Trang chủ

Chính sách trung hòa khí thải carbon và giảm phát thải khí nhà kính của Hàn Quốc – kinh nghiệm cho Việt Nam (Phần 1)

Đăng ngày: 23-09-2024, 01:59 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 1

Nguyễn Hoàng Phước Hạnh1, Vũ Đức Nghĩa Hưng2

Tóm tắt: Bài viết phân tích điểm tương đồng về nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu do khí thải, quy định pháp luật cũng như sự hợp tác, hỗ trợ song phương trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu của hai quốc gia Hàn Quốc và Việt Nam. Bên cạnh đó, tác giả tập trung phân tích chính sách trung hòa khí thải carbon và giảm phát thải khí nhà kính của Hàn Quốc tầm nhìn đến 2050, qua đó đánh giá ưu điểm, khuyết điểm của chính sách và rút ra kinh nghiệm từ Hàn Quốc nhằm kiến nghị một số giải pháp cho Việt Nam.

Từ khoá: Biến đổi khí hậu, trung hòa khí thải carbon, khí thải nhà kính, hiệu ứng nhà kính, chính sách 3 + 1


1. Tổng quan tình hình biến đổi khí hậu xuất phát từ nguyên nhân khí thải carbon và nhà kính tại Việt Nam và Hàn Quốc [1][2]

Trước khi đi sâu vào đánh giá tổng quan tình hình, tác giả phân tích hai thuật ngữ quan trọng bao gồm “hiệu ứng nhà kính” và “khí thải carbon”, từ đó nêu rõ thực trạng môi trường tại Việt Nam và Hàn Quốc, nhấn mạnh tính cấp thiết của chính sách trung hòa carbon và giảm phát thải khí nhà kính.

Thứ nhất, “hiệu ứng nhà kính” được định nghĩa là một hiện tượng tự nhiên, nếu không có nó, nhiệt độ của Trái đất sẽ thấp hơn nhiều, theo đó nồng độ hơi nước và carbon dioxide trong khí quyển sẽ bẫy bức xạ hồng ngoại[3]. Đây là hiện tượng bình thường của tự nhiên giúp Trái đất giữ được môi trường sống và nhiệt độ lý tưởng. Tuy nhiên trong thế kỷ qua, sự gia tăng đột biến nồng độ khí carbon dioxide (CO2), mêtan (CH4), nitơ oxit (N2O), cũng như các hợp chất halogen hóa như CFC, HFC và PFC do con người gây ra khi trải qua nhiều cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ. Cùng lúc đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng lên theo. Như vậy, chúng ta càng có thêm bằng chứng cho thấy việc phát khí thải nhà kính nguyên nhân từ các hoạt động của con người đã gây ra hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên.

Thứ hai, khí thải carbon (CO2) được định nghĩa là chất khí tự nhiên hoặc được sinh ra do đốt nhiên liệu có nguồn gốc carbon như dầu, khí đốt, than đá, sinh khối và do biến đổi sử dụng đất hoặc do các quá trình hoạt động khác[4]. Khí CO2 đóng góp đến 64% tác động lên hiệu ứng nhà kính và hiện tượng nóng lên của Trái đất, trong khi đó các khí khác như CH4, N2O, HFC… chỉ gây ảnh hưởng khoảng 36%.

