Trang chủ

KHÁI LUẬN VỀ KINH TẾ - CHÍNH TRỊ HÀN QUỐC

Đăng ngày: 10-04-2017, 04:22 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Rhee Yeong-seop chủ biên

Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2016, 575 trang

Kí hiệu: Vv 2771

Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc với tư cách là cơ quan chuyên về ngoại giao của Chính phủ, đại diện cho Hàn Quốc đã và đang cho cả thế giới biết đến đất nước và con người, cũng như văn hóa Hàn Quốc thông qua những hoạt động giao lưu đa dạng về học thuật - con người - văn hóa để giao tiếp với mọi người trên thế giới bằng hình ảnh mang đậm tính Hàn Quốc nhất.

Cùng với sự phát triển của Hàn Quốc, những quan tâm khởi đầu đơn thuần về Hàn Quốc đã được mở rộng thành nhu cầu mong muốn học hỏi một cách bài bản về Hàn Quốc. Đặc biệt, gần đây nhu cầu này không chỉ dừng lại ở ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử của Hàn Quốc, các nước trên thế giới cũng tích cực thể hiện mong muốn tiếp thu kinh nghiệm của Hàn Quốc trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, quan hệ quốc tế. Trong khi đó, những tài liệu cũng như giáo trình căn bản có khả năng tập hợp và giải thích khái quát toàn bộ về Hàn Quốc học đang còn thiếu. Do vậy, Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc đã thực hiện Dự án phát triển giáo trình cơ sở với giai đoạn đầu là tập trung vào mảng kinh tế, chính trị và quan hệ ngoại giao. Cuốn sách “Khái luận về kinh tế - chính trị Hàn Quốc” được biên soạn dựa trên cơ sở mang tính lý luận vững chắc về các chủ đề khoa học xã hội như hiện đại hóa kinh tế Hàn Quốc, dân chủ hóa chính trị Hàn Quốc và quá trình toàn cầu hóa của ngoại giao Hàn Quốc mà người nước ngoài đang dành sự quan tâm lớn hơn cả. Nội dung cuốn sách gồm 3 phần và chia thành 12 chương với những nội dung cụ thể như sau:

Phần 1: Hiện đại hóa nền kinh tế Hàn Quốc. Phần này gồm 4 chương trình bày khái quát về tình hình kinh tế Hàn Quốc, những biến đổi chủ yếu trong quá trình phát triển và nguyên nhân chính phát triển kinh tế của Hàn Quốc; chính sách công nghiệp của Hàn Quốc, phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, đặc điểm cơ cấu ngành công nghiệp Hàn Quốc; chính sách và cấu trúc tài chính, chính sách và cơ cấu tín dụng của Hàn Quốc; những vấn đề của nền kinh tế Hàn Quốc, củng cố động lực tăng trưởng mới, giảm thiểu tính yếu kém của cấu trúc nền kinh tế và sự biến đổi vai trò chính phủ.

Phần 2: Dân chủ hóa chính trị Hàn Quốc. Với kết cấu 4 chương, phần này tập trung phân tích đặc trưng mang tính chế độ của chính trị Hàn Quốc gồm tổng thống, quốc hội, chế độ bầu cử và các chính đảng của Hàn Quốc; quốc gia phát triển mang tính chủ nghĩa quyền uy và sự dịch chuyển sang dân chủ hóa; biến động chính trị Hàn Quốc sau dân chủ hóa: ý nghĩa và các đặc trưng trong bầu cử tổng thống; tính năng động của chính trị Hàn Quốc, sự thay đổi trong môi trường chính trị.

Phần 3: Toàn cầu hóa ngoại giao Hàn Quốc. Gồm 4 chương đề cập đến những biến đổi của ngoại giao Hàn Quốc thời kỳ Chiến tranh Lạnh; khởi nguồn vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và khủng hoảng hạt nhân lần thứ nhất; thử nghiệm thất bại của “chính sách ánh dương”; rạn nứt trong quan hệ đồng minh Hàn - Mỹ và triển khai hội đàm sáu bên; gia tăng khủng hoảng trên Bán đảo Hàn; bài học ngoại giao của Hàn Quốc đối với vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên; những đánh giá và triển vọng ngoại giao toàn cầu của Hàn Quốc; chiến lược ngoại giao quốc gia hạng trung của Hàn Quốc

Thông qua 575 trang, lối trình bày khoa học và dễ hiểu, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện hơn về kinh tế và chính trị của Hàn Quốc. Cuốn sách là nguồn tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như giảng viên và học sinh, sinh viên Việt Nam khi tìm hiểu về Hàn Quốc.

Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận