Trang chủ

Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Thành tựu, hạn chế và khả năng nâng tầm quan hệ

Đăng ngày: 17-06-2024, 03:10 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 10

Bùi Hải Đăng1, Huỳnh Tâm Sáng2

Tóm tắt: Bài viết đánh giá thành tựu nổi bật cùng hạn chế trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc và bàn về khả năng nâng tầm quan hệ. Các tác giả nhận định, sự tin cậy lẫn nhau được củng cố, hợp tác kinh tế ngày một mạnh mẽ và giao lưu nhân dân ngày càng phát triển là những yếu tố chủ đạo khiến khả năng nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc lên “Đối tác chiến lược toàn diện” có nhiều triển vọng. Trong khi thành công trong lĩnh vực kinh tế là nổi bật, hợp tác quốc phòng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của quan hệ, do đó đòi hỏi hai nước có nhiều nỗ lực hơn nữa để mở rộng quan hệ trong lĩnh vực hợp tác này. Thời gian tới, tầm nhìn của các nhà lãnh đạo hai nước và các kế hoạch mang tầm vóc lớn hơn sẽ là nhân tố quyết định đến việc đưa mối quan hệ song phương phát triển theo hướng bền vững và toàn diện.

Từ khóa: Hàn Quốc, đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác, kinh tế, Việt Nam

 


1. Những thành tựu trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc

Kể từ khi thiết lập “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược” vào năm 2009, Hàn Quốc và Việt Nam đã tìm cách tăng cường lòng tin chính trị, đặc biệt là thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và các cuộc tiếp xúc địa phương của cả hai bên[3]. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, “ngoại giao nghị viện” đã đạt đến một tầm cao mới, với các chuyến thăm song phương giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug vào năm 2021, dẫn đến thỏa thuận tiến hành các cuộc trao đổi cấp cao dưới các hình thức đa dạng và linh hoạt, đơn cử là kế hoạch thành lập các nhóm nghị sĩ hữu nghị, nữ nghị sĩ, nghị sĩ trẻ[4]. Trao đổi ý kiến ​​và quan điểm giữa các nhà lập pháp trẻ và khuyến khích sự tham gia tích cực hơn của nữ giới vào đời sống chính trị có thể giúp tăng cường sự can dự, tính đại diện và tình hữu nghị của các nghị sĩ hai nước.

Việt Nam và Hàn Quốc đã tích cực hỗ trợ nhau ngay cả khi hai nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Chính phủ Hàn Quốc đã tài trợ 1,1 triệu liều vaccine cho Việt Nam, các công ty và tổ chức hữu nghị của Hàn Quốc cũng đóng góp hơn 20 triệu USD cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam, chưa kể các khoản đóng góp bằng hiện vật[5]. Trong khi đó, Việt Nam cung cấp cho Hàn Quốc 30% dung dịch urê, đặc biệt khi việc nhập khẩu urê từ Trung Quốc của Hàn Quốc bị gián đoạn từ giữa tháng 10 năm 2021[6]. Ngoài ra, các quan chức cấp cao của Việt Nam, như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn và tìm kiếm các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Các chính quyền địa phương tại Việt Nam đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp cận thông tin đầu tư, các chính sách và quy định phòng chống dịch của Việt Nam.

Trong khi Hàn Quốc xem trọng mối quan hệ với ASEAN thì Việt Nam đã đảm nhận rất tốt vai trò cầu nối, giúp Hàn Quốc và ASEAN xích lại gần nhau hơn, thông qua việc điều phối quan hệ Hàn Quốc - ASEAN giai đoạn 2021-2024. Để thúc đẩy quan hệ của Hàn Quốc với ASEAN, Việt Nam cam kết phối hợp với các đối tác khu vực để làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Hàn Quốc. Vào tháng 12 năm 2021, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đề xuất tổ chức Ngày giao lưu ASEAN - Hàn Quốc tại Việt Nam và tại Hàn Quốc trong vòng ba năm tới nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện hơn giữa hai bên.

Trên bình diện đa phương, hai nước nhìn nhận lợi ích chung và tầm quan trọng của hợp tác sâu rộng trong các thể chế đa phương, nổi bật là Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Diễn đàn Doanh nghiệp Mekong - Hàn Quốc. Loại hình hợp tác này thể hiện tầm nhìn chung của Hàn Quốc - một cường quốc tầm trung đang trỗi dậy (rising) và Việt Nam - một cường quốc tầm trung mới nổi (emerging)[7], đó là ưu tiên can dự đa phương trong khi củng cố quan hệ song phương thông qua chủ nghĩa đa phương.

