Vũ Thùy Dương1
Tóm tắt: Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan trong thời gian qua đã có bước phát triển nhanh chóng. Hiện tại, Đài Loan là đối tác đầu tư và thương mại quan trọng của Việt Nam. Quan hệ kinh tế giữa hai bên đã có vai trò tích cực đối với sự phát triển kinh tế của cả Việt Nam và Đài Loan. Việc Đài Loan đẩy mạnh thực thi chính sách hướng Nam mới (NSP) đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi giúp tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Bài viết tập trung phân tích thực trạng, vấn đề tồn tại trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Đài Loan trong năm 2022 và triển vọng năm 2023.
Từ khóa: Việt Nam, Đài Loan, đầu tư, thương mại
1. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Đài Loan năm 2022[1]
Ngay sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (1986) xác định thực hiện đường lối đổi mới, nhất là sau khi Việt Nam ban hành “Luật Đầu tư nước ngoài” (1987), các doanh nghiệp Đài Loan đã sớm có mặt tại Việt Nam. Trên cơ sở những điều kiện thuận lợi đó, Việt Nam và Đài Loan đã cùng mở Văn phòng đại diện vào năm 1992. Sau 30 năm kể từ khi hai bên cùng mở Văn phòng đại diện cho đến nay, Đài Loan vẫn luôn là một trong những đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam.
Thời gian gần đây, mặc dù phải ứng phó với đại dịch Covid-19 và những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu..., song hoạt động đối ngoại của Đài Loan vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng ổn định. Số liệu thống kê của Cục Thống kê – Bộ Kinh tế Đài Loan cho thấy, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan sang các thị trường xuất khẩu truyền thống, trong đó có Việt Nam tiếp tục tăng. Việt Nam chưa giảm thiểu được tình trạng mất cân bằng trong cán cân thương mại với Đài Loan, mức chêch lệch thường dao động từ 5-8 tỷ USD, song có thể thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan đã từng bước được cải thiện so với những năm trước. Tính từ tháng 1-10/2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan đạt mức 5,91 tỷ USD, vượt so với cả năm 2020 (xem bảng 1).
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Đài Loan nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là các loại hàng hóa như: hàng thủy sản; hàng nông sản (chè, gạo, sắn, hạt điều); hàng rau quả; thực phẩm chế biến; quặng và khoáng sản; than đá; hóa chất; chất hữu cơ; hàng dệt may; xơ sợi dệt các loại; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày; giày, dép các loại; hàng thủ công mỹ nghệ (mây, tre, cói, thảm, gốm, sứ…); sản phẩm từ chất dẻo; cao su; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; giấy và các sản phẩm từ giấy; sắt thép; máy móc gia dụng, thiết bị và các phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện… Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, phụ tùng; hàng dệt may; xơ, sợi dệt các loại; giày dép các loại; giấy và các sản phẩm từ giấy; sắt thép; máy móc, thiết bị và các phụ tùng khác… là những mặt hàng Đài Loan nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam.
Bảng 1: Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Đài Loan (2020 – 9/2022)
Đơn vị tính: tỷ USD, %
Năm
|
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu |
Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan |
Việt Nam nhập khẩu từ Đài Loan |
Chêch lệch cán cân thương mại |
||
Kim ngạch |
Tăng trưởng |
Kim ngạch |
Tăng trưởng |
|||
2020 |
16,02 |
5,5 |
4,1 |
10,52 |
-2,3 |
5,02 |
2021 |
20,12 |
6,15 |
11,8 |
13,97 |
32,7 |
7,82 |
1-10/2022 |
18,51 |
5,91 |
17,1 |
12,6 |
10,5 |
6,69 |
Nguồn: Cục Thống kê – Bộ Kinh tế Đài Loan
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu từ Đài Loan chủ yếu các chủng loại hàng hóa như: hàng thủy sản; chế phẩm thực phẩm khác; thức ăn gia súc và nguyên liệu; quặng và khoáng sản khác; xăng dầu các loại; sản phẩm khác từ dầu mỏ; hóa chất; sản phẩm hóa chất; dược phẩm; phân bón các loại; chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh; thuốc trừ sâu và nguyên liệu; chất dẻo nguyên liệu; sản phẩm từ chất dẻo; cao su; sản phẩm từ cao su; gỗ và sản phẩm gỗ; giấy các loại; sản phẩm từ giấy; xơ, sợi dệt các loại; vải các loại; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh; đá quý, kim loại quý và sản phẩm; phế liệu sắt thép; sắt thép các loại; sản phẩm từ sắt thép; kim loại thường khác; sản phẩm từ kim loại thường khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng điện gia dụng và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; dây điện và dây cáp điện; phương tiện vận tải khác và phụ tùng… Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại; máy ảnh máy quay phim và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; sắt, thép các loại; vải các loại; chất dẻo nguyên liệu; hóa chất, sản phẩm hóa chất... là những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Đài Loan[2].
