Trang chủ

Chuyển biến trong kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868)

Đăng ngày: 26-08-2024, 13:39 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 12

Trần Thị Tâm1

 

 

Tóm tắt: Trong không gian tiền cận đại, khi đa số quốc gia phương Đông còn chưa “định vị” rõ ràng chính sách kinh tế trước sự xâm nhập của các nước phương Tây thì Mạc phủ Tokugawa đã chủ trương xây dựng một nền kinh tế hướng nội nhằm đảm bảo an ninh, chủ quyền, thống nhất đất nước. Điều này đã tạo điều kiện hòa bình, ổn định, kết hợp với chính sách đối ngoại khôn khéo đã giúp Nhật Bản trung lập hóa các mối quan hệ quốc tế và từng bước tự chủ nền kinh tế của mình. Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp đã đạt được thành tựu hết sức to lớn khi đặt trong tương quan với nhiều nước châu Á khác lúc bấy giờ. Nông nghiệp và thủ công nghiệp chuyển đổi dần từ tự cung tự cấp sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa, cung cấp sản phẩm, kích thích cho thị trường thương nghiệp phát triển. Bài viết phân tích sự chuyển biến của nền kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp ở Nhật Bản trong thời kỳ Tokugawa (1600-1868).

Từ khóa: Chuyển biến, kinh tế, nông nghiệp, thủ công nghiệp, Nhật Bản, Mạc phủ Tokugawa

 

 

C

ó thể thấy, trong nền kinh tế Nhật Bản thời Tokugawa, nông nghiệp vẫn được xem là rường cột của nền kinh tế song thủ công nghiệp[1](và cả thương nghiệp) cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ, từng bước làm biến đổi nông nghiệp nông thôn và sự thay đổi nhanh chóng của các thành thị. Điều này bộc lộ rõ tư duy kinh tế của chính thể, một mặt vẫn coi trọng và tạo điều kiện cho kinh tế nông nghiệp phát triển nhưng mặt khác rất chú trọng kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp. Nhờ vậy, nền kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp Nhật Bản trong thời kỳ Tokugawa đã có những bước tiến vượt bậc so với các thời kỳ trước và so với các quốc gia châu Á đương thời. Đây sẽ là những tiền đề căn bản cho công cuộc Minh Trị duy tân sau này.

1. Chuyển biến trong kinh tế nông nghiệp

Ở Nhật Bản thời kỳ Tokugawa, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực được ưu tiên phát triển hơn so với các ngành kinh tế khác bởi nông nghiệp luôn được xem là bộ phận sản xuất cơ bản của xã hội phong kiến. Đại đa số thành phần trong xã hội là nông dân. Lúc bấy giờ, Nhật Bản vẫn là một xã hội thuần nông nghiệp với khoảng 80% dân số là nông dân mặc dù tỷ lệ này sau đó giảm dần. Do đó, cả Mạc phủ lẫn các lãnh chúa đều đặt trọng tâm đường lối chính trị của họ vào việc chấn hưng nông nghiệp và cai trị nông dân. Mạc phủ luôn ưu tiên phát triển nông nghiệp bằng cách đưa ra những biện pháp cụ thể như khai khẩn ruộng đất mới, thực hiện chính sách ổn định nông nghiệp, nông thôn, cải tiến nông cụ và phân bón, đa dạng hóa giống cây trồng... Việc mở rộng diện tích đất canh tác là thành công rất lớn đối với một quốc gia có địa hình đặc biệt như Nhật Bản. Trong thế kỷ XVII, nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đất trồng trọt được mở rộng từ 1.600.000 chobu[2] lên 2.900.000 chobu, sản lượng lương thực của Nhật Bản đã tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 1600 tổng sản lượng lương thực mới đạt 19,7 triệu koku[3] thì đến cuối thời Tokugawa đã vượt lên 48,6 triệu koku[4]. Diện tích đất canh tác đã góp phần không nhỏ vào việc gia tăng sản lượng lương thực cho người dân và tăng thêm nguồn thu cho lãnh chúa và Mạc phủ.

