Trang chủ

Nhìn lại 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Đăng ngày: 12-02-2025, 11:45 | Danh mục: Bài viết tạp chí

 

Furuta Motoo1

 

 

K

hi tôi vào Đại học Tokyo, là thời điểm chiến tranh Việt Nam diễn ra ác liệt nhất, mối quan tâm của một người muốn thử sức với các vấn đề ở châu Á như tôi tự nhiên hướng đến Việt Nam. Trên báo chí Nhật Bản, phóng sự về chiến tranh Việt Nam cũng nhộn nhịp trên mặt báo hàng ngày, đối với tôi, dường như cả thế giới đang chuyển động với trung tâm là Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, nếu có thể hiểu được về đất nước Việt Nam “trung tâm” đó thì có thể dễ dàng hiểu được về thế giới. Đó chính là lý do lớn nhất khiến tôi chọn Việt Nam là đối tượng nghiên cứu của mình. Từ khi chọn Việt Nam làm đề tài luận văn tốt nghiệp đại học vào năm 1972, đến nay, tôi đã bước đi trên cuộc đời với tư cách là một nhà Việt Nam học được hơn 50 năm[1].

Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1973. Vì vậy, lịch sử 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam hoàn toàn trùng khớp với lịch sử 50 năm nghiên cứu Việt Nam học của tôi. Sau đây, tôi xin điểm lại lịch sử quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam, cùng với những bước tiến của tôi với tư cách là một nhà nghiên cứu Việt Nam.

  1. 1. Thời kỳ cả hai nước đều đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của quan hệ kinh tế (1973-1979)

Khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc và Việt Nam thống nhất, nhiều người ở cả Nhật Bản và Việt Nam đều tin rằng Việt Nam sẽ được hưởng một nền hòa bình lâu dài và kỳ vọng rất lớn vào sự phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Năm 1977, khi đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Tokyo, tôi được cử làm giảng viên tiếng Nhật tại Trường Đại học Ngoại thương ở Hà Nội. Trường Đại học Ngoại thương đã giảng dạy tiếng Nhật từ năm 1961, là trường đại học có lịch sử dạy tiếng Nhật lâu dài nhất ở miền Bắc Việt Nam. Năm 1977, Trường Đại học Ngoại thương vốn đặt nhiều kỳ vọng vào việc phát triển giao thương với Nhật Bản, quyết định mở rộng lớp phiên dịch tiếng Nhật từ 25 sinh viên/năm lên 50 sinh viên, tuyển dụng thêm hai giáo viên tiếng Nhật từ Nhật Bản. Vào thời điểm đó, việc nghiên cứu sinh Nhật Bản sang Việt Nam học tập vẫn chưa thể thực hiện được. Tôi muốn có cơ hội ở lại Việt Nam lâu dài, nên khi nghe thông tin từ Hội Mậu dịch Nhật - Việt rằng Trường Đại học Ngoại thương đang tuyển giảng viên tiếng Nhật, tôi đã nộp đơn ngay.

  1. 2. Giai đoạn đóng băng viện trợ kinh tế

Tuy nhiên, giấc mơ phát triển quan hệ kinh tế Nhật - Việt này đã không thành hiện thực. Với vấn đề Campuchia nổi lên năm 1978 và chiến tranh biên giới Trung-Việt nổ ra năm 1979, chiến tranh lại nổ ra trên bán đảo Đông Dương, Nhật Bản buộc phải đóng băng viện trợ kinh tế cho Việt Nam do liên minh với Mỹ. Từ năm 1979, khi viện trợ kinh tế bị cắt đứt, đến năm 1992, viện trợ kinh tế được nối lại, mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đã rơi vào tình trạng đình trệ.

Trong thời kỳ này, người Nhật khó sang thăm Việt Nam, và tôi chỉ có cơ hội đến thăm Việt Nam ba lần trong những năm 1980. Tuy nhiên, quan điểm chính thức của Nhật Bản là Nhật Bản chỉ đóng băng viện trợ kinh tế cho Việt Nam, chứ không phải là đình chỉ viện trợ nhân đạo hay trao đổi học thuật và văn hóa.

