Trần Hoàng Long1, Nguyễn Văn Linh2
Tóm tắt: Nhật Bản là quốc gia đang hứng chịu nhiều rủi ro khi phải trải qua những thảm họa kinh hoàng từ thiên nhiên mà một nguyên nhân quan trọng là do sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Rất khó, nếu không muốn nói là không thể ngăn chặn các thảm họa thiên nhiên tại quốc gia này. Để ứng phó, Nhật Bản luôn có sự đổi mới, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến; không ngừng đúc rút kinh nghiệm qua những thảm họa đã xảy ra; luôn có sự cập nhật đổi mới các chính sách, chương trình và giải pháp thích ứng; xây dựng cho mình những kinh nghiệm về Quản lý rủi ro thiên tai (DRM). “Xây dựng trở lại tốt hơn” là một trong những đường lối phục hồi và tái thiết sau thảm họa của Nhật Bản. Đây là nét độc đáo của một Nhật Bản luôn sẵn sàng ứng phó với điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên.
Từ khóa: Biến đổi khí hậu, kinh nghiệm, Nhật Bản, thảm họa thiên nhiên
C |
on người là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động duy trì sự sống và phát triển kinh tế từ phù hợp đến quá mức, khiến cho thiên nhiên không còn khả năng tự hồi sinh; biến đổi khí hậu là[1]một trong[2]những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng thảm họa thiên nhiên trên toàn cầu. Chính con người chúng ta đang dần tàn phá môi trường thiên nhiên vốn có, hệ lụy là những thiệt hại về người và tài sản từ các thảm họa thiên nhiên. Đứng trước nguyên nhân và hệ quả như vậy, công tác quản lý hiệu quả hoạt động của con người nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu và công tác quản lý, ứng phó với thảm họa thiên nhiên là rất cần thiết và cấp bách. Bài viết đánh giá kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên của Nhật Bản, một quốc gia đi đầu trong phòng chống, giảm thiệt hại và khắc phục sau thiên tai.
1. Biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên tại Nhật Bản
1.1. Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu đang dần thay đổi khí hậu toàn khu vực cũng như toàn cầu. Nhiệt độ bề mặt trung bình hàng năm trên toàn cầu đã tăng với tốc độ 0,720C/100 năm kể từ nửa sau của thế kỷ XIX. Theo kịch bản RCP (Representative Concentration Pathway) 2.6 và RCP 8.5, nhiệt độ bề mặt trung bình hàng năm trên toàn cầu vào cuối thế kỷ XXI (2081-2100) so với cuối thế kỷ XX (1986-2005) được dự báo sẽ tăng 0,3-1,70C và 2,6-4,80C. Trong khi đó, nhiệt độ bề mặt biển trung bình hàng năm trên toàn cầu đã tăng với tốc độ 0,530C/100 năm từ năm 1891 đến năm 2016 và được dự báo tiếp tục gia tăng[3]. Tại Nhật Bản, biến đổi khí hậu cũng được thể hiện qua sự thay đổi về nền nhiệt độ cả trên đất liền và trên biển. Nhiệt độ trung bình hàng năm của Nhật Bản đã tăng lên khoảng 10C trong thế kỷ XX[4]. Số lượng những ngày nắng nóng (trên 350C) gia tăng và số lượng những ngày lạnh giảm xuống. Sự thay đổi này được thấy rõ nhất ở Hokkaido, nơi nhiệt độ trung bình vào mùa đông đã tăng hơn mức trung bình trên toàn quốc. Cụ thể, kịch bản RCP 2.6 và RCP 8.5 cũng đã dự báo nhiệt độ trung bình hàng năm ở Nhật Bản sẽ tăng từ 0,5 - 1,70C và 3,4- 5,40C[5]. Như vậy, theo các kịch bản đưa ra, nền nhiệt độ ở Nhật Bản có xu hướng gia tăng cao hơn so với trung bình chung của toàn cầu.
Theo báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) năm 2007, mực nước biển toàn cầu ước tính đã tăng khoảng 0,17 m trong thế kỷ XX và được dự báo sẽ tăng thêm 0,18 m đến 0,59 m vào năm 2100[6] mặc dù rất nhiều nhà khoa học cho rằng điều này rất khó xảy ra. Ở Nhật Bản, mực nước biển đã tăng với tốc độ 3,3 mm mỗi năm kể từ giữa những năm 1980 và với tốc độ 5,0 mm mỗi năm kể từ năm 1993[7]. Nhiệt độ ấm lên, mực nước biển dâng cao, thay đổi kiểu mưa và tuyết rơi cùng với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xuất hiện nhiều tại Nhật Bản. Mực nước biển dâng thường đi kèm với bão, sóng thần gây nên ngập lụt trên diện rộng khu vực ven biển, xâm nhập mặn ở các con sông và các tầng chứa nước ngầm, và xói mòn vùng ven biển; gây nên những xói mòn đất liền và có mối đe dọa lớn đối với năng suất kinh tế quốc gia.
