Nằm trong chương trình sinh hoạt khoa học định kỳ, ngày 8/9/2020, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, ThS. Phan Thị Oanh, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên đã trình bày một số kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 với nhan đề “Chính sách văn hóa trong một số lĩnh vực nổi bật của Hàn Quốc từ năm 1960 đến nay”.
Báo cáo trình bày một số cơ sở lý luận và thực tiễn của việc nghiên cứu chính sách văn hóa của Hàn Quốc, trong đó làm rõ các khái niệm liên quan đến chính sách văn hóa và bối cảnh kinh tế, xã hội, chính trị Hàn Quốc từ năm 1960 đến nay. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn đã nêu, báo cáo đi sâu tìm hiểu, phân tích những chính sách văn hóa của Hàn Quốc bao gồm các chính sách bảo tồn di sản văn hóa, chính sách công nghiệp hóa, chính sách văn hóa vùng miền và chính sách hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa.Chính sách văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển của nền văn hóa của mỗi quốc gia. Hàn Quốc đã trải qua nhiều biến động xã hội, kinh tế, chính trị, tác động mạnh tới mục tiêu, nội dung của các chính sách văn hóa. Trong suốt thời gian dài, quốc gia này chỉ tập trung vào việc phát triển kinh tế mà “lãng quên” các chính sách phát triển văn hóa. Mãi đến thập niên 1960, chính quyền Park Chung Hee mới bắt đầu ban hành một số điều luật cơ bản liên quan đến văn hóa quốc gia. Mặc dù các chính sách văn hóa của Hàn Quốc trong thời kỳ đầu chỉ tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể như sưu tầm, phục dựng và bảo tồn di sản văn hóa, song ít nhiều đó cũng là cơ sở cho