấy điều này qua các chương trình hợp tác đưa lực lượng lao động chất lượng cao của Việt Nam sang Nhật Bản, tiêu biểu là chương trình hợp tác với Tổ chức Hợp tác Tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO) hay chương trình hợp tác với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (IM Japan). Bên cạnh đó, Việt Nam còn cung cấp lao động kỹ thuật có tay nghề cao, kỹ sư công nghệ thông tin và những người có trình độ đại học, trên đại học trong các lĩnh vực cho Nhật Bản. Tiêu biểu là chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA), được triển khai từ năm 2012. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam sang thực tập và làm việc tại Nhật Bản được các cơ sở tiếp nhận, đồng thời đánh giá cao về chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, tính cách, ý thức tích cực trong công việc… Đến nay, hai bên đã hợp tác tổ chức 11 khóa đào tạo các ứng viên tại Việt Nam, đưa được 1.696 ứng viên của Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản[6].
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản có các hoạt động chung nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, được gọi là Sáng kiến chung Việt - Nhật. Những hoạt động này nhằm hướng tới mục tiêu phát triển, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao với các nội dung hợp tác chính là: tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà đầu tư Nhật Bản và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hợp tác giữa các tổ chức trên để cải thiện sự cân bằng giữa cung và cầu nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống chứng chỉ kỹ năng. Trong khuôn khổ các hợp tác về sử dụng, quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam, phía Việt Nam tiếp tục tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Nhật Bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, hai bên xúc tiến hợp tác, trao đổi về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Sự hợp tác này cũng là cơ hội để các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản cùng với các cơ sở đào tạo có cơ hội kết nối, tìm kiếm hợp tác trong sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam. Trên thực tế, việc các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tăng cường sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao đã góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng lao động, tạo cơ hội cho lực lượng này có điều kiện tiếp cận, học hỏi, tiếp thu trình độ nghề nghiệp cao hơn qua quá trình làm việc.
Một xu thế mới trong hợp tác về sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là phía Nhật Bản xúc tiến việc sử dụng nguồn lực này của Việt Nam sang Nhật Bản làm việc. Nguyên nhân là do nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam được sử dụng lâu dài tại Nhật Bản còn hạn chế, do đó phía Nhật Bản ngày càng quan tâm tới việc ký kết hợp tác sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Từ thực tế này, nhiều trường đại học của Việt Nam có sự hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản trong việc sử dụng lao động được đào tạo tại Việt Nam. Hơn thế nữa, để sử dụng nguồn lực này, không ít công ty, doanh nghiệp Nhật Bản có các chính sách thu hút, thậm chí tới các trường để tuyển dụng sinh viên có chất lượng sắp tốt nghiệp sang làm việc tại Nhật Bản. Không thể phủ nhận, sinh viên do các trường đại học Việt Nam đào tạo được nhiều công ty, doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao khi sử dụng do tiếp thu và thích nghi với điều kiện làm việc mới rất nhanh. Các chương trình liên kết, hợp tác giữa các trường đại học của Việt Nam với những tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ mở ra cơ hội việc làm tại quốc gia này mà còn đáp ứng được các điều kiện tuyển dụng, sử dụng của phía Nhật Bản từ nhiều năm nay. Trong bối cảnh lực lượng lao động đang giảm mạnh, Nhật Bản rất cần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi Việt Nam có ưu thế với nguồn lực như vậy nên rất có tiềm năng để hợp tác trong việc sử dụng cho thị trường, xã hội Nhật Bản. Nhiều cơ sở đào tạo tại Việt Nam rất chú trọng phát triển hợp tác nhà trường - doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp luôn được coi là đối tác chiến lược lâu dài. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là minh chứng rõ nhất về hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp Nhật Bản từ nhiều thập kỷ qua. Cho đến nay, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã ký 50 văn bản hợp tác với các trường đại học và các công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản như: Toyota, Denso, Nissan… Theo đó, nguồn nhân lực của trường hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng của các công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản.