Biến đổi khí hậu làm thay đổi thời gian và thời tiết các mùa trong năm, đặc biệt là sự xuất hiện của thảm họa thiên nhiên. Vào mùa hè, độ ẩm gia tăng tạo nên thời tiết ẩm ướt, xuất hiện siêu bão kéo theo lượng nước mưa lớn gây nên những cơn lũ quét lịch sử. Các mùa khác trong năm cũng thường ngắn hơn quy luật tự nhiên và cường độ các cơn bão sẽ trở nên mạnh hơn. Ngoài ra, lượng tuyết rơi cũng như thời gian và phạm vi đóng băng trên bề mặt biển ở phía nam vùng biển Okhotsk đã giảm đáng kể, bao gồm cả vùng bờ biển của Hokkaido[8]. Điều này phần lớn bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của các dòng hải lưu và không thể quy hoàn toàn là do biến đổi khí hậu[9].
Biến đổi khí hậu gây nên những biến đổi cực đoan về các thông số tự nhiên, gây nên các dị biến thời tiết, làm thay đổi môi trường sinh thái. Trực tiếp hay gián tiếp, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra cũng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và nền kinh tế Nhật Bản. Biến đổi khí hậu là yếu tố có tác động lớn đến hệ thống tự nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái biển và ven biển, rừng và các vùng miền núi.
1.2. Thảm họa thiên nhiên
Mặc dù là một quốc gia nhỏ chỉ chiếm 0,25% diện tích trái đất, nhưng do vị trí địa lý và đặc điểm địa hình không mấy thuận lợi, Nhật Bản rất dễ phải hứng chịu các loại thiên tai khác nhau, chủ yếu là mưa lớn, bão, tuyết phủ, động đất và sóng thần… Trong lịch sử, những thảm họa thiên nhiên mang tính hủy diệt đã đặt ra thách thức lớn nhất đối với xã hội Nhật Bản.
Động đất và sóng thần được đánh giá là những thiên tai chính, thường xuyên xảy ra đe dọa nghiêm trọng cuộc sống người dân. Vị trí địa lý của Nhật Bản nằm ở điểm nghiền nát của bốn mảng kiến tạo, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tần suất xảy ra động đất lớn. Nhật Bản đã trải qua nhiều trận động đất, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, gần đây là trận động đất ở Kobe năm 1995 và trận động đất ở Đông Nhật Bản năm 2011. Theo ghi nhận của Văn phòng Nội các Nhật Bản, khoảng 20% các trận động đất từ 6 độ richter trở lên trên thế giới đã xảy ra ở (hoặc xung quanh) Nhật Bản[10]. Nhật Bản đã bước vào thời kỳ địa chấn và các chuyên gia ước tính rằng trong vòng 30 - 50 năm tới có khả năng xảy ra 4 - 5 trận động đất cường độ M8 và 40 - 50 trận động đất cường độ M7[11].
Bên cạnh động đất, hoạt động của các núi lửa cũng tạo ra những thảm họa lớn cho người dân Nhật Bản. Thống kê cho thấy, Nhật Bản có đến khoảng 110 ngọn núi lửa đang hoạt động vì vị trí địa lý nằm trong vành đai núi lửa vòng quanh Thái Bình Dương[12]. Các nguy cơ liên quan đến tuyết cũng rất phổ biến.
Mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã đạt được những thành công đáng kể trong việc tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai song thảm họa thiên nhiên vẫn đang là thách thức lớn nhất đối với hệ thống quản lý thiên tai của đất nước này. Điển hình như trận động đất lớn Hanshin-Awaji xảy ra vào năm 1995 và trận động đất ở Đông Nhật Bản năm 2011 đã chứng minh rằng, thảm họa vẫn đang rình rập đe dọa cuộc sống người dân Nhật Bản.
