Hoàng Minh Lợi1
Tóm tắt: Từ trước đến nay, một trong những nhân tố vô cùng quan trọng bảo chứng cho sự tồn tại, phát triển thành công của thương hiệu quốc gia tại Hàn Quốc là quyền sử hữu trí tuệ. Hàn Quốc luôn coi quyền sở hữu trí tuệ là nhân tố không thể tách rời trong quá trình phát triển thương hiệu quốc gia. Quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến nhiều lĩnh vực, song bài viết sẽ chỉ đề cập quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi liên quan tới những lĩnh vực nổi trội của phát triển thương hiệu quốc gia, đó là các lĩnh vực khoa học - công nghệ và văn hóa quốc gia. Trên cơ sở đó, quyền sở hữu trí tuệ được mở rộng hơn khi liên quan trực tiếp tới công nghiệp văn hóa và quyền lực mềm của Hàn Quốc từ đầu thế kỷ XXI đến nay.
Từ khóa: Quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu quốc gia, Hàn Quốc
Q |
uá trình phát triển thương hiệu quốc gia tại Hàn Quốc bắt đầu được triển khai từ những thập niên cuối thế kỷ XX song nhìn chung kết quả dường như vẫn chưa như kỳ vọng của chính phủ và người dân.[1]Chính vì lẽ đó, bước sang thế kỷ XXI, phát triển thương hiệu quốc gia được thúc đẩy mạnh mẽ hơn với những mục tiêu, phương thức đề ra theo từng bước phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong nước, quốc tế. Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, bối cảnh hội nhập và xu hướng toàn cầu hóa diễn ra sâu rộng, phát triển thương hiệu quốc gia được nâng lên tầm cao mới nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, nâng cao vị thế quốc tế của Hàn Quốc trên thế giới. Theo đó, “phát triển thương hiệu quốc gia là một nhân tố có vị trí then chốt giúp cho quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế quốc gia lên tầng nấc mới ở thế kỷ XXI”[2]. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng nhận thức rõ rằng phát triển thương hiệu quốc gia thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa không đơn giản. Để làm được điều đó cần dựa vào nhiều nguồn lực khác nhau thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, quan hệ quốc tế. Chính phủ Hàn Quốc nhận ra rằng, bên cạnh lợi thế về sự tăng trưởng nhanh về kinh tế thì văn hóa quốc gia và khoa học - công nghệ chính là nguồn lực cho quá trình phát triển thương hiệu quốc gia. Khi đề cập tới thương hiệu quốc gia, phát triển thương hiệu quốc gia, Hàn Quốc đặc biệt chú trọng đến quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới hầu hết các lĩnh vực thuộc khu vực công, khu vực tư nhân. Ngày nay, do sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, khoa học - công nghệ, sự lan tỏa về văn hóa, quan hệ quốc tế… Hàn Quốc đứng trước nhiều thách thức mới về quyền sở hữu trí tuệ. Hàn Quốc đã và đang hướng tới sự hợp tác sâu rộng trên thế giới để cùng nhau tìm cách ứng phó hiệu quả với những thách thức này, nhất là vấn nạn xâm phạm bản quyền. Theo đó, nước này phối hợp với các nước để tạo ra những cơ chế hợp tác và phòng chống các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt liên quan đến phát triển thương hiệu quốc gia. Đồng thời, Hàn Quốc cũng mở rộng nhiều hoạt động bảo vệ dự phòng tại các cơ quan ở nước ngoài nhằm hỗ trợ các cơ sở của Hàn Quốc. Tất cả đều nhằm có được hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện với những chuẩn mực cao hơn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển thương hiệu quốc gia nói riêng.
1. Quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển thương hiệu quốc gia thông qua lĩnh vực khoa học - công nghệ
Nhằm phát triển thương hiệu quốc gia, Hàn Quốc tập trung vào lĩnh vực khoa học - công nghệ, qua đó tiếp tục tạo sức hấp dẫn và vị thế lớn cho thương hiệu quốc gia vốn đã được thừa nhận của quốc tế. Một khi đã trở thành thương hiệu trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài để phát triển thương hiệu quốc gia và nâng cao hình ảnh hơn nữa. Không chỉ vậy, để nâng cao hình ảnh thương hiệu quốc gia qua lĩnh vực khoa học - công nghệ, Hàn Quốc còn tích cực triển khai thực thi quyền sở hữu trí tuệ với hai hướng chính là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh đúng đắn. Theo đó, Hàn Quốc vừa đẩy mạnh phát triển hơn nữa khoa học - công nghệ, vừa nỗ lực ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước nhằm bảo vệ, nâng cao hình ảnh, uy tín của thương hiệu quốc gia trên toàn thế giới.
