Trần Nguyên Khang1
Tóm tắt: Sử dụng khái niệm/lý thuyết của Joseph Nye về quyền lực mềm trong quan hệ quốc tế, tác giả xem xét trường hợp Nho giáo như một nguồn lực mềm của các quốc gia Đông Á. Theo Nye, sức mạnh mềm được hiểu là khả năng của một quốc gia đạt được những thứ mình mong muốn bằng cách tác động tới các quốc gia khác thông qua sự thuyết phục hay cuốn hút. Một trong những kênh ảnh hưởng quan trọng nhất là thông qua hệ thống giá trị tư tưởng. Được vun đắp, tạo dựng từ lâu đời, thể hiện qua thế giới quan, lối sống và thậm chí trong cả cách thức quản trị xã hội, truyền thống Nho học có thể là một nguồn lực quan trọng để tạo nên sức mạnh mềm cho các quốc gia Đông Á. Nghiên cứu* sẽ lấy ba quốc gia tiêu biểu về truyền thống Nho giáo là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để xem xét liệu Nho giáo có thực sự là nguồn lực hữu hiệu cho sức mạnh mềm của các quốc gia này hay không.
Từ khóa: Nho giáo, sức mạnh mềm, ngoại giao văn hóa
Nho giáo (儒教), là hệ thống triết lý tư tưởng do Khổng Tử đặt ra bàn về đạo đức, triết lý, tôn giáo và chính trị nhằm xây[1]dựng một mô hình xã hội thịnh trị. Tại Trung Quốc, Nho giáo từng là tư tưởng độc tôn trong hệ thống tư tưởng chính thống về chính trị cũng như lan rộng và phát triển tại các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan và Việt Nam. Tại các quốc gia và vùng lãnh thổ này, Nho giáo liên quan chặt chẽ đến toàn bộ hệ thống tư tưởng trị nước, tổ chức xã hội, lễ nghi, các mối quan hệ gia đình, là chuẩn mực đánh giá đạo đức cá nhân, cũng như là tiêu chuẩn cho hệ thống giáo dục khoa bảng thi cử. Đến đầu thế kỷ XX, cùng với sự sụp đổ của hệ thống quân chủ tại nhiều quốc gia châu Á, tư tưởng Nho giáo đã mất đi vị thế độc tôn của mình. Tuy vậy, hệ thống tư tưởng này vẫn còn giữ sức ảnh hưởng nhất định. Đến đầu thế kỷ XXI, nhiều quốc gia Đông Á đã phát động phong trào phục hưng Nho giáo thời hiện đại. Phong trào này xuất phát từ Trung Quốc và lan truyền ra các quốc gia Đông Á lân cận, gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, với mục đích khôi phục lại các giá trị đạo đức của xã hội truyền thống. Xa hơn, giá trị tinh thần của Nho giáo giờ đây đang được các quốc gia Đông Á đưa ra như một công cụ sức mạnh mềm đặc trưng nhằm cạnh tranh với các giá trị đến từ phương Tây[2]. Nổi bật gần đây có Trung Quốc với hệ thống Viện Khổng Tử được lập ra trên toàn thế giới như sự khẳng định của quốc gia này về sức mạnh mềm với thế giới.
Về “sức mạnh mềm”, đây là khái niệm được nhiều quốc gia quan tâm và sử dụng trong những năm gần đây. Theo giáo sư Joseph Nye, Đại học Harvard, sức mạnh mềm là sự ảnh hưởng của một quốc gia này đến quốc gia khác nhằm đạt được những điều mình mong muốn thông qua sự thuyết phục hay cuốn hút[3]. Có ba yếu tố tạo nên sức mạnh mềm, đó là: văn hóa, giá trị tư tưởng và chính sách đối nội cũng như đối ngoại. Như vậy, giá trị Nho giáo tại các quốc gia Đông Á có thể được xét như một nguồn giá trị tư tưởng, văn hóa có thể tạo nên sức mạnh mềm cho các quốc gia này. Mặc dù cùng chia sẻ truyền thống Nho giáo, nhưng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những cách tiếp cận khác nhau khi sử dụng hệ giá trị này như công cụ của sức mạnh mềm. Với bài viết “Nho giáo - phương tiện quyền lực mềm của các nước Đông Á”, nghiên cứu sẽ lấy ba quốc gia tiêu biểu về truyền thống Nho giáo là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để xem xét liệu Nho giáo có thực sự là nguồn lực tư tưởng tinh thần và văn hóa hữu hiệu giúp cho các quốc gia này phát huy sức mạnh mềm.
