Trang chủ

Tọa đàm khoa học dành cho nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam kỳ tháng 9 năm 2020: “Phát triển nguồn nhân lực quản lý tài nguyên, môi trường biển ở Hàn Quốc: thực trạng và bài học kinh nghiệm”

Đăng ngày: 30-09-2020, 08:56 | Danh mục: Hoạt động khoa học

Ngày 24/09/2020, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức buổi tọa đàm thứ ba nằm trong khuôn khổ chuỗi “Tọa đàm khoa học dành cho nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam” do TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - Triều Tiên làm chủ nhiệm, với sự tài trợ của Văn phòng Quỹ Korea Foundation tại Hà Nội.

Tham dự buổi tọa đàm, về phía khách mời có ông Woo Hyoung-min, Giám đốc Văn phòng Quỹ Korea Foundation tại Hà Nội; TS. Lưu Tuấn Anh, Trưởng bộ môn Hàn Quốc học, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Về phía Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á có PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó Viện trưởng phụ trách; PGS.TS Nguyễn Duy Lợi, Phó Viện trưởng; TS. Ngô Văn Vũ, Quyền Tổng biên tập Tạp chí, cùng các nhà nghiên cứu của Viện.

Tọa đàm khoa học dành cho nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam kỳ tháng 9 năm 2020: “Phát triển nguồn nhân lực quản lý tài nguyên, môi trường biển ở Hàn Quốc: thực trạng và bài học kinh nghiệm”
Ảnh: Các đại biểu tham dự tọa đàm

Buổi tọa đàm lần này có chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực quản lý tài nguyên, môi trường biển ở Hàn Quốc: thực trạng và bài học kinh nghiệm” do ThS. Dương Duy Đạt, Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam trình bày, với 5 nội dung chính: (1) Quá trình phát triển nguồn nhân lực quản lý tài nguyên, môi trường biển ở Hàn Quốc; (2) Công tác tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực quản lý tài nguyên, môi trường biển ở Hàn Quốc; (3) Bố trí, sử dụng nhân lực và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực; (4) Tạo động lực làm việc trong quản lý tài nguyên, môi trường biển; (5) Bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc về phát triển nguồn nhân lực quản lý tài nguyên, môi trường biển.

Tọa đàm khoa học dành cho nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam kỳ tháng 9 năm 2020: “Phát triển nguồn nhân lực quản lý tài nguyên, môi trường biển ở Hàn Quốc: thực trạng và bài học kinh nghiệm”
Ảnh: Toàn cảnh buổi tọa đàm

Trong phần I, diễn giả giới thiệu hai giai đoạn trong quá trình phát triển của Hàn Quốc có tác động mạnh đến môi trường nói chung, tài nguyên, môi trường biển nói riêng là giai đoạn 1961-1990 và giai đoạn từ 1991 đến nay. Trong đó, tập trung trình bày về cơ cấu tổ chức, một số điều luật cơ bản, kế hoạch và chiến lược của Chính phủ Hàn Quốc liên quan đến tài nguyên, môi trường biển và việc phát triển nguồn nhân lực về tài nguyên, môi trường biển. Phần II nhấn mạnh rằng Hàn Quốc rất chú trọng công tác tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường biển với khẩu hiệu lựa chọn “Đúng người – Đúng khả năng – Đúng thời điểm – Đúng địa điểm – Đúng chi phí”. Phần III giới thiệu thực trạng bố trí, sử dụng nhân lực trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển ở Hàn Quốc và những chính sách mà Hàn Quốc đang áp dụng để đào tạo, bồi dưỡng cũng như khuyến khích người lao động làm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường biển. Đặc biệt, từ năm 2017, Hàn Quốc đã đề ra 4 chiến lược giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực quản lý tài nguyên, môi trường biển. Tác giả cho rằng chính sách đào tạo, bồi dưỡng NNL quản lý tài nguyên, môi trường biển của Hàn Quốc đã được xây dựng và hoàn thiện một cách có hệ thống và liên tục. Phần IV giới thiệu về chế độ lương, thưởng, phụ cấp, bảo hiểm của Hàn Quốc dành cho người lao động trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển nhằm khuyến khích và tạo động lực làm việc cho người lao động trong lĩnh vực này. Phần V, từ kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực quản lý tài nguyên, môi trường biển của Hàn Quốc, tác giả đưa ra một số bài học, gợi ý cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Theo đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào phát triển kinh tế biển, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển nhằm trao đổi thông tin, tranh thủ kinh nghiệm và sự giúp đỡ của các nước phát triển; đồng thời cần thành lập cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm trước chính phủ về công tác tổ chức, quản lý phát triển kinh tế, xã hội vùng biển và hải đảo nói chung, quản lý, phát triển nguồn nhân lực biển nói riêng. Hay nói cách khác, Việt Nam cần sự thống nhất quản lý lĩnh vực biển và hải đảo vào một đầu mối để tập trung nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí.