Dựa vào số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, có thể thấy cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Đài Loan có sự tương đồng, điều này phản ánh rõ nét trình độ phát triển kinh tế của hai bên. Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan các mặt hàng giá trị gia tăng thấp; ngược lại, nhập khẩu các nhóm hàng có hàm lượng khoa học kĩ thuật cao hơn, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng các mặt hàng khoáng sản thô, nguyên vật liệu, nhiên liệu..., đồng thời, tăng dần đối với nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản, hàng công nghiệp chế biến.
2. Đầu tư của Đài Loan tại Việt Nam năm 2022
Trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, đầu tư của Đài Loan luôn nằm trong tốp 5 đối tác hàng đầu và có đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mặc dù, trong 3 năm trở lại đây (2020 -2022), trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, việc nhập cảnh gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng năng lượng kéo dài... đã ảnh hưởng đến luồng FDI của Đài Loan, song trong số các nước Đông Nam Á, vốn đầu tư của Đài Loan tại Việt Nam vẫn đứng thứ hai chỉ sau Singapore. Theo số liệu thống kê của Ủy ban thẩm định đầu tư – Bộ Kinh tế Đài Loan, tính từ tháng 1 đến tháng 11/2022 Đài Loan đã đầu tư 443,648 triệu USD vào Việt Nam, chiếm 10,72% tỷ trọng đầu tư của Đài Loan trong cả khối ASEAN. Nếu tính lũy kế các dự án còn hiệu lực, Đài Loan là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 của Việt Nam với tổng số vốn là 36,02 tỷ USD (tính đến tháng 5/2022)[3].
Về lĩnh vực đầu tư, trong số 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam, đầu tư của Đài Loan tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 88% tổng vốn đầu tư đăng kí; đứng thứ hai là lĩnh vực xây dựng chiếm 3,1% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 2,3%; còn lại là những ngành khác (tài chính, bảo hiểm; bán buôn, bán lẻ...).
Về địa bàn đầu tư, tính cho đến nay Đài Loan đang đầu tư tại 56/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, nhưng chủ yếu tập trung ở Hà Tĩnh và một số địa phương thuộc vùng kinh tế phía Nam. Hà Tĩnh là địa phương dẫn đầu về số vốn đầu tư của Đài Loan tại Việt Nam, chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư đăng kí; Bình Dương đứng thứ hai, chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư; đứng thứ ba là Đồng Nai chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác[4].
Về hình thức đầu tư, hình thức đầu tư chủ yếu của Đài Loan tại Việt Nam là 100% vốn nước ngoài, ngoài ra Đài Loan cũng đầu tư theo hai hình thức khác là công ty cổ phần và hợp tác kinh doanh.
Bảng 2: Đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam và ASEAN* (2020 –11/2022)
Đơn vị tính: 1.000 USD
Năm |
Việt Nam |
ASEAN |
Tỷ trọng đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam/ASEAN (%) |
||
Số dự án |
Tổng kim ngạch |
Số dự án |
Tổng kim ngạch |
||
2020 |
64 |
767.435 |
275 |
2.216.824 |
34,62 |
2021 |
42 |
1.061.463 |
199 |
5.525.738 |
19,21 |
1-11/2022 |
44 |
443.648 |
216 |
4.137.021 |
10,72 |
* ASEAN ở đây chỉ bao gồm: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Việt Nam
Nguồn: Ủy ban Thẩm định đầu tư – Bộ Kinh tế Đài Loan
Về quy mô đầu tư, dựa vào số liệu thống kê của Ủy ban thẩm định đầu tư Đài Loan, bình quân tổng mức vốn Đài Loan đầu tư tại Việt Nam là khoảng 10,08 triệu USD/dự án. Mức vốn này thấp hơn mức đầu tư bình quân một dự án nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2022 có 2 dự án lớn của Đài Loan được ghi nhận, đó là: Tập đoàn Foxconn – một trong những Tập đoàn quy mô lớn nhất thế giới trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và máy tính đã công bố kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư tại tỉnh Bắc Giang qua việc thuê lại 50,5 ha đất tại khu công nghiệp Quang Châu, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 300 triệu USD (8/2022)[5]; Công ty TNHH Want Want đã khánh thành nhà máy tại khu công nghiệp Long Giang (Tiền Giang) với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, dự kiến có thể tạo ra doanh thu 150 triệu USD/năm (9/2022)[6].