Trao đổi học thuật cũng bắt đầu phát triển. Năm 1980, khi đang dạy tiếng Nhật ở Hà Nội, tôi có dịp tham gia hội thảo kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi do Ủy ban Khoa học xã hội tổ chức và được gặp một nhà khoa học xã hội lỗi lạc như ông Văn Tạo - Viện trưởng Viện Sử học... Đây là một tài sản lớn cho việc nghiên cứu về Việt Nam sau này của tôi, và năm 1983, tôi được Ủy ban Khoa học xã hội mời ở lại Việt Nam để nghiên cứu khoảng một tháng. Lúc đó, tôi quan tâm đến vấn đề dân tộc ở bán đảo Đông Dương, một phần vì vấn đề Campuchia, những tài liệu tôi thu thập được qua trao đổi với các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sử học, Viện Dân tộc học, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, và Viện Khoa học xã hội miền Nam và sự hỗ trợ của họ là cơ sở cho luận án tiến sĩ của tôi, được nộp cho Đại học Tokyo vào năm 1989[2]. Cuộc trao đổi học thuật với các học giả Việt Nam vào năm 1983 đã thuyết phục tôi rằng Việt Nam muốn gia nhập ASEAN. Tôi đã quay trở lại Nhật Bản và báo cáo điều đó, nhưng không ai tin tôi.

Cũng trong giai đoạn này, lưu học sinh từ Việt Nam sang Nhật Bản và từ Nhật Bản sang Việt Nam đã được thực hiện. Việc thực hiện du học tại Việt Nam đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong ngành Việt Nam học tại Nhật Bản. Mặc dù tôi không du học ở Việt Nam, nhưng tôi nghĩ bạn có thể nói rằng tôi đã được đào tạo như một nhà nghiên cứu Việt Nam ở Việt Nam dưới sự hướng dẫn của Ủy ban Khoa học xã hội và các viện nghiên cứu khác của Việt Nam. Trước tôi, nhiều người Nhật đã lấy bằng tiến sĩ ở Hoa Kỳ hoặc Pháp. Tuy nhiên, từ cuối những năm 1980 trở đi, khi có cơ hội nghiên cứu tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu Việt Nam được đào tạo tại Việt Nam đã chiếm lĩnh xu hướng chủ đạo trong nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản.

Ngoài ra, một số trường đại học Nhật Bản bắt đầu mời được một số học giả Việt Nam sang Nhật Bản, trong đó có một số học giả thuộc Ủy ban Khoa học xã hội lúc bấy giờ như ông Văn Tạo - Viện Sử học, ông Hà Văn Tấn - Viện Khảo cổ học, ông Lê Văn Sang - Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Ủy ban. Việc Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới từ năm 1986 cũng có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy cải thiện mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Trong bối cảnh như vậy, năm 1987, hơn 100 nhà nghiên cứu về Việt Nam của Nhật Bản đã tập hợp thành lập một tổ chức học thuật mang tên “Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam” nhằm thúc đẩy giao lưu học thuật với Việt Nam (Chủ tịch đời đầu là Giáo sư danh dự Đại học Tokyo Yamamoto Tatsuro). Tôi cùng với ông Sakurai Yumio tích cực tham gia cuộc vận động thành lập tổ chức này.

  1. 3. Giai đoạn phát triển toàn diện thứ nhất (1990-2006

Người ta thường tin rằng, quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đã trở lại đúng hướng sau khi Nhật Bản nối lại viện trợ kinh tế vào cuối năm 1992. Tôi cũng cho rằng việc nối lại viện trợ kinh tế có ý nghĩa to lớn đối với quan hệ song phương, nhưng tôi mạnh dạn đề cập đến Hội nghị quốc tế chuyên đề về Hội An năm 1990 như một sự kiện báo trước sự khởi đầu của thời kỳ phát triển quan hệ Nhật - Việt.

Năm 1988, Chính phủ Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đã kêu gọi tổ chức một hội thảo khoa học quốc tế để bảo tồn các di tích lịch sử và cảnh quan phố cổ Hội An - nơi từng tồn tại “phố Nhật Bản” vào thế kỉ XVII. Hội Nhật Bản nghiên cứu về Việt Nam tích cực hưởng ứng lời kêu gọi đó và rất nhiều người Nhật đã tham gia Hội thảo quốc tế về Hội An tổ chức tại Đà Nẵng năm 1990.

Có ba lý do khiến tôi coi hội thảo này là một bước ngoặt trong quá trình chuyển đổi từ trạng thái trì trệ sang phát triển trong quan hệ Nhật Bản - Việt Nam. Thứ nhất, hội thảo này là sự kiện được tổ chức với sự hợp tác của Chính phủ Nhật Bản, có sự tham dự của đại sứ Nhật Bản và là sự kiện gây ấn tượng sâu sắc đối với người dân Việt Nam về sự phát triển của mối quan hệ song phương cấp nhà nước giữa Nhật Bản và Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam đã cử nhà lãnh đạo cấp cao dự tang lễ của Nhật hoàng Showa vào tháng 2/1989 và lễ đăng cơ của Nhật hoàng Heisei vào tháng 1/1990[3]. Các hành động của Việt Nam đã tạo ấn tượng tốt trong các nhà chính trị cao cấp của Chính phủ Nhật Bản và Đảng Dân chủ Tự do (LDP). Như vậy, vào thời điểm diễn ra Hội thảo Hội An, hầu hết các trở ngại chính trị của phía Nhật Bản đối với việc cải thiện quan hệ với Việt Nam đã biến mất. Thứ ba, với tư cách là nhà nghiên cứu về Việt Nam, tôi muốn nhấn mạnh rằng trao đổi học thuật và văn hóa đã góp phần tích cực vào việc cải thiện quan hệ Nhật Bản - Việt Nam.

Năm 1992, khi nhiều người Việt Nam quan tâm đến việc khi nào hỗ trợ kinh tế của Nhật Bản sẽ nối lại, tại một cuộc thảo luận bàn tròn tổ chức ở Hà Nội, tôi đã ví thái độ của Nhật Bản đối với Việt Nam như một đoạn trong “Truyện Kiều”, một tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam là “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Còn về thời điểm Nhật Bản “tình trong như đã” từ khi nào thì tôi nghĩ là vào khoảng hội thảo về Hội An năm 1990.

Với việc nối lại viện trợ kinh tế, quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam phát triển nhanh chóng. Một sự kiện lớn trong giới học thuật Việt Nam những năm 1990 là việc thành lập một số đơn vị nghiên cứu và giáo dục về Nhật Bản tại Hà Nội. Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản được thành lập trong Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Khoa Đông phương học, trong đó có bộ môn Nhật Bản học, được thành lập tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Japan Foundation cũng quyết định bắt đầu hỗ trợ Việt Nam, nhưng có một vấn đề là Quỹ Nhật Bản thường chỉ hỗ trợ một đơn vị nghiên cứu Nhật Bản cho mỗi quốc gia. Vậy trong trường hợp của Việt Nam, ai sẽ đứng ra nhận hỗ trợ của Japan Foundation? Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Kinh tế thế giới, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Ngoại thương, Viện Quản lý kinh tế Trung ương đã xin nhận vai trò này. Tôi trao đổi với ông Dương Phú Hiệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản và ông Phan Huy Lê, chủ nhiệm Khoa Đông phương học và đưa ra sáng kiến thành lập Hội đồng nghiên cứu Nhật Bản gồm cả người đại diện Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Kinh tế thế giới, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Ngoại thương và Viện Quản lý kinh tế Trung ương. Hội đồng này được thành lập do ông Nguyễn Duy Quý, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam làm chủ tịch và trở thành đầu mối với Japan Foundation.

Vào những năm 1990, việc mời các nhà nghiên cứu Việt Nam sang Nhật Bản trở nên dễ dàng. Tôi cũng nỗ lực tạo cơ hội đào tạo tại Nhật Bản cho các nhà nghiên cứu Nhật Bản trẻ của Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản và Khoa Đông phương học mới ra đời.

Đầu những năm 1990, tôi cùng ông Văn Tạo ở Viện Sử học điều tra thiệt hại của nạn đói năm 1945 ở miền Bắc Việt Nam. Mục đích của nghiên cứu này là xác định một cách chính xác nhất có thể mức độ thiệt hại do nạn đói gây ra, vốn có rất ít dữ liệu. Báo cáo được xuất bản tại Việt Nam năm 1995[4]. Cả phía Việt Nam và phía Nhật Bản đều có quan điểm rằng tốt hơn hết là không nên đào bới những "bóng tối" của quá khứ vào thời điểm quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đang được cải thiện. Nhưng tôi lại nghĩ, việc nghiên cứu nạn đói năm 1945 là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, sẽ góp phần củng cố và phát triển chính mối quan hệ đang được cải thiện này. Tôi tin rằng, điều quan trọng là có thể hình thành sự hiểu biết chung về các sự kiện đen tối trong quá khứ dựa trên các tài liệu khách quan, càng nhiều càng tốt, để mối quan hệ giữa hai nước phát triển lành mạnh.

Nghiên cứu về nạn đói ở đây dựa trên điều tra điền dã ở các vùng nông thôn. Những năm 1990 cũng là thời kỳ mà các nhà nghiên cứu Nhật Bản có thể tiến hành điều tra điền dã trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số lượng lớn các luận án tiến sĩ đã được công bố bởi các nhà nghiên cứu trẻ Nhật Bản tổng kết các kết quả nghiên cứu điền dã của họ ở Việt Nam.