Những cải tiến trong canh tác và việc đảm bảo nguồn nước tưới tiêu đã góp phần làm gia tăng sản lượng lương thực. Các trang trại được tổ chức tốt công việc sản xuất, việc thâm canh được Mạc phủ và các lãnh chúa khuyến khích. Kỹ thuật mới được áp dụng trong việc khai hoang, các công trình thủy lợi, dẫn thủy nhập điền, lấy nước từ thượng nguồn sông Tamagawa (1655) và từ hồ Hakone (1670) đến tưới nước cho các vùng đất mới khai hoang ở đồng bằng lớn miền Kanto. Năm 1631, ở Shinshu nước được đưa về qua các con mương được đào qua các vùng sỏi đá, có những con mương dài đến 800 dặm[5]. Nhờ có hệ thống thủy lợi phát triển đó, cánh đồng lúa ở han (lãnh địa – một đặc trưng trong chế độ phong kiến ở Nhật Bản) Musashi tăng từ 667.000 koku lên tới 1.167.000 koku trong thế kỷ XVII[6]. Các loại nông cụ phục vụ cho canh tác nông nghiệp, chủ yếu, vẫn bằng tay như cày, cuốc, bàn tuốt lúa... Hiện tượng sử dụng rộng rãi các loại máy móc trong sản xuất nông nghiệp cũng xuất hiện vào cuối thời kỳ Tokugawa, khi các tiến bộ kỹ thuật của phương Tây được du nhập vào thông qua người Hà Lan. Việc mở rộng diện tích đất trồng trọt, cải tiến nông cụ, phân bón và sử dụng nhiều loại giống cây trồng đã đưa lại sản lượng lương thực ngày càng nhiều, dẫn đến hiện tượng dư thừa lương thực (chủ yếu là thóc) trong một số nông dân. Từ đây, làm xuất hiện nhu cầu mới là sản xuất nông nghiệp bước đầu chú ý đến nhu cầu của thị trường, không chỉ để trao đổi các sản phẩm dư thừa mà còn hướng đến việc cung cấp các sản vật có giá trị cao vì mục đích tiêu dùng.

Không chỉ nâng cao được sản lượng lúa, nông dân còn kiếm thêm lời bằng cách bán những sản phẩm khác. Họ trồng bông, thuốc lá, hạt có dầu, cây có sáp, chàm và dâu tằm để bán. Khác với việc trồng lúa, chủ yếu để nộp thuế và sử dụng làm lương thực; việc trồng các loại cây công nghiệp này chủ yếu để bán lấy tiền. Ban đầu, chính quyền giữ quan niệm cũ vẫn chỉ muốn nông dân sản xuất lương thực nên hạn chế việc trồng các loại cây này nhưng khi thấy được hiệu quả của nó nhiều lãnh chúa đã đầu tư theo hướng mới và bước đầu cạnh tranh với nhau. Với sự ra đời của các thành phố, việc cung ứng những thực phẩm quý cho đẳng cấp trên như cam Kishu, nho Koshu, rượu ngọt, dưa hấu… đã được quan tâm. Từ đó hình thành nên các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả -  một tiến bộ mới của chính quyền và nhân dân Nhật Bản thời bấy giờ. Việc hình thành các vùng chuyên canh là hiện tượng khá phổ biến của nông nghiệp Nhật Bản thời Tokugawa. Các vùng này không những sản xuất chính các cây trồng truyền thống như lúa, kê, đậu nành, lúa mì, lúa mạch tăng mà còn trồng rộng rãi nhiều giống cây công nghiệp khác như bông, gai, khoai tây, chè, thuốc lá, nhân sâm, mía, những cây cho hoa có màu để làm thuốc nhuộm và những cây cho dầu thực vật. Trong đó, nghề trồng dâu nuôi tằm và trồng bông là phát triển mạnh nhất. Từ đây, các vùng chuyên môn hóa ra đời dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng điều kiện khí hậu, đất đai, vận chuyển nhằm đáp ứng nhu cầu của giới quý tộc và thị dân. Dưới góc độ nào đó, nó đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc hiện đại hóa nông nghiệp Nhật Bản các giai đoạn về sau, đưa nước này trở thành một trong ít quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến nhất khu vực châu Á.

Thế kỷ XVII, cả nước sống trong điều kiện hòa bình, nông thôn Nhật Bản đã có những biến đổi sâu sắc. Không những sản lượng lương thực tăng lên mà nhiều sản phẩm nông nghiệp khác cũng tăng lên. Nông nghiệp phát triển kéo theo sự phát triển của việc buôn bán trên cả nước, đặc biệt là các han gần Edo. Nhiều sản phẩm trước đây vốn là các sản vật địa phương chỉ được sản xuất với số lượng ít như sơn, giấy, bông, thuốc lá… thì nay đã trở thành hàng hóa với khối lượng lớn để đáp ứng cho thị trường[7]. Trồng bông sinh lợi hơn trồng lúa, đất trồng bông còn có thể trồng xen với ngũ cốc, thuốc lá và chè. Trong giai đoạn đầu Tokugawa, nông dân không phải lo đối phó với các quan chức thu thuế, chỉ lo làm ăn, sinh lời. Nông nghiệp đã trở thành một ngành sản xuất cung cấp hàng hóa cho hoạt động buôn bán chứ không chỉ có tính chất thuần túy tự cung tự cấp như trước kia.