Tại Việt Nam cùng với sự phát triển và gia tăng của các hoạt động kinh tế, Bộ Tài nguyên và môi trường đưa ra số liệu lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam tăng đáng kể trong 2 thập kỷ qua từ 103,8 tấn CO2 trong năm 1994 đã tăng lên 150,9 triệu tấn CO2 trong năm 2000. Phát thải khí nhà kính ở Việt Nam được xác định bao gồm các lĩnh vực chính như: năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp, chuyển đổi sử dụng đất, rừng (LULUCF)[5] và rác thải. Phát thải khí nhà kính của ba lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và LULUCF vào năm 2010 là 169,2 triệu tấn CO2 tương đương và dự kiến vào năm 2020 là 300,4 triệu tấn CO2 tương đương, năm 2030 là 515,8 triệu tấn CO2 tương đương. Lĩnh vực năng lượng được dự báo sẽ là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm 91,3% tổng lượng phát thải năm 2030 (Bảng 1). Tình hình tại Hàn Quốc cũng không khả quan hơn. Trong một thế kỷ qua, nhiệt độ trung bình ở Hàn Quốc đã tăng 1,8°C, cao hơn mức trung bình toàn cầu (0,8-1,2°C) cho thấy tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn. Hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều, mùa hè ngày càng kéo dài hơn trong khi mùa đông ngày càng ngắn lại[6]. Năm 2017, tổng lượng phát thải khí nhà kính ở Hàn Quốc là 709,1 triệu tấn CO2, tăng 2,4% so với năm trước (692,6 triệu tấn CO2) và tăng 142,7% so với mức năm 1990 (292,2 triệu tấn CO2). Ngoại lệ duy nhất là năm 1998 lượng phát thải khí nhà kính giảm 14,1% do cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997. Từ những năm 2000 khi nền kinh tế phục hồi thì mức phát thải tăng trở lại[7].

Nhận thức được tính cấp thiết của vấn đề giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu và sự ảnh hưởng của quá trình này lên phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam và Hàn Quốc đã có nhiều hành động thể hiện sự quan tâm của Chính phủ tới vấn đề biến đổi khí hậu nói chung và giảm phát khí thải nhà kính và khí carbon nói riêng. Động thái mới nhất của hai nước về lĩnh vực này là việc cả hai tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26)[8].

Đồng thời, trong bối cảnh Hàn Quốc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Đối tác tăng trưởng xanh toàn cầu (P4G) - Tuần lễ Tương lai xanh P4G và Hội nghị COP26,  ngày 31/5/2021 thay mặt Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan đã ký kết Thỏa thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu[9].


Bảng 1: Phát thải khí nhà kính các năm 1994, 2000 và 2010

(đơn vị: triệu tấn CO2 tương đương)

Lĩnh vực

Năm 1994

Năm 2000

Năm 2004

Năng lượng

25,6

52,8

141,1

Các quá trình công nghiệp

3,8

10,0

21,2

Nông nghiệp

52,4

65,1

88,3

LULUCF

19,4

15,1

-19,2

Chất thải

2,6

7,9

15,4

Tổng

103,8

150,9

246,8

Nguồn: “Báo cáo tổng kết đề xuất khung chính sách kiểm kê khí nhà kính và thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Thành phố Hồ Chí Minh (2017)”, JICA, tr. 15.


Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy Hàn Quốc và Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng trong tình hình biến đổi khí hậu cũng như tính cấp thiết cần ứng phó với vấn đề giảm phát thải, trung hòa carbon trong bối cảnh cả hai quốc gia đều nằm trong top 10 đáng báo động theo IPCC[10].

2. Chính sách trung hòa khí thải carbon và giảm phát thải khí nhà kính của Hàn Quốc

2.1. Khái quát chung

Tổng thống Moon Jae-in đã có bài phát biểu tại Hội nghị COP26[11], trình bày về chính sách trung hòa carbon của Hàn Quốc, trong đó có đóng góp quốc gia tự nguyện (NDC)[12], tức mục tiêu cắt giảm carbon cho tới năm 2030 của Seoul. Chính phủ Hàn Quốc đã công bố nâng mục tiêu NDC với nội dung cắt giảm 40% lượng khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 2018. Đây là bằng chứng cụ thể nhất cho thấy Chính phủ Hàn Quốc đang đặt vấn đề trung hòa carbon và giảm phát thải khí nhà kính làm nội dung quan trọng hàng đầu trong công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu. Ngày 07/12/2020, Chính phủ Hàn Quốc công bố một kế hoạch dài hạn trung hòa carbon hay còn được gọi là “chính sách 3+1” bao gồm: (1) giảm lượng khí thải carbon (CO2) trong cấu trúc nền kinh tế; (2) hình thành hệ sinh thái công nghiệp carbon thấp; (3) tái cấu trúc xã hội trung hòa carbon và (3+1) phát triển nền móng cho Tổ chức trung hòa khí thải carbon.

