Tóm tắt: Sự hình thành, phát triển và truyền bá của tư tưởng Đông học, phong trào nông dân Đông học là một trong những hiện tượng đáng chú ý nhất trong lịch sử Triều Tiên thế kỷ XIX. Phong trào Đông học hình thành dựa trên sự kết hợp của bối cảnh lịch sử đầy biến động, những truyền thống văn hóa, tư tưởng và tôn giáo Triều Tiên với Cơ Đốc giáo phương Tây. Cùng với những đóng góp và di sản của nó, Đông học là mối dây liên kết giữa quá khứ với tương lai của Triều Tiên, giữa phương Đông với phương Tây, giữa truyền thống với hiện đại và trở thành hiện tượng lịch sử văn hóa độc đáo nhất của Triều Tiên thế kỷ XIX.
Từ khóa: Đông học, Phong trào nông dân, Thiên đạo giáo, Choe Je-u, Triều Tiên
H |
ình thành và phát triển trong nửa sau thế kỷ XIX – thời buổi rối loạn của nền chính trị, văn hóa và xã hội Triều Tiên, Đông học (Tonghak) đã góp phần tạo ra một giai đoạn đầy sôi động của các phong trào[1]dân tộc và xã hội, thể hiện vị trí của mình như một tư tưởng vượt thời đại, phá vỡ tư duy về các mô hình truyền thống của thế giới Đông Á. Đông học đã không chỉ một khuynh hướng học thuật đại diện cho giới chí sĩ Triều Tiên hay tư tưởng dẫn đường cho các cuộc khởi nghĩa nông dân, mà là một triết lý đúc kết từ những tinh túy của tôn giáo và triết học phương Đông và phương Tây, đề cao tinh thần bác ái, tuyên truyền dân chủ, bình đẳng giữa con người, đoàn kết dân tộc, đề xướng mô hình xã hội mới, vận hành bởi Thiên đạo. Tư tưởng Đông học, Thiên đạo giáo và phong trào nông dân Đông học không chỉ tác động mạnh mẽ tới chính trị, xã hội, văn hóa nửa cuối thế kỷ XIX mà còn để lại những di sản và đóng góp to lớn với dân tộc và xã hội của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên, Hàn Quốc. Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu về những đặc trưng trong sự hình thành, truyền bá và những đóng góp ấy để góp phần chỉ ra tính độc đáo và giá trị không thể thay thế của phong trào Đông học.
1. Sự hình thành và những đặc trưng của tư tưởng Đông học
Xã hội rối loạn của Triều Tiên cuối thế kỷ XIX
Quá trình hình thành của tư tưởng Đông học, và cả sự bùng phát phong trào nông dân Đông học đều xuất phát từ bối cảnh lịch sử chưa từng có ở Triều Tiên. Trong thời buổi rối ren của thế kỷ XIX, cả những người nông dân khốn cùng và các chí sĩ thất thế bất đắc chí như Choe Je-u (1824-1864, người sáng lập tư tưởng Đông học) đều phải tự tìm ra một con đường mới cho mình, đặc biệt là khi các khuynh hướng tư tưởng, chính trị phương Đông và phương Tây, cũ và mới, thủ cựu hay duy tân, bản địa và ngoại lai đang đấu tranh lẫn nhau quyết liệt.
Thế kỷ XIX, Joseon lâm vào khủng hoảng và bộc lộ những yếu kém, đặc biệt là khi so sánh với nền văn hóa phương Tây đang ồ ạt tràn vào Đông Á. Những bất ổn kéo dài mấy thế kỷ đã tác động đến cơ cấu xã hội Triều Tiên. Khủng hoảng kinh tế, tranh đấu chính trị, chi tiêu tốn kém cho quân đội, sinh hoạt xa hoa của hoàng gia và quan lại khiến thuế khóa, các khoản cống nạp ngày càng nặng nề. Giới thống trị do bận bịu với việc tranh giành địa vị và quyền lực đã không còn quan tâm chính sự. Lũ lụt, hạn hán liên tiếp diễn ra, mùa màng thất thu, nạn đói, giặc cướp hoành hành. Hàng loạt nông dân hoặc bị tước đoạt đất đai, hoặc bị trở thành con nợ, bị bần cùng hóa, rơi vào cảnh nghèo nàn. Giới thợ thủ công, thương nhân lại phân hóa sâu sắc, một bộ phận ngày càng giàu có, trong khi phần còn lại phải đối mặt nguy cơ phá sản. Cơ cấu yangban (lưỡng ban) cũng đứng trước bờ vực sụp đổ. Trái ngược với số lượng ngày càng tăng của yangban, khi những kẻ giàu có dùng tiền và thủ đoạn để mua bán quan tước, hoán đổi thân phận, gia nhập yangban, thì hậu duệ của các dòng dõi yangban truyền thống lại không thể duy trì cuộc sống, ngày càng thất thế so với giới trung nhân[2]. Cơ cấu giai tầng, đẳng cấp của Joseon trong hơn 500 năm dần dần bị phá vỡ.