Giao lưu nhân dân cũng giúp tăng cường tính co giãn (linh hoạt) của mối quan hệ song phương. Cộng đồng Hàn Quốc - bao gồm hơn 7.000 công ty, 180.000 người nước ngoài và 240.000 người Việt Nam nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại hai quốc gia đã giúp củng cố tính gắn kết của quan hệ[8]. Có thể nói, các gia đình đa văn hóa Hàn - Việt là những “sứ giả ngoại giao công chúng” và đang đóng vai trò thúc đẩy “liên minh” giữa hai quốc gia[9]. Hallyu (한류), hay Làn sóng Hàn Quốc, được đặc trưng bởi sự quảng bá văn hóa đại chúng Hàn Quốc, cũng ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ trong độ tuổi 20 và 30[10]. Đối với khán giả Việt Nam, các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc ngày càng dễ tiếp nhận hơn vì chúng dựa trên nền tảng Nho giáo, như các giá trị gia đình, trật tự thứ bậc, bổn phận hiếu thảo và lối sống hiện đại (bao gồm mức sống cao và môi trường làm việc năng động)[11]. Ngoài ra, tầm ảnh hưởng và sự nổi tiếng của chiến lược gia người Hàn Quốc Park Hang-seo, huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá nam Quốc gia Việt Nam, đã góp phần củng cố cho nhận thức tích cực và thái độ thân thiện của người dân Việt Nam đối với Hàn Quốc.

Về an ninh khu vực, Việt Nam đã ủng hộ Hàn Quốc đóng góp vào hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên, đặc biệt qua việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội vào năm 2019. Vai trò cầu nối của Việt Nam thể hiện rằng Việt Nam và Hàn Quốc có thể hợp tác cả trong những vấn đề an ninh phức tạp tại khu vực. Khi gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cam kết hỗ trợ Hàn Quốc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và tái khẳng định cam kết của Hà Nội đối với một khu vực hòa bình và ổn định[12].

Hợp tác kinh tế là lĩnh vực nổi bật của quan hệ Việt - Hàn. Từ những năm 80 của thế kỷ XX, mô hình kinh tế Hàn Quốc đã gây được tiếng vang và tạo được sức hút to lớn ở Việt Nam. Với việc khởi động công cuộc “Đổi mới” vào năm 1986, Việt Nam đã nỗ lực nghiên cứu kinh nghiệm của các nền kinh tế công nghiệp mới ở châu Á (NIE), đặc biệt là Hàn Quốc. Tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 4 năm 1986, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã bày tỏ sự trân trọng sâu sắc đối với Hàn Quốc - con hổ châu Á “đã trở thành một nước công nghiệp mặc dù thu được ít vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”[13]. Năm 1988, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã xuất bản cuốn sách “Kinh tế Hàn Quốc”, trong đó bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đối với mô hình công nghiệp hóa của Seoul, đặc biệt là Phong trào Làng mới (Saemaul Undong)[14]. Nhìn chung, ưu tiên hội nhập kinh tế trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là “kim chỉ nam” cho việc xây dựng mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn giữa Hà Nội và Seoul.

Nhìn chung, hợp tác kinh tế là nội dung nổi bật và là động lực chủ yếu thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, nhờ vào sự gần gũi về địa lý, thị hiếu tiêu dùng tương đồng và cơ cấu hàng hóa bổ sung[15]. Những thành tựu đạt được từ công cuộc “Đổi mới” của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, đã thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc vốn ưu tiên tìm kiếm các khoản đầu tư lâu dài tại quốc gia Đông Nam Á nhiều tiềm năng như Việt Nam[16]. Thật vậy, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo, kinh doanh bất động sản và lĩnh vực xây dựng[17].

Để đa dạng hóa các đối tác kinh tế và giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, Việt Nam đã coi Hàn Quốc là một trong những đối tác xuất khẩu hàng đầu của mình. Hiện nay, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau Mỹ và Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu đạt 21,95 tỷ USD vào năm 2021[18]. Mặc dù Việt Nam thâm hụt thương mại với Hàn Quốc nhưng đây không phải là mối lo ngại lớn vì “hầu hết các sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc là những vật liệu dùng để sản xuất trong nước tại Việt Nam và không phải là những mặt hàng xa xỉ”[19]. Thông qua RCEP, ​​xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ, qua đó giảm thâm hụt thương mại với đối tác Đông Bắc Á, đồng thời khuyến khích các nguồn đầu tư chất lượng cao từ Hàn Quốc.

