Trần Ngọc Dũng1, Nguyễn Duy Thái2
Tóm tắt: Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng dựa trên việc khai thác các báo cáo của người Anh về Đông Dương thuộc Pháp để phân tích vai trò của thị trường Đông Bắc Á đối với ngoại thương Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nghiên cứu góp phần quan trọng bổ sung cho các công trình trước đó về vấn đề này khi đưa ra cái nhìn đối chiếu khách quan để một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Đông Bắc Á (gồm Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản) đối với hoạt động ngoại thương của Việt Nam. Dù cho Pháp tìm cách độc quyền thương mại nhưng thị trường này vẫn thể hiện được giá trị lớn qua tỉ trọng đóng góp, các mặt hàng xuất nhập khẩu, số tàu bè ra vào Đông Dương. Bài viết do đó khẳng định sự cần thiết phải duy trì quan hệ buôn bán với khu vực này dù trong bất cứ hoàn cảnh thương mại nào bởi tầm quan trọng của thị trường này.
Từ khóa: Tư liệu Anh, Đông Bắc Á, trao đổi thương mại, tàu buôn quốc tế
T |
rong lịch sử ngoại thương của Việt Nam, Đông Bắc Á luôn chiếm giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong đối sánh với thị trường Đông Nam Á, châu Âu hay Mỹ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đông Bắc Á vẫn duy[1]trì được[2]“nhịp điệu” trao đổi buôn bán với Việt Nam. Đặc biệt, khi thực dân Pháp tìm cách độc quyền thương mại Đông Dương thì việc Đông Bắc Á vẫn duy trì được vị thế trong quan hệ với Việt Nam càng thể hiện rõ tầm quan trọng của thị trường này. Vì thế, việc tìm hiểu ngoại thương Việt Nam – Đông Bắc Á đầu thế kỷ XX có ý nghĩa quan trọng để nhìn nhận về sự biến đổi của ngoại thương nước nhà. Nhiều nhà khoa học đã tìm hiểu cụ thể hoạt động ngoại thương giữa Việt Nam với Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông nói riêng và khu vực nói chung qua khảo sát nguồn tư liệu tiếng Pháp. Vì thế, bài viết không phải là một nghiên cứu mới mà là một sự bổ sung cần thiết về mặt tư liệu và tư duy khi tiếp cận vấn đề nghiên cứu qua việc xử lý định lượng nguồn tài liệu lưu trữ của bên thứ ba – người Anh. Bài viết cung cấp những thông số cụ thể về tình hình ngoại thương Việt Nam – Đông Bắc Á để đối sánh, bổ trợ cho những nghiên cứu trước đó. Bài viết tái khẳng định vai trò của khu vực này đối với thương mại Việt Nam, đặc biệt là sự trỗi dậy của Hồng Kông như một trạm trung chuyển quốc tế để góp phần đưa thương mại Việt Nam ra toàn cầu.
Quan hệ ngoại thương Việt Nam – Đông Bắc Á thời Pháp thuộc đã nhận được sự quan tâm của nhiều học giả bởi tính chất quan trọng của vấn đề nghiên cứu. Ở trong nước, Nguyễn Tiến Lực là người quan tâm khá sớm đến quan hệ Việt Nam – Nhật Bản và có những nghiên cứu cụ thể về chính sách ngoại thương và hoạt động buôn bán trao đổi giữa hai nước[3]. Chương Thâu đã nghiên cứu về quan hệ buôn bán ở khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc[4]. Nguyễn Mạnh Dũng đã đi sâu vào tìm hiểu quan hệ ngoại thương Việt Nam – Triều Tiên dưới những ảnh hưởng của Nhật Bản[5]. Gần đây, Nguyễn Thị Thanh Tùng có những nghiên cứu mang tính chất bao quát hơn về giao thương Việt Nam - Đông Bắc Á[6]. Ngoài ra, những thông tin ít ỏi về buôn bán giữa Việt Nam với Đông Bắc Á đã được đưa ra trong các nghiên cứu chung, cơ bản về kinh tế, thương mại nước ta giai đoạn này. Các nghiên cứu trên đã khai thác triệt để nguồn tư liệu tiếng Pháp lưu trữ ở Việt Nam để cung cấp những thông tin cơ bản, chân thực về quan hệ Việt Nam – Đông Bắc Á. Các nghiên cứu thường tập trung nhiều hơn vào giai đoạn sau năm 1914 khi các số liệu khá đầy đủ và hoạt động thương mại và khai thác thuộc địa được chú ý hơn trước. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ rõ một vấn đề là khó có thể xác định một cách chính xác hoàn toàn các số liệu của riêng Việt Nam trong toàn bộ Đông Dương bởi các báo cáo, tài liệu còn lại thường gộp Việt Nam trong toàn thể Liên bang Đông Dương. Tuy vậy, với vị trí địa lý, nguồn tài nguyên và điều kiện kinh tế hơn hẳn so với Lào hay Campuchia, Việt Nam đóng góp trên 90% vào nền ngoại thương của Đông Dương, nên việc sử dụng số liệu chung của Đông Dương cũng không làm sai lệch nhận thức chung về ngoại thương của Việt Nam giai đoạn này.