Tại Trung Quốc, hệ giá trị Nho giáo đã tồn tại hàng ngàn năm và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều quốc gia lân cận trong khu vực. Những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, với sự vươn lên mạnh mẽ về kinh tế, Trung Quốc hiểu rõ việc cần thiết có một một hệ giá trị văn hóa - tư tưởng để tạo dựng cho mình một bản sắc riêng, từ đó xây dựng nên sức mạnh mềm gây ảnh hưởng trên toàn thế giới[4]. Hệ tư tưởng này sẽ là phương tiện hỗ trợ tích cực cho hình ảnh “sự trỗi dậy hòa bình” mà Trung Quốc muốn tạo dựng trong mắt bạn bè quốc tế.
Nằm trong kho tàng văn hóa hàng ngàn năm của Trung Quốc, Nho giáo được đánh giá như hệ tư tưởng nổi bậc nhất. Tư tưởng Nho giáo cũng được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới, đặc biệt từ phương Tây chú ý. Nó được xem như một hệ tư tưởng quan trọng trong việc tạo dựng sự đối trọng, cân bằng trong hệ giá trị Đông - Tây. Với việc thành lập và phát triển hệ thống Viện Khổng Tử, Trung Quốc mong muốn thể hiện mình không chỉ là một quốc gia mạnh về kinh tế, chính trị mà còn muốn quảng bá đến thế giới bề dày hệ thống tư tưởng và văn hóa hàng ngàn năm của họ[5]. Viện Khổng Tử lập ra với mục đích không chỉ là một trung tâm phổ cập tiếng Hán, mà còn là một cơ quan trao đổi văn hóa, giáo dục trên phạm vi toàn cầu nhằm truyền bá văn hóa và Quốc học Trung Hoa. Thông qua các hoạt động giáo dục, trao đổi văn hóa của Viện Khổng Tử, Trung Quốc muốn thể hiện hình ảnh mình là một quốc gia cố gắng không ngừng vì hòa bình và hợp tác quốc tế. Trung Quốc mong muốn Viện Khổng Tử chính là cầu nối giữa văn hóa, con người Trung Quốc với thế giới.
Học viện Khổng Tử (孔子学院) thành lập và quản lý bởi Văn phòng Tiểu tổ lãnh đạo công tác dạy Hán ngữ đối ngoại nhà nước (viết tắt Hanban tức Hán biện), một cơ quan nhà nước do các thành viên của Bộ Chính trị trực tiếp điều hành. Theo Hanban, Viện Khổng Tử được thành lập với tính chất phi lợi nhuận, mục đích hướng đến phục vụ công ích xã hội với phương châm “Tôn trọng lẫn nhau, hữu hảo hiệp thương, bình đẳng cùng có lợi”. Viện Khổng Tử là kênh giảng dạy Hán ngữ chính thức duy nhất, có uy tín cùng bộ giáo trình Hán ngữ hiện đại tiêu chuẩn cho người học. Viện Khổng Tử được thành lập đầu tiên trên thế giới vào năm 2004 tại Seoul, Hàn Quốc. Đến cuối năm 2018, Trung Quốc đã thành lập được 548 Viện Khổng Tử và 1.193 lớp học Khổng Tử trên toàn cầu[6],[7]. Với sự hùng hậu về số lượng học viện, cùng hệ thống giảng viên và học viên đông đảo, Viện Khổng Tử đã cho thấy một sự phát triển và mở rộng mạnh mẽ. Trung Quốc hy vọng trung tâm văn hóa ngôn ngữ này có thể sánh tầm với các trung tâm văn hóa ngôn ngữ lâu đời và uy tín như British Council (Anh), Alliance Française (Pháp) hay Viện Goethe (Đức), được coi là đại diện “sức mạnh mềm” của các nước phương Tây trên toàn thế giới[8]. Thế nhưng, với việc mở rộng nhanh chóng của các Viện Khổng Tử, liệu Trung Quốc đã đi đến cái đích của mình là đạt được sự ảnh hưởng về sức mạnh mềm thông qua các giá trị văn hóa truyền thống Nho giáo như họ đã kỳ vọng?