Với nhiều tiềm năng phát triển, Việt Nam đã trở thành một trung tâm kinh tế thu nhỏ của Hàn Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Hợp tác kinh tế song phương mang nhiều hứa hẹn với các cam kết và nguồn đầu tư ngày càng lớn từ khu vực tư nhân. Các tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu của Hàn Quốc, như Samsung, SK, LG, Lotte và Hyundai, đã mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam và giúp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế giữa hai nước. Về phần mình, các tập đoàn Việt Nam đã nghiên cứu mô hình chaebol độc đáo của Hàn Quốc để thành lập các tập đoàn gia đình và xây dựng mối quan hệ thân thiết với chính phủ nhằm đạt được các khoản trợ cấp, cho vay và ưu đãi thuế[20]. Xu hướng các tập đoàn Hàn Quốc thành lập hoạt động hoặc chuyển các trung tâm sản xuất sang Việt Nam ngày càng gia tăng, một phần do ngày càng nhiều công ty Hàn Quốc chuyển hướng kinh doanh ra khỏi Trung Quốc[21]. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng thúc đẩy các công ty Hàn Quốc hướng đến Việt Nam, một quốc gia có môi trường kinh tế ổn định và các chính sách FDI có lợi và nhiều ưu đãi.

Tính năng động của quan hệ Việt - Hàn cũng nhờ phần lớn vào vị thế của Việt Nam trong ưu tiên chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Cụ thể, Việt Nam được ca ngợi là “trung tâm” trong Chính sách hướng Nam mới (NSP) của Hàn Quốc[22], khi cựu Tổng thống Moon Jae-in nhận xét: “Quan hệ của chúng ta [Hàn Quốc] với ASEAN là không thể thiếu cho sự thịnh vượng và hòa bình của chúng ta [Hàn Quốc], và Việt Nam là trung tâm của mối quan hệ đó”[23]. Một số học giả thậm chí còn gọi NSP là “Chiến lược Việt Nam mới” (New Vietnam Strategy)[24]. Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư Hàn Quốc còn bởi những yếu tố quan trọng như sở hữu vị trí địa chính trị mang tính chiến lược ở khu vực Đông Nam Á năng động, có môi trường chính trị tương đối ổn định, có nét tương đồng về văn hóa với Hàn Quốc, như chia sẻ các giá trị của Phật giáo và Nho giáo. Với dân số hiện tại hơn 98 triệu người[25] và tăng trưởng GDP 5,22%[26], Việt Nam là liên kết lý tưởng cho các nhà đầu tư Hàn Quốc muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế với ASEAN và các nước tiểu vùng sông Mekong[27].

Về lâu dài, tăng cường quan hệ kinh tế với Hàn Quốc rất phù hợp với chiến lược từng bước giảm phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc của Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam ngày càng quan ngại trước các hành động của Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tầm nhìn của Việt Nam về đan xen lợi ích với các cường quốc và cường quốc tầm trung sẽ góp phần tạo nên những điều chỉnh cần thiết trong cách tiếp cận tổng thể của Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với các đối tác khu vực, bao gồm cả Hàn Quốc. Đối với Hàn Quốc, quốc gia này là nạn nhân của các đòn trả đũa kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Hàn Quốc chấp nhận triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ vào năm 2017. Bất chấp sự phụ thuộc thương mại liên tục vào Trung Quốc[28], những nỗ lực của Hàn Quốc và Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ kinh tế nên được coi là cách tiếp cận dài hạn và thực tế.

2. Hạn chế trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc

Hiện nay, khả năng hình thành một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Hàn Quốc và Việt Nam là đầy hứa hẹn khi các nhà lãnh đạo cấp cao của cả hai bên đã ủng hộ việc nâng tầm quan hệ song phương. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là những thách thức ban đầu vẫn còn tiềm ẩn và cần được giải quyết.

Trong khi quan hệ kinh tế và giao lưu nhân dân là điểm nổi bật trong quan hệ của Hàn Quốc với Việt Nam thì hợp tác an ninh và quốc phòng tiến triển rất chậm. Hai bên đã duy trì đối thoại chính sách quốc phòng hàng năm và các chuyến thăm cấp cao; tuy nhiên, các hoạt động chung chưa được thể chế hóa tốt, và vẫn mang tính chất “không thường xuyên và không nhất quán”[29]. Ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc có thể mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp quân sự của Việt Nam, tuy nhiên, hợp tác chậm trễ trong lĩnh vực này vẫn tồn tại, và có thể là do Hàn Quốc thận trọng để tránh gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác.

