Lê Văn Yên1, Nguyễn Thị Mộng Tuyền2
Tóm tắt: Trước những chuyển biến nhanh chóng của tình hình quốc tế, nhất là nguy cơ của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đến gần, vận mệnh của dân tộc Việt Nam giục giã người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Với nhãn quan chính trị sáng suốt, Người đề nghị Quốc tế Cộng sản cử Người trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Mùa đông năm 1938, Người đến Trung Quốc, giữa lúc phát xít Nhật mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn cõi Trung Quốc, Người trực tiếp tham gia Hồng quân, cùng nhân dân và Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nhật Bản. Đặc biệt, Người dùng báo chí, một vũ khí sắc bén viết nhiều bài tố cáo tội ác dã man của phát xít Nhật, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Trung Quốc, đồng thời xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Trung. Người đã có những đóng góp công sức cho cách mạng và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những năm 1938-1940.
Từ khóa: Nguyễn Ái Quốc, hoạt động cách mạng, Việt Nam, Trung Quốc
Cuối năm 1936, kết thúc khóa học ở Trường Quốc tế Lênin, Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản phân công đến công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa ở Mátxcơva. Năm 1937, Người được tuyển làm nghiên cứu sinh Ban Sử của Viện và Người tích cực chuẩn bị tư liệu để viết luận án về đề tài Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam châu Á. Vào những năm này, nguy cơ chủ nghĩa phát xít và Chiến tranh thế giới thứ hai đến gần, đe dọa cuộc sống của loài người, trong đó có dân tộc Việt Nam. Với nhãn quan chính trị sáng suốt, Người đề nghị Quốc tế Cộng sản cử Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. G. Đimitơrốp, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản chủ trương tập hợp rộng rãi nhân dân thế giới thành Mặt trận chống chủ nghĩa phát xít, nên đã tạo điều kiện để người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ái Quốc sớm trở về nước hoạt động. Ngày 29/9/1938, Người nhận quyết định về nước do Nôvicốp, Trưởng phòng cán bộ của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa ký. Nhận quyết định, Người thu xếp toàn bộ sách vở, tài liệu cùng với bản luận án đang viết dở nộp lại cho Ban Cán bộ của Viện, rồi từ biệt các đồng chí, bạn bè để gấp rút lên đường về nước, chỉ mang trong mình cuốn sổ tay có ghi một số địa chỉ cần thiết. Nói về hoàn cảnh của Nguyễn Ái Quốc lúc đó, Nguyễn Khánh Toàn, người đang công tác ở Mátxcơva vào thời điểm đó kể lại: “Vì hoàn cảnh khó khăn, Bác chưa về nước được cho nên ở lại học thêm, chứ mục đích chính không phải là học. Vì lớp học nghiên cứu sinh phải mất ba năm đằng đẵng. Bác là người hoạt động, không thể cứ ngồi nghiền sách”[3].
Vào một buổi chiều mùa đông năm 1938, Nguyễn Ái Quốc đáp xe lửa từ ga Iarốtxlápxki rời Mátxcơva đi về phương Đông. Cuối năm 1938, Người đến Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc, thuộc Tây Bắc Trung Quốc. Tại đây, Người được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tạo điều kiện tham gia Bát lộ quân, mang quân hàm thiếu tá với bí danh Hồ Quang, nhằm giúp Người chuyển dần xuống miền Nam Trung Quốc để về Việt Nam. Bài viết trình bày, phân tích làm rõ các sự kiện lịch sử trong quá trình hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1938 đến năm 1940 ở Trung Quốc, bao gồm: tham gia Hồng quân, cùng nhân dân Trung Quốc chống phát xít Nhật và dùng báo chí làm vũ khí sắc bén, đóng góp cho cách mạng Trung Quốc.