2. Ứng phó của Nhật Bản trước biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên
Đứng trước những tác hại của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thiên tai gây nhiều thảm họa cho đất nước, Nhật Bản đã và đang rất quyết liệt trong công tác giảm thiểu biến đổi khí hậu và kiểm soát thảm họa do thiên nhiên gây ra. Nhật Bản đã hướng đến xây dựng và thực thi chính sách giảm thiểu các tác nhân gây nên biến đổi khí hậu và những giải pháp quản lý đối với thiên tai trong từng giai đoạn từ chuẩn bị, cảnh báo sớm, đề phòng, ứng phó, giảm nhẹ, đánh giá thiệt hại, phục hồi đến tái thiết. Bộ trưởng Bộ Quản lý thiên tai, thành viên của Nội các, chịu trách nhiệm xây dựng và điều phối tổng thể về ứng phó với các thảm họa quy mô lớn.
2.1. Nhật Bản đang hướng tới một xã hội khử carbon
Là một trong những quốc gia đi đầu trong phòng chống biến đổi khí hậu, Nhật Bản đã thể hiện sự hiện diện của mình trong các cuộc đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu ngay từ năm 1997, khi Nghị định thư Kyoto được thông qua tại Hội nghị lần thứ 3 của các bên thuộc Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP3) ở Kyoto. Nhật Bản được công nhận là quốc gia có công nghệ tiên tiến tiết kiệm năng lượng và môi trường, Nhật Bản cũng đã và đang đóng góp vào hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu theo nhiều cách khác nhau.
Nhật Bản xây dựng chiến lược khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo
Tháng 10/2020, Thủ tướng Nhật Bản, Suga Yoshihide đã tuyên bố rằng đến năm 2050, Nhật Bản sẽ hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính xuống mức không và thực hiện một xã hội không carbon. Vào tháng 12/2020, cùng với cộng đồng doanh nghiệp, Nội các đã thông qua chiến lược tăng trưởng xanh, một chính sách công nghiệp nhằm tạo ra một chu kỳ tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường hợp lý. Chính phủ Nhật Bản thành lập quỹ trị giá 15,4 tỷ euro để thúc đẩy các doanh nghiệp sinh thái và đổi mới để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, chiến lược cũng thừa nhận rằng công suất của các nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo không đủ đáp ứng cho toàn bộ hoạt động của cả nước; vì vậy, chiến lược xây dựng lộ trình đến năm 2050 với hỗn hợp năng lượng bao gồm 50-60% nguồn năng lượng tái tạo; 30-40% nguồn năng lượng hạt nhân và nhiệt điện; và 10% nguồn năng lượng thủy điện và ammoniac. Chiến lược cũng cho biết thêm rằng, việc thúc đẩy điện khí hóa trong tất cả các lĩnh vực sẽ thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu sử dụng điện từ 30-50%. Để khử carbon điện, ngoài việc sử dụng năng lượng tái tạo và hạt nhân, Nhật Bản muốn phát triển hơn nữa công nghệ hydro bên cạnh mong muốn tập trung vào việc khai thác tiềm năng của ammoniac. Trong khi đó, triển vọng về hạt nhân là không rõ ràng, vì lĩnh vực này đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi thảm họa Fukushima năm 2011.
Nhật Bản tích cực tham gia vào hợp tác quốc tế về công nghệ xanh và có thể là một đối tác lý tưởng của các quốc gia. Trong Hội nghị thượng đỉnh các giải pháp toàn cầu vào tháng 5/2021, Nhật Bản đã thông qua tuyên bố “Hướng tới một liên minh xanh để bảo vệ môi trường, ngăn chặn biến đổi khí hậu và đạt được tăng trưởng xanh” với Liên minh châu Âu[13].
2.2. Quản lý thảm họa thiên tai tại Nhật Bản
Nhật Bản rất quan tâm đến việc nghiên cứu rõ hơn về nguồn gốc và động lực của thảm họa thiên nhiên nhằm hướng đến những sáng kiến về quản lý rủi ro thiên tai. Trọng tâm nghiên cứu trong quản lý thiên tai được định hướng về các vấn đề giảm thiểu và quản lý rủi ro thiên tai thay vì định hướng cứu trợ và phục hồi như trước đây[14]. Nhật Bản coi các ưu tiên quốc gia là bảo vệ đất đai của đất nước, cứu sống người dân, sinh kế và tài sản của họ khỏi các thảm họa. Hơn nữa, Chính phủ Trung ương đã đầu tư đáng kể cho việc giảm thiểu rủi ro hơn là chi tiêu nhiều vào các hoạt động ứng phó khẩn cấp sau thiên tai.
