Ngày 11/9/2020, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, ThS. Trần Thị Mỹ Hoa, cán bộ phòng Nghiên cứu Chính trị - An ninh đã trình bày một số kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 với nhan đề “Chính sách đảm bảo an ninh con người ở Nhật Bản hiện nay”.
Báo cáo tập trung làm rõ khái niệm an ninh con người và khái quát chính sách đảm bảo an ninh con người ở Nhật Bản giai đoạn trước năm 2011, đồng thời đi sâu tìm hiểu những nhân tố tác động và nội dung chính sách đảm bảo an ninh con người ở Nhật Bản từ 2011 đến nay. Từ đó đưa ra một vài đánh giá thành tựu đạt được và những thách thức còn tồn đọng trong các chính sách đảm bảo an ninh con người ở Nhật Bản giai đoạn trước và sau năm 2011.Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu trong việc tiếp cận, nhận thức và thực hiện mục tiêu tăng cường an ninh con người. Chính phủ Nhật Bản cho rằng, an ninh con người “bao gồm một cách toàn diện tất cả các vấn đề đe dọa sự sống còn của con người, cuộc sống hàng ngày, và nhân phẩm của họ, chẳng hạn như: suy thoái môi trường, vi phạm các quyền con người, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, ma túy, người tị nạn, nghèo đói,… và tăng cường nỗ lực để đối mặt trước các mối đe dọa”. Theo quan điểm này, những quyền cơ bản của con người được coi là cốt lõi trong cuộc sống thường nhật và các quyền đó cần được bảo vệ nhằm tạo ra một thế giới nhân văn, nơi mà mọi người đều được sống trong an ninh, ấm no, hạnh phúc, đồng thời có cơ hội bình đẳng để phát triển đầy đủ tiềm năng của mỗi cá nhân.
Nhật Bản đã đạt được nhiều thành quả trong việc áp dụng khái niệm an ninh con người vào thực tiễn ứng phó với các thách thức đối với đời sống, sức khỏe... của nhân dân. Có thể thấy, sau những hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng ba trong một bao gồm: động đất, sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào năm 2011, Nhật Bản phải đối đầu với muôn vàn những khó khăn, trong đó nổi lên hàng đầu là vấn đề về đảm bảo an ninh môi trường, lương thực và sức khỏe. Nhiều người đã nghĩ rằng Nhật Bản sẽ phải mất vài năm, thậm chí lâu hơn nữa để khôi phục, đảm bảo cuộc sống cho con người. Tuy nhiên, chỉ sau một năm Nhật Bản đã về cơ bản giải quyết được những khó khăn, đây là một sự hồi sinh rất đáng khâm phục,cho thấy được những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản và toàn dân trong việc tái thiết đất nước, không ngừng đảm bảo an ninh cho con người trong mọi hoàn cảnh. Việc nghiên cứu những chính sách đảm bảo an ninh con người của Nhật Bản kể từ sau thảm họa thiên nhiên 2011, đặc biệt ở các lĩnh vực an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường sẽ là bài học hữu ích đối với tình hình Việt Nam.
Các cán bộ tham dự đánh giá cao những ưu điểm của đề tài, đặc biệt với một cán bộ nghiên cứu trẻ mới làm đề tài cấp cơ sở, đồng thời có nhiều câu hỏi thảo luận, góp ý xoay quanh nội dung và kết cấu của đề tài như những vấn đề liên quan đến thời gian nghiên cứu của đề tài, khái niệm an ninh con người, các chỉ số đánh giá an ninh con người ở Nhật Bản và chính sách an ninh con người ở Việt Nam hiện nay Các câu hỏi và ý kiến đặt ra đã được ThS. Trần Thị Mỹ Hoa nhiệt tình giải đáp, chia sẻ và tiếp thu đểtiếp tục hoàn thiện đề tài trước khi nghiệm thu chính thức.
Phương Hoa