Nhà xuất bản Công thương, 2016, 198 trang
Kí hiệu: Vv2812
Ngày 05/5/2015, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Đây là FTA thế hệ mới đầu tiên trong số 07 FTA Việt Nam đang đàm phán được chính thức ký kết.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ tháng 12/2015, góp phần đưa mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước lên một tầm cao mới. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Do đó, việc ký kết FTA song phương với các nước này sẽ mở thêm nhiều cơ hội lớn về xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường này.
Trong phạm vi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc, hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của một nước thành viên được coi là có xuất xứ và đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan nếu hàng hóa đó đáp ứng một trong các quy định về xuất xứ sau: Có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu; Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu, nhưng đáp ứng quy định về hàng hóa có xuất xứ không thuần túy; quy tắc cụ thể mặt hàng; quy định đối với hàng hóa đặc biệt và cộng gộp; Được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu chỉ từ những nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam hoặc Hàn Quốc.
Nhằm kịp thời thông tin tới bạn đọc, nhất là là các doanh nghiệp về nội dung cam kết trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc, đặc biệt là thực hiện quy tắc xuất xứ trong Hiệp định, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp chuẩn bị chiến lược kinh doanh để tận dụng các lợi ích từ FTA này, Nhà xuất bản Công thương đã xuất bản cuốn “Những điều cần biết và hướng dẫn thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc”. Nội dung của cuốn sách gồm 3 chương như sau:
Chương 1: Tổng quan về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Chương này tóm lược các nội dung chính của VKFTA trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư; phân tích quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc; chỉ ra cơ hội và thách thức đối với Chính phủ, Bộ, ngành và doanh nghiệp; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và công tác tuyên truyền về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) trong thời gian tới.
Chương 2: Quy tắc xuất xứ và quy trình cấp xuất xứ trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Trong đó trình bày những quy định chung về xuất xứ hàng hóa; quy tắc xuất xứ ưu đãi và không ưu đãi; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thủ tục kiểm tra xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, chương này cũng giới thiệu (1) Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) cụ thể là về tiêu chí xuất xứ; những công đoạn gia công, chế biến đơn giản; vận chuyển trực tiếp; quy định về đóng gói và vật liệu đóng gói; phụ kiện, phụ tùng và dụng cụ; các yếu tố trung gian; nguyên liệu hoặc hàng hóa giống nhau và có thể thay thế nhau; (2) Quy trình câp xuất xứ trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) từ khâu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; tổ chức cấp C/O; đề nghị cho hưởng ưu đãi thuế quan; miễn nộp Giấy chứng nhận xuất xứ; yêu cầu lưu trữ hồ sơ; xử lý các khác biệt nhỏ và lỗi nhỏ; hóa đơn do nước không phải nước thành viên phát hành; xác minh xuất xứ; từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan; chứng từ áp dụng cho quy định vận chuyển trực tiếp; cho đến quy định chuyển tiếp đối với hàng hóa đang vận chuyển hoặc lưu kho; điều khoản thực thi.
Chương 3: Các văn bản hướng dẫn thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Chương này giới thiệu 3 văn bản quan trọng là Thông tư số 40/2015/TT-BTC ngày 18/11/2015 của Bộ Công thương quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc với 9 phụ lục; Thông tư số 06/2011/TT-BTC ngày 21/3/2011 của Bộ Công thương quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi; Quyết định số 4082/QĐ-BTC ngày 24/4/2015 của Bộ Công thương về việc ban hành quy trình thí điểm cấp giấy chứng nhận xuất xứ qua internet.
Với những nội dung nêu trên, cuốn sách đã trở thành tài liệu tham khảo vô cùng hữu ích cho các bạn đọc nghiên cứu về quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, đặc biệt là các nhà kinh doanh, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách, để từ đó các doanh nghiệp có cơ sở vững chắc để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp.
Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á