Cho đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác chiến lược sâu rộng, điều đó được thể hiện rất rõ qua quá trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà một trong số đó là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là lĩnh vực vô cùng quan trọng trong tiến trình hợp tác giữa hai quốc gia diễn ra trong thời gian khá dài nhưng về cơ bản tập trung ở các khía cạnh chính là: vấn đề đào tạo, sử dụng và quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam, Nhật Bản.
Phong trào Đông Du là mốc son trong lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nó là tiếp điểm của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX và nước Nhật Bản cận đại. Có thể hiểu theo nghĩa hẹp, phong trào Đông Du là phong trào du học của thanh thiếu niên Việt Nam ở Nhật Bản. Theo nghĩa rộng, phong trào Đông Du là một phong trào dân tộc Việt Nam mà ít nhất có ba bộ phận cấu thành: một là phong trào du học; hai là tiếp xúc và giao lưu với các nhà hoạt động chính trị, xã hội Nhật Bản và các nhà cải cách và cách mạng châu Á; ba là hoạt động xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền tinh thần yêu nước và cách mạng cho nhân dân Việt Nam. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu một cách chi tiết về các cuộc tiếp xúc, giao lưu của Phan Bội Châu với các nhà chính trị, các nhà hoạt động xã hội Nhật Bản đầu thế kỷ XX và phân tích ảnh hưởng của các cuộc tiếp xúc đó đối với Phan Bội Châu nói riêng và đối với phong trào dân tộc Việt Nam nói chung.
Từ việc phân tích nền tảng vững chắc của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, bài viết tổng kết, đánh giá quan hệ hai nước từ năm 1992 đến nay trong lĩnh vực chính trị và an ninh - quốc phòng. Quan hệ chính trị Việt Nam - Nhật Bản được đánh giá là đã phát triển vững chắc, ngày càng sâu rộng và đáp ứng lợi ích chiến lược của cả hai bên. Hợp tác an ninh - quốc phòng là một trong những điểm nhấn trong quan hệ hai nước trong thời gian gần đây với sự phát triển nhanh và hiệu quả thực chất. Chiều sâu của quan hệ chính trị và an ninh - quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản không chỉ thể hiện trong phạm vi quan hệ song phương mà còn ở cả các diễn đàn đa phương. Bài viết đưa ra một số dự báo khẳng định triển vọng phát triển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực chính trị và an ninh - quốc phòng thời gian tới.
Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 21/9/1973 song từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước mới thực sự phát triển mạnh mẽ, thực chất và toàn diện. Cho đến nay, Nhật Bản đã trở thành một đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam trên tất cả các khía cạnh ODA, FDI, thương mại, du lịch và hợp tác về lao động. Trên cơ sở làm rõ thực trạng quan hệ kinh tế Việt - Nhật trong 50 năm qua, bài viết chỉ ra một số khó khăn và vấn đề đặt ra, từ đó kiến nghị một số giải pháp cơ bản nhằm đưa mối quan hệ này lên một tầm cao mới trong tương lai.
Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản cho đến nay là giao lưu giữa một nước đang phát triển với một nước tiên tiến, và quan hệ đó thay đổi cùng với sự phát triển của Việt Nam từ nước thu nhập thấp lên nước thu nhập trung bình. Trong quá trình đó dòng chảy tư bản chỉ một chiều từ Nhật Bản sang Việt Nam dưới hình thức vốn vay ưu đãi (ODA) và đầu tư trực tiếp (FDI) nhưng trọng tâm dần dần chuyển từ ODA sang FDI. Về mặt ngoại thương, cùng với tiến triển của công nghiệp hóa tại Việt Nam, phân công giữa hai nước chuyển từ hàng dọc sang hàng ngang. Đó là sự tiến hóa hợp quy luật. Chỉ tiếc là Việt Nam chưa tận dụng các nguồn lực từ Nhật Bản để phát triển nhanh và hiệu quả hơn. Để đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần liên tục tăng năng suất lao động qua nỗ lực chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, tham gia sâu hơn và cao hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong giai đoạn mới, ODA và FDI từ Nhật Bản cần có nội dung mới, cụ thể là ODA theo phương thức đề án (Offer-type ODA) kết hợp với FDI, song song với hợp tác về đào tạo nhân tài và về phát triển doanh nghiệp. Trong dài hạn Việt Nam sẽ tốt nghiệp ODA, và doanh nghiệp Việt Nam có khả năng đầu tư sang Nhật Bản, bắt đầu thời đại triển khai FDI hai chiều trong quan hệ Việt - Nhật.
