Tác giả: PGS. TS. Trần Nam Tiến chủ biên
Nhà xuất Bản Văn hóa - Văn nghệ, TP HCM, 2014, 380 trang
Kí hiệu: Vv 2768
Trong bối cảnh Biển Đông ngày càng có ý nghĩa sống còn với các quốc gia trong khu vực, nhu cầu đảm bảo an ninh và kiến tạo nền hòa bình luôn được đặt ra thành một nhu cầu có thật và chính đáng. Hợp tác xung quanh vấn đề Biển Đông sẽ góp phần tạo tính gắn kết giữa các quốc gia và giảm dần những chia rẽ về mặt lợi ích của các quốc gia xung quanh vùng biển này. Trong các phương thức để hợp tác cùng phát triển tại Biển Đông, “thể chế hóa” đang dần trở thành ưu tiên trong chính sách và chiến lược của các quốc gia. Những ưu điểm của “thể chế hóa” dựa trên các giá trị, chuẩn tắc và luật pháp đã mang đến những tiến bộ rõ rệt. Nhờ vậy mà “thể chế hóa” đang ngày càng là công cụ hữu hiệu để các quốc gia nhỏ hơn hướng đến nhằm tạo thế cân bằng tương đối với các cường quốc có ưu thế hơn về nguồn lực lẫn năng lực cạnh tranh.
Tương lai của Biển Đông đang trở thành một bộ phận quan trọng cho tương lai an ninh và ổn định ở Đông Á. Do đó, nhu cầu hợp tác không chỉ đến từ các quốc gia không có yêu sách mà còn đến từ ngay cả các quốc gia có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Thực tế, chính các quốc gia có yêu sách tại vùng biển này là các quốc gia nên tằng cường hợp tác mạnh mẽ để dần giảm thiểu các bất đồng và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau. Tuy nhiên, đến nay các vấn đề hợp tác tại Biển Đông vẫn còn chưa được hệ thống đầy đủ. Còn khá nhiều nội dung vẫn chưa được các nhà nghiên cứu do các điều kiện chủ quan lẫn khách quan, trong khi tiếp cận hệ thống các vấn đề từ cơ bản cho đến mở rộng xung quanh các hoạt động tăng cường đảm bảo an ninh, thúc đẩy hợp tác Biển Đông là rất quan trọng cả về góc độ nhận thức lẫn thực tiễn, đồng thời gợi mở nhiều vấn đề đề nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thúc đẩy an ninh và hợp tác tại Biển Đông. Trên cơ sở tập hợp những bài viết tiêu biểu xoay quanh vấn đề hợp tác tại Biển Đông, cuốn sách “Hợp tác ở Biển Đông từ góc nhìn quan hệ quốc tế” ra đời nhằm cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về những hoạt động hợp tác để thúc đẩy an ninh và hòa bình trong khu vực. Với kết cấu ba phần, cuốn sách gồm những nội dung chính sau:
Phần 1: Sự hiện diện của các cường quốc ở Biển Đông - Lịch sử và hiện tại. Phần này tập trung một số bài viết nói về Hoa Kỳ và các chính sách ở khu vực Biển Đông; Trung Quốc với mưu đồ biến Biển Đông thành ao nhà; lợi ích, chính sách và tác động của sự hiện diện của Ấn Độ ở Biển Đông.
Phần 2: Vấn đề hợp tác giải quyết xung đột tại Biển Đông hiện nay. Trong đó đề cập đến các vấn đề như lịch sử và hiện tại của những xung đột ở Biển Đông; mô hình hợp tác giải quyết xung đột ở Biển Đông hiện nay; vai trò của liên minh Mỹ - Nhật trong quản lý xung đột ở Biển Đông; đóng góp của Nhật Bản trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh Biển Đông; Australia với việc thúc đẩy hợp tác Biển Đông.
Phần 3: Vấn đề thể chế hóa trong tranh chấp tại Biển Đông. Ở đây, tác giả đi sâu phân tích vai trò của “thể chế hóa” trong tranh chấp tại Biển Đông; thể chế hóa dưới góc nhìn của cường quốc: trường hợp Trung Quốc và DOC/COC; Mỹ và UNCLOS tại Biển Đông; nhu cầu “học thuật hóa” trong xử lý vấn đề tranh chấp tại Biển Đông.
Với những nội dung trên độc giả có thể tiếp cận những quan điểm của một số quốc gia về vấn đề hợp tác Biển Đông bằng cái nhìn đa chiều, từ các chủ thể tham gia quá trình hợp tác cho đến các hình thức hợp tác… Đây cũng là cơ sở để độc giả có thể hiểu biết được quá trình chuyển biến của các quốc gia, từ nhận thức cho đến thực tiễn triển khai các hoạt động hợp tác tại Biển Đông. Mặc dù vẫn còn tồn tại những bất đồng nhưng các quốc gia đều tán thành việc hợp tác như là chìa khóa quan trọng để tiến tới giải quyết thảo đáng một số vấn đề xung quanh lợi ích của các bên ở Biển Đông. Những hoạt động triển khai hợp tác tại Biển Đông sẽ là những gợi ý hữu ích để giải quyết các vấn đề tranh chấp hay mâu thuẫn trong tương lai. Trên cơ sở tham khảo các vấn đề này, Việt Nam có thể cân nhắc cho những đề xuất chính sách có liên quan đến các hoạt động để vừa triển khai đảm bảo an ninh Biển Đông vừa bảo vệ được chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á