Trang chủ

Vấn nạn tự tử ở thanh niên Hàn Quốc hiện nay: Thực trạng và nguyên nhân

Đăng ngày: 14-06-2024, 11:45 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 10

Phạm Thị Nhung1

 

 

Tóm tắt: Tự tử, vấn nạn lớn Hàn Quốc đối mặt hơn một thập kỷ qua, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với thanh niên nước này. Động cơ chính dẫn đến hành vi tự tử ở lứa tuổi thanh niên xuất phát từ các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và các vấn đề kinh tế, sau đó là đến các vấn đề về gia đình. Thanh niên là nhóm đối tượng đang trong quá trình định hình nhân cách, lối sống, do vậy những khó khăn, biến động trong cuộc sống, những cú sốc tâm lý… rất dễ khiến họ rơi vào trạng thái khủng hoảng, tâm lý bị cô lập, mối liên kết xã hội trở nên đứt gẫy. Vấn nạn tự tử gây ra những chi phí kinh tế và xã hội rất lớn cho Hàn Quốc, ảnh hưởng xấu đến cấu trúc gia đình, nhận thức của công chúng về đất nước và hình ảnh quốc gia. Trong nhiều thập niên qua Hàn Quốc đã coi việc ngăn ngừa và phòng chống nạn tử tử là vấn đề ưu tiên, bức thiết của xã hội.

Từ khóa: Hàn Quốc, vấn nạn tự tử, nạn tự tử ở thanh niên, nguyên nhân tự tử

 

 

T

ỷ lệ tự tử cao tại Hàn Quốc đã trở thành một vấn đề xã hội nhức nhối của quốc gia Đông Á này. Nhiều dữ liệu từng được công bố cho thấy tỷ lệ tự sát của Hàn Quốc vượt qua tất cả 35 quốc gia thành viên[1]Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)[2]. Khi nhậm chức vào năm 2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cam kết sẽ hạ thấp tỷ lệ tự tử xuống còn 20 vụ trên 100.000 người vào năm 2020[3] và theo mức độ giảm trung bình, dự kiến hạ thấp tỷ lệ này xuống 17% vào năm 2022 mới có thể đưa Hàn Quốc thoát khỏi vị trí là nước có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước thành viên OECD[4]. Những báo cáo quốc tế đưa ra về thực trạng tự tử cao ở Hàn Quốc khiến chính phủ nước này hứng nhiều chỉ trích liên quan đến chính sách kiểm soát vấn đề tự tử.

Tự tử là nguyên nhân số một trong những ca tử vong của thanh niên Hàn Quốc, đặc biệt gần đây trong bối cảnh xã hội Hàn Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 với các lệnh phong tỏa được thực hiện liên tục trong năm 2019-2021. Có thể nói làn sóng COVID-19 với các lệnh giới nghiêm đã gây ra những tác dụng tiêu cực đối với sức khỏe tâm thần của người dân Hàn Quốc, đặc biệt là thanh niên trẻ, những người phải căng sức cạnh tranh trên thị trường lao động khốc liệt của Hàn Quốc. Tự tử chính là nguyên nhân khiến Hàn Quốc là nước có sự sụt giảm mạnh nhất về dân số ở độ tuổi lao động trong số các quốc gia thuộc OECD.

  1. 1. Thực trạng vấn nạn tự tử và tự tử ở thanh niên Hàn Quốc

Nhìn lại lịch sử hiện đại của Hàn Quốc, có nhiều giai đoạn vấn nạn tự tử đã lên đến đỉnh điểm. Giai đoạn Hàn Quốc có số người tự tử nhiều nhất rơi vào những năm 1960-1970. Thời kỳ tỷ lệ tử vong cao này là kết quả của quá trình công nghiệp hóa tiến triển nhanh chóng. Tỷ lệ tự tử trên 100.000 dân vào năm 1960 là 4,2 đã tăng lên 15,0 vào năm 1965, sau đó tăng mạnh lên 28,9 vào năm 1975 và đỉnh điểm lên tới 31,9 vào năm 1980. Sau năm 1980, tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc có xu hướng giảm đáng kể, đến năm 1990 con số này khoảng 15,0[5]. Có rất nhiều nghiên cứu đề cập đến giai đoạn nóng về tự tử của Hàn Quốc, các yếu tố được đề cập tới không chỉ là chế độ độc tài mà còn là những tiêu cực trong thời kỳ công nghiệp hóa nhanh chóng.

Những năm 1990, tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc vẫn ở mức cao. Số vụ tự tử trên 100.000 người là 14,1 vào năm 1997 và tăng lên 19,9 vào năm 1998[6]. Giai đoạn này số vụ tự tử ở thanh niên đặc biệt tăng mạnh, họ được xem là nhóm dễ tổn thương có yếu tố công việc liên quan đến cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997. Sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính (cú sốc Lehman), tỷ lệ tự tử tăng vọt, tỷ lệ này có mối liên hệ nhất định với tình trạng hỗn loạn tín dụng và những vụ vỡ nợ, phá sản. Năm 2003, tỷ lệ tự tử là 24,1 và đến năm 2009 tăng lên đến con số đáng báo động là 31,0, đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1990.