Các chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn thời kỳ Edo là sự kế thừa, tiếp nối tư tưởng từ các giai đoạn trước. Vẫn lấy nông nghiệp làm căn bản cho sự phát triển của đất nước. Song những biến đổi của thời đại đã làm xuất hiện rất nhiều nhân tố mới, khác biệt so với các thời kỳ trước và so với nhiều quốc gia trong khu vực. Nếu như trước đây, ở nông thôn, mô hình chủ yếu là những gia đình địa chủ lớn do một gia đình mở rộng (nghĩa là gia đình địa chủ cộng với họ hàng, gia nhân và đầy tớ) thì thời Tokugawa chủ yếu là những gia đình hạt nhân nhỏ (nghĩa là ông bà (nếu có), cha mẹ, con cái, cháu chắt) quản lý các điền trang khoảng 1 hécta trở lên. Những điền chủ nhỏ kiểu này trước đây chỉ phổ biến ở Kinai (nằm giữa Nara và Heian) thì bây giờ đã trở nên phổ biến trên cả nước. Trước những thay đổi do thương mại hóa thì tình hình này có lợi thế hơn trước do ruộng đất được cày cấy bởi người nông dân và những người thân cận nhất, không hoặc ít phải dùng đến những người họ hàng ở xa hoặc thuê mướn nhân công. Tuy nhiên, điều đáng nói là, bên cạnh cách thức tổ chức theo quy mô nhỏ, kiểu hộ gia đình trong giai đoạn đầu, kinh tế nông nghiệp Nhật Bản thời kỳ Tokugawa đã bắt đầu hình thành nên hệ thống các trang trại, nông trang rộng lớn giống như ở một số quốc gia phương Tây trước cách mạng tư sản (Anh, Mỹ, Đức...). Với những thay đổi này, sản xuất nông nghiệp đã tăng lên gấp bội. Có thể nói, yếu tố kinh tế tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp Nhật Bản trước cải cách Minh Trị xuất hiện muộn và mờ nhạt hơn so với các quốc gia Tây Âu nhưng rõ ràng mạnh mẽ hơn so với các nước phương Đông khác.

Nền nông nghiệp thời Tokugawa đã tạo nên một khối lượng hàng hóa tuy không đến mức khổng lồ như các nền sản xuất hiện đại tạo ra nhưng cũng đủ lớn, có chất lượng cao và đa dạng về chủng loại không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước khác. Đảm bảo sản lượng lương thực, thực phẩm đủ dùng cho số dân trên dưới 30 triệu người trong khi đất canh tác chiếm chưa đến 20% diện tích là một nỗ lực phi thường, song những người nông dân Nhật Bản thời Tokugawa đã làm được. Bằng các biện pháp như khai hoang, làm thủy lợi, cải tiến công cụ sản xuất, ứng dụng những tiến bộ mới vào nền nông nghiệp đã làm cho diện tích canh tác tăng lên và từ đó năng suất cũng tăng theo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân[8]. “Trong vòng 270 năm tính từ năm 1600 đến năm 1870, sản lượng lương thực Nhật Bản đã tăng 137%. Trong suốt thời kỳ Edo, sự tăng trưởng này nhìn chung cao hơn giai đoạn đầu cải cách Minh Trị”[9]. Những thành tựu trong nông nghiệp đã gián tiếp làm dân số Nhật Bản tăng từ 18 triệu người năm 1590 lên tới 25 triệu người vào năm 1704 và đến cuối thế kỷ XVIII đã đạt gần 30 triệu người, trong đó khoảng 80% dân số là nông dân[10]. Tính riêng, từ năm 1700-1721, dân số Nhật Bản đã tăng từ 25 triệu lên 26 triệu người. Con số này cho thấy việc đảm bảo lương thực thời kỳ này được đáp ứng, hạn chế số người chết đói so với các thời kỳ trước. Có được kết quả này phần lớn nhờ đầu ra của sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng vào giai đoạn cuối Tokugawa, mặc dù diện tích đất canh tác cũng như nhân khẩu chỉ duy trì ở mức bình ổn. Trong khi đó, phần còn lại của phương Đông vẫn coi kết cấu “sĩ, nông, công, thương” là chuẩn mực với tinh thần “trọng nông, ức thương”.

