Trang chủ

Hợp tác Hàn Quốc – ASEAN trong thế kỷ XXI và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Đăng ngày: 23-09-2024, 01:44 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 1

Phan Thị Anh Thư1

Tóm tắt: Trong thế kỷ XXI, hành trình quay trở về “chủ nghĩa khu vực”, tăng cường tương tác và phát triển quan hệ sâu rộng với ASEAN là bước đi quan trọng của ngoại giao Hàn Quốc, khởi đầu từ việc thay đổi tư duy kết giao nước lớn bằng định hướng củng cố quan hệ với các nước láng giềng đang phát triển ở Đông Nam Á. Xuất phát từ thực tế trên, bài nghiên cứu tập trung phân tích, luận giải cả hai mặt thành công, hạn chế của mô hình hợp tác Hàn Quốc - ASEAN hiện nay; trên cơ sở đó, bước đầu rút ra những hàm ý chính sách cho Việt Nam trong quá trình tìm kiếm, xác lập một chiến lược hợp tác tối ưu, phù hợp với bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu.

Từ khóa: Hợp tác Đông Á, Hàn Quốc, ASEAN, thế kỷ XXI

 


1. Đánh giá về hợp tác Hàn Quốc – ASEAN trong thế kỷ XXI [1]

1.1. Những thành tựu nổi bật

Nhờ sự định hướng của chính sách đối ngoại và tác động của chiến lược hợp tác, phát triển quan hệ với ASEAN mà Hàn Quốc đã không ngừng gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á và đẩy mạnh liên kết khu vực. Hơn một thập niên qua, thành công này không chỉ dừng lại ở số lượng các hội nghị thượng đỉnh được tổ chức, các bản tuyên bố chung được ký kết mà nó còn biểu hiện chủ yếu ở việc kết quả hợp tác giữa hai bên đã thực sự đi vào chiều sâu đối với từng lĩnh vực cụ thể.

- Về an ninh - chính trị.

Sau khi gia nhập Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) (1994) và tham gia Hiệp ước Hợp tác ở Đông Nam Á (2004), Hàn Quốc liên tục thắt chặt quan hệ chính trị - an ninh với ASEAN và góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Á. Xuyên suốt quá trình này, vai trò trụ cột của Hàn Quốc được thể hiện ở việc đề xuất ý tưởng về Cộng đồng Đông Á thông qua Nhóm Tầm nhìn Đông Á và Nhóm Nghiên cứu Đông Á. Hàn Quốc đã từng bước khẳng định vị thế “quốc gia tầm trung” của mình trong cấu trúc an ninh khu vực; đồng thời còn tạo ra ảnh hưởng rộng lớn hơn khi theo đuổi việc xây dựng Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương (APC). Về vấn đề an ninh quốc gia, Hàn Quốc đã tranh thủ thành công sự ủng hộ của ASEAN để duy trì cơ chế “Đàm phán sáu bên” về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, qua đó, tạo ra một khung áp lực ngoại giao với Bình Nhưỡng để hướng đến mục tiêu thống nhất dân tộc. Về phương diện chính trị, Hàn Quốc liên tục nâng cấp thành công quan hệ song phương và được cả 10 thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đánh giá là một trong những nước có đóng góp lớn nhất cho “Sáng kiến liên kết ASEAN” nhằm thu hẹp trình độ phát triển giữa các quốc gia trong khối.