Sự thật có vẻ như đi ngược lại với những con số ấn tượng có được. Vào tháng 11 năm 2014, tức là vào kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Khổng Tử, Hiệp hội các giáo sư đại học Hoa Kỳ đã kêu gọi khoảng 100 trường đại học tại Mỹ xem xét lại mối quan hệ của họ với Viện Khổng Tử[9]. Trước đó, vào năm 2013, Đại học Chicago đã công bố điều tra về hoạt động của các Viện Khổng Tử tại Mỹ về việc các viện này đã can thiệp tự do học thuật. Kết quả, 100 giảng viên của đại học Chicago đã ký tên phản đối sự hiện diện của viện tại khuôn viên trường này[10]. Điều tương tự cũng diễn ra tại Canada[11]. Vào đầu tháng 10 năm 2014, ban điều hành hệ thống trường học thành phố Toronto, hệ thống trường phổ thông lớn nhất nước, đã bỏ phiếu chấm dứt hoạt động của các Viện Khổng Tử tại hệ thống trường Toronto. Đây là đơn vị thứ 3 sau Đại học Mc Master và Đại học Sherbrooke của Canada chấm dứt sự hiện diện của Viện Khổng Tử. Đồng thời, từ tháng 12/2013, một lời kêu gọi tương tự chấm dứt hợp tác với Viện Khổng Tử cũng được Hiệp hội Giảng viên đại học Canada đưa ra. Tại châu Âu, các đại biểu quốc hội Thụy Điển bày tỏ sự lo lắng về sự hiện diện của Viện. Gần đây, năm 2021, Viện Khổng Tử tại Đại học George Washington đóng cửa sau 8 năm hoạt động bởi sự phản ứng dữ dội từ sinh viên, chính trị gia và các cơ quan chính phủ trong cộng đồng[12].
Như vậy, sau quá trình thành lập, Viện Khổng Tử đã vấp phải sự phản ứng, đặc biệt là từ Hoa Kỳ và các nước phương Tây với lo ngại về ảnh hưởng của học viện và khả năng “sức mạnh mềm” của Trung Quốc. Bên cạnh một số nguyên do như sự kiểm duyệt, can thiệp vào tự do học thuật, thì sự khả tín của hệ thống quảng bá văn hóa Trung Quốc là vấn đề mà các quốc gia bàn cãi nhiều nhất[13],[14]. Qua lăng kính của các nước phương Tây, Viện Khổng Tử được xem như một công cụ tuyên truyền nằm trong chiến lược gia tăng quyền lực lãnh đạo của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu[15].
Từ câu chuyện Trung Quốc trong việc gia tăng sức mạnh mềm qua mô hình Viện Khổng Tử, chúng ta có thể nhìn sang hai nước láng giềng là Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia cùng chia sẻ các giá trị của tư tưởng Nho giáo. Ngoài việc được biết đến như là những con rồng châu Á về kinh tế, Nhật Bản và Hàn Quốc còn nổi tiếng thế giới về sức mạnh mềm, đặc biệt trong sự kết hợp những giá trị hiện đại với những giá trị Nho giáo truyền thống[16].
Nhật Bản là quốc gia với nền văn hóa chịu sự ảnh hưởng của truyền thống Nho giáo trong hàng trăm năm. Từ thế kỷ VII, Hiến pháp 17 điều do nhà cải cách Taishi Shōtoku (574 - 622) soạn thảo đã có những tư tưởng mang đậm giá trị Nho giáo[17]. Trải qua nhiều biến động, từ năm 1947, Nhật Bản chuyển đổi mô hình chính trị - xã hội theo chế độ quân chủ lập hiến. Mặc dù hệ thống chính trị Nhật Bản sau cải tổ chịu sự ảnh hưởng của nền dân chủ phương Tây, Nhật Bản vẫn giữ ngôi vị Hoàng đế như một biểu trưng truyền thống của đất nước. Hoàng gia Nhật Bản cho đến nay là nền quân chủ di truyền tồn tại lâu dài nhất thế giới. Hình ảnh của Thiên Hoàng Nhật Bản trong xã hội Nhật Bản gợi nhắc đến một đấng minh quân mà Nho giáo luôn đề cao qua việc hết mình thực hiện đức nhân, gần gũi và hiếu thuận với dân chúng. Mặc dù Thiên hoàng không có quyền quyết định trong chính phủ, nhưng các đời Thiên hoàng hiện đại, từ Hirohito, Akihito đến Naruhito, đều để lại dấu ấn tốt đẹp không chỉ trong lòng dân chúng mà còn là dấu son tạo nên sức mạnh mềm của Nhật trong ngoại giao với thế giới.