2. Chuyển biến trong kinh tế thủ công nghiệp và công nghiệp

Do chính sách khuyến khích sản xuất của nhiều lãnh chúa, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, đặc biệt là sức mua của giới thị dân ngày càng tăng mà các ngành thủ công nghiệp Nhật Bản thời Tokugawa có nhiều bước phát triển vượt bậc. Việc áp dụng những kỹ thuật sản xuất mới cũng như khả năng mở rộng quy mô sản xuất đã góp phần tạo nên những biến đổi trong các ngành thủ công. Trên cả nước đã hình thành nhiều trung tâm thủ công nghiệp có quy mô tương đối lớn. Có những công trường thủ công thu hút tới hàng trăm lao động.

Về cách thức tổ chức sản xuất, có thể chia làm hai loại hình chính: (i) loại hình phân tán gồm những cơ sở thủ công truyền thống, quy mô nhỏ và thường không có kế hoạch sản xuất cụ thể; (ii) loại hình tập trung gồm những cơ sở sản xuất mới, có quy mô lớn, thiết bị tương đối hiện đại, sản xuất theo kế hoạch và nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Tuy vậy, ngay cả loại hình sản xuất thứ hai, ngoại trừ một số ngành như luyện kim, khai mỏ… thì phần lớn các công xưởng thủ công vẫn được tổ chức dưới hình thức lao động phân tán. Trong đó, hộ gia đình là những mắt xích trong dây chuyền sản xuất giữ vị trí trọng yếu nhất. Kèm theo hai loại hình này là hoạt động song song giữa các hình thức sản xuất, quản lý của tư nhân, hộ gia đình, cá thể với hình thức quản lý trực tiếp của Mạc phủ, đặc biệt trong việc khai thác và kiểm soát các kim loại quý như vàng, bạc… trong ngành khai mỏ hay đóng tàu. Nhờ sự đa dạng và giá trị của các ngành này, Mạc phủ và lãnh chúa thời Edo cũng thăm dò và khai thác thêm một số các mỏ khoáng sản mới như chì, thiếc, than… Như  vậy, thủ công nghiệp thời Tokugawa bên cạnh mô hình sản xuất kiểu gia đình, nhỏ lẻ trước kia đã bước đầu chuyển đổi sang các công trường thủ công quy mô và chuyên sâu hơn.

Có thể nói, thủ công nghiệp Nhật Bản thời kỳ Tokugawa đã xác lập mạnh mẽ sự tồn tại của các công trường thủ công - nơi sự phân công lao động và chuyên môn hóa đã diễn ra khá phổ biến. Cũng giống như các quốc gia Tây Âu cuối thời kỳ trung đại, hai loại hình chủ yếu của công trường thủ công là dạng tập trung và dạng phân tán đều có mặt ở Nhật Bản. Công trường thủ công ra đời và dần thay thế cho hệ thống phường hội (za) ở Nhật Bản. Nếu không có quá trình chuẩn bị này thì vào các thời kỳ sau Nhật Bản sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi lên sản xuất cơ khí. Thủ công nghiệp nói riêng và kinh tế thời Tokugawa nói chung đã chuẩn bị cơ sở vững chắc cho hiện đại hóa kinh tế tư bản chủ nghĩa ở các giai đoạn sau.

Thông thường, những người cùng sản xuất một loại hình sản phẩm sống trong một khu vực nhất định thường có khuynh hướng tự liên kết lại thành các phường hội. Người đứng đầu phường hội chịu trách nhiệm điều hành công việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng như bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Cương vị trùm phường là do thành viên của phường hội lựa chọn. Từ những người sản xuất lành nghề, có uy tín nhất, từng bước nhiều trùm phường đã trở thành các chủ xưởng bao mua sản phẩm và tập trung vào công việc kinh doanh chứ không trực tiếp tham gia sản xuất nữa. Do vậy, các thợ thủ công khác, do không có khả năng tiêu thụ hàng hóa hay không đủ vốn để nhập nguyên liệu đã dần trở thành người làm công và chịu sự kiểm soát của chủ xưởng. Bên cạnh đó, do có khả năng kinh tế, nhiều thương nhân lớn đã liên kết các phường hội thủ công để đặt hàng, cho ứng tiền bán sản phẩm trước hoặc cung cấp nguyên liệu cho các hộ sản xuất. Như vậy, những quan hệ sản xuất mới trong các công trường thủ công và giữa công trường thủ công sản xuất với các chủ đầu tư cũng như giữa chủ đầu tư với người lao động về cơ bản đã được xác lập. Về phần mình, người đầu tư có thể bao mua một phần hay toàn bộ sản phẩm, đặt ra các quy cách, tiêu chuẩn chất lượng và quyết định giá cả trên thị trường. Những thay đổi đó đã tạo nên diện mạo phát triển mới trong nhiều ngành thủ công ở Nhật Bản thời kỳ này. Đến thế kỷ XIX, để nâng cao chất lượng và quy trình sản xuất, loại hình công trường thủ công tập trung xuất hiện ngày một nhiều, bên cạnh các công trường thủ công phân tán. Trong đó những nhóm người cùng làm một khâu sản phẩm được tập hợp lại trong một phân xưởng và sự liên kết sản xuất giữa các phân xưởng đã tạo nên sản phẩm cuối cùng. Sự phân công lao động đã diễn ra. Nhiều công trường dệt ở các han như Mino, Masuchi, Shinano, Echizen… gồm  30 - 50 người đã có tổ chức sản xuất như vậy[11].

