Huỳnh Trọng Hiền1, Nguyễn Đắc Tùng2
Tóm tắt: Liên minh quân sự Nhật - Mỹ là một trong những mối quan hệ đồng minh điển hình trên thế giới về tính hiệu quả và bền chặt. Mối quan hệ này được thử thách trong Chiến tranh Lạnh, tiếp tục được củng cố và tăng cường trước những biến đổi của tình hình thế giới, khu vực trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Bài viết phân tích những nhân tố tác động đến hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ, thực trạng hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ từ năm 2012 đến năm 2022 nhìn từ các chuyến thăm cấp cao, sản xuất và mua bán vũ khí, các cuộc tập trận chung giữa hai quốc gia.
Từ khóa: Hợp tác quốc phòng, Nhật Bản, Mỹ, Thủ tướng Abe Shinzo
K |
hác với những đời thủ tướng tiền nhiệm của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền (từ năm 2009-2012) có xu hướng “xích lại gần” Trung Quốc,[1]“xa rời” quan[2]hệ đồng minh với Mỹ. Thủ tướng Abe Shinzo sau khi lên cầm quyền năm 2012 đã thực thi chính sách đối ngoại “cứng rắn” với Trung Quốc, củng cố và tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ. Ông Abe Shinzo là thủ tướng có mối quan hệ “thân thiết” với các đời Tổng thống Mỹ như: Barack Obama, Donald Trump. Các đời thủ tướng kế nhiệm của Nhật Bản như: Suga Yoshihide, Fumio Kishida kế tục chính sách của nguyên Thủ tướng Abe Shinzo, đặt mối quan hệ liên minh với Mỹ làm “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của mình. Do đó, hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ từ khi Thủ tướng Abe Shinzo cầm quyền tới nay đạt được những thành tựu khác biệt so với giai đoạn trước.
Hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ giai đoạn 2012-2022 diễn ra một cách mạnh mẽ, đạt nhiều hiệu quả xuất phát từ nhiều yếu tố như: bối cảnh quốc tế và khu vực, lực cầu từ phía Nhật Bản, lực hút từ phía Mỹ, nhân tố Triều Tiên, sự hiện đại hóa mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc.
(i) Từ thập niên thứ hai của thế kỷ XXI tiếp tục diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn, nổi bật nhất là cạnh tranh Mỹ - Trung và Mỹ - Nga. Tại châu Âu, Mỹ tiếp tục liên minh với các nước phương Tây, củng cố và mở rộng NATO, tạo ưu thế chiến lược tiến về phía Đông để giới hạn không gian ảnh hưởng của Nga[3]. Ở châu Á - Thái Bình Dương, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc về kinh tế đã nhanh chóng chuyển hóa sang sự trỗi dậy về chính trị và quân sự. Trung Quốc cố gắng lấp đầy khoảng trống quyền lực mà Mỹ “bỏ quên” tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng các chiến lược “Vành đai, Con đường”; “Con đường tơ lụa trên biển và trên bộ”…, thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” với mục tiêu đến năm 2049 vươn lên trở thành siêu cường, thiết lập cơ chế G2 ngang bằng với Mỹ. Điều này khiến cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung càng trở nên gay gắt, gia tăng về cường độ và phạm vi trên quy mô toàn cầu. Để kiềm chế “tham vọng” của Trung Quốc là trở thành siêu cường đối đẳng thách thức địa vị số một toàn cầu của mình, Mỹ thực hiện các chiến lược “tái cân bằng”, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với vai trò trụ cột của “Bộ tứ kim cương”, thắt chặt hợp tác quốc phòng với đồng minh truyền thống của Mỹ tại châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản để kiềm chế Trung Quốc.
