Trang chủ

Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong phòng, chống Covid-19 và khôi phục, phát triển kinh tế (2020-2022)

Đăng ngày: 23-09-2024, 01:55 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 1

Trần Ngọc Dũng1

 

 

Tóm tắt: Bài viết tìm hiểu sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa duy trì và khôi phục sản xuất, đảm bảo phát triển kinh tế từ năm 2020 đến nay. Mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng đã được khẳng định một cách mạnh mẽ trong những thời điểm khó khăn nhất và thậm chí quan hệ Việt – Nhật trong bối cảnh đại dịch được nhìn nhận đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất. Trong đó, Việt Nam đã thể hiện được tình cảm tốt đẹp với chính quyền và nhân dân Nhật Bản, còn phía Nhật Bản đã khẳng định được tiềm lực và sức mạnh nước lớn trong việc giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam phòng, chống Covid-19 và đảm bảo ổn định sản xuất, phát triển kinh tế.

Từ khóa: Quan hệ Việt-Nhật, phòng chống Covid-19, khôi phục kinh tế, hợp tác phát triển


N

ăm 2023[1]là năm đánh dấu mốc quan trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023). Trong gần 50 năm qua, mối quan hệ hợp tác Việt – Nhật ngày càng phát triển toàn diện, đạt được những thành tựu có ý nghĩa to lớn, đặc biệt sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” năm 2014. Trước thềm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác Việt – Nhật một lần nữa được khẳng định thông qua quá trình chung tay phòng, chống Covid-19 và đảm bảo duy trì sản xuất, khôi phục sau đại dịch và phát triển bền vững từ đầu năm 2020 đến nay. Covid-19 là một nhân tố khách quan đầy bất ngờ và có tác động mạnh mẽ đến tình hình thế giới, quan hệ song phương Việt – Nhật, nhưng nó cũng là liều thuốc thử để một lần nữa minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp, chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Bài viết đi vào phân tích sự hợp tác song phương trong giai đoạn đại dịch Covid-19 trên hai phương diện chính là phòng, chống đại dịch và duy trì, khôi phục sản xuất, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, mối quan hệ thiên về phía Nhật Bản hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn.

1. Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong việc phòng, chống Covid-19

Hợp tác y tế Việt Nam – Nhật Bản đã được thực hiện ngay từ những ngày đầu hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, nhất là trong các dự án ODA mà Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác y tế cụ thể là chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế, đào tạo đội ngũ y tế, vấn đề y tế cộng đồng, việc tiếp cận thuốc, vắc-xin, công nghệ y tế hiện đại, vấn đề tài chính và các vấn đề liên quan đến chính sách chung về sức khỏe của chính phủ[2]. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, quan hệ hợp tác đó tiếp tục được đẩy mạnh ở hai khía cạnh chính là (1) ủng hộ, hỗ trợ tiền, trang thiết bị y tế, vắc-xin trong công tác phòng chống dịch; và (2) trao đổi, thảo luận để xây dựng các phương cách phù hợp trong phòng chống Covid-19 ở cả Nhật Bản và Việt Nam. Do điều kiện kinh tế khác biệt nên việc ủng hộ, viện trợ của Nhật Bản có phần đáng chú ý hơn về mặt vật chất so với những hoạt động ủng hộ từ phía Việt Nam. Ngược lại, thông qua vai trò Chủ tịch ASEAN và các diễn đàn hợp tác khu vực, Việt Nam cũng thể hiện được vị thế, tầm quan trọng trong việc đề xuất ý tưởng, trao đổi hợp tác phòng chống dịch không chỉ với Nhật Bản mà với cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã có những vận động cộng đồng quốc tế chung sức phòng, chống Covid-19. Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 diễn ra ngày 14/4/2020 dưới sự chủ trì của Việt Nam đã có những bàn bạc, thảo luận cụ thể về công tác chống dịch. Trong đó, Nhật Bản cam kết đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, và thêm 50 triệu USD cho thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và bệnh dịch mới[3]. Như vậy, việc hợp tác của Nhật Bản với Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung không chỉ đơn thuần là phòng chống Covid-19 mà còn hướng đến các hoạt động y tế tương lai khi mà nguy cơ về các bệnh truyền nhiễm, các loại virus mới xuất hiện ngày càng thường xuyên. Xuyên suốt giai đoạn dịch bệnh bùng phát và chưa tìm ra, sản xuất vắc-xin phòng bệnh, Việt Nam và Nhật Bản đã thông qua các kênh đa phương và song phương để có những trao đổi, thảo luận cụ thể về các vấn đề liên quan đến dịch bệnh như phương cách phòng chống, vấn đề thông thương, nối lại đường bay thương mại giữa hai nước, giúp đỡ các doanh nghiệp, du học sinh, nhân dân hai nước trong bối cảnh dịch bệnh, vấn đề cách ly chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam làm việc, nhập khẩu thuốc của Nhật Bản. Những vấn đề đó được trao đổi một cách thường xuyên trong các cuộc điện đàm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, hoặc giữa các bộ, ban ngành, và đặc biệt được xúc tiến trong các chuyến thăm ngoại giao chính thức vào tháng 11/2021 hay tháng 4/2022. Chính điều đó đã khẳng định sự hợp tác sâu rộng Việt – Nhật trong việc tìm các phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Việt Nam đã thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác với Nhật Bản trong phòng chống dịch bằng cách trao tặng Nhật Bản số khẩu trang và vật tư y tế trị giá 100.000 USD đầu năm 2020[4]. Đồng thời, Việt Nam đã trao tặng Nhật Bản 1,2 triệu chiếc khẩu trang để phòng dịch bệnh. Trị giá số hàng ủng hộ tuy không lớn nhưng đã thể hiện được tình cảm, mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong phòng chống dịch bệnh. Chính từ đây, phía Nhật Bản đã ghi nhận và có nhiều hoạt động hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống Covid-19 với những điều kiện kinh tế phát triển hơn. Sự hỗ trợ đó được thể hiện cụ thể thông qua kinh phí hoạt động, các trang thiết bị y tế và sau đó là vắc-xin phòng bệnh.