Với nước Nhật, yếu tố quan trọng nhất chi phối toàn bộ các mối quan hệ, thể hiện trong chữ Hòa (Wa - 倭) có nghĩa là “hài hòa, hòa hợp, hòa bình và cân bằng”[18]. Chữ Hòa cũng là một trong những tinh thần chính yếu mà Đức Khổng Tử đưa ra khi phát triển Nho giáo với mục đích xây dựng một xã hội hài hòa, trong đó con người ứng xử theo lẽ phải và đạo đức, giúp cho đất nước thái bình, thịnh vượng. Chữ Hòa không chỉ được đưa vào Hiến pháp, mà còn được người dân Nhật Bản xem như một phương châm sống và ngoại giao[19],[20]. Dấu mốc quan trọng trong việc sử dụng chữ Hòa trong ngoại giao Nhật Bản là từ những năm 1970 quốc gia này đưa ra ý niệm về việc chinh phục con tim thông qua tình hữu hảo giữa các quốc gia[21]. “Học thuyết Fukuda” được Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda đưa ra tại Manila (Philippin) vào năm 1977 đề ra ba nguyên tắc quan trọng trong đối ngoại Nhật Bản: (i) cam kết là một quốc gia hòa bình và từ chối vai trò của một cường quốc quân sự; (ii) nỗ lực xây dựng một mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau; (iii) đối tác bình đẳng của ASEAN trong các lĩnh vực hợp tác rộng lớn và phụ thuộc lẫn nhau[22]. Phương châm ngoại giao từ Học thuyết Fukuda được xem là cầu nối giúp Nhật Bản gắn kết với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Đông Nam Á[23].
Trong kinh tế, mô hình kinh doanh phản ánh tinh thần Nho giáo là mô hình tập đoàn keiretsu (tiếng Nhật: 系列, âm Hán Việt: hệ liệt). Cấu trúc tổ chức và tinh thần làm việc của những tập đoàn này đề cao tinh thần đoàn kết, hòa ái, tương trợ lẫn nhau giữa các công ty con thuộc hệ thống tập đoàn[24]. Đây là một mô hình kinh doanh đã tạo nên thành công lớn cho nước Nhật. Thế giới các nước phát triển Âu - Mỹ rất kinh ngạc trước tốc độ phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Khi đặt trong sự so sánh, đối chiếu với các mô hình kinh doanh của phương Tây hay Bắc Mỹ, điều tạo nên sự khác biệt cũng như là động lực cho sự phát triển kinh tế Nhật Bản chính là các mô hình kinh tế xã hội của Nhật Bản mang đậm màu sắc Nho giáo với việc đề cao tinh thần tập thể và trật tự thứ bậc. Đây là điều mà người Nhật rất tự hào khi họ gọi đó là tinh thần Yamato damashi hay tinh thần Nhật Bản.
Trong văn hóa, quốc gia này hướng đến việc gia tăng sức mạnh mềm thông qua việc phổ biến, quảng bá hình ảnh của một đất nước hòa bình, kết hợp những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại (như trà đạo, kiếm đạo, thư pháp, manga, anime…) khẳng định các giá trị văn hóa Nhật sẽ có ích cho các quốc gia khác[25]. Bằng các nỗ lực của mình, Nhật Bản là một trong số các quốc gia thường xuyên giữ vị trí đứng đầu về sức mạnh mềm, bên cạnh các nước như Pháp, Hoa Kỳ, Đức[26],[27].
Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là một trong số ít quốc gia châu Á nằm trong danh sách các quốc gia xếp thứ hạng cao về quyền lực mềm[28],[29]. Xã hội Hàn Quốc cũng chịu sự ảnh hưởng của Nho giáo và vẫn giữ nhiều giá trị truyền thống đến ngày nay. Nếu Nhật Bản có mô hình kinh doanh keiretsu, thì xã hội Hàn Quốc có mô hình kinh doanh chaebol, là các công ty thành viên do một hoặc một số ít gia đình sáng lập và quản lý. Với mô hình quản lý này, tính chất cấp bậc, gia trưởng thể hiện rất rõ. Đây chính là tinh thần Nho giáo trong xã hội Hàn Quốc. Hiện tại Hàn Quốc có bốn Chaebol nổi tiếng thế giới, đó là Daewoo, Hyundai, LG và SK. Với sự tham gia của các Chaebol, Hàn Quốc từ một quốc gia tụt hậu, nghèo nàn do bị tàn phá bởi chiến tranh sau Chiến tranh thế giới thứ hai, bước sang thập niên 90 của thế kỉ XX, quốc gia này đã "lột xác" thành một trong những nước công nghiệp lớn trên thế giới. Đời sống người dân được cải thiện tương đương với các quốc gia phát triển. Trong đó, công lớn được đánh giá đến từ những người hùng chaebol. Và mô hình chaebol, như đã nhận xét, có cội nguồn từ chính cấu trúc tổ chức của một xã hội Nho giáo mà ra. Và điều thần kỳ của Hàn Quốc cũng chính là điều khiến cho thế giới ngưỡng mộ và khâm phục.