Theo Cục Thống kê Hàn Quốc năm 2016, tỷ lệ tự tử (số người tự tử trên 100.000 dân) là 25,6 và số vụ tự tử là 13.092. Đáng báo động hơn nữa, số người cố gắng tự tử cao hơn rất nhiều, gấp khoảng 10 đến 40 lần số người chết vì tự sát (50 đến 150 lần đối với thanh niên). Theo nghiên cứu của WHO năm 2006, ước tính có 524.000 người có ý định tự tử, đến năm 2013 con số này đã lên đến 2.564.000 người, tương ứng 5% dân số (theo khảo sát tự tử của Hàn Quốc, 2013). Kết quả thống kê cũng cho thấy, trung bình có 36 người Hàn tự tử mỗi ngày, cứ sau 40 phút lại có một người tự tử[7].

So sánh với các quốc gia trên thế giới, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số 30 quốc gia OECD (từ năm 2003 đến năm 2019, chỉ thấp hơn Litva trong năm 2017). Tỷ lệ tự tử trung bình ở các nước OECD là 12,1 và ở Hàn Quốc gấp 2,4 lần mức trung bình của OECD[8]. Năm 2012, tỷ lệ tự sát tại Hàn Quốc là 28,9 vụ/100.000 dân, cao hơn nhiều so với mức 12,1 vụ của Mỹ, 7,8 vụ của Trung Quốc và cao hơn 2,5 lần so với mức trung bình trên toàn thế giới. Tỷ lệ tự tử trung bình ở các nước OECD có xu hướng giảm từ 17,1 năm 1985 xuống còn 12,0 năm 2013, 12,1 năm 2015, trong khi đó Hàn Quốc là một trong 8/30 quốc gia thành viên OECD chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ này và là quốc gia duy nhất có tỷ lệ tự tử tăng hơn 10 người/100.000 người dân trong giai đoạn này. Tỷ lệ tự tử của Hàn Quốc là 11,2 vào năm 1985 và 28,7 vào năm 2013[9].

Theo số liệu báo cáo năm 2020, tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc là 25,7 trên 100.000 người, Chungcheongnam-dođô thị có tỷ lệ tự tử cao nhất (27,9) và Sejong là đô thị có tỷ lệ tự tử thấp nhất (18,3)[10].

Đặc điểm tự tử phân theo lứa tuổi: thanh niên là nhóm tuổi có tỷ lệ tự tử rất cao. Năm 2016, tỷ lệ tự tử lứa tuổi 20-29 tuổi là 16,4, 30-39 là 24,6 tương đương với số người tự tử là 1.097 người ở độ tuổi 20-29 và 1.857 người ở độ tuổi 30-39[11]. Năm 2018, cứ 100.000 người trong độ tuổi 9-24 thì có 9,1 người tự tử, tăng so với con số 7,7 năm 2017. Theo báo cáo của Cục Thống kê Hàn Quốc, từ năm 2007 tự sát là nguyên nhân số 1 gây tử vong cho thanh thiếu niên. Tỷ lệ tự tử tăng lên mức cao nhất vào năm 2009: trong độ tuổi 9-24 cứ 100.000 thanh thiếu niên thì có 10,3 người tự kết liễu đời mình[12].

Đặc điểm tự tử phân theo giới tính: ở Hàn Quốc, nam giới, theo truyền thống là người đóng vai trò lao động chính cho cả gia đình, có tỷ lệ tự tử là 37,5%, gấp 2,5 lần nữ giới (15,5%). Tỷ lệ tự tử trong nhóm phụ nữ trẻ tuổi Hàn Quốc đang tăng đáng kể, nhiều người cho rằng tình trạng này liên quan đến COVID-19. Theo ông Joo Ji-young, Phó Giám đốc Trung tâm ngăn ngừa tự tử Seoul, tỷ lệ tử vong ở thủ đô Seoul đã tăng 4,8% trong nửa đầu năm 2020 và số vụ tự tử trong năm 2020 nhìn chung giảm, song số phụ nữ ngoài 20 tuổi tự tìm đến cái chết trong nửa đầu năm lại tăng 43% so với cùng kỳ năm 2019[13].

2. Nguyên nhân dẫn đến vấn nạn tự tử của thanh niên Hàn Quốc

2.1. Nguyên nhân khách quan

- Tự tử liên quan đến yếu tố kinh tế.