Chính phủ Hàn Quốc đưa ra nhiều lý do cho việc lấy vấn đề trung hòa carbon làm hạt nhân cho mọi chính sách về môi trường còn lại. Thứ nhất, chính sách 3+1 như một lời tuyên bố, cam kết thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đã được Hàn Quốc cập nhật cho Ban thư ký UNFCCC vào cuối năm 2020 với tư cách là một quốc gia thành viên ký kết Thỏa thuận Paris. Thứ hai, việc Chính phủ Hàn Quốc đưa ra một tầm nhìn quốc gia rõ ràng đóng vai trò như ngọn hải đăng cho mọi hành động của doanh nghiệp và các bên liên quan trong việc đưa ra quyết định đầu tư cho tương lai. Chính sách cũng sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ về tầm nhìn lập pháp cho lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu tại Hàn Quốc rằng nền kinh tế và xã hội phụ thuộc vào nhiên liệu xăng, dầu, than đá… sẽ không còn bền vững trong tương lai. Thứ ba, hầu hết các ngành công nghiệp xương sống của Hàn Quốc bao gồm sản xuất thép, hóa dầu và sản xuất chất bán dẫn sẽ gặp thách thức lớn trong hoàn cảnh chính phủ ra chiến lược cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu, than đá… nhằm mục tiêu trung hòa carbon. Tuy nhiên vì mục tiêu sống còn trong tương lai và phát triển bền vững, nhiệm vụ trung hòa carbon và giảm phát thải khí nhà kính là thách thức bắt buộc phải vượt qua[13].

 

(Xem tiếp Phần 2 tại link: https://www.inas.gov.vn/1453-chinh-sach-trung-hoa-khi-thai-carbon-va-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-cua-han-quoc-kinh-nghiem-cho-viet-nam-phan-2.html)



[1] ThS., Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

[2] ThS., Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

[3] Antero Ollila (2019), The Greenhouse Effect Definition, Department of Civil and Environmental Engineering, School of Engineering, Aalto University, Finland, tr. 2.

[4] Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Quốc hội khóa XIV (2017), Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Sách chuyên khảo, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr. 2.

[5] LULUCF là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Land Use, Land Use Change and Forestry”.

[6] “Climate Change on the Korean Peninsula for the past 100 years (2018)”, National Institute of Meteorological Sciences, biểu đồ tr. 11.

[7] “2050 Carbon Neutral Strategy of the Republic of Korea toward a sustainable and green society (2020)”, The Government of the Republic of Korea, tr. 30 – 31.

[8] Hồng Anh (2021), “Những kỳ vọng từ hội nghị khí hậu COP26”, https://moit.gov.vn/phat-trien-ben-vung/nhung-ky-vong-tu-hoi-nghi-khi-hau-cop26.html

[9] Nghị quyết 114/NQ-CP ký Thỏa thuận khung hợp tác biến đổi khí hậu Việt Nam và Hàn Quốc.

[10] Theo báo cáo, dựa trên biến động nhiệt độ từ năm 1971-2000, nhóm nghiên cứu này đã phân tích tập trung vào 85 thành phố nổi tiếng được cho là điểm đến phổ biến nhất của giới trẻ trên toàn thế giới. Phân tích cho thấy Bangkok (Thái Lan) có chỉ số biến đổi khí hậu cao nhất. Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, Amsterdam (Hà Lan), Thâm Quyến (Trung Quốc) và Melbourne (Australia) chiếm vị trí lần lượt từ thứ hai đến thứ năm, và Seoul của Hàn Quốc xếp vị trí thứ 7, https://thongtinhan quoc.com/seoul-dung-trong-top-10-the-gioi-ve-rui-ro-bien-doi-khi-hau-nguy-co-cao-hon-sai-gon-cua-viet-nam/.

[12] NDC là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Nationally determined contributions”.

[13] “2050 Carbon Neutral Strategy of the Republic of Korea toward a sustainable and green society (2020)”, The Government of the Republic of Korea, tr. 24.

 

0thảo luận