(ii) Tình hình chính trị - an ninh khu vực Đông Bắc Á giai đoạn này cũng có những diễn biến phức tạp. Mâu thuẫn giữa các quốc gia về tranh chấp biển và hải đảo gia tăng với các điểm nóng; Senkaku/Điếu Ngư (Nhật Bản và Trung Quốc); Takeshima/ Dokdo (Nhật Bản và Hàn Quốc); bãi đá ngầm Socotra (Trung Quốc và Hàn Quốc) cùng với quan hệ căng thẳng về chính trị Trung Quốc - Hàn Quốc sau khi Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vào năm 2016 và giữa Nhật Bản - Hàn Quốc (năm 2019)... đẩy quan hệ các quốc gia tại khu vực này vào tình trạng căng thẳng, nghi kị và bất an. Trước bối cảnh như vậy, Nhật Bản buộc phải tăng cường mua sắm vũ khí, hiện đại hóa quân đội, Mỹ luôn là đối tác truyền thống và tin cậy hàng đầu có thể giúp Nhật Bản thực hiện mục tiêu nói trên.
(iii) Năm 2010, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sức mạnh kinh tế là chỗ dựa cho Trung Quốc tăng chi phí quân sự, ngân sách quốc phòng hằng năm luôn tăng ở mức hai con số, dự kiến có thể đuổi kịp Mỹ vào năm 2030. Trung Quốc hiện đại hóa quân đội mạnh mẽ với việc chế tạo và đưa vào hoạt động các tàu sân bay: Liêu Ninh (năm 2012), Sơn Đông (năm 2019), hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến (17/06/2022), chế tạo máy bay tàng hình thế hệ thứ 5- J20, tên lửa siêu âm chống hạm DF-21, mua của Nga các hệ thống vũ khí hiện đại (hệ thống phòng không tối tân S-400, tàu ngầm tấn công lớp Amur, máy bay tiêm kích đa năng Su-35...). Sức mạnh quân đội lớn mạnh không ngừng khiến Trung Quốc càng có cơ sở thực thi những hành động cứng rắn hơn khiến thế cân bằng chiến lược tại khu vực càng trở nên bấp bênh, làm trầm trọng thêm về “thuyết mối đe dọa Trung Quốc”, gây tình trạng thiếu hụt về an ninh, chạy đua vũ trang quốc tế và khu vực[4]. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đe dọa sức mạnh và không gian ảnh hưởng của cả Nhật Bản và Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này khiến Nhật Bản thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Mỹ để hiện đại hóa hệ thống vũ khí của mình tăng khả năng răn đe với Trung Quốc.
(iii) Bên cạnh đó, Triều Tiên dưới thời Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đạt được rất nhiều thành tựu vượt bậc về chế tạo và thử nghiệm thành công các loại vũ khí: tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, bom nhiệt hạch, tên lửa siêu thanh, hệ thống tên lửa đường sắt... Đây cũng là mối “đe dọa” nghiêm trọng đối với Mỹ và đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Nhật Bản. Mối đe dọa về vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên khiến Nhật Bản và Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng, thiết lập các hệ thống tên lửa đánh chặn nhằm bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản trước “mối đe dọa” Triều Tiên.
(iv) Quan hệ chính trị căng thẳng với Hàn Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Abe Shinzo, vấn đề tên lửa và vũ khí hạt nhân với Triều Tiên, tình trạng chưa ký “Hiệp ước Hòa bình” với Nga, đặc biệt “sức ép an ninh” từ phía Trung Quốc khiến Nhật Bản dường như bị lâm vào tình thế “tứ bề thọ địch”. Những nhân tố trên khiến Nhật Bản nhận thức tự phải đẩy nhanh quá trình trở thành “quốc gia bình thường”, nâng cao năng lực quốc phòng, tăng cường tiến hành các cuộc tập trận chung để rèn luyện và nâng cao khả năng tác chiến của các binh chủng, tiến hành nghiên cứu và hợp tác chế tạo và mua vũ khí và khí tài quân sự với Mỹ chính là biện pháp thích hợp nhất để Nhật Bản có năng lực quốc phòng của bản thân, chủ động bảo vệ an ninh lãnh thổ của mình trong mọi tình huống khẩn cấp.