Trong 2 năm 1997 và 1998, khủng hoảng tài chính châu Á tác động mạnh tới Hàn Quốc. Trong và sau đợt suy thoái kinh tế năm 1998, Hàn Quốc có tăng trưởng kinh tế âm 6,9% và tỷ lệ thất nghiệp cao 7%[14]. Một nghiên cứu tiến hành sau đó chỉ ra rằng, suy thoái kinh tế có mối liên hệ mạnh mẽ với sự gia tăng tỷ lệ tự sát. Tỷ lệ thất nghiệp và ly hôn tăng khi kinh tế đi xuống dẫn tới trầm cảm và trầm cảm dẫn tới tự tử. Ngoài ra, suy thoái kinh tế làm tổn hại địa vị, hình ảnh xã hội của cá nhân, điều cốt lõi trong giá trị xã hội mà lứa tuổi thanh niên đang tìm cách để khẳng định. Điều này có nghĩa nhu cầu và sự mong đợi của họ không còn được đáp ứng và những người không thể điều chỉnh cho phù hợp có xu hướng tự kết liễu đời mình.

Từ sau năm 2019, nền kinh tế Hàn Quốc lại đứng trước nguy cơ suy thoái "kép" do tác động của dịch COVID-19. Nền kinh tế Hàn Quốc thực tế đang có những dấu hiệu rõ ràng suy giảm mạnh hơn, thể hiện qua các khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng lên tới hơn 1.000 tỷ won (863,6 triệu USD) trong tháng thứ 6 liên tiếp đầu năm 2021. Theo số liệu của Cơ quan thống kê Hàn Quốc (SK), trong tháng 7/2021, Hàn Quốc có thêm 542.000 việc làm mới song tăng trưởng việc làm đã chậm lại trong tháng thứ 3 liên tiếp do đại dịch COVID-19. Trong đó, ngành khách sạn giảm 12.000 việc làm và ngành bán lẻ mất 186.000 việc làm. Một báo cáo của BoK được công bố vào tháng 6/2021 vừa qua cho thấy trong số 2.520 công ty được thành lập vào năm 2020, hơn 1/3 (tương đương 39,7%) không đạt được lợi nhuận hoạt động đủ để trang trải chi phí lãi vay của họ. Đáng chú ý là áp lực lạm phát đang gia tăng, với tỷ lệ lạm phát ở mức cao hơn mục tiêu bình ổn giá của BoK là 2% trong tháng thứ 4 liên tiếp[15]. Trong khi đó, điều tra tháng 7/2021 ghi nhận tổng cộng có 141 mặt hàng được mua thường xuyên, trong đó có cả hàng tạp hóa, ghi nhận mức tăng giá 3,4% so với cùng kỳ năm 2020. Lạm phát tăng 1,7%, cùng với đó là giá dầu thô và nguyên liệu thô tăng cao[16]. Sự sụt giảm về kinh tế kèm theo những gánh nặng từ tình trạng lạm phát tăng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, Hàn Quốc trở thành nước có lực lượng lao động giảm sút nhiều nhất trong khối các quốc gia OECD, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm gây áp lực đối với thanh niên Hàn Quốc. Sự thiếu kết nối giữa con người với nhau là mối đe dọa đối với sức khỏe tâm thần của người dân nói chung nhưng phụ nữ thường chịu gánh nặng lớn hơn bởi họ phải đối mặt với tình trạng công việc bấp bênh hơn so với đàn ông và thêm vào đó là áp lực chăm sóc con cái. Các ngành du lịch, bán lẻ, thực phẩm và nhà hàng bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi COVID-19, những ngành này thường có xu hướng tuyển dụng phụ nữ, chủ yếu ở các vị trí lao động hợp đồng, rất nhiều phụ nữ đã mất việc làm và thu nhập bị giảm đáng kể. Bond Project, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ phụ nữ trẻ, tháng 6/2020 đã tiến hành một cuộc thăm dò trên 1.000 người từng được họ trợ giúp trước đây. Khoảng 3/4 trong số này nói họ cảm thấy không có động lực và hoặc muốn "biến mất và chết"[17].

- Tự tử liên quan đến yếu tố truyền thông và dư luận xã hội.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy mối tương quan mạnh giữa các vụ tự tử của người nổi tiếng với mức độ gia tăng tự tử trong dân chúng, đặc biệt là thanh niên. Mức độ truyền thông đưa tin về các vụ tự sát của người nổi tiếng tác động đến số vụ tự tử. Theo kết quả nghiên cứu của Fu King-Wa, C. H. Chan và Michel Botbol, cứ 11 vụ người nổi tiếng tự kết liễu đời mình thì có 3 vụ dẫn tới tỷ lệ tự sát gia tăng trong dân chúng Hàn Quốc. Đó là hiệu ứng Werther (tự sát bắt chước), một số người quyên sinh để phản ứng với vụ tự sát trước đó[18]. Theo nghiên cứu “Tác động của 13 vụ người nổi tiếng tự sát đối với tỷ lệ tự sát sau đó ở Hàn Quốc từ năm 2005 tới 2009”, số vụ tự tử ở Hàn Quốc tăng mạnh sau cái chết của những người nổi tiếng. Người tự sát “ăn theo” có xu hướng sử dụng cách thức quyên sinh giống người nổi tiếng. Hiện tượng này các nhà nghiên cứu gọi là tự tử theo chuỗi. Cá nhân có xu hướng bị ảnh hưởng tâm lý bởi các vụ tự sát của những người nổi tiếng, những người có ảnh hưởng xã hội và ảnh hưởng đối với bản thân họ. Một nghiên cứu năm 2020 trước và sau vụ tử tự của nghệ sĩ (giấu tên) nổi tiếng ở Hàn Quốc cho thấy kết quả như sau:

So sánh số vụ tử tự sau vụ tự tử của người nổi tiếng với số vụ tự tử của cùng kỳ năm trước và cùng kỳ năm sau, chúng ta thấy việc người nổi tiếng, có ảnh hưởng xã hội tự tử làm gia tăng các vụ tự tử sau đó. Số vụ tử tử trong 2 tháng kể từ sau vụ tự tử của nghệ sĩ nổi tiếng tháng 10/2018 tăng 1274 vụ so với cùng kỳ năm trước và số vụ tự tử bằng phương pháp tương tự tăng 1.176 vụ. Tương tự số liệu cũng cho thấy, số vụ tử tử trong 2 tháng kể từ sau vụ tự tử của nghệ sĩ nổi tiếng tháng 09/2019 tăng 915 vụ so với cùng kỳ năm trước và số vụ tự tử bằng phương pháp tương tự tăng 89 vụ. Trong đó, thanh niên, những người trẻ tuổi Hàn Quốc là nhóm dễ tổn thương nhất đối diện với sự ảnh hưởng này.

Về vấn đề kỳ thị và định kiến xã hội, Chính phủ Hàn Quốc thừa nhận rằng định kiến và nạn kỳ thị xã hội là xúc tác khiến bệnh nhân rối loạn tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện. Nghiên cứu trên 151 gia đình và 121 người tự tử năm 2015 của Chính phủ Hàn Quốc còn nhận định nạn kỳ thị xã hội là xúc tác khiến bệnh nhân rối loạn tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện nên mặc cảm không dám tìm sự trợ giúp[19]. Nếu coi trầm cảm và nghiện rượu là lý do trực tiếp khiến người Hàn Quốc tự tử thì cô lập xã hội chính là nguyên nhân gián tiếp[20]. Điều đáng nói là đa số thanh niên Hàn Quốc gặp vấn đề về tâm lý lại không dám chia sẻ với những người xung quanh vì “căn bệnh” này bị coi là đáng xấu hổ. Sự tích tụ căng thẳng đã dẫn đến chứng trầm cảm và đây chính là nguyên nhân khiến họ rơi vào tâm thế “sẵn sàng” tự tử.

Như vậy, truyền thông và dư luận xã hội gây ra những yếu tố nguy cơ đối với thanh niên. Sự cô lập/tự cô lập về cảm xúc là một yếu tố nguy cơ quan trọng, họ lựa chọn không chia sẻ cảm xúc với ai, thường do tâm lý muốn bảo vệ người thân khỏi những lo âu. Ngoài ra, các vấn đề tâm lý liên quan tới việc tiếp cận các công nghệ hiện đại, các hành vi nghiện trực tuyến đối với những thanh niên có xu hướng “sử dụng quá nhiều” cũng dẫn đến sự lệch lạc trong định hướng hành vi chuẩn mực.


Hình 1: Trước và sau cái chết của nghệ sĩ giải trí A (tháng 10/2018)


Hình 2: Trước và sau cái chết của nghệ sĩ giải trí B (tháng 9/2019)



Nguồn: Nghiên cứu chính sách toàn diện về tự tử tập 1, Kế hoạch hành động Quốc gia về phòng chống tự tử ở Hàn Quốc.

 

- Tự tử liên quan đến yếu tố gia đình.

Người Hàn Quốc có một đặc trưng là rất coi trọng gia đình, yếu tố gắn kết, mức độ lòng tin của họ đối với gia đình là cao nhất so với các mối quan hệ khác. Do vậy, mỗi cá nhân thường có xu hướng duy trì và gia tăng giá trị lòng tin trong các mối quan hệ với các thành viên trong gia đình. Một nghiên cứu của nhóm tác giả Hàn Quốc với quy mô mẫu trên 800 người bao gồm cả nam và nữ từ 20 tuổi trở lên cho thấy quan hệ gia đình có thời gian duy trì dài nhất và tần xuất tiếp xúc lớn nhất[21]. Gia đình có ảnh hưởng rất lớn đối với sự nghiệp của người Hàn Quốc, do vậy cũng trở thành một yếu tố gây áp lực đối với người trẻ tuổi Hàn Quốc trong việc thực hiện sự kỳ vọng.