Bên cạnh đó, trong những vấn đề an ninh “nhạy cảm” có liên quan đến Trung Quốc thì Việt Nam và Hàn Quốc vẫn chưa hợp tác tích cực. Hàn Quốc có vẻ né tránh vấn đề Biển Đông và tránh đề cập trực tiếp đến Trung Quốc khi thảo luận vấn đề này với phía Việt Nam. Những gì các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã làm là lên tiếng ủng hộ một trật tự khu vực dựa trên luật lệ và tự do hàng hải ở Biển Đông. Việc không có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển tranh chấp, phụ thuộc vào Trung Quốc trên phương diện kinh tế và ưu tiên vấn đề Triều Tiên trong chính sách đối ngoại đã khiến Hàn Quốc duy trì tâm thế “dè chừng” trong việc can dự vào khu vực, do đó làm giảm mức độ hợp tác và sự ủng hộ chính thức của Hàn Quốc dành cho Việt Nam.

Mặc dù tổng thống đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tuyên bố sẽ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, bao gồm cả việc nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện[30], nhưng ông vẫn tập trung nhiều hơn vào Triều Tiên, lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, cam kết điều chỉnh chính sách đối ngoại của Hàn Quốc với Mỹ[31]. Bên cạnh đó, sức ép từ Mỹ trong việc gây sức ép lớn hơn với Nga và hỗ trợ Ukraine có thể đặt chính sách NSP của tổng thống tiền nhiệm vào một tình thế mong manh, và không loại trừ khả năng NSP không còn là ưu tiên hàng đầu dưới thời Yoon Suk-yeol. Ngoài ra, các vấn đề trong nước, chẳng hạn như giá nhà ở gia tăng “chóng mặt”, bất bình đẳng kinh tế, xung đột tiềm tàng giữa Hàn Quốc với Triều Tiên và Trung Quốc, cùng với sự thiếu kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại của tổng thống Yoon Suk-yeon có thể gây trở ngại cho việc xoay trục của Hàn Quốc sang Đông Nam Á. Do đó, không loại trừ khả năng quan hệ Hàn - Việt trở nên “hình thức” hơn là “thực chất”, ngay cả khi cả hai quốc gia đang nỗ lực nâng mối quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Những vấn đề vừa đề cập cho thấy khả năng phát triển chính sách hướng Nam tăng cường (NSP Plus) dưới thời chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeon vẫn chưa chắc chắn. Vào tháng 1 năm 2021, Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN với tư cách là đối tác kinh tế và chiến lược của Hàn Quốc mặc dù không đề cập đến NSP Plus[32]. Vì Việt Nam đã được coi là đối tác quan trọng của Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, bất kỳ cải cách hoặc sắp xếp lại NSP Plus hay thậm chí là một cách tiếp cận khác biệt mới mẻ đối với Đông Nam Á có thể sẽ có tác động rất lớn đến quan hệ Hàn - Việt.

Hơn nữa, Hàn Quốc dưới thời chính quyền ông Yoon Suk-yeol có thể bị lôi kéo vào các thách thức địa chính trị tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là khi Tổng thống Yoon Suk-yeol thể hiện xu hướng tăng cường an ninh bằng thức đẩy quan hệ với Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad)[33]. Nếu Tổng thống Yoon Suk-yeol rời bỏ chiến lược của người tiền nhiệm là tìm kiếm sự cân bằng mong manh trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, thì có thể gây thêm căng thẳng với Trung Quốc và đẩy Hàn Quốc vào một tình thế đầy nguy hiểm. Với một quốc gia quan tâm đến việc cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ như Việt Nam, tư thế cứng rắn của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeon đối với Trung Quốc có thể khiến Việt Nam ít nhiều chịu áp lực trong quan hệ hợp tác với Hàn Quốc.