Các học giả quốc tế cũng dành sự quan tâm nhất định đến giao thương Đông Dương- Đông Bắc Á đầu thế kỷ XX. Một số học giả chú ý đến hoạt động và vai trò của các thương nhân Trung Quốc và Nhật Bản trong nền kinh tế Đông Dương[7]. Tuy nhiên, không nhiều học giả khối Anh ngữ nghiên cứu sâu về quan hệ ngoại thương Việt Nam- Đông Bắc Á mà thường chỉ nhìn nhận vấn đề này trong một tổng thể nghiên cứu chung[8]. Một số nghiên cứu khác tập trung vào sự kết nối hàng hải giữa vịnh Bắc Bộ và phía Nam Trung Quốc trong mối giao thương Hồng Kông - Đông Nam Á[9]. Nhiều nghiên cứu lại tập trung vào việc Nhật Bản tìm cách thay thế Pháp tại Đông Dương trong giai đoạn 1939-1945. Có thể thấy, các vấn đề chính trị, ngoại giao của Đông Dương và khu vực trong giai đoạn đầu thế kỷ XX được các học giả chú ý nhiều hơn so với hoạt động trao đổi buôn bán. Dường như chính sách độc quyền kinh tế của Pháp đã tạo ra một môi trường khó khăn cho giao thương của Việt Nam với các quốc gia khác và các học giả chú ý nhiều đến giao thương chính quốc – thuộc địa thay vì đánh giá về sự tồn tại của các dòng ngoại thương khác trong bối cảnh độc quyền của Pháp.
Các công trình trước đó hầu hết sử dụng tư liệu lưu trữ Pháp để nghiên cứu thương mại Việt Nam – Đông Bắc Á đầu thế kỷ XX. Bài viết này cung cấp những đóng góp khác bằng việc khai thác nguồn tư liệu lưu trữ Anh để tạo ra góc nhìn định lượng và đối sánh với các nghiên cứu trước đó. Các báo cáo đó có tên gọi chung là Diplomatic and Consular Reports (viết tắt là DCR) về Nam Kỳ (Cochinchina), hoặc Đông Dương (Indochina). Do đó, trong bài viết, sẽ có những năm nhất định nói về Nam Kỳ, có những năm nói chung về Đông Dương; nhưng tổng quát vẫn thể hiện được giá trị của Việt Nam khi Nam Kỳ đóng góp phần lớn trong ngoại thương Việt Nam và Việt Nam cũng chiếm tỉ lệ tương tự trong buôn bán của Đông Dương. Khi người Anh dành sự quan tâm đặc biệt cho việc mở rộng và tự do thương mại trong khu vực, không ngạc nhiên khi các báo cáo của các nhà ngoại giao, nhân viên chính phủ Anh ở Nam Kỳ và Đông Dương tập trung sâu vào kinh tế[10]. Tài liệu từ phía Anh về vấn đề này tuy không phong phú, dồi dào như nguồn tư liệu lưu trữ Pháp, nhưng thương mại với Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông) vẫn được dành dung lượng lớn trong các báo cáo. Số liệu liên quan trực tiếp đến vấn đề nghiên cứu gồm số lượng tàu buôn qua lại giữa Đông Dương và Đông Bắc Á, xuất nhập khẩu, các sản phẩm thương mại chính, tỉ lệ tiền tệ, giá trị trao đổi.
Tài liệu từ Anh đồng thuận với các nghiên cứu trước đó trong việc khẳng định rằng Đông Bắc Á là một thị trường quan trọng bậc nhất của Việt Nam, chỉ đứng ngay sau thị trường Pháp và các thuộc địa của nó[11]. Năm 1905, hàng hóa từ Đông Bắc Á chiếm tới 38,46% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam (3,94 triệu bảng), chỉ kém Pháp và thuộc địa (gần 45%); trong khi hàng Việt Nam xuất sang khu vực này đạt 2,6 tỉ bảng (49,3%), sang Pháp chỉ đạt 1,2 tỉ bảng[12]. Từ 1906 đến 1909, riêng Hồng Kông cung cấp 25-30% giá trị hàng nhập khẩu của Việt Nam; và có năm cao nhất chiếm tới 41,8% giá trị xuất khẩu của Việt Nam[13]. Các thị trường châu Á khác (Nhật Bản, Trung Quốc, Xiêm, Singapore, Philippines) cũng chiếm tới khoảng 20% giá trị hàng nhập khẩu của Việt Nam, và dao động hơn 30-40% giá trị hàng xuất khẩu. Điều đó cho chúng ta cơ sở để thấy rằng, ít nhất trong đó thị trường Nhật Bản và Trung Quốc cũng góp một phần lớn, đảm bảo sự quan trọng của khu vực Đông Bắc Á đối với thương mại Việt Nam.