Sự suy đồi của giới yangban, trong đó có nhiều học giả Nho – Phật – Đạo, vốn một thời được tôn kính và là niềm tin của người dân, đã đặt ra cho nhiều chí sĩ, trí thức, trong đó có Choe Je-u phải có trách nhiệm hoặc tái lập trật tự cũ, hoặc canh tân, hoặc xây dựng một lý tưởng mới như cách mà tư tưởng Đông học đã mô tả về Thiên đạo và về bình đẳng[3].
Trong bối cảnh ấy, hàng loạt các cuộc khởi nghĩa nông dân, thường được lãnh đạo bởi các yangban bất mãn chế độ đã bắt đầu từ thế kỷ XIX. Các cuộc đấu tranh diễn ra lẻ tẻ và mang tính địa phương đó đều bị chính quyền Joseon đàn áp nhanh chóng. Những mâu thuẫn chồng chéo, cuộc sống bần cùng và các cuộc đấu tranh thất bại là tiền đề quan trọng khiến giới bình dân, đặc biệt là nông dân tìm kiếm sự giải thoát trong tôn giáo. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Đông học, với nhiều học thuyết và tư duy truyền thống kết hợp với triết giáo về sự bình đẳng, yên hòa, ái nhân và Thiên đạo, đã hình thành.
Choe Je-u và sự mạc khải “Thiên đạo”
Người khởi nguồn Đông học, Choe Je-u là đại diện tiêu biểu của xã hội Triều Tiên giữa thế kỷ XIX. Ông xuất thân từ một gia đình yangban sa sút ở Gyeongju, được giáo dục nghiêm khắc bởi học thuyết Nho giáo. Cha ông là Choi Ok, một trí thức thất bại trong công danh. Choe Je-u là người con duy nhất giữa cha ông với một góa phụ. Trong hệ thống đẳng cấp khắt khe ảnh hưởng bởi trật tự và tôn ti của Tân Nho giáo, ông không thể tham gia khảo thí của triều đình để được phong quan tước vì là con của một góa phụ. Từ khi sinh ra, con đường công danh bằng Nho học đã đóng lại với ông. Đây là một tiền đề quan trọng khiến ông vượt khỏi định kiến truyền thống của Triều Tiên, tự mình đề xướng một lý tưởng mới.
Thời thanh niên của Choe Je-u cũng khiến ông phải suy ngẫm và tìm con đường cho sự nghiệp. Cha ông qua đời khi ông 16 tuổi. Trong khi giới thương nhân ngày càng nổi lên, ông tham gia buôn bán khắp nơi từ khi 19 tuổi nhưng liên tiếp thất bại tới tận năm ông 31 tuổi. Những bế tắc trong cuộc sống, công danh và sự nghiệp được ông kể lại trong Đông kinh đại toàn: “Thời gian trôi như nước chảy chẳng thể nào dừng lại được, tới ngày người về chốn thần tiên khiến ta thắt lòng. Chỉ còn lại mình ta, ở cái tuổi đời 16 thì biết được gì?”[4].
Xuất thân và hành trạng của Choe Je-u cho thấy, ông là đại diện tiêu biểu cho đa số trí thức sa sút, không thể thành danh lập nghiệp, mang sở học của mình dẹp loạn an dân như lý tưởng của các Nho sĩ truyền thống. Việc ông buôn bán khắp nơi lại cho phép ông nhận thức bối cảnh chung của Triều Tiên bấy giờ. Cũng như nhiều nhà sáng lập tôn giáo, thời gian làm thương nhân giúp ông tiếp xúc với các luồng tư tưởng của Triều Tiên và phương Tây, khiến ông thấu hiểu sự đau khổ của quần chúng và tình cảnh các nước Á Đông bị chèn ép, cưỡng đoạt[5]. Trong những diễn giải của mình, Choe Je-u đã thể hiện nhiều hiểu biết và phê phán cách hành xử của người phương Tây mà ông cho là tín đồ Cơ Đốc giáo.
Những lĩnh ngộ từ cuộc đời, hành trạng và học vấn, suy ngẫm và trải nghiệm được tích tụ của Choe Je-u đã dẫn tới kỳ ngộ của ông với Thiên đạo. Năm 1854, ông từ bỏ thương nghiệp trở về Ulsan, sau đó bắt đầu thiền định, tu hành trong hang núi tại Yongdam (Long Đàm). Ông đã chiêm nghiệm và đi tới kết luận vương triều Joseon sẽ diệt vong. Trong Long Đàm ca, Choe Je-u cho rằng những giáo huấn của Khổng – Mạnh không thể cứu được thế giới hiện tại. Trong Đạo đức ca, ông lại nói, ngay cả sự trị vì đức độ của Nghiêu – Thuấn cũng không còn phù hợp, và thời đại của Nho giáo và Phật giáo đều đã đi tới mạt vận[6].
Choe Je-u mất nhà và toàn bộ tài sản vào năm 1858, ông buộc phải trở về quê hương Gyeongju vào năm 1859. Trong những ghi chép của mình, ông kể lại rằng, vào năm 1860, khi 37 tuổi, Choe Je-u được tiếp nhận Thiên đạo khi đột nhiên mắc bệnh lạ và nghe thấy tiếng vọng linh thiêng, tiết lộ cho ông về Thiên đạo, bảo ông đừng lo sợ, đừng nghi ngờ, trao cho ông đạo vô cùng vô tận, bảo ông gọt dũa nó rồi đem giáo dưỡng cho thiên hạ[7].