Khi tham vọng của Trung Quốc đang đặt ra nhiều thách thức cho cả Hàn Quốc và Việt Nam, hai nước nên hợp tác chặt chẽ hơn để tăng cường quan hệ quốc phòng. Hàn Quốc có thể sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan kéo dài trong việc cân bằng quan hệ giữa đồng minh truyền thống là Mỹ và đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc. Khi Mỹ củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác, siêu cường này có thể tìm kiếm những đóng góp cụ thể hơn từ phía Hàn Quốc. Về phần mình, Việt Nam đã rất nỗ lực để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông. Đồng thời, vấn đề Việt Nam tăng cường hợp tác với Mỹ chắc chắn sẽ được đặt lên bàn cân chiến lược. Khi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục phải “chèo lái” với bối cảnh địa chính trị phức tạp trong khi tìm cách củng cố quyền tự chủ chiến lược. Do đó, Việt Nam và Hàn Quốc nên chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra, đặc biệt là khi diễn biến và kết quả của chúng có thể hạn chế hay đe doạ khả năng tự chủ của hai quốc gia tầm trung này.

3. Triển vọng của quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc

Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại Hàn Quốc nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (1992-2022), Tổng thống Moon Jae-in đề nghị nâng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược giữa Hàn Quốc và Việt Nam lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện”. Hiện Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ba cường quốc: Trung Quốc (2008), Nga (2012) và Ấn Độ (2016). Trung Quốc, Nga và Ấn Độ được công nhận là các cường quốc theo thang đo về thứ bậc quyền lực và là ba cường quốc hàng đầu được công nhận là đồng chí (Trung Quốc và Nga) và người bạn thân thiết (Ấn Độ) của Việt Nam. Việc nâng cấp quan hệ Việt - Hàn lên tầm đối tác chiến lược toàn diện sẽ góp phần truyền tải thông điệp là Hàn Quốc được trân trọng như một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm chung về tầm nhìn chiến lược. Mặc dù có quan hệ truyền thống và được công nhận là “đồng minh hiệp ước khu vực” của Mỹ, Hàn Quốc đã nỗ lực thực hiện chiến lược cân bằng năng động (dynamic balancing) trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Việt Nam, được ca ngợi là một trong những “đối tác hàng đầu trong khu vực” theo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương năm 2022 của chính quyền Joe Biden[34], luôn kiên định với chính sách can dự đa hướng (omni-directional engagement) - được diễn giải cụ thể là “độc lập, tự cường (…) đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ quốc tế”[35]. Trong vai trò là các cường quốc tầm trung ngày càng phát triển và năng động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hàn Quốc và Việt Nam đã được cả Mỹ và Trung Quốc quan tâm và lôi kéo trên tinh thần của chính sách ngoại giao tấn công quyến rũ (charm offensive). Tuy nhiên, hai cường quốc tầm trung ủng hộ nguyên tắc tự chủ chiến lược thay vì “chọn phe” và đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ với hai cường quốc.

Hợp tác quốc phòng ngày càng nổi bật trong quan hệ Việt - Hàn. Hàn Quốc hiện là một trong số 5 nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Việt Nam, chiếm 3,3% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam năm 2021[36]. Vì Việt Nam đã tìm cách đa dạng hóa hoạt động mua sắm vũ khí từ Nga, Hàn Quốc có thể sẽ tiếp tục là một đối tác ổn định của Việt Nam. Kể từ năm 2012, các cuộc đối thoại quốc phòng song phương đã được tổ chức hàng năm nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và tìm kiếm các hành động chung để giải quyết các thách thức chung. Năm 2021, Việt Nam và Hàn Quốc đã cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, công nghiệp vũ khí, giáo dục và đào tạo quốc phòng[37]. Hàn Quốc cũng giúp Việt Nam tăng cường năng lực hải quân bằng cách chuyển giao tàu hộ tống lớp Pohang thứ hai mang tên “Yeosu” cho Hải quân Nhân dân Việt Nam vào tháng 10 năm 2018[38]. Cùng với hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực hàng hải, các tàu khu trục của Hải quân Hàn Quốc đã hai lần cập cảng tại thành phố biển Đà Nẵng của Việt Nam (2017 và 2019), và tham gia diễn tập thông tin liên lạc với Hải quân Việt Nam.[39] Các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm quân nhân mất tích cũng là những nội dung đáng chú ý trong hợp tác an ninh song phương.[40] Nhìn chung, những động thái như vậy là nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai đối tác.

Chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Hàn Quốc và Việt Nam có vị trí thuận lợi để xây dựng quan hệ đối tác ngang bằng với vai trò và vị thế ngày càng tăng. Câu hỏi đặt ra là: mối quan hệ được nâng cấp (lên đối tác chiến lược toàn diện) nên được đóng khung với thương hiệu nào? Việt Nam và Hàn Quốc có thể định hình mối quan hệ song phương là mối quan hệ giữa các cường quốc tầm trung, hợp tác để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 2 năm 2022, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng cho biết Việt Nam và Hàn Quốc từ lâu đã thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là theo quan điểm và lợi ích của các cường quốc tầm trung, đồng thời nâng cao sức sống của các cơ chế hợp tác đa phương, bao gồm ASEAN và NSP[41]. Hai nước có thể lấy tham dự đa phương, đặc biệt là trong các vấn đề an ninh phi truyền thống, làm đòn bẩy cho mối quan hệ chặt chẽ hơn với các cường quốc hiện diện ở khu vực Đông Nam Á. Một cường quốc tầm trung mới nổi như Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc giải quyết các vấn đề khu vực thông qua các cam kết đa phương trong khi Hàn Quốc nên coi Việt Nam là cầu nối để hội nhập sâu hơn với Đông Nam Á.

4. Thay lời kết

Hàn Quốc và Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong quan hệ song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Việt Nam cũng được đề cao về tiềm năng trong NSP Plus của Hàn Quốc, và hai nước cam kết tập trung vào hợp tác trong các lĩnh vực cần thiết và mới nổi, chẳng hạn như sức khỏe cộng đồng, phát triển con người và phục hồi sau đại dịch COVID-19[42]. Hợp tác kinh tế nhiều khả năng sẽ tiếp tục là trọng tâm của quan hệ song phương vì “các cải cách từ trên xuống của Hàn Quốc sẽ có ít ảnh hưởng đến sự tập trung không cân xứng của khu vực tư nhân vào Việt Nam”[43]. Hướng tới một mối quan hệ đối tác vừa “toàn diện” vừa “chiến lược”, Việt Nam và Hàn Quốc nên coi hợp tác giữa các cường quốc tầm trung là khuôn khổ tổng thể cho một giai đoạn trưởng thành mới của mối quan hệ.

Hợp tác giữa hai nước đang đi đúng hướng và trong tương lai có rất ít khả năng bị chệch hướng. Để tăng cường khả năng phục hồi sau đại dịch và đưa quan hệ lên một tầm cao mới, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Hàn Quốc nên có tham vọng hơn trong việc tăng cường quan hệ, đồng thời mở rộng phạm vi quan hệ trong hợp tác quốc phòng và các lĩnh vực tiềm năng của chương trình nghị sự NSP Plus, chẳng hạn như tăng cường kết nối thông qua số hóa và chia sẻ các chính sách và dự án thành phố thông minh của Hàn Quốc với Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ministry of National Defence (2019), 2019 Viet Nam National Defence, National Publishing House.
  2. Moe Thuzar (2021), “The New Southern Policy Plus: What’s New and What’s Next?”, World Economy Forum, Vol. 11, No. 12.
  3. Lee Han Woo, Bùi Thế Cường (2015), Việt Nam – Hàn Quốc: Một phần tư thế kỷ chia sẻ cùng phát triển, Ho Chi Minh City National University Publishing House.
  4. Sea Young (Sarah) Kim, “How South Korea Can Upgrade its Strategic Partnership with Vietnam,” Korea Economic Institute, 7 June 2021, https://keia.org/the-peninsula/how-south-korea-can-upgrade-its-strategic-partne rship-with-vietnam/.
  5. Sea Young (Sarah) Kim, “South Korea’s New Southern Policy: Will Its ‘Legacy’ Continue Under the Next Administration?”, Korea Economic Institute (KEI), 2 March 2022, https://keia.org/the-peninsula/south-koreas-new-southern-policy-will-its-legacy-continue-under-the-next-administration/.
  6. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (1988), Kinh tế Nam Triều Tiên, Hà Nội.

 



[1] TS., Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

[2] TS., Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

[3] Trong hơn 30 năm qua, hơn 60 chính quyền trung ương và địa phương của Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với 76 chính quyền trung ương và địa phương của Hàn Quốc. Chi Bảo, “Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng trả lời báo Hàn Quốc: 'Tôi thích Dae Jang-geum, con gái thích Blackpink'”, https://baoquocte.vn/dai-su-nguyen-vu-tung-tra-loi-bao-han-quoc-toi-thich-dae-jang-geum-con-gai-thich-blackpink-173277.html.