3. Một số vấn đề đặt ra trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Đài Loan
Về quan hệ thương mại, Đài Loan là một nền kinh tế có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, vì thế quan hệ thương mại song phương thiên về tính chất bổ sung hơn là cạnh tranh thương mại. Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Đài Loan cũng tương tự chủng loại hàng hóa chủ lực của Đài Loan xuất khẩu sang Việt Nam.
Dựa vào cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên, có thể nhận thấy tính chất bổ sung rất rõ. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Đài Loan ngày càng “tương đồng” với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Nói cách khác, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Đài Loan chủ yếu phát triển theo hướng thương mại liên ngành. Sự gia tăng về mức độ tương đồng xuất khẩu sẽ khiến cho Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn khi muốn giảm chêch lệch cán cân thương mại đang ngày càng nghiêng về phía Đài Loan. Bởi mặc dù cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên “tương đồng” song Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nhóm hàng chế tạo công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp, trong khi Đài Loan xuất khẩu sang Việt Nam nhóm hàng chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng cao.
Đối với nhóm hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như: cao su, thủy sản, nông sản... cũng còn có nhiều vấn đề cần phải bàn. Trước hết, đối với sản phẩm cao su, mặc dù Đài Loan là một trong những thị trường trọng điểm xuất khẩu cao su của Việt Nam, song hiện ở Việt Nam gần như chưa có doanh nghiệp nào được nhận chứng chỉ FM của Hội đồng Quản trị rừng (FSC) – tiêu chuẩn quan trọng để đáp ứng các tiêu chí pháp lý và môi trường, giúp giải quyết tình trạng thiếu minh bạch đối với nguồn hàng nhập – xuất. Thực tế, việc thiếu chứng chỉ FM này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất khẩu cao su của Việt Nam trên thị trường thế giới nói chung, cũng như thị trường Đài Loan nói riêng. Bởi, các nước nhập khẩu ngày càng có những yêu cầu sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt theo quy định và pháp luật quốc tế.
Thứ hai, đối với nhóm hàng thủy sản, tuy Đài Loan không nằm trong tốp 10 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, nhưng lại có kim ngạch nhập khẩu bình quân trên 100 triệu USD/năm, chiếm từ 1,3%-1,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước; tính đến tháng 10/2022, có 691 doanh nghiệp được Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Đài Loan (TFDA) cấp phép xuất khẩu thủy sản sang thị trường này[7]. Đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2022. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang phải chịu áp lực do nhiều khoản chi phí tăng, kéo theo chi phí đầu vào sản xuất, chi phí logictics tăng; mặt khác, thiếu hụt nguồn cung trong nước... đã khiến giá thành sản phẩm tăng cao, tác động trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản và các ngành hàng tại thị trường khu vực và quốc tế. Hiện Ấn Độ và Ecuador đang vươn lên là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu tôm; trong khi tôm sú đông lạnh, tôm tươi, tôm chân trắng tươi/đông lạnh, tôm chế biến... là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang rất được ưa chuộng ở Đài Loan. Mặc dù còn nhiều cơ hội, song thách thức lớn nhất của xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Đài Loan là đảm bảo cân bằng giữa sản lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ phía TFDA.
Thứ ba, đối với nhóm hàng nông sản (gạo, trà, hạt điều, rau quả...), Đài Loan là thị trường không dễ thâm nhập do họ áp dụng những tiêu chuẩn, quy định khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm nghiệm, kiểm dịch đối với mặt hàng nông lâm thủy sản nhập khẩu. Các quy định này cũng thường xuyên được điều chỉnh, sửa đổi gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Sản phẩm nông sản phải luôn đảm bảo chất lượng, đầy đủ các chứng từ, chứng chỉ liên quan như: giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), giấy chứng nhận kiểm dịch, xác định dư lượng hóa chất còn tồn dư trong các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp..., rau quả xuất khẩu vào Đài Loan còn bị yêu cầu kiểm dịch (B01) và kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm (F01)...[8]. Vì vậy, khi xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Đài Loan, vấn đề chất lượng sản phẩm là tiêu chí quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam chưa đáp ứng được đầy đủ các chứng chỉ, chứng nhận theo yêu cầu của TFDA; mặt khác, Đài Loan đang tăng cường quản lý đầu nguồn; quản lý, kiểm soát rủi ro tại cửa khẩu (cảng biển, cảng hàng không); giám sát thị trường nghiêm ngặt... nên mặc dù hàng nông sản Việt Nam còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, song cho đến nay tiềm năng này vẫn chưa thực sự được khai thác tối đa.