Một quốc gia phát triển như Hàn Quốc vẫn không tránh khỏi các vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, do đó, việc cần thiết nhất là thực hiện tốt chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Để làm được việc này “Hàn Quốc phải nỗ lực để ưu tiên phát triển khoa học - công nghệ tiên tiến, đổi mới về cơ chế để hướng tới sự bảo hộ mạnh hơn bằng pháp luật sở hữu trí tuệ”[3]. Mặt khác, Hàn Quốc cũng cần phải cải cách quy chế để bảo vệ công nghệ hiện đại do Hàn Quốc sáng tạo, đặc biệt là việc thống nhất quy chế xét duyệt bản quyền về cải cách của tòa án bản quyền. Hơn thế nữa, Hàn Quốc cũng phải gia nhập vào hệ thống bản quyền của thế giới, thành lập tòa án chuyên giải quyết tranh chấp bản quyền để xét xử và chuyên giám sát các hành vi vi phạm bản quyền nhằm bảo hộ được kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, trong các lĩnh vực có “hàm lượng” công nghệ cao hàng đầu, Hàn Quốc lập một quy chế về sở hữu bản quyền đủ mạnh để bảo đảm lợi ích trong việc đầu tư vào khoa học - công nghệ, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia. Bên cạnh đó, các tập đoàn, công ty muốn nâng cao hình ảnh thương hiệu quốc gia cần thực hiện các phương cách có tính chất đột phá như: tạo nên sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh; nâng cao tính ưu việt của sản phẩm, hàng hóa; tăng nhận dạng tên và khả năng lớn mạnh của công ty, tập đoàn. Cuối cùng, hình ảnh thương hiệu quốc gia tất sẽ nâng cao hơn nữa khi thiết lập nên một hình mẫu uy tín, đáp ứng hầu hết yêu cầu người sử dụng nói chung, quốc gia sử dụng nói riêng.
Chính phủ Hàn Quốc khẳng định quyền sở hữu trí tuệ là một nhân tố luôn song hành với tiến trình phát triển thương hiệu quốc gia và được biểu hiện rõ qua các mục tiêu, phương thức do chính quyền trung ương đề ra liên quan tới lĩnh vực khoa học - công nghệ. Thông qua lĩnh vực này, có thể thấy quyền sở hữu trí tuệ còn được xem như một bảo chứng cho sự tồn tại, phát triển thành công của thương hiệu quốc gia Hàn Quốc từ trước tới nay. Chính vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc luôn nhấn mạnh đến quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ nhằm bảo vệ, phát triển thương hiệu quốc gia thuộc lĩnh vực này. Trên cơ sở đó, tiếp tục duy trì sức cạnh tranh quốc tế, hướng tới toàn cầu hóa hình ảnh đối với các thương hiệu công ty. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt về công nghệ cao khiến Hàn Quốc vừa phải duy trì vị trí, giá trị thương hiệu, vừa phải đưa thương hiệu của các công ty, tập đoàn nâng cao hình ảnh hơn nữa trên phạm vi toàn thế giới.
Sự thành công của một số công ty, tập đoàn lớn của Hàn Quốc là minh chứng rõ nhất cho mục tiêu toàn cầu hóa thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Trên thực tế, do nhiều quốc gia hiện nay đang phát triển mạnh khiến cho khoảng cách về trình độ khoa học - công nghệ cũng đang bị rút ngắn dần. Hàn Quốc nhận thấy sự cần thiết thực hiện tốt chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đương nhiên, để có được kết quả như mong muốn, Hàn Quốc đã và đang nỗ lực để ưu tiên phát triển khoa học - công nghệ tiên tiến, đồng thời với sự bảo hộ mạnh mẽ hơn bằng pháp luật sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cải cách quy chế về bản quyền là hướng đi quan trọng để bảo vệ sự sáng tạo về khoa học - công nghệ của Hàn Quốc trong quá trình phát triển thương hiệu quốc gia. Không chỉ vậy, Hàn Quốc cũng ngày càng phải tham gia sâu hơn vào hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới lĩnh vực khoa học - công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, cơ sở tạo nên nền tảng bảo đảm được tương lai cho lĩnh vực then chốt này trong phát triển thương hiệu quốc gia.
