Từ sau tiến trình dân chủ hóa (năm 1987), trên cương vị cường quốc tầm trung (middle power), Hàn Quốc có quan hệ với các thể chế quốc tế, góp phần tăng cường vị thế và ảnh hưởng toàn cầu, cũng như thúc đẩy tầm nhìn đa phương của mình. Dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc tiếp tục là nhân tố tích cực trong các thể chế đa phương, đặc biệt là cấu trúc an ninh đa phương tiêu biểu như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bài viết khái quát tầm nhìn của Hàn Quốc trong việc phát triển quan hệ với NATO, giải thích các động lực chủ yếu cho việc Hàn Quốc ngày càng tích cực phát triển quan hệ với liên minh, và bước đầu nhận định về xu hướng vận động của quan hệ Hàn Quốc - NATO cho đến hết nhiệm kỳ Tổng thống của Moon Jae-in.
Mỗi năm có hàng nghìn công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó chủ yếu là kết hôn với người Đài Loan, Hàn Quốc. Bài viết phân tích những nhân tố tác động khiến nhiều công dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan, Hàn Quốc. Những nhân tố được đưa ra, có nhân tố từ bối cảnh trong nước, như Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế, thu nhập bình quân đầu người thấp, văn hóa Việt Nam tương đồng với văn hóa của một số quốc gia trong khu vực; có nhân tố bên ngoài tác động như đàn ông Đài Loan, Hàn Quốc đang thiếu vợ, phải nhập khẩu vợ từ bên ngoài.
Bài viết phân tích những chiến lược của Trung Quốc đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương từ sau Đại hội Đảng lần thứ XVIII(năm 2012) đến nay. Đó là các chiến lược “Ngoại giao nước lớn”, “Ngoại giao láng giềng”, “Vành đai - Con đường”, “Cộng đồng vận mệnh nhân loại”, “An ninh châu Á mới”… Từ đó, bài viết đưa ra các hàm ý chính sách cho Việt Nam dưới góc độ đối tác, đối tượng và giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ.
Cải cách chế độ bầu cử được coi là mấu chốt để tăng cường dân chủ trong đảng, từ đó nâng cao năng lực cầm quyền của đảng. Mô hình bầu cử mang tính cạnh tranh được coi là hướng đi quan trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.Vậy chế độ bầu cử trong đảng của Trung Quốc hiện nay có những đặc trưng gì cần chú ý?Trung Quốc áp dụng những phương thức nào để hoàn thiện hơn chế độ bầu cử mang tính cạnh tranh trong nội bộ đảng?Nội dung bài viết sẽ xoay quanh những vấn đề này như một sự tổng kết kinh nghiệm chủ yếu của Trung Quốc cho quá trình xây dựng, hoàn thiện chế độ bầu cử trong Đảng tại Việt Nam.
Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn – Việt, nhiều thành tựu mới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giao lưu nhân dân giữa hai nước đã được xác lập. Một trong số đó là việc hình thành cộng đồng người Hàn Quốc ở Hà Nội, Việt Nam với số lượng ngày càng tăng. Một vấn đề đặt ra trong cộng đồng này là họ duy trì mối quan hệ xã hội như thế nào với các thành viên trong cộng đồng, người dân địa phương và gia đình, bạn bè của họ ở nước xuất cư – Hàn Quốc. Bài viết này sẽ sử dụng phương pháp điền dã dân tộc học để đi sâu mô tả mối quan hệ xã hội của người Hàn Quốc ở Hà Nội theo ba nhóm cư dân được phân chia theo mục đích cư trú bao gồm: nhóm phái cử, nhóm kinh doanh tự do và nhóm du học sinh.
Gyubanggasa là một loại hình văn học lấy đời sống của phụ nữ quý tộc chốn khuê phòng thời Joseon làm đề tài. Trong loại hình này có nhiều thể loại khác nhau, mỗi thể loại phản ánh những khía cạnh khác nhau của đời sống người phụ nữ, tập trung chủ yếu vào đời sống hôn nhân. Bài viết sử dụng tác phẩm “Gyenyeoga” thuộc Gyubanggasa để phân tích về những điều giáo huấn phụ nữ Joseon trước khi họ kết hôn. Từ đó, khắc họa một cách khái quát những vấn đề xã hội tác động lên đời sống người phụ nữ quý tộc nói riêng và đời sống người phụ nữ Joseon nói chung.
