Các nhà nghiên cứu đã phát hiện những di chỉ khảo cổ học cho thấy dấu hiệu có con người sống trên Bán đảo Hàn và những khu vực lân cận vào thời kỳ đá cũ cách ngày nay khoảng 70 vạn năm. Những bộ lạc sinh sống trên khu vực này đã trải qua nhiều thời kỳ khác nhau từ thời kỳ đồ đá mới đến thời kỳ đồ đồng và đến thời kỳ hình thành quốc gia cổ trên bán đảo với tên gọi nhà nước Gojoseon (Cổ Choson). Giáo dục thời ấy, tuy còn rất thuần phác, song cũng là yếu tố căn bản của nền văn hóa. Người dân sống theo lối tập quần đã tự nghĩ ra cách dạy thế hệ trẻ săn bắn và đánh bắt cá, cách chiến đấu bảo vệ lẫn nhau trước quân thù và cùng chung sống hòa thuận với nhau. Khoảng thế kỷ thứ XII trước CN, để duy trì một xã hội trật tự, các đạo luật xã hội bước đầu được thiết lập. Các đạo luật này ngăn cấm giết người, trộm cắp, hay ám hại kẻ khác. Người dân bộ lạc đã thiết lập ra cái có thể coi như một nguyên lý giáo dục dựa trên quan điểm gọi là Hongik ingan phục vụ lợi ích cho mọi người.
Thơ haiku là thể thơ của Nhật Bản và là thể thơ ngắn nhất thế giới chỉ vỏn vẹn 17 âm tiết theo cấu trúc 3 câu 5 – 7 – 5 âm tiết. Cho đến nay nói đến thơ haiku, ngoài sự ngắn gọn, người ta thường đề cập nhiều về sự u hoài, cô tịch, trầm lắng của tính thẩm mỹ Thiền tông được thể hiện qua lòng yêu thiên nhiên của con người Nhật Bản. Người Nhật tin rằng những năng lực huyền bí tuyệt diệu vận chuyển trong thiên nhiên cũng chuyển động trong chính họ và chính nhờ đó họ đã tìm thấy cảm hứng và nhạy cảm với cái đẹp của vạn vật xung quanh.
Dư luận thế giới đang quan tâm theo dõi tình hình căng thẳng mới trên Bán đảo Triều Tiên kể từ sau vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc ngày 26-3-2010. Tuy nhiên, trong thời gian này, bất chấp hai miền Nam - Bắc đã ngừng gần như mọi quan hệ, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (gọi tắt là Triều Tiên) vẫn tiếp tục cho phép mỗi ngày hàng trăm nhà quản lý Hàn Quốc và kỹ sư đi qua vùng biên giới tới khu công nghiệp Kaesong nằm trên đất Triều Tiên để làm việc. Điều này cho thấy Chính phủ Triều Tiên quan tâm như thế nào tới quan hệ hợp tác kinh tế với Hàn Quốc. Nhìn rộng hơn, chúng ta cũng có thể thấy được những cải cách về kinh tế của đất nước này.
Nhật Bản là một quốc đảo có vị trí quan trọng và tầm ảnh hưởng rộng lớn đối với Châu Á nói chung và khu vực Đông Á nói riêng. Những thành công to lớn của Nhật Bản qua những lần cải cách và hiện đại hóa xã hội trong lịch sử đã giúp đất nước này có được những bước tiến nổi bật và vững chắc hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Trong lịch sử Nhật Bản có ba cuộc cải cách được xem là ba cột mốc quan trọng làm thay đổi toàn diện bộ mặt của đất nước. Thứ nhất là vào thế kỷ thứ VII khi Nhật Bản chuyển đổi những chính sách của mình theo mô hình của nhà Tùy và nhà Đường (Trung Quốc), thứ hai là cuộc cải cách Minh Trị vào cuối thế kỷ XIX trước nguy cơ xâm lược của các nước phương Tây và thứ ba là cuộc cải cách vào nửa sau thế kỷ XX giúp Nhật Bản trở thành siêu cường kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Sự thành công vang dội của ba cuộc cải cách này luôn gắn liền với công lao của những nhà lãnh đạo tài ba, đặc biệt là trong cuộc cải cách Minh Trị vào cuối thế kỷ XIX.
Trong văn xuôi của Y.Kawabata, sự biểu hiện của các loại không gian nghệ thuật rất phong phú và đa dạng. Nó luôn gắn liền với nhân vật và các sự kiện nhằm khai thác sâu hơn thế giới nội tâm con người với những biến đổi của tâm lý. Khảo sát văn xuôi của Y.Kawabata, chúng tôi thấy nổi rõ bốn loại không gian nghệ thuật: không gian thiên nhiên vũ trụ; không gian huyền ảo, khúc xạ ảo ảnh; không gian sinh hoạt đời thường và không gian tâm tưởng (tâm trạng hay tâm lý).
