Phật đá Hàn Quốc tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa và tinh thần dân tộc Hàn. Nét đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc Phật đá Hàn Quốc thể hiện rõ nét ở chất liệu tạc tượng, công thức cấu trúc tượng, các thể loại tượng, mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên của tác phẩm, các khuynh hướng nghệ thuật thể hiện qua các tác phẩm điêu khắc Phật đá. Bài viết phân tích các đặc trưng tiêu biểu để hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa Hàn qua nghệ thuật điêu khắc Phật đá.
Từ xa xưa các cộng đồng dân tộc trên thế giới đã biết dùng tưởng tượng, mượn tưởng tượng sáng tạo cho mình những kho tàng thần thoại bay bổng và phong phú. Thần thoại mặt trời rất phổ biến và khá độc đáo trong kho tàng thần thoại của nhiều nước trên thế giới trong đó có ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Nghiên cứu so sánh thần thoại mặt trời của ba nước không những có thể thấy được sự tương đồng của “các hình thái ý thức xã hội đã được trí tưởng tượng chế biến đi một cách vô ý thức”(1) mà còn có thể thấy được sự khác biệt của “hệ thống những quan niệm hoang đường về thế giới…”(2). Trên cơ sở những nét tương đồng và dị biệt ở thần thoại mặt trời của ba nước, bài viết lí giải nguyên nhân và ý nghĩa của những hiện tượng trên, đặc biệt là môtip mặt trời lặn và mọc, môtip người anh hùng chinh phục mặt trời.
Trong những thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX, Phong trào Saemaul hay Phong trào Làng mới đã tạo ra một bước đột phá cho sự phát triển của nông thôn Hàn Quốc. Đây thực sự là một cuộc cải tổ về ý thức nhằm đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Phong trào Làng mới đã thực sự làm cho nông thôn Hàn Quốc thay đổi lớn lao. Từ chỗ là địa bàn nghèo đói xác xơ của một quốc gia nghèo nhất ở Châu Á vào đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, nhưng chỉ trong vòng 20 năm sau, nông thôn Hàn Quốc đã vươn lên trở thành khu vực kinh tế phát triển mạnh mẽ, đời sống của nhân dân trở nên ấm no, hạnh phúc. Sự phát triển của nông thôn Hàn Quốc đồng thời còn làm nền tảng vô cùng quan trọng, góp phần vào sự phát triển kỳ diệu của nền kinh tế Hàn Quốc trong những thập kỷ cuối thế kỷ XX. Dựa trên những tư liệu của cuốn “Phong trào Làng mới (Saemaul) – Hàn Quốc” do Korea Saemaulundong Center xuất bản năm 2008 và kết quả cuộc trao đổi trực tiếp với Ngài Dong Cheol Lee, Chủ tịch Trung ương Phong trào vận động Saemaul Hàn Quốc, chúng tôi trình bày những nét khái quát nhất về phong trào này. Từ những kinh nghiệm đi lên đó của Hàn Quốc chắc chắn sẽ giúp cho Việt Nam có những bài học bổ ích trong chiến lược xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện nay.
Có một thực tế là từ câu chuyện giải quyết bài toán tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Bắc á trong vòng gần 1 thập kỷ qua đã để lại nhiều điều gây tranh luận cho giới nghiên cứu kinh tế về việc có cần hay không cần phải định dạng lại mô hình phát triển của nó trong thời gian tới. Chính vì thế, khi khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu đã qua đi, kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục thì người ta bắt đầu trở lại câu hỏi rằng trong thập kỷ tới khu vực Đông bắc á sẽ làm gì để định dạng lại mô hình phát triển của mình? Đông Bắc á hoặc lựa chọn theo hướng nội nhu? hoặc vẫn phát huy khai thác mô hình định hương xuất khẩu theo kiểu truyền thống của Đông á trước đây trong thập kỷ 60,70,80.. của thế kỷ XX, lấy nhu cầu thị trường thế giới là trọng tâm của động lực tăng trưởng; hay cần có sự đan xen mô hình mới nào đó? Để trả lời câu hỏi này, tác giả bài viết cố gắng phân tích và làm rõ hơn từ góc độ cơ sở lý luận tới thực tiễn của việc định dạng lại mô hình phát triển ở Đông Bắc á trong thời gian tới đây.