Một đề tài nghiên cứu khác của tôi trong giai đoạn này là quá trình hình thành đường lối Đổi mới của Việt Nam. Nghiên cứu này được thực hiện vì ông Dương Phú Hiệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, là người trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành đường lối Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi đã xuất bản một cuốn sách nghiên cứu về vấn đề này vào năm 2009[5], nhờ có những hồi ức và tư liệu mà ông Hiệp cung cấp, tôi mới viết được cuốn sách này.

Năm 1996, Hội thảo quốc tế về Việt Nam học được tổ chức bởi Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội, và kể từ đó, hội thảo này được tổ chức bốn năm một lần tại Việt Nam. Đây là sự kiện cho thấy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội ngày càng đóng vai trò trung tâm trong mạng lưới toàn cầu các nhà nghiên cứu Việt Nam. Hội thảo thu hút rất đông các nhà nghiên cứu nước ngoài, trong đó có 34 người đến từ Nhật Bản.

  1. 4. Giai đoạn phát triển toàn diện thứ hai (2006 - hiện nay

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được cho là đã bước sang một giai đoạn mới kể từ năm 2006 khi hai nước nhất trí phát triển mối quan hệ “hướng tới quan hệ đối tác chiến lược”[6]. Trong khi giai đoạn đầu tiên từ năm 1990 đến năm 2006 lấy quan hệ kinh tế làm trung tâm thì giai đoạn thứ hai từ năm 2006 trở đi hai nước đã phát triển quan hệ toàn diện bao gồm cả chính trị và an ninh.

Mối quan hệ tốt đẹp này không chỉ giới hạn trong quan hệ liên chính phủ, được đặc trưng bởi nền tảng quốc gia rộng lớn. Khi thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra ở miền Đông Nhật Bản vào năm 2011, hoạt động hỗ trợ Nhật Bản đã lan rộng giữa những người dân Việt Nam. Điều này đã thể hiện mức độ thiện cảm của người dân Việt Nam đối với Nhật Bản.

Tại Nhật Bản, trong bối cảnh sự quan tâm đến Việt Nam ngày càng tăng, một số cuốn sách chất lượng cao giới thiệu khái quát về Việt Nam do các nhà Việt Nam học tại Nhật Bản biên soạn, hướng đến độc giả phổ thông hơn là các chuyên gia, đã được xuất bản. Trong số đó, tiêu biểu là cuốn 60 chương tìm hiểu Việt Nam hiện đại do Imai Akio và Iwai Misaki chủ biên (Akashi Shoten, 2004, 2012, 2023 xuất bản lần thứ 3 với tên gọi “63 chương tìm hiểu Việt Nam hiện đại” của Iwai). Năm 2017, tôi cũng đã xuất bản cuốn sách Kiến thức cơ bản về Việt Nam (Mekong).

Bước sang thế kỷ XXI, Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế và khu vực để phát triển. Trong hoàn cảnh như vậy, mối quan tâm của tôi cũng là vấn đề hội nhập khu vực của Việt Nam, và tôi đã tổ chức một nhóm nghiên cứu về mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam với Campuchia và Lào với sự hợp tác của Viện Nghiên cứu Trung Quốc và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tôi xin cảm ơn ông Nguyễn Thế Tăng, ông Đào Xuân Sâm thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc, ông Nguyễn Duy Dũng thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và các bạn cộng sự.

Trường Đại học Việt Nhật, nơi tôi đang làm hiệu trưởng cũng là một biểu tượng của mối quan hệ “đối tác chiến lược” tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trường được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập với tư cách là trường đại học thành viên thứ 7 của Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2014 và đến tháng 9/2016 thì chính thức đi vào hoạt động. Ngoài sứ mệnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới trở thành các chuyên gia, nhà lãnh đạo, nhà quản lý ở Việt Nam, Nhật Bản, khu vực và thế giới, Trường Đại học Việt Nhật còn có sứ mệnh cung cấp nhân tài gánh vác mối quan hệ “đối tác chiến lược” giữa Việt Nam và Nhật Bản. Về đào tạo và nghiên cứu khoa học, trường đi theo triết lý giáo dục khai phóng của các đại học nghiên cứu hàng đầu Nhật Bản. Mục tiêu của triết lý này là nhằm đào tạo người học có nền tảng kiến thức rộng, khả năng sáng tạo phong phú và kỹ năng công dân toàn cầu. Trường tập trung đào tạo, nghiên cứu trong hai lĩnh vực chính là công nghệ kỹ thuật tiên tiến và khoa học liên ngành. Bên cạnh đó, tư tưởng và nội dung xuyên suốt trong các chương trình đào tạo và nghiên cứu tại trường là khoa học bền vững. Tôi là một nhà nghiên cứu Việt Nam học được đào tạo dưới sự hướng dẫn của các giáo sư uyên bác của Việt Nam. Vì vậy, đảm nhận vai trò là Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đối với tôi, có nghĩa là trả ơn cho Việt Nam, các thầy cô đã và đang hướng dẫn và giúp đỡ tôi.

  1. 5. Thay lời kết luận

Sự phát triển nhanh chóng của quan hệ Nhật Bản - Việt Nam kể từ những năm 1990 thật đáng kinh ngạc. Các bên liên quan ở cả hai nước đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể phát triển mối quan hệ song phương đến mức độ như vậy trong thời gian ít hơn 30 năm. Trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực của những người có liên quan ở cả hai quốc gia. Tôi cho rằng sự phát triển nhanh chóng của quan hệ song phương là kết quả của việc cùng nhận thức được rằng các bên liên quan ở cả hai nước đều chưa hiểu rõ về nhau và có thái độ khiêm tốn học hỏi lẫn nhau. Theo nghĩa đó, có thể nói rằng quan hệ ngoại giao trì trệ trong 20 năm đầu sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao đã có lợi cho chúng ta.

Tôi tin rằng mấu chốt của tương lai quan hệ Nhật Bản - Việt Nam sẽ là việc hai nước có thực sự xây dựng được mối quan hệ “đối tác bình đẳng” hay không. Cụm từ "đối tác bình đẳng" đã được Thủ tướng Nhật Bản Fukuda Takeo sử dụng vào năm 1977 trong Học thuyết Fukuda, phác thảo chính sách Đông Nam Á của ông, nhưng nó vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Việc phía Nhật Bản cho rằng Việt Nam chỉ là một nước đang phát triển, cung cấp cho Nhật Bản nguồn lao động giá rẻ cũng không phù hợp với mối quan hệ “đối tác bình đẳng”. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong thời gian này, tôi cho rằng nền tảng để thể hiện mối quan hệ “đối tác bình đẳng” đã được đặt ra.

Tôi tự hào suốt đời gắn liền với Việt Nam. Đối với tôi, Việt Nam là một nước rất đặc biệt. Song cảm nhận về Việt Nam của các nhà Việt Nam học trẻ tuổi Nhật Bản có vẻ khác với tôi. Tôi thấy rằng Việt Nam thế kỷ XXI đạt được phát triển kinh tế và đã trở thành một nước “bình thường”, không còn là một nước “đặc biệt” như trong mắt của người nước ngoài trước đây. Thực tế là, một nước đặc biệt có vẻ thuộc về một thế giới khác biệt, đôi khi lại có sức hấp dẫn các nhà nghiên cứu nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực khu vực học. Và khu vực học nước ngoài sẽ càng phát triển khi đối tượng nghiên cứu là nước đặc biệt.

Tuy vậy, tôi cho rằng, chúng ta hãy nên cùng nhau khai thác sự hấp dẫn của nghiên cứu Việt Nam với tư cách là một nước bình thường. Tôi nghĩ rằng ngành khoa học xã hội Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc cho các bạn đồng nghiệp trên thế giới thấy rõ sự hấp dẫn của nghiên cứu Việt Nam.

 

 

 



[1] GS. TS., Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội

[2] Luận án tiến sĩ này được xuất bản thành sách Lịch sử quá trình triển khai chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Otsuki, 1991 (tiếng Nhật).

[3] Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đến viếng Nhật hoàng Showa và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ tham dự lễ đăng cơ của Nhật hoàng Heisei.

[4] Văn Tạo, Furuta Motoo (chủ biên) (1995), Nạn đói Năm 1945 ở Việt Nam: những chứng tích lịch sử, Viện Sử học. Công trình nghiên cứu này được Giải thưởng Nhà nước vào năm 2012.

[5] Furuta Motoo (2009), Sự ra đời của Đổi mới: quá trình hình thành đường lối cải cách ở Việt Nam, Nxb Aoki (tiếng Nhật).

[6] Đến năm 2009 hai nước chính thức khẳng định quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển thành quan hệ “đối tác chiến lược”.

0thảo luận