Về hoạt động đầu tư, về phía Đài Loan, mặc dù cho đến nay Đài Loan là một trong những đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam, song nhiều dự án đầu tư của Đài Loan tập trung vào những ngành công nghiệp chế tạo sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp, nhiều doanh nghiệp còn tìm cách né tránh chi phí đầu tư vốn lớn nên đã sử dụng công nghệ lạc hậu khi xử lý chất thải... nên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường. Về phía Việt Nam, hiện chúng ta đang khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao, hướng tới nền kinh tế xanh..., song trên thực tế môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn tồn tại bất cập ở các khâu như: thủ tục thành lập doanh nghiệp, thuế, xuất nhập khẩu, giải quyết nợ, tham nhũng... Công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022 liên quan đến hoạt động kinh doanh mới đạt tỷ lệ 10% tại 143 văn bản quy phạm pháp luật[9]. Ở khía cạnh khác, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn kém phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Đến nay, mới có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Trong công tác quản lý nhà nước, việc ban hành và bố trí các nguồn lực triển khai chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ chưa hiệu quả do mâu thuẫn chồng chéo của các luật ngành khác...[10]. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dòng vốn FDI đầu tư vào công nghệ cao kém sức hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài, bởi sự yếu kém của công nghiệp phụ trợ khiến tỷ lệ nội địa hóa thấp, đẩy chi phí sản xuất tăng cao do phải nhập nguyên phụ liệu ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, chi phí logistics cao, chi phí ngoài chứng từ sổ sách lớn, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài còn bất cập (ngoài chính sách chung của chính phủ, nhiều địa phương còn đưa ra nhiều biện pháp ưu đãi riêng nhằm tăng cường thu hút FDI..., điều này khiến chất lượng của các dự án đầu tư nước ngoài đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế xanh nhiều khi chưa được “sàng lọc” một cách cẩn trọng), tình trạng quản lý các dự án FDI sau khi thành lập chưa được đặc biệt chú trọng, bởi đây sẽ là “kẽ hở” để các doanh nghiệp FDI lợi dụng nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất, trốn thuế, khai thác tài nguyên... gây khó khăn cho công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam.
4. Triển vọng quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Đài Loan năm 2023
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) (11/10/2022), Việt Nam là nền kinh tế duy nhất sẽ có tăng trưởng dương trong cả năm 2022 (GDP tăng hơn 7%), lạm phát tương đối thấp cũng là một ngoại lệ trong quy luật chung của cả khu vực. Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái cục bộ và so với mức nền cao của năm 2022, dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng chậm lại, khoảng 6 – 6,5%[11].
Một trong những động lực dẫn dắt đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam thời gian qua là xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Để có thể giữ vững đà tăng trưởng cao như trước, hai trụ cột vốn đầu tư nước ngoài, thế mạnh xuất khẩu sẽ tiếp tục được chính phủ lưu tâm. Đài Loan hiện là đối tác thương mại thứ 8, nhà đầu tư lớn thứ 4 của Việt Nam, vì vậy trong năm 2023 và thời gian tới quan hệ thương mại, đầu tư Việt – Đài năm 2023 còn nhiều tiềm năng phát triển nhanh hơn nữa.
Về quan hệ thương mại, Đài Loan là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, đồng thời còn đóng vai trò trung gian cho nhiều chủng loại hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ, Đông Nam Á... Mặt khác, với điều kiện địa lý gần gũi, văn hóa ẩm thực tương đồng..., thị trường Đài Loan còn nhiều dư địa nhập khẩu đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam do nhu cầu nhập khẩu về thực phẩm, hàng hóa phục vụ tiêu thụ tại thị trường bản địa ngày càng tăng nhanh. Đây chính là yếu tố thuận lợi để Việt Nam có thể đẩy nhanh lượng, chất và giá trị xuất khẩu các chủng loại hàng hóa này vào Đài Loan trong thời gian tới.