Có thể thấy, nỗ lực hợp tác và phát triển quan hệ của Hàn Quốc với ASEAN đã đạt nhiều tiến bộ vào thời kỳ cầm quyền của cả bốn Tổng thống Roh Moo-hyun, Lee Myung-bak, Park Geun-hye và Moon Jae-in. Kết quả này có được chủ yếu nhờ vào ba yếu tố: (1) cơ sở hợp tác song phương đã được xác lập vững chắc từ thời nhà lãnh đạo tiền bối Kim Dae-jung; (2) cơ chế ASEAN+3 và các diễn đàn khu vực Đông Á có tác dụng lôi cuốn Hàn Quốc tăng cường hợp tác sâu rộng với ASEAN; (3) xu thế khu vực hóa kích thích mạnh mẽ các hoạt động tương tác kinh tế ở Đông Á, trong đó Hàn Quốc và ASEAN đều là đối tượng chịu chi phối. Hàn Quốc ngày càng liên kết chặt chẽ hơn với ASEAN dựa vào nền tảng của các mối quan hệ đa phương, trong đó hàng loạt hội nghị thượng đỉnh giữa hai bên được coi là kênh đối thoại song phương cao nhất và hiệu quả nhất.

- Về kinh tế.

Dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997), tư duy “hướng Nam” của Hàn Quốc đã dần hình thành và đặt nền móng cho sự tiến bộ sau đó trong quan hệ với ASEAN. Vào thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Roh Moo-hyun, Hàn Quốc là nước tiên phong thực hiện FTA với ASEAN ở Đông Á (AKFTA có hiệu lực từ tháng 6-2007), sớm hơn so với FTA ASEAN - Nhật Bản (có hiệu lực từ tháng 12/2008) và FTA ASEAN - Trung Quốc (có hiệu lực từ tháng 01/2010). Đây là hiệp định đầu tiên Hàn Quốc ký kết thành công với một đối tác thương mại quan trọng – thị trường xuất khẩu lớn thứ năm của nước này trên toàn cầu. Ngoài AKFTA, Hàn Quốc còn ký kết thành công các FTA riêng với Việt Nam, Indonesia và Singapore nhằm củng cố vị thế trong xu hướng “hợp nhất khu vực” với vai trò trung tâm của ASEAN.

Sự thăng hoa trong hợp tác kinh tế của Hàn Quốc với ASEAN được phản ánh từ kim ngạch thương mại luôn đạt mức tăng cao từ 38,3 tỷ USD (2000) lên 119,3 tỷ USD (2016)[2]. Năm 2017, tổng khối lượng trao đổi thương mại của Hàn Quốc sang ASEAN đạt gần 150 tỷ USD. Nhờ kết quả này, ASEAN chính thức trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc, chiếm 14% tổng thương mại toàn cầu của nước này (2017); đồng thời giúp Hàn Quốc nắm giữ 40 tỷ USD thặng dư thương mại với ASEAN (2018). Đặc biệt, năm 2021, kim ngạch thương mại Hàn Quốc-ASEAN năm 2021 đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 177 tỷ USD[3].

- Văn hóa – xã hội.

Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, Hàn Quốc là đất nước có tiền đề hợp tác thuận lợi nhất với ASEAN trong tương quan so sánh giữa các quốc gia khác ở khu vực Đông Bắc Á. Đặc điểm này xuất phát từ thực tế đa phần người dân ASEAN đều e ngại về quá khứ phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai và cảnh giác trước nguy cơ phục hồi “chủ nghĩa quân phiệt” hiện nay của Nhật Bản. Trong khi đó, sự lấn át kinh tế và bất đồng quan điểm về vấn đề Biển Đông vẫn được xem như rào cản chủ yếu trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN. Giữa diễn biến phức tạp như vậy ở Đông Á, Hàn Quốc là trường hợp hiếm hoi không có tranh chấp lãnh thổ hay xung đột chính trị với khối ASEAN. Hơn thế nữa, hai bên lại có quá khứ đồng điệu do cùng chịu tác động của các cuộc cạnh tranh nước lớn và từng bị cả Trung Quốc, Nhật Bản thống trị về chính trị, kinh tế lẫn văn hóa. Chính sự gần gũi này đã tạo ra tâm lý tin tưởng và cởi mở trong việc đón nhận các sản phẩm văn hóa và phúc lợi xã hội từ Hàn Quốc. Hiện nay, Singapore đang trở thành “cửa ngõ” K-pop lớn nhất của ASEAN trong khi Việt Nam là tâm điểm của trào lưu du lịch xứ Hàn. Sau khi Tổng thống Moon Jae-in công bố chính sách “hướng Nam mới” và thành lập Nhà Văn hóa ASEAN tại Busan, Hàn Quốc đã cùng ASEAN mở rộng thêm hoạt động giao lưu, tiếp xúc và đầu tư cho các chương trình xã hội (xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề cho thanh niên, tuyên truyền bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em gái và phụ nữ) nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một cộng đồng Đông Á lấy con người làm trung tâm.