Quá trình Choe Je-u ngộ đạo không phải ngẫu nhiên. Bản thân ông không chỉ là đại diện tiêu biểu cho những giai tầng bế tắc và bất mãn trong xã hội rối loạn bây giờ, mà còn mang trong mình sự kết hợp hài hòa giữa hai luồng tư tưởng Đông - Tây. Đạo học của Choe Je-u vừa là sự lĩnh ngộ của cá nhân ông, vừa là sự chiêm nghiệm và đối sánh học thuyết Á Đông với tôn giáo phương Tây trong thời đại đổ vỡ của những trật tự truyền thống của Triều Tiên.
Sự dung hòa của văn hóa Đông - Tây và tư duy vượt thời đại
Tư tưởng Đông học được xây dựng dựa trên sự dung hòa tư tưởng, tín ngưỡng Triều Tiên với với tôn giáo phương Tây. Một cốt lõi trong học thuyết của Choe Je-u là về Thiên đạo. Ý thức về Thiên đạo và Thiên Chúa đó hình thành trên sự kết hợp của tín ngưỡng nguyên thủy về Trời (Haneunim), một niềm tin trung tâm của Shaman giáo Triều Tiên, với quan niệm về Thiên trong thuyết Thiên mệnh của Trung Quốc và quan niệm Thiên Chúa của Cơ Đốc giáo[8]. Choe Je-u cho rằng thế giới và thời gian vận hành là do sự điều hòa của Thiên Chúa, và con người chỉ biết vạn vật, mà không biết nguồn gốc vốn là Thiên Chúa; chỉ đến thời Ngũ đế của Trung Hoa, thánh nhân mới phát hiện ra quy luật vận hành ấy, tổng kết lại, gọi là Thiên mệnh. Theo ông, Joseon quên mất Thiên và Thiên mệnh nên đã đến hồi mạt vận. Ông đem quan niệm ấy so sánh với cách hiểu Thiên Chúa của phương Tây, cho rằng họ rao giảng học thuyết của Thiên Chúa nhưng lại cướp bóc, xâm đoạt, mượn cớ sứ mạng Thiên Chúa mà lại tiến hành chiến tranh. Theo Choe Je-u, khi ông nghi ngờ về Thiên Chúa của phương Tây thì Thiên Chúa tìm tới ông và khải thị cho ông chân lý “Thiên Chúa chỉ có một”. Từ đó ông công nhận Thiên Chúa nhưng phê phán và bác bỏ học thuật của phương Tây[9].
Phương thức ngộ đạo của Choe Je-u mang đậm dấu ấn Shaman giáo. Trong Shaman giáo, các pháp sư được chọn thường đột nhiên mắc bệnh vô phương cứu chữa, và chỉ đến khi họ thực hiện sứ mạng truyền đạt ý chí của thần linh, trở thành pháp sư, ở Triều Tiên gọi là Mudang, thì căn bệnh mới tự lành. Theo lời của Choe Je-u, ông đột nhiên mắc bệnh lạ cho tới khi giác ngộ, được Thiên Chúa ban cho linh phù, tiên dược để chữa bệnh (đặc trưng chữa bệnh bằng ma thuật của Shaman giáo). Sự trùng hợp về phương thức ngộ đạo cho thấy dấu ấn sâu sắc của đạo Shaman với tư tưởng Đông học và của Thiên đạo giáo sau này[10].
Dù vậy, Đông học lại cho thấy lối đi riêng của Choe Je-u khi luận bàn về Thiên Chúa và lẽ sống của con người. Ông nghi vấn tại sao những kẻ tin Thiên Chúa lại xâm lược, cướp bóc[11]. Ông tin sức mạnh của phương Tây là do họ tin Thiên Chúa và được khải thị Thiên đạo[12]. Choe Je-u đã tìm theo Thiên đạo mà chính ông tín niệm và được mạc khải ở Triều Tiên vì cho rằng khải thị của Thiên Chúa không phải là đặc quyền ban cho người phương Tây, mà còn cả ở phương Đông. Do vậy, Đông học mà ông đề cập là để đối kháng với khái niệm Tây học, vốn chỉ sự học theo Cơ Đốc giáo ở Triều Tiên bây giờ. Theo cách giải thích của Choe Je-u về học thuyết của ông thì, “Đạo là Thiên đạo, còn Học là Đông học”[13].