Tháng 2/2020, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam 14 triệu yên và một bộ xét nghiệm trị giá 4 triệu yên. Tháng 4/2020, Nhật Bản tuyên bố hỗ trợ thêm cho Việt Nam 200 triệu yên cùng các trang thiết bị y tế và 50.000 khẩu trang[5]. Tính đến tháng 8/2020, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam 19 triệu USD để phòng chống dịch bệnh. Trong đó, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã viện trợ số tiền khoảng 170 triệu yên, bao gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, kít xét nghiệm[6]. Ngày 7/9/2020, hai nước đã ký công hàm trao đổi về khoản viện trợ không hoàn lại với mục tiêu nâng cấp kỹ thuật cho 4 bệnh viện gồm Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện C Đà Nẵng và Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương để vừa phòng, chống Covid-19, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Khoản viện trợ trị giá 2 tỷ yên (500 tỷ đồng) được thực hiện đến tháng 1/2022[7]. Đầu năm 2021, JICA đã trao tặng Việt Nam 1 máy ECMO hỗ trợ trao đổi Oxy, 1 máy X-quang kỹ thuật số di động, 1 máy siêu âm Doppler màu trị giá 50 triệu yên để phục vụ công tác phòng chống Covid-19[8].

Một trong những chính sách ngoại giao quan trọng được Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện là ngoại giao vắc-xin. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Suga Yoshihide đầu năm 2021, kết quả là Nhật Bản quyết định viện trợ Việt Nam 1 triệu liều vắc-xin phòng dịch[9]. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp với Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Santo Akiko ngày 7/9/2021 trong khuôn khổ Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Vienna (Áo). Hai bên đã có nhiều trao đổi liên quan đến hợp tác song phương toàn diện, đặc biệt là trong việc phòng chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế. Tính đến thời điểm tháng 9/2021, Nhật Bản đã ủng hộ Việt Nam gần 3 triệu liều vắc-xin phòng dịch[10]. Cả Việt Nam và Nhật Bản đều khẳng định sự hợp tác tốt đẹp giữa hai nhà nước, chính phủ và kỳ vọng vào việc tiếp tục phát triển hơn nữa mối quan hệ này. Những trao đổi ngoại giao đó có thể được coi là một trong những hoạt động quan trọng thúc đẩy việc hợp tác song phương trong phòng chống Covid-19.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính tháng 11/2021, ngoại giao vắc-xin tiếp tục phát huy hiệu quả khi phía Nhật Bản đồng ý hỗ trợ Việt Nam 1.540.000 liều vắc-xin AstraZeneca. Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam đã nhận được tổng cộng 5,6 triệu liều xắc-xin cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế từ Nhật Bản[11]. Đây là một trong những minh chứng tiêu biểu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai chính phủ và nhân dân Việt Nam – Nhật Bản trong việc phòng chống dịch bệnh. Cũng trong chuyến thăm và làm việc này, hợp tác y tế Việt – Nhật đã được thúc đẩy mạnh mẽ khi cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có 5 buổi làm việc trực tiếp với các công ty dược, Trường Đại học Hokkaido và Bệnh viện Đại học Hokkaido, cùng Hiệp hội y tế thông minh để thúc đẩy hơn nữa việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, đào tạo nhân lực cho ngành y tế Việt Nam, hợp tác đưa các loại thuốc của Nhật vào Việt Nam[12]. Sau chuyến thăm trên, JICA đã trao tặng Bệnh viện Chợ Rẫy 2 máy siêu âm Doppler, 20 máy theo dõi bệnh nhân 6 thông số, 10 máy thở chức năng cao, 1 máy X-quang kỹ thuật số. Đây là số trang thiết bị nằm trong chương trình hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 của JICA cho khu vực phía Nam Việt Nam với tổng giá trị là 120 triệu yên (124 tỉ đồng)[13]. Cùng với đó, JICA đã tăng cường hệ thống y tế nòng cốt cho một số bệnh viện như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Trung ương Huế, Ung bướu 2; hay tăng cường khả năng xét nghiệm và hồi sức bằng cách cung cấp hệ thống PCR, máy thở, máy theo dõi bệnh nhân và một số trang thiết bị y tế khác; và đặc biệt là 1.600 hộp lạnh bảo quản vắc-xin trị giá 20 tỷ đồng[14]. Hơn 5,6 triệu liều vắc-xin trong năm 2021 cùng nhiều trang thiết bị y tế hiện đại của Nhật Bản đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam khống chế được sự lây lan của đại dịch, nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân Covid-19, và đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách miễn dịch cộng đồng thông qua công tác tiêm chủng.

