Trang chủ

Liên minh Anh - Nhật Bản và tranh chấp quyền lực ở Đông Á đầu thế kỷ XX

Đăng ngày: 28-08-2022, 08:57 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 1

Tóm tắt: Bài viết nhằm cung cấp những thông tin cơ bản nhất về việc hình thành liên minh Anh -Nhật Bản đầu thế kỷ XX dưới góc nhìn chung về quan hệ quốc tế ở Đông Á trong quá trình cạnh tranh thuộc địa. Nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của liên minh Anh – Nhật là sự cạnh tranh quyền lực ở Đông Á, trong đó kẻ thù chung của hai nước là Nga. Đây là liên minh đầu tiên giữa một cường quốc châu Âu và một cường quốc châu Á vì mục đích cạnh tranh ảnh hưởng đế quốc. Nhờ có liên minh này, Nhật Bản đã có được sự hỗ trợ lớn từ Anh về cả chính trị, quân sự và kinh tế, từng bước chuyển từ một quốc gia mới nổi sau cải cách thành một cường quốc khu vực và hơn nữa được công nhận là một đế quốc quốc tế. Ngược lại, Anh cũng bảo đảm được vị thế và tầm ảnh hưởng tại Đông Á sau khi liên minh với Nhật. Mối liên minh trên do đó đã tạo ra những thay đổi lớn trong tương quan lực lượng ở Đông Á trước Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918).

Từ khóa: Liên minh Anh – Nhật Bản, Đông Á, hải quân, chiến tranh Nga – Nhật


C

uối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là khoảng thời gian các quốc gia tư bản chuyển mình sang giai[1]đoạn đế quốc chủ nghĩa, tìm cách tạo lập ảnh hưởng và mở rộng thuộc địa. Khi mà Anh, Pháp đã có được hệ thống thuộc địa rộng lớn, các quốc gia còn lại như Mỹ, Đức, Nga, Nhật Bản phải chạy đua gắt gao trong việc chiếm lĩnh các “khoảng trống quyền lực”, trong đó Đông Á là một trong những khu vực nhận được nhiều sự quan tâm. Các cường quốc tìm cách tạo lập vị thế ở đây thông qua thương mại, quân sự và liên minh chính trị. Trong bối cảnh đó, năm 1902 Anh và Nhật Bản đã kí hiệp ước liên minh đầu tiên giữa hai cường quốc ở châu Âu và châu Á nhằm chống lại các đế quốc khác, cụ thể là Nga. Sau cải cách Minh Trị (1868-1912) vị thế của Nhật Bản vẫn thấp hơn so với các cường quốc phương Tây và việc Nhật phải kí các hiệp ước bất bình đẳng diễn ra khá phổ biến. Chính vì vậy, sự ra đời của liên minh Anh – Nhật có thể coi là một bước chuyển quan trọng trong quá trình xác định vị thế của Nhật Bản trong mắt các cường quốc phương Tây hoặc sự thay đổi trong cách tiếp cận Nhật Bản từ phương Tây. Tầm quan trọng của liên minh Anh – Nhật đã được các học giả quốc tế nhìn nhận từ lâu, đặc biệt trong các nghiên cứu chuyên sâu về quan hệ quốc tế hay nghiên cứu khu vực[2]. Tuy vậy, ở Việt Nam vẫn vắng bóng những công trình chuyên biệt và chưa có những kiến giải cụ thể về liên minh này[3]. Đứng trước thực tế đó, tác giả mong muốn cung cấp một cách khái quát sự hình thành liên minh Anh – Nhật qua hai hiệp ước đầu tiên (1902 và 1905) dưới góc độ quan hệ quốc tế để thấy rằng cả Anh và Nhật Bản đều cần đến nhau trong ván cờ tranh giành thuộc địa và tầm ảnh hưởng ở Đông Á đầu thế kỷ XX.

1. Cạnh tranh quyền lực ở Đông Á và quá trình Anh, Nhật Bản tìm kiếm đồng minh

Các nghiên cứu chuyên sâu của học giả nước ngoài đã chỉ ra ba vấn đề đáng lưu tâm dẫn đến sự hình thành liên minh Anh – Nhật là chính trị (tầm ảnh hưởng ở Đông Á), quân sự (hải quân) và kinh tế (thương mại)[4]. Trong đó, việc cạnh tranh vị thế và phạm vi quyền lực ở Đông Á là nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành liên minh này. Anh và Nhật Bản xác lập liên minh khi có chung kẻ thù là nước Nga trong việc tranh giành ảnh hưởng ở Trung Quốc.