2. Tham gia Hồng quân, cùng nhân dân Trung Quốc chống phát xít Nhật
Từ Lan Châu, Nguyễn Ái Quốc đến Tây An. Sau mấy ngày ở Tây An, Người cùng các chiến sĩ Hồng quân Trung Quốc hộ tống chuyến vận tải thô sơ chở vải đến Diên An. Diên An lúc đó là trung tâm căn cứ địa của 18 vạn quân cách mạng và Khu giải phóng Hoa Bắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc bao gồm ba tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc và Ninh Hạ sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành cuộc vạn lý trường chinh gian khổ từ miền Nam lên miền Bắc vào những năm 1935-1936. Đến năm 1938, căn cứ địa Thiểm - Cam - Ninh đã vững mạnh, Diên An trở thành “thủ đô cách mạng” của những người cộng sản, là nơi phát ra mọi chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ở Diên An, Nguyễn Ái Quốc với bí danh là Thiếu tá Hồ Quang, nhưng thực chất là khách của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, với tư cách là Ủy viên Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản nhờ các đồng chí Trung Quốc giúp đỡ để về Việt Nam. Ở Diên An, Người đã ủng hộ hết lòng sự nghiệp kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc. Người còn trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc về tình hình quốc tế và chủ trương của Quốc tế Cộng sản trong tình hình mới, đồng thời tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau đó, Người trở lại Tây An, rồi cùng các chiến sĩ Hồng quân áp tải đoàn xe hơi chở học sinh và cán bộ trung, cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến Diên An. Trên đường qua vùng “trắng”, bọn đặc vụ Quốc dân Đảng lục soát xe, dọa giữ người và xe, gây khó khăn cho đoàn. Trước thái độ và lý lẽ cứng rắn của các chiến sĩ Hồng quân, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, bọn đặc vụ phải rút lui.
Cuối năm 1938, Nguyễn Ái Quốc cùng tướng Diệp Kiếm Anh đến Quế Lâm. Người được bố trí công tác tại Phòng Cứu vong thuộc Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm, gồm các bộ phận hậu cần, cơ yếu, giao thông, điện đài... Người làm việc ở thôn Lộ Mạc - một trạm vận chuyển của Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm. Người là ủy viên y tế kiêm ủy viên bích báo và tham gia lãnh đạo phòng, đồng thời còn phụ trách biên tập tờ Sinh hoạt tiểu báo, tờ báo nội bộ của văn phòng. Các bài viết của tờ báo đều được viết trên giấy kẻ ô vuông, sau đó đóng thành tập. Người tự vẽ bìa, đồng thời viết bài, có lúc làm thơ theo lối cổ của Trung Quốc. Người viết bài thường xuyên, rất đúng thời gian và làm báo rất cẩn thận. Công việc kiểm tra vệ sinh và làm bích báo chỉ chiếm một phần nhỏ thời gian, còn phần lớn thời gian Người đọc sách, viết báo, tìm hiểu đường lối kháng Nhật, chủ trương xây dựng quân đội, kinh tế, văn hóa và những kinh nghiệm hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời theo dõi sát sao tình hình chiến sự ở Trung Quốc và diễn biến của tình hình quốc tế. Đồng chí Hà Khải Quân lúc đó là Chủ nhiệm Văn phòng Cứu vong, người cùng công tác với Nguyễn Ái Quốc ở Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm đánh giá: “Ở Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp góp phần vào cách mạng Trung Quốc. Những ai gặp Nguyễn Ái Quốc đều có những ấn tượng sâu sắc. Người làm việc tỉ mỉ và có trách nhiệm, sinh hoạt giản dị, chân thật và thương yêu mọi người, có tinh thần hy sinh và tấm lòng của người cộng sản, và trở thành tấm gương cho những người cộng sản chúng ta. Trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm có một nhiệm vụ nặng nề là chuyển mọi khoản quyên góp của đồng bào Hồng Công và kiều bào ở hải ngoại ủng hộ kháng chiến đến Diên An kịp thời. Nguyễn Ái Quốc đã từng giúp đỡ hết lòng”[4]. Còn đồng chí Lý Kim Đức, lúc đó là Trưởng phòng Cơ yếu của Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm, viết hồi ký kể lại: “Với sự giúp đỡ của Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Việt Nam, các đồng chí ở văn phòng chúng tôi đi qua Hà Nội và Hải Phòng để mua các vật tư phục vụ kháng chiến chống Nhật. Rất nhiều vật tư Hoa kiều quyên góp đều từ Hà Nội đến Quế Lâm, sau đó chuyển đi Diên An và các nơi khác”[5].