Sang năm 2022, hỗ trợ của Nhật Bản cho Việt Nam về phòng chống dịch tiếp tục được thực hiện để mở rộng việc tiêm chủng cho toàn dân, hướng tới miễn dịch cộng đồng, chung sống với Covid-19 và mở cửa hoàn toàn quốc gia. Ngày 25/1/2022, Nhật Bản tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp thêm cho Việt Nam 1,7 triệu liều vắc-xin phòng dịch, đưa tổng số vắc-xin Nhật Bản viện trợ cho nước ta lên 7,3 triệu liều[15]. Ngày 17/6/2022, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị chống dịch cho Cục quản lý Xuất nhập cảnh Việt Nam trị giá 1,6 triệu USD[16].

Ngoài sự hỗ trợ và hợp tác của Chính phủ Nhật Bản đối với Việt Nam trong phòng chống Covid-19, nhân dân và các doanh nghiệp Nhật Bản cũng có những hoạt động cụ thể, hiệu quả trong giúp đỡ nhân dân Việt Nam chống dịch. Cụ thể, đến giữa năm 2021, 36 doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam đã quyên góp 39,2 tỷ đồng cho quỹ vắc-xin của chính phủ[17]. Tính đến cuối tháng 10/2021, 260 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã đóng góp 158,6 tỷ đồng vào quỹ vắc-xin Việt Nam[18]. Tháng 11/2021, Ngân hàng Sumitomo Mitsui cũng tài trợ cho Việt Nam 1 triệu USD để chống dịch[19]. Bên cạnh đó, công ty thuốc Paramount tặng Việt Nam 200 giường bệnh để phục vụ công tác phòng chống dịch[20]. Công ty Mitsubishi Motors Việt Nam đã quyên góp 1 chiếc xe bán tải Triton trị giá hơn 800 triệu đồng, cùng với 200 triệu đồng tiền mặt cho Mặt trận tổ quốc tỉnh Bình Dương để góp phần vào công việc phòng, chống Covid-19 tại Bình Dương nói riêng, Việt Nam nói chung[21]. Tổng kết 2 năm 2020-2021, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đóng góp 800 triệu yên vào quỹ vắc-xin phòng Covid-19[22]. Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản còn nhiều lần tiếp nhận những khoản đóng góp, hỗ trợ của các doanh nghiệp Nhật Bản cho việc phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam và hỗ trợ du học sinh người Việt tại Nhật Bản[23]. Điều đó cho thấy sự ủng hộ, hợp tác Việt – Nhật không chỉ dừng lại ở ngoại giao nhà nước mà là mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.

Bên cạnh việc hợp tác, thảo luận phương cách đối phó đại dịch hay ủng hộ vật chất và trang thiết bị y tế, Việt Nam và Nhật Bản còn hợp tác trong việc hỗ trợ công dân hai nước, đặc biệt là lưu học sinh trong giai đoạn dịch bệnh. Đầu năm 2020, Chính phủ Nhật Bản đã ghi nhận những nỗ lực rất lớn và hiệu quả của Việt Nam trong việc bảo vệ hơn 20.000 công dân Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Ngược lại, chính phủ hai nước, đặc biệt là phía Nhật Bản cũng có nhiều hành động hợp tác để giúp đỡ lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản trong bối cảnh khó khăn cả về đời sống kinh tế, tâm sinh lý và khó có thể tiếp cận các chuyến bay thương mại về nước. Chính quyền Tokyo cho người Việt tại Nhật Bản vay gói trợ cấp 20 man bên cạnh việc hỗ trợ 10 man/người để vượt qua khó khăn trong đại dịch. Các trường học một mặt giảm học phí, tăng học bổng; mặt khác hỗ trợ sinh viên người Việt 5-10 man/người[24]. Đến tháng 4/2021, có khoảng 10.000 công dân Việt Nam đã từ Nhật Bản về nước an toàn trong tổng số 30.000 người đăng ký. Tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa kêu gọi phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản để phòng, chống dịch bệnh và ổn định cuộc sống. Điều đó đã khẳng định sự hợp tác mạnh mẽ của hai nhà nước trong việc phòng, chống Covid-19.

