Quan hệ liên Triều cho đến nay tuy vẫn rơi vào trạng thái “nóng lạnh thất thường” song đã ấm lên một cách tích cực trong thời gian gần đây. Bài viết làm rõ dấu hiệu tích cực của mối quan hệ này dưới thời Tổng thống Moon Jae-in để thấy được thiện chí trên chặng đường cải thiện quan hệ cũng như tương lai của mối quan hệ liên Triều, đặc biệt kể từ sau các hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức vào năm 2018.
Phong trào Hoa Hướng Dương giữa nhiệm kỳ thứ 2 của ông Mã Anh Cửu được xem như hình ảnh thu nhỏ sự phản đối của đa số người dân vùng lãnh thổ Đài Loan đối với chính sách thúc đẩy hội nhập kinh tế hai bờ eo biển của Quốc dân Đảng. Nỗ lực của đảng cầm quyền nhằm thông qua thỏa thuận thương mại dịch vụ hai bờ eo biển tại Lập pháp Viện (Quốc hội) vào tháng 3 năm 2014 như một chất xúc tác kích hoạt phong trào phản đối quy mô lớn trên toàn Đài Loan. Phong trào này đã làm thay đổi đáng kể cục diện chính trị của Đài Loan và mối quan hệ của nó với Trung Quốc đại lục. Bài viết này làm rõ nguồn gốc và bản chất của phong trào Hoa Hướng Dương, thảo luận thái độ của giới trẻ về bản sắc dân tộc và sự quan tâm của họ tới vấn đề chính trị, đồng thời đánh giá tác động của phong trào Hoa Hướng Dương tới chính sách của đảng cầm quyền ở cả đại lục và Đài Loan.
Chiến lược Quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI) đã được Chính phủ Hàn Quốc đưa ra năm 2019 với tư cách là kết quả của quá trình hoàn thiện chính sách, chiến lược quốc gia về AI được bắt đầu từ năm 2016. Mục tiêu chiến lược quốc gia của Hàn Quốc trong lĩnh vực AI là vươn lên vị trí dẫn đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trên cơ sở phân tích khái quát về quá trình xây dựng chiến lược AI, bài viết làm rõ những điểm nổi bật về nội dung chiến lược AI của Hàn Quốc hiện nay, đồng thời bước đầu đưa ra những đánh giá về quá trình triển khai Chiến lược Quốc gia về AI thời gian vừa qua.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ Việt - Hàn, nghiên cứu và đào tạo về Hàn Quốc tại Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cả về lượng và về chất. Đứng trước ngưỡng cửa 30 năm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc và hứa hẹn mở ra một giai đoạn mới của mối quan hệ hai nước cũng như triển vọng phát triển của nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam, bài viết sẽ phân tích, đánh giá tình hình tổ chức, đội ngũ nghiên cứu và đào tạo, công trình nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam trong ba thập niên qua. Đồng thời, trên cơ sở sử dụng dữ liệu của Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á trong hơn 20 năm như một trường hợp nghiên cứu, bài viết phân tích những chuyển biến trên nhiều phương diện trong nghiên cứu và đào tạo về Hàn Quốc tại Việt Nam.
Nền giáo dục Nhật Bản nói chung và giáo dục, đào tạo nghề nói riêng được coi là một trong những hệ thống ưu việt, tiên tiến trên thế giới. Cũng như nhiều quốc gia khác, trước sự thay đổi của kinh tế và thị trường lao động, Nhật Bản đã liên tục có những thay đổi trong hệ thống giáo dục và đào tạo nghề nhằm khắc phục nhược điểm của hệ thống. Bài viết phân tích mối quan hệ giữa các chủ thể trong hệ thống đào tạo nghề cho thanh niên tại Nhật Bản, từ đó nhìn nhận những ưu điểm và hạn chế của hệ thống này ở Nhật Bản hiện nay.
Bài viết* nêu một số khái niệm về doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế, đưa ra nội dung khái quát về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc. Nhóm tác giả đi sâu vào phân tích thực trạng phát triển của các doanh nghiệp này trên các khía cạnh như khu vực hoạt động, quy mô sản xuất trong ngành chế tạo, giá trị gia tăng, tỷ lệ lợi nhuận tính trên doanh thu bán hàng, lương tháng và giờ làm việc của các nhân viên cũng như số lượng nhân viên thiếu hụt, từ đó đưa ra một số nhận xét và đánh giá.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một trong những chủ thể quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Tổ chức này đang từng bước thể hiện vị trí và vai trò quan trọng của mình trong đời sống kinh tế - chính trị quốc tế. Là khu vực gần với Trung Quốc ở phía Nam nên Đông Nam Á luôn được Trung Quốc coi trọng và phát triển mối quan hệ song phương, có đi có lại. Tuy nhiên việc tăng cường thúc đẩy hợp tác với ASEAN không phải là mục đích duy nhất Trung Quốc hướng đến, mục tiêu lớn hơn là tạo dựng ảnh hưởng và tạo lập quỹ đạo riêng trong tác động chi phối khu vực Đông Nam Á. Điều đó đặt ra những thách thức buộc các quốc gia ASEAN tìm cách thích ứng. Bằng việc phân tích nội dung văn bản và các hành động của Trung Quốc, bài viết chỉ ra một cách hệ thống bản chất các giá trị trong chính sách đối ngoại của họ.
Không chỉ là sự kiện quan trọng nhất trong lịch trình chính trị năm nay tại Nhật Bản, cuộc bầu cử Thượng viện 2022 còn đánh dấu một "bước ngoặt lớn" của nền chính trị nước này. Bài viết phân tích những điểm chính xoay quanh cuộc bầu cử và biến cố khiến chính trường Nhật Bản rung chuyển - cựu Thủ tướng Abe bị ám sát ngay trước thềm bầu cử - sự kiện được coi là tác động lớn nhất đến nền chính trị Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngoài ra, với chiến thắng lớn của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, chính quyền hiện tại của Nhật Bản dường như sẽ có "ba năm vàng son" trước mắt. Tuy nhiên, sau đây nước Nhật thời "hậu Abe" có thể sẽ phải đối mặt với không ít vấn đề, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến ngoại giao, an ninh, và Đảng LDP cũng có thể có những thay đổi lớn về cơ cấu, dẫn đến sự xáo động trong nội bộ chính trị nước Nhật.