Về quan hệ đầu tư, trong thời gian qua, Việt Nam được biết tới là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều dòng vốn FDI từ bên ngoài. Lợi thế ổn định về mặt chính trị, công khai và minh bạch trong chính sách đầu tư, môi trường kinh doanh mở, các chỉ số tích cực về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chí phí lao động rẻ, cơ sở hạ tầng được cải thiện, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài... chính là những nhân tố tạo nên “sức hút” FDI của Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Đài Loan.
Những năm gần đây, Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Đài Loan đầu tư vào các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp chất lượng cao, chuyển đổi số... Đây là các lĩnh vực mà doanh nghiệp Đài Loan có thế mạnh, đồng thời cũng là các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu phát triển và thúc đẩy đầu tư. Đặc biệt, Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh với mục tiêu lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, đến năm 2050 đạt mức phát thải ròng bằng 0[12]. Vì vậy, vấn đề chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh là một xu thế tất yếu. Theo Bộ Công thương, hiện nay nguồn điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam mới chiếm khoảng 15,4% công suất lắp đặt trên toàn quốc[13], dư địa vẫn còn rất lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài, cũng như doanh nghiệp Đài Loan.
Với nhiều kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp năng lượng xanh (từ năm 2017, lĩnh vực công nghiệp xanh của Đài Loan có kim ngạch xuất khẩu 9.829 tỷ USD, chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu), các doanh nghiệp Đài Loan có nhiều dư địa để cùng Việt Nam phát triển ngành công nghiệp tiềm năng này. Thông qua các buổi triển lãm quốc tế như: Triển lãm công nghiệp xanh Đài Loan, Triển lãm nhiệt điện quốc tế Đài Loan..., các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội cập nhật xu hướng phát triển của năng lượng xanh tại Đài Loan và thế giới. Qua đó, mở ra các cơ hội hợp tác song phương về năng lượng tái tạo trong thời gian tới[14].
Lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số của Việt Nam cũng đang là mảnh đất hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Môi trường kinh doanh thuận lợi với tình hình chính trị - xã hội ổn định, nhiều hiệp định thương mại tự do, các chính sách khuyến khích đầu tư của chính phủ, thị trường tiêu dùng nội địa lớn với tỷ lệ dân số trẻ đông dễ tiếp cận công nghệ... chính là những yếu tố tiềm năng thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ và chuyển đổi số tại Việt Nam. Việt Nam, Singapore, Indonesia đang là 3 quốc gia thu hút nhiều cơ hội kinh doanh chuyển đổi số nhất trong khu vực. Năm 2021, đầu tư mạo hiểm vào chuyển đổi số ở Việt Nam đã vượt 1,4 tỷ USD[15]. Hiện các tập đoàn công nghệ điện tử lớn của Đài Loan như Foxconn, Weistron, Foxlink, Pegatron, Compal, Qisda... đều đã rót vốn vào thị trường Việt Nam và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại đây. Ngoài ra, Đài Loan đã mở 10 chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam, tập trung vào ứng dụng thanh toán điện tử làm cơ sở đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong tương lai[16]. Điều này, phù hợp với tiến trình chuyển đổi số và mục tiêu thu hút FDI vào nền kinh tế xanh mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới nhằm rút ngắn giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ở khía cạnh khác, Đài Loan tiếp tục đẩy mạnh chính sách hướng Nam mới, trong đó tăng cường hợp tác sâu rộng với các nước ASEAN rất được chú trọng nhằm từng bước giảm dần sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Nhiều khả năng quan hệ chính trị giữa hai bờ eo biển Đài Loan trong thời gian tới tiếp tục trạng thái căng thẳng, đối đầu, thậm chí không loại trừ khả năng xung đột quân sự... Chính vì vậy, chuyển hướng đầu tư nhiều hơn nữa sang các nước ASEAN, Nam Á sẽ là một trong những lựa chọn mà chính quyền Đài Loan cân nhắc.
5. Kết luận
Đài Loan tiếp tục là đối tác thương mại, nhà đầu tư quan trọng của Việt Nam năm 2022. Mặc dù, trong quan hệ thương mại song phương, cán cân chênh lệch thương mại luôn nghiêng về phía Đài Loan, song tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đài Loan đã dần được cải thiện so với trước. Bên cạnh đó, việc giảm dần xuất khẩu các mặt hàng khoáng sản thô, nguyên vật liệu, nhiên liệu... có giá trị gia tăng thấp đang từng bước được khắc phục. Sang năm 2023, dư địa trao đổi thương mại giữa hai bên còn nhiều cơ hội để phát triển, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu truyền thống. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chú trọng nhiều hơn đến chất lượng, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của TFDA..., từ đó giúp nâng cao giá trị hàng hóa.
