Ở Nhật Bản, “mô hình gia đình phụ hệ”, “mô hình nam giới là trụ cột kiếm tiền” hay “mô hình gia đình một trụ cột”… đều nhấn mạnh đến vai trò trụ cột chính trong gia đình là nam giới. Quan niệm này đã tồn tại suốt từ thời cổ đại (thế kỉ IV) đến ngày nay. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế kéo dài từ những năm 1990 đã tác động mạnh mẽ đến việc phân công lao động cũng như vai trò, vị trí của nam giới và phụ nữ trong các gia đình. Bài viết đề cập thực trạng và những nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi trong vai trò trụ cột gia đình ở Nhật Bản từ 1990 đến nay.
Nghiên cứu biểu tượng trong văn học cũng chính là cách giải mã những thành tố văn hóa xuất hiện trong văn bản tác phẩm, giải mã những ý niệm sâu xa, trừu tượng mà tác giả gửi gắm thông qua tác phẩm của mình. Manga được hợp thành từ một số yếu tố như nghệ thuật hội họa truyền thống kết hợp với hội họa phương Tây, yếu tố văn học và nghệ thuật điện ảnh. Như vậy, ta hoàn toàn có thể tìm hiểu một tác phẩm manga thông qua cách tiếp cận yếu tố văn học, trong đó có nghiên cứu biểu tượng. Bài viết* của chúng tôi hướng tới việc giải mã những biểu tượng xuất hiện trong tác phẩm manga Death Note của Oba Tsugumi; đồng thời cung cấp một cách đọc mới, cách tiếp cận khác đối với loại hình văn hóa đại chúng nổi trội này.
Trong không gian tiền cận đại, khi đa số quốc gia phương Đông còn chưa “định vị” rõ ràng chính sách kinh tế trước sự xâm nhập của các nước phương Tây thì Mạc phủ Tokugawa đã chủ trương xây dựng một nền kinh tế hướng nội nhằm đảm bảo an ninh, chủ quyền, thống nhất đất nước. Điều này đã tạo điều kiện hòa bình, ổn định, kết hợp với chính sách đối ngoại khôn khéo đã giúp Nhật Bản trung lập hóa các mối quan hệ quốc tế và từng bước tự chủ nền kinh tế của mình. Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp đã đạt được thành tựu hết sức to lớn khi đặt trong tương quan với nhiều nước châu Á khác lúc bấy giờ. Nông nghiệp và thủ công nghiệp chuyển đổi dần từ tự cung tự cấp sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa, cung cấp sản phẩm, kích thích cho thị trường thương nghiệp phát triển. Bài viết phân tích sự chuyển biến của nền kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp ở Nhật Bản trong thời kỳ Tokugawa (1600-1868).
Thông qua việc so sánh kết quả khảo sát đối với sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật thương mại Trường Đại học Ngoại thương thuộc nhóm "Đã từng đi Nhật" và nhóm "Chưa từng đi Nhật" trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2019, tác giả chỉ ra những tác động tích cực của việc đi du học, thực tập tại Nhật Bản đối với việc nâng cao năng lực của sinh viên bao gồm kiến thức (tiếng Nhật, văn hóa Nhật Bản), kỹ năng (giải quyết vấn đề; chịu áp lực; kiên trì; ngoại giao; thích ứng với các nền văn hóa khác biệt; giao tiếp...), thái độ (tự tin; quyết tâm thực hiện mục tiêu; dám gánh chịu rủi ro; rộng lượng hơn về vấn đề tôn giáo; cộng sinh với những người có hệ giá trị khác mình; quan tâm tới các quan hệ quốc tế; ý thức mình là người Việt Nam, là công dân toàn cầu; ý thức về chất lượng; bảo vệ môi trường; trách nhiệm với công việc; tinh thần phục vụ; nói cảm ơn, xin lỗi; đúng giờ, tuân thủ thời hạn; tôn trọng văn hóa nơi công cộng; tuân thủ quy định, nguyên tắc; tích cực trong hoạt động học tập...).
“Chính sách phương Bắc” được Chính phủ Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Roh Tae-woo đưa ra năm 1988, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các nước trong khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, chính sách này đã không mang lại hiệu quả như mong muốn do vấn đề khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên và các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng. Trong thời gian gần đây, “Chính sách phương Bắc” đã nhận được sự quan tâm trở lại trong bối cảnh Seoul nỗ lực tìm kiếm một động cơ tăng trưởng kinh tế trong tương lai, ổn định tình hình an ninh khu vực và tăng cường hợp tác đa phương. Bài viết tìm hiểu về lịch sử hình thành, bối cảnh ra đời, phạm vi, tầm nhìn, mục tiêu hướng tới và các quan hệ hợp tác chủ chốt trong Chính sách phương Bắc mới của Hàn Quốc. Từ đó đưa ra một số nhận xét đánh giá về những khó khăn, thách thức và triển vọng.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22 tháng 12 năm 1992 đến nay, trải qua 30 năm phát triển và hợp tác, quan hệ kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc đã đạt được những thành quả to lớn trên nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư, ODA... Đặc biệt, sau khi hai nước nâng cấp lên quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, hợp tác kinh tế giữa hai nước càng được đẩy mạnh cả về lượng và chất. Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng thành công của hợp tác chính trị ngoại giao, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng và sự bổ sung cho nhau trong điều kiện phát triển kinh tế... Để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc, hai bên cần nhận diện và giải quyết những vấn đề còn hạn chế, tăng cường hợp tác sâu rộng hơn và hướng tới các mục tiêu chiến lược toàn diện trong tương lai.
Trên cơ sở phân tích bối cảnh quốc tế và khu vực, bài viết tổng kết, đánh giá một số vấn đề chính trị và an ninh nổi bật của khu vực Đông Bắc Á năm 2022. Đó là các vấn đề: sự bất ổn trong quan hệ Nhật – Trung; những thách thức mới trong quan hệ Trung – Hàn; tăng cường liên minh Nhật – Mỹ - Hàn; sự manh nha quan hệ tay ba Trung - Triều - Nga; triển vọng bế tắc của việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bài viết cũng đưa ra một số dự báo về triển vọng chính trị - an ninh khu vực trong năm 2023 trên cơ sở phân tích những nhân tố dự báo tác động đến đời sống chính trị - an ninh khu vực trong thời gian tới.