[4] Vietnam News, “Việt Nam and RoK vow to deepen parliamentary cooperation,” https://vietnamnews.vn/ politics-laws/1106346/viet-nam-and-rok-vow-to-deepen-parliamentary-cooperation.html.

[5] Minh Vu, “Moon Jae-in expects to elevate South Korea-Vietnam relations”, http://hanoitimes.vn/moon-jae-in-expects-to-elevate-south-korea-vietnam-relations-319946.html.

[6] KBS World, “Tình trạng thiếu hụt nguồn cung urê tại Hàn Quốc và biện pháp khắc phục,” https://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=business&id=&board_seq=413809.

[7] Theo “Lowy Institute Asia Power Index” công bố năm 2021, Việt Nam được ca ngợi là một cường quốc tầm trung ở châu Á, “hoạt động tốt nhất trong vấn đề các nguồn lực cho tương lai, ảnh hưởng ngoại giao và năng lực mạng lưới quốc phòng”. “Vietnam,” 2021, https://power.lowyinstitute.org/ countries/vietnam/.

[8] Minh Vu, “Vietnam central to South Korea’s New Southern Policy: Chung Eui-yong”, http://hanoitimes.vn/ vietnam-central-to-south-koreas-new-southern-policy-chung-eui-yong-317170.html; Vy Anh, “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc: Những bước phát triển mạnh mẽ,” https://baoquocte.vn/quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-viet-nam-han-quoc-nhung-buoc-phat-trien-manh-me-173227.html.

[9] Kim Hyun-jae, “Milestone for South Korea-Vietnam relations”, https://www.koreatimes.co.kr/www/opinion/ 2018/09/197_256017.html.

[10] Pham Quang Minh, “Vietnam catches the Korean wave”, East Asia Forum, 19 February 2015, https://www. eastasiaforum.org/2015/02/19/vietnam-catches-the-korean-wave/.

[11] Dang Thi Thu Huong, “Hallyu and its effect on young Vietnamese”, The Korea Herald, 30 March 2010, http:// www.koreaherald.com/view.php?ud=20090603000057.

[12] Viet Nam News, “PM Chính holds talks with Thai, South Korean leaders: COP26,” 2 November 2021, https://vietnamnews.vn/politics-laws/1071358/pm-chinh-holds-talks-with-thai-south-korean-leaders-cop26.html

[13] Lee Han Woo, Bùi Thế Cường (2015), Việt Nam – Hàn Quốc: Một phần tư thế kỷ chia sẻ cùng phát triển, Ho Chi Minh City National University Publishing House, pp. 16-17.

[14] Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Kinh tế Nam Triều Tiên, Hà Nội, 1988.

[15] Uyên Hương, “Việt Nam, Hàn Quốc hướng tới kim ngạch thương mại 100 tỷ USD”, https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-han-quoc-huong-toi-kim-ngach-thuong-mai-100-ty-usd/760161.vnp.

[16] Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực vào tháng 12/2015 cũng tạo khuôn khổ cho hợp tác kinh tế ngày càng sâu rộng giữa hai quốc gia.

[17] Thi Uyên, “Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Hàn Quốc”, https://vov.vn/chinh-tri/bo-truong-ngoai-giao-bui-thanh-son-tham-chinh-thuc-han-quoc-post923076.vov.

[18] Thế Hoàng, “Những thị trường xuất khẩu chủ lực của hàng Việt trong năm 2022”, https://baodautu.vn/nhung-thi-truong-xuat-khau-chu-luc-cua-hang-viet-trong-nam-2022-d160462.html.

[19] Khoi Nguyen, “New trade to boost Korean interests,” 22 February 2022, https://vir.com.vn/new-trade-to-boost-korean-interests-91547.html.

[20] Duy Khanh, “Korean chaebol and lessons for Vietnamese family corporations,” https://vietnamnet.vn/ en/feature/korean-chaebol-and-lessons-for-vietnamese-family-corporations-777975.html.

[21] Keun Lee, “China’s loss can be the rest of Asia’s gain”, The Japan Times, 22 October 2021, https://www. japantimes.co.jp/opinion/2021/10/22/commentary/world-commentary/chinas-loss-asias-gain/.

[22] Moe Thuzar, “The New Southern Policy Plus: What’s New and What’s Next?”, World Economy Forum, 19 March 2021, Vol. 11, No. 12, p. 2.

[23] Joel Lee, “[Contribution] Vietnamese top parliamentarian’s Korea visit heralds bright bilateral partnership,” The Korea Herald, 3 December 2018, http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20181203000785.