1.2. Những hạn chế và thách thức

Về phương diện an ninh, mong muốn của Seoul về việc duy trì hòa bình ở Đông Bắc Á và thu hút CHDCND Triều Tiên vào dòng chảy hợp tác, hội nhập khu vực trên cơ sở khuyến khích Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Vì lý do này, sự tích cực và chủ động của Hàn Quốc đối với các cơ chế hợp tác ở Đông Á đã có phần suy giảm từ những năm đầu thế kỷ XXI. Hơn thế nữa, tâm lý coi trọng địa bàn truyền thống Đông Bắc Á hơn Đông Nam Á cũng tạo ra “khoảng trống” cho Nhật Bản, Trung Quốc bứt phá và vượt lên trong cuộc cạnh tranh vai trò lãnh đạo cơ chế ASEAN+3.

Hiện nay, hợp tác của Hàn Quốc với ASEAN về an ninh vẫn chưa tạo được nhiều dấu ấn, thậm chí còn tụt hậu khá xa so với lĩnh vực kinh tế và văn hóa - xã hội. Thực trạng này có nguyên nhân từ cả hai phía: Một là, sự quan tâm đặc biệt của Hàn Quốc về vấn đề hòa giải và thống nhất dân tộc với CHDCND Triều Tiên; Hai là, xu thế tìm kiếm sự bảo trợ của các nước lớn ở bên ngoài khu vực Đông Á của khối ASEAN. Có thể thấy, cả hai bên đều chưa có động lực phát triển hợp tác về an ninh do những khác biệt khá rõ về mặt lợi ích. Hiện nay, mối bận tâm an ninh lớn nhất của Seoul vẫn là hiểm họa hạt nhân từ Bình Nhưỡng trong khi các nước ASEAN lại không coi đây là nguy cơ trước mắt của chính mình[4]. Với đặc thù là một tổ chức khu vực tập hợp nhiều nước vừa và nhỏ nên các thành viên trong khối có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề tăng cường năng lực phòng thủ chiến lược để trở nên cơ động và tự chủ trước sức mạnh của các siêu cường. Hơn nữa, ASEAN dù nắm giữ vị trí “trung tâm” trong hợp tác đa phương ở Đông Á nhưng cũng chỉ phát huy vai trò của mình trong việc kết nối và duy trì các cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề Bình Nhưỡng chứ không thể xóa tan căng thẳng do đối đầu quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông giữa các nước ASEAN với Trung Quốc cũng nằm ngoài tầm với của Hàn Quốc.

Về phương diện chính trị, đến năm 1991 Hàn Quốc mới trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN trong khi Nhật Bản đã đạt được kết quả này từ năm 1977. Hơn thế nữa, Hàn Quốc luôn bị “phân tâm” vào vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên cộng với đặc điểm “phân tán” nguồn lực cho cuộc đua tranh giành vị trí lãnh đạo Đông Á nên chính sách với ASEAN cũng ít nhiều bị xáo trộn và biến động qua mỗi đời tổng thống. Thời kỳ Tổng thống Lee Myung-bak nắm quyền, sáng kiến “Ngoại giao châu Á mới” đặt trọng tâm quan hệ đối ngoại của Hàn Quốc lên toàn bộ châu Á chứ không riêng khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, sáng kiến này còn cổ súy cho “chủ nghĩa trọng thương” nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế của Hàn Quốc, vì thế, ASEAN chỉ được coi là một thị trường nhỏ bé ở châu Á. Đầu năm 2013, thông qua việc công bố chính sách “Chính trị niềm tin” trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống Park Geun-hye còn công khai ý định đưa Hàn Quốc “hướng nội” khi xác định CHDCND Triều Tiên và các nước Đông Bắc Á láng giềng mới là chủ thể trong các hoạt động ngoại giao của nước này[5]. Những diễn biến đó lý giải tại sao khi sáng kiến ​​“Hợp tác hòa bình khu vực Đông Bắc Á” (NAPCI) ra đời thì ASEAN chỉ tham gia với tư cách quan sát viên.