Các khu vực sản xuất thủ công luôn liên hệ chặt chẽ với những trung tâm kinh tế lớn. Trong một số lĩnh vực, do nhu cầu tiêu dùng cao của một bộ phận xã hội, mà thủ công nghiệp Nhật Bản đã thoát ra khỏi khuôn khổ của những nghề phụ ở nông thôn để trở thành nghề thủ công thành thị, khéo léo và nghệ thuật. Ở Osaka, những người cùng sản xuất một chủng loại hàng hóa thường sống tập trung trong một số khu vực nhất định như các khu chạm khắc, sơn mài, dệt lụa, dệt chiếu, xẻ đá, rèn, đúc đồng… Vào đầu thế kỷ XVIII, chỉ riêng Osaka đã có khoảng 4 vạn thợ thủ công sinh sống. Nếu kể cả những người làm trong gia đình thì tỉ lệ những người làm thủ công chiếm tới 40% dân số thành phố. Thời gian đó, Osaka thực sự là một công xưởng lớn. Theo tính toán, khoảng 60% hàng hóa đưa vào Osaka là nguyên liệu thô hay bán thành phẩm, trong khi đó, thành phố này chỉ sản xuất ra 12% loại hàng hóa nói trên, 88% còn lại là thành phẩm. Osaka đồng thời còn là thành phố cung cấp hàng hóa lớn nhất cho cả nước. Từ đây, lương thực, sợi bông, quần áo, than, củi, dầu, cá, muối, rượu sake, tương, mắm và các sản phẩm thủ công nghiệp khác đã được đưa về Edo và nhiều vùng xa xôi trên cả nước.

Cuối thời Tokugawa, các ngành thủ công nghiệp thu hút 20% lực lượng lao động trong toàn quốc. Trong một số ngành thủ công nghiệp cũng có sự phân công cụ thể giữa các lĩnh vực hay công đoạn sản xuất khác nhau, bước đầu có sự chuyên môn hóa. Việc chuyên môn hóa và đầu tư kỹ thuật nên một số mặt hàng thủ công đã đạt đến độ tinh xảo nổi tiếng thế giới như lụa, đồ sứ, sơn mài… Nếu như vào thế kỷ XVII, Nhật Bản vẫn phải nhập khẩu tơ lụa từ Trung Quốc thì chỉ mấy thập kỷ sau đó, do tác động của chính sách tỏa quốc, trước nhu cầu cao của thị trường trong nước, ngành sản xuất tơ lụa của Nhật Bản đã đạt sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nhìn chung, từ giữa thế kỷ XVII Nhật Bản đã có thể phần nào chủ động về nhu cầu vải mặc. Các sản phẩm tự sản xuất trong nước bao gồm lụa, vải bông đã bảo đảm được yêu cầu về chất lượng với nhiều loại hình sản phẩm phong phú về màu sắc, hoa văn trang trí cũng như kỹ thuật dệt[12].

So với thời kỳ trước năm 1600, các ngành thủ công nghiệp ở Nhật Bản thời Tokugawa đã tách hẳn và trở thành một ngành kinh tế độc lập so với nông nghiệp. Vốn dĩ, từ xa xưa, phần lớn các ngành thủ công nghiệp đều được người nông dân tận dụng thời gian rãnh rỗi lúc nông nhàn để phục vụ các nhu cầu chính yếu trong công cụ sinh hoạt hàng ngày. Do đó, khi trở thành một ngành kinh tế độc lập nó vẫn giữ mối liên hệ mật thiết với kinh tế nông nghiệp. Nông nghiệp chính là nơi cung cấp các nguyên vật liệu cho một số ngành như dệt, làm tương hay phẩm nhuộm… Bên cạnh đó, mối liên kết giữa thủ công nghiệp với thương nghiệp vốn được tạo dựng từ thời Mạc phủ Muromachi đến thời kỳ này càng trở nên chặt chẽ. Thương nghiệp đáp ứng đầu ra của sản phẩm thủ công nghiệp, mang sản phẩm đến với thị trường bằng những cơ chế mới mang tính chất hàng hóa. Cũng như nông nghiệp, sản phẩm làm ra thời kỳ này không chỉ vì mục đích tiêu dùng của các hộ gia đình hay lớn hơn là trao đổi giữa các hộ gia đình trong các làng mà nó đã thực sự có tính chất thị trường vì nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn như, mặt hàng gốm sứ, lụa và các sản phẩm từ ngành khai khoáng và luyện kim rõ ràng là các đối tượng không chỉ để phục phụ cho mục tiêu “tự cung tự cấp” như trước kia mà trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị.