2. Hợp tác Việt - Nhật trong duy trì, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế

Không chỉ hợp tác trong việc phòng chống Covid-19, hai nước luôn tìm cách duy trì hợp tác sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung từ lâu là một trong những thị trường, đối tác kinh tế chiến lược quan trọng của Nhật Bản. Ví dụ, ASEAN chiếm tới 14% viện trợ ODA của Nhật Bản trên toàn thế giới, còn Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được nhiều viện trợ ODA nhất từ Nhật Bản, đặc biệt trong giai đoạn 2018-2020[25]. Theo tính toán, việc tăng 1% dòng vốn ODA của Nhật Bản giai đoạn 2008-2020 đã góp phần làm tăng GDP của các nước ASEAN lên 0,0226%[26]. Cuối năm 2019, có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, và Nhật Bản là quốc gia có số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam lớn thứ hai thế giới với 59,3 tỷ USD, chiếm 16,7%[27]. Do đó, hai nước vẫn cố gắng duy trì hợp tác kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt khi hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).

Lãnh đạo hai nước đã có những chuyến thăm ngoại giao trong giai đoạn đại dịch để thúc đẩy quan hệ chiến lược sâu rộng, bao gồm cả phòng chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide (9/2020-10/2021) tới Việt Nam và Indonesia (10/2020) đã chứng minh tầm quan trọng của mối quan hệ Việt – Nhật. Trong chuyến thăm đó, Thủ tướng Suga Yoshihide và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký kết 12 văn kiện giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai bên, trị giá gần 4 tỷ USD với các lĩnh vực chính là kinh tế, an ninh, quốc phòng và y tế[28]. Đổi lại, tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo cao cấp nước ngoài đầu tiên tới Nhật Bản sau khi Thủ tướng Fumio Kishida lên cầm quyền. Hai nước đã ra Tuyên bố chung “Hướng tới một giai đoạn mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á”. Trong chuyến thăm này, hai bên đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt - Nhật, ký kết, trao đổi 44 văn kiện hợp tác trị giá hàng tỷ USD. Một số thỏa thuận đầu tư phát triển tiêu biểu như nhà máy điện Long Sơn (1,75 tỷ USD), dự án chăn nuôi, chế biến bò ở Vĩnh Phúc (500 triệu USD), khu kinh tế Đình Vũ – Hải Phòng (250 triệu USD)[29]. Như vậy, dù trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng quan hệ Việt – Nhật được đánh giá đang ở trong giai đoạn “tốt đẹp nhất” từ trước đến nay. Những văn kiện, bản ghi nhớ được ký kết đó có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần bảo đảm sản xuất, khôi phục kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam.

Ngày 30/4 và 1/5/2022, Thủ tướng Fumio Kishida đã thăm chính thức Việt Nam, thể hiện sự duy trì và tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19, sớm triển khai ODA thế hệ mới vào nhiều lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế… Hai bên đã trao đổi 21 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực, vừa đầu tư cơ sở hạ tầng, vừa thúc đẩy phát triển hợp tác khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, phát triển bền vững[30]. Đồng thời, Bản cập nhật tiến độ hợp tác của 8 lĩnh vực trọng yếu cũng được thông qua[31]. Tiếp nối thành công đó, trong những cuộc gặp giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt Takebe Tsutomu (29/7/2022), hay giữa Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và Phó Chủ tịch điều hành cấp cao JICA Junichi Yamada, lãnh đạo hai bên đều thống nhất những vấn đề thúc đẩy hợp tác để khôi phục, phát triển kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn ODA từ Nhật Bản. Như vậy, từ đầu năm 2022, quan hệ song phương Việt - Nhật đã có sự chuyển hướng quan trọng từ hợp tác phòng chống Covid-19 sang khôi phục, phát triển kinh tế.