Đầu năm 1939, Nguyễn Ái Quốc đến Trùng Khánh, ở tại Văn phòng Bát lộ quân Trùng Khánh. Người thường xuyên đến thăm và trao đổi tình hình thời cuộc và bàn việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản với Chu Ân Lai, đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến tháng 2/1939, Người cùng tướng Diệp Kiếm Anh từ Văn phòng Bát lộ quân ở Quế Lâm chuyển tới Trường Huấn luyện cán bộ du kích ở Nam Nhạc, thuộc thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam. Trường Huấn luyện này được tổ chức với sự Quốc - Cộng hợp tác khi quân Nhật đã chiếm lĩnh nhiều vùng trên lãnh thổ Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch thấy cần truyền những kinh nghiệm đánh du kích của Bát lộ quân nên yêu cầu Đảng Cộng sản cử cán bộ đến giảng dạy tại trường. Ở trường, tướng Diệp Kiếm Anh giữ chức Phó trưởng ban Ban giáo dục và Nguyễn Ái Quốc là Bí thư của các giáo viên và cán bộ cộng sản và kiêm chức hiệu thính viên điện đài, phụ trách việc nghe đài lấy tin, bảo đảm thông tin liên lạc giữa nhà trường với Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm. Người tham gia hai khóa huấn luyện, khóa I từ tháng 2 đến tháng 5/1939, khóa II từ tháng 6 đến tháng 9/1939 với danh nghĩa công khai là Thiếu tá Hồ Quang, nhân viên điện đài. Khóa thứ III, trường huấn luyện phải rời đi nơi khác, vì thành phố Hành Dương bị phát xít Nhật oanh tạc dữ dội, do đó Người trở lại Quế Lâm. Nhớ lại thời gian hoạt động ở Quế Lâm, sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại một cách khiêm tốn: “Lần thứ hai tôi đến Trung Quốc (cuối năm 1938) vào thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Là một binh nhì trong Bát lộ quân, tôi là chủ nhiệm câu lạc bộ của một đơn vị ở Quế Lâm. Sau đó được bầu làm Bí thư chi bộ kiêm phụ trách nghe radio của một đơn vị ở Hành Dương. Thế là tôi học được một ít kinh nghiệm xây dựng Đảng khi ở Liên Xô, kinh nghiệm đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản khi ở nước Pháp, kinh nghiệm chống thực dân và phong kiến khi ở Trung Quốc. Trong lúc đó, các đồng chí Trung Quốc ra sức giúp tôi chắp liên lạc với trong nước ta”[6].