Ở cấp độ gia đình, có ba nhóm yếu tố nguy cơ sau: nguyên tắc gia đình quá nghiêm ngặt (đặc biệt liên quan đến thành tích học tập và kết hôn), gia đình nghèo hoặc đang trong tình trạng kinh tế giảm sút hoặc trong tình trạng xung đột các mối quan hệ. Xét về các nguyên tắc gia đình, đối với giai đoạn đầu của lứa tuổi thanh niên, khi lứa tuổi này đang cố gắng khẳng định tính độc lập, thì “sự kiểm soát” của cha mẹ như việc không chấp thuận các mối quan hệ tình cảm được xem như là một căn nguyên chính dẫn đến tình trạng căng thẳng. Gia đình nghèo hoặc đang trong tình trạng kinh tế giảm sút có thể làm hạn chế các cơ hội kết giao với bạn bè, hạn chế năng lực khẳng định mình trong học tập, công việc. Điều này dẫn đến những căng thẳng ở mức độ cao do không thể hiện thực hóa những nguyện vọng tương lai của mình.

Những căng thẳng trong gia đình xuất phát từ áp lực gia đình muốn cá nhân phải thể hiện vai trò tốt hơn, cảm giác chung về việc cha mẹ, người thân không hiểu mình, những xung đột trong hôn nhân, bạo lực gia đình và thiếu giao tiếp với cha mẹ; ảnh hưởng của những biến đổi trong cấu trúc gia đình và áp lực cạnh tranh của thị trường lao động đối với chính bản thân họ khiến họ không có thời gian chăm sóc gia đình, dẫn đến các xung đột vai trò trong gia đình.  Nhiều trường hợp thanh niên Hàn Quốc có xu hướng tìm đến cái chết khi gặp cú sốc tinh thần hoặc đột ngột mất đi những người thân trong gia đình, đặc biệt là những người có ảnh hưởng lớn đối với cuộc đời của họ.

Tỷ lệ tự tử của thanh niên Hàn Quốc cao hơn ở những gia đình khuyết thiếu bố hoặc mẹ hoặc cả bố và mẹ. Một nghiên cứu cho thấy, nam giới có tỷ lệ cố gắng tự sát cao nhất khi mẹ mất lúc họ 0-4 tuổi và 5-9 tuổi. Phụ nữ có tỷ lệ cố gắng tự sát cao nhất khi mẹ mất lúc họ 5-9 tuổi. Theo Suicide and Life-Threatening Behavior, việc mẹ chết có tác động lớn hơn tới tỷ lệ cố gắng tự sát so với việc bố chết.

- Tự tử liên quan đến yếu tố môi trường học tập và làm việc.

Dù nền giáo dục Hàn Quốc được xếp hạng rất cao trên thế giới, nhưng sự căng thẳng, sức ép học hành bị coi là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ tự tử cao trong đối với thanh niên trong độ tuổi 18-23. Hàn Quốc rất coi trọng giáo dục nhưng cũng có một vấn đề là những người trẻ tuổi thường căng thẳng và chịu áp lực trong cuộc cạnh tranh giáo dục của chính họ. Trung bình học sinh phổ thông phải dành xấp xỉ 16 giờ mỗi ngày để học và thực hiện các hoạt động liên quan đến trường học. Học sinh Hàn Quốc có nghĩa vụ tham gia kỳ thi CSAT (kiểm tra năng lực đại học). Tính khốc liệt của kỳ thi này thể hiện ngay ở việc máy bay bị cấm bay để bảo đảm rằng thí sinh không bị phân tán tư tưởng.

Hiện tượng bắt nạt, bạo lực nơi công sở vì quan hệ thứ bậc cũng là một nguyên nhân lớn dẫn đến hành vi tự tử ở thanh niên Hàn Quốc. Có một việc làm ổn định trở thành yếu tố quyết định khẳng định giá trị bản thân trong xã hội. Dù đã phát triển đến mức trở thành “con rồng Châu Á”, Hàn Quốc vẫn tồn tại những hệ tư tưởng đặc trưng của nền văn hóa Á Đông và chịu ảnh hưởng rất nặng từ giáo lý Khổng Tử. Ở đất nước Đông Á này, mối quan hệ tiền bối - hậu bối không dựa vào độ tuổi mà gắn chặt với trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi bên. Tại nơi làm việc, văn hóa đề cao thứ bậc này khiến người trẻ làm việc tại các văn phòng không được phép từ chối yêu cầu của cấp trên. Ngoài ra, người ta chỉ ra rằng trong xã hội Hàn Quốc, “yêu cầu xin lỗi người khác”, “văn hóa xin lỗi” thường xuyên được đưa ra cũng chính là áp lực về mặt danh dự và thể diện đối với thanh niên Hàn Quốc, lứa tuổi mà cái tôi, cái bản ngã thể hiện rất mạnh mẽ.