Các tài liệu của Anh cũng chỉ rõ tầm quan trọng của Nam Kỳ trong hệ thống thương mại của Việt Nam/Đông Dương với Đông Bắc Á. Trong giai đoạn 1911-1914, xuất khẩu của Nam Kỳ đến Hồng Kông dao động khoảng 25-27% tổng giá trị xuất khẩu, còn Trung Quốc có sự tăng trưởng từ 3,29% (1912) lên 12,65% (1914); đạt giá trị cao nhất là 84,7 triệu franc vào năm 1912. Nam Kỳ nhập từ Đông Bắc Á số hàng trị giá 125,9 triệu franc (1911) và 216,4 triệu franc (1914); trong đó khoảng 24-29% giá trị hàng hóa từ Hồng Kông, và khoảng 7-10% từ Nhật Bản[14]. Pháp vẫn thể hiện được vị thế hàng đầu, độc quyền về thị trường nhập khẩu của Nam Kỳ (trên dưới 60 triệu franc), nhưng hàng xuất sang Pháp chỉ dao động 22-29% (năm 1912 chỉ là 26,8 triệu franc), và có năm thấp hơn đóng góp của Hồng Kông. Điều đó cung cấp một bức tranh khá tương đồng với các nghiên cứu trước đó và đều khẳng định rằng thị trường Đông Bắc Á đứng thứ hai sau Pháp và hệ thống thuộc địa về tầm quan trọng đối với ngoại thương Việt Nam.
Hồng Kông là thị trường quan trọng bậc nhất trong khu vực khi chiếm khoảng ¼ giá trị ngoại thương của Việt Nam. Trung Quốc và Nhật Bản tuy góp phần ít hơn nhưng có ý nghĩa góp phần thúc đẩy vai trò và vị thế của Đông Bắc Á trên bản đồ ngoại thương Việt Nam. Giá trị thương mại Nhật Bản - Đông Dương trong giai đoạn 1906-1909 luôn duy trì ở mức gần 400.000 bảng. Trong giai đoạn 1911-1914, hàng hóa Sài Gòn nhập từ Nhật Bản luôn lớn hơn 2 triệu franc, đỉnh cao là năm 1913 với 3,2 triệu franc; trong khi xuất khẩu lên tới 16,3 triệu franc[15].
Biểu đồ 1: Thị trường xuất khẩu của gạo Nam Kỳ (1886-1904) (tấn)
Nguồn: DCR (1906), No. 3628, Trade, Commerce and Navigation of Cochin-China 1904, London, pp. 582-583.
Tính đến năm 1936, Trung Quốc và Hồng Kông là những khách hàng truyền thống và quan trọng nhất trong khu vực nhờ vào vị trí địa lý trên đường buôn bán kéo dài từ Đông Bắc Á xuống Singapore cũng như tính chất thương cảng tự do của các thị trường này[16]. Hồng Kông không tự thân nó là một thị trường có sức mua cao, hay có những sản phẩm có thể xuất khẩu đến Việt Nam. Mấu chốt là các nước phương Tây sử dụng Hồng Kông như một trạm trung chuyển trên con đường buôn bán kết nối Âu - Á. Hồng Kông chào đón tất cả thương nhân Anh, Mỹ, Pháp, Đức, và các nhà buôn khác đem hàng hóa đến trao đổi. Trao đổi Việt Nam - Hồng Kông chỉ là một bước trong chuỗi hoạt động thương mại, với sự tham gia của các thương nhân quốc tế. Ngoài ra, còn có rất nhiều tuyến đường thương mại nối Việt Nam với thế giới qua Đông Bắc Á như tuyến Sài Gòn- Thượng Hải, Sài Gòn - Quảng Đông - Thượng Hải - Marseilles - Lyon; Đà Nẵng - Manila - Osaka - Yokohama - Sán Đầu - Thượng Hải. Sự đa dạng của các tuyến thương mại đó đã thúc đẩy giao thương Việt Nam - Đông Bắc Á đầu thế kỷ XX.
Tài liệu phía Anh nhắc đến một cách cụ thể các mặt hàng trong giao thương Việt Nam - Đông Bắc Á. Thóc và gạo là sản phẩm trung tâm trong mối quan hệ này khi hàng năm chúng được vận chuyển từ Nam Kỳ và Bắc Kỳ tới Đông Bắc Á với số lượng lớn. Các thương cảng đón nhận thóc gạo Việt Nam là Hồng Kông, Hạ Môn, Sán Đầu, Đại Liên, Kobe, Yokohama, Nagasaki. Trước 1884, Trung Quốc chủ yếu nhập thóc về để xay xát; nhưng sau đó do Pháp mở nhiều nhà máy xay xát, đánh thuế cao việc xuất khẩu thóc nên gạo đỏ và gạo trắng trở thành hàng xuất khẩu chính[17]. Cuối thế kỷ XIX, Trung Quốc - Hồng Kông là thị trường quan trọng bậc nhất của thóc gạo Việt Nam; và dù sau đó có sự xuất hiện của nhiều thị trường khác, Đông Bắc Á vẫn là khách hàng thường xuyên và lớn nhất đối với nền nông nghiệp lúa nước Việt Nam. Trung Quốc - Hồng Kông vẫn chiếm hơn 20% giá trị xuất khẩu gạo của Nam Kỳ. Năm 1909, tổng xuất khẩu gạo của Đông Dương là 1,078 triệu tấn, trong đó Đông Bắc Á nhập đến 281.687 tấn (chiếm 26,1%)[18].
