Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, TS. Nguyễn Anh Thu
Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2015, 319 trang
Kí hiệu: Vv 2770
Cơ chế hợp tác giữa ASEAN với ba đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản hình thành từ năm 1997 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1999, với mục tiêu dài hạn là xây dựng Cộng đồng Đông Á, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm. Mặc dù cơ chế hợp tác chính thức ra đời chưa lâu, song sự phát triển của các mối liên kết, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt các công ty xuyên quốc gia trong khu vực Đông Á đã phát triển từ trước đó và thể hiện qua sự phát triển mạnh mẽ của các mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng trong khu vực. Như vậy, về thực chất, các cơ chế hợp tác thông qua các Hiệp định trong khu vực ASEAN+3 chủ yếu tiến tới chính thức hóa và thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế của các nước trong khu vực. Trong bối cảnh đó, ASEAN với vai trò trung tâm đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 3 nước đối tác Đông Á gồm FTA giữa ASEAN và Trung Quốc, FTA ASEAN - Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản. Các nước Đông Á cũng tích cực ký kết với nhau các hiệp định song phương. Tất cả các hiệp định thương mại tự do này đã và đang mở ra một thị trường lớn và cơ hội lớn thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa các nước Đông Á.
Việt Nam đã tham gia tích cực trong hợp tác kinh tế ASEAN và ASEAN+3, và kết quả đạt được thể hiện rõ trên các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và đầu tư. Hội nhập kinh tế Đông Á trong thời gian tới sẽ hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Hội nhập Đông Á sẽ tạo cơ hội cải thiện cơ cấu, tăng giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Đông Á và thúc đẩy thu hút nguồn lực FDI của các nước trong khu vực vào Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với thách thức cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa và dịch vụ từ các nước khác, đặc biệt là sự cạnh tranh từ Trung Quốc; các vấn đề hàng rào kỹ thuật đối với thương mại; các vấn đề nảy sinh từ mối quan hệ địa - chính trị phức tạp trong khu vực. Trong bối cảnh đó, cuốn sách “Việt Nam hội nhập kinh tế Đông Á trong khuôn khổ ASEAN+3” ra đời với những nội dung cụ thể như sau:
Phần 1: Hội nhập kinh tế trong ASEAN+3. Phần này gồm 5 chương trình bày tổng quan về cộng đồng kinh tế ASEAN và nền kinh tế các nước ASEAN+3; bối cảnh, tiến trình, các vấn đề đặt ra và triển vọng hội nhập thương mại ASEAN+3; các cam kết hội nhập đầu tư trong ASEAN+3, tổng quan tình hình đầu tư, xu hướng và triển vọng đầu tư trong ASEAN+3; tổng quan tình hình di chuyển lao động trong ASEAN+3; nội dung cam kết và thực trạng tiến trình hợp tác tài chính tiền tệ trong ASEAN+3 và các vấn đề đặt ra.
Phần 2: Sự hội nhập của Việt Nam trong ASEAN+3. Gồm 3 chương tập trung phân tích sự tham gia của Việt Nam trong các hiệp định thuộc ASEAN+3, thương mại Việt Nam - ASEAN, các vấn đề đặt ra và triển vọng; rà soát, điều chỉnh luật theo các cam kết hội nhập, tác động tích cực của hội nhập đến FDI của Việt Nam, những vấn đề tồn tại, triển vọng thu hút FDI và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và một số hàm ý chính sách; thực trạng hội nhập tài chính của Việt Nam trong ASEAN+3, tự do hóa dịch vụ tài chính, tự do hóa tài khoản vốn và phát triển thị trường vốn.
Phần 3: Sự tham gia của Việt Nam và một số nước ASEAN+3 trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu. Phần này gồm 4 chương với nội dung chủ yếu trình bày tổng quan tiêu thụ và sản xuất thủy sản trên thế giới, giới thiệu chuỗi giá trị thủy sản, sự tham gia của Việt Nam và một số nước ASEAN+3 trong chuỗi giá trị thủy sản; giới thiệu chuỗi giá trị nông nghiệp và chuỗi giá trị gạo, sự tham gia của Việt Nam và một số nước ASEAN+3 trong chuỗi giá trị này; giới thiệu chuỗi giá trị dệt may, sự tham gia của Việt Nam và một số nước ASEAN+3 trong chuỗi giá trị này; giới thiệu về mạng sản xuất ngành điện tử, mạng sản xuất ngành điện tử tại các nước ASEAN+3 và sự tham gia của Việt Nam.
Các vấn đề được trình bày trong cuốn sách là những vấn đề mới và đang được quan tâm trong bối cảnh các tiến trình hội nhập đang diễn ra rất nhanh như AEC được hình thành vào cuối năm 2015, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU đã hoàn tất đàm phám. Đây là tài liệu tham khảo rất bổ ích cho đọc giả.
Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á