Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 những năm gần đây tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh. Nhằm nắm bắt xu hướng thời đại mới, Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực định hướng khu vực sản xuất thực hiện sản xuất thông minh để có thể tự động đáp ứng nhu cầu thị trường. Chính phủ Hàn Quốc hiện đang thúc giục các doanh nghiệp thích ứng với hướng đi mới bằng chiến lược “Đổi mới công nghiệp sản xuất 3.0” tập trung vào việc ứng dụng nhà máy thông minh giúp doanh nghiệp cải thiện quá trình tự động hóa, trao đổi dữ liệu và công nghệ sản xuất. Bài viết làm rõ thực trạng phát triển sản xuất thông minh trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc và đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Bài viết đánh giá thành tựu nổi bật cùng hạn chế trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc và bàn về khả năng nâng tầm quan hệ. Các tác giả nhận định, sự tin cậy lẫn nhau được củng cố, hợp tác kinh tế ngày một mạnh mẽ và giao lưu nhân dân ngày càng phát triển là những yếu tố chủ đạo khiến khả năng nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc lên “Đối tác chiến lược toàn diện” có nhiều triển vọng. Trong khi thành công trong lĩnh vực kinh tế là nổi bật, hợp tác quốc phòng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của quan hệ, do đó đòi hỏi hai nước có nhiều nỗ lực hơn nữa để mở rộng quan hệ trong lĩnh vực hợp tác này. Thời gian tới, tầm nhìn của các nhà lãnh đạo hai nước và các kế hoạch mang tầm vóc lớn hơn sẽ là nhân tố quyết định đến việc đưa mối quan hệ song phương phát triển theo hướng bền vững và toàn diện.
Từ trước đến nay, một trong những nhân tố vô cùng quan trọng bảo chứng cho sự tồn tại, phát triển thành công của thương hiệu quốc gia tại Hàn Quốc là quyền sử hữu trí tuệ. Hàn Quốc luôn coi quyền sở hữu trí tuệ là nhân tố không thể tách rời trong quá trình phát triển thương hiệu quốc gia. Quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến nhiều lĩnh vực, song bài viết sẽ chỉ đề cập quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi liên quan tới những lĩnh vực nổi trội của phát triển thương hiệu quốc gia, đó là các lĩnh vực khoa học - công nghệ và văn hóa quốc gia. Trên cơ sở đó, quyền sở hữu trí tuệ được mở rộng hơn khi liên quan trực tiếp tới công nghiệp văn hóa và quyền lực mềm của Hàn Quốc từ đầu thế kỷ XXI đến nay.
Liên minh quân sự Nhật - Mỹ là một trong những mối quan hệ đồng minh điển hình trên thế giới về tính hiệu quả và bền chặt. Mối quan hệ này được thử thách trong Chiến tranh Lạnh, tiếp tục được củng cố và tăng cường trước những biến đổi của tình hình thế giới, khu vực trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Bài viết phân tích những nhân tố tác động đến hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ, thực trạng hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ từ năm 2012 đến năm 2022 nhìn từ các chuyến thăm cấp cao, sản xuất và mua bán vũ khí, các cuộc tập trận chung giữa hai quốc gia.
Kể từ khi học thuyết Fukuda ra đời vào năm 1977, Nhật Bản luôn coi ASEAN là đối tác hợp tác quan trọng trong khu vực trên mọi lĩnh vực và mọi cấp độ. Sự hợp tác này trong những năm qua đã góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước ASEAN và ở phạm vi khu vực nói chung. ASEAN chiếm một vị trí quan trọng, là nền tảng cho sự ổn định và thịnh vượng của thế giới trong chiến lược mới của Nhật Bản về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). ASEAN cũng đưa ra “Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP)”, nhấn mạnh sự cần thiết của một khuôn khổ đa phương bao trùm và hợp tác. Tăng cường hợp tác với ASEAN càng trở nên quan trọng hơn đối với Nhật Bản, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Nhật Bản bởi đây sẽ là đối tác quan trọng về thương mại và đầu tư để cùng tạo ra các giá trị mới, hướng tới hiện thực hóa một xã hội bền vững và mở ra một kỷ nguyên mới.