(v) Sự lớn mạnh của Trung Quốc đe dọa vị trí siêu cường số một của Mỹ đã làm vai trò của Mỹ ở khu vực, đặc biệt là ở Đông Á giảm dần. Điều này buộc Mỹ phải thực thi chính sách để kiềm chế Trung Quốc lấy lại vị trí, vai trò của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Để làm được điều này, Mỹ thúc đẩy Nhật Bản “bình thường hóa”, bao gồm cả tái vũ trang, nâng cấp Cục Phòng vệ thành Bộ Quốc phòng là những nền tảng pháp lý quan trọng để Nhật Bản hiện đại hóa quân đội. Chia sẻ, chuyển giao công nghệ quốc phòng, tăng cường bán vũ khí tối tân giúp Nhật Bản nâng cấp lực lượng quân đội để cùng Mỹ chia sẻ gánh nặng đảm nhiệm vai trò an ninh tại khu vực, đặc biệt trước sự hiện đại hóa mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc.
2.1. Những chuyến thăm cấp cao
Tháng 4/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã thăm Nhật Bản để thảo luận các vấn đề an ninh với người đồng cấp Itsunori Onodera. Tại cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng thảo luận về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương và phương án thực hiện kế hoạch tái bố trí căn cứ không quân Futenma của quân đội Mỹ tại tỉnh Okinawa theo hiệp định đã ký giữa hai bên. Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí sửa đổi “Nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng”, trong đó quy định chi tiết vai trò của quân đội Mỹ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong các tình huống khẩn cấp. Hai bên cũng đã thảo luận về biện pháp đối phó với việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm cả chuỗi đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông[5].
Ngày 23/4/2014, Tổng thống Mỹ B. Obama đến thăm Nhật Bản, trong chuyến thăm này, Tổng thống Mỹ tuyên bố quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật; bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ về các động thái thực hiện quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản[6]. Tháng 4/2015, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo thăm Mỹ. Trong chuyến thăm này Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Tổng thống Mỹ Barack Obamar nhất trí tăng cường nhiều mối liên kết về thương mại, hợp tác quân sự, an ninh mạng, không phổ biến hạt nhân, nỗ lực chống khủng bố, biến đổi khí hậu và hỗ trợ nhân đạo[7]. Tiếp đó, ngày 3/2/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thăm Tokyo và có cuộc họp với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Trong cuộc họp, Bộ trưởng James Mattis tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với hiệp ước quốc phòng chung với Nhật Bản, đồng thời cam kết bảo vệ nước đồng minh Nhật Bản. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Abe Shinzo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố: “Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ”[8].
Ngày 4/2/2017, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Tomomi Inada tại Tokyo. Tại cuộc gặp, hai bộ trưởng đã cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm phát triển mối quan hệ quốc phòng tốt đẹp và bày tỏ quan ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với cả Nhật Bản, Mỹ cũng như khu vực[9]. Đầu tháng 5/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật - Mỹ. Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai nước để ngăn chặn mọi nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương[10]. Cuối tháng 5/2022, hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ được nâng lên một tầm cao mới, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Hai bên tập trung thảo luận về các biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng. Tổng thống Joe Biden đã tái khẳng định cam kết bảo vệ Nhật Bản, đồng thời tuyên bố liên minh Mỹ-Nhật là “nền tảng” của hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai nhà lãnh đạo cam kết tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của liên minh Mỹ - Nhật. Thủ tướng Kishida bày tỏ quyết tâm củng cố năng lực quốc phòng của Nhật Bản và bảo đảm sẽ tăng đáng kể ngân sách quốc phòng để thực hiện điều này. Tổng thống J. Biden đánh giá cao quyết tâm của nhà lãnh đạo Nhật Bản[11].
Các chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia cùng các bộ trưởng quốc phòng hai nước đã thiết lập thêm cơ sở pháp lý, cơ chế hợp tác giữa quân đội hai quốc gia. Đây chính là nền tảng quan trọng tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, gia tăng lòng tin chiến lược, đưa hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn trước những thách thức mới.