Chiến tranh Trung – Nhật (1894-1895) không chỉ thể hiện thành công của Nhật Bản trong quá trình công nghiệp hóa, văn minh hóa sau cải cách Minh Trị mà còn tạo ra những mầm mống đầu tiên trong quan hệ Anh – Nhật. Sau chiến tranh, hiệp ước Mã Quan (Shimonoseki) được kí kết ngày 17/4/1895 với những điều khoản chiến thắng giành cho Nhật Bản như nhà Thanh công nhận độc lập của Triều Tiên (nơi Nhật Bản thèm muốn tạo lập ảnh hưởng)[5], Nhật Bản nhận được Bành Hồ, bán đảo Liêu Đông (thuộc Mãn Châu) và có khả năng xâm nhập vào Đài Loan[6]. Tuy vậy, ba nước Pháp, Đức và Nga không muốn Nhật có quá nhiều ảnh hưởng ở Trung Quốc nên chỉ 6 ngày sau khi hiệp ước Mã Quan được kí kết, các nước đã buộc Chính phủ Nhật Bản phải từ bỏ Liêu Đông để nhận được tiền bồi thường chiến phí[7]. Cuộc can thiệp của Tam cường (Triple Intervention/ Dreibund) cho thấy các cường quốc phương Tây không cam tâm để một quốc gia Đông Á vượt mặt họ trong việc tạo lập vị thế và có những quyền lợi to lớn ở Trung Quốc. Việc này đã đẩy Nhật Bản vào những mối quan hệ quốc tế phức tạp mà ở đó Nga là kẻ thù nguy hiểm nhất khi Nga có nhiều lợi ích trực tiếp và tham vọng ở Trung Quốc, đặc biệt là ở Mãn Châu. Ngược lại, việc Anh không can thiệp vào kết quả của chiến tranh Trung – Nhật đã tạo ra cho Nhật Bản một ý niệm quan trọng về việc tìm kiếm đồng minh chống lại các cường quốc khác[8]. Trưởng đại diện Nhật Bản ở London, Kato Takaaki (một người am hiểu nước Anh và nói tiếng Anh giỏi) đã nhận thấy rằng chính sách của Anh là tìm kiếm một nền hòa bình ổn định trong khu vực để thực thi chính sách “tự do thương mại”, đồng thời chính quyền Anh cho rằng Trung Quốc nên chấp nhận vị thế của họ[9]. Do đó, Anh không đứng về phía Trung Quốc hay cảm thấy cần thiết ủng hộ Tam cường can thiệp vào chiến tranh Trung – Nhật. Tuy vậy, Anh cũng không mặn mà với việc ủng hộ và giúp đỡ Nhật Bản có được quyền lợi ở Trung Quốc. Có thể nói, thái độ của Chính phủ Anh lúc này mang tính trung dung, nhưng vẫn là cơ sở thúc đẩy Nhật Bản muốn hình thành liên minh với Anh trong giai đoạn sau đó.

Trong thời kỳ khủng hoảng phương Đông (1896-1899), quan hệ giữa hai nước được đẩy thêm một bước nữa mặc dù lúc này Anh đã có sự thay đổi Bộ trưởng Ngoại giao từ Kimberley (người dễ gần và ủng hộ Nhật Bản) sang Công tước Salisbury (người khá lạnh nhạt với Nhật)[10]. Mối lo lớn nhất của Nhật Bản lúc này vẫn là nước Nga. Năm 1896, Nga kí với nhà Thanh hiệp ước liên minh phòng thủ bí mật để chống lại sự bành trướng của Nhật Bản. Theo đó, Nga được thuê cảng Lữ Thuận, Đại Liên và có quyền can thiệp vào vùng Sơn Đông và Liêu Đông- khu vực mà Nhật Bản đã bị gạt ra trước đó. Đồng thời một đường sắt nối Mãn Châu với Siberia được xây dựng đã tạo ra ảnh hưởng vô cùng lớn cả về chiến lược và quân sự của Nga trong khu vực. Nga cũng can thiệp vào Triều Tiên vốn đang nằm dưới sự bảo trợ của quân đội Nhật bằng cách cử đại diện đến Triều Tiên làm cố vấn cho chính quyền bản địa. Cảm nhận được sức ép từ Nga, chính quyền Nhật Bản chưa có đủ sức mạnh quân sự và chính trị để đối đầu trực tiếp nên đã kí quyết nghị Nishi-Rosen ngày 25/4/1898 để thương thảo về tầm ảnh hưởng của Nga và Nhật Bản tại Trung Quốc và Triều Tiên.

Quan hệ Anh – Nhật lúc này tiến triển dựa chủ yếu vào những gắn kết quân sự, cụ thể là việc Nhật đặt hàng nhiều tàu chiến từ Anh để phát triển hải quân. Tháng 2/1896, Anh giao cho Nhật 2 tàu Fuji (Thames Ironworks) và Yashima (Elswick). Cùng năm đó, Chính phủ Nhật đã quyết định thực thi chương trình phát triển hải quân trong vòng 10 năm nhằm bổ sung một hạm đội hiện đại loại một, 4 tàu chiến, 6 tàu tuần tiễu bọc sắt, 6 tàu tuần tiễu thông thường, 23 tàu phóng ngư lôi. Đa số các tàu đó được đặt hàng tại Anh như tàu Shikishima (Thames, 1898), Asahi (Clydebank, 1899), Hatsuse (Elswick, 1901), Mikasa (Vickers-Maxim, 1901)[11]. Người Anh lúc này nhận thấy rõ hai vấn đề: vị thế và tầm ảnh hưởng của Anh ở Trung Quốc đang bị đe dọa bởi các cường quốc châu Âu và sức mạnh hải quân của Nhật Bản đang tăng lên mạnh mẽ. Cuối năm 1897, Thứ trưởng George Curzon viết cho Bộ trưởng Ngoại giao Anh rằng, “nếu các cường quốc châu Âu đang tập hợp để chống lại chúng ta ở phương Đông, không sớm thì muộn chúng ta cần có hành động cụ thể với Nhật Bản. Sau 10 năm, Nhật Bản sẽ là cường quốc hải quân và các cường quốc châu Âu vốn dĩ đang bỏ qua hoặc miệt thị Nhật Bản sẽ phải cạnh tranh để được liên minh với quốc gia này”[12]. Ngay sau đó Chamberlain cũng viết thư cho Salisbury hỏi rằng “liệu ông đã nghĩ đến việc thân thiện hơn với Nhật Bản?... Tôi không đặt tham vọng về một hiệp ước liên minh lúc này nhưng việc tính toán về mối quan hệ với Nhật Bản là cần thiết”[13]. Chừng đó cân nhắc trong nội bộ chính phủ Anh đủ khiến Kato và nhà cầm quyền Nhật Bản hiểu được việc Anh đang băn khoăn và cảm thấy không thoải mái trong môi trường thù địch ở Đông Á cũng như nhu cầu về một liên minh chính trị - quân sự. Đó chính là cơ hội quan trọng thúc đẩy Anh và Nhật Bản tiến gần đến nhau hơn nữa sau khi có được những hợp đồng hợp tác hải quân trước đó.

Đầu năm 1898, cuộc khủng hoảng phương Đông trở nên nghiêm trọng và quan hệ giữa các nước đã có những chuyển biến rõ rệt. Ngày 25/3/1898, chính quyền Anh yêu cầu nhà Thanh cho thuê Uy Hải Vệ (Weihaiwei) ở Sơn Đông. Để đạt được điều đó, người Anh cần sự đồng ý của cả chính phủ Mãn Thanh và Nhật Bản với quyền bảo trợ Sơn Đông. Đây là sự kiện quan trọng giúp Nhật Bản có thêm thiện cảm từ phía Anh. Ngày 12/5/1898, Đô đốc hải quân Anh Charles Beresford đã phát biểu rằng “có sự giống nhau kì diệu giữa hai quốc gia [Anh và Nhật], và một liên minh giữa họ sẽ giúp đảm bảo nền hòa bình thế giới”. Ông cũng thừa nhận việc sẽ cạnh tranh với Nhật, nhưng mong muốn đó là sự cạnh tranh “hòa bình” và hai nước có thể ở chung một chiến tuyến tại Đông Á. Rõ ràng, sức mạnh đang lên đáng kể của hải quân Nhật Bản, nỗi lo lắng của hải quân Anh về sự bành trướng của Nga đã có tác dụng thúc đẩy mối quan hệ Anh – Nhật. Tuy vậy, trong bối cảnh thay đổi chính quyền, Nhật Bản đã lựa chọn kí quyết nghị Nishi-Rosen như đã nói ở trên nhằm giảm bớt áp lực xung đột từ phía Nga. Do đó, Chính phủ Nhật Bản cũng không có nhiều động thái để xúc tiến mối quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn này.

Sự kiện trực tiếp dẫn đến hình thành liên minh Anh - Nhật là phong trào Nghĩa Hòa Đoàn [Boxer Rebellion] ở Trung Quốc (1900-1901). Quân đội tám nước đế quốc phải đem quân vào Bắc Kinh trấn áp phong trào. Nhật Bản kêu gọi các cường quốc khác có những biện pháp đối phó với chính phủ Mãn Thanh và quân khởi nghĩa. Ngày 23/6/1900, Đại biện Anh đã có chuyến công cán đầu tiên tới Tokyo và yêu cầu Nhật Bản tạo ra một vùng an toàn cho các nhà ngoại giao và quân đội nước ngoài ở Trung Quốc. Nga và Đức không muốn Nhật Bản mở rộng ảnh hưởng ở Đông Á nên chần chừ trong việc hợp tác với Nhật Bản. Ngược lại, Anh không chờ đợi phản hồi của các quốc gia khác, đã phối hợp với Nhật Bản trong việc đưa quân vào Trung Quốc. Chính phủ Anh tin rằng với vị trí địa lý thuận lợi và sức mạnh quân sự đang có, Nhật Bản là nhân tố quan trọng để giải quyết tình hình ở Trung Quốc. Đầu tháng 7, Anh yêu cầu Nhật Bản đem quân vào Trung Quốc thì ngày 15/7, quân Nhật Bản nhảy vào Thiên Tân. Không giống như giai đoạn trước đó với thái độ trung lập hay có phần không chú ý đến Nhật Bản, năm 1900, Chính phủ Anh đã quyết định sẽ trợ giúp tài chính cho Nhật Bản nếu họ tăng số quân ở Trung Quốc để đảm bảo việc giải quyết vấn đề. Theo đó, nếu Nhật Bản đưa vào Trung Quốc 20.000 quân thì Anh sẽ cung cấp cho đội quân đó 1 triệu bảng[14]. Mặc dù lo lắng Nga sẽ lợi dụng vụ Nghĩa Hòa Đoàn để đưa quân lên Mãn Châu, Chính phủ Nhật Bản vẫn đem đến Bắc Kinh một số lượng quân đông đảo để góp phần tiêu diệt cuộc khởi nghĩa cũng như áp đảo triều đình Mãn Thanh. Sau đó, Nhật Nhật rút ¾ số quân và chỉ giữ lại ¼ nhằm ổn định tình hình càng khiến Chính phủ Anh tin rằng Nhật Bản có thể là một đồng minh hữu ích trong việc duy trì an ninh và hòa bình ở châu Á, chống lại tham vọng bành trướng của Nga[15]. Có thể coi đây chính là sự hợp tác quân sự, chính trị đầu tiên giữa hai nước để giải quyết tình hình quốc tế. Do đó, kết thúc phong trào Nghĩa Hòa Đoàn cũng là thời điểm Nhật Bản nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của Anh trong việc giải quyết các vấn đề ở Đông Á.