Tự tử, vấn nạn lớn Hàn Quốc đối mặt hơn một thập kỷ qua, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với thanh niên nước này. Động cơ chính dẫn đến hành vi tự tử ở lứa tuổi thanh niên xuất phát từ các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và các vấn đề kinh tế, sau đó là đến các vấn đề về gia đình. Thanh niên là nhóm đối tượng đang trong quá trình định hình nhân cách, lối sống, do vậy những khó khăn, biến động trong cuộc sống, những cú sốc tâm lý… rất dễ khiến họ rơi vào trạng thái khủng hoảng, tâm lý bị cô lập, mối liên kết xã hội trở nên đứt gẫy. Vấn nạn tự tử gây ra những chi phí kinh tế và xã hội rất lớn cho Hàn Quốc, ảnh hưởng xấu đến cấu trúc gia đình, nhận thức của công chúng về đất nước và hình ảnh quốc gia. Trong nhiều thập niên qua Hàn Quốc đã coi việc ngăn ngừa và phòng chống nạn tử tử là vấn đề ưu tiên, bức thiết của xã hội.
Nhật Bản là quốc gia đang hứng chịu nhiều rủi ro khi phải trải qua những thảm họa kinh hoàng từ thiên nhiên mà một nguyên nhân quan trọng là do sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Rất khó, nếu không muốn nói là không thể ngăn chặn các thảm họa thiên nhiên tại quốc gia này. Để ứng phó, Nhật Bản luôn có sự đổi mới, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến; không ngừng đúc rút kinh nghiệm qua những thảm họa đã xảy ra; luôn có sự cập nhật đổi mới các chính sách, chương trình và giải pháp thích ứng; xây dựng cho mình những kinh nghiệm về Quản lý rủi ro thiên tai (DRM). “Xây dựng trở lại tốt hơn” là một trong những đường lối phục hồi và tái thiết sau thảm họa của Nhật Bản. Đây là nét độc đáo của một Nhật Bản luôn sẵn sàng ứng phó với điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên.
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng dựa trên việc khai thác các báo cáo của người Anh về Đông Dương thuộc Pháp để phân tích vai trò của thị trường Đông Bắc Á đối với ngoại thương Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nghiên cứu góp phần quan trọng bổ sung cho các công trình trước đó về vấn đề này khi đưa ra cái nhìn đối chiếu khách quan để một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Đông Bắc Á (gồm Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản) đối với hoạt động ngoại thương của Việt Nam. Dù cho Pháp tìm cách độc quyền thương mại nhưng thị trường này vẫn thể hiện được giá trị lớn qua tỉ trọng đóng góp, các mặt hàng xuất nhập khẩu, số tàu bè ra vào Đông Dương. Bài viết do đó khẳng định sự cần thiết phải duy trì quan hệ buôn bán với khu vực này dù trong bất cứ hoàn cảnh thương mại nào bởi tầm quan trọng của thị trường này.
Thuật ngữ “an ninh phi truyền thống” xuất hiện vào cuối những năm 1970 đầu những năm 1980 đã mở rộng nội hàm khái niệm an ninh. Năm 2020, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 một lần nữa buộc các quốc gia phải tăng cường quan tâm, nghiên cứu, xây dựng chính sách đối với vấn đề an ninh phi truyền thống nhằm ứng phó với đại dịch và những thách thức mới xuất hiện vào giai đoạn hậu COVID-19. Bài viết làm rõ một số nội dung cơ bản về an ninh phi truyền thống, khái quát và phân tích hoạt động hợp tác trong một số lĩnh vực an ninh phi truyền thống của Việt Nam và Trung Quốc trước và trong đại dịch, từ đó đưa ra đánh giá về sự hợp tác này.
Quan hệ liên Triều cho đến nay tuy vẫn rơi vào trạng thái “nóng lạnh thất thường” song đã ấm lên một cách tích cực trong thời gian gần đây. Bài viết làm rõ dấu hiệu tích cực của mối quan hệ này dưới thời Tổng thống Moon Jae-in để thấy được thiện chí trên chặng đường cải thiện quan hệ cũng như tương lai của mối quan hệ liên Triều, đặc biệt kể từ sau các hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức vào năm 2018.