Sự gắn bó giữa thủ công nghiệp và thương nghiệp đã làm cho việc tiêu thụ các sản phẩm thủ công nghiệp thời Tokugawa không chỉ bó hẹp ở phạm vi trong nước mà đã vươn xa ra thị trường các quốc gia trong khu vực và thế giới. Gốm sứ, tơ lụa, vàng, bạc đã trở thành mục tiêu săn đón của các thương thuyền phương Tây khi đến Nhật Bản hoặc thông qua kênh trung gian từ một số quốc gia trong khu vực để thu mua các mặt hàng này. Được tiếp nối từ nửa cuối thế kỷ XVI, hàng thủ công nghiệp của Nhật Bản đã thực sự tham gia vào mạng lưới giao thương khu vực và quốc tế suốt từ thế kỷ XVII cho đến nửa đầu thế kỷ XIX. Mặc dù có nhiều gián đoạn do chính sách tỏa quốc nhưng nhìn xuyên suốt thời kỳ Tokugawa, sự phát triển của các ngành thủ công nghiệp đã góp phần tạo nên thương hiệu và diện mạo cho kinh tế Nhật Bản.

Sự ra đời và phát triển của các ngành thủ công nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú. Sự đa dạng thể hiện trong từng ngành, ví dụ như gốm sứ đã có nhiều phong cách độc đáo như Imari, Nabeshima, Kutani đã được định hình, phát triển và tạo được dấu ấn về chất lượng, kỹ thuật tinh xảo đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Điều đáng chú ý là, nhiều cơ sở sản xuất, công trường thủ công đã mở rộng phạm vi hoạt động sang các lĩnh vực khác như thương mại, tín dụng… tiêu biểu như các gia tộc Mitsui, Yamanaga… đều xuất phát từ các thợ thủ công hành nghề nấu rượu sake nhưng về sau đều làm các công việc liên quan đến kinh doanh tiền tệ và ngân hàng.

Thủ công nghiệp là ngành kinh tế thể hiện rõ tinh thần tiếp thu kỹ thuật từ bên ngoài, cụ thể là Trung Quốc, Triều Tiên và các nước phương Tây. Ảnh hưởng các kỹ thuật và phong cách chế tác từ Triều Tiên và Trung Quốc góp phần làm thay đổi quy mô, tính chất và chất lượng sản phẩm của ngành gốm sứ và dệt. Các thành tựu kỹ thuật từ Hà Lan đã giúp Mạc phủ xây dựng thành công các lò luyện thép hiện đại ở vùng Saga (Hizen, Kyushu) và đóng được những con tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên.

Cùng với sự phát triển của các công trường thủ công, sự phân định giữa thủ công nghiệp và công nghiệp từng bước được xác lập ở một số ngành nghề. Biểu hiện này xuất hiện muộn vào giai đoạn cuối Mạc phủ Tokugawa, đặc biệt là sau khi mở cửa rộng rãi trở lại với các nước phương Tây từ năm 1854 trở đi, rõ nhất trong ngành đóng tàu. Tàu thủy chạy bằng hơi nước lần đầu tiên đã được chế tạo tại Nhật Bản. Không chỉ chế tạo thành công, người Nhật đã trực tiếp điều khiển những chiến hạm mới sản xuất. Như vậy, thành tựu của cách mạng công nghiệp từ châu Âu và châu Mỹ đã được áp dụng tại Nhật Bản.