Sau khi phong trào Nghĩa Hòa Đoàn kết thúc, cả Anh và Nhật Bản đều có sự thay đổi chính quyền. Ở Anh, Bộ trưởng Chiến tranh giai đoạn trước, Công tước Lansdowne trở thành Bộ trưởng Ngoại giao và có tư tưởng chống Nga rõ ràng. Giữa tháng 10/1900, Anh và Đức đã kí hiệp ước nhằm mở cửa Trung Quốc, tìm cách ngăn chặn Nga ở Mãn Châu. Tuy vậy, Đức vẫn chưa thực sự chủ động chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Nga. Trong khi đó, chính phủ mới ở Nhật Bản do Marquis Ito (1841-1909) đứng đầu đã sử dụng Kato làm Bộ trưởng Ngoại giao nhằm thúc đẩy quan hệ với Anh. Kato nhân cơ hội đó muốn kiểm chứng tham vọng và sự sẵn sàng của nước Đức trong việc ngăn cản người Nga ở Mãn Châu và nhận ra rằng nước Đức không phải là đối tượng phù hợp để xây dựng liên minh ở Đông Á. Nước Anh, với mục tiêu chung là chống lại người Nga ở Trung Quốc đã trở thành mục tiêu chính trong cuộc tìm kiếm liên minh của người Nhật. Như vậy, sự cạnh tranh ở Đông Á, cụ thể là ảnh hưởng ở Trung Quốc với nước Nga đã dẫn đến sự hình thành liên minh Anh – Nhật.

2. Sự hình thành liên minh Anh – Nhật (1902 – 1905)

Liên minh Anh – Nhật ra đời đầu thế kỷ XX với hai lần kí kết hiệp ước năm 1902 và 1905. Hiệp ước năm 1911 tiếp nối liên minh nhưng không còn giữ được tính chất tốt đẹp trong mối quan hệ với sự xuất hiện của yếu tố Mỹ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nhắc đến hai lần kí hiệp ước đầu tiên để thấy rõ Anh và Nhật Bản đã hình thành và phát triển liên minh như thế nào để chống lại kẻ thù chung là Nga. Cuộc đàm phán đầu tiên giữa hai nước diễn ra ngày 31/7/1901 giữa Lansdowne (Bộ trưởng Ngoại giao Anh) và Hayashi Tadasu (Đại sứ Nhật Bản ở London). Anh vẫn có những quan ngại về việc xác lập liên minh với Nhật Bản trong quá trình đàm phán. Còn Chính phủ Nhật coi việc đàm phán này là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động ngoại giao. Đô đốc hải quân Anh Selborne đã ra sức ủng hộ liên minh với Nhật Bản vì ông nhận thấy những khó khăn trong việc đối đầu với sự vươn lên của Nga, Mỹ, Pháp, Đức tại Đông Á. Ông cho rằng Anh có thể đạt được hai lợi ích lớn khi xây dựng liên minh này là: (1) giảm tải và phân phối lại các lực lượng đóng quân ở Trung Quốc và (2) có được các hải cảng của Nhật Bản trong việc cung cấp than đá, nguyên liệu khác và sửa chữa tàu bè[16]. Đặc biệt, Nga và Pháp đã liên minh, cử hạm đội đến Đông Á càng gia tăng sức ép cho hải quân Anh. Do đó, đến tháng 11/1901, hầu hết thành viên nội các Anh đã đồng ý liên minh với Nhật Bản và một bản dự thảo hiệp ước được chuyển tới Hayashi. Về phía Nhật Bản, tướng Komada Gentaro và tướng Yamagata Aritomo đều ủng hộ liên minh với Anh để chống lại ảnh hưởng của Nga. Tuy vậy, một bộ phận khác trong Chính phủ Nhật Bản vẫn muốn đàm phán với Nga hoàng, dẫn đến việc kí kết hiệp ước với Anh bị trì hoãn trong suốt tháng 12/1901. Phải đến ngày 27/12/1901, Thủ tướng Nhật Bản Marquis Ito mới đến London để tiếp tục bàn về xây dựng liên minh. Tháng 1/1902 trở thành giai đoạn bận rộn nhất trong quá trình đàm phán giữa hai bên.

Cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực ngoại giao của hai bên, ngày 30/01/1902, hiệp ước liên minh Anh – Nhật được kí kết với thời hạn 5 năm[17]. Bản hiệp ước được công bố ngày 12/02/1902 ở cả hai quốc gia. Tuy nhiên, trong khi Nhật Bản công bố công khai, rầm rộ như một thắng lợi quan trọng về ngoại giao nhằm phô trương thanh thế, Anh hạn chế công khai rộng rãi vì lo sợ sự phản đối của các chính trị gia đối lập cũng như mất đi hình ảnh của một cường quốc hàng đầu thế giới khi lần đầu tiên liên minh với một quốc gia da màu. Hiệp ước chỉ rõ nếu một bên liên minh bị tấn công bởi một kẻ thù, bên kia sẽ giữ thái độ trung lập; nếu một bên liên minh bị tấn công bởi hai kẻ thù, bên kia sẽ tham gia hỗ trợ nước liên minh. Kẻ thù chung của hai bên trong liên minh năm 1902 là nước Nga khi cuối năm 1900, Nga ép chính quyền Mãn Thanh kí thỏa thuận cho phép Nga có quyền được xây dựng và khai thác đường sắt ở Mãn Châu. Cả Anh và Nhật Bản đều lo sợ viễn cảnh tầm ảnh hưởng quá lớn của Nga tại Trung Quốc nên kiên quyết hối thúc nhà Thanh từ chối thỏa thuận trên. Điều đó dẫn đến bùng nổ một cuộc khủng hoảng chính trị khi Nga chiếm giữ Mãn Châu tạm thời và điều quân đến vùng bờ biển đông bắc Trung Quốc giữa năm 1901. Bên cạnh những vấn đề công khai của liên minh, những điều khoản bí mật liên quan đến vị thế và lực lượng hải quân hai nước ở châu Á cũng được ấn định. Sau hiệp ước tháng 2/1902, đến tháng 5/1902 hai nước thỏa thuận cho phép các tàu hải quân Anh có thể neo đậu tại các hải cảng Nhật Bản[18]. Đối với Nhật Bản, liên minh này có thể coi là một tấm vé thông hành để bắt đầu bước vào cuộc chơi quốc tế của các cường quốc[19]. Đối với Anh, liên minh trên là một sự bảo đảm quan trọng về vị thế ở Đông Á vì như Đô đốc hải quân Anh, Selborne năm 1903 đã tự nhận thấy rằng “chúng ta [Anh] không thể cùng một lúc mạnh hơn tất cả các cường quốc trên biển” và việc liên minh với Nhật Bản là rất cần thiết[20]. Đồng thời, đó là bước đi quan trọng của Anh trong việc tạo lập ảnh hưởng bằng cách ủng hộ, giúp đỡ cả về tài chính, quân sự và thương mại đối với một cường quốc khác tại Đông Á. Nhà sử học Ian Nish đã nhận định rằng “Anh sẵn sàng hợp tác như một sự đầu tư mạo hiểm để tạo ảnh hưởng lên Nhật Bản theo cách của riêng nó”[21].