Có thể nói, lĩnh vực khoa học - công nghệ tại Hàn Quốc từ lâu đã đạt được thành tựu to lớn trong khu vực và trên thế giới và góp phần quan trọng trong việc phát triển, nâng tầm thương hiệu quốc gia. Trong quá trình này không thể phủ nhận vị trí, vai trò rất lớn của quyền sở hữu trí tuệ bởi đây chính là nhân tố góp phần tạo nên nhiều thành tựu về phát triển khoa học - công nghệ nói chung, phát triển thương hiệu quốc gia nói riêng. Trên thực tế, thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc lan tỏa ra thế giới trước hết gắn với nền kinh tế phát triển nhanh mà nổi bật trước hết là khá nhiều công ty, tập đoàn nổi tiếng trên thế giới. Chính vì vậy, quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới lĩnh vực khoa học - công nghệ tại Hàn Quốc có vai trò to lớn để phát triển thương hiệu quốc gia với sự tập hợp của nhiều thương hiệu tập đoàn, công ty lớn trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng nhận thức rõ về sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt về khoa học - công nghệ thời hội nhập cho nên lựa chọn lĩnh vực này cho phát triển thương hiệu quốc gia cũng cần sự hậu thuẫn lớn từ chính quyền mà biểu hiện rõ nhất là hệ thống luật về quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước. Chính nhờ vào vai trò của quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện mà các tập đoàn, công ty thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ khẳng định được giá trị thương hiệu không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới, qua đó tạo ra thương hiệu toàn cầu cho Hàn Quốc.
Cho đến nay, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua lĩnh vực khoa học - công nghệ tại Hàn Quốc đạt nhiều thành tựu song với những thương hiệu lớn thì quyền sở hữu trí tuệ là nhân tố không thể tách rời. Thực tế là để phát triển thương hiệu quốc gia, Hàn Quốc tích cực triển khai thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh khoa học - công nghệ hơn nữa và cạnh tranh đúng đắn. Như vậy, phương sách này không chỉ góp phần vào việc hiện thực hóa cuộc sống phồn thịnh mà còn thúc đẩy phát triển xã hội văn minh hơn nữa. Chính vì lẽ đó, các tập đoàn, doanh nghiệp, công ty Hàn Quốc nhận thức rõ quyền sở hữu trí tuệ là nguồn tài nguyên thiết yếu cho tương lai và cần được bảo vệ. Theo đó, bằng cách kết hợp hoạt động kinh doanh, nghiên cứu, phát triển và quyền sở hữu trí tuệ, các đại diện về khoa học - công nghệ của Hàn Quốc đang tích cực củng cố tài sản trí tuệ của mình trên toàn cầu, qua đó không chỉ đóng góp cho mình và xã hội mà còn nâng cao vị thế, hình ảnh Hàn Quốc trên thế giới. Tổ chức bộ phận sở hữu trí tuệ tại các cơ sở khoa học - công nghệ của Hàn Quốc rất được quan tâm. Các tập đoàn, công ty còn triển khai chiến lược về quyền sở hữu trí tuệ toàn cầu Hàn Quốc để xác định các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ thiết yếu dựa trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, đồng thời đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa hoạt động sở hữu trí tuệ. Theo đó, các tập đoàn, công ty xin cấp bằng sáng chế trước khi phát triển hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, nơi có nhiều cơ hội mở rộng, quảng bá hình ảnh, vị thế của Hàn Quốc với thế giới. Không dừng lại ở đó, chiến lược về quyền sở hữu trí tuệ nhằm đạt tiêu chuẩn quốc tế được Hàn Quốc quan tâm đặc biệt. Sở dĩ như vậy là bởi để mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường toàn cầu, các tập đoàn, công ty lớn Hàn Quốc tích cực phổ biến tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thúc đẩy các hoạt động sở hữu trí tuệ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và mở rộng thị phần Hàn Quốc trên thế giới. Cùng với đó, Hàn Quốc nỗ lực ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tích cực hợp tác với các tổ chức khác trong nước và nước ngoài như một phần trong nhiều biện pháp chống hàng giả, qua đó bảo vệ hình ảnh, uy tín của Hàn Quốc trên thế giới. Ngoài các biện pháp kể trên, các tập đoàn, công ty từng bước tạo nên sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các bước xây dựng, quản lý, bảo vệ thương hiệu riêng cũng như phát triển thương hiệu quốc gia lên tầm cao mới.
2. Quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển thương hiệu quốc gia thông qua lĩnh vực văn hóa
Bên cạnh khoa học - công nghệ, Hàn Quốc cũng coi văn hóa là lĩnh vực có ý nghĩa then chốt đối với phát triển thương hiệu quốc gia, nhất là trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay. Không chỉ vậy, văn hóa quốc gia còn là một trong những nhân tố quan trọng của quyền lực mềm (văn hóa quốc gia, hệ giá trị quốc gia, chính sách quốc gia), do đó, sự phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa không chỉ gia tăng sức mạnh của quyền lực mềm mà còn đưa văn hóa quốc gia lan tỏa trên thế giới. Để thực hiện điều này, Hàn Quốc luôn đề cao phát triển thương hiệu quốc gia về văn hóa bởi những thành công mà lĩnh vực này đưa lại là vô cùng lớn. Đương nhiên, để đi đến thành công, Hàn Quốc luôn nhấn mạnh đến quyền sở hữu trí tuệ bởi đây là nhân tố không thể thiếu trong phát triển thương hiệu quốc gia thông qua văn hóa và quyền lực mềm.
Trên thực tế, Hàn Quốc đã và đang có được những thành tựu đáng ghi nhận nếu không muốn nói là vượt kỳ vọng trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Chẳng hạn, sự lan tỏa rộng lớn của làn sóng Hàn Quốc trên toàn cầu được xem là thước đo chính xác về hình ảnh, vị thế của quốc gia này ngày càng nâng cao trên thế giới. Rõ ràng, văn hóa là một trong những nhân tố chủ chốt tạo nên thành công trên và được Hàn Quốc “tận dụng” tối đa như một lợi thế riêng bởi không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện được. Tuy nhiên, dù có những thành công song Chính phủ Hàn Quốc nhận thấy để chống lại nguy cơ tụt hậu và phát triển thương hiệu quốc gia (qua văn hóa, quyền lực mềm) nhất định phải có một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả. Thực tế chỉ ra rằng, những gì mà Hàn Quốc muốn quảng bá văn hóa với thế giới đó là bản sắc cùng sự tinh túy của văn hóa quốc gia song vẫn mong muốn “hiện đại hóa” văn hóa và phù hợp với xu thế văn hóa của thế giới ngày nay. Rõ ràng, truyền tải văn hóa cùng hệ thống giá trị của nó là mục tiêu hướng tới của Hàn Quốc khi giới thiệu, quảng bá văn hóa với các quốc gia trên thế giới. Đương nhiên, kinh nghiệm của quá trình phát triển thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc đã khẳng định “một quốc gia hoàn toàn có thể vươn lên mạnh mẽ mà không nhất thiết phải có nguồn lực vật chất tự nhiên dồi dào, mà vấn đề là nhận thức được giá trị thực sự của tài sản trí tuệ và việc bảo hộ các tài sản trí tuệ đó”[4].