Triết giáo phương Đông thể hiện đậm nét trong giải thích của Choe Je-u về Thiên Chúa, vũ trụ và con người. Đạo học của ông sử dụng nhiều quan niệm của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, cho rằng con người là một phần của của thế giới, theo đó Thiên – Nhân nhất thể, Nhân tâm cũng là Thiên tâm, con người là biểu hiện ý chí của Thiên Chúa, hành động vì con người chính là vì Thiên Chúa và thuận Thiên đạo. Cách hiểu này chia sẻ nhiều điểm chung với Phật giáo và Đạo giáo, coi con người là một phần của vũ trụ, và với Hán Nho về trời và người tương hợp, Thiên nhân cảm ứng. Chính ông cũng từng viết lại rằng sau khi ngộ đạo, ông đối chiếu đạo ấy với Nho học của Khổng Tử và tiền nhân thì thấy không khác là bao. Ngay trước khi bị xử tử, Choe Je-u đã nói rằng, Đông học của ông cũng không khác gì Ái nhân của Nho giáo[14]. Tư tưởng Đạo giáo và Thái cực, Bát quái cũng thể hiện rõ khi ông giải thích nguồn gốc của vũ trụ trong Đạo đức ca. Ông cho rằng, Thiên đạo chia âm dương, âm dương hòa hợp tạo thành thế giới, trong đó con người là thần bí nhất, vì vậy xuất hiện tam tài (thiên, địa, nhân), ngũ hành và bát quái cho phép chỉ ra động tĩnh, quy luật biến hóa của thế giới, con người. Vì thế ông cho rằng, có thể xem dịch quẻ để thấy quy luật kính trời, và con người phải dựa vào nguyên lý ngũ hành, lấy “tam cương”, “ngũ luân” (vốn là những khái niệm cốt lõi của Nho giáo) làm pháp đạo quan trọng ở đời[15].
Dù chịu ảnh hưởng của Cơ Đốc giáo và các học thuyết phương Đông, Đông học của Choe Je-u có những lý tưởng và tư duy vượt thời đại. Thứ nhất, sự phân biệt Đông - Tây mà ông nhấn mạnh đã phá vỡ tư duy mà người Trung Quốc áp đặt, coi nước của họ nằm ở trung tâm thế giới, coi dân tộc của họ là tinh hoa của vũ trụ. Ông đã gạt bỏ quan niệm về độc tôn của Trung Quốc khi nước này cũng đang bị phương Tây xâm lược. Thứ hai, Đông học, nền tảng của phong trào nông dân Đông học, khác biệt với tư tưởng trong các phong trào tương tự ở Đông Á, đặc biệt là ở Trung Quốc. Chẳng hạn, tư tưởng của Nghĩa hòa đoàn là bài ngoại, Đông học lại chỉ bài trừ Nhật Bản và mở ra mối liên hệ với thế giới thay vì chủ nghĩa quốc gia thuần túy. Thứ ba, Đông học đề xuất lý tưởng về xã hội mới, thay thế trật tự vốn có. Khác với Hồng Tú Toàn, tự nhận là người gọi Jesus là anh, được Thiên Chúa phong vương cử xuống trần thế thiên hành đạo, lên ngôi xây dựng Thái Bình thiên quốc, Choe Je-u không tự nhận mình có địa vị cao hơn bất cứ ai, mà coi tất cả bình đẳng trước Thiên Chúa, dù họ là nô lệ hay nông dân. Ông cho rằng tôn trọng con người là kính trọng Thiên Chúa. Đó không chỉ là lý thuyết mà Choe Je-u rao giảng, ông đã thực sự thực hành tín niệm ấy trong cuộc đời. Ông cười nhạo những người dùng gia thế, đẳng cấp làm thước đo giá trị con người. Choe Je-u đã cho phép con trai ruột của ông kết hôn với một nữ nô tỳ; bản thân ông cũng nhận một nữ nô tỳ làm con gái nuôi. Tư tưởng Đông học đã tuyên truyền về tình bác ái giữa nhân loại và thậm chí còn được đánh giá là chứa đựng cả những yếu tố tư tưởng xã hội chủ nghĩa, hứa hẹn bình đẳng xã hội cho bình dân và tiện dân, nô lệ và dân nghèo[16].
2. Phong trào nông dân Đông học và giá trị hiện thực của tư tưởng Đông học
Đông học không chỉ là một khuynh hướng tư tưởng mà còn tạo cơ sở cho phong trào đấu tranh nông dân phát triển rộng rãi. Trên nền tảng của nó, phong trào nông dân Đông học là cuộc đấu tranh chống triều đình lớn và đáng chú ý nhất, diễn ra từ đầu năm 1894 đến đầu năm 1895, được tổ chức vũ trang và tập hợp trong một tổ chức thống nhất do Jeon Bongjun (1854-1895) lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa ban đầu bùng phát với hơn 1.000 tín đồ Đông học và nông dân tấn công vào quan nha huyện Gobu và sau đó nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh với lực lượng lên tới 12 vạn nghĩa quân và kéo dài tới cuối tháng 3 năm 1895[17].
Dù cuộc khởi nghĩa nông dân Đông học nổ ra vào năm 1894, tức là 30 năm sau khi Choe Je-u bị triều đình bắt và sát hại (năm 1864) nhưng nó là sự bùng phát trở lại của tư tưởng – tôn giáo Đông học, chủ nghĩa dân tộc và phong trào nông dân khởi đầu mạnh mẽ từ những năm 1860 vốn bị trấn áp bởi chính quyền Joseon nên buộc phải hoạt động bí mật trong khoảng hai thập kỷ (thập kỷ 1870 và 1880)[18].