Đại dịch Covid-19 và sự lây lan phức tạp của nó đã trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng gây ảnh hưởng trực tiếp tới đối ngoại Trung Quốc năm 2020. Các cách tiếp cận của đối ngoại nước này đã có những biến đổi linh hoạt nhằm bảo vệ hình ảnh nước lớn Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ với các quốc gia khác không có sự cải thiện đã tạo ra khó khăn cho ngoại giao Trung Quốc. Bước sang năm 2021, một trong những năm quan trọng của quá trình phục hưng dân tộc Trung Hoa, liệu Trung Quốc có thể cải thiện được hình ảnh trên trường quốc tế? Bài viết đi vào phân tích những nét chính trong đối ngoại Trung Quốc năm 2020 và đưa ra xu hướng thời gian tới.
Nhật Bản và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) là hai cường quốc, đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc an ninh – chính trị châu Á – Thái Bình Dương. Đặc điểm nổi bật của quan hệ ngoại giao giữa hai nước này là tính không ổn định, chứa đựng nhiều mâu thuẫn và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nhân tố Mỹ. Trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh, dưới ảnh hưởng của những nhân tố trong nước và đặc điểm của cấu trúc lưỡng cực, quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc có những thay đổi lớn, đặc biệt là những điều chỉnh về chính sách đối ngoại từ phía Nhật Bản. Bài viết phân tích những chuyển biến trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc giai đoạn 1952-1972, tìm hiểu những nhân tố chính tác động đến chính sách đó và làm rõ vai trò của nhân tố Mỹ trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
Bài viết phân tích quá trình Nhà nước Hàn Quốc nuôi dưỡng sự hình thành của tầng lớp trung lưu trong thập niên 1960 và 1970. Thông qua các chính sách công nghiệp hóa rút gọn, hỗ trợ nhà ở, thiết lập các hệ giá trị và quy tắc xã hội mới, nhà nước đã xây dựng tầng lớp trung lưu thành chủ thể phát triển mới. Trong thập niên 1960, giai tầng này thực hành lối sống chăm chỉ lao động, có kỷ luật và tiết kiệm. Sang thập niên 1970, khi của cải xã hội dồi dào, giới trung lưu được định hướng theo đuổi lối sống tiêu dùng, tiện nghi, hiện đại và có văn hóa. Giới trung lưu ra đời không chỉ là sản phẩm tất yếu của quá trình công nghiệp, hiện đại hóa mà còn là kết quả của những chủ trương chính trị, vừa góp phần nâng cao vị thế quốc gia, vừa đảm bảo tính chính danh của nhà nước cầm quyền.
Quản lý theo năng lựclà phương pháp quản lý đặc biệt quan tâm đến năng lực thực thi công việc của nhân lực, được phát triển mạnh mẽ ở Mỹ và nhiều nước Tây Âu từ đầu những năm 1990, giúp các tổ chức chủ động hơn trong quản lý và phát triển năng lực của cá nhân. Quản lý theo năng lực tập trung vào việc xác định các năng lực cần thiết để đạt được hiệu quả thực thi công vụ và đào tạo, bồi dưỡng, phát triển các năng lực đó trong lực lượng lao động. Quản lý theo năng lực nhằm phát triển kiến thức, kỹ năng, thái độ của tổ chức và các cá nhân thành viên trong tổ chức. Ở Việt Nam, mục tiêu nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ và đổi mới quản lý công chức gắn với cải cách hành chính đòi hỏi phải vận dụng quản lý công chức theo năng lực một cách khoa học và phù hợp. Bài viết này phân tích kinh nghiệm quản lý công chức theo năng lực ở Nhật Bản và Hàn Quốc, trên cơ sở đó rút ra một số đề xuất cho Việt Nam.