Đối với hoạt động đầu tư của Đài Loan tại Việt Nam, trong vài năm trở lại đây Việt Nam luôn là một trong những địa bàn đầu tư ra nước ngoài hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Đài Loan. Điều này lý giải phần nào việc Việt Nam và Singapore là địa bàn thu hút nhiều vốn đầu tư của Đài Loan trong khu vực. Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tái khẳng định cam kết có trách nhiệm thực hiện mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050 tại COP27... Vì thế, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Đài Loan tham gia vào thị phần công nghệ,
[1] TS., Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, https://www.customs.gov.vn/.
[3] Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, https://fia.mpi.gov.vn/List/MenuID/07edbbe1-67a3-484b-a4e2-b5faef1b9de5/CatID/457641e2-2605-4632-bbd8-39ee65454a06.
[4] Cục Đầu tư nước ngoài, “Tình hình đầu tư của Đài Loan tại Việt Nam”, https://fia.mpi.gov.vn/Detail/CatID/ 95f75c5b-b0bf-40a3-b486-2cc4e2d5cc01/NewsID/ 4c67f37d-f05c-49a6-956c-af8c6e9f159e/MenuID/50557 cad-3121-46e2-8449-37bfb0a04483.
[5] Hằng Phan, “Foxconn dự kiến đầu tư 300 triệu USD tại Khu công nghiệp Quang Châu”, https://baodautu.vn/ foxconn-du-kien-dau-tu-300-trieu-usd-tai-khu-cong-nghiep-quang-chau-d171697.html.
[6] Khánh Huyền, “Nhà máy trị giá 50 triệu USD của vua bánh gạo Đài Loan tại Tiền Giang chính thức được khánh thành”, https://vneconomy.vn/nha-may-tri-gia-50-trieu-usd-cua-vua-banh-gao-dai-loan-tai-tien-giang-chinh-thuc-duoc-khanh-thanh.htm.
[7] Trà Diễm, (2022), “Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Đài Loan”, https://nongnghiephuucovn.vn/cac-doanh-nghiep-thuy-san-viet-nam-duoc-phep-xuat-khau-sang-thi-truong-dai-loan.
[8] “Bản tin xuất nhập khẩu – thị trường Đài Loan”, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/ban-tin-xuat-nhap-khau-thi-truong-dai-loan.html.
[9] Lưu Trân, “Chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực”, https://infonet.vietnamnet.vn/chat-luong-moi-truong-kinh-doanh-co-chuyen-bien-tich-cuc-5009931.html.
[10] Vũ Khuê, “Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn lép vế trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, https://vneconomy. vn/doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-van-lep-ve-trong-chuoi-cung-ung-toan-cau.htm.
[11] “Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022 và dự báo cả năm 2022 – 2023: Phục hồi mạnh mẽ song nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước”, https://cafef.vn/kinh-te-viet-nam-9-thang-dau-nam-2022-va-du-bao-ca-nam-2022-2023-phuc-hoi-manh-me-song-nhieu-kho-khan-thach-thuc-o-phia-truoc-20221019194645602.chn.
[12] Vũ Phương Nhi, “Phấn đấu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, https://baochinhphu.vn/phan-dau-phat-thai-rong-bang-0-vao-nam-2050-102220726170053108.htm
[13] VTV, “Chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh là xu thế tất yếu”, https://vtv.vn/kinh-te/chuyen-dich-nang-luong-theo-huong-xanh-la-xu-the-tat-yeu-20220916054814052.htm.
[14] Mai Ca, “Tiềm năng hợp tác giữa Đài Loan và Việt Nam”, https://congthuong.vn/tiem-nang-hop-tac-giua-viet-nam-va-dai-loan-169952.html.
[15] VTV, “Lĩnh vực chuyển đổi số thu hút vốn FDI”, https://vtv.vn/kinh-te/linh-vuc-chuyen-doi-so-hut-von-fdi-20220815104924533.htm.
[16] VOV, “Vietnam becomes fourth most important market for Taiwanese investors”, https://en.vcci.com.vn/vietnam-becomes-fourth-most-important-market-for-taiwanese-investors.