Bên cạnh thóc gạo, Việt Nam xuất khẩu khá nhiều sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp sang Đông Bắc Á như hồ tiêu, lụa, vải cotton, các sản phẩm từ cá, đồ thuộc da, sừng trâu bò, than đá, cùi dừa khô, các loại hạt, bạch đậu khấu, đồ gỗ, thảm và một số mặt hàng khác. Bên cạnh đó, sản phẩm công nghiệp như xi măng cũng đã bắt đầu được xuất khẩu: 50% tới Hồng Kông, 26% tới Nhật Bản, 10% tới Trung Quốc[19]. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế là các mặt hàng này khá vụn vặt và không đạt được giá trị lớn trong trao đổi. Hồ tiêu thường được xuất sang Hồng Kông, nhưng khối lượng lớn nhất ghi nhận được chỉ là 255 tấn, trị giá 135.000 USD (năm 1904), còn các năm khác chỉ đạt trên dưới 100 tấn[20]. Các báo cáo của Anh lặp lại rất nhiều lần cụm từ “hầu hết xuất khẩu đến Hồng Kông” đối với các mặt hàng kể trên. Điều đó cho thấy dù số lượng không đáng kể so với thóc gạo, nhưng hàng hóa Việt Nam đã tìm được chỗ đứng khá vững chắc ở thị trường Đông Bắc Á; hay nói cách khác hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đáp ứng tốt nhu cầu khu vực. Đặc biệt, than đá từ các mỏ Hòn Gai, Mạo Khê có ý nghĩa quan trọng đối với cả Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản trong việc cung cấp năng lượng cho nền công nghiệp mới và các đầu máy hơi nước, nên có sự cạnh tranh khá cao trong việc thu mua sản phẩm này.
Việt Nam nhập từ Đông Bắc Á các sản phẩm mang tính công nghiệp, công nghệ cao cùng với những sản phẩm mang tính tiêu dùng: máy móc, sắt thép, gốm sứ, đồng, đồng hồ, bạc, vải vóc, thuốc phiện, thuốc lá, chè, xà phòng, đồ chơi, sợi gai dầu, hoa quả tươi, thiếc, khoai tây, cà phê và than đá. Danh sách hàng hóa có nhiều sản phẩm không được sản xuất ở Đông Bắc Á mà là kết quả của một nền thương mại toàn cầu, trong đó các cảng ở Đông Bắc Á chỉ mang tính chất trung gian vận chuyển. Ví dụ, thuốc phiện được nhập thường xuyên và có đóng góp tương đối với mức 100.000-200.000 bảng mỗi năm có nguồn gốc chủ yếu từ Ấn Độ. Máy móc nhập từ Đông Bắc Á nhưng nguồn gốc là hàng hóa châu Âu tái xuất khẩu. Mặt hàng này chỉ đạt giá trị khoảng 4.000-6.000 bảng trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, cho thấy rõ chính sách hạn chế phát triển các ngành nghề công nghiệp ở Việt Nam của thực dân Pháp[21]. Việt Nam cũng nhập khẩu than đá, và trộn than trong nước với 20% than từ Nhật Bản, 10% than từ Anh để tạo ra hỗn hợp dùng để chạy động cơ máy hơi nước với hiệu suất cao hơn so với than đá Việt Nam đơn thuần.
Thú vị là Bắc Kỳ trở thành một điểm trung chuyển quan trọng trong tuyến đường Vân Nam - Bắc Kỳ - Hồng Kông. Các sản phẩm từ Vân Nam được trung chuyển qua Bắc Kỳ đến Hồng Kông gồm: các loại vải cotton, thuốc lá, vải len, vàng lá, dầu hỏa, diêm, và một số hàng hóa khác; trị giá tới 448.000 bảng (1906) và 698.000 bảng (1907). Theo chiều ngược lại, các sản phẩm như trà, thiếc, thuốc phiện, và một số mặt hàng khác trị giá 480.000 bảng (1906) và 528.000 bảng (1907)[22].