Nhật Bản có ba cấp chính quyền là chính phủ quốc gia, quận và thành phố trực thuộc trung ương. Ở mỗi cấp, những người đứng đầu sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm trong quyền hạn của mình. Theo đó, trong các kế hoạch phòng chống thiên tai toàn diện đã xác định rõ vai trò và trách nhiệm phải thực hiện trong các giai đoạn khác nhau của các cấp. Hội đồng quốc gia về quản lý thiên tai do Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo đã được thành lập theo Đạo luật cơ bản về quản lý thiên tai, trong đó đã giao trách nhiệm cho các bộ trưởng, người đứng đầu các tổ chức công và các chuyên gia. Vai trò chính của hội đồng là xây dựng và thúc đẩy các chính sách quản lý thiên tai lớn, bao gồm kế hoạch cơ bản về quản lý thiên tai.
Đạo luật cơ bản về các biện pháp ứng phó với thiên tai năm 1961 là một bước ngoặt để củng cố hệ thống quản lý thiên tai mặc dù Nhật Bản có lịch sử phát triển chính sách quản lý thiên tai khá lâu đời. Đạo luật xác định rõ ràng các vai trò và trách nhiệm đối với chính phủ quốc gia trong việc phát triển các cấu trúc phòng chống thiên tai. Nhật Bản được đánh giá là quốc gia hàng đầu trong việc phân tích, đánh giá và ứng phó với thảm họa; qua kinh nghiệp đúc rút từ mỗi thảm họa, Nhật Bản không ngừng sửa đổi phù hợp các chính sách và hướng dẫn ứng phó với thiên tai[15]. Do đó, hành động và chính sách được sửa đổi tùy theo bối cảnh dựa trên nhu cầu và tình hình hiện tại. Kể từ khi ban hành năm 1961 đến nay, Đạo luật Cơ bản về Quản lý Thiên tai đã được sửa đổi lần thứ sáu vào năm 2016. Bên cạnh đó, một số đạo luật khác cũng được sửa đổi để phù hợp hơn trong bối cảnh mới sau khi đúc rút kinh nghiệm từ một số sự kiện thiên tai như: Đạo luật về khuyến khích trang bị lại các tòa nhà đã được ban hành sau trận động đất Kobe 1995; Đạo luật thúc đẩy các biện pháp đối phó với sóng thần năm 2011 và Đạo luật về phát triển các khu vực có khả năng chống chịu với thảm họa sóng thần năm 2011 được ban hành sau thảm họa động đất và sóng thần Tohoku; sau trận động đất ở Kumamoto năm 2016, các sửa đổi chủ yếu được thực hiện đối với Kế hoạch cơ bản về Giảm thiểu rủi ro thiên tai[16]…
2.2.1. Lập kế hoạch quản lý thiên tai
Việc lập kế hoạch quản lý thiên tai được thực hiện dựa trên Đạo luật cơ bản về quản lý thiên tai; Đạo luật chia kế hoạch quản lý thiên tai thành 4 cấp độ: (i) kế hoạch cơ bản quốc gia về giảm thiểu rủi ro thiên tai; (ii) kế hoạch cơ bản của tỉnh về giảm thiểu rủi ro thiên tai; (iii) kế hoạch cơ bản của đô thị để giảm thiểu rủi ro thiên tai và; (iv) kế hoạch cộng đồng giảm thiểu rủi ro thiên tai. Nhật Bản đang từng bước nâng cao khả năng phục hồi dần dần và bền vững trong thời gian dài trên cơ sở tiếp thu và sửa đổi các chính sách, hướng dẫn và giải pháp ứng phó với thảm họa thiên nhiên.
Kế hoạch quản lý thiên tai cơ bản quốc gia được xây dựng lần đầu vào năm 1963 và được sửa đổi nhiều lần trong đó có lần sửa đổi mới nhất vào năm 2017, chủ yếu dựa trên cơ sở học hỏi từ các thảm họa và những thay đổi trong chính sách và cấu trúc của chính phủ. Kế hoạch này được coi là nền tảng cho các biện pháp quản lý thiên tai của quốc gia. Kế hoạch cơ bản quốc gia về giảm thiểu rủi ro thiên tai được Hội đồng quốc gia về quản lý thiên tai phê duyệt. Kế hoạch được thành lập trong Văn phòng Nội các dựa trên Đạo luật cơ bản về các biện pháp đối phó với thiên tai, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì và bao gồm tất cả các thành viên Nội các, người đứng đầu các tổ chức công và các chuyên gia.