Những nỗ lực thúc đẩy hợp tác song phương trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, năm 2019, Nhật Bản đã viện trợ ODA cho Việt Nam số tiền 650 triệu USD trong nhiều gói dự án khác nhau[32].  Trong giai đoạn từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021, số tiền JICA cam kết hỗ trợ Việt Nam là 10.041 tỷ đồng trong 100 dự án, trong đó hợp tác kỹ thuật không hoàn lại là 874 tỷ, viện trợ không hoàn lại là 427 tỷ với các ưu tiên về khôi phục và phát triển kinh tế bền vững. Ví dụ, tháng 4/2021, Nhật Bản và Việt Nam đã thông qua 2 dự án “Tiếp nhận tàu nghiên cứu khoa học biển” và “Hỗ trợ thiết bị điều tra, khảo sát và phân tích rác thải nhựa đại dương”, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045[33]. Từ tháng 4/2021 đến tháng 9/2021 có 27 dự án ODA, 28 dự án hợp tác kỹ thuật được triển khai ở Việt Nam[34]. Nhật Bản hiện đứng đầu các nước viện trợ ODA vào Việt Nam: cuối 2019 là 23,76 tỷ USD, và tính đến tháng 9/2022 là gần 30 tỷ USD[35]. Trong đó, tính đến tháng 9/2022, có 25 dự án vốn vay ODA đang được triển khai.

Tính đến năm 2020, Nhật Bản là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai ở Việt Nam với hơn 60 tỉ USD và 4.641 dự án khác nhau[36]. Năm 2021, Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam 4,3 tỉ USD (với 204 dự án), đứng thứ ba sau Singapore, Hàn Quốc và chiếm 11,1% tổng số đầu tư, và lũy kế cuối năm 2021 là 4.793 dự án với 64.293 tỉ USD[37]. Sang đầu năm 2022, đầu tư FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đã lên tới 64.410 tỷ USD với 4.828 dự án[38]. Ngược lại, đầu tư của Việt Nam vào Nhật Bản cũng có những dấu hiệu tiến bộ nhất định: tính đến năm 2021 có 90 dự án với tổng số vốn đăng ký là 22,6 triệu USD, chiếm 1% số FDI của Việt Nam ra nước ngoài, và Nhật Bản đứng thứ 31 trong thứ tự quan tâm của các nhà đầu tư Việt Nam[39]. Kết thúc năm 2021, hợp tác Việt – Nhật về phát triển cơ sở hạ tầng đã gặt hái được những kết quả to lớn với việc duy trì thi công Dự án đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1, hoàn thành cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long, hệ thống cấp nước tỉnh Bình Dương, dự án thủy điện Đa Nhim. JICA cũng triển khai có hiệu quả các dự án đào tạo nhân lực chất lượng cao thông qua Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản và Trường Đại học Việt Nhật.

Về thương mại, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2021 đạt 20,1 tỉ USD, tăng 4,4% so với năm 2020, và chiếm 6% tổng số xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới; còn nhập khẩu đạt 22,8 tỉ USD, tăng 11,9% so với năm 2020, và chiếm 6,9% tổng nhập khẩu của nước ta[40]. Tính đến tháng 3/2022, thương mại Việt – Nhật đạt 11,2 tỷ, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Những con số thống kê trên đã cho thấy đà tăng trưởng trong hợp tác phát triển kinh tế giữa hai nước trong bối cảnh dịch bệnh. Tháng 4/2022, hai nước đã tổ chức thành công diễn đàn chính phủ về thương mại điện tử và kinh tế số, cập nhật tình hình và chính sách liên quan đến các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực này để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương. Hai nước cũng thống nhất thúc đẩy chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong dự án chuyển đổi số châu Á ADX. Đồng thời, trong thời gian này, Việt Nam cũng gửi 24 doanh nghiệp sang triển lãm sản phẩm về phần mềm, công nghệ tại Tokyo, từ đó ký kết được 11 hợp đồng với các đối tác Nhật Bản[41]. Đầu tháng 10/2022, 15 doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia trưng bày sản phẩm công nghiệp cơ khí, chế tạo, kỹ thuật gia công tại Triển lãm M-Tech Osaka, từ đó thúc đẩy hợp tác phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam. Như vậy, trong bối cảnh Covid-19, Việt Nam và Nhật Bản vẫn duy trì khá ổn định việc hợp tác duy trì sản xuất và phát triển kinh tế. Điều đó cho thấy tính hiệu quả trong hợp tác song phương Việt – Nhật, nhưng đồng thời cũng là tầm quan trọng của quan hệ với Nhật Bản trong chính sách và thực tiễn ngoại giao của nước ta hiện nay.