Nhìn vào cơ cấu xuất nhập khẩu từ tài liệu của Anh, chúng tôi cho rằng ngoại thương Việt Nam không hoàn toàn thiên về xuất siêu như các học giả trước đây đã nhận định[23]. Trước 1914, cán cân thương mại có sự cân bằng tương đối và có thể thay đổi theo từng năm. Trong giai đoạn 1905-1909, nhập khẩu từ Đông Bắc Á vào Đông Dương duy trì ở khoảng 3 triệu bảng (thấp nhất là 2,3 triệu bảng, cao nhất là 3,9 triệu bảng); trong khi xuất khẩu cũng dao động từ 2,2-4,9 triệu bảng[24]. Trong đó, 2 năm 1905-1906 là nhập siêu, 3 năm 1907-1909 là xuất siêu. Hai năm 1911-1912 Việt Nam nhập siêu (đặc biệt năm 1912 Nam Kỳ nhập đến 84,7 triệu franc nhưng xuất chỉ được 37,7 triệu franc), trong khi 1913-1914 chứng kiến tình trạng xuất siêu (gần 20 triệu franc)[25]. Nguyên nhân của tình trạng trên là do đặc điểm của các sản phẩm xuất nhập khẩu trước năm 1914. Khi Pháp mới bước đầu thiết lập chế độ độc quyền thương mại, các thương nhân tự do châu Âu và Bắc Mỹ vẫn đủ khả năng cạnh tranh với các công ty Pháp mới được thành lập và chưa có được lợi thế quan trọng trong buôn bán ở Đông Dương. Hàng hóa từ Đông Bắc Á nhập về Việt Nam đa dạng, nhiều các sản phẩm có giá trị cao như bạc, máy móc nên tổng giá trị có thể cân bằng được với hàng hóa từ Việt Nam xuất đi. Từ sau 1918, Pháp tăng cường độc quyền thương mại, dẫn đến việc xuất khẩu nhiều, nhưng hàng hóa nhập vào từ Đông Bắc Á ít dần và không thể cạnh tranh với Pháp và thuộc địa của Pháp.
Các nghiên cứu trước đây khá hạn chế trong việc chỉ ra số lượng tàu buôn ra vào Việt Nam từ khu vực Đông Bắc Á. Trên thực tế, các tài liệu từ phía Anh cũng cung cấp phần nào những thông tin về số lượng tàu buôn giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông.
Theo bảng 1, năm 1907, tàu buôn từ Việt Nam đi Đông Bắc Á chiếm 67% tổng số tàu ra thế giới, sau đó giảm dần còn 55 và 48% trong hai năm kế tiếp. Ngược lại, số tàu từ Đông Bắc Á đến Việt Nam năm 1907 chiếm tới 74% tổng số tàu bè quốc tế đến đây, sau đó giảm lần lượt còn 65% và 61%. Dù hoạt động của tàu buôn giữa Việt Nam và Đông Bắc Á có sụt giảm đôi chút trong giai đoạn 1907-1909 nhưng vẫn luôn dao động trên 50% tổng số thuyền buôn quốc tế đến và đi từ Việt Nam. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Đông Bắc Á trong hoạt động buôn bán của Việt Nam, và ngược lại Việt Nam cũng luôn là thị trường tiềm năng, có sức hấp dẫn đối với thương nhân quốc tế.
Bảng 1: Tàu buôn giữa Việt Nam và Đông Bắc Á 1907-1909
Số lượng tàu từ Đông Dương đi Đông Bắc Á (trọng tải hàng hóa: tấn) |
||||||||
Năm |
Hồng Kông |
Trung Quốc |
Nhật Bản |
Tổng chung thế giới |
||||
Tàu |
Trọng tải |
Tàu |
Trọng tải |
Tàu |
Trọng tải |
Tàu |
Trọng tải |
|
1907 |
628 |
835.166 |
123 |
304.831 |
26 |
59.287 |
1.154 |
2.130.237 |
1908 |
477 |
706.066 |
53 |
82.724 |
33 |
95.597 |
1.020 |
1.950.743 |
1909 |
368 |
551.227 |
54 |
59.310 |
11 |
33.413 |
891 |
1.776.838 |
Số lượng tàu từ Đông Bắc Á đi Đông Dương (trọng tải hàng hóa: tấn) |
||||||||
Năm |
Hồng Kông |
Trung Quốc |
Nhật Bản |
Tổng chung thế giới |
||||
Tàu |
Trọng tải |
Tàu |
Trọng tải |
Tàu |
Trọng tải |
Tàu |
Trọng tải |
|
1907 |
723 |
1.128.539 |
89 |
279.518 |
27 |
70.182 |
1.127 |
2.121.383 |
1908 |
606 |
1.097.463 |
28 |
63.140 |
23 |
74.328 |
1.005 |
1.994.406 |
1909 |
480 |
828.233 |
33 |
54.265 |
19 |
55.168 |
877 |
1.774.008 |
Nguồn: DCR, No. 4117, sđd, p. 25; DCR, No.4377, sđd, p. 24; DCR, No.4596, sđd, p. 25.