Tại Nhật Bản, hoạt động xúc tiến du lịch do Cục Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) tổ chức thực hiện. Để thu hút khách du lịch quốc tế, JNTO đã có những kế hoạch định hướng rất cụ thể. Bài viết này đề cập đến những đặc điểm của hiện trạng hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch của Nhật Bản trong thời gian qua và những định hướng của hoạt động này trong thời gian tới để thu hút khách du lịch quốc tế.
Một trong những điểm chung nổi bật dễ nhận thấy trong lĩnh vực văn hóa đảm bảo đời sống giữa hai dân tộc Hàn và Việt chính là điểm xuất phát từ nền kinh tế “dĩ nông vi bản”. Trong quá trình tìm hiểu nền kinh tế nông nghiệp truyền thống của hai dân tộc, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những điểm tương đồng, có cả những điểm dị biệt liên quan tới lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Cho nên, để giới thiệu về ngành nông nghiệp truyền thống của hai dân tộc Hàn và Việt, chúng tôi bước đầu đã đặt nó trong sự đối sánh giữa hai dân tộc để tìm ra những điểm giống và khác nhau trong lĩnh vực nói trên, với hy vọng qua đó sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Sau kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, ở Trung Quốc tiếp tục diễn ra cuộc nội chiến giữa một bên là quân đội chính phủ của Tưởng Giới Thạch với một bên là lực lượng cách mạng do Mao Trạch Đông chỉ huy. Đến cuối năm 1849, Tưởng Giới Thạch thua trận kéo theo chính quyền rút chạy ra đảo Đài Loan và tuyên bố tiếp tục là chính phủ đại diện cho Trung Quốc. Trong khi đó ở Trung Quốc lục địa, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Mao Trạch Đông làm chủ tịch được thành lập. Do đó, trên thực tế có hai chính quyền tuyên bố đại diện cho nước Trung Quốc. Tình hình chính trị quốc tế khi đó vẫn khiến cho chưa bên nào giành được quyền đại diện chính thức cho nước Trung Quốc. Do vậy, chiếc ghế đại diện cho vị trí ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị bỏ ngỏ. Và, cũng giống như Mỹ, cho đến năm 1951, Nhật Bản vẫn chưa quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (dưới đây gọi tắt Trung Quốc) hay với Trung Hoa Dân quốc (dưới đây gọi tắt là Đài Loan).
Hiện nay nông nghiệp Nhật Bản chỉ chiếm hơn 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 4% lực lượng lao động. Với dân số 127 triệu người và diện tích đất nông nghiệp là 4,69 triệu héc ta vào năm 2005 thì diện tích đất nông nghiệp bình quân trên đầu người của Nhật Bản vào loại thấp nhất thế giới. Nông nghiệp Nhật Bản có những đặc điểm như trình độ kỹ thuật cao, qui mô canh tác nhỏ, tỉ lệ nông dân làm nông nghiệp bán thời gian cao, mức độ bảo hộ cao, tỉ lệ tự cấp lương thực tính theo ca lo thấp, chi phí sản xuất cao. Cơ cấu nông nghiệp Nhật Bản đã có sự thay đổi lớn từ sau khi Luật nông nghiệp cơ bản ra đời năm 1961 (từ nay trở đi gọi tắt là Luật cơ bản). Mục tiêu của Luật cơ bản là nhằm làm tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập của nông dân, rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về lương thực thực phẩm trong nước. Để thực hiện các mục tiêu của Luật cơ bản, hàng loạt chính sách, biện pháp về cơ cấu đã được thông qua. Bài viết này sẽ phân tích sự thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp Nhật Bản từ sau năm 1960, những chính sách chủ yếu tác động đến sự thay đổi này, bài học rút ra và những gợi ý cho nông nghiệp Việt Nam.
Quan hệ tam giác Trung Quốc - ASEAN - Nhật Bản có vai trò quan trọng trong việc thiết lập cục diện quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Á. Trong mức độ nhất định, cấu trúc quan hệ này đang trực tiếp thúc đẩy và quyết định chiều hướng vận động của tiến trình hợp tác phát triển khu vực. Bài viết vận dụng phương pháp phân tích quan hệ “Tam giác chiến lược” để tìm hiểu quan hệ tương hỗ giữa Trung Quốc, ASEAN và Nhật Bản, qua đó đưa ra những khả năng và triển vọng về mô hình nhất thể hóa Đông Á trong tương lai.