2.2. Về hợp tác sản xuất vũ khí
Trong các lĩnh vực hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ, hợp tác sản xuất vũ khí là khía cạnh được chú trọng và đạt được nhiều thành tựu. Nhật Bản và Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng và hợp tác sản xuất vũ khí. Trong bản “Điều chỉnh Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ” năm 2015 có mục “Doanh nghiệp hợp tác song phương” trong đó hướng dẫn hợp tác giữa hai nước trong việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và sản xuất vũ khí chung giữa hai quốc gia[12].
Từ năm 2016, Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành hợp tác sản xuất các bộ phận của tên lửa SM-3 Block IIA tại Nhật Bản. SM-3 Block IIA là loại tên lửa ba tầng, được thiết kế để ngăn chặn các mối đe dọa của tên lửa đạn đạo bay phía trên tầng khí quyển của Trái đất, phá hủy chúng bằng đầu đạn động lực học sau va chạm ở tốc độ rất cao[13]. Tháng 8/2019, Mỹ bán cho Nhật Bản 73 tên lửa Standard Missile-3 (SM-3) Block IIA và MK 29 Canisters cho Nhật Bản, các nhà thầu chính là công ty Raytheon và BAE Systems trị giá 3,3 tỷ USD[14]. Bên cạnh đó, từ năm 2020, Nhật Bản cũng tham gia vào việc sản xuất các linh kiện của máy bay tàng hình F-35 với Mỹ. Theo đó Lockheed Martin, nhà sản xuất máy bay tàng hình F-35 của Mỹ sẽ giúp đối tác Mitsubishi Heavy Industries (MHI) của Nhật Bản chế tạo một mẫu máy bay chiến đấu tàng hình mới vào giữa những năm 2030 để đối phó với những tiến bộ trong công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Trung Quốc. Dự án chế tạo mẫu máy bay chiến đấu mới, được gọi là F-3 hoặc F-X dự kiến có giá trị khoảng 40 tỷ USD, sẽ thay thế F-2. Dự án nhằm cải tổ mối quan hệ đối tác để phát triển dòng máy bay tiêm kích của Nhật Bản là F-2[15]. Nhật Bản và Mỹ đã là đồng minh quân sự “thân thiết”, quan hệ này sẽ trở nên chặt chẽ hơn nữa trong những năm tới khi hai quốc gia tìm kiếm nhiều cơ hội hơn để hợp tác về nghiên cứu sản xuất vũ khí và phát triển và sản xuất vũ khí và khí tài quân sự.
2.3. Hợp tác mua bán vũ khí
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ luôn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Nhật Bản. Trong bối cảnh lo ngại về sự hiện đại hóa mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc, Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư mua sắm quốc phòng. Kể từ năm 2012, Mỹ cũng cho phép xuất khẩu vũ khí và khí tài quân sự với trị giá hơn 12,5 tỷ USD sang Nhật Bản thông qua quy trình Bán hàng thương mại trực tiếp (DCS). Các danh mục hàng đầu của DCS của Mỹ xuất khẩu sang Nhật Bản bao gồm: động cơ tuabin khí và thiết bị đi kèm; bộ phận máy bay; các thiết bị điện tử quân sự[16]. Theo ước tính từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Nhật Bản là một trong 10 nước mua vũ khí nhiều nhất của Mỹ (từ năm 2016-2021). Trong thời gian này, Mỹ cung cấp tới 97% tổng nhập khẩu vũ khí của Nhật Bản, nhập khẩu vũ khí của Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục phát triển dựa trên các đơn đặt hàng vũ khí mới từ Mỹ[17]. Các loại vũ khí mà Nhật Bản mua của Mỹ bao gồm máy bay phản lực F-35A, F-35B, trực thăng V-22 Osprey, hệ thống chiến đấu hải quân Aegis, tên lửa đánh chặn PAC-3MSE, máy bay cảnh báo sớm E-2D Advanced Hawkeye, máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk[18]... Bên cạnh đó, Nhật Bản mua nhiều tên lửa tầm trung của Mỹ như: tên lửa không đối không tầm trung AIM 120 (AMRAAM), tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon trang bị cho tàu ngầm và tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA, ngoài ra tên lửa SM-3 Block IIA có thể đánh chặn các tên lửa xuất phát từ Triều Tiên. Ngân sách hàng năm dành cho quốc phòng hiện nay của Nhật Bản khoảng 50 tỷ USD [19].