Bảng 2: Tàu Nhật Bản ra vào Sài Gòn/Đông Dương
Năm |
Đi Sài Gòn/Đông Dương |
Từ Đông Dương đi Nhật Bản |
||
Số lượng tàu |
Trọng tải (tấn) |
Số lượng tàu |
Trọng tải (tấn) |
|
1898 |
21 |
33.037 |
|
|
1899 |
|
|
31 |
37.694 |
1900 |
|
|
6 - Sài Gòn |
8.833 |
1901 |
|
|
3 |
5.615 |
1902 |
|
|
2 |
2.151 |
1903 |
|
|
9 - Sài Gòn |
16.507 |
1904 |
|
|
1 |
1.968 |
1905 |
|
|
1 |
321 |
1906 |
3 |
5.538 |
3 |
5.538 |
1907 |
66 |
148.402 |
67 |
149.881 |
1908 |
26 |
73.764 |
26 |
73.764 |
1909 |
11 |
32.901 |
12 |
34.372 |
1911 |
|
|
23 |
51.182 |
1913 |
41 - Sài Gòn |
130.880 |
42 - Sài Gòn |
133.067 |
1914 |
54 - Sài Gòn |
166.969 |
53 - Sài Gòn |
162.030 |
Nguồn: DCR (1901), No.2618, Trade of French Indochina 1900, London, p.17; (1904), No. 3181, Trade, Commerce and Navigation of Cochinchina 1903, London, p.6; No. 4377, sđd, p.23; (1912), No. 4883, Trade, Commerce and Navigation of Cochinchina 1911, London, p.3; No. 4596, sđd, p.24; No. 5442, sđd, p.17; (1906), No. 3707, Trade of French Indo-china 1905, London, p.27; (1899), No. 2276, Trade of Saigon 1898, London, p.7; (1900), No. 2485, Trade of French Indochina 1899, London, p.7; (1902), No. 2834, Trade of French Indochina 1901, London, p.7; (1903), No. 2966, Trade of French Indochina 1902, London, p.7; No. 5538, sđd, p. 17.
Bảng 1 cũng cho thấy thương mại Việt Nam - Hồng Kông hoạt động sôi nổi và tấp nập nhất trong so sánh với thị trường Nhật Bản, Trung Quốc khi trung bình của ba năm đều là khoảng gần 1.000 lượt tàu buôn ra vào, nhất là năm 1907 có 1.300 lượt tàu ra vào. Tuy nhiên, đó không phải là tàu của người Nhật, Trung Quốc mà chỉ tổng thể số tàu buôn của toàn bộ thương nhân thế giới trong quan hệ Việt Nam - Đông Bắc Á. Ở đó, số tàu buôn của người Anh và các công ty Pháp chiếm số lượng lớn nhất: năm 1907 có 1.154 tàu từ Đông Dương đi các nơi thì có đến 302 tàu Anh, 280 tàu Pháp, 277 tàu Đức; và ngược lại, trong số 1.127 tàu đến Đông Dương thì có đến 305 tàu Anh, 280 tàu Pháp và 261 tàu Đức.
Theo bảng 2, số tàu Việt Nam đến Nhật Bản đạt mức cao năm 1899, 1907, 1908 và hai năm trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Các năm khác chứng kiến sự trồi sụt trong xuất khẩu từ Việt Nam đi Nhật Bản bởi tính độc quyền trong thương mại của Pháp. So sánh với giá trị thương mại Nhật Bản – Đông Dương đã được nêu trong nghiên cứu trước đây, chúng tôi nhận thấy sự đồng nhất của các số liệu[26]. Cụ thể, những năm 1907-1909 và gần chiến tranh, số tàu thương mại hoạt động hai chiều Nhật Bản - Đông Dương chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, có thể do nhu cầu hàng hóa chiến tranh tăng cao. Điều đó cũng cho thấy tham vọng mở rộng ảnh hưởng xuống Đông Nam Á của Nhật Bản trong giai đoạn này và thậm chí là sau chiến tranh.
Bài viết đã cung cấp các thông số định lượng để góp phần một lần nữa khẳng định vai trò, giá trị của thị trường Đông Bắc Á đối với thương mại Việt Nam đầu thế kỷ XX. Có thể nói, mặc dù Pháp tìm cách độc quyền thương mại nhưng Đông Bắc Á vẫn luôn có sự cạnh tranh lớn với Pháp và các thuộc địa của nó trong việc trao đổi hàng hóa với Việt Nam. Điều này một phần khẳng định sự phù hợp, cần thiết, quan trọng của thị trường khu vực đối với thương mại Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử. Mặt khác, nó cũng phản ánh một thực tế khá thú vị là Việt Nam đầu thế kỷ XX có nhiều kênh khác nhau để hòa nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu: không chỉ qua các công ty của Pháp mà Việt Nam luôn thu hút được các thương nhân Âu Mỹ từ các thương cảng tự do trong khu vực đến buôn bán. Điều đó phần nào hạn chế những tác động tiêu cực từ chính sách độc quyền thương mại của chính quyền thực dân Pháp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam có những biến đổi nhất định trong hoàn cảnh bị đô hộ và kìm kẹp.