Tất cả các cấp tỉnh, thành phố đều có kế hoạch cơ bản về giảm thiểu rủi ro thiên tai do người đứng đầu chủ trì Hội đồng quản lý thiên tai phê duyệt. Kế hoạch giảm thiểu rủi ro thảm họa cộng đồng mới được giới thiệu trong hệ thống, do người dân soạn thảo và được đưa vào kế hoạch cơ bản của thành phố[17]. Bên cạnh đó, tất cả các cơ quan nhà nước như ngân hàng, công ty, cơ sở dịch vụ chính đều có nghĩa vụ phải tham gia vào Hội đồng quản lý thảm họa trung ương và chuẩn bị các kế hoạch hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai theo hướng dẫn của kế hoạch cơ bản về giảm thiểu rủi ro thiên tai. Đồng thời, các khu vực tư nhân và người dân phải hoàn thành trách nhiệm của mình trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Các đạo luật cũng khuyến khích họ đưa ra các sáng kiến sẵn sàng ứng phó với thiên tai và giảm thiểu các tác động tiêu cực[18].
2.2.2. Phát triển các hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực quản lý rủi ro thiên tai
Bên cạnh các chính sách ứng phó, Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra những giải pháp mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy, bổ sung sự hiểu biết và nâng cao năng lực trong công tác quản lý rủi ro ở các cấp khác nhau. Trong mối liên hệ các cấp, Văn phòng Nội các đã khởi xướng “Chương trình phát triển các chuyên gia quản lý thiên tai” để phát triển những người có thể hỗ trợ kịp thời và thích hợp việc quản lý thiên tai, bao gồm ứng phó với thiên tai và có thể hình thành một mạng lưới giữa chính quyền địa phương và quốc gia. Hội đồng quản lý thiên tai trung ương đưa ra các hướng dẫn cơ bản cho các cuộc diễn tập ở cấp quốc gia và địa phương; phác thảo “Kế hoạch diễn tập giảm nhẹ thiên tai”. Để tăng cường khả năng chống chịu và giảm thiểu rủi ro thiên tai của cộng đồng, Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố ngày 1/9 là “Ngày phòng chống thiên tai”. Hàng năm, tuần lễ của ngày 1/9 được coi là “Tuần lễ phòng chống thiên tai” trên phạm vi cả nước, tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Bên cạnh đó, ngày 5/11 cũng được chính phủ trung ương chỉ định là “Ngày phòng chống thảm họa sóng thần” và triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về sóng thần và giảm thiểu rủi ro trên phạm vi cả nước. Dựa trên những kinh nghiệm được đúc rút từ những thảm họa trong quá khứ, chính phủ Nhật Bản đã chỉ đạo các trường học triển khai các khóa đào tạo nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng về ứng phó thảm họa thiên nhiên thông qua các hình thức khác nhau như truyền thông, các ấn phẩm, tài liệu xuất bản, đào tạo trực tuyến và thực hành. Khuyến khích cộng đồng xây dựng các Kế hoạch quản lý thiên tai bao gồm các hoạt động nâng cao năng lực, giảm thiểu rủi ro và sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Nhận thấy vai trò quan trọng của tình nguyện viên trong các thảm họa, Chính phủ trung ương đã tuyên bố ngày 17/1 là “Ngày tình nguyện giảm nhẹ thiên tai”, và trong tuần từ 15/1 đến 21/1 được coi là “Tuần lễ tình nguyện giảm nhẹ thiên tai”. Các sự kiện được tổ chức trên phạm vi cả nước với sự phối hợp và hợp tác của chính quyền quốc gia và địa phương, cộng đồng địa phương và các bên liên quan[19].
2.3. Giải pháp cụ thể đối với các loại hình thảm hoạ
2.3.1. Ứng phó với động đất
Nhật Bản đã ban hành các đạo luật về các biện pháp ứng phó với thảm họa do thiên tai gây ra, đặc biệt đối với các vấn đề liên quan đến động đất; xây dựng các trung tâm về khí tượng dự báo thiên tai, nhằm dự báo cho người dân kịp chuẩn bị sơ tán và ứng phó trước khi thảm họa ập đến. Trên phạm vi cả nước, Nhật Bản có hơn 4377 điểm quan trắc địa chấn. Cơ quan Đo lường Nhật Bản (JMA) có khả năng cung cấp thông tin về cơn địa chấn có cường độ 3 hoặc lớn hơn trong vòng khoảng hai phút và nó đưa ra báo cáo thông tin về trận động đất bao gồm tâm chấn, cường độ và khu vực trải qua rung chuyển mạnh. Chính phủ đã xây dựng khung chính sách về phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai động đất quy mô lớn, giảm nhẹ thiên tai động đất và hướng dẫn cho các hoạt động ứng phó khẩn cấp[20].