Quá trình hợp tác, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) là kênh hiệu quả giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hàng năm, số lượng người lao động có chuyên môn cao sang Nhật Bản làm việc theo thỏa thuận ký kết giữa hai bên ngày càng tăng nhanh với nhiều ngành nghề đa dạng. Chẳng hạn, người lao động có kỹ năng, chuyên môn cao trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, chăn nuôi thú y, công nghệ thực phẩm, cơ khí, xây dựng… sẽ được phép gia hạn thị thực, thậm chí có thể cư trú dài hạn. Hơn nữa, những lao động thuộc diện này còn được quyền mang theo người thân tới Nhật Bản và cuối cùng được cấp quyền cư trú. Bên cạnh đó, lao động chuyên môn cao được hưởng chế độ đãi ngộ lương thưởng xứng đáng tương đương với người lao động Nhật Bản. Ngoài ra, sinh viên mới tốt nghiệp của nhiều trường đại học, cao đẳng cũng là lực lượng được phía Nhật Bản quan tâm với mong muốn có thể tiếp nhận thêm nhiều nhân lực trình độ cao hơn nữa. Lực lượng lao động này được phía Nhật Bản sử dụng theo thời gian ký kết với cơ quan chủ quản của Việt Nam và nhìn chung được hưởng chế độ tương xứng với nghề nghiệp, chuyên môn đào tạo.
Thị trường Nhật Bản hiện vẫn thiếu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nước này tăng nhanh, nhu cầu sử dụng lực lượng này của Nhật Bản đang rất lớn. Mặt khác, sự phát triển mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản cũng đang mở ra cơ hội rất lớn cho lực lượng lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, để khai thác tốt thị trường nhiều tiềm năng này cần phải có những chính sách cụ thể và thiết thực, trong đó quan trọng nhất là chính sách sử dụng, quản lý đáp ứng yêu cầu của thị trường làm việc tại Nhật Bản. Phía Nhật Bản cũng triển khai ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với những chính sách về sử dụng, quản lý nguồn lực này ngày càng hiệu quả, đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Trong những năm tới, Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục phối hợp để tuyển chọn, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại thị trường Nhật Bản với mục đích gia tăng số lượng, mở rộng đa dạng ngành nghề cho lao động Việt Nam. Một trong những mô hình hợp tác về sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam - Nhật Bản tiến hành những năm qua là sự phối hợp giữa Hiệp hội các trường đào tạo kỹ thuật Nhật Bản (KOSEN) với các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhằm gắn kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với doanh nghiệp. Tại Nhật Bản, mô hình KOSEN rất thành công và đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế cao của quốc gia này với nền tảng là khoa học - công nghệ. Tại Việt Nam, hợp tác triển khai theo mô hình này giúp sinh viên có cơ hội phát triển tư duy sáng tạo, tích cực, chủ động hơn trong học tập, hội nhập tốt với môi trường nghề nghiệp. Có thể thấy, nguồn lực từ KOSEN là đội ngũ lao động chất lượng cao, có tinh thần dám đương đầu với thử thách, vừa thực tiễn vừa sáng tạo. Đây cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần phát triển đất nước. Việc sử dụng, quản lý nguồn lực này được thực hiện theo nhiều phương cách linh hoạt. Theo đó, các trường tự chủ động thực hiện chương trình, kết nối với các công ty, doanh nghiệp của Nhật Bản (hay vốn của Nhật Bản) tại Việt Nam. Một hướng khác là sinh viên Việt Nam tốt nghiệp. Đối tượng này có cơ hội rất lớn được làm việc tại Nhật Bản (tỷ lệ 20 công ty/1 sinh viên). Do đó, nguồn lực này thường được sử dụng trong các công ty lớn tại Nhật Bản và nếu muốn người được sử dụng có cơ hội tiếp tục học tập tại các trường đại học hàng đầu ở Nhật Bản.
Có thể nói, hợp tác về sử dụng, quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và loại hình tiếp nhận. Nguồn lao động này làm việc tại Nhật Bản có nhiều cơ hội tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đặc biệt được rèn luyện trong môi trường kỷ luật lao động cao của Nhật Bản. Lực lượng này (sau khi về nước) cùng với đội ngũ được đào tạo tại Việt Nam (qua sự hợp tác với Nhật Bản) cũng đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của các công ty, doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước. Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, quan hệ hợp tác về sử dụng, quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam - Nhật Bản đang từng bước được kết nối lại và có những kết quả tích cực trong thời gian gần đây. Sự hợp tác này đòi hỏi cả hai phía nhận thức đầy đủ xu hướng phát triển lĩnh vực sử dụng, quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam và Nhật Bản.