Hàn Quốc còn nổi bật với ngành công nghiệp sản xuất văn hóa, đặc biệt với trào lưu Hallyu mang đến cho thế giới hình ảnh một đất nước hiện đại nhưng luôn đậm màu sắc truyền thống. Thông qua các sản phẩm âm nhạc, các bộ phim truyền hình rất được yêu thích trên thế giới, tinh thần đoàn kết, tôn ti trật tự, lấy hòa khí làm trọng, các giá trị tôn sư trọng đạo... luôn được thể hiện xuyên suốt. Từ các bộ phim đại chúng nổi bật như Nàng Dae Jang Geum (2003), Descendants of the Sun (2016), Kingdom (2019), Squid Games (2021) cho đến các tác phẩm có giá trị Hàn Lâm như Parasite (2020, thắng giải Oscar phim hay nhất) cũng đều lồng ghép các giá trị văn hóa lễ nghĩa truyền thống của Hàn Quốc[30],[31],[32]. Qua những bộ phim này, các giá trị Nho giáo từ ngàn xưa, nay được khoác lên mình chiếc áo thời đại thông qua những câu chuyện tươi trẻ, những diễn viên mới đẹp, thu hút sự hâm mộ của hàng triệu người trên thế giới. Khi làn sóng Hallyu và các bộ phim truyền hình Hàn Quốc đã đạt được sự công nhận có ảnh hưởng và danh tiếng quốc tế, đất nước Hàn Quốc cũng bắt đầu được công nhận là phát triển ngang bằng với thế giới phương Tây[33]. Đây chính là sức mạnh mềm đến từ những giá trị văn hóa mang dấu ấn Nho giáo mà Hàn Quốc đã thành công trong việc truyền tải một cách tự nhiên đến cộng đồng thế giới.
Với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, các quốc gia Đông Bắc Á cũng muốn khẳng định mình như những quốc gia bắt kịp phương Tây về sức mạnh mềm. Trở lại câu chuyện Viện Khổng Tử của Trung Quốc, điều gì khiến cho những Viện này đã không được đón nhận nhiệt thành? Ngoài vấn đề tự do học thuật thì điều mà người ta nghi ngờ lớn nhất là nỗi sợ Viện Khổng Tử là công cụ tuyên truyền của Nhà nước Trung Quốc. Tuyên truyền là khi bạn mang đến một thông điệp nhưng thông điệp ấy không đúng với sự thật đang diễn ra, và điều này mang lại một tác dụng ngược. Joseph Nye đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sức mạnh mềm không đến từ sự tuyên truyền, dối trá. Sức mạnh mềm chỉ đạt được khi lời nói đi đôi với hành động.
Với Hàn Quốc và Nhật Bản, các giá trị Nho giáo được thể hiện một cách tự nhiên thông qua các sản phẩm văn hóa, và phản ánh tương khớp với những gì đang diễn ra trong xã hội, con người hai quốc gia này. Và hơn ai hết, chính những người tiêu dùng thế giới là người đánh giá, quyết định cuối cùng trong việc tiêu thụ các sản phẩm này. Kết quả, các sản phẩm văn hóa này không chỉ được chấp nhận mà còn được yêu thích và tạo thành những hiện tượng, trào lưu được thế giới, đặc biệt giới trẻ đón nhận. Qua đó, một nước Nhật với tinh thần đoàn kết, một nước Hàn Quốc với tinh thần hiếu hòa cũng được gửi gắm đến thế giới một cách nhẹ nhàng, tự nhiên nhất.