Chính phủ Nhật Bản đã chỉ đạo trực tiếp đến chính quyền sở tại và các bên liên quan ở các khu vực dễ xảy ra thảm họa, bao gồm cả khu vực tư nhân thực hiện các biện pháp giảm nhẹ thiên tai theo quy định của pháp luật. Tại đây, các công tác phòng cứu hộ đã được luyện tập nhằm ứng phó khi xảy ra thảm họa. Tương tự như giải quyết tất cả các giai đoạn của thảm họa, các địa phương đã được hướng dẫn chuẩn bị về các biện pháp đối phó với động đất.
2.3.2. Ứng phó với hoạt động của núi lửa
Nhật Bản có 110 ngọn núi lửa đang hoạt động và có khả năng gây ra những thảm họa. Khi núi lửa hoạt động và phun trào dung nham tạo ra thảm họa lớn trên diện rộng, người dân có rất ít thời gian để di tản. Nhật Bản đã từng trải qua nhiều thiệt hại nặng nề do núi lửa gây ra trong quá khứ. Do đó, Chính phủ Nhật Bản đã quan tâm đến việc theo dõi/quan sát chính xác và phổ biến kịp thời các thông tin thích hợp cho việc sơ tán trước và trong khi núi lửa phun trào. JMA có một mạng lưới giám sát 47 ngọn núi lửa có nguy cơ xảy ra thảm họa nhất 24giờ/ngày nhằm đưa ra cảnh báo phun trào[21].
Dựa trên Hướng dẫn về Hệ thống quản lý thiên tai liên quan đến việc sơ tán khi núi lửa phun trào được ban hành vào năm 2008 và Khuyến nghị đối với người dân về các biện pháp đối phó với thảm họa núi lửa quy mô lớn được ban hành năm 2013, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Hội đồng quản lý thảm họa núi lửa; Khuôn khổ điều phối diện rộng bao gồm nhiều cơ quan chính phủ liên quan đến núi lửa; chuẩn bị các bản đồ nguy cơ núi lửa cho các tình huống khác nhau; xây dựng kế hoạch, lộ trình và phương pháp sơ tán; và thành lập nhóm công tác xúc tiến phòng chống thiên tai núi lửa,...
2.3.3. Ứng phó với sóng thần
Đường bờ biển dài là một lợi thế trong phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, với sự phức tạp của bờ biển đang là mối đe dọa về sóng thần tại đất nước Nhật Bản. Trong quá khứ, Nhật Bản đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản do thảm họa sóng thần gây ra. Nhật Bản đã có hệ thống hơn 300 cảm biến được lắp đặt nhằm theo dõi và cảnh báo về sự xuất hiện của sóng thần[22]. JMA có thể đưa ra các cảnh báo sóng thần trong vòng 2 đến 3 phút sau trận động đất và sau đó đưa ra thông tin về độ cao có thể xảy ra và thời gian dự kiến xuất hiện sóng thần ở các địa điểm tương ứng. Mạng lưới đã được phát triển để truyền tải những thông tin đó đến các cơ quan chức năng/các bên liên quan và người dân một cách kịp thời.
Dựa trên những kinh nghiệm từ trận động đất và sóng thần năm 2011, Đạo luật thúc đẩy các biện pháp đối phó với sóng thần đã được xây dựng, trong đó bao gồm việc tăng cường hệ thống quan sát sóng thần, giáo dục và đào tạo và phát triển các cơ sở cần thiết cùng những cơ sở khác. Bên cạnh đó, Đạo luật về phát triển các khu vực có khả năng chống chịu với thảm họa sóng thần đưa ra các quy định để xây dựng các kế hoạch toàn diện. Đạo luật cơ bản về biện pháp đối phó thảm họa cho phép chính quyền địa phương chỉ định các khu vực trú ẩn khẩn cấp.
2.3.4. Ứng phó với bão và lũ lụt
JMA đã thiết lập Hệ thống thu thập dữ liệu khí tượng tự động nhằm quan sát các hiện tượng khí tượng gây ra thảm họa bão và lũ lụt. Dựa trên các thước đo tự động về lượng mưa, nhiệt độ không khí và hướng/tốc độ gió và thời tiết, JMA công bố các dự báo và cảnh báo để chuẩn bị chống lại các thảm họa có thể xảy ra. Hoạt động dựa trên Đạo luật Kiểm soát lũ lụt và Đạo luật Phòng chống thảm họa phù sa, JMA đã thiết lập hệ thống cảnh báo lũ lụt trên 417 con sông và thường xuyên cập nhật số liệu báo cáo về mực nước trên 1555 con sông. Chính phủ Nhật Bản đã chỉ đạo đến từng thành phố, địa phương cụ thể phải chuẩn bị bản đồ nguy cơ lũ lụt và phổ biến trong cộng đồng. Tính đến tháng 3 năm 2014, đã có 1272 thành phố tự trị xây dựng các bản đồ như vậy. [23] Hơn nữa, đã có một số biện pháp được thực hiện như thành lập nhóm công tác nghiên cứu các biện pháp đối phó toàn diện chống lại thảm họa trầm tích và các chính sách cơ bản đối với các hiểm họa về nước quy mô lớn ở khu vực đô thị...