Sự ra đời của liên minh Anh – Nhật Bản đã tác động không nhỏ đến liên minh Pháp – Nga và nước Đức. Anh đã cung cấp cho Nhật Bản một sự bảo đảm cụ thể để chống lại kẻ thù nguy hiểm là Nga nếu quốc gia này đe dọa lợi ích của Anh ở Trung Quốc hoặc Ấn Độ, và rộng hơn là chống lại cả Đức và Nga trong trường hợp hai cường quốc liên minh với Pháp chống lại Anh[22]. Ngay sau khi hiệp ước được công bố, các cường quốc khác đã có những động thái chống lại liên minh Anh – Nhật, cụ thể việc tổ chức một hội nghị ở London vào tháng 7/1902 để xem xét hiệp ước liên minh này. Do đó, việc cạnh tranh hải quân, chiến lược ở châu Á, cụ thể là Trung Quốc ngày càng quyết liệt, khiến việc kí kết hiệp ước Anh – Nhật lần hai năm 1905 như một hệ quả tất yếu.

Chiến tranh Nga – Nhật (1904-1905) có thể coi là liều thuốc thử sức mạnh liên minh Anh – Nhật cũng như nhân tố thúc đẩy một liên minh lớn mạnh hơn với nhiều điều khoản ràng buộc hơn. Thắng lợi và sự vươn lên của Nhật Bản trong tương quan so sánh với Nga đã tạo ra môi trường chiến lược hoàn toàn mới, buộc Anh phải cân nhắc hơn nữa. Bản thân Nhật Bản đã tự chứng tỏ nó là một cường quốc và có thể giải quyết được các vấn đề và tạo được ảnh hưởng lớn trong khu vực.

Nhật Bản giành thắng lợi liên tiếp trước Nga trong các trận ở Yalu (5/1904), cảng Arthur (5/1904-1/1905), Liao-Yang (8/1904) và Mukden (2-3/1905) và đánh bại hạm đội Rozhdestvensky (5/1905). Đổi lại, Nhật Bản cũng gặp những tổn thất về lực lượng, tài chính. Để đảm bảo lợi ích trong khu vực, các nước Pháp, Đức, Mỹ đều không muốn Nga thất bại quá thảm hại hoặc Nhật Bản có chiến thắng rõ ràng trong cuộc chiến này. Đặc biệt, sự bùng nổ cách mạng Nga 1905 càng khiến các cường quốc lo sợ việc thất bại trong chiến tranh sẽ khiến cách mạng lan rộng và ảnh hưởng đến toàn châu Âu. Do đó, các nước đã kêu gọi hai bên ngừng chiến và tiến hành họp tại Portsmouth vào tháng 8/1905 và kí kết hiệp ước về việc chấm dứt chiến tranh. Nhật Bản đạt được ba thành công chính bao gồm: (1) Nga công nhận tham vọng và ảnh hưởng của Nhật Bản ở Triều Tiên; (2) Nhật Bản có được lãnh thổ nam Mãn Châu để kết nối bán đảo Liêu Đông với hệ thống đường sắt phía đông Trung Quốc; (3) Nhật Bản có được phía nam đảo Sakhalin mặc dù tham vọng thực tế là cả bán đảo. Trên bình diện quốc tế, Nhật Bản đã khẳng định được giá trị, vị thế của một cường quốc ở Đông Á mặc dù không có được bất cứ khoản bồi thường chiến phí nào từ phía Nga.

Anh lo lắng rằng Nga suy yếu ở Trung Quốc sẽ quay sang mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á và tác động đến thuộc địa Ấn Độ trù phú. Thực sự, dù Nga có thất bại trong chiến tranh với Nhật Bản thì đây vẫn là một đối thủ nguy hiểm của người Anh ở châu Á, nhất là khi Nga vừa mới hoàn thiện đường sắt xuyên Siberia. Do đó, người Anh muốn duy trì và mở rộng liên minh với Nhật để đảm bảo sự an toàn của các thuộc địa. Trong việc kí kết liên minh lần thứ hai, Anh không chỉ muốn đối phó với Nga mà còn Đức; đồng thời mở rộng khu vực phòng thủ bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ bên cạnh mục tiêu giảm thiểu chi phí quân sự tại Đông Á[23]. Như vậy, Nhật Bản ngày càng có giá trị liên minh với Anh và do đó những điều khoản được kí kết trong hiệp ước lần thứ hai cũng có tính liên kết chặt chẽ hơn hẳn so với lần thứ nhất.