Với Viện Khổng Tử, Trung Quốc muốn thể hiện mình là một quốc gia có nhiều giá trị truyền thống đến từ Nho giáo. Thế nhưng nếu nhìn lại lịch sử Trung Quốc, từ đầu thế kỷ XX, Nho giáo đã bị mất đi vị trí của nó. Trong khi đó ở Nhật Bản và Hàn Quốc có sự nối dài liên tục các giá trị Nho giáo. Tại Trung Quốc, từ sau khi cách mạng 1949 thành công, quốc gia này đã có sự thay đổi lớn và triệt để về hệ thống chính trị. Trung Quốc đã chuyển mình theo mô hình xã hội chủ nghĩa, đoạn tuyệt hoàn toàn với các giá trị phong kiến cũ. Nho giáo được xem như là giá trị cổ hủ, là tàn tích của chế độ phong kiến và cần bị loại trừ, với đỉnh điểm là cuộc cách mạng văn hóa. Vào những năm 1960, Mao Trạch Đông từng đề ra khẩu hiệu chống lại “4 cũ - tập tục cũ, văn hóa cũ, thói quen cũ và tư tưởng cũ” nhằm yêu cầu tái thiết xã hội. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến truyền thống Nho giáo tại Trung Quốc. Ngày nay, Trung Quốc đã mở cửa, mô hình thể chế - xã hội chính vẫn là mô hình xã hội chủ nghĩa. Trong các chính sách về sức mạnh mềm của mình, chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh việc phát triển sức mạnh mềm phải dựa trên yếu tố văn hóa xã hội chủ nghĩa[34]. Với chính quyền Bắc Kinh, hệ thống giá trị xã hội chủ nghĩa đóng vai trò cốt lõi. Như vậy, nền tảng sức mạnh mềm Trung Quốc đến từ giá trị chủ nghĩa xã hội, chứ không phải là giá trị Nho giáo[35],[36].
Với cấu trúc kinh tế xã hội ngày nay tại Trung Quốc, đất nước này đã mở cửa và kết hợp yếu tố thị trường vào nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của mình[37]. Một mô hình kinh tế chủ chốt, phổ biến tại quốc gia này là mô hình jituan gongsi. Về căn bản, các jituan gongsi của Trung Quốc có nhiều điểm khá tương đồng với keiretsu của Nhật Bản, chaebol của Hàn Quốc. Tuy nhiên, điểm khác biệt là quá trình hình thành nên các jituan gongsi mang đậm dấu ấn kiểm soát và quản lý của nhà nước Trung Quốc. Về lối sống, với sự mở cửa của đất nước, giới trẻ Trung Quốc lại ưa chuộng những giá trị và văn hóa phương Tây nhiều hơn là truyền thống[38],[39]. Phim Mỹ, thức ăn nhanh, hàng hiệu phương Tây, lối sống hưởng thụ cá nhân... trở thành trào lưu phổ biến của nhiều thanh niên tại quốc gia này. Như vậy, liệu bản thân xã hội Trung Quốc có thực sự còn gìn giữ những giá trị của Nho giáo?
Với các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan, Singapore, bài học thành công được rút ra đến từ những giá trị Nho giáo mà xã hội các quốc gia/vùng lãnh thổ này gây dựng trong suốt quá trình phát triển. Đó là sự đề cao tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, xây dựng một xã hội hài hòa, trật tự, kết hợp với những giá trị dân chủ hiện đại. Đây là những giá trị xuyên suốt thấm nhuần từ chính phủ cho đến người dân. Đó chính là những yếu tố tư tưởng, những giá trị đã tạo nên một sức bật thần kỳ, hình thành những con rồng, con hổ châu Á mà thế giới rất ngưỡng mộ.
Sự thành công của Trung Quốc trong kinh tế và chính trị giúp quốc gia này giữ vị trí quan trọng hàng đầu trên trường quốc tế. Thế nhưng, về sức mạnh mềm họ còn một chặng đường dài phía trước khi sự hiện diện còn khá khiêm tốn trên các bảng xếp hạng quốc tế[40]. Trung Quốc đang đứng ở sự lựa chọn những giá trị cho sức mạnh mềm của mình. Những năm gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa lại ý tưởng về sự ủng hộ mạnh mẽ những giá trị Nho giáo nhằm phát huy sức mạnh mềm quốc gia. Ông phát biểu: “Học viện Khổng Tử thuộc về Trung Quốc và thế giới”[41]. Tuy nhiên, liệu thế giới có chấp nhận Viện Khổng Tử cùng những giá trị Trung Quốc hay không? Điều thế giới còn hoài nghi chính là sự tương thích giữa những giá trị Trung Quốc đưa ra và hiện thực những việc họ làm. Đặc biệt, gần đây, trong mối quan hệ với các quốc gia láng giềng về vấn đề Biển Đông, các hành động của Trung Quốc gây quan ngại cho cộng đồng thế giới về sự hòa hiếu mà họ vẫn luôn đề cao[42],[43]. Như vậy, bài toán cho sức mạnh mềm của Trung Quốc, nằm trong chính sự khả tín của hành động, cũng là bài học cốt lõi về đạo làm người quân tử mà Đức Khổng Tử luôn nhắc nhở: “Quân tử khứ nhân, ác hồ thành danh”, tức là người quân tử không theo đuổi các giá trị nhân nghĩa, thì làm sao tạo dựng được tiếng tăm./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TS., Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
* Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề tài mã số “C2022-18b-10.
