Tác giả: GS. TS Nguyễn Quang Thuấn, GS. TSKH. Mazyrin V. M. đồng chủ biên
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, 523 trang
Kí hiệu: Vv2769
Nhiều nước và một số tổ chức, định dạng liên kết trong khu vực Đông Á đã và đang khẳng định mình một các mạnh mẽ, đúng tinh thần thế kỷ XXI của Châu Á. Trung Quốc, Ấn Độ trỗi dậy, vị thế Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Việt Nam… được củng cố và tăng cường trên trường quốc tế. Hiện trạng mới ở khu vực dẫn tới việc một số thế lực dân tộc chủ nghĩa nảy sinh tham vọng địa chính trị muốn thâu tóm thế giới, bất chấp các chuẩn mực và luật pháp quốc tế. Những nước nhỏ, yếu cả về tiềm lực kinh tế lẫn quân sự phải tìm mọi biện pháp để đảm bảo an ninh. Các nước ngoài khu vực có lợi ích cũng tích cực “can dự” vào tình hình khu vực. Kết quả là, Đông Á trở thành đấu trường tranh giành lợi ích địa chính trị của nhiều thế lực và đang bị dấn sâu vào vòng xoáy bất ổn.
Trong cấu trúc an ninh mới tại Đông Á, vị thế và cai trò của nhân tố Hoa Kỳ và Nga - hai nước chính thức trở thành thành viên đầy đủ của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) từ năm 2011, ngày càng trở nên quan trọng. Hoa Kỳ có các đồng minh và hiệp định quân sự tại Đông Á, và là “thủ lĩnh” của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP. Nga có mối quan hệ chặt chẽ, ngày càng đem lại hiệu quả nổi bật. Đối tác đối thoại Nga - ASEAN, trong đó quan hệ Nga - Việt Nam đang đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Nhân tố Hoa Kỳ và Nga hiện đang là đối trọng góp phần làm giảm căng thẳng an ninh ngày càng gia tăng tại Đông Á. Đáng tiếc là, hiện nay Đông Á chưa có cơ chế đảm bảo an ninh đủ mạnh để có thể tranh thủ được sự ủng hộ của tất cả các “đối thủ” trong khu vực.
Do vậy, cần có một cơ chế đa phương cảnh báo sớm để ngăn ngừa khủng hoảng. Tính đa dạng của Đông Á, cũng như lợi ích của các siêu cường và cường quốc trong khu vực này, nhất định phải tính tới tính chất của các mối quan hệ giữa các nước lớn trên thế giới. Cách thực tế nhất là phải xây dựng cơ chế đảm bảo an ninh trên cơ sở “Phương pháp ASEAN” của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á đã được thời gian thử nghiệm. Nhằm góp phần làm rõ một số vấn đề đang diễn ra tại Đông Á, các nhà khoa học Viện Viễn Đông và một số viện nghiên cứu khác thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong đó có Viện Nghiên cứu Trung Quốc, bằng kinh nghiệm trong nghiên cứu lĩnh vực quốc tế học, khu vực học, Phương Đông học đã cùng nhau nghiên cứu công trình “Con đường củng cố an ninh và hợp tác Đông Á”. Cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Nga và tiếng Việt, với những nội dung chính là:
Phần 1: Tình hình an ninh khu vực Đông Nam Á. Bao gồm những bài viết cụ thể như những vấn đề và khả năng hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống tại Đông Á; sự hình thành hiện trạng địa chính trị mới tại Đông Á và vai trò của nước Nga; những thách thức an ninh toàn cầu và khu vực; an ninh sinh thái ở Đông Á; những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong nền kinh tế Đông Á và cách khắc phục; cấu trúc an ninh đang hình thành ở Đông Á; đòn bẩy kinh tế tăng cường an ninh và hợp tác trong khu vực: khả năng đối tác của các nước Đông Á với Nga trên cơ sở song phương và đa phương.
Phần 2: Chính sách của các nước lớn đối với khu vực. Phần này, tác giả trình bày bảy bài viết của các học giả về sự trỗi dậy của Trung Quốc và tác động của nó; chính sách đối ngoại của thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc và triển vọng quan hệ giữa các cường quốc tại Đông Á; Trung Quốc điều chỉnh chính sách ngoại giao láng giềng và tác động của nó tới an ninh Đông Á; điều chỉnh chiến lược an ninh - quốc phòng của Trung Quốc trong Đại hội XVIII - tác động đối với khu vực và Việt Nam; chính sách Đông Á của Thủ tưởng Narendra Modi; chính sách của Nhật Bản ở Đông Á; nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và cách giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực.
Phần 3: Ảnh hưởng của Trung Quốc - Nga - ASEAN tới an ninh khu vực. Ở đây, tác giả giới thiệu một số bài viết nổi bật đó là đối tác đối thoại “Nga - ASEAN”: hiện trạng, vấn đề, triển vọng phát triển; ảnh hưởng của những thay đổi địa chính trị khu vực đến an ninh của Việt Nam; quan hệ Việt - Trung và an ninh khu vực trước tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông; quan hệ Nga - Việt và các vấn đề an ninh khu vực ở khu vực Đông Nam Á; ASEAN và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Cuốn sách với những nội dung nêu trên đã giúp bạn đọc nắm bắt được khá toàn diện tình hình an ninh, chính trị khu vực Đông Á trong các thập niên đầu thế kỷ XXI. Đây là tài liệu thực sự bổ ích cho bạn đọc tham khảo.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á