Do cùng chung kẻ thù là Nga nên Anh đã ủng hộ Nhật Bản gián tiếp trên nhiều phương diện trong cuộc chiến tranh với Nga. Anh là quốc gia đầu tiên đề xuất đàm phán, hòa giải giữa Nga và Nhật Bản vào tháng 1/1904. Mặc dù không can thiệp trực tiếp vào chiến tranh, Anh đóng vai trò quan trọng cho việc đảm bảo tài chính của chiến tranh. Từ tháng 5/1904 đến tháng 7/1905, Anh và Nhật Bản có bốn lần đàm phán các hiệp ước thương mại ủng hộ Nhật. Các khoản vay trong chiến tranh hoặc đầu tư cho kinh tế Nhật Bản giai đoạn 1900-1913 chiếm tới 23% đầu tư bên ngoàicủa chính phủ Anh trong cùng thời gian[24]. Về mặt hải quân, Anh không chỉ đứng trung lập mà còn ngăn chặn Nga mua thêm hai tàu chiến từ Chile và tạo điều kiện cho Nhật Bản mua được hai tàu lớn. Hải quân Anh đồng thời tìm cách làm chậm quá trình chuyển quân của hạm đội Rozhdestvensky từ Baltic đến châu Á.

Tháng 2/1905, Anh và Nhật Bản bắt đầu chuẩn bị đàm phán gia hạn liên minh, đến tháng 6-7/1905 thì chính thức bàn bạc cụ thể. Để đưa Ấn Độ vào trong nội dung hiệp ước, Anh đồng ý rằng “sự bảo hộ của Nhật Bản ở Triều Tiên sau cuộc chiến tranh Nga-Nhật là điều kiện tiên quyết cho nền hòa bình của Nhật Bản”[25]. Hiệp ước lần hai được kí kết chính thức ngày 12/8/1905 tại London. Các nhà đàm phán đều thống nhất sẽ không công khai hiệp ước cho đến khi hội nghị hòa bình ở Postsmouth kết thúc. Do đó, trong khoản IV của hiệp ước, Anh cam kết sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu hội nghị Portsmouth không thành công và chiến tranh Nga – Nhật tiếp diễn. Ngày 27/9/1905, hiệp ước Anh – Nhật lần hai được tuyên bố, mở ra một liên minh mới giữa hai nước, chặt chẽ hơn, mạnh hơn. Cụ thể, liên minh tuyên bố “nếu một trong hai nước tham gia chiến tranh để bảo vệ lãnh thổ hoặc các quyền lợi đặc biệt ở Đông Á và Ấn Độ, để chống lại các hành động khiêu khích hoặc xâm lược của một hay nhiều cường quốc thù địch, nước còn lại sẽ tham chiến để giúp đỡ và kí hiệp ước đảm bảo hòa bình sau đó”[26]. Anh không chỉ chấp nhận những tham vọng chính trị, quân sự và kinh tế của Nhật Bản ở Triều Tiên mà còn chấp nhận vị thế, tầm ảnh hưởng và kiểm soát của nước này ở đây và không can thiệp vào vấn đề này nếu ảnh hưởng đến lợi ích chính trị, kinh tế và quân sự của Nhật Bản.

Đáng chú ý, Anh đã nhìn nhận rõ vai trò và sức mạnh của Nhật Bản nên đồng ý để thời hạn liên minh lần hai là 10 năm thay vì 5 năm như lần thứ nhất. Như vậy, hiệp ước Anh – Nhật lần hai đã mở rộng liên minh và mang tính toàn cầu hơn. Anh cần hải quân và quân đội Nhật để bảo vệ quyền lợi của Anh ở Ấn Độ và Đông Á và hi vọng rằng liên minh đó sẽ khiến Nga, kẻ thù nguy hiểm nhất lúc đó ở Đông Á chùn bước. Về mặt kinh tế, việc liên minh với Nhật Bản sẽ giúp Anh tiết kiệm chi phí gửi quân đến vùng biển Ấn Độ Dương mà vẫn có được sự bảo vệ cần thiết[27]. Về phía Nhật Bản, những kết quả của hòa ước Postmouth cùng với việc ký kết hiệp ước Anh – Nhật lần hai đã biến Nhật trở thành một “đế quốc” có tầm ảnh hưởng và khả năng tranh chấp quyền lực với các cường quốc khác[28]. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn tiếp tục có được sự chuyển giao công nghệ từ Anh về hải quân và vũ khí, góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa hải quân Nhật[29]. Xét một cách tổng thể, liên minh sau 1905 có giá trị chính trị hơn là giá trị quân sự hoặc kinh tế, đặc biệt khi Nhật Bản có được đặc quyền ở Triều Tiên và Mãn Châu. Với hai hiệp ước 1902 và 1905, liên minh Anh – Nhật đã chính thức ra đời và làm thay đổi mạnh mẽ quan hệ quốc tế trong khu vực, đặc biệt trong việc chống lại Nga và các cường quốc khác, mở rộng ảnh hưởng ở Đông Á.