3. Kết luận

Có thể nói, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, quan hệ hợp tác song phương Việt – Nhật đã chứng minh được giá trị, ý nghĩa trong tổng thể hệ thống ngoại giao Việt Nam. Xét về tương quan tiềm lực, thực lực kinh tế, khoa học kỹ thuật, Nhật Bản đều vượt trội so với Việt Nam và do đó, hợp tác Việt – Nhật trong phòng, chống Covid-19 đã thể hiện rõ vai trò viện trợ, giúp đỡ của Nhật Bản đối với Việt Nam thông qua cung cấp kinh phí, trang thiết bị y tế, vắc-xin. Ngược lại, Việt Nam vẫn khẳng định được vai trò trong việc chủ động, có trách nhiệm, chân thành khi ủng hộ nhân dân Nhật Bản trong giai đoạn đầu dịch bệnh, và cùng thảo luận để tìm ra phương cách ứng phó phù hợp nhất với dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, cả hai chính phủ đều nhìn nhận rõ tầm quan trọng của việc vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất, hướng tới miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng để mở cửa quốc gia, khôi phục và phát triển sản xuất. Do đó, bên cạnh hợp tác chống dịch, hai nước vẫn luôn trao đổi, bàn bạc việc thúc đẩy đầu tư, trao đổi thương mại song phương. Những chính sách đúng đắn đó không chỉ giúp Việt Nam thành công đối phó với dịch bệnh mà còn duy trì được thành tựu hợp tác kinh tế với Nhật Bản, từ đó góp phần khôi phục kinh tế và giữ vững đà phát triển chung. Quan hệ Việt - Nhật trong bối cảnh khó khăn của đại dịch do đó được nhìn nhận là đang ở trong thời điểm tốt đẹp nhất và sẵn sàng để hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương giữa hai nước (1973-2023).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Ngô Phương Anh (2021), “Thúc đẩy quan hệ chiến lược Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh mới theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, Khoa học Chính trị, số 9, tr. 5-9.

2. Nguyễn Đức Chiện, Nguyễn Thanh Thu (2021), “Cuộc sống của du học sinh Việt Nam ở Nhật Bản trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng ra cộng đồng”, Nghiên cứu Con người, số 4.

3. Trịnh Thị Hoa (2021), “ASEAN chủ động kiến tại “Vai trò trung tâm” hợp tác kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, Lý luận chính trị, số 4.

4. MOFA, “Specific Innitiatives of Japan’s Development Cooperation”, White Paper on Development Cooperation, 2020.

5. S. Lee and other authors, “Japan’s Development Cooperation for Health in Vietnam: a first Holistic Assessment on Japan’s ODA and non-ODA Public Resources Cooperation”, BMC Public Health, 21, 2021.

6. Le, T.T.A, and other authors, “Policy Responses to the Covid-19 Pandemic in Vietnam”, International Journal of Environmental Research and Public Health, 18/2021.

7. Trần Hoàng Long, Trần Thị Hải Yến (2022), “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3.

8. Tổng cục thống kê (2021), Niên giám thống kê Việt Nam 2020, Nxb Thống kê, Hà Nội.

9. Tổng cục thống kê (2022), Niên giám thống kê Việt Nam 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội.

10. Nguyễn Văn Tuấn (2022), “Nhìn lại 20 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản (2002-2022)”, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] TS., Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[2] S. Lee and other authors, “Japan’s Development Cooperation for Health in Vietnam: a first Holistic Assessment on Japan’s ODA and non-ODA Public Resources Cooperation”, BMC Public Health, 21, 2021, p. 4.

[3] Trịnh Thị Hoa, (2021), “ASEAN chủ động kiến tại “Vai trò trung tâm” hợp tác kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, Lý luận chính trị, số 4, tr. 103-108, tr. 104.

[4] Nguyên Hạnh, “Việt Nam trao tặng khẩu trang, vật tư y tế cho Nhật Bản và Mỹ”, 16/4/2020, https://tuoitre. vn/viet-nam-trao-tang-khau-trang-vat-tu-y-te-cho-nhat-ban-va-my-20200416192718058.htm, truy cập ngày 6/10/2022.

[5] Le, T.T.A, and other authors, “Policy Responses to the Covid-19 Pandemic in Vietnam”, International Journal of Environmental Research and Public Health, 18/2021, p. 19.

[6] Thái Bình, “Nhật Bản viện trợ gần 500 tỷ đồng giúp Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19”, 7/9/2020, https://covid19.gov.vn/nhat-ban-vien-tro-gan-500-ty-dong-giup-viet-nam-phong-chong-dich-covid-19-1717 127491.htm, truy cập ngày 8/10/2022.

[7] Thái Bình, “Nhật Bản viện trợ gần 500 tỷ đồng giúp Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19”, 7/9/2020, https://covid19.gov.vn/nhat-ban-vien-tro-gan-500-ty-dong-giup-viet-nam-phong-chong-dich-covid-19-1717127491.htm, truy cập ngày 8/10/2022.

[8] Tường Vi, “Nhật Bản trao tặng thiết bị y tế phòng, chống Covid-19”, 9/4/2021, https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-trao-tang-thiet-bi-y-te-phong-chong-dich-covid19/705119.vnp, truy cập ngày 7/10/2022.