Văn hóa công sở ở Hàn Quốc thể hiện nhiều điểm tối có ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người lao động. Để khắc phục tình trạng này, Hàn Quốc đã ban hành luật chống bắt nạt, quấy rối nơi công sở, luật bắt đầu có hiệu lực tại Hàn Quốc ngày 16/7/2019. Trong trường hợp các nạn nhân hoặc những người báo cáo việc bắt nạt bị ngược đãi hoặc phân biệt đối xử, chủ lao động có thể phải đối mặt với mức án tối đa 3 năm tù giam và khoản tiền phạt lên tới 30 triệu won (25.423 USD). Áp lực từ khối lượng công việc và cơ hội thăng tiến cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng về tinh thần, tình trạng mất định hướng của giới trẻ. Một cuộc khảo sát vào năm 2012 cho thấy chỉ có 55% người Hàn Quốc hài lòng về công việc của họ, mức thấp nhất trong số các nước thành viên OECD đến từ những nguyên nhân về áp lực công việc, khối lượng công việc lớn, tăng ca, ít cơ hội thăng tiến và vấn đề công bằng xã hội tại nơi làm việc.

2.2. Nguyên nhân chủ quan

- Tự tử liên quan đến một số bệnh lý về sức khỏe.

Tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với tỷ lệ mắc các bệnh lý về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Những người có các bệnh về ưng thư, gan, huyết áp, tim mạch, liệt thần kinh... có nguy cơ tự tử để tìm đến cái chết do mặc cảm về bệnh tật và mong muốn giảm áp lực đối với gia đình. Tỷ lệ tự tử cũng có mối quan hệ với tỷ lệ mắc các chứng bệnh tâm thần, đặc biệt là bệnh trầm cảm do gặp các cú sốc lớn trong gia đình, tình yêu và hôn nhân, áp lực công việc... Vì vấn đề kỳ thị, nhiều triệu chứng bệnh tâm thần bị xem nhẹ ở Hàn Quốc và điều này có thể dẫn tới các quyết định không hợp lý, trong đó có tự tử. Số liệu cung cấp bởi Trung tâm Y tế Samsung, Seoul năm 2015 cho biết khoảng 5,6% dân số Hàn Quốc (tương đương 2 triệu người) từng trải qua trầm cảm ít nhất một lần nhưng chỉ có 290.000 người tìm đến sự trợ giúp y tế, trong khi đó số bệnh nhân đồng ý trị liệu lâu dài còn ít hơn chỉ với 150.000 người[22].

Báo cáo của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cũng cho thấy gần 90% người tự tử đã được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần như trầm cảm, chỉ 15% điều trị trước khi qua đời, 25% trong số họ tìm gặp bác sĩ tâm thần ít nhất một lần trong 30 ngày cuối cùng, hơn 25% nhờ cậy bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ y học cổ truyền điều trị các triệu chứng như mất ngủ. Trong số hơn 2 triệu người bị trầm cảm mỗi năm, chỉ có 15.000 người được điều trị thường xuyên. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cho biết hơn 93% nạn nhân tự tử biểu lộ một số dấu hiệu cảnh báo như đột ngột thay đổi thói quen ăn, ngủ nhưng 81% thành viên trong gia đình họ không đánh giá đó là những triệu chứng nguy hiểm cần quan tâm[23].

- Tự tử liên quan đến mức độ tiêu thụ chất kích thích.

Hàn Quốc là quốc gia có văn hóa uống rượu và truyền thống làm rượu với nhiều làng nghề địa phương nổi tiếng. Trong khi đó, các nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ tự tử có xu hướng cao hơn ở những người thường xuyên dùng chất kích thích rượu, bia và ở những người đang trong tình trạng có nồng độ cồn ở mức cao.

 

Hình 3: Tỷ lệ các động cơ chính dẫn đến tự tử

Vấn nạn tự tử ở thanh niên Hàn Quốc hiện nay:  Thực trạng và nguyên nhân

Nguồn: Theo cơ quan cảnh sát Quốc gia của Hàn Quốc năm 2016, Nghiên cứu chính sách toàn diện về tự tử tập 1, Kế hoạch hành động Quốc gia về phòng chống tự tử ở Hàn Quốc.


Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2014 Hàn Quốc là nước có mức tiêu thụ rượu bia đứng thứ 17 trên thế giới và đứng đầu châu Á với 12,3 lít/người từ 15 tuổi trở lên mỗi năm. Theo kết quả khảo sát của Cục Thống kê Quốc gia về chi tiêu trung bình hàng tháng của hộ gia đình trong quý III/2020, chi tiêu trong số các hộ gia đình (từ 2 người trở lên) cho rượu và thuốc lá là 42.980 won (chi tiêu cho đồ uống có cồn là 19.651 won và thuốc lá là 23.329 won), lớn nhất kể từ số liệu được thống kê năm 2003[24]. Tổ chức nghiên cứu toàn cầu Euromonitor International năm 2014 phân tích Hàn Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ rượu mạnh nhiều nhất thế giới. Bên cạnh các vấn đề tâm lý, 40% trường hợp tự tử được nghiên cứu đã uống rượu trước khi tự tử. Gần 26% số này từng dính đến rắc rối với pháp luật do rượu và 54% có người nhà từng lạm dụng đồ uống có cồn[25]. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rượu dẫn đến 200 căn bệnh và tình trạng gây tổn thương bao gồm ung thư, tai nạn giao thông, bạo lực và tự tử.