3. Kết luận

Có thể nói, sự ra đời của liên minh Anh – Nhật là một cột mốc quan trọng trong quan hệ quốc tế đầu thế kỷ XX xung quanh vấn đề Đông Á. Đây không chỉ là một liên minh quân sự đơn thuần mà là một liên minh toàn diện về chính trị, quân sự và kinh tế. Lần đầu tiên trong lịch sử, một cường quốc hàng đầu châu Âu đã nhìn nhận và chấp nhận sự vươn lên của một cường quốc châu Á. Liên minh này đã thay đổi hoàn toàn tương quan lực lượng và tính cạnh tranh trong việc phân chia phạm vi ảnh hưởng ở Đông Á, cụ thể là Trung Quốc và Triều Tiên. Thông qua hai lần kí kết hiệp ước, Anh duy trì được vị thế và những lợi ích căn bản ở Trung Quốc và Ấn Độ trong khi không phải đầu tư quá nhiều trong việc phân chia lực lượng đóng quân. Về phía đối tác, Nhật Bản từ một quốc gia không được công nhận thành một “cường quốc” được bảo trợ năm 1902 và sau cùng trở thành một “cường quốc tự thân/đế quốc”, khiến các cường quốc khác phải lưu tâm để xây dựng liên minh. Mối liên minh với Anh đã đem lại cho Nhật Bản nhiều kết quả tốt đẹp, trong đó đáng chú ý nhất là sự thay đổi vị thế quốc gia và sự phát triển, hiện đại hóa của hải quân. Tuy nhiên, chính điều đó cũng từng bước trở thành rào cản cho sự phát triển và mở rộng của mối quan hệ. Khi tình hình quốc tế thay đổi, Nhật Bản trở thành đối thủ cạnh tranh nguy hiểm ở Đông Á thì lần lượt các quốc gia như Nga, Mỹ, Đức và thậm chí là Anh đều có những cân nhắc về mối quan hệ với nước này. Chính trong điều kiện đó, hiệp ước Anh – Nhật Bản lần thứ ba được kí năm 1911 với những điều khoản yếu hơn rất nhiều so với năm 1905 và mở ra giai đoạn suy yếu và dẫn đến tan rã của liên minh năm 1923 khi Anh hoàn toàn ngả sang ủng hộ Mỹ.

 

Trần Ngọc Dũng1

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. T. Das (1926), Foreign Policy in the Far East, New York and Toronto.

2. C.L. Davis, “Lingage Diplomacy: Economic and Security Bargaining in the Anglo-Japanese Alliance, 1902-23”, International Security, 33 (2008), pp. 143-179.

3. A.L.P. Dennis (1923), The Anglo-Japanese Alliance, Berkeley.

4. A.L. Friedberg (1988), The Weary Titan: Britain and the Experience of Relative Decline, 1895-1905, Princeton University press, Princeton.

5. J.L. Garvin (1934), The Life of Joseph Chamberlain, vol.3: 1895-1900: Empire and World Policy, Macmillan Press.

6. G.P. Gooch & H. Temperley (eds.) (1972), British Documents on the Origins of the war, 1898-1914, vol.2, London.

7. I. Gow, “The Royal Navy and Japan, 1900-1920: Strategic Re-evaluation on the IJN”, in Gow, Yoichi Hirama, & J. Chapman (eds.) (2003), The History of Anglo-Japanese Relations, vol.3: The military Dimension, 1800-2000, Palgrave Macmillan, Hampshire.

8. S. Hishida (1940), Japan among the Great Powers, A survey of her international relations, Longmans, Green and Co, London.

9. J.E. Hunter & S. Sugiyama, “Anglo-Japanese Economic relations in historical perspective, 1600-2000: Trade and Industry, Finance, Technology, and Industrial Challenge”, in Hunter & Sugiyama (eds.) (2002), The History of Anglo-Japanese relations, 1600-2000, vol.4: Economic and Business relations, New York, pp. 1-109.

10. M.B. Jansen (2000), The Making of modern Japan, Harvard University Press, Cambridge.

11. I. Nish (1966), The Anglo-Japanese Alliance: The Diplomacy of two Island Empires, 1894-1907, London.

12. Ian Nish, “British Foreign Secretaries and Japan, 1892-1905” in B.J.C. McKercher and D.J. Moss (eds.) (1984), Shadow and Substance in British Foreign Policy, University of Alberta press, pp. 57-76.

13. Ian Nish, “Origins of the Anglo-Japanese Alliance in the shadow of the Dreibund” in Phillips Payson O’Brien (ed.) (2004), The Anglo-Japanese Alliance, 1902-1922,  London.

14. S.C.M.Paine (2003), The Sino-Japanese War of 1894-1895: Perceptions, Power, and Primacy, Cambridge University Press, Cambridge.

 

 

Abstract: This paper tries to provide basic information about the settling of the Anglo-Japanese alliance in the early twentieth century by investigating and viewing colonial competitions between global powers in East Asia. Britain and Japan became alliance as they had the same enemy, Russia in the progress of controlling and expanding their influence in China and East Asia. This is the first alliance between powers in Europe and Asia for the aim of imperial competition. Due to this alliance, Japan received Anglo political, military and economic supports to gradually improve from a new capitalist country to a regional power and then was viewed as a global empire. In return, Britain could confirm its influence and power in East Asia by alling with Japan. This relation therefore created new changes in the imperial relations in East Asia before the First World War (1914-1918).

Key words: Anglo-Japanese alliance, East Asia, navy, Russian-Japanese war.

 

Email: dungtn@hnue.edu.vn


[1] TS., Khoa Lịch sử, Đại học sư phạm Hà Nội

[2] Ian H. Nish với hai công trình (1966), The Anglo-Japanese Alliance; The Diplomacy of Two Island Empires, 1894-1907, Athlone press, New York; (1972), Alliance in Decline: A Study in Anglo-Japanese Relations, 1908-1923, Athlone press, New York. Ngoài ra có I. Nish and Y. Kibata (eds.) (2001), The History of Anglo-Japanese Relations, 1600-2000, Palgrave Macmillan press, Basingstoke; P.P. O’Brien (ed.) (2009), The Anglo-Japanese Alliance, 1902-1922, Routledge press, London and New York; P. Towle (2006), From Ally to Enemy: Anglo-Japanese Military Relations 1900-45, Global Oriental, Folkestone.