3. Dùng báo chí làm vũ khí sắc bén, đóng góp cho cách mạng Trung Quốc
Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, phát xít Nhật mở rộng xâm lược, thống trị và đàn áp dã man nhân dân Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch trở mặt, đem quân đánh vào biên khu, nơi Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đóng, tấn công các đơn vị Bát lộ quân và Tân tứ quân khắp mọi nơi. Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa phải đánh Nhật, vừa phải chống Tưởng, vừa phải giữ cho Mặt trận dân tộc chống Nhật khỏi bị tan vỡ. Nguyễn Ái Quốc đã cùng với nhân dân Trung Quốc tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống Nhật và đóng góp không ít công sức vào công tác của Đảng Cộng sản và cách mạng Trung Quốc. Từ khi nhận được chiếc máy chữ do Lý Bội Quần mua hộ, dưới danh nghĩa một nhà báo Trung Quốc với bút danh P.C. Lin, Người viết nhiều bài đăng trên báo chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc và gửi về Việt Nam, tố cáo tội ác dã man của phát xít Nhật, tinh thần chiến đấu của Hồng quân, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Trung Quốc trong cuộc chiến chống phát xít Nhật. Điển hình là bài “Người Nhật Bản muốn khai hóa Trung Quốc như thế nào”. Bằng cách trích những đoạn trong cuốn sách của tác giả phương Tây[7] và một số tài liệu sưu tầm được, Người công bố nhiều số liệu, nhiều việc làm tàn bạo của quân Nhật ở trại tị nạn Nam Kinh từ tháng 12/1937 đến tháng 12/1938. Bài viết tập trung vào các chủ đề “Người Nhật Bản và trại những người tị nạn ở Nam Kinh” với các tiểu đề “Hãm hiếp”, “Những vụ tàn sát”. Qua đó, Người tố cáo những vụ tàn sát dã man nhân dân, bắt cóc và hãm hiếp hàng chục nghìn đàn bà, con gái Trung Quốc thuộc mọi lứa tuổi. Theo Người, những vụ việc, những con số khách quan ấy, tuy chưa phản ánh đầy đủ tội ác của phát xít Nhật, nhưng cũng đủ cho mọi người một ý niệm về những gì mà chúng nhất định sẽ tiến hành tại các nước khác ở châu Á, nếu một khi chúng đã thắng được nhân dân Trung Quốc. Dự đoán tài tình này của Người đã được xác nhận khi phát xít Nhật mở rộng xâm lược ra các nước châu Á trong những năm 40 của thế kỷ XX. Mặt khác, trước sự run sợ của chính quyền Tưởng Giới Thạch về “sức mạnh Nhật Bản”, Người khẳng định lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu ngoan cường của nhân dân Trung Quốc, rằng: “Những sự tàn bạo của bọn Nhật sẽ được đáp lại một cách đích đáng bằng chủ nghĩa anh hùng vô song của những người Trung Hoa đang chiến đấu cho nền độc lập và sinh mệnh của mình”[8].
Trong một loạt bài Thư từ Trung Quốc như bài ghi “Quế Lâm, cuối tháng 2”, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ sự hợp tác bước đầu ở Trung Quốc giữa Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng trong Mặt trận dân tộc chống Nhật; lên án khuynh hướng thất bại chủ nghĩa và đầu hàng Nhật mà đại biểu là Uông Tinh Vệ, cựu Chủ tịch Hội đồng chính trị quốc gia nước Trung Hoa. Đồng thời, giới thiệu kết quả kỳ họp lần thứ ba Hội đồng chính trị quốc gia nước Trung Hoa đã vạch ra và thảo luận nhiều dự án về quân sự, kinh tế, tài chính, giáo dục, ngoại giao, nội trị và các vấn đề khác, “trong số đó có một vài dự án đã được đưa ra thực hiện ngay từ hôm nay vì lợi ích cuộc đấu tranh của chúng tôi chống bọn xâm lược”[9]. Hoặc bài ghi “Quế Lâm, đầu tháng 3”, Người nêu những con số hùng hồn về những khó khăn, tổn thất và thiệt hại của phát xít Nhật trên khắp các “mặt trận du kích” ở Trung Quốc. Trong phần kết, Người viết: “Nhưng nếu bọn Nhật muốn quân du kích đánh giặc như những “người văn minh” bằng cách dùng giáo mác và súng trường để chọi với xe tăng và đại bác thì chúng có thể chờ đó. Chúng tôi không đến nỗi ngu ngốc như thế!”[10]. Còn trong bài ghi “Quế Lâm, ngày 15-4”, Người thuật lại một số vụ binh biến ở Đại Cô, Hán Khẩu, tình trạng mất lòng tin vào chiến thắng của quân đội Nhật, những vụ nổi dậy của binh lính Nhật ở Hồng Công, Louang… Kết thúc, Người viết: “Sau khi đọc qua vài sự việc trên đây, chắc các bạn thừa hiểu vì sao bọn Nhật sau khi chiếm Hán Khẩu, Quảng Châu và Nam Dương thì không còn tiến được nữa”[11].