[9] Hà Văn, “Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine phòng chống COVID-19”, 15/6/2021, https://thutuong. chinhphu.vn/nhat-ban-ho-tro-viet-nam-1-trieu-lieu-vaccine-phong-chong-covid-19-10939033.htm, truy cập ngày 8/10/2022.

[10] Nguyễn Hoàng, “Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ nhau vượt khó khăn do đại dịch”, 7/9/2021, https://baochinhphu.vn/viet-nam-nhat-ban-tiep-tuc-ho-tro-nhau-vuot-kho-khan-do-dai-dich-102299943.htm, truy cập ngày 7/10/2022.

[11] Bộ Y tế, “Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp nhận hơn 1,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Nhật Bản viện trợ Việt Nam”, 26/11/2021, https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/TW6LTp1ZtwaN/content/ bo-truong-bo-y-te-tiep-nhan-hon-1-5-trieu-lieu-vaccine-phong-covid-19-cua-nhat-ban-vien-tro-viet-nam?Inherit Redirect=false, truy cập ngày 6/10/2022.

[12] Trần Quang, Thái Bình, “Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp và làm việc với các đối tác y dược Nhật Bản”, 24/11/2021, https://suckhoedoisong.vn/bo-truong-bo-y-te-nguyen-thanh-long-tiep-va-lam-viec-voi-cac-doi-tac-y-duoc-nhat-ban-169211123105918555.htm, truy cập ngày 6/10/2022.

[13] Xuân Khu, “Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản trao trang thiết bị y tế phòng, chống dịch cho Bệnh viện Chợ Rẫy”, 5/11/2021, https://ncov.vnanet.vn/tin-tuc/co-quan-hop-tac-quoc-te-nhat-ban-trao-trang-thiet-bi-y-te-phong-chong-dich-cho-benh-vien-cho-ray/f95e906d-8b9f-4611-83c8-fb11c467a6f4, truy cập ngày 7/10/2022.

[14] JICA, Bản tin Văn phòng JICA Việt Nam, số 65, 8/2021, https://www.jica.go.jp/vietnam/vietnamese/office/others/c8h0vm00009oa54f-att/2021_08.pdf.

[15] Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, “Số vắc xin phòng Covid-19 Nhật Bản hỗ trợ thêm cho Việt Nam đã đến Hà Nội”, 25/1/2022, https://www.vn.emb-japan.go.jp/itpr _ja/20220127vaccine_vn.html, truy cập ngày 8/10/2022.

[16] Nam Khang, “Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trang thiết bị chống dịch Covid-19”, 17/6/2022, https://www.qdnd.vn/ xa-hoi/tin-tuc/nhat-ban-ho-tro-viet-nam-trang-thiet-bi-chong-dich-covid-19-697480, truy cập ngày 6/10/2022.

[17] Hà Văn, “Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine phòng chống COVID-19”, 15/6/2021, https://thutuong. chinhphu.vn/nhat-ban-ho-tro-viet-nam-1-trieu-lieu-vaccine-phong-chong-covid-19-10939033.htm, truy cập ngày 8/10/2022.

[18] Thanh Thanh, ‘Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế”, 22/10/2021, https://cong thuong.vn/nhat-ban-ho-tro-viet-nam-phong-chong-dich-benh-va-phuc-hoi-kinh-te-166173.html, truy cập ngày 15/10/2022.

[19] Bộ Y tế, “Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp nhận hơn 1,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Nhật Bản viện trợ Việt Nam”, 26/11/2021, https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/TW6LTp1ZtwaN/content/ bo-truong-bo-y-te-tiep-nhan-hon-1-5-trieu-lieu-vaccine-phong-covid-19-cua-nhat-ban-vien-tro-viet-nam? inheritRedirect=false, truy cập ngày 6/10/2022.

[20] Trần Quang, Thái Bình, “Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp và làm việc với các đối tác y dược Nhật Bản”, 24/11/2021, https://suckhoedoisong.vn/bo-truong-bo-y-te-nguyen-thanh-long-tiep-va-lam-viec-voi-cac-doi-tac-y-duoc-nhat-ban-169211123105918555.htm, truy cập ngày 6/10/2022.

[21] Mitsubishi, “Mitsubishi motors Việt Nam trao tặng xe bán tải triton và tiền mặt cho Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương để hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch Covid-19”, 21/6/2021, https://www.mitsu bishi-motors.com.vn/tin-tuc/mitsubishi-motors-viet-nam-trao-tang-xe-ban-tai-triton-va-tien-mat-cho-uy-ban-mat-tran-to-quoc-viet-nam-tinh-binh-duong-de-ho-tro-trong-cong-tac-phong-chong-dich-covid-19-n133208.html, truy cập ngày 8/10/2022.

[22] JICA, Bản tin Văn phòng JICA Việt Nam, số 68, 1/2022, https://www.jica.go.jp/vietnam/vietnamese/office/others/c8h0vm00009oa54f-att/2022_01.pdf.

