Tác giả: Bộ Công thương
Nhà xuất bản Công thương, Hà Nội, 2016, 359 trang
Kí hiệu: Vt510
Với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 01/01/2007, Việt Nam đã tiến một bước dài trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, nếu việc gia nhập WTO có thể được xem là bước hội nhập theo chiều rộng với những cam kết mở cửa ở mức độ tương đối áp dụng chung cho tất cả 150 nước thành viên của WTO thì việc kí kết các thỏa thuận thương mại tự do (FTAs) giữa Việt Nam và các đối tác khác là hình thức hội nhập theo chiều sâu với phạm vi và mức độ cam kết sâu rộng và mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực, trong đó có cả những lĩnh vực phi truyền thống. Do đó, mức độ chi phối và tác động đến tương lai của các nền kinh tế cũng lớn và phức tạp hơn.
Trong các FTA mà Việt Nam đã kí kết hiện nay thì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là cam kết thương mại tự do quan trọng nhất của Việt Nam, có mức độ cam kết mở cửa thị trường cao hơn cam kết trong WTO và FTAs đã ký trước đây. TPP là hiệp định toàn diện, cân bằng lợi ích, với những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao và những cam kết về thể chế kinh tế thị trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công… nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh công bằng. Hiệp định này còn bao gồm các nội dung tuy không phải là thương mại trực tiếp nhưng có liên quan đến thương mại như môi trường và lao động. Với những nội hàm chủ yếu nêu trên, TPP được gọi là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới – được kỳ vọng trở thành hình mẫu cho phát triển thương mại khu vực và thế giới với yêu cầu cao hơn trong bối cảnh lực lượng sản xuất phát triển nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Trong điều kiện trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp và còn nhiều khó khăn, việc chủ động quyết định tham gia đàm phán và kí kết Hiệp định TPP với tinh thần sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, nỗ lực vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội để đưa nền kinh tế vươn lên phát triển nhanh và bền vững đã thể hiện tính chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Tham gia Hiệp định này còn là một bước tiến mới trong thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là tại một khu vực đang diễn ra cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp những thông tin cơ bản về Hiệp định TPP, về đặc điểm kinh tế xã hội của thị trường 12 nước thành viên TPP, cũng như cơ hội và thách thức mà Hiệp định TPP tác động tới các doanh nghiệp Việt Nam, Nhà xuất bản Công thương đã xuất bản cuốn sách “Giới thiệu thị trường 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP”. Cuốn sách gồm 2 phần:
Phần 1: Tổng quan về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP: gồm 3 phần nhỏ
1. Tổng quan về Hiệp định TPP: giới thiệu quá trình hình thành Hiệp định TPP, đặc điểm cơ bản của Hiệp định TPP, trình bày vị trí, vai trò của Hiệp định TPP đối với nền kinh tế thế giới.
2. Một số nội dung cơ bản của Hiệp định TPP: trình bày một số nội dung cơ bản của Hiệp định TPP và một số cam kết cụ thể liên quan đến Việt Nam.
3. Những cơ hội, thách thức và giải pháp của Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP: trình bày những cơ hội, thách thức của Hiệp định TPP đối với Việt Nam và một số giải pháp của Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP.
Phần 2: Tổng quan thị trường 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương: trình bày về thị trường của 12 nước thành viên là Singapore, Chile, New Zealand, Brunei, Hoa Kì, Australia, Peru, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Canada và Nhật Bản trên các phương diện: tổng quan chung về 12 nước thành viên, tình hình phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư của 12 nước thành viên, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và 12 nước thành viên, chính sách thương mại của 12 nước thành viên, một số lưu ý khi kinh doanh với thị trường 12 nước thành viên và địa chỉ cần biết.
Thông qua 359 trang, cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn đọc, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế – xã hội những thông tin hữu ích để tận dụng tốt hơn những cơ hội sẽ được mở ra giữa các nước thành viên TPP trong tương lai. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.
Thực hiện: Trương Phan Thanh Thủy
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á