Bài viết phân tích điểm tương đồng về nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu do khí thải, quy định pháp luật cũng như sự hợp tác, hỗ trợ song phương trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu của hai quốc gia Hàn Quốc và Việt Nam. Bên cạnh đó, tác giả tập trung phân tích chính sách trung hòa khí thải carbon và giảm phát thải khí nhà kính của Hàn Quốc tầm nhìn đến 2050, qua đó đánh giá ưu điểm, khuyết điểm của chính sách và rút ra kinh nghiệm từ Hàn Quốc nhằm kiến nghị một số giải pháp cho Việt Nam.
Bài viết tìm hiểu sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa duy trì và khôi phục sản xuất, đảm bảo phát triển kinh tế từ năm 2020 đến nay. Mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng đã được khẳng định một cách mạnh mẽ trong những thời điểm khó khăn nhất và thậm chí quan hệ Việt – Nhật trong bối cảnh đại dịch được nhìn nhận đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất. Trong đó, Việt Nam đã thể hiện được tình cảm tốt đẹp với chính quyền và nhân dân Nhật Bản, còn phía Nhật Bản đã khẳng định được tiềm lực và sức mạnh nước lớn trong việc giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam phòng, chống Covid-19 và đảm bảo ổn định sản xuất, phát triển kinh tế.
Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan trong thời gian qua đã có bước phát triển nhanh chóng. Hiện tại, Đài Loan là đối tác đầu tư và thương mại quan trọng của Việt Nam. Quan hệ kinh tế giữa hai bên đã có vai trò tích cực đối với sự phát triển kinh tế của cả Việt Nam và Đài Loan. Việc Đài Loan đẩy mạnh thực thi chính sách hướng Nam mới (NSP) đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi giúp tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Bài viết tập trung phân tích thực trạng, vấn đề tồn tại trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Đài Loan trong năm 2022 và triển vọng năm 2023.
Sử dụng khái niệm/lý thuyết của Joseph Nye về quyền lực mềm trong quan hệ quốc tế, tác giả xem xét trường hợp Nho giáo như một nguồn lực mềm của các quốc gia Đông Á. Theo Nye, sức mạnh mềm được hiểu là khả năng của một quốc gia đạt được những thứ mình mong muốn bằng cách tác động tới các quốc gia khác thông qua sự thuyết phục hay cuốn hút. Một trong những kênh ảnh hưởng quan trọng nhất là thông qua hệ thống giá trị tư tưởng. Được vun đắp, tạo dựng từ lâu đời, thể hiện qua thế giới quan, lối sống và thậm chí trong cả cách thức quản trị xã hội, truyền thống Nho học có thể là một nguồn lực quan trọng để tạo nên sức mạnh mềm cho các quốc gia Đông Á. Nghiên cứu* sẽ lấy ba quốc gia tiêu biểu về truyền thống Nho giáo là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để xem xét liệu Nho giáo có thực sự là nguồn lực hữu hiệu cho sức mạnh mềm của các quốc gia này hay không.
Trước những chuyển biến nhanh chóng của tình hình quốc tế, nhất là nguy cơ của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đến gần, vận mệnh của dân tộc Việt Nam giục giã người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Với nhãn quan chính trị sáng suốt, Người đề nghị Quốc tế Cộng sản cử Người trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Mùa đông năm 1938, Người đến Trung Quốc, giữa lúc phát xít Nhật mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn cõi Trung Quốc, Người trực tiếp tham gia Hồng quân, cùng nhân dân và Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nhật Bản. Đặc biệt, Người dùng báo chí, một vũ khí sắc bén viết nhiều bài tố cáo tội ác dã man của phát xít Nhật, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Trung Quốc, đồng thời xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Trung. Người đã có những đóng góp công sức cho cách mạng và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những năm 1938-1940.
Trong thế kỷ XXI, hành trình quay trở về “chủ nghĩa khu vực”, tăng cường tương tác và phát triển quan hệ sâu rộng với ASEAN là bước đi quan trọng của ngoại giao Hàn Quốc, khởi đầu từ việc thay đổi tư duy kết giao nước lớn bằng định hướng củng cố quan hệ với các nước láng giềng đang phát triển ở Đông Nam Á. Xuất phát từ thực tế trên, bài nghiên cứu tập trung phân tích, luận giải cả hai mặt thành công, hạn chế của mô hình hợp tác Hàn Quốc - ASEAN hiện nay; trên cơ sở đó, bước đầu rút ra những hàm ý chính sách cho Việt Nam trong quá trình tìm kiếm, xác lập một chiến lược hợp tác tối ưu, phù hợp với bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu.