Dẫu vậy, những thông số được nêu ra trong bài viết cũng chỉ ra một thực tế rằng Việt Nam là thị trường mang tính “phụ thuộc” trong thời điểm đầu thế kỷ XX. Đầu tiên là phụ thuộc vào thị trường, khi mà Pháp, Trung Quốc - Hồng Kông là những thị trường chiếm hầu như toàn bộ trao đổi buôn bán của Việt Nam. Các thị trường Âu Mỹ khác, hay thậm chí ở châu Á, khá nhỏ lẻ và không có sự gia tăng đáng kể vai trò. Hai là phụ thuộc vào mặt hàng: Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo, nông sản, nguyên liệu sang Đông Bắc Á - tức là xuất khẩu thô, các sản phẩm nhiều về số lượng nhưng tính giá trị chưa cao. Ngược lại, Việt Nam phải nhập về các loại tiền, máy móc, hàng tiêu dùng được chế biến, tức là những mặt hàng có thiên hướng công nghiệp. Với cơ cấu hàng hóa đó, dù Việt Nam nhiều năm xuất siêu nhưng không thể hiện được sự phát triển chất lượng của thương mại mà chỉ là phát triển về số lượng. Cũng chính điều này đã phản ánh rõ nét tính chất thực dân trong chính sách khai thác thương mại của Pháp ở Việt Nam: bán những sản phẩm được làm ra với sức lao động thủ công, sản phẩm thô không cần chế biến để hạn chế tối đa sự phát triển về khoa học công nghệ của Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một thuộc địa phụ thuộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Diplomatic and Consular Reports (DCR) (1900, 1901, 1902, 1906, 1908, 1909, 1910), Report for the year (1899, 1900, 1901, 1903, 1905, 1907, 1908, 1909) on the Trade (and Commerce) of Frech Indo-china, No.2485, 2618, 2834, 3707, 4117, 4377, 4596, London.
2. Diplomatic and Consular Reports (1904), Report on Indochina, No. 3117, London.
3. Diplomatic and Consular Reports (1904, 1912), Report for the year (1903, 1911) on Trade, Commerce and Navigation of Cochinchina, No. 3181, No. 4883, London.
4. Diplomatic and Consular Reports (1899, 1915, 1915), Report for the year (1898, 1913, 1914) on the Trade of Saigon, No. 2276, 5442 5538, London.
5. Nguyen Manh Dung, “Vietnam and Korea Trade Relations during the first half of 20th century”, The World of the Orient (Shidnij svit), 1/2018, pp. 28-39.
6. Hon. Reginald Lister, His Majesty’s Minister at Paris (1908), No.1, French Colonies, London.
7. Nguyễn Tiến Lực, “Quan hệ thương mại Việt-Nhật (1913-1928)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3/1999, tr. 55-65.
8. C. Robequain (1944), The Economic Development of French Indochina: Supplement recent Developments in Indochina: 1939-1943, Oxford University Press, New York.
[1] TS., Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[2] ThS., Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[3] Nguyễn Tiến Lực, “Quan hệ thương mại Việt-Nhật (1913-1928)”, Nghiên cứu Lịch sử, số 3/1999, tr. 55-65; “Các cuộc thương thuyết về thương mại giữa Nhật Bản và Đông Dương (1940-1941)”, Nghiên cứu Lịch sử, số 5/2001, tr. 73-78; “Sự biến đổi trong quan hệ thương mại Nhật Bản – Đông Dương (1940-1945)”, Nghiên cứu Lịch sử, số 4/2003, tr. 72-76.
[4] Chương Thâu, “Quan hệ mậu dịch ở biên giới Việt – Trung từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX”, Nghiên cứu Lịch sử, số 5/2000, tr. 23-31; Nguyễn Minh Hằng, Chương Thâu (2001), Quan hệ thương mại ở biên giới Việt – Trung: Lịch sử, Hiện trạng và Triển vọng, Hà Nội.
[5] Nguyen Manh Dung, “Vietnam and Korea Trade Relations during the first half of 20th century”, The World of the Orient (Shidnij svit), 1/2018, pp. 28-39; “Japanese in Tonkin during the first half of the twentieth century” in Masaya Shiraishi, Nguyen Van Khanh & Bruce M.Lockhart (eds.) (2017), Vietnam-Indochina-Japan Relations during the second World War, Waseda University Institute of Asia-Pacific Studies, pp. 209-222.