2.3.5. Ứng phó với thảm họa tuyết
Dựa trên Đạo luật về các biện pháp đặc biệt đối với các khu vực có tuyết rơi dày được đúc rút từ kinh nghiệm thông qua các sự cố liên quan đến tuyết, Chính phủ trung ương cùng phối hợp với chính quyền các cấp đã có những sửa đổi cập nhật các chính sách và hướng dẫn phòng chống, ứng phó với thảm họa tuyết. Xem xét nguy cơ tuyết lở, các dự án bảo vệ cộng đồng và tăng cường hệ thống cảnh báo và sơ tán được thực hiện. Chính quyền địa phương, thành phố sở tại đang dần hình thành ý thức bắt buộc về việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về giải pháp ứng phó với thảm họa tuyết.
3. Kết luận và hàm ý cho Việt Nam
Nhật Bản là quốc gia có các chỉ số về biến đổi khí hậu ở mức trên trung bình của thế giới; có nhiều nguy cơ và đã trải qua nhiều thảm họa thiên nhiên kinh hoàng. Nhật Bản hướng đến mục tiêu quốc gia phát thải carbon thấp, phù hợp với ứng phó giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhật Bản đã thiết lập mức độ thành thạo trong hệ thống quản lý rủi ro thiên tai, bao gồm các biện pháp đối phó cụ thể với nguy cơ, nhận thức cộng đồng, sửa đổi theo ngữ cảnh của chính sách, kế hoạch và luôn có sự đổi mới trong việc đối phó với thiên tai. Biến đổi khí hậu là vấn đề chung toàn cầu, nhưng về các vấn đề về thiên tai thì mức độ rủi ro ở Nhật Bản cao hơn nhiều so với ở Việt Nam. Việt Nam không trải quả các thảm họa núi lửa, sóng thần, động đất kinh hoàng nhưng các thảm họa về bão, lũ lụt, sạt lở là những nguyên nhân khá phổ biến gây ra thiệt hại đáng kể về người và tài sản hàng năm. Các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai cụ thể có thể khác nhau tùy theo bối cảnh của địa phương; tuy nhiên, nhìn chung các nguyên tắc đều giống nhau và có thể được áp dụng ở bất cứ đâu.
Thông qua những phân tích về kinh nghiệm của Nhật Bản, Viện Nam có thể học hỏi và vận dụng kinh nghiệm của Nhật Bản làm hướng dẫn để phát triển hệ thống ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai hiệu quả ở Việt Nam. Thứ nhất, chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng hệ thống cảnh báo sớm có thể cảnh báo mọi người, theo yêu cầu, kịp thời để thực hiện các biện pháp an toàn trước nguy cơ tiềm ẩn của các sự kiện nguy hiểm. Thứ hai, triển khai công tác tái thiết sau thảm họa hướng tới tiêu chí bền vững và đẹp hơn. Thứ ba, tiếp cận chủ động, ưu tiên đầu tư cho các hoạt động trước thiên tai, sau đó là các hoạt động liên quan đến ứng phó sẽ làm giảm rủi ro đáng kể, giảm đầu tư cần thiết để ứng phó trong và sau thiên tai. Thứ tư, đánh giá và cập nhật định kỳ các chính sách và kế hoạch quản lý thiên tai, có sự đúc rút và sửa đổi giải pháp ứng phó phù hợp sau mỗi thảm họa. Thứ năm, tăng cường sự hiểu biết của người dân về các thảm họa tiềm ẩn và giúp họ hình dung về hậu quả; kết nối sự đồng lòng của người dân để đối phó với các thảm họa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] ThS., Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[3] MoE (2018), “Climate Change in Japan and Its Impacts”, Synthesis Report on Observations, Projections and Impact Assessments of Climate Change, 2018, https://www.env.go.jp/earth/tekiou/pamph2018_full_Eng.pdf, truy cập ngày 20/01/2022.
[4] IPCC (2007), Climate Change 2007: Impacts, Adaptation and Vulnerability, Contribution of Working Group II to the Fourth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change, Cambridge University Press, Cambridge, UK, 976pp.
[5] MoE (2018), “Climate Change in Japan and Its Impacts”, Tlđd.