2.4. Các cuộc tập trận chung
2.4.1. Tập trận hải quân
Ngày 19/09/2015, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật an ninh, tạo cơ chế thuận lợi hơn cho những cuộc tập trận giữa Nhật Bản và Mỹ[20]. Hợp tác giữa hải quân hai nước là điểm sáng so với các binh chủng khác. Sự tương đồng về lợi ích chiến lược của Nhật Bản và Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương là lực đẩy khiến các cuộc tập trận được tiến hành ở cả cấp độ song phương và đa phương.
* Tập trận song phương
Trong bối cảnh tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng trở nên nghiêm trọng, các hoạt động hải quân của Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến Washington và Tokyo lo ngại[21]. Năm 2020, các lực lượng của Bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và các đơn vị thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã bắt đầu cuộc tập trận Keen Sword 21 vào ngày 26/10/2020. Đây là một cuộc tập trận huấn luyện trận địa được tổ chức hai năm một lần và được thiết kế để củng cố liên minh Nhật - Mỹ có sự tham gia của hàng chục tàu chiến, hàng trăm máy bay và khoảng 46.000 binh sĩ, thủy thủ, thủy quân lục chiến của Mỹ và Nhật Bản cùng với Hải quân Hoàng gia Canada (Royal Canadian Navy).
Ngày 17/11/2021, Hải quân Nhật Bản và Mỹ đã mở một cuộc tập trận chống tàu ngầm đầu tiên tại vùng Biển Đông đang tranh chấp. Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh Mỹ hiện đang gia tăng hợp tác quân sự với các cường quốc khu vực để đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng Biển Đông và biển Hoa Đông. Nhật Bản có một tàu ngầm lớp Oyashio, cùng với hai khu trục hạm chở trực thăng Kaga và Murasame, một máy bay tuần tra biển tham gia cuộc tập trận. Trong khi đó, hải quân Mỹ huy động khu trục hạm USS Milius và một máy bay tuần tra biển. Đây là lần đầu tiên một tàu ngầm của hải quân Nhật Bản tham gia một cuộc thao dượt chống tàu ngầm với quân đội Mỹ tại vùng Biển Đông. Vào đầu tháng 11/2021, hai khu trục hạm Kaga và Murasame của Nhật Bản cũng đã diễn tập với tàu USS Milius của Mỹ trên vùng Biển Đông và sau đó đã ghé thăm vịnh Subic của Philippines[22].
* Tập trận đa phương
Cuối tháng 11/2017, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận với sự tham gia của tàu sân bay tại vùng biển gần bán đảo Triều Tiên, tập trung vào các hoạt động phối hợp của máy bay chiến đấu và máy bay ném bom. Cuộc tập trận diễn ra sau vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 của Triều Tiên vào cuối tháng 11/2017[23]. Trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực gia tăng đáng kể do Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa từ đầu năm 2022, bao gồm cả vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có tầm bắn hơn 5.000 km đầu tiên sau khi tạm ngừng vào năm 2017. Đến giữa tháng 4/2022, hạm đội 7 của Mỹ và Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung tại biển Nhật Bản[24]. Đây là lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ tổ chức cuộc tập trận ở khu vực này kể từ năm 2017 và nó được coi là nỗ lực rõ ràng nhằm răn đe hành động khiêu khích của Triều Tiên. Tháng 7/2018, Nhật Bản cùng với Mỹ, Ấn Độ và Australia đã tiến hành cuộc tập trận với tình huống giả định đánh chìm chiến hạm đối phương với sự phối hợp của cả ba binh chủng lục quân, không quân và hải quân trong khuôn khổ cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) lần thứ 26 do Mỹ chỉ huy, được tổ chức ngoài khơi quần đảo Hawaii, Mỹ. Tháng 6/2018, Ấn Độ cũng tham gia cuộc tập trận RIMPAC lần thứ 26 do Mỹ lãnh đạo[25].