Sự truyền bá, ảnh hưởng và tổ chức của Đông học
Đạo học được Choe Je-u truyền bá ban đầu thể hiện tính triết luận học thuật, nhưng càng về sau, vai trò của Thiên Chúa và các yếu tố màu nhiệm càng được nhấn mạnh, thể hiện rõ ràng màu sắc tôn giáo để nông dân và dân nghèo có thể dựa dẫm, hy vọng thay đổi cuộc đời thống khổ bằng cách xây dựng Thiên quốc trên trần thế. Choe Je-u đã nhấn mạnh sự thành đạo dựa vào niềm tin. Ông cho rằng mình được Thiên Chúa ban linh phù, tiên dược để chữa bệnh. Tín đồ Đông học và sau này là Thiên đạo giáo tin vào năng lực chữa bệnh bằng phép màu của ông, chuyện ông hồi sinh một người phụ nữ đã chết, đi qua con sông Nakdong mà không cần thuyền, không bị ướt khi đi trong trời mưa, và tin rằng với phép màu của đạo, đạn của kẻ thù không thể làm tổn thương họ mà sẽ hóa thành những giọt nước rơi xuống[19].
Vì những lý tưởng mà học thuyết Choe Je-u truyền bá chống lại trật tự hiện hữu của Triều Tiên cuối thế kỷ XIX và dự báo về sự suy tàn của vương triều Joseon cùng giới thống trị, ông bị khép tội mị dân, gieo rắc bất hòa và mê hoặc dân chúng. Ông bị bắt và tử hình vào năm 1864 và được các tín đồ Đông học vinh danh tử vì đạo. Hành động sát hại Choe Je-u là một nỗ lực của triều đình để dập tắt các tư tưởng chống đối và mầm mống nổi dậy có thể làm lan rộng và trầm trọng thêm các cuộc khởi nghĩa nông dân, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Lý tưởng và Đông học có thể sẽ trở thành nhân tố để liên kết các cuộc khởi nghĩa mà chính quyền đang chật vật ứng phó[20]. Năm 1862, cuộc nổi dậy của nông dân ở Jinju, Gyeongsang đã nổ ra, làm dấy lên hàng loạt cuộc đấu tranh ở các tỉnh Hamgyong, Chungcheong, Jeju, Jeolla. Cũng trong năm này, các giáo khu (Jeop - đơn vị ở các địa phương của Đông học) được Choe Je-u tổ chức trong quá trình truyền dạy đạo học của mình. Đây là cơ sở cho sự lan rộng và hệ thống tổ chức của Đông học trong nhiều năm tiếp theo.
Dù vậy, người kế tục sự nghiệp của Choe Je-u là Choe Si-hyeong (1827-1898) đã hoàn thành việc biên soạn các kinh điển Đông kinh đại toàn và Long đàm di từ, thu hút ngày càng đông đảo tín đồ, tổ chức họ thành thành lực lượng đông đảo tới hơn 2 vạn người[21]. Sự truyền bá của Đông học trong bối cảnh xã hội rối ren và sự nghèo khổ của quần chúng khiến nó nhanh chóng lan rộng ở các vùng nông thôn, giúp Đông học tham gia với nhiều hội nhóm khác trong các phong trào đấu tranh dân tộc và xã hội[22]. Trong đại hội được tổ chức vào năm 1892, các tín đồ Đông học đã đòi đấu tranh giành lại danh dự cho giáo chủ (Choe Je-u) và phản đối sự bóc lột, áp bức của các chính quyền địa phương. Điều này đã khiến các nhóm tín đồ và nông dân vũ trang tập hợp thành một thể thống nhất. Cũng trong năm 1893, đại hội của Đông học tại Boeun đã thống nhất tổ chức và khép lại yêu cầu đấu tranh cho danh dự của giáo chủ và tôn giáo, tập trung vào vấn đề xã hội và dân tộc. Đây chính là tiền đề quan trọng cho sự bùng phát của phong trào nông dân Đông học chỉ sau đó một năm.
Phong trào nông dân Đông học
30 năm sau khi Choe Je-u bị sát hại, phong trào nông dân Đông học bùng phát mạnh mẽ là minh chứng cho giá trị, sức sống của tư tưởng và đạo học của ông. Người lãnh đạo cuộc nổi dậy này là Jeon Bong-jun, lúc bấy giờ là người phụ trách giáo khu Đông học ở Gobu. Tháng 1 năm 1894, Jeon Bong-jun đã tập hợp hơn 1000 nông dân và tín đồ đánh vào nha huyện Gobu để phản đối Jo Byeong-gap, huyện lệnh Gobu lúc trước, một tham quan đã chèn ép, cướp đoạt tài sản, xây đắp thêm các công trình để bóc lột lao dịch và tăng thuế đánh vào nông dân và đàn áp họ với các hình phạt hà khắc. Cuộc khởi nghĩa của ông đã giương lên ngọn cờ “Báo quốc, an dân” và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của giáo khu và nhân dân các khu vực lân cận, tập hợp được hơn 13 nghìn người. Họ tôn Jeon Bong-jun làm người lãnh đạo phong trào. Ông đã tiếp tục kêu gọi nổi dậy, đặt ra 4 điều lệ cho nghĩa quân là: không giết người vô tội, không phá hoại tài sản; làm tròn trung hiếu, báo quốc an dân; đánh đuổi người Nhật, phục hưng chính đạo; tiến về kinh đô, quét sạch hoàng gia[23].
