Từ năm 1592-1635, thông qua chính sách Châu ấn thuyền, các thuyền buôn của Nhật Bản đã thâm nhập mạnh mẽ đến các thương cảng Đông Nam Á, buôn bán và cạnh tranh quyết liệt với thương nhân Trung Quốc, cũng như thương nhân phương Tây. Do có kỹ năng buôn bán và tiềm lực kinh tế mạnh, các thương nhân Nhật Bản đã mau chóng xác lập được vị trí ở nhiều thương cảng Đông Nam Á, đặc biệt là ở Siam (Ayutthaya), Hội An (Faifo), Tonkin (Đàng Ngoài), Phnom Penh, Manila... Từ các thương cảng này, người Nhật đã thiết lập nên các Nihonmachi (phố Nhật) để sinh sống, buôn bán lâu dài ở các nước sở tại. Bài viết này làm rõ quá trình hình thành, phát triển của các Nihonmachi tại hai quốc gia điển hình bao gồmViệt Nam, Thái Lan giai đoạn cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra những đánh giá về vai trò quan trọng của các Nihonmachi đối với hoạt động giao thương thời trung đại và sức ảnh hưởng, lan tỏa của giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân cư ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Abe Shinzo tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe, kết thúc giai đoạn cầm quyền dài nhất trong lịch sử Nhật Bản. Chánh văn phòng nội các Suga Yoshihide được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do và trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản. Tân Thủ tướng Suga sẽ kế thừa và phát huy những chính sách của người tiền nhiệm, cũng như đối mặt với những thách thức đang tồn tại. Bài viết phân tích và nhận định tình hình chính trị Nhật Bản năm 2020 và triển vọng tới đây.
Bài viết nhằm cung cấp những thông tin cơ bản nhất về việc hình thành liên minh Anh -Nhật Bản đầu thế kỷ XX dưới góc nhìn chung về quan hệ quốc tế ở Đông Á trong quá trình cạnh tranh thuộc địa. Nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của liên minh Anh – Nhật là sự cạnh tranh quyền lực ở Đông Á, trong đó kẻ thù chung của hai nước là Nga. Đây là liên minh đầu tiên giữa một cường quốc châu Âu và một cường quốc châu Á vì mục đích cạnh tranh ảnh hưởng đế quốc. Nhờ có liên minh này, Nhật Bản đã có được sự hỗ trợ lớn từ Anh về cả chính trị, quân sự và kinh tế, từng bước chuyển từ một quốc gia mới nổi sau cải cách thành một cường quốc khu vực và hơn nữa được công nhận là một đế quốc quốc tế. Ngược lại, Anh cũng bảo đảm được vị thế và tầm ảnh hưởng tại Đông Á sau khi liên minh với Nhật. Mối liên minh trên do đó đã tạo ra những thay đổi lớn trong tương quan lực lượng ở Đông Á trước Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918).
Những năm qua, Chính phủ kiến tạo đã tạo nên những chuyển biến rất mạnh mẽ trong điều hành và đạt được kết quả ấn tượng trên nhiều mặt, đặc biệt có được sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục đúng như nhận xét của đại diện Ngân hàng Thế giới rằng: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam”. Tuy vậy, những hạn chế về cán bộ, chính sách cán bộ và bộ máy hành chính khiến cho sự vận hành của Chính phủ kiến tạo chưa được trơn tru, thông suốt và bởi vậy, "mặt trời tỏa nắng nhưng không đồng đều". Trên tinh thần tìm kiếm bài học cho Việt Nam, bài viết phân tích các chính sách nổi bật của Hàn Quốc trong phát triển đội ngũ công chức tài năng, từ đó rút ra một số gợi mở cho Việt Nam trong việc thiết kế chính sách phát triển đội ngũ công chức tài năng làm nòng cốt để vận hành hiệu quả bộ máy hành chính thúc đẩy Chính phủ kiến tạo tạo nên “Kỳ tích sông Hồng”, hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2030, trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Sự phát triển của tổ chức xã hội ở Hàn Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với tiến trình dân chủ hóa chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở nước này. Nếu trước những năm 1980, tổ chức xã hội ở Hàn Quốc chưa thật sự phát triển, thì thập niên 1980 đến nay, tổ chức xã hội ở Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ và giữ vai trò quan trọng trong quản trị quốc gia. Xu thế chủ yếu trong mối quan hệ giữa tổ chức xã hội với Nhà nước ở Hàn Quốc là chuyển từ mối quan hệ mang tính đối kháng trong thời kỳ trước thập niên 1980 sang quan hệ hợp tác từ sau thập niên 1980 đến nay. Bài viết này khái lược quá trình phát triển của tổ chức xã hội cũng như phân tích mối quan hệ giữa tổ chức xã hội và Nhà nước ở Hàn Quốc từ năm 1987 đến nay.
Sự hình thành, phát triển và truyền bá của tư tưởng Đông học, phong trào nông dân Đông học là một trong những hiện tượng đáng chú ý nhất trong lịch sử Triều Tiên thế kỷ XIX. Phong trào Đông học hình thành dựa trên sự kết hợp của bối cảnh lịch sử đầy biến động, những truyền thống văn hóa, tư tưởng và tôn giáo Triều Tiên với Cơ Đốc giáo phương Tây. Cùng với những đóng góp và di sản của nó, Đông học là mối dây liên kết giữa quá khứ với tương lai của Triều Tiên, giữa phương Đông với phương Tây, giữa truyền thống với hiện đại và trở thành hiện tượng lịch sử văn hóa độc đáo nhất của Triều Tiên thế kỷ XIX.
Nhân sinh quan đầy tính nhân văn với triết lí sinh lão bệnh tử của Phật giáo, đạo hiếu của Nho giáo, cái nhìn tích cực về một thế giới rộng lớn và quan niệm đúng đắn về giá trị cho thấy vẻ đẹp tâm hồn, phương thức tư duy và cách tri nhận độc đáo của người Hàn Quốc. Nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan của người Hàn Quốc được thể hiện khá rõ trong kho tàng văn hóa dân gian như thành ngữ, tục ngữ. Qua bức tranh về cuộc sống và tam quan của người Hàn Quốc được phác họa trong ngữ liệu tục ngữ có yếu tố chỉ con trâu/bò*, chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự gần gũi, những nét tương đồng khi liên hệ với cuộc sống của người Việt và văn hóa Việt Nam.
Bước vào thế kỷ XXI, chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia của Nhật Bản đã định hình và triển khai dựa trên những thành tựu (và cả hạn chế) của các thời kỳ trước đó. Sự thay đổi bối cảnh trong nước và quốc tế cũng khiến cho Chính phủ Nhật Bản nhìn nhận lại những vấn đề cơ bản của hệ thống chiến lược này, đặc biệt là về phương thức phát triển thương hiệu quốc gia. Để có được những thành công như mong muốn, Nhật Bản dựa vào các nguồn lực sức mạnh quốc gia đang sở hữu, qua đó đưa ra các phương thức phù hợp với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia. Đó được coi là những phương thức cơ bản nhất của Nhật Bản từ đầu thế kỷ XXI đến nay và là nội dung chính của bài viết này.