Nhằm đưa nền văn hóa quốc gia đến với người dân các quốc gia khác, Hàn Quốc tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi bước vào thế kỷ XXI. Theo đó, chiến lược “Cool Korea” (Ấn tượng Hàn Quốc) được xem là nhân tố tích cực nhất cho việc quảng bá văn hóa và tạo sự hấp dẫn với các quốc gia khác. Có thể nói, những yếu tố cơ bản trong văn hóa vật chất (ẩm thực, trang phục) hay văn hóa tinh thần (âm nhạc, phim truyền hình) mà Hàn Quốc giới thiệu với thế giới không chỉ tạo nên thương hiệu quốc gia mà còn tạo ra lợi thế trong quan hệ quốc tế bởi sự mới lạ, hấp dẫn mà nó tạo ra. Trên thực tế, chiến lược quảng bá, tạo sự lôi cuốn về văn hóa với người dân trên thế giới do Hàn Quốc tiến hành về cơ bản đạt nhiều thành công từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Điều đó cho thấy phát triển thương hiệu quốc gia là một phương thức truyền tải, phát huy sự lan tỏa, cuốn hút mạnh mẽ hơn nữa của văn hóa Hàn Quốc trên thế giới. Thực tế cho thấy, Hàn Quốc thường bị vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa, quyền lực mềm. Vẫn biết đây là một “vấn nạn” song trên thực tế việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp mà Hàn Quốc cũng không là ngoại lệ. Mặc dù vậy, những nỗ lực mới của Chính phủ Hàn Quốc trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện và tạo nên những kết quả khả quan trong lĩnh vực văn hóa, quyền lực mềm. Sở dĩ như vậy là bởi hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan ngày càng hoàn thiện với những chuẩn mực cao hơn về quyền sở hữu trí tuệ mà Hàn Quốc đang hướng tới.
Trải qua nhiều thập kỷ, đến nay Hàn Quốc đã tiến tới việc sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ mang tính chuyên biệt cao. Điều này có ý nghĩa to lớn bởi giúp cho Hàn Quốc có thể phát huy tối đa lợi thế về văn hóa, quyền lực mềm để trở thành thương hiệu quốc gia có sức lôi cuốn, hấp dẫn trên thế giới. Thực tế cho thấy, Hàn Quốc về cơ bản đã nhìn nhận đúng vị trí, vai trò của quyền lực mềm trong quá trình phát triển đất nước, đặc biệt là nâng cao tính cạnh tranh trên thế giới mà vẫn duy trì được sức mạnh cũng như hình ảnh hấp dẫn của thương hiệu quốc gia. Quả vậy “Hàn Quốc đang trên con đường vừa khám phá lại sự phong phú vốn có của nền văn hóa truyền thống vừa mong muốn hòa nhập với nền văn hóa thế giới”[5]. Đây chính là tiền đề dẫn đến sự phát triển của công nghiệp hóa tại Hàn Quốc hiện nay. Do đó, không quá khi nói rằng công nghiệp văn hóa đã và đang đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội Hàn Quốc. Không những thế, công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc còn có vai trò nâng cao hình ảnh quốc gia thông qua các sản phẩm văn hóa xuất khẩu và hỗ trợ xuất khẩu ra nước ngoài các sản phẩm của ngành công nghiệp khác thương hiệu quốc gia được đề cao cũng có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đương nhiên, song hành với những thành công như thế tất không tránh khỏi những vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước cũng như quốc tế. Trong quyền sở hữu trí tuệ còn bao gồm nhiều loại nhưng về cơ bản đó là: quyền sáng chế, quyền mẫu mới, quyền thương hiệu, quyền kiểu dáng và thường xuyên được vận dụng trong quá trình phát triển thương hiệu quốc gia liên quan tới lĩnh vực văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng của Hàn Quốc. Một khi những yếu tố trên thuộc quyền sở hữu trí tuệ được thực thi như mong muốn sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển thương hiệu quốc gia. Không phải ngẫu nhiên công nghiệp văn hóa Hàn Quốc có sự phát triển mạnh mẽ như vậy, có nhiều nguyên nhân song không thể phủ nhận vai trò của việc phát