Có thể nói có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử, tuy nhiên các nguyên nhân này tác động với mức độ khác nhau ở từng độ tuổi khác nhau.

Theo kết quả nghiên cứu, động cơ chính dẫn đến hành vi tự tử lứa tuổi thanh niên xuất phát từ các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và các vấn đề kinh tế, sau đó là đến các vấn đề về giới và các vấn đề về gia đình. Trong đó, lứa tuổi 21-30 là lứa tuổi gặp những vấn đề về giới dẫn đến tự tử nhiều nhất, chiếm 10,1%. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần có xu hướng giảm dần theo độ tuổi, những người Hàn trẻ tuổi có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần dẫn đến tự tử cao hơn lứa tuổi trung niên và người già. Có thể quy chiếu lý thuyết xã hội hóa cá nhân để lý giải vấn đề này, thanh niên là nhóm đối tượng đang trong quá trình định hình lối sống, những kinh nghiệm xử lý vấn đề còn hạn chế do vậy những vấn đề khó khăn, biến động trong cuộc sống, những cú sốc tâm lý… rất dễ khiến họ rơi vào trạng thái bị cô lập, mối liên kết xã hội trở nên dễ dàng đứt gẫy.

3. Kết luận

So với các lứa tuổi khác, thanh niên không phải là nhóm có tỷ lệ tự tử cao nhất nhưng tự tử lại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với nhóm tuổi này. Nếu những nguyên nhân chủ quan như các bệnh lý về sức khỏe: bệnh tật, các bệnh lý về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, việc lạm dụng bia rượu là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi tự tử thì những nguyên nhân khách quan như khó khăn về mặt tài chính, áp lực dư luận, căng thẳng trong giáo dục và trong các mối quan hệ xã hội được coi là những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tự tử.

Tự tử gây ra rất nhiều hệ lụy đối với kinh tế, xã hội của Hàn Quốc và môi trường sống của người dân. Thứ nhất, vấn nạn tự tử gây ra những chi phí kinh tế và xã hội rất lớn cho Hàn Quốc. Chi phí y tế cho chấn thương và di chứng do việc cố gắng tự tử nhưng không dẫn đến tử vong ước tính còn cao hơn so với một trường hợp tự tử. Ngoài ra còn có chi phí điều trị y tế cho các bệnh về thể chất và tinh thần của tang quyến khi có thành viên trong gia đình tự tử. Thứ hai, tự tử gây ảnh hưởng xấu đến cấu trúc gia đình. Về thể chất, tự tử của thành viên trong gia đình có thể gây ra những vấn đề sức khỏe, bệnh lý cho người thân sau cú sốc. Về mặt tinh thần, tự tử còn gây nên những cảm xúc tâm lý tiêu cực như đau buồn, mất mát, phẫn uất do tự trách mình trước cái chết của thành viên trong gia đình và định kiến ​​xã hội. Điều này đã dẫn đến những sự đứt gãy các mối quan hệ của họ, đây có thể là tình trạng chấm dứt hoặc né tránh các mối quan hệ cá nhân. Thứ ba, ở góc độ vĩ mô, tự tử gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh quốc gia và xã hội Hàn Quốc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đại học Quốc gia Seoul – Đại học Quốc gia Hà Nội, Xã hội Hàn Quốc hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.

2. Báo cáo thanh tra Hàn Quốc, Các biện pháp đối phó với tự tử ở Hàn Quốc, http://www.kumonoito.info/regacy/korea_img/ korea_report.

3. “Các nguyên nhân chính khiến nhiều người Hàn Quốc tự tử”, https://tienphong.vn/cac-nguyen-nhan-chinh-khien-nhieu-nguoi-han-quoc-tu-tu-post1255253.tpo.

4. ““Đại dịch tự tử” ở Nhật – Hàn giữa COVID-19”, https://vnexpress.net/dai-dich-tu-tu-o-nhat-han-giua-covid-19-4198930.html.

5. Nghiên cứu chính sách toàn diện về tự tử tập 1, Kế hoạch hành động Quốc gia về phòng chống tự tử ở Hàn Quốc, https://jssc.ncnp.go.jp/ file/pdf/SPRJ2018_1_5.pdf?190418.

6. Nguyễn Thu Trang, “Điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị Hàn Quốc cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI”, https://repository.vnu.edu. vn/bitstream/VNU_123/983193.

7. Thông tấn xã Việt Nam, Thông tin về dịch Covid-19, Nền kinh tế Hàn Quốc trước nguy cơ suy thoái kép do tác động của dịch Covid-19, https://ncov.vnanet.vn/tin-tuc/nen-kinh-te-han-quoc-truoc-nguy-co-suy-thoai-kep-do-tac-dong-cua-dich-covid-19/aafc6a96-589a-4627-b46a-95aa584f51bb.

8. Guk-Hee Suh, MD, PhD Professor of Psychiatry, Hallym University College of Medicine, Korea, “Suicide rate in Korea”, IPA's newsletter, the IPA Bulletin, Volume 34, Number 3.