3. Thay lời kết luận

Nhà kinh tế học Kenchi Ohno đã nhận định rằng Tokugawa là thời kỳ chuẩn bị những điều kiện tiên quyết để thực hiện quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong Minh Trị duy tân khi ông đưa ra hệ thống các điều kiện như: sự thống nhất và ổn định chính trị; sự phát triển nông nghiệp cả về diện tích và năng suất; sự phát triển của giao thông vận tải và sự xuất hiện của thị trường quốc gia thống nhất; sự gia tăng thương mại, tài chính và đẳng cấp thương gia giàu có; sự gia tăng của sản xuất hiện đại (chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…); việc khuyến khích phát triển các ngành thủ công nghiệp và công nghiệp và là một thời kỳ trình độ học vấn và dân trí được nâng cao hơn bao giờ hết[13]. Dựa trên sự khảo cứu các tư liệu, ở phương diện kinh tế, có thể khẳng định thời Tokugawa đã tạo ra bốn tiền đề căn bản cho Minh Trị duy tân bao gồm: (1) đã có một nền nông nghiệp phát triển cả về diện tích và sản lượng; (2) đã hình thành được một thị trường quốc gia thống nhất; (3) có sự phát triển mạnh mẽ của thương mại, tài chính và đẳng cấp thương nhân giàu có; (4) sự gia tăng của nền sản xuất tiền hiện đại trong các ngành chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ… nhờ sự khuyến khích phát triển các ngành thủ công nghiệp và công nghiệp của chính quyền các han và Mạc phủ. Như vậy có thể thấy, những bước tiến trong sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp thời Tokugawa đã đảm bảo điều kiện thứ nhất và điều kiện thứ tư cho quá trình hiện đại hóa ở Minh Trị duy tân sau này.

Những chuyển biến trong nông nghiệp đã đảm bảo cho điều kiện thứ nhất khi đã đưa nền nông nghiệp đã dần thoát khỏi tình trạng tự cung tự cấp của kinh tế lãnh địa để vươn lên hình thành những vùng chuyên canh cây công nghiệp như dâu, bông… nhằm hướng đến nhu cầu tiêu thụ của các ngành thủ công nghiệp và thương nghiệp. Nông nghiệp từ chỗ đảm nhận vai trò cung cấp lương thực, thực phẩm đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người nông dân và nộp sưu thuế, đến thời kỳ Tokugawa từng bước trở thành đơn vị cung ứng nguyên liệu cho các ngành sản xuất thủ công, từ đó trở thành mắt xích quan trọng kết nối với hoạt động thương mại trong và ngoài nước. Vào những thập niên cuối cùng của Mạc phủ Tokugawa, mặc dù diện tích đất canh tác tăng chậm nhưng nhờ tiếp tục thâm canh trong sản xuất, kết hợp với cải tiến kỹ thuật, phân bón nên sản lượng làm ra ngày một cao hơn; do vậy, ngoài nghĩa vụ nộp thuế, người nông dân đã có bước đầu có gạo dư để bán ra thị trường. Mặt khác, với sự phát triển của thương nghiệp, các thành phố được mở rộng, làm cho xã hội Nhật Bản dần biến thành một xã hội tiêu thụ và đã ảnh hưởng sâu sắc đến nông thôn. Người nông dân đã đem số gạo dư có được bán cho người thành phố và đã có trong tay những đồng tiền đầu tiên. Tính khép kín của xã hội phong kiến dần dần bị phá vỡ, trao đổi hàng hóa xuất hiện và lối sống của người nông dân theo đó cũng bị lôi cuốn vào guồng quay của xã hội tiêu thụ. Chắc chắn, nếu ko có những tiền đề căn bản này, công cuộc duy tân rất khó có thể diễn ra. Chính sự chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phi nông nghiệp càng làm cho mâu thuẫn bên trong của chế độ phong kiến Nhật Bản thêm trầm trọng. Từ đây, những mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa ngày càng phát triển, trở thành tiền đề vững chãi cho công cuộc Minh Trị duy tân sau này.

Những chuyển biến trong lĩnh vực thủ công nghiệp và công nghiệp đã đáp ứng cho điều kiện thứ tư với việc sản xuất ra nhiều mặt hàng thủ công đẹp, tinh xảo, chất lượng không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn được bạn hàng các nước khác ưa chuộng nên đã trở thành những mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Tơ lụa của Nishijin và gốm sứ Hizen là những sản phẩm quen thuộc trên các thương thuyền Nhật Bản đến với các nước trong khu vực cũng như trên những thuyền buôn Tây phương. Khi Nhật Bản tiến hành mở cửa với thế giới bên ngoài từ năm 1854 trở đi, những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nhật Bản vẫn là tơ lụa, bông, trà… Chính những sản phẩm này “cũng góp phần tạo nên nguồn vốn quan trọng cho sự phát triển một số ngành công nghiệp trong nước trên cơ sở đẩy nhanh việc tiếp thu những thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến từ bên ngoài”[14]. Đặc biệt, thủ công nghiệp Nhật Bản thời kỳ Tokugawa đã có sự chuẩn bị những cơ sở cần thiết cho công cuộc hiện đại hóa thời Minh Trị khi xác lập sự tồn tại của các công trường thủ công - nơi sự phân công lao động và chuyên môn hóa đã diễn ra phổ biến. Như vậy, thủ công nghiệp nói riêng và kinh tế thời Tokugawa nói chung đã chuẩn bị cơ sở cần thiết cho việc hiện đại hóa kinh tế tư bản chủ nghĩa ở các giai đoạn sau. Bởi vậy, Michio Morishima đã nhận định: sở dĩ chính quyền Minh Trị đã thành công một cách khá dễ dàng trong việc công nghiệp hóa đất nước một phần là do Mạc phủ đã có những xưởng sản xuất thuốc nổ, các xưởng đóng tàu và những nhà máy theo kiểu phương Tây vào những năm cuối thời kỳ Tokugawa và những nhà máy theo kiểu phương Tây này đã phát triển được là nhờ các kỹ nghệ thủ công được gìn giữ suốt thời kỳ Tokugawa[15].