triển thương hiệu quốc gia được xem là động lực thúc đẩy to lớn cho sự chuyển biến này. Đó cũng được xem là sự áp dụng đúng về quyền sở hữu trí tuệ mà Hàn Quốc đã và đang thực thi trong phát triển thương hiệu quốc gia liên quan tới lĩnh vực văn hóa. Rõ ràng, Chính phủ Hàn Quốc đã rất cố gắng trong việc hoàn thiện hơn nữa về quyền sở hữu trí tuệ nhằm thích ứng với những thay đổi qua mỗi thời kỳ lịch sử. Những nỗ lực về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà Hàn Quốc thực hiện với tất cả những gì liên quan tới “Làn sóng Hàn Quốc” như: thời trang, mỹ phẩm, nhạc K.pop, phim truyền hình… là minh chứng rõ nhất. Theo đó, quyền sở hữu trí tuệ được Hàn Quốc nhìn nhận như một quyền lợi (và cả nghĩa vụ) với mục đích đóng góp cho sự phát triển của các lĩnh vực nói chung, lĩnh vực văn hóa nói riêng. Xét cho cùng, mục đích lớn nhất trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là phát triển xã hội. Thực tế chỉ ra rằng nếu như việc bảo hộ bị buông xuôi thì nhiệt huyết của tập thể, cá nhân sáng chế, phát minh ra sản phẩm, hàng hóa (vật chất và tinh thần) sẽ bị tổn hại và như thế việc mong chờ một xã hội phát triển là không thể. Chính vì lẽ đó, quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo hộ việc bắt chước từ bên thứ ba đối với các sản phẩm, hàng hóa được đăng ký bảo hộ. Theo đó, với lĩnh vực văn hóa chẳng hạn, Chính phủ Hàn Quốc dùng pháp luật hoặc các hình thức tương thích để bảo vệ người sáng chế khi bị bắt chước, làm giả, cạnh tranh không lành mạnh. Điều đó góp phần tạo thêm động lực, ảnh hưởng tích cực tới việc tạo ra những cái mới trong phát triển thương hiệu quốc gia thông qua lĩnh vực văn hóa.
3. Kết luận
Về cơ bản, hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Hàn Quốc được coi là hiệu quả và đáng tin cậy. Có thể lý giải được điều này bởi tính nghiêm luật trong thực thi công việc cũng như Chính phủ Hàn Quốc luôn chú trọng đến quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và lĩnh vực văn hóa thuộc thương hiệu quốc gia. Đương nhiên, quyền sở hữu trí tuệ ở Hàn Quốc có được tính hiệu quả như ngày nay là nhờ trải qua chặng đường xây dựng, phát triển đất nước lâu dài với kinh nghiệm, bài học thiết thực liên quan tới vấn đề này.
Trên thực tế, dù là quốc gia phát triển nhưng Hàn Quốc cũng không tranh khỏi sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình phát triển thương hiệu quốc gia. Chính vì vậy, Hàn Quốc luôn phải nỗ lực nhiều hơn để đổi mới cơ chế, luật pháp cho thích ứng với mỗi giai đoạn phát triển, qua đó hướng tới sự bảo hộ mạnh mẽ hơn bằng luật sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, Hàn Quốc tích cực tham gia vào hệ thống bản quyền của thế giới nhằm giám sát, thống nhất qui chế xét duyệt bản quyền để ngăn chặn, giải quyết tranh chấp, xét xử các hành vi vi phạm bản quyền. Tất cả hướng tới một quy chế về quyền sở hữu trí tuệ (đặc biệt là vấn đề bản quyền) đủ mạnh để bảo đảm lợi ích trong quá trình phát triển, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia.
Quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa vẫn phải đối mặt với những thách thức mới trước vấn nạn vi phạm bản quyền, tranh chấp sở hữu trí tuệ và Hàn Quốc cũng không là ngoại lệ. Do đó, trong chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia, Hàn Quốc đều thể hiện sự tích cực chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc phối hợp với các quốc gia, tổ chức quốc tế. Những động thái này của Hàn Quốc không gì khác hơn là tạo ra cơ chế hợp tác, phòng chống tích cực có hiệu quả về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, lĩnh vực văn hóa, đặc biệt liên quan đến thương hiệu quốc gia.