Ở Nhật Bản, “mô hình gia đình phụ hệ”, “mô hình nam giới là trụ cột kiếm tiền” hay “mô hình gia đình một trụ cột”… đều nhấn mạnh đến vai trò trụ cột chính trong gia đình là nam giới. Quan niệm này đã tồn tại suốt từ thời cổ đại (thế kỉ IV) đến ngày nay. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế kéo dài từ những năm 1990 đã tác động mạnh mẽ đến việc phân công lao động cũng như vai trò, vị trí của nam giới và phụ nữ trong các gia đình. Bài viết đề cập thực trạng và những nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi trong vai trò trụ cột gia đình ở Nhật Bản từ 1990 đến nay.
Nghiên cứu biểu tượng trong văn học cũng chính là cách giải mã những thành tố văn hóa xuất hiện trong văn bản tác phẩm, giải mã những ý niệm sâu xa, trừu tượng mà tác giả gửi gắm thông qua tác phẩm của mình. Manga được hợp thành từ một số yếu tố như nghệ thuật hội họa truyền thống kết hợp với hội họa phương Tây, yếu tố văn học và nghệ thuật điện ảnh. Như vậy, ta hoàn toàn có thể tìm hiểu một tác phẩm manga thông qua cách tiếp cận yếu tố văn học, trong đó có nghiên cứu biểu tượng. Bài viết* của chúng tôi hướng tới việc giải mã những biểu tượng xuất hiện trong tác phẩm manga Death Note của Oba Tsugumi; đồng thời cung cấp một cách đọc mới, cách tiếp cận khác đối với loại hình văn hóa đại chúng nổi trội này.
Trong không gian tiền cận đại, khi đa số quốc gia phương Đông còn chưa “định vị” rõ ràng chính sách kinh tế trước sự xâm nhập của các nước phương Tây thì Mạc phủ Tokugawa đã chủ trương xây dựng một nền kinh tế hướng nội nhằm đảm bảo an ninh, chủ quyền, thống nhất đất nước. Điều này đã tạo điều kiện hòa bình, ổn định, kết hợp với chính sách đối ngoại khôn khéo đã giúp Nhật Bản trung lập hóa các mối quan hệ quốc tế và từng bước tự chủ nền kinh tế của mình. Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp đã đạt được thành tựu hết sức to lớn khi đặt trong tương quan với nhiều nước châu Á khác lúc bấy giờ. Nông nghiệp và thủ công nghiệp chuyển đổi dần từ tự cung tự cấp sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa, cung cấp sản phẩm, kích thích cho thị trường thương nghiệp phát triển. Bài viết phân tích sự chuyển biến của nền kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp ở Nhật Bản trong thời kỳ Tokugawa (1600-1868).
Thông qua việc so sánh kết quả khảo sát đối với sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật thương mại Trường Đại học Ngoại thương thuộc nhóm "Đã từng đi Nhật" và nhóm "Chưa từng đi Nhật" trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2019, tác giả chỉ ra những tác động tích cực của việc đi du học, thực tập tại Nhật Bản đối với việc nâng cao năng lực của sinh viên bao gồm kiến thức (tiếng Nhật, văn hóa Nhật Bản), kỹ năng (giải quyết vấn đề; chịu áp lực; kiên trì; ngoại giao; thích ứng với các nền văn hóa khác biệt; giao tiếp...), thái độ (tự tin; quyết tâm thực hiện mục tiêu; dám gánh chịu rủi ro; rộng lượng hơn về vấn đề tôn giáo; cộng sinh với những người có hệ giá trị khác mình; quan tâm tới các quan hệ quốc tế; ý thức mình là người Việt Nam, là công dân toàn cầu; ý thức về chất lượng; bảo vệ môi trường; trách nhiệm với công việc; tinh thần phục vụ; nói cảm ơn, xin lỗi; đúng giờ, tuân thủ thời hạn; tôn trọng văn hóa nơi công cộng; tuân thủ quy định, nguyên tắc; tích cực trong hoạt động học tập...).