Quân khởi nghĩa lần lượt chiếm được nhiều địa phương ở Geumgu, Buan, Jeongeup, Gochang và Jeonju, buộc triều đình Joseon phải xin viện binh từ nhà Thanh. Lợi dụng tình hình đó, quân Nhật viên cớ Hiệp ước Thiên Tân (1885), đem quân tiến vào Triều Tiên. Jeon Bong-jun lúc này lại tỏ ý hòa hoãn, yêu cầu triều đình trừng phạt tham quan, giải phóng nô lệ, chia lại ruộng đất, để đổi lại việc ông sẽ rút quân khỏi thành Jeonju. Joseon đã ký hòa ước với nghĩa quân vào tháng 5 năm 1894. Dù vậy, hòa ước không được tuân thủ, quân khởi nghĩa không chống lại được sự tấn công của quân đội Joseon và Nhật Bản, liên tiếp thất bại, cầm cự đến tháng 12 năm 1894 thì Jeon Bong-jun bị bắt và bị hành hình.
Phong trào nông dân Đông học thất bại nhưng được đánh giá là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất trong lịch sử Triều Tiên, với một lý tưởng chưa từng có là đánh đổ triều đình, xóa bỏ hệ thống đẳng cấp, báo quốc an dân, mang lại quyền lợi cho nô lệ, dân nghèo. Tư duy ấy là sự kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc với cải tạo xã hội. Ngoài những giá trị tư tưởng to lớn mà nó thể hiện, cuộc khởi nghĩa nông dân Đông học đã để lại hai hệ quả quan trọng trong lịch sử Triều Tiên cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Thứ nhất, nó đặt nền tảng cho hàng loạt các phong trào đấu tranh của nhân dân Triều Tiên, đặc biệt là các phong trào dân tộc, ái quốc và các đội quân du kích chống Nhật. Thứ hai, cuộc khởi nghĩa dù kết thúc nhưng phong trào Đông học còn tiếp tục tồn tại qua các thời kỳ với nhiều đời thủ lĩnh. Tư tưởng Đông học tiếp tục được duy trì và truyền bá, hệ thống tổ chức và lực lượng tín đồ của nó tiếp tục được duy trì[24]. Đến năm 1905, lãnh đạo Son Byeong-hui (1861-1922) đã chính thức đổi tên tư tưởng – tôn giáo Đông học thành Thiên đạo giáo, đánh dấu bước chuyển hoàn toàn của Đông học trở thành một tôn giáo tồn tại tới tận ngày nay.
3. Thiên đạo giáo – một di sản của Đông học trong thế kỷ XX
Thiên đạo giáo có nguồn gốc trực tiếp từ tư tưởng Đông học và kế thừa những di sản về tư duy, triết luận, niềm tin và cả lý tưởng về xã hội, con người từ tư tưởng Đông học[25]. Thiên đạo giáo cho rằng sự ngự trị của Thiên Chúa không phải chỉ ở Thiên đàng mà ở khắp mọi nơi, trong mỗi người. Thiên đạo giáo có 3 niềm tin cơ bản: niềm tin vào Thiên Chúa, niềm tin vào tính thống nhất của tín đồ Thiên Chúa và niềm tin vào phép màu nhiệm chữa bệnh. Nó là một tôn giáo có tính nhân văn sâu sắc với lý tưởng về hạnh phúc trên thế gian dành cho mọi người và sự sáng suốt, đạo đức, ý thức của con người về xã hội[26].
Trong lịch sử của Thiên đạo giáo, hai phong trào chính trị quan trọng nhất là cuộc khởi nghĩa nông dân Đông học và cuộc đấu tranh Mùng 1 tháng Ba năm 1919. Đầu thế kỷ XX, Thiên đạo giáo phát triển mạnh mẽ và tiếp tục thu hút nhiều tín đồ, đồng thời tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh dân tộc. Những ghi chép của người Nhật đã mô tả vai trò của các Thiên đạo giáo trong phong trào dân tộc Triều Tiên, cho rằng cuộc đấu tranh độc lập của họ có nguồn gốc từ học thuyết về quyền tự quyết dân tộc được phát biểu bởi Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ thể hiện qua những kêu gọi của Son Byeong-hui và các lãnh đạo khác của Thiên đạo giáo để khôi phục nền độc lập. Theo đó, từ năm 1917, Son Byeong-hui đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc đấu tranh 2 năm sau đó. Đến tháng 1 năm 1919, ông đã tập hợp các lãnh đạo của Thiên đạo giáo để bàn luận về kế hoạch cho cuộc vận động độc lập và đưa ra quyết định tuyên bố bản Tuyên ngôn độc lập, tiến hành biểu tình trên toàn quốc, yêu sách độc lập đối với chính phủ Nhật Bản, đồng thời gửi thỉnh nguyện tới Tổng thống Mỹ Wilson và các đại biểu khác tại Hội nghị hòa bình Paris. Bản tuyên ngôn sau đó nhấn mạnh tới cả quyền và khả năng giành độc lập của Triều Tiên được nghiên cứu cẩn thận bởi các lãnh đạo Thiên đạo giáo và được in hơn 21 nghìn bản, lan truyền khắp trong nước vào ngày 1 tháng 3 năm 1919 và được tuyên đọc trước đám đông tại Seoul[27].