[2] Yersu Kim, “Đông Á và sự phát triển của các giá trị phổ biến”, Tạp chí Triết học, số 11 (186), tháng 11/2006, http://philosophy.vass.gov.vn/phuong-dong/dong-a-va-su-phat-trien-cua-cac-gia-tri-pho-bien-48.0.
[3] Josheph Nye (2004), Soft Power: The Means to Success in World Politics, Public Affairs, New York, tr. 2.
[4] Nguyễn Thị Thu Phương (chủ biên, 2013), Sự trỗi dậy về sức mạnh mềm của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
[5] Jennifer Hubbert (2019), China in the World: An Anthropology of Confucius Institutes, Soft Power, and Globalization, University of Hawaii Press, Honolulu, tr. 1.
[6] C. Textor (2021), “Total number of Confucius Institutes and Confucius Classrooms worldwide from 2013 to 2018”, https://www.statista.com/statistics/879340/china- confucius-institutes-and-confucius-classrooms-worldwide/
[7]Confucius Institutes Around the World – 2021: https://www.digmandarin.com/confucius-institutes-around-the-world.html.
[8] Jennifer Hubbert (2019), China in the World: An Anthropology of Confucius Institutes, Soft Power, and Globalization, University of Hawaii Press, Honolulu, tr. 13.
[9] Editorial Board (21/06/2014), “The price of Confucius Institutes”, Washington Post, http://www.washingto npost. com/opinions/the-price-of-confucius-institutes/2014/06/21/4d7598f2-f7b6-11e3-a3a5-42be35962a52_story.html.
[10] Cam Ly (12/11/2014), “Vì sao giảng đường Mỹ, Canada đóng cửa Viện Khổng Tử?”, Tuổi Trẻ, http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/cuoc-song-muon-mau/phong-su-ho-so/20141112/vi-sao-cac-giang-duong-my-canada-dong-cua-vien-khong-tu/667849.html.
[11] Vĩnh Nguyên (31/10/2014), “Canada bỏ phiếu đóng cửa Viện Khổng Tử”, Lao Động, http://laodong. com.vn/the-gioi/canada-bo-phieu-dong-cua-vien-khong-tu-262913.bld.
[12] Yankun Zhao (21/07/2021), “University shuts down Confucius Institute following years of opposition”, https://www.gwhatchet.com/2021/07/21/university-shuts-down-confucius-institute-following-years-of-opposition/.
[13] Nathan Beauchamp-Mustafaga, “A spoiled Anniversary: China Reacts to Confucius Institute Controversy”, China Brief, Volume 14, Issue 19, 10/10/2014. Tham khảo thêm tại: http://nghiencuu quocte.net/2015/01/06/trung-quoc-phan-ung-hoc-vien-khong-tu/#sthash.jEZ2YJcC.dpuf.
[14] Jennifer Hubbert (2019), China In The World: An Anthropology Of Confucius Institutes, Soft Power, And Globalization, University of Hawaii Press, Honolulu, tr.15.
[15] Kingsley Edney, Stanley Rosen and Ying Zhu (Editor) (2020), Soft Power with Chinese Characteristics: China’s Campaign for Hearts and Minds, Routledge, New York, p. 135.
[16] Hoàng Minh Lợi (Chủ biên) (2013), Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về sự gia tăng quyền lực mềm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[17] Đoàn Lê Giang (2009), “Nho giáo Nhật Bản và Nho giáo Việt Nam”, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/ home/index.php?option=com_content&view=article&id=352:nho-giao-nht-bn-va-nho-giao-vit-nam&catid=72:hi-ngh-khoa-hc-han-nom&Itemid=146.
[18] Katsuyoshi Sanematsu (2018), "Wa": Origin and Essence of the Idea of Japanese Harmony, The Journal of Applied Sociology No.60, pp. 171-190, Departmental Bulletin Paper of Rikkyo university repository.
[19] Hoàng Minh Lợi (2013), “Những vấn đề nổi bật về quyền lực mềm ở Nhật Bản”, Nghiên cứu Nhật Bản, http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=729.
[20] Trần Nguyên Khang (2019), “Tinh thần chữ “Hòa” trong Sức mạnh mềm Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Hà Nội, trang 69-76.
[21]De Miguel, Emilio (2013), "Japan and Southeast Asia: From the Fukuda Doctrine to Abe's Five Principles", UNISCI Discussion Papers.