Báo cáo kết luận rằng, nhờ thực hiện tốt chiến lược đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đầu tư cho giáo dục, đào tạo  nguồn nhân lực quản lý tài nguyên, môi trường biển, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia có nền công nghiệp đại dương và thủy sản hiện đại; môi trường biển được đảm bảo và phát triển bền vững. Từ những kinh nghiệm này, tác giả mong rằng Việt Nam có thể học hỏi được những bài học có giá trị để trở thành một quốc gia phát triển về kinh tế biển.

Tọa đàm khoa học dành cho nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam kỳ tháng 9 năm 2020: “Phát triển nguồn nhân lực quản lý tài nguyên, môi trường biển ở Hàn Quốc: thực trạng và bài học kinh nghiệm”
Ảnh: Ông Woo Hyoung-min, Giám đốc Văn phòng Quỹ Korea Foundation tại Hà Nội phát biểu tại tọa đàm

Sau khi lắng nghe phần trình bày của ThS. Dương Duy Đạt, các khách mời và người tham dự đã đưa ra nhiều bình luận và góp ý có giá trị. PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, đánh giá đây là phần trình bày rất giàu thông tin và thú vị. Tuy nhiên, tác giả cần giới hạn lại phạm vi nghiên cứu, làm rõ hơn các khái niệm “phát triển nguồn nhân lực”, “quản lý tài nguyên, môi trường biển”; nêu bật hơn nữa những đặc thù về thể lực, trí lực,... của công chức ngành quản lý tài nguyên, môi trường biển và hạn chế đưa ra những bài học chung chung mà cần đưa ra những bài học cụ thể hơn nữa. TS. Ngô Văn Vũ, Quyền Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, cho rằng tác giả nên nghiên cứu sâu hơn về nguồn nhân lực chất lượng cao (các nhà quản lý, các chuyên gia), làm rõ những đặc thù của nguồn nhân lực quản lý tài nguyên, môi trường biển như: sự thay đổi về số lượng, quy mô; cơ cấu giới, cơ cấu độ tuổi,... và đi vào các chính sách cụ thể hơn nữa. TS. Lưu Tuấn Anh, Trưởng bộ môn Hàn Quốc học, Khoa Đông phương học, nhận xét bài báo cáo là một tài liệu tham khảo tốt với nhiều nguồn thông tin phong phú; tuy nhiên, các mục lớn trong phần trình bày còn thiếu tính cân đối và chưa thấy được rõ nét thực trạng và những đặc thù trong phát triển nguồn nhân lực quản lý tài nguyên, môi trường biển của Hàn Quốc.

TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên, nhấn mạnh rằng chủ đề báo cáo lần này gắn liền với một vấn đề mà Việt Nam hiện đang rất quan tâm, đó là vấn đề biển đảo và đánh giá rất cao việc tác giả đã sang Hàn Quốc để tiến hành điều tra, khảo sát phục vụ cho nghiên cứu. Ông Woo Hyoung-min, đại diện Quỹ Korea Foundation tại Hà Nội, khẳng định rằng chủ đề tọa đàm lần này là một chủ để rất đáng quan tâm, đặc biệt là đối với 2 nước Hàn Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng phát triển nguồn nhân lực quản lý tài nguyên, môi trường biển là một nội dung rất rộng, vì vậy, tác giả nên đi sâu phân tích theo từng mục cụ thể hơn.

Sau một thời gian thảo luận sôi nổi và cởi mở, buổi tọa đàm đã kết thúc tốt đẹp. Thay mặt Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, PGS.TS. Phạm Quý Long gửi lời cảm ơn tới các vị khách quý đã dành thời gian tham dự tọa đàm, đồng thời, hi vọng những trao đổi, góp ý trong buổi tọa đàm sẽ giúp ích cho tác giả trong việc hoàn thiện nghiên cứu, từ đó, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển đội ngũ nghiên cứu về Hàn Quốc tại Việt Nam trong thời gian tới./.

 

Lương Hồng Hạnh

0thảo luận