Sau khi Son Byeong-hui qua đời vào năm 1922, Thiên đạo giáo tiếp tục tồn tại và hoạt động nhưng gặp phải nhiều chia rẽ trong nội bộ cho tới khi được tái thống nhất trong những năm 1930. Trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Thiên đạo giáo tiếp tục là một trong những đại diện kiên định chủ nghĩa dân tộc và tinh thần ái quốc. Các lãnh đạo và tín đồ Thiên đạo giáo thể hiện thái độ trung đạo để tránh ngả về một phe phái chính trị nào đó. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quan điểm của họ là xây dựng sự thống nhất cho quốc gia đã bị phân chia, cho rằng các cuộc bầu cử cục bộ sẽ chỉ làm quốc gia bị chia rẽ. Các lãnh đạo của Thiên đạo giáo, do vậy, phản đối cuộc bầu cử xây dựng Chính phủ Hàn Quốc năm 1948. Tuy vậy, sau các phong trào đấu tranh chống chia cắt không thành công, sự chia cắt giữa hai miền Triều Tiên đã dẫn đến sự tiếp tục tồn tại của Thiên đạo giáo và các tín đồ ở cả hai miền Bắc, Nam[28].
Đến nay, Thiên đạo giáo vẫn giữ một vị trí nhất định trong xã hội và đời sống tinh thần của CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc. Thiên đạo giáo đã tập hợp lại thành một chính đảng và nhà thờ Thiên đạo giáo cũng được xây dựng vào những năm 1980 tại Bình Nhưỡng. Một số liệu thống kê cho thấy, số tín đồ ở CHDCND Triều Tiên khoảng năm 2000 là khoảng 2,8 triệu, chiếm gần 13% dân số. Ở Hàn Quốc, theo niên giám thống kê, số lượng tín đồ vào năm 1995 khoảng 28 nghìn người, nhưng Thiên đạo giáo công bố con số này là hơn 1,2 triệu, và vào 2005 là khoảng 1,13 triệu[29]. Đối với các tín đồ này, những niềm tin và nghi lễ như cầu nguyện, quỳ vái, tụng kinh và tu hành vẫn được duy trì một cách chặt chẽ. Những buổi lễ chung của tôn giáo tại nhà thờ vẫn được tiến hành với việc hát thánh ca, cầu nguyện, tuyên truyền tín điều, tôn vinh Thiên Chúa.
Kết luận
Sự hình thành, quá trình truyền bá, ảnh hưởng của Đông học và những di sản của nó đã cho thấy rằng sự kết hợp của thời đại đầy biến động cuối thế kỷ XIX với truyền thống văn hóa, học vấn và các triết luận lâu đời của Triều Tiên, Đông Á trong sự gặp gỡ và đối sánh với Cơ Đốc giáo của phương Tây. Về phương diện này, tư tưởng Đông học có thể được ví như mối dây liên kết quá khứ với hiện tại và tương lai của Triều Tiên thời kỳ đó, kết hợp hài hòa những niềm tin về Thiên Chúa của tôn giáo Triều Tiên với quan niệm Thiên Chúa trong Cơ Đốc giáo, từ đó đề xướng thế giới bình đẳng, bác ái giữa con người. Điều đáng chú ý là tư tưởng Đông học không đối kháng gay gắt với Cơ Đốc giáo, trái lại, kết hợp những giá trị của nó với truyền thống Đông Á. Do vậy, Đông học đối lập với Tây học, nhưng lại không bài trừ phương Tây. Lý tưởng về một xã hội yên hòa, bình đẳng là một ưu điểm vượt trội của tư tưởng Đông học so với nhiều khuynh hướng chính trị, tư tưởng đương thời.
Trong thế kỷ XIX, mặc dù có lý tưởng vượt thời đại về cải tạo xã hội, tư tưởng của Choe Je-u và các học giả Đông học có điểm yếu về lý luận và thực tiễn do chưa đề xuất phương thức đạt đến mô hình mà nó mô tả và thực hiện cuộc cách mạng xây dựng Thiên quốc. Nói cách khác, Đông học mang nặng tính tôn giáo. Dù vậy, trong suốt thế kỷ XX, Thiên đạo giáo – tôn giáo hình thành trực tiếp từ Đông học lại trở thành một đại diện quan trọng trong các khuynh hướng và cuộc đấu tranh chính trị - xã hội của CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc.