Trong bài “Chủ nghĩa anh hùng của công nhân Trung Quốc trong cuộc chiến tranh chống Nhật”, từ việc chỉ ra công nhân Trung Quốc là những người yêu nước ưu tú trong cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc, đã làm cho bọn Nhật ngày càng trở nên mệt mỏi, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Cuộc chiến đấu này không chỉ khẳng định phẩm chất yêu nước ưu tú nhất của công nhân Trung Quốc đang đấu tranh anh dũng không chỉ vì nền độc lập của đất nước mình, mà còn vì nền văn minh của nhân loại nữa”[12]. Trong bài “Tổng kết sau hai năm chiến tranh”, Người chỉ rõ, tuy quân Nhật chiếm được 12 tỉnh của Trung Quốc với số dân 200 triệu người, nhưng chúng đã thất bại trên tất cả các mặt trận về chính trị, kinh tế, quân sự. Đồng thời, Người trình bày chi tiết cuộc kháng chiến anh dũng của quân, dân trung Quốc trong kháng chiến chống phát xít Nhật và khẳng định: Chúng tôi có “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” là ba yếu tố cần thiết cho chiến thắng. Người kết thúc bài viết bằng mấy câu thơ:
Mỗi chúng ta là một chiến sĩ anh hùng.
Tiến lên! Quân thù sắp phải nhả ra thôi.
Hãy cống hiến tất cả! Hãy cống hiến tất cả!
Cho chiến thắng đang đến với chúng ta!”[13].
Vào thời gian này, Người còn viết cuốn sách nói về Khu đặc biệt (tức khu Diên An) và một số bài báo phản ánh những biến cố chính trị và quân sự, sự tàn ác của phát xít Nhật, tinh thần anh dũng của các Hồng quân Trung Quốc, về hoạt động của bọn tờrốtxkít và cuộc đấu tranh quyết liệt chống bọn tờrốtxkít của Đảng Cộng sản Trung Quốc… Là Ủy viên Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, Người cũng không quên viết Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản nói về sự ủng hộ lẫn nhau giữa cách mạng Đông Dương và Trung Quốc, cũng như sự cấu kết giữa Pháp và Tưởng…
Vận mệnh của Tổ quốc Việt Nam thân yêu thôi thúc người chiến sĩ Nguyễn Ái Quốc, tháng 2/1940 Người đến Côn Minh và bắt liên lạc được với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng ta. Tại Côn Minh, Người quyết định cho rải truyền đơn dọc tuyến đường sắt từ Côn Minh đến biên giới Việt - Trung, vach trần tội ác của Pháp - Nhật và kêu gọi quần chúng ủng hộ nhân dân Trung Quốc kháng Nhật. Tháng 6/1940, tại buổi gặp gỡ giữa Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng ở Côn Minh có các đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp từ trong nước mới sang, Người thông báo về cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và cho biết, hiện nay nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc là đoàn kết mọi lực lượng để chống Nhật, đồng thời nêu khái quát tình hình quốc tế. Người đưa ra nhận định: “Đức đánh nhau với Ba Lan. Liên Xô ký hiệp ước không xâm phạm với Đức là hợp với tình hình hiện tại. Tuy có hiệp ước như vậy thế nào bọn Đức cũng tấn công Liên Xô trong một ngày gần đây. Nhưng đụng vào Liên Xô thì chúng sẽ bị tiêu diệt”[14]. Được tin thủ đô Pari của Pháp thất thủ, Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức, Người triệu tập một cuộc họp rất quan trọng tại Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng ở Côn Minh, phân tích rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa bọn thực dân ở chính quốc và bọn thực dân ở Đông Dương và nhận định: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”[15]. Với suy nghĩ của một nhà chiến lược thiên tài, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy một vấn đề cần giải quyết ngay là tìm được cách hoạt động hợp pháp trên đất Trung Quốc trong lúc chuẩn bị về nước. Vì vậy, Người chủ trương lợi dụng chính quyền Quốc dân Đảng Trung Hoa để hoạt động, tranh thủ về chính trị, kinh tế, đồng thời cũng đề phòng sự phản trắc của họ. Người chỉ đạo Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng duy trì và củng cố Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện hội là tổ chức quần chúng của Đảng thành lập từ năm 1935 trên đất Trung Quốc, được chính quyền Quốc dân Đảng địa phương chấp nhận, để dễ bề hoạt động.
Hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc, trong thời gian này, Người tìm mọi cách liên lạc với các lực lượng chống phát xít Nhật để cùng nhau đấu tranh, đồng thời triển khai những hoạt động quốc tế dồn dập. Người cử Trần Văn Hinh vừa ở Nam Kỳ sang đi Diên An để thực hiện một bản hiệp ước có tính chất hợp tác đầu tiên với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Nhật, trong đó có một số điều khoản cơ bản như: “Lập Mặt trận thống nhất nhân dân Trung - Việt chống Nhật; Đảng Cộng sản Đông Dương phái cán bộ tới Diên An để dự huấn luyện tại Trường Đại học kháng Nhật…”[16]. Cuối tháng 6/1940, Người đáp máy bay đến Trùng Khánh gặp Chu Ân Lai để trao đổi về tình hình quốc tế và bàn phối hợp hoạt động giữa cách mạng Việt Nam và Trung Quốc. Đầu tháng 7/1940, Nguyễn Ái Quốc trở lại Côn Minh. Mặc dù bề bộn với nhiều vấn đề cấp thiết, nhưng trong thời gian ở Côn Minh, Người vẫn tiếp tục đóng góp cho cách mạng Trung Quốc. Với bút danh Bình Sơn, Người tiếp tục viết một loạt bài cho tờ Cứu vong nhật báo, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc do Hạ Diễn làm Tổng biên tập. Trên tờ Cứu vong nhật báo từ ngày 15/11 đến ngày 16/12, người ta đã thấy xuất hiện mười hai bài ký tên Bình Sơn. Đáng chú ý là các bài: “Ôong trôi co mát”, nghĩa là “Ông trời có mắt”, Người phân tích thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, bây giờ lại để cho Đức đánh chiếm và cướp bóc nhân dân Pháp. Chúng còn coi khinh Trung Quốc, nhưng nhân dân Trung Quốc đã anh dũng chống Nhật. Hai dân tộc Trung - Việt “có thể sát cánh chặt chẽ với nhau, đá cho đế quốc đang áp bức chúng ta cút đi, thế thì ông trời chẳng những có mắt mà còn có cả chân nữa!”[17]; bài “Con ếch và con bò”, phân tích âm mưu và tình hình suy yếu của bọn phát xít Mútxôlini; bài “Hai chính phủ Vécxay”, nói về bản chất bán nước của chính phủ Visi của Pêtanh; bài “Ca dao Việt Nam và cuộc kháng chiến của Trung Quốc”, nói về sự đoàn kết giữa Việt Nam và Trung Quốc trong đấu tranh chống kẻ thù chung là phát xít Nhật…
Điển hình là bài “Nhân dân Việt Nam và báo chí Trung Quốc”, trong đó Người chỉ rõ: “Phong trào giải phóng của Việt Nam là đội quân Đồng minh trong cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc. Về tinh thần cũng như về vật chất, chúng ta cần phải cổ vũ và giúp đỡ nhau. Quốc phụ (chỉ Tôn Trung Sơn) từng dạy chúng ta: giúp đỡ các dân tộc nhỏ yếu, cùng nhau phấn đấu giành lấy tự do độc lập. Cơ hội để thực hiện lời di huấn đó đã đến”[18]. Ngày 28/12/1940, tờ Cứu vong nhật báo đăng một bài quan trọng trên trang 2 trong mục “đặc tải” (tin đặc biệt), nhan đề “Việt Nam dân tộc giải phóng Ủy ban thành lập tuyên ngôn” (Tuyên ngôn thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam). “Bài báo kéo dài khoảng 2000 chữ, nói lên mối quan hệ mật thiết giữa cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc với công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam. Trong bài này, lần đầu tiên người ta thấy nêu lên khẩu hiệu “Phấn đấu vì một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” bên cạnh các khẩu hiệu kêu gọi nhân dân Việt Nam: hãy cầm vũ khí, đánh đổ tất cả bọn xâm lược, giành tự do, bình đẳng, ...”[19]. Mùa xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc quyết định về nước cùng Đảng ta trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong cao trào giải phóng dân tộc đang dâng lên mạnh mẽ, đã làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam.