Khi tôi vào Đại học Tokyo, là thời điểm chiến tranh Việt Nam diễn ra ác liệt nhất, mối quan tâm của một người muốn thử sức với các vấn đề ở châu Á như tôi tự nhiên hướng đến Việt Nam. Trên báo chí Nhật Bản, phóng sự về chiến tranh Việt Nam cũng nhộn nhịp trên mặt báo hàng ngày, đối với tôi, dường như cả thế giới đang chuyển động với trung tâm là Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, nếu có thể hiểu được về đất nước Việt Nam “trung tâm” đó thì có thể dễ dàng hiểu được về thế giới. Đó chính là lý do lớn nhất khiến tôi chọn Việt Nam là đối tượng nghiên cứu của mình. Từ khi chọn Việt Nam làm đề tài luận văn tốt nghiệp đại học vào năm 1972, đến nay, tôi đã bước đi trên cuộc đời với tư cách là một nhà Việt Nam học được hơn 50 năm
Quan hệ hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản trong hơn 30 năm đã có nhiều điểm nhấn quan trọng, đặc biệt là sau khi nối lại quan hệ viện trợ và nâng cấp quan hệ từ "đối tác chiến lược" trở thành "đối tác chiến lược sâu rộng". Hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực giữa hai quốc gia đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển nhanh chóng và bền vững. Từ năm 1992 đến nay là cả một tiến trình hợp tác với nhiều dấu ấn cũng như thành tựu, hạn chế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản và đó cũng là những nội dung chính của bài viết này.
Người lao động đôi khi chính là đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất của doanh nghiệp vì họ có thể tiếp cận được bí mật kinh doanh của doanh nghiệp đó và mang sang phục vụ cho đối thủ cạnh tranh hoặc tự kinh doanh để cạnh tranh với doanh nghiệp cũ. Thỏa thuận không cạnh tranh được xem là một trong những công cụ hiệu quả để ngăn chặn những hành vi này. Tại Việt Nam, vấn đề thỏa thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động vẫn chưa được pháp luật quy định trực tiếp. Trong khi đó, vấn đề này đã được quy định cụ thể hơn trong pháp luật Nhật Bản. Với sự tương đồng nhất định về văn hóa, xã hội và pháp luật giữa hai quốc gia, tác giả sử dụng phương pháp luật học so sánh để phân tích quy định của pháp luật Nhật Bản và thực trạng pháp luật Việt Nam về thỏa thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động. Các bài học kinh nghiệm rút ra được qua nghiên cứu giúp hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong thời gian tới.
Tình trạng thiếu lương thực ở Triều Tiên ngày càng trầm trọng nhất là trong bối cảnh nước này chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 cũng như phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh vì phát triển vũ khí hạt nhân. Bài viết phân tích tình trạng thiếu lương thực của Triều Tiên cùng những nỗ lực từ phía Chính phủ Triều Tiên nhằm cải thiện trình trạng trên trong khoảng thời gian kể từ năm 2020, mốc thời gian bùng phát đại dịch COVID-19 đến nay.
Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật trên thế giới, kinh tế số đã trở thành một động lực tăng trưởng trong phát triển kinh tế ở Trung Quốc suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, tình trạng độc quyền trong nền kinh tế số, bao gồm độc quyền trong nền kinh tế nền tảng khiến Bắc Kinh phải gấp rút tăng cường xây dựng và hoàn thiện các quy định và chế tài chống độc quyền. Bài viết nhận diện thực trạng độc quyền trong nền kinh tế nền tảng ở Trung Quốc; đồng thời phân tích các giải pháp chống độc quyền của Trung Quốc trong những năm gần đây.