Có thể khẳng định rằng tất cả các nền kinh tế tăng trưởng nhanh tại Đông Á, theo công trình nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm1993, là nhờ thực hiện chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu và thâm nhập sâu vào các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ. Ngay từ thập niên 1950, Nhật Bản đã phát động chiến dịch xuất khẩu ồ ạt. Đi sau Nhật Bản là bốn con hổ Châu Á bắt đầu xuất khẩu các hàng hoá tiêu dùng của mình sang thị trường phương Tây vào thập niên 1960. Làn sóng tăng trưởng xuất khẩu thứ ba của Đông Á vào đầu thập niên 1980 là từ các nước NIE. Không lâu sau đó, Trung Quốc và một số nền kinh tế nhỏ hơn ở Đông Á tiếp tục đi theo.
Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hàn Quốc đối đầu với Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) trong điều kiện Hàn Quốc thua kém Bắc Triều Tiên về cả tốc độ tăng trưởng và trình độ phát triển, mô hình Chủ nghĩa Xã hội ở Bắc Triều Tiên với tốc độ tăng trưởng phi mã lúc đó đã gây những ấn tượng và tình cảm mạnh mẽ đối với người dân Hàn Quốc. Do vậy, để đuổi kịp và cạnh tranh được với Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc buộc phải tìm kiếm một mô hình phát triển tăng trưởng cao, có sự khác biệt nhất định với chủ nghĩa tư bản phương Tây.
Toàn cầu hoá kinh tế được thông qua một kênh chủ yếu đó là hoạt động thương mại tự do. Thương mại tự do là một trong những động lực to lớn phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Các hoạt động thương mại không còn thuần tuý được điều tiết bởi quan hệ cung cầu trên thị trường quốc tế, mà còn chịu sự điều chỉnh của chính phủ. Tự do hoá thương mại chính là loại bỏ các biện pháp hạn chế hay bảo hộ thương mại của chính phủ.
Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia Châu Á có nhiều nét tương đồng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, cùng chịu ảnh hưởng của dòng văn hóa phương Đông, đặc biệt là văn hóa Trung Hoa. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21-09-1973, kể từ đó đến nay mối quan hệ thắm tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác toàn diện ngày càng được tăng cường, đáp ứng với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước. Bài viết này góp phần tìm hiểu về thực trạng quan hệ Việt – Nhật những năm đầu thế kỷ XXI.
Bộ trưởng tài chính Naoto Kan trở thành Thủ tướng thứ năm của Nhật Bản trong vòng 4 năm qua. Ngày 4 tháng 6, ông Kan được bầu là Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) kế nhiệm ông Yukio Hatoyama, người đã rút khỏi chức vụ Thủ tướng và Chủ tịch của một đảng chiếm số đông tại Hạ viện Nhật Bản. Ngay trong ngày hôm đó, trong đảng DPJ, Kan đã được xác định là sẽ làm Thủ tướng, chuyển từ chức vụ Phó thủ tướng thành Thủ tướng thứ hai của DPJ. Ông sẽ tìm cách để tồn tại lâu hơn 4 người tiền nhiệm, những người không ai tại vị được đủ một năm.
ASEAN là tổ chức Hợp tác của các nước khu vực Đông Nam Á, bao gồm 5 nước lục địa (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanma và Thái Lan) và 5 nước hải đảo (Malaixia, Brunây, Xingapo, Inđônêxia và Philippin). Hơn 40 năm thành lập và phát triển, ASEAN ngày càng vững mạnh, phát huy tác dụng duy trì hòa bình và ổn định để phát triển kinh tế khu vực, có chính sách ngoại giao uyển chuyển và linh hoạt, vị trí ASEAN ngày càng quan trọng trong khu vực Đông Á và trên thế giới. Trong chính sách ngoại giao với các nước láng giềng, quan hệ với các nước ASEAN cũng là một trong những ưu tiên quan trọng hàng đầu của ngoại giao Trung Quốc. Trung Quốc là nước lớn ở khu vực Đông Á, là láng giềng kề cận, quan hệ với Trung Quốc có vị trí quan trọng đối với các nước ASEAN, tìm hiểu chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với khu vực có ý nghĩa quan trọng và giúp chúng ta có nhìn nhận đúng về Trung Quốc từ đó có chiến lược để “chung sống hòa bình” với người láng giềng khổng lồ này.