4. Kết luận
Nguyễn Ái Quốc là chiến sĩ quốc tế kiên cường, ở đâu Người cũng hoạt động với tư cách người chiến sĩ xuất sắc, người gieo hạt giống đoàn kết và giải phóng khắp bốn phương trời. Nhìn lại hoạt động của Người ở Trung Quốc trong những năm 1938-1940 cho thấy, Người đã theo dõi sát sao, phân tích diễn biến chính xác, rút ra những kết luận đúng đắn tình hình quốc tế. Người đã trực tiếp tham gia Hồng quân, cùng nhân dân và Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành cuộc kháng chiến gian khổ chống quân xâm lược Nhật Bản. Đặc biệt là Người dùng báo chí làm vũ khí sắc bén viết nhiều bài tố cáo tội ác dã man của phát xít Nhật, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân, dân Trung Quốc và đã có những đóng góp không ít công sức cho Đảng Cộng sản và cách mạng Trung Quốc. Những hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc chỉ là một phần trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, song đã phản ánh chân thực về mối quan hệ thân thiết, giúp đỡ lẫn nhau, đồng cam cộng khổ của nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc trong sự nghiệp chung. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trong dịp kỷ niệm 40 năm kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Mối quan hệ giữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam thật là: trăm ơn, nghìn nghĩa, vạn tình”[20].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bác Hồ - Hồi ký (1975), Nxb Văn học, Hà Nội.
2. Thanh Đạm (1994), Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Đầu nguồn (1975), Nxb Văn học, Hà Nội.
4. Đặng Quang Huy (2012), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Đỗ Hoàng Linh (2010), Đường về Tổ quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
7. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
8. Viện Hồ Chí Minh (2006), Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
9. Nhân dân nhật báo, ngày 3/7/1961.
10. Hoàng Tranh (1992), Những bài nghiên cứu về lịch sử quan hệ Trung - Việt, Nxb Nhân dân Quảng Tây, Trung Quốc.
11. H. J. Timpoclay: What war means - the Japanese atrocities in China (Ý nghĩa của chiến tranh - Những sự tàn bạo của người Nhật Bản ở Trung Quốc), Thông tín viên báo Người bảo vệ Mansextơ.
[1] PGS., TS., Nhà xuất bản Chính trị quốc gia
[2] TS., Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh
[3] Bác Hồ - Hồi ký (1975), Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 113.
[4] Đặng Quang Huy (2012), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 31.
[5] Đặng Quang Huy (2012), Sđd, tr. 31.
[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. 13, tr. 149.
[7] H. J. Timpoclay, What war means - the Japanese atrocities in China (Ý nghĩa của chiến tranh - Những sự tàn bạo của người Nhật Bản ở Trung Quốc), Thông tín viên báo Người bảo vệ Mansextơ.
[8] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, t. 3, tr. 125.
[9] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, t. 3, tr. 129.
[10] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, t. 3, tr. 135.
[11] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, t. 3, tr. 148
[12] Đỗ Hoàng Linh (2010), Đường về Tổ quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 161-162.
[13] Đỗ Hoàng Linh (2010), Sđd, tr. 165.
[14] Đầu nguồn (1975), Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 233.
[15] Đầu nguồn (1975), Sđd, tr. 234.
[16] C. Chen (1969), Việt Nam và Trung Quốc 1938-1954, Niu Oóc, tr. 41.
[17] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, t. 3, tr. 206.
[18] Hoàng Tranh (1992), Những bài nghiên cứu về lịch sử quan hệ Trung - Việt, Nxb Nhân dân Quảng Tây, tr. 179-180.
[19] Thanh Đạm (1994), Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 182.
[20] Nhân dân nhật báo, ngày 3/7/1961