[3] Ví dụ, tác giả Nguyễn Anh Thái (2003) với Lịch sử thế giới hiện đại, chỉ nhắc đến vài dòng về vấn đề này ở trang 73-74; Đỗ Thanh Bình (cb) (2008), Lịch sử thế giới hiện đại, quyển 1, cũng dành sự quan tâm ít ỏi về vấn đề này trong mục về Mỹ - Nhật Bản (1918-1939); Vũ Dương Ninh (cb) (2006), Lịch sử quan hệ quốc tế, tập 1, dường như chú trọng nhiều hơn về sự vươn lên của Mỹ qua hội nghị Washington (trang 132) nhưng chỉ nhắc đến quan hệ Anh-Nhật trong 1 dòng ngắn. Tác giả đã có một bài viết về vấn đề này: Trần Ngọc Dũng, “Sự chấm dứt liên minh Anh – Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1919-1922)”, Nghiên cứu Đông Bắc Á, 1/227 (2020).

[4] Các bài nghiên cứu có thể kể đến như Z.S. Steiner, “Great Britain and the Creation of the Anglo-Japanese alliance”, Journal of Modern History, 1 (1959), pp. 27-36; C.L. Davis, “Linkage Diplomacy: Economic and Security Bargaining in the Anglo-Japanese Alliance, 1902-23”, International Security, 3 (2008), pp. 143-179; A. Best, “Race, Monarchy, and the Anglo-Japanese Alliance, 1902-1922”, Social Science Japan Journal, 2 (2006), pp. 171-186; M. Tate & F. Foy, “More Light on the Abrogation of the Anglo-Japanese Alliance”, Political Science Quarterly, 74 (1959), pp. 532-554.

[5] Kyu Hyun Kim, “The Sino-Japanese War (1894-1895): Japanese National Integration and Construction of the Korean “Other”, International Journal of Korean History, 17 (2012), pp. 1-28.

[6] S.C.M.Paine (2003), The Sino-Japanese War of 1894-1895: Perceptions, Power, and Primacy, Cambridge University Press, Cambridge.

[7] William L. Langer (1951), The Diplomacy of Imperialism, 1890-1902, New York, p. 186.

[8] Ian Nish (1968), The Anglo-Japanese Alliance, Greenwood Press, pp. 26-33.

[9] Kimberley to Rosebery, 27/4/1895; Rosebery to Kimberley, 28/4/1895 in Rosebery papers (Scottish National Library, Edinburgh).

[10] Ian Nish, “British Foreign Secretaries and Japan, 1892-1905” in B.J.C. McKercher and D.J. Moss (eds.) (1984), Shadow and Substance in British Foreign Policy, University of Alberta press, pp. 57-76.

[11] Ian Nish, “Origins of the Anglo-Japanese Alliance in the shadow of the Dreibund” in Phillips Payson O’Brien (ed.) (2004), The Anglo-Japanese Alliance, 1902-1922,  London, pp. 8-25, pp. 16, 21.

[12] Earl of Ronaldshay (1928), The Life of Lord Curzon, vol.1, London, p. 277f.

[13] J.L. Garvin (1934),The Life of Joseph Chamberlain, vol.3: 1895-1900: Empire and World Policy, Macmillan press, pp. 248-249.

[14] Nish, “Origins of the Anglo-Japanese Alliance”, p. 16.

[15] Claude MacDonald, “Japanese detachment during the defense of the Peking legations” Translted by Japan Society, London, 12 (1913), pp. 1-20.

[16] Nish, The Anglo-Japanese Alliance, p. 184.

[17] G.P. Gooch & H. Temperley (eds) (1972), British Documents on the Origins of the war, 1898-1914, vol.2, London,  p. 115-120.

[18] FO 46/563, no. 57, Secret, MacDonald to Lansdowne, 19 May 1902.

[19] A.L.P. Dennis (1923), The Anglo-Japanese Alliance, Berkeley, p. 65.

[20] British Library, Lansdowne papers, vol.1, Selborne to Lansdowne, 20 October 1903.

[21] Nish (1966), The Anglo-Japanese Alliance: The Diplomacy of two Island Empires, 1894-1907, London, pp. 8-10.

[22] Taraknath Das (1926), Foreign Policy in the Far East, New York and Toronto, pp. 259-261.

[23] C.L. Davis, “Lingage Diplomacy : Economic and Security Bargaining in the Anglo-Japanese Alliance, 1902-23”, International Security, 33(2008), pp. 143-179, p. 155.

[24] J.E. Hunter & S. Sugiyama, “Anglo-Japanese Economic relations in historical perspective, 1600-2000: Trade and Industry, Finance, Technology, and Industrial Challenge”, in Hunter & Sugiyama (eds.) (2002), The History of Anglo-Japanese relations, 1600-2000, vol.4: Economic and Business relations, New York, pp. 1-109, p. 42.

[25] S. Hishida (1940), Japan among the Great Powers, A survey of her international relations, Longmans, Green and Co, London, p. 320.

[26] Ibid, p. 119.

[27] A.L. Friedberg (1988), The Weary Titan: Britain and the Experience of Relative Decline, 1895-1905, Princeton University press, Princeton, p. 267.

[28] J. Hall (1968), Japan, from pehistoric to modern times, Dell publishing company, New York, p. 307; M.B. Jansen (2000), The Making of modern Japan, Harvard University Press,Cambridge, p. 439.

[29] I. Gow, “The Royal Navy and Japan, 1900-1920: Strategic Re-evaluation on the IJN”, in Gow, Yoichi Hirama, & J. Chapman (eds.) (2003), The History of Anglo-Japanese Relations, vol.3: The military Dimension, 1800-2000, Palgrave Macmillan, Hampshire, p. 42.

0thảo luận