3. Nhận xét
3.1. Không thể phủ nhận rằng, hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam - Nhật Bản từ trước đến nay đang tiếp tục trên con đường nối tiếp những thành công cả trong quá khứ và hiện tại. Không khó để nhận thấy những thành tựu ấy trong các lĩnh vực hợp tác về đào tạo, sử dụng, quản lý và chế độ đãi ngộ bởi đây là các nội dung cơ bản của sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hai nước. Liên quan tới hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những thành tựu của Việt Nam và Nhật Bản trước hết gắn với hệ thống giáo dục, đào tạo đại học, cao đẳng ở mỗi quốc gia. Vấn đề cốt lõi ở đây chính là sự nhìn nhận của chính phủ hai nước về hợp tác đào tạo khi coi giáo dục, đào tạo đại học, cao đẳng đóng vai trò quyết định trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế chỉ ra rằng theo thời gian, nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, Nhật Bản không chỉ đông đảo về số lượng mà còn có chất lượng và trình độ cao về học vấn cũng như nghề nghiệp chuyên môn.
3.2. Hợp tác về đào tạo đại học, cao đẳng luôn giành được sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản bởi đây chính là thước đo quan trọng về tiến trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng, tiềm năng phát triển của mỗi quốc gia nói chung. Có thể nói, quá trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đi đúng hướng và đáp ứng yêu cầu quốc gia hay không phụ thuộc nhiều vào các chính sách của chính phủ mỗi nước. Song, Việt Nam và Nhật Bản đều tập trung nhiều nguồn lực cho hợp tác đào tạo đại học, cao đẳng sau đại học và đây được xem là một trong những chính sách quan trọng bậc nhất về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đương nhiên, nguồn lực ở đây không đơn thuần chỉ là chính sách mà còn thể hiện rõ qua việc đầu tư về tài chính, vật chất, trang thiết bị cho hệ thống các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và sau đại học. Hơn nữa, đó còn là quá trình tập trung nguồn lực của toàn xã hội (từ nhiều nguồn khác nhau) trong sự vận hành chung của hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng và sau đại học.
3.3. Liên quan tới hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, không quá khi nói rằng cả Việt Nam và Nhật Bản đều coi hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nội dung cốt lõi của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao còn được đặt trong mối quan hệ tương tác chặt chẽ với các bộ phận hợp thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Những thành tựu hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của hai nước từ trước tới nay là minh chứng rõ nhất cho nhận định trên. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng tác động mạnh mẽ tới các quốc gia, hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, có kỹ năng vẫn là lực đẩy chủ yếu để giúp Việt Nam tiếp tục có tốc độ phát triển nhanh trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn là quốc gia phát triển hàng đầu thế giới trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, để duy trì được “hình ảnh” như thế, Việt Nam và Nhật Bản cần quan tâm trước hết những vấn đề liên quan tới chất lượng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong tiến trình hợp tác lâu dài. Thực tế là những thành công của Việt Nam, Nhật Bản đạt được từ trước tới nay trong phát triển đất nước có sự đóng góp to lớn của nguồn nhân lực chất lượng cao.
3.4. Từ nhận thức nguồn nhân lực là tài nguyên quan trọng nhất của quốc gia, Việt Nam và Nhật Bản đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng, quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng hiệu quả nhất có thể. Chính vì vậy, trong quá trình hợp tác, mỗi quốc gia đã và đang triển khai nhiều biện pháp sử dụng, quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng phù hợp nhất với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đến nay, dù phải đối mặt với những thách thức về sử dụng, quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển đất nước song nhận thức của Việt Nam và Nhật Bản về vấn đề hợp tác sử dụng, quản lý nguồn lực này đối với phát triển kinh tế, xã hội không thay đổi. Theo đó, hợp tác giữa hai quốc gia là nhằm khai thác, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao từ mọi nguồn, bởi vì nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn có trong nước dường như chưa đảm bảo vững chắc cho sự phát triển, sức cạnh tranh quốc gia khi tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa hiện nay.