Bên cạnh đó, Nhật Bản và Mỹ cũng phối hợp với các đối tác khác để thực hiện các hoạt động diễn tập đa phương Malabar. Cuộc tập trận thường niên này được tổ chức từ năm 1992 do Mỹ và Ấn Độ khởi xướng. Tại cuộc tập trận Malabar diễn ra vào tháng 11/2020, lần đầu tiên có sự tham gia của tàu chiến đến từ “Bộ tứ” là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Cuộc tập trận Malabar gần đây nhất diễn ra vào tháng 8/2021, các chiến hạm của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã tham gia cuộc tập trận Malabar 2021 ở vùng biển Philippines. Malabar là cuộc tập trận thường niên nhằm nâng cao việc lập kế hoạch, huấn luyện và sử dụng chiến thuật chiến tranh hiện đại giữa Hải quân Mỹ, Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản, Hải quân Australia và Hải quân Ấn Độ. Cuộc tập trận năm 2021 do Mỹ tổ chức và có hai giai đoạn. Đây là cơ hội cho các lực lượng của bốn nước nói trên, hoạt động cùng nhau ở biển Philippines nhằm tăng cường các kỹ năng trong chiến dịch biển kết hợp, chiến dịch chống tàu ngầm, hoạt động bắn đạn thật.
2.4.2. Tập trận không quân
Hợp tác không quân Nhật - Mỹ từ năm 2012-2022 đã có những bước tiến đáng kể thông qua các cuộc tập trận chung ở cả cấp độ song phương và đa phương.
* Tập trận song phương
Tháng 10/2017, chỉ vài giờ sau khi tin tặc Triều Tiên đánh cắp các kế hoạch quân sự bí mật của Hàn Quốc, các phi đội từ lực lượng không quân Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc diễn tập chung trên biển Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên gia tăng nhằm rèn luyện kỹ năng chiến đấu, cuộc tập trận đánh dấu lần đầu tiên máy bay B-1 Lancers của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện vào ban đêm với các máy bay chiến đấu của Nhật Bản và Hàn Quốc. Nó bao gồm các cuộc ném bom mô phỏng bay trên mặt nước gần bờ biển phía Đông của Hàn Quốc[26].
* Tập trận đa phương
Triều Tiên thời gian gần đây đã cho tiến hành một loạt vụ thử tên lửa, bao gồm cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung đất đối đất Hwasong-12 diễn ra hôm 30/1/2022. Trong bối cảnh đó, tháng 2/2022 đã diễn ra cuộc tập trận Cope North 22 nhằm tạo ra một “liên minh” để ngăn chặn những hành động quân sự của các đối thủ tiềm tàng, bao gồm cả Triều Tiên. Hơn 2.500 phi công, lính thủy đánh bộ và thủy thủ của Mỹ cùng khoảng 1.000 binh sĩ tới từ Nhật Bản và Australia đã được điều động để tham gia Cope North 22[27].
2.4.3. Tập trận lục quân
Từ năm 2012-2022, đây là lĩnh vực được tiến hành về mức độ tần suất khiêm tốn hơn so với các binh chủng khác. Tháng 8/2017, 2.000 thủy quân lục chiến Mỹ cùng với 1.600 lính của Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật có tên Northem Viker trên đảo Hokkaido của Nhật Bản. Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 10 đến ngày 28/8/2017 nhằm kiểm tra khả năng tương tác và khả năng tác chiến song phương của Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản và Thủy quân lục chiến Mỹ nhằm giải quyết những thách thức trên các lĩnh vực, bao gồm các hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Bên cạnh đó, cuộc tập trận nhằm cải thiện và nâng cao khả năng tương tác ở cấp độ chiến thuật giữa Thủy quân lục chiến Mỹ và Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản để giữ cho lực lượng này có sức mạnh và khả năng thích ứng cao để hỗ trợ trực tiếp cho an ninh của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương[28].