Cùng với hai điều kiện được phân tích trong khuôn khổ bài viết này còn có sự phát triển của thương nghiệp với mạng lưới buôn bán rộng khắp, có thể thấy, trải qua hơn 268 năm dưới sự cai trị của Mạc phủ Tokugawa, kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp Nhật Bản đã tạo dựng những điều kiện cần thiết, không thể thiếu cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào thời Minh Trị. Việc nhận diện rõ điều này đã góp phần trả lời câu hỏi tại sao trong khi các nước châu Á khác không thể tiến hành duy tân và bị biến thành những nước thuộc địa, phụ thuộc thì Nhật Bản lại nhanh chóng trở thành một cường quốc vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Quốc Hùng (chủ biên) (2007), Lịch sử Nhật Bản, Nxb Thế giới, Hà Nội.
  2. Nguyễn Văn Kim (2003), Nhật Bản với Châu Á - Những mối liên hệ lịch sử và những chuyển biến kinh tế xã hội, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  3. Michio Morishima (1991), Tại sao Nhật Bản thành công? Công nghệ phương Tây và tính cách Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  4. Kenichi Ohno (2006), The Economic Development of Japan - The Path Traveled by Japan as a Developing Country, GRIPS Development Forum National Graduate Institute for Policy Studies, Tokyo, Japan.
  5. G. B. Sansom (1989), Lược sử văn hóa Nhật Bản, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  6. G. Sansom (1994) (tập III), Lịch sử Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
    1. Phạm Thị Trang (2012), Thời kỳ Tokugawa (1603 - 1868) và vai trò của nó đối với sự phát triển của lịch sử Nhật Bản, Luận văn thạc sĩ Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.


[1] TS., Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học, Đại học Huế

[2] Chobu (đinh bộ) là đơn vị đo diện tích ruộng, 1 chobu tương đương với một hectare.

[3] Koku (thạch) là đơn vị đo khối lượng, 1koku = 180,4 lít, tương đương 120 kg.

[4] Phạm Thị Trang (2012), Thời kỳ Tokugawa (1603 - 1868) và vai trò của nó đối với sự phát triển của lịch sử Nhật Bản, Luận văn thạc sĩ Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, tr. 45.

[5] Đơn vị đo độ dài để tính khoảng cách, có 2 cách hiểu: theo chuẩn quốc tế (1 dặm Anh bằng 1,609 km) và theo chuẩn Trung Quốc (1 dặm bằng 500 m). Ở Nhật Bản, có thể theo cách hiểu của Trung Quốc.

[6] G. Sansom (1995) (tập III), Lịch sử Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 182.

[7] G. Sansom (1995) (tập III), Lịch sử Nhật Bản, Tlđd, tr. 182.

[8] Phạm Thị Trang (2012), Thời kỳ Tokugawa (1603 - 1868) và vai trò của nó đối với sự phát triển của lịch sử Nhật Bản, Tlđd, tr. 64.

[9] Nguyễn Văn Kim (2003), Nhật Bản với Châu Á -Những mối liên hệ lịch sử và những chuyển biến kinh tế xã hội, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr. 511.

[10] Nguyễn Quốc Hùng (chủ biên) (2007), Lịch sử Nhật Bản, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 211.

[11] Nguyễn Quốc Hùng (chủ biên) (2007), Lịch sử Nhật Bản, Tlđd, tr. 213-214.

[12] Nguyễn Quốc Hùng (chủ biên) (2007), Lịch sử Nhật Bản, Tlđd, tr. 214-215.

[13] Kenichi Ohno (2006), The Economic Development of Japan - The Path Traveled by Japan as a Developing Country, GRIPS Development Forum National Graduate Institute for Policy Studies, Tokyo, Japan, tr. 23.

[14] Nguyễn Văn Kim (2003), Nhật Bản với Châu Á - Những mối liên hệ lịch sử và những chuyển biến kinh tế xã hội, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr. 512.

[15] Michio Morishima (1991), Tại sao Nhật Bản thành công? Công nghệ phương Tây và tính cách Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 84.

0thảo luận