Từ đầu năm 2017, Tổng thống Moon Jae-in cam kết tăng cường quan hệ đối thoại cùng ASEAN nhưng chính sách “hướng Nam mới” cũng phải đối mặt với không ít thách thức khi Trung Quốc đã có kế hoạch chi 1000 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nội địa tiến sâu vào thị trường này theo sáng kiến “Vành đai, con đường”. Nhật Bản cũng đầu tư không ít cho ASEAN kể từ khi học thuyết Fukuda được công bố vào những năm 1970, trong khi đó Mỹ cũng có chính sách tiếp cận ASEAN thông qua chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Sự cạnh tranh mãnh liệt này tất yếu làm cho các quốc gia vừa và nhỏ ở Đông Nam Á dễ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” và mức độ đồng thuận trong ASEAN cũng bị tác động tiêu cực.

Về phương diện kinh tế, hợp tác với ASEAN còn thiếu ổn định, kém đồng bộ và chưa phân bổ đều giữa các quốc gia thành viên của hiệp hội. Ngay từ đầu những năm 1990 trong hoạt động kinh tế đối ngoại, chính quyền Kim Young-sam đã đặc biệt coi trọng liên minh song phương với Mỹ cũng như vai trò của chủ nghĩa khu vực (APEC) và chủ nghĩa đa phương (WTO). Tuy nhiên, hai tổng thống kế nhiệm (1998-2008) lại chuyển dịch phạm vi triển khai chính sách từ ý tưởng về một cộng đồng Đông Á của Kim Dae-jung sang địa bàn truyền thống Đông Bắc Á của Roh Moo-hyun. Đến khi Lee Myung-bak nắm quyền (2008-2012), ông lại phớt lờ chủ nghĩa khu vực mà chỉ quan tâm đến liên minh FTA với Mỹ và quan hệ song phương với các nước bên ngoài khu vực. Do không gian triển khai các hoạt động kinh tế với ASEAN liên tục bị thu hẹp từ APEC, Đông Á, Đông Bắc Á rồi đến liên minh song phương và các FTA nên Hàn Quốc đã phải mất không ít thời gian để khẳng định vị thế của mình với ASEAN. Thêm vào đó, vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên lại được Hàn Quốc ưu tiên hơn nhiệm vụ hợp tác khu vực, do đó, quốc gia này luôn đi chậm một bước trong thúc đẩy quan hệ kinh tế với ASEAN, điển hình như việc triển khai các Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện muộn hơn những nước láng giềng Đông Bắc Á khác.