Trong khoảng hơn 160 năm tồn tại và phát triển, Đông học và sau đó là Thiên đạo giáo không chỉ đóng góp cho các cuộc vận động xã hội và đấu tranh độc lập; những giá trị của nó còn là một hệ lý thuyết và niềm tin độc đáo vào vai trò và mối liên hệ của con người với thế giới, với Thiên Chúa, chứa đựng cả giá trị văn hóa phương Đông lẫn phương Tây, khẳng định bản thân như một trào lưu tư tưởng, tôn giáo độc đáo của CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc.
Nguyễn Nhật Linh1
TÀI LIỆU THAM KHẢO
The appearance, development and spreading of Tonghak was one of the most remarkable events the history of 19th century Korea. Tonghak academic movement and uprising were the consequences of the dramatically changing society, Korean traditional culture, ideologies and religions in the combination with Western Christianity. With great contributions and heritages, Tonghak claimed to be the linkages between the past and future of Korea, the Eastern and Western cultures, the tradition and progressiveness. Tonghak was a unique cultural alteration in the the context of Korean modernization.
Keywords: Tonghak, Tonghak uprising, Cheondoism, Choe Je-u, Joseon
[1] TS, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
[2] Carter J. Eckert, Korea Old and New: A History, Ilchokak Publishers, 1991, pp. 180-183 & 214-216; Cơ quan thông tin hải ngoại Hàn Quốc, Hàn Quốc – Lịch sử và Văn hóa (bản dịch từ Korea – Its History & Culture), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 158-159, 163-164.
[3] Một điển hình khác là Jeon Bong-jun, lãnh đạo của phong trào nông dân Đông học (1894-1895), cũng là con trai của một giáo học tư ở Gochang, Jeolla. Cha ông là Jeon Chang-hyeok bị khép tội chủ mưu nổi loạn và bị hành hình, khiến ông trở thành người có lý tưởng cải tạo xã hội, gia nhập vào Đông học và trở thành người phụ trách giáo khu ở Gobu.
[4] Dẫn theo: Đào Vũ Vũ, Bước đầu nghiên cứu tư tưởng Tonghak (Đông học) và những ảnh hưởng của nó ở Triều Tiên nửa cuối thế kỷ XIX, Luận văn Thạc sĩ châu Á học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, 2009, tr. 37.
[5] Tham khảo: Hong Suhn-Kyoung, “Tonghak in the Context of Korean Modernization”, Review of Religious Research Vol. 10, No. 1, [New Religious Movements], 1968 p. 46.
[6] Hong Suhn-Kyoung, Tlđd, tr. 46.
[7] Kang Wi Jo, "Belief and Political Behavior in Ch'ondogyo", Review of Religious Research, Vol. 10, No. 1, [New Religious Movements], 1968, pp. 38-39.
[8] Kim Ig-Jin, History and theology of Korean pentecostalism: Sunbogeum (pure gospel) pentecostalism, Uitgeverij Boekencentrum, Zoetermeer, 2003, pp. 20-21.
[9] Kang Wi Jo, Tlđd, tr. 39-40; Đào Vũ Vũ, Tlđd, tr. 40.
[10] Phạm Hồng Thái, “Phòng trào Đông học và Thiên đạo giáo ở Hàn Quốc” , Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 10, 2007; Tham khảo: Hong Suhn-Kyoung, Tlđd, tr. 48-49.
[11] Kim Eui-Hawn, The History of Korean Modernization, Seoul 1964, p. 53.
[12] Kang Wi Jo, Tlđd, tr. 39.
[13] Hong Suhn-Kyoung, Tlđd, tr. 46-47.
[14] Hong Suhn-Kyoung, Tlđd, tr. 47- 49; Phạm Hồng Thái, Tlđd.
[15] Dẫn theo: Đào Vũ Vũ, Tlđd, tr. 66-67.
[16] Phạm Hồng Thái, Tlđd.
[17] James B. Palais, "Political Participation in Traditional Korea, 1876-1910", The Journal of Korean Studies, Vol. 1 1979, pp. 101-102; Carter J. Eckert, Sđd, tr. 216-220.
[18] James B. Palais, Tlđd, tr. 100.
[19] Kang Wi Jo, Tlđd, tr. 40.
[20] Hong Suhn-Kyoung, Tlđd, 49.
[21] Tham khảo: Phạm Hồng Thái, Tlđd; James B. Palais, Tlđd, tr. 100.
[22] James B. Palais, Tlđd, tr. 90-106.
[23] Carter J. Eckert, Sđd, tr. 218; Phạm Hồng Thái, Tlđd.
[24] James B. Palais, tr. 105-106.
[25] Thiên đạo giáo không phải là tôn giáo duy nhất hình thành trên cơ sở tư tưởng Đông học. Ngoài Thiên đạo giáo ra còn có Thủy Vân giáo (Su-un – tên hiệu của Choe Je-u), Đông học giáo bản phủ, Đông học thiên chân giáo…
[26] Theo: Phạm Hồng Thái, Tlđd.
[27] Kang Wi Jo, Tlđd, tr. 41-42.
[28] Carl Young, “Into the Sunset: Chongdogyo in the Norh Korea, 1945-1950”, Journal of Korean Religion, 4/2, 2013, pp. 56-62; Kang Wi Jo, Tlđd, tr. 42-43.
[29] Theo: Phạm Hồng Thái, Tlđd.