Để nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, Hàn Quốc ngày càng thể hiện tính tích cực trong việc củng cố tài sản trí tuệ của mình trên toàn cầu bởi quyền sở hữu trí tuệ là nguồn tài nguyên quí cần được bảo vệ cho hiện tại và tương lai. Nhận thức và hành động này của Hàn Quốc không chỉ đóng góp, bảo vệ cho chính mình mà còn nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước thông qua thương hiệu quốc gia. Không những thế, vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ gắn với các lĩnh vực thế mạnh của Hàn Quốc đặc biệt được chú trọng bởi chúng ảnh hưởng lớn tới thành công hay thất bại của thương hiệu quốc gia. Chính vì vậy, Hàn Quốc khẳng định quyền sở hữu trí tuệ đối với các lĩnh vực then chốt đang nắm giữ, đồng thời đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa hoạt động sở hữu trí tuệ như một cơ chế hợp tác cần phải có giữa các quốc gia. Không dừng lại ở đó, để phát triển thương hiệu quốc gia trên toàn cầu vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hướng tới đạt tiêu chuẩn quốc tế được Hàn Quốc quan tâm đặc biệt. Hàn Quốc thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động về quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng hơn nữa thị phần của lĩnh vực khoa học - công nghệ và lĩnh vực văn hóa (bao gồm quyền lực mềm, công nghiệp văn hóa) thuộc thương hiệu quốc gia. Tất cả những phương thức hoạt động trên của Hàn Quốc tựu chung là nhằm bảo vệ hình ảnh, uy tín thương hiệu quốc gia trên toàn cầu, đồng thời tạo ra sự lôi cuốn, hấp dẫn về đất nước, con người Hàn Quốc với người dân các quốc gia khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2009), Hàn Quốc Đất nước - con người, Nxb Thế giới, Hà Nội.
2. Byung Nak Song (2002), Kinh tế Hàn Quốc đang trỗi dậy, Nxb Thống kê, Hà Nội.
3. 국가브랜드 경영연구소, 문화를 통한 국가브랜드가치 제고전략 최종보고서, 문화관광부, 2003 (Viện Nghiên cứu Kinh doanh Thương hiệu Quốc gia (2003), Báo cáo cuối cùng về chiến lược nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, Bộ Văn hóa Du lịch Hàn Quốc).
4. 오미영. 박종민. 장지호, 한국의국가브 랜드 이미지에 영향을 미치는 요인에 관한 연구, 광고학연구, 2003 (Oh Mi Young, Park Jong Min, Jang Ji Ho (2003), Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới hình ảnh thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc, Nghiên cứu quảng cáo học).
5. 안광호외, 전략적 브랜드 관리 학연사, 2008 (Ahn Kwang Ho và cộng sự (2008) Quản lý thương hiệu mang tính chiến lược).
6. 윤정인, 코리아 브랜드 파워, 매일경제신문사, 2010 (Yoon Jeong In (2010), Sức mạnh thương hiệu Hàn Quốc).
7. 송정은, 경제한류와 문화한류가 한국 브랜드 이미지 형성에 미치는. 인도네시아에서 한국 브랜드 이미지를 중심으로, 한류비즈니스연구, 년2월 창간호, 2014 (Song Jeong Eun (2014), Vai trò của kinh tế Hallyu và văn hóa Hallyu đối với sự hình thành hình ảnh thương hiệu Hàn Quốc: trọng tâm nghiên cứu là hình ảnh thương hiệu Hàn Quốc tại Indonesia).
8. 문화체육관광부, 관광활성화와 국가 이미지의 선순환 관계 분석 연구, 2014 (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc (2014), Nghiên cứu phân tích mối quan hệ tuần hoàn giữa hình ảnh quốc gia với sự phát triển du lịch).
[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] 안광호외, 전략적 브랜드 관리 학연사, 2008 (Ahn Kwang Ho và cộng sự (2008) Quản lý thương hiệu mang tính chiến lược), tr. 56.
[3] 윤정인, 코리아 브랜드 파워, 매일경제신문사 , 2010 (Yoon Jeong In (2010), Sức mạnh thương hiệu Hàn Quốc), tr. 102.
[4] 송정은,경제한류와 문화한류가 한국 브랜드 이미지 형성에 미치는. 인도네시아에서 한국 브랜드 이미지를 중심으로, 한류비즈니스연구, 년2월 창간호, 2014 (Song Jeong Eun (2014), Vai trò của kinh tế Hallyu và văn hóa Hallyu đối với sự hình thành hình ảnh thương hiệu Hàn Quốc: trọng tâm nghiên cứu là hình ảnh thương hiệu Hàn Quốc tại Indonexia), tr. 128.
[5] 방송통신위원회,방송통신을 통한 국가 브랜드 제고 방안 연구정책, 2011 (Ủy ban truyền thông Hàn Quốc (2011), Nghiên cứu phương án nâng cao thương hiệu quốc gia thông qua truyền thông), tr. 65.