Về phương diện văn hóa – xã hội, nguy cơ “xâm lấn văn hóa” là điều rất dễ nhận thấy do các chương trình trao đổi và giao lưu nhân dân giữa hai bên có xu hướng diễn ra “một chiều”, trong đó Hàn Quốc đang vượt lên và chiếm ưu thế trong chiến lược mở rộng quyền lực mềm sang các nước thành viên ASEAN. Ngày nay “cơn lốc Hallyu” đang vượt ra khỏi phạm vi văn hóa để tiến sâu vào địa hạt kinh tế với nguồn thu khổng lồ hằng năm ở thị trường Đông Nam Á. Do tác động từ phim ảnh, âm nhạc và xu hướng làm đẹp theo phong cách Hàn Quốc nên lợi nhuận xuất khẩu mỹ phẩm sang Thái Lan (2006-2011) đã tăng hơn 1000%, đạt 52,2 triệu USD (2011)[6], trong khi đó ở chiều ngược lại, ảnh hưởng và hiểu biết về văn hóa xứ chùa Vàng vẫn còn hạn hẹp, thậm chí mờ nhạt với đa số người dân Hàn Quốc. Việc đề xuất các dự án hợp tác cụ thể nhằm mở rộng hiểu biết chung về văn hóa của nhau cũng chỉ đạt được hiệu quả trong khuôn khổ chính sách “hướng Nam mới” do Tổng thống Moon Jae-in công bố từ năm 2017. Việc phổ biến và thúc đẩy hiểu biết song phương không chỉ là trách nhiệm từ một phía thế nhưng nếu Hàn Quốc không tạo điều kiện tối đa cho các quốc gia ở thế yếu như ASEAN được tăng cường “sức mạnh mềm” của mình thì nền tảng hợp tác chung trên cơ sở tinh thần hiểu biết và đôi bên “cùng thắng” rất dễ bị xói mòn và lung lay.

2. Một số hàm ý chính sách cho Việt Nam

Việt Nam nắm giữ vị trí then chốt ở khu vực Đông Nam Á do là “đầu cầu” trên đất liền, trên biển, trên không giữa Đông Bắc Á, Đông Nam Á, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giữa Âu – Mỹ và các nước trong khu vực nên có thể trở thành đầu mối của các nỗ lực hợp tác và liên kết toàn cầu[7]. Ngoài ra, với việc chiếm hơn một nửa kết quả trao đổi trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển và giao lưu nhân dân giữa Hàn Quốc với ASEAN, Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược hướng Nam của Hàn Quốc, giúp nước này giảm bớt sự lệ thuộc vào Mỹ, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, hạn chế sức mạnh của Nhật Bản và tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của ASEAN. Chính vì những lý do này, Việt Nam đang được xem là đối tác trọng tâm, có vai trò cầu nối với khu vực, do đó, cần tăng cường kết nối và nỗ lực cùng Hàn Quốc, ASEAN tạo ra động lực tăng trưởng tương lai theo ba hướng trọng tâm sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần phối hợp với Hàn Quốc để củng cố an ninh truyền thống, bảo vệ hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông cũng như khu vực Đông Á. Hàn Quốc rất quan tâm sự hỗ trợ của ASEAN đối với việc bảo đảm hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như ở vùng Đông Bắc Á. Vì thế, Việt Nam cần ủng hộ việc giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên, thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy đối thoại liên Triều. Việc tăng cường trao đổi, hợp tác về các vấn đề quốc tế hoặc khu vực tại các diễn đàn đa phương nên được Việt Nam duy trì trong khuôn khổ hợp tác Hàn Quốc – ASEAN. Quan trọng là, Việt Nam cần tranh thủ hợp tác Hàn Quốc – ASEAN để thúc đẩy hòa bình, an toàn và tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thực hiện hiệu quả và toàn diện Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm ký bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới; tranh thủ sự hỗ trợ của Hàn Quốc để củng cố năng lực cho các lực lượng chấp pháp trên biển, trước hết là cảnh sát biển. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng có rất nhiều thế mạnh về lĩnh vực an ninh phi truyền thống mà Việt Nam nên tiếp cận như kinh nghiệm chống biến đổi khí hậu, cứu nạn trên biển, phát triển công nghiệp quốc phòng. Định hướng tăng cường hợp tác với Hàn Quốc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường cũng hết sức quan trọng cho nỗ lực phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Thứ hai, từ sau Hội nghị thượng đỉnh với ASEAN (2009), Hàn Quốc đưa ra định hướng tập trung hợp tác với các quốc gia chậm phát triển bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar; trong đó Việt Nam được chọn làm đối tác trung hạn của Hàn Quốc. Đến năm 2017, trong chiến lược hợp tác với ASEAN, chính quyền Moon Jae-in đã coi Việt Nam là “tâm điểm” của chính sách hướng Nam. Do vậy, Việt Nam cần tận dụng tốt thời điểm then chốt này để tích cực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên phát triển theo chiều sâu. Về kinh tế, thông qua mục tiêu đưa kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc với ASEAN lên 200 tỷ vào năm 2020 để thúc đẩy buôn bán hai chiều giữa Hàn Quốc và Việt Nam đạt mức 100 tỷ USD vào cùng thời điểm và gắn với việc thực hiện các biện pháp cân bằng thương mại. Thêm vào đó, Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều kỹ thuật và công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc để trở thành địa chỉ chuyển giao công nghệ của các ngành công nghiệp phụ trợ, ô tô, cơ khí và dệt may. Về văn hóa – xã hội, Việt Nam cần chủ động thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục điện tử, chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững và thực hiện chính sách thị thực thuận lợi cho công dân của nhau. Bên cạnh đó, là đất nước phát triển muộn về “sức mạnh mềm”, Việt Nam cũng nên chủ động học hỏi và tiếp cận những mô hình tốt, cách làm hay từ chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc để xây dựng ngành công nghiệp giải trí nước nhà, trên cơ sở đó, rút ngắn từng bước khoảng cách về trình độ và năng lực quảng bá thương hiệu quốc gia với các nước Đông Á.