Đầu tháng 2/2020 diễn ra cuộc tập trận mang tên Northern Viper 2020 giữa quân đội Nhật Bản và Mỹ diễn ra tại thao trường Hokudalen và Yausubetsu trên đảo Hokkaido, Nhật Bản. Tham gia sự kiện này có khoảng 650 binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản và 2.300 binh sĩ thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ. Trong thời gian 2 tuần, các đơn vị của hai bên cùng thực hiện hàng loạt các đề mục như huấn luyện trong thời tiết mùa đông, bắn tỉa, đổ bộ đường không, tác chiến hỗn hợp quân - binh chủng, tấn công mục tiêu có sự hỗ trợ của trực thăng. Cuộc tập trận với Nhật Bản cũng thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm của Washington với đồng minh trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản vào tháng 12/2019 cho biết mục đích của cuộc tập trận Northern Viper năm 2020 là “huấn luyện bắn đạn thật và huấn luyện vũ trang song phương dưới nhiều địa hình và thời tiết”[29].
3. Đánh giá và nhận xét
Hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ từ khi Thủ tướng Abe Shinzo cầm quyền tới nay đã đạt được những thành tựu đáng kể, mang lại lợi ích cho cả hai bên:
(i) Đối với Mỹ, hợp tác quốc phòng với Nhật Bản góp phần củng cố mạng lưới các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thông qua đó duy trì và nâng cao ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực, bởi lôi kéo được một Nhật Bản hùng mạnh cả về sức mạnh kinh tế và quân sự sẽ giúp thay đổi cán cân sức mạnh ở khu vực châu Á theo hướng có lợi cho Mỹ. Đông Bắc Á là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn như sự bất ổn ở bán đảo Triều Tiên, cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Do vậy, đối với Mỹ, sự hiện diện và gia tăng sức mạnh hải quân của Nhật Bản không những góp phần chia sẻ một phần trách nhiệm tuần tra, kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng, ngăn chặn và chống cướp biển, mà còn góp phần kiềm chế chiến lược “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Do đó, Mỹ có lợi ích lớn khi Nhật Bản có đủ năng lực đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh khu vực, giúp giảm bớt gánh nặng an ninh của Mỹ.
(ii) Đối với Nhật Bản, thông qua các cuộc tập trận chung của các lực lượng hải quân, không quân, lục quân với Mỹ, quân đội Nhật Bản được rèn luyện và cọ xát với các phương thức hiệp đồng tác chiến với quân đội Mỹ, giúp nâng cao năng lực tác chiến của chính quân đội Nhật Bản, khiến lực lượng quân đội xứ sở mặt trời mọc có thêm sự tự tin trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trong mọi tình huống khẩn cấp.