9. The Korean Association of Mental Health Social Workers, “Member quali‑ fication for mental health social workers”, http://www. kamhsw.or.kr/sub. php?menukey=89. Accessed 25 May 2021.

 



[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Nghiên cứu chính sách toàn diện về tự tử tập 1, Kế hoạch hành động Quốc gia về phòng chống tự tử ở Hàn Quốc, https://jssc.ncnp.go.jp/file/pdf/SPRJ2018_1_5. pdf?190418.

[3] Nguyễn Thu Trang, “Điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị Hàn Quốc cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI”, https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/98319.

[4] Nghiên cứu chính sách toàn diện về tự tử tập 1, Kế hoạch hành động Quốc gia về phòng chống tự tử ở Hàn Quốc, Tldđ.

[5] Sang-Uk Lee, Jong-Ik Soojung Lee, In-Hwan Oh, Joong-Myung Choi, “Changing trends in suicide rates in South Korea from 1993 to 2016: a descriptive study”, BM Journal 2018.

[6] Nghiên cứu chính sách toàn diện về tự tử tập 1, Kế hoạch hành động Quốc gia về phòng chống tự tử ở Hàn Quốc, Tlđd.

[7] Guk-Hee Suh, MD, PhD Professor of Psychiatry, Hallym University College of Medicine, Korea, “Suicide rate in Korea”, IPA's newsletter, the IPA Bulletin, Volume 34, Number 3.

[8] Vấn nạn tự tử ở Hàn Quốc, https://korea.net.vn/van-nan-tu-tu-o-han-quoc.html.

[9] Nghiên cứu chính sách toàn diện về tự tử tập 1, Kế hoạch hành động Quốc gia về phòng chống tự tử ở Hàn Quốc, Tlđd.

[10] “Vấn nạn tự tử ở Hàn Quốc”, https://korea.net.vn/ van-nan-tu-tu-o-han-quoc.html.

[11] Nghiên cứu chính sách toàn diện về tự tử tập 1, Kế hoạch hành động Quốc gia về phòng chống tự tử ở Hàn Quốc, Tlđd.

[12] Nghiên cứu chính sách toàn diện về tự tử tập 1, Kế hoạch hành động Quốc gia về phòng chống tự tử ở Hàn Quốc, Tlđd.

[13] “Đại dịch tự tử” ở Nhật – Hàn giữa COVID-19, https://vnexpress.net/dai-dich-tu-tu-o-nhat-han-giua-covid-19-4198930.html.

[14] Kinh tế Hàn Quốc – Khủng hoảng và động lực vươn lên, http://world.kbs.co.kr/service/contents_ view. htm?lang=v&menu_cate=history&id=&board_seq=3849&page=1&board_code=kpanorama.

[15] Thông tấn xã Việt Nam, Thông tin về dịch Covid-19, Nền kinh tế Hàn Quốc trước nguy cơ suy thoái kép do tác động của dịch Covid-19, https://ncov.vnanet.vn/ tin-tuc/nen-kinh-te-han-quoc-truoc-nguy-co-suy-thoai-kep-do-tac-dong-cua-dich-covid-19/aafc6a96-589a-4627-b46a-95aa584f51bb.

[16] “Kinh tế Hàn Quốc – Khủng hoảng và động lực vươn lên”, http://world.kbs.co.kr/service/contents_view. htm?lang=v&menu_cate=history&id=&board_seq=3849&page=1&board_code=kpanorama.

[17] “Đại dịch tự tử” ở Nhật – Hàn giữa Covid-19, https:// vnexpress.net/dai-dich-tu-tu-o-nhat-han-giua-covid-19-4198930.html.

[18] “Các nguyên nhân chính khiến nhiều người Hàn Quốc tự tử”, https://tienphong.vn/cac-nguyen-nhan-chinh-khien-nhieu-nguoi-han-quoc-tu-tu-post125 5253.tpo.

[19] Báo cáo thanh tra Hàn Quốc, Các biện pháp đối phó với tự tử ở Hàn Quốc, http://www.kumonoito.info/ regacy/korea_img/korea_report.

[20] Báo cáo thanh tra Hàn Quốc, Tlđd.

[21] Đại học Quốc gia Hà Nội – Đại học Quốc gia Seoul, Xã hội Hàn Quốc hiện đại, Quyển 4, 2008, tr. 252.

[22] Báo cáo thanh tra Hàn Quốc, Các biện pháp đối phó với tự tử ở Hàn Quốc, Tlđd.

[23] The Korean Association of Mental Health Social Workers, “Member quali‑ fication for mental health social workers”, http://www.kamhsw.or.kr/sub.php?menukey= 89.

[24] “Hàn Quốc: mức tiêu thụ rượu, thuốc lá tăng cao kỷ lục”, https://vietnam.ajunews.com/view/2020112509472 0343.

[25] Báo cáo thanh tra Hàn Quốc, Các biện pháp đối phó với tự tử ở Hàn Quốc, Tlđd.

0thảo luận