Thứ ba, Việt Nam nên chủ động hợp tác trong các diễn đàn quốc tế và khu vực (ASEAN+, ARF, EAS, APEC); tranh thủ hợp tác của Hàn Quốc trong các cơ chế như Mê Kông – Hàn Quốc, ASEAN – Hàn Quốc; vận động Hàn Quốc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (2020-2021), Tổng Giám đốc UNESCO (2017-2021), nhất là hỗ trợ Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN (2020). Trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam cần nhận thức rõ giữa hai nước có lợi ích song trùng trong hầu hết các lĩnh vực hợp tác; Hàn Quốc còn là “đồng minh tự nhiên” với Việt Nam trong quá trình kiến tạo cấu trúc an ninh khu vực, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh hàng hải, củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong giữ gìn hòa bình và ổn định ở Đông Á. Việt Nam cũng cần xác định mức độ cũng như khả năng khai thác tiềm năng trong mối quan hệ với Hàn Quốc để có chính sách cộng hưởng phù hợp. Điều này không chỉ giúp chúng ta tối đa hóa lợi ích quốc gia mà còn tạo điều kiện cho Hàn Quốc thấy rõ lợi ích chiến lược trong mối liên kết với Việt Nam, qua đó tạo dựng ý thức hợp tác bình đẳng – đôi bên cùng có lợi, làm hình mẫu cho quan hệ chiến lược Hàn Quốc – ASEAN trong thế kỷ XXI.

3. Kết luận

Hiện nay, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với ASEAN không còn là vấn đề lựa chọn mà đã trở thành cơ hội hiện hữu đối với Hàn Quốc. Trong bối cảnh thế giới nổi lên nhiều thách thức như cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, đối đầu xuất khẩu Nhật – Hàn và tranh chấp ở Biển Đông thì sự liên kết giữa Hàn Quốc với các thành viên ASEAN chính là chìa khóa tăng trưởng bền vững cho cả hai bên, nhất là đối với việc thực hiện Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN đến năm 2025 và chiến lược tăng cường vị thế quốc gia “hạng trung” của Hàn Quốc. Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Moon Jae-in, Việt Nam là “tâm trục” của chính sách “hướng Nam mới” do nắm giữ ba vai trò: (1) đối tác kinh tế hàng đầu chiếm đến một nửa kim ngạch thương mại và vốn đầu tư của Hàn Quốc vào ASEAN; (2) đối tác an ninh truyền thống thúc đẩy ASEAN đàm phán hòa bình với Bình Nhưỡng; (3) đối tác văn hóa tiềm năng với lượng du khách và du học sinh đông đảo tại Hàn Quốc.