(iii) Hợp tác sản xuất vũ khí là lĩnh vực hợp tác nhạy cảm nhưng lại là lĩnh vực đạt được nhiều tiến bộ trong quan hệ song phương giữa quân đội hai quốc gia. Mỹ tiếp tục duy trì và khẳng định vai trò cung cấp số một đối với thị trường vũ khí tại Nhật Bản, thu được những hợp đồng có giá trị lớn cho các tập đoàn sản xuất vũ khí trong nước. Đối với Nhật Bản, quan hệ đối tác với Mỹ đem lại cơ hội tiếp thu những công nghệ quân sự tân tiến hàng đầu của Mỹ, giúp tiết kiệm một khoản chi phí lớn cho việc nghiên cứu và chế tạo vũ khí. Việc hợp tác và mua bán vũ khí này này góp phần tăng cường mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ và nâng cao năng lực quốc phòng của Nhật Bản, tiếp tục giúp Nhật Bản là lực lượng quan trọng cho việc duy trì hòa bình và ổn định về an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Lời kết
Từ khi Thủ tướng Abe Shinzo cầm quyền tới nay, hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ được củng cố và tăng cường trên các lĩnh vực: thường xuyên tiến hành các chuyến thăm cấp cao của nguyên thủ quốc gia và bộ trưởng quốc phòng giữa hai quốc gia; quân đội hai nước đã phối hợp triển khai tập trận trên tất cả các binh chủng: hải quân, không quân và lục quân; không ngừng củng cố và gia tăng sự hợp tác nghiên cứu và chế tạo vũ khí - khí tài quân sự, các hợp đồng bán vũ khí. Sự phát triển toàn diện và đi vào chiều sâu của hợp tác quốc phòng giữa hai nước phản ánh sự gặp gỡ và hội tụ về quan điểm và lợi ích chiến lược giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng gia tăng để đối phó với những thách thức về an ninh đối với cả hai bên như: sự trỗi dậy mạnh mẽ và hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc, vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên; cũng như những mối đe dọa về an ninh với Nhật Bản hoặc Mỹ. Nhờ đó, hợp tác quốc phòng hai quốc gia ngày càng đi vào thực chất, góp phần nâng cao sức mạnh và vị thế quân sự của mỗi bên, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của Nhật Bản và Mỹ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. “Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Nhật Bản” (2014), https://dangcongsan.vn/thoi-su/bo-truong-quoc-phong-my-tham-nhat-ban-235250.html.
2. Hoàng Khắc Nam (2016), Những thách thức an ninh toàn cầu và khu vực: Con đường củng cố và hợp tác ở Đông Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. “Mỹ, Australia, Nhật tập trận không quân chung” (2022), https://vietnamnet.vn/my-australia-nhat-tap-tran-khong-quan-chung-813518.html.
4. “Mỹ và Nhật Bản hợp tác phát triển tên lửa đánh chặn thế hệ mới” (2016), https://www. vietnamplus.vn/my-va-nhat-ban-hop-tac-phat-trien-ten-lua-danh-chan-the-he-moi/365564.vnp.
5. Trần Hoàng Long (2016), “Những nhân tố tác động đến hiện đại hóa quân sự của Ấn Độ những năm gần đây”, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á, số 11.
6. Ankit Panda (2017), “US, Japan, South Korea to Hold Missile Tracking Exercises”, https://thediplomat.com/2017/12/us-japan-south-korea-to-hold-missile-tracking-exercises/.
7. Glen S. Fukushima (2014), “US - Japan Relations under Abe Shinzo”, https://theasan forum.org/us-japan-relations-under-abe-shinzo/.
8. Jon Harper (2021), “SPECIAL REPORT: U.S., Japan Set to Enhance Cooperation on Military R&D”.
9. Ministry of Foreign Affairs of Japan (2015), The Guidelines for Japan-U.S. Defense Cooperation April 27, 2015, https://www.mofa. go.jp/files/000078188.pdf.
10. Rupakjyoti Borah (2015), “Japan’s Controversial Security Bills Pass in the Upper House. Now What?”, https://thediplomat.com/ 2015/09/japans-controversial-security-bills-pass-in-the-upper-house-now-what/.
[1] TS., Khoa Nhật Bản học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
[27] “Mỹ, Australia, Nhật tập trận không quân chung” (2022), https://vietnamnet.vn/my-australia-nhat-tap-tran-khong-quan-chung-813518.html, truy cập ngày 28/07/2022.
[28] “U.S., Japanese Troops Team Up for Northern Viper Exercise” (2017), https://www.defense.gov/News/News-Stories/Article/Article/1277590/us-japanese-troops-team-up-for-northern-viper-exercise/, truy cập ngày 28/07/2022.
[29] Ankit Panda (2020), “US, Japan Begin Northern Viper Military Exercise”, https://www.iiimef.marines.mil/ News/News-Article-Display/Article/2077186/us-japan-begin-northern-viper-military-exercise/, truy cập ngày 20/07/2022.