3.5. Trên thực tế, Việt Nam và Nhật Bản có được những thành công trong việc thúc đẩy sức sáng tạo, nâng cao chất lượng lao động thông qua tiến trình hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ trước tới nay. Mục đích lớn của sự hợp tác này chính là để người lao động được tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để cống hiến, phát huy hết khả năng của mình như chân giá trị của nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, một yếu tố không thể không đề cập tới trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đó là chế độ đãi ngộ, bởi đây là nhân tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng, giá trị lực lượng lao động. Không những thế, chế độ đãi ngộ còn có sự tương tác chặt chẽ với sử dụng, quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao vì tất cả giá trị của nguồn lực này sẽ được phát huy khi kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố này với nhau.
Cho đến nay, hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam - Nhật Bản dù có ít nhiều thay đổi do tác động của tình hình trong nước, quốc tế, hoàn cảnh lịch sử qua nhiều thập kỷ song không thể phủ nhận ngày càng được hoàn thiện hơn. Những tác động trên khiến cho sự hợp tác giữa hai quốc gia không tránh khỏi một số hạn chế cần khắc phục trong quá trình triển khai, thực hiện. Mặc dù vậy, chắc chắn hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ được nâng lên tầm cao mới trong thế kỷ XXI đúng như phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngày 7/3/2023) tại Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới với sự tin cậy, chân thành.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Arthur M.Whitehill (1996), Quản lý Nhật Bản truyền thống và quá độ, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Hà Nội.
2. Trần Thị Nhung, Nguyễn Duy Dũng (2005), Phát triển nguồn nhân lực trong các công ty Nhật Bản hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Trần Khánh Đức (2010), Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
4. Nguyễn Quang Thuấn, Trần Quang Minh (Đồng chủ biên) (2014), Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 40 năm nhìn lại và định hướng tương lai, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. 酒井所 (2013), 日本で最も人材を育成する会社のテキスト、光文、東京 (Sakai Jo (2013), Sách cẩm nang về xã hội giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả nhất tại Nhật Bản, Nxb Hikaribun, Tokyo).
6. 福澤英弘 (2012), 人材開発マネージメトブック, 日本経済新聞、東京 (Fukuzawa Hidekiro (2012), Quản lý việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Nxb Nihonkeizaishinbun, Tokyo).
7. 戎野淑子 (2006), 労使関係の変容と人材育成、慶應義塾大学、東京 (Seino Toshiko (2006), Giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và sự biến đổi của quan hệ sử dụng lao động, Nxb Keiogijuku, Tokyo).
8. 樋口美雄 (2012), グローバル社会の人材育成。活用、政策研究所、東京 (Tadaguchi Miyu (2012), Sử dụng và đào tạo nhân lực chất lượng cao trong xã hội toàn cầu, Nxb Seisaku Kenkyu, Tokyo).
9. 福澤英弘 (2012), 人材開発マネージメトブック, 日本経済新聞、東京 (Fukuzawa Hidekiro (2012), Quản lý việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Nxb Nihonkeizaishinbun, Tokyo).
[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] Edopen Japan, “Thực trạng du học sinh Việt Nam tại Nhật – những khó khăn và cơ hội”, https://global.japanese-bank.com/vn/du-hoc-nhat/ thuc-trang-du-hoc-sinh-viet-nam-tai-nhat-nhung-kho-khan-va-co-hoi, 12/4/2023.
[3] 酒井所 (2013), 日本で最も人材を育成する会社のテキスト、光文、東京 (Sakai Jo (2013), Sách cẩm nang về xã hội giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả nhất tại Nhật Bản, Nxb Hikaribun, Tokyo), tr. 52.
[4] Quang Hưng, “Nhật Bản hỗ trợ học bổng đào tạo cán bộ, công chức Việt Nam”, Báo Nhân dân ngày 7/1/2022, https://nhandan.vn/nhat-ban-ho-tro-hoc-bong-dao-tao-can-bo-cong-chuc-viet-nam-post 681461.html.
[5] Thanh Hoa, “Nhiều kết quả tích cực trong hợp tác lao động Việt Nam – Nhật Bản”, Báo Nhân dân ngàu 5/5/2023, https://nhandan.vn/nhieu-ket-qua-tich-cuc-trong-hop-tac-lao-dong-viet-nam-nhat-ban-post 751277.html.
[6] Thanh Hoa, “Nhiều kết quả tích cực trong hợp tác lao động Việt Nam – Nhật Bản”, Tlđd.