[22] William W. Haddad (1980), “Japan, the Fukuda Doctrine, and ASEAN”, Contemporary Southeast Asia Vol. 2, No. 1, pp. 10-29.
[23] Wakatsuki, Hidekatsu (2018), "The Theory of Takeo Fukuda" (PDF), CiNii, Rikkyo University.
[24] Yoshiaki Takahashi (2009), Quản trị kinh doanh học và quản trị doanh nghiệp tại Nhật Bản, Nxb Tri thức.
[25] Ngô Phương Anh (2016), “Chiến lược quảng bá sức mạnh mềm của Nhật Bản và kinh nghiệm đối với Việt Nam”, Lý luận chính trị, http://www.lyluanchinhtri. vn/home/index.php/quoc-te/item/1497-chien-luoc-quang-ba-suc-manh-mem-cua-nhat-ban-va-kinh-nghiem-doi-voi-viet-nam.html.
[26]Portland (2020), “The Soft Power 30”, ttps://sof tpower30.com/wp-content/uploads/2019/10/The-Soft-Power-30-Report-2019-1.pdf.
[27] Trần Nguyên Khang (2021), “Nhận thức và sử dụng quyền lực mềm của Nhật Bản trong quan hệ quốc tế”, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Khoa học Xã hội và Nhân văn, 5(4):1374-1383.
[28] The Outlooker Web Desk (2022), “India ranked 11th in ISSF’s World Soft Power Index 2022”, The Outlooker, https://theoutlooker.com/national/india-ranked-11th-in-issfs-world-soft-power-index-2022-17275/.
[29] Lee Hana (2021), “Korea ranked 2nd in soft power by UK magazine Monocle”, https://www.korea.net/News Focus/Society/view?articleId=192236.
[30] Thảo Lê (Theo Chicago Tribune) (2004), “Hàn Quốc hốt bạc nhờ… “Nàng Dae Jang Geum””, https://cand. com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/Han-Quoc-hot-bac-nho%E2%80%A6-Nang-Dae-Jang-Geum-i280340/.
[31] Dong Sun-hwa (2019), “Netflix Korean Zombie series 'Kingdom' grabs attention”, The Korea Times, http://www. koreatimes.co.kr/www/art/2019/02/688_263083.html.
[32] Minh Thi (2020), “Thành công mới của điện ảnh châu Á: Những câu chuyện toàn cầu và tính dị biệt Á đông”, Tạp chí Tia Sáng, https://tiasang.com.vn/-van-hoa/ Thanh-cong-moi-cua-dien-anh-chau-A-Nhung-cau-chuyen-toan-cau-va-tinh-di-biet-A-dong-22993/.
[33] Kuwahara, edited by Yasue (2014), The Korean wave: Korean popular culture in global context, Palgrave Macmillan, Basingstoke.
[34] Hoàng Minh Lợi (Chủ biên) (2013), Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về sự gia tăng quyền lực mềm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 58-65.
[35] Nguyễn Thị Thu Phương (Chủ biên) (2013), Sự trỗi dậy về sức mạnh mềm của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, tr. 45-51.
[36] Hoàng Thế Anh (Chủ biên) (2013), Xã hội Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, tr. 310-316.
[37] Nguyễn Kim Bảo (chủ biên, 2013), Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa.
[38] Katie Burkhardt (2013), “A More Western China?”, http://www.echinacities.com/expat-corner/A-More-Western-China-4-Areas-Where-the-West-Has-Impacted-China.
[39] China Today (2005), “Embracing Western ways while cleaving to tradition”, http://www.chinadaily.com.cn/ english/doc/2005-01/21/content_411100.htm.
[40] Portland (2020), “The Soft Power 30”, https://softpower30.com/wp-content/uploads/2019/10/The-Soft-Power-30-Report-2019-1.pdf.
[41] Nathan Beauchamp-Mustafaga, (10/10/2014), “A spoiled Anniversary: China Reacts to Confucius Institute Controversy”, China Brief, Volume 14, Issue 19.
[42] Vũ Hân (2020). “Việc cho phép cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ lực gây lo ngại nghiêm trọng”, Thanh niên, https://m.thanhnien.vn/viec-cho-phep-canh-sat- bien-trung-quoc-su-dung-vu-luc-gay-lo-ngai-nghiem-trong-post1012858.amp.
[43] Thanh Hà (2020), “Nhiều học giả quốc tế lo ngại Dự luật Cảnh sát biển của Trung Quốc”, Thanh niên, https://laodong.vn/the-gioi/nhieu-hoc-gia-quoc-te-lo-ngai-du-luat-canh-sat-bien-cua-trung-quoc-855285.ldo.