[6] IPCC (2007), Climate Change 2007: Impacts, Adaptation and Vulnerability, Tlđd.
[7] JMA (2007), Climate Change Monitoring Report 2006, Japan Meteorological Agency, Tokyo 100-8122, Japan, http://ds.data.jma.go.jp/tcc/tcc/products/gwp/CCMR2006.pdf, truy cập ngày 10/02/2022.
[8] JMA (2007), Climate Change Monitoring Report 2006, Tlđd.
[9]Paola Marisela González (2021), “Climate Change in Japan: Implementing Fundamental Solutions to Resolve the Crisis”, Tokyoesque, https://tokyoesque.com/climate-change-in-japan/#Climate_Change_in_Japan_What_Does _it_Look_Like, 12 January 2021, truy cập ngày 18/03/2022.
[10] Cabinet Office (2015), “White Paper, Disaster Management in Japan 2015”, Government of Japan. http://www.bousai.go.jp/kaigirep/hakusho/pdf/WP2015_DM_Full_Version.pdf, truy cập ngày 25/01/2022.
[11] Numada, M. and Meguro, K. (2015), Process-Based Disaster Management System BOSS, New Technologies for Urban Safety of Mega Cities in Asia (USMCA) October 2015, Kathmandu.
[12]TMG (2015), “Let’s Get Prepared Disaster Preparedness Actions”, Tokyo Metropolitan Government, http://www. bousai.metro.tokyo.jp/book/pdf/en/02_Lets_Get_Prepared.pdf, truy cập ngày 11/02/2022.
[13] Enrico D'Ambrogio (2021), “Japan's 2050 goal: A carbon-neutral society”, European Parliamentary Research Service, September 2021, https://www. europarl.europa.eu/RegData/etudes/BRIE/2021/698023/EPRS_BRI(2021)698023_EN.pdf, truy cập ngày 18/02/2022.
[14]IFRC (2016), “Resilience: Saving Lives Today, Investing for Tomorrow”, World Disaster Report 2016, International Federation of Red Cross and Red Crescent Societies, http://www.ifrc.org/Global/Documents/Secreta riat/201610/WDR%202016-FINAL_web.pdf, truy cập ngày 10/03/2022.
[15] Ito, T. (2015), Considerations Concerning “How Should the Central and Local Government Respond in Emergency Situations Such as Natural Disasters”, New Technologies for Urban Safety of Mega Cities in Asia (USMCA), Kathmandu.
[16] Cabinet Office (2017), “White Paper, Disaster Management in Japan”, Government of Japan, http://www.bousai.go.jp/kyoiku/panf/pdf/WP2017_DM_Full_Version.pdf, truy cập ngày 15/02/2022.
[17] Saya, S. (2017), “Disaster Management Policies of Japan” International Cooperation, Disaster Management Bureau, Cabinet Office, Government of Japan, https://link.springer.com/content/pdf/10.1007/978-3-319-59469-9_14.pdf, truy cập ngày 18/03/2022.
[18] Go, J. (2005), “National Report of Japan on Disaster Reduction”, World Conference on Disaster Reduction, Kobe-Hyogo, 18-22 January 2005, https://www. unisdr.org/2005/mdgs-drr/national-reports/Mozambique-report.pdf, truy cập ngày 8/03/2022.
[19] Go, J. (2005), “National Report of Japan on Disaster Reduction”, World Conference on Disaster Reduction, Kobe-Hyogo, 18-22 January 2005, https://www. unisdr.org/2005/mdgs-drr/national-reports/Mozambique-report.pdf, truy cập ngày 8/03/2022.
[20]Cabinet Office (2015), “White Paper, Disaster Management in Japan 2015”. Government of Japan. http://www.bousai.go.jp/kaigirep/hakusho/pdf/WP2015_DM_Full_Version.pdf, truy cập ngày 25/01/2022.
[21] Cabinet Office (2015), “White Paper, Disaster Management in Japan 2015”. Government of Japan. http://www.bousai.go.jp/kaigirep/hakusho/pdf/WP2015_DM_Full_Version.pdf, truy cập ngày 25/01/2022.
[22]Ganesh Kumar Jimee, et. al., (2019), "Learning from Japan for Possible Improvement in Existing Disaster Risk Management System of Nepal", Open Journal of Earthquake Research, Vol.8 No.2, May 27, 2019.
[23]Cabinet Office (2015), “White Paper, Disaster Management in Japan 2015”. Government of Japan. http://www.bousai.go.jp/kaigirep/hakusho/pdf/WP2015_DM_Full_Version.pdf, truy cập ngày 25/01/2022.