[24] Chiew-Ping Hoo, “A View from Southeast Asia on South Korea,” The Asan Forum, 30 April 2019, http://www.theasanforum.org/a-view-from-southeast-asia-on-south-korea/.

[25] “Vietnam Population,” Worldometers, 10 February 2022, https://www.worldometers.info/world-population/ vietnam-population/.

[26] “Vietnam GDP Annual Growth Rate,” Trading Economics, https://tradingeconomics.com/vietnam/gdp-growth-annual.

[27] Choe Nam-suk, “South Korea-Vietnam relations, a link to promote relations between S.Korea and ASEAN and the Mekong subregions,” Korea IT Times, 23 December 2019, http://www.koreaittimes.com/news/articleView. html?idxno=94238.

[28] Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc trong 17 năm liên tiếp. Luna Sun, “South Korea’s new president Yoon Suk-yeol has talked tough on China. Now, he has to face the economic reality”, South China Morning Post, 18 March 2022, https://www.scmp. com/economy/china-economy/article/3170977/south-koreas-new-president-yoon-suk-yeol-has-talked-tough.

[29] Kathryn Botto, “South Korea Beyond Northeast Asia: How Seoul Is Deepening Ties With India and ASEAN”, Carnegie Endowment for International Peace, 19 October 2021, https://carnegieendowment.org/2021/10/19/south-korea-beyond-northeast-asia-how-seoul-is-deepening-ties-with-india-and-asean-pub-85572.

[30] Vietnam Government Portal, “President holds phone talks with RoK’s President-elect”, 23 March 2022, https://en.baochinhphu.vn/president-holds-phone-talks-with-roks-president-elect-111220323222732424.htm

[31] Min Joo Kim, “Interview with South Korea’s next president, Yoon Suk-yeol”, The Washington Post, 14 March 2022, https://www.washingtonpost.com/world/ 2022/04/14/south-korea-president-yoon-transcript/.

[32] Sea Young (Sarah) Kim, “South Korea’s New Southern Policy: Will Its ‘Legacy’ Continue Under the Next Administration?”, https://keia.org/the-peninsula/south-koreas-new-southern-policy-will-its-legacy-continue-under-the-next-administration/.

[33] Mitch Shin, “What to Expect From Yoon Suk-yeol’s Policy on North Korea”, The Diplomat, 13 April 2022, https://thediplomat.com/2022/04/what-to-expect-from-yoon-suk-yeols-policy-on-north-korea/.

[34] The White House, “Indo-Pacific Strategy of the United States”, 11 February 2022, https://www.whitehouse. gov/wp-content/uploads/2022/02/U.S.-Indo-Pacific-Strategy.pdf.

[35] Ministry of National Defence, 2019 Viet Nam National Defence, National Publishing House, 2019, pp. 14-15.

[36] Le Hong Hiep, “Will Vietnam Be Able to Wean Itself Off Russian Arms?”, Fulcrum, 4 April 2022, https://fulcrum.sg/will-vietnam-be-able-to-wean-itself-off-russian-arms/; Siemon Wezeman, “Arms Flows to South East Asia,” SIPRI, December 2019, pp. 42-45.

[37] “S. Korea, Vietnam vow to boost defense ties during vice-ministerial talks”, 16 September 2021, https://en.yna.co.kr/view/AEN20210 916009300325.

[38] Gordon Arthur, “Vietnam receives second ROKN corvette”, https://www.shephardmedia.com/news/naval-warfare/ vietnam-receives-second-rokn-corvette/.

[39] “South Korean naval destroyer arrives in city”, https://baodanang.vn/english/politics/201809/south-korean-naval-destroyer-arrives-in-city-3112513/.

[40] Duong Tam, “Vietnam, South Korea to strengthen military ties”, https://e.vnexpress.net/news/news/vietnam-south-korea-to-strengthen-military-ties-3758850.html.

[41] Trần Thường, “Việt Nam - Hàn Quốc dự kiến sẽ nâng cấp quan hệ song phương”, https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/viet-nam-han-quoc-du-kien-se-nang-cap-quan-he-song-phuong-8141 60.html.

[42] Sea Young (Sarah) Kim, “How South Korea Can Upgrade its Strategic Partnership with Vietnam”, https://keia.org/the-peninsula/how-south-korea-can-upgrade-its-strategic-partnership-with-vietnam/.

[43] Kathr

0thảo luận