Với cương vị Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Việt Nam còn dẫn dắt các thành viên của hiệp hội phát triển quan hệ chiến lược với Hàn Quốc trong khuôn khổ của chính sách “hướng Nam mới”. Đây là thời điểm vàng để Việt Nam đưa mối quan hệ với Hàn Quốc phát triển tịnh tiến cùng bộ đôi đối tác ASEAN - Hàn Quốc thông qua hợp tác chính trị, kinh tế và xã hội. Do vậy, các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân cần được Việt Nam tích cực củng cố và tăng cường để làm chất “xúc tác” cho trao đổi thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa với Hàn Quốc diễn ra sâu rộng. Việc chủ động phối hợp và tranh thủ sự ủng hộ của Hàn Quốc trong các diễn đàn đa phương cũng là giải pháp nhằm tối ưu hóa sức mạnh của Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và chủ quyền trên biển của quốc gia. Làm được những điều này, Việt Nam đã góp phần tạo ra nguồn “động lực kép” để phát triển ngoại giao quốc gia, thúc đẩy ngoại giao khu vực hòa nhịp với dòng chảy hội nhập toàn cầu trong thế kỷ XXI.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Thu Hường (2013), “Quan điểm chính sách của Hàn Quốc với vấn đề hiện thực hóa cộng đồng ASEAN (AC)”, Tạp chí Hàn Quốc, số 02 (4), tr. 51-52.
  2. Trần Khánh (2006), “Môi trường địa chính trị Đông Nam Á với hội nhập Việt Nam – ASEAN”, Tạp chí Cộng sản, số 16, tr. 64-68.
  3. David Koh (2010), “South Korea and Southeast Asia: Ideas for Deepening the Partnership” in David Steinberg, ed., Korea’s Changing Roles in Southeast Asia: Expanding Influence and Relations, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, p. 33.
  4. Korean Institute of Southeast Asia Studies (2017), Partnering for Tomorrow: ASEAN-Korea Relations, published in Seoul by the ASEAN - Korea Centre, p. 134.
  5. Overseas Investment statistics of Korea Exim Bank (2019), https://stats.koreaexim. go.kr/odisas.html, accessed on 02-11-2022.
  6. Scott Snyder (2016), “South Korean Identity under Park Geun-hye: Crosscurrents and Choppy Water”, Joint US-Korea Academic Studies, p. 104.
  7. Young Seaon Park (2014), “Trade in Cultural Goods: A Case of the Korean Wave in Asia”, Journal of East Asia Economic Integration, p. 87.



[1] TS., Khoa Hàn Quốc học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

[2] Korean Institute of Southeast Asia Studies (2017), Partnering for Tomorrow: ASEAN-Korea Relations, published in Seoul by the ASEAN - Korea Centre, p. 134.

[3] Overseas Investment statistics of Korea Exim Bank (2019), https://stats.koreaexim.go.kr/odisas.html, accessed on 02-11-2022.

[4] David Koh (2010), “South Korea and Southeast Asia: Ideas for Deepening the Partnership” in David Steinberg, ed., Korea’s Changing Roles in Southeast Asia: Expanding Influence and Relations, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, p. 33.

[5] Scott Snyder (2016), “South Korean Identity under Park Geun-hye: Crosscurrents and Choppy Water”, Joint US-Korea Academic Studies, p. 104.

[6] Young Seaon Park (2014), “Trade in Cultural Goods: A Case of the Koream Wave in Asia”, Journal of East Asia Economic Integration, p. 87.

[7] Trần Khánh (2006), “Môi trường địa chính trị Đông Nam Á với hội nhập Việt Nam – ASEAN”, Tạp chí Cộng sản, số 16, tr. 64-68.

0thảo luận