[6] Nguyễn Thị Thanh Tùng, “Sự chuyển biến trong quan hệ thương mại giữa Đông Dương và Nhật Bản trong thập niên 30 của thế kỉ XX”, Journal of Science of HNUE, số 59/2014, tr. 116-121; “Tác động của quan hệ thương mại Đông Dương – Đông Bắc Á tới xã hội Đông Dương nửa đầu thế kỷ XX”, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 1/2014, tr. 10-15; “Giao thương giữa Đông Dương với Trung Quốc giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX”, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2/2015, tr. 72-79; (2017), Giao thương giữa Việt Nam với Đông Bắc Á (1897-1945), NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[7] Julia T.Martinez, “The Chinese traders in French Indochina: Partners or Rivals?”, in A. Vickers & M. Hanlon (eds.) (2006), Asia Reconstructed: Proceeding of the 16th Biennial Conference of the ASAA Canberra, Asian Studies Association of Australia; Eiko Yuyama, “Japanese Merchants’ Activities in French Indochina: A Study of the Lacquer Trade”, in Masaya Shiraishi, Nguyen Van Khanh & Bruce M.Lockhart (eds.) (2017), Vietnam-Indochina-Japan Relations during the second World War, Waseda University Institute of Asia-Pacific Studies, pp. 197-208.
[8] Charles Robequain (1944), The Economic Development of French Indochina: Supplement recent Developments in Indochina: 1939-1943, Oxford University Press, New York; J.A. Bone, “Rice, Rubber, and Development Policies: The “mise en valeur” of French Indochina on the eve of the second World War”, Proceedings of the Meeting of the French Colonial Historical Society, 16/1992, pp. 154-180; Lin Man-Huong, “Culture, Market, and State Power: Taiwanese Investment in Southeast Asia, 1895-1945”, in Chi-cheung Choi, Takashi Oishi & Tomoko Shiroyama (eds.) (2019), Chinese and Indian Merchants in Modern Asia, Brill Publisher, pp. 258-281.
[9] B. Berker, “France and the Gulf of Tonkin Region: Shipping Markets and Political Interventions in South China in the 1890s”, Cross-Curents: East Asian History and Culture Review, 16/2015, pp. 13-51.
[10] Xem thêm mối quan tâm về thương mại, buôn bán của Anh tại Việt Nam cuối thế kỷ XIX qua Trần Ngọc Dũng, “Thái độ của người Anh đối với hiệp ước Giáp Tuất 1874”, Nghiên cứu Lịch sử, số 11/2019, tr. 49-56; Nguyễn Thị Hạnh, Trần Ngọc Dũng, “Chiến tranh Pháp – Thanh 1883-1885 và những nỗ lực ngoại giao của Anh”, Nghiên cứu Lịch sử, số 7/2021, tr. 33-47.
[11] Trần Ngọc Dũng, “Ngoại thương Việt Nam thời thuộc Pháp (1897-1914) qua khảo cứu nguồn tài liệu lưu trữ Anh”, Nghiên cứu Lịch sử, số 6/2020, tr. 11; Nguyễn Thị Thanh Tùng, Giao thương giữa Việt Nam với Đông Bắc Á, Sđd, tr. 177-178.
[12] DCR (1906), No.3707, Trade of French Indochina, London, p. 10, 30.
[13] DCR (1910), No. 4596, Trade and Commerce of French Indochina 1909, London, pp. 6, 9; DCR (1909), No. 4377, Trade of French Indochina 1908, London, p. 5, 8.
[14] DCR (1915), No.5442, Trade of SaiGon 1913, London, pp. 6, 8, 14; DCR (1915), No.5538, Trade of SaiGon 1914, London, pp. 6, 8, 11, 14.
[15] DCR, No.5538, Sđd, pp. 11, 14; DCR, No. 4596, sđd, pp. 8, 12.
[16] C. Robequain, The Economic Development of French Indo-China, sđd, pp. 324-325.
[17] Trần Ngọc Dũng, “Xuất khẩu gạo của Nam Kỳ thuộc pháp trước năm 1914 qua nghiên cứu tài liệu lưu trữ của Anh”, Tạp chí Khoa học xã hội nhân văn, số 1/2020, tr. 19-32, tr. 24.
[18] DCR, No. 4596, Sđd, p. 23.
[19] Nguyen Manh Dung, “Vietnam and Korea”, sđd, p. 28.
[20] DCR, No. 3628, Sđd, p. 17.
[21] DCR (1908), No. 4117, Trade of French Indochina 1907, London, pp. 7-8.
[22] DCR, No. 4117, Sđd, p. 26.
[23] Nguyễn Thị Thanh Tùng, Giao thương giữa Việt Nam với Đông Bắc Á, Sđd, tr. 141.
[24] DCR, No.4377, Sđd, pp. 17, 20; Hon. Reginald Lister, His Majesty’s Minister at Paris (1908), No.1, French Colonies, London, p. 60.
[25] DCR, No.5442, Sđd, p. 14; DCR, No.5538, Sđd, pp. 11, 14.
[26] Nguyễn Tiến Lực, “Quan hệ thương mại Việt – Nhật (1913-1928)”, Sđd, tr. 56.