[23] Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Nhật Bản, “Doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ người Việt gặp khó khăn vì dịch Covid-19”, https://vnembassy-jp.org/vi/doanh-nghi%E1%BB%87p-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA% A3n-h%E1%BB%97-tr%E1%BB%A3-ng%C6%B0% E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-g%E1%BA%B7p-kh%C3%B3-kh%C4%83n-v%C3%AC-d%E1%BB%8Bch-covid-19, truy cập ngày 8/10/2022.

[24] Nguyễn Đức Chiện, Nguyễn Thanh Thu (2021), “Cuộc sống của du học sinh Việt Nam ở Nhật Bản trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng ra cộng đồng”, Nghiên cứu Con người, số 4, tr. 65-75, tr. 72-73.

[25] MOFA, “Specific Innitiatives of Japan’s Development Cooperation”, White Paper on Development Cooperation, 2020, pp. 90-103; “Japan’s Covid-19 related Cooperation towards achieving UHC”, Japan’s Response to Covid-19 for Developing Countries, 2021, pp. 1-2.

[26] Nguyen Phuc Hien & other authors, “How does Japanese ODA contribute to economic growth of ASEAN countries?”, Journal of International Economics and Management, vol. 22, no. 2, 2022, pp. 71-83.

[27] Trần Hoàng Long, Trần Thị Hải Yến, (2022), “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3, tr. 26-37, tr. 33.

[28] Gia Huy, “Thủ tướng Nhật Bản kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam”, 20/10/2020, https://baochinhphu. vn/print/thu-tuong-nhat-ban-ket-thuc-tot-dep-chuyen-tham-viet-nam-102281036.htm, truy cập ngày 19/10/2022.

[29] Hà Văn, “Việt Nam, Nhật Bản trao đổi các thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD”, 25/11/2021, https://bao chinhphu.vn/viet-nam-nhat-ban-trao-doi-cac-thoa-thuan-hop-tac-tri-gia-hang-ty-usd-102304442.htm, truy cập ngày 17/10/2022.

[30] Hà Văn, “Việt Nam – Nhật Bản đạt tiến triển mới trong hợp tác hạ tầng chiến lược”, 1/5/2022, https://baochinh phu.vn/viet-nam-nhat-ban-dat-tien-trien-moi-trong-hop-tac-ha-tang-chien-luoc-102220501111205996.htm, truy cập ngày 19/10/2022.

[31] Huy Lê, “Nhật Bản tiếp tục hợp tác, hỗ trợ toàn diện Việt Nam phát triển kinh tế xã hội”, 1/5/2022, https://www. qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/nhat-ban-tiep-tuc-hop-tac-ho-tro-toan-dien-viet-nam-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-693259, truy cập ngày 18/10/2022.

[32] Nguyen Hanh, “Maritime Capacity-building Cooperation between Japan and Vietnam: A Confluence of Strategic Interests”, ISEAS no. 148, 16/11/2021, p. 3.

[33] Ngô Phương Anh (2021), “Thúc đẩy quan hệ chiến lược Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh mới theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, Khoa học Chính trị, số 9, tr. 5-9, tr. 7.

[34] Thanh Thanh, “Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế”, 22/10/2021, https://cong thuong.vn/nhat-ban-ho-tro-viet-nam-phong-chong-dich-benh-va-phuc-hoi-kinh-te-166173.html, truy cập ngày 15/10/2022.

[35] “Tổng vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam lên đến 30 tỷ USD”, 15/9/2022, https://sputniknews.vn/2022 0915/tong-von-oda-nhat-ban-danh-cho-viet-nam-len-den-30-ty-usd-17828825.html, truy cập ngày 15/10/2022.

[36] Tổng cục thống kê (2021), Niên giám thống kê Việt Nam 2020, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr. 280.

[37] Tổng cục thống kê (2022), Niên giám thống kê Việt Nam 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr. 235, 277.

[38] Minh Anh, “Việt Nam, đối tác quan trọng và tin cậy của Nhật Bản”, 29/4/2022, https://dangcongsan.vn/tieu-diem/ viet-nam-doi-tac-quan-trong-va-tin-cay-cua-nhat-ban-609085.html, truy cập ngày 15/10/2022.

[39] Tổng cục thống kê (2021), Sđd, tr. 293-295; Nguyễn Văn Tuấn, “Nhìn lại 20 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản (2002-2022)”, Nghiên cứu Đông Bắc Á, 6/2022, tr. 13-21, tr. 15.

[40] Tổng cục thống kê (2022), Sđd, tr. 610.

[41] “Vietnam – Japan Cooperation in Industry, Trade and Energy Fact Sheet 23 August 2022”, https://www.meti. go.jp/press/2022/08/20220823001/20220823001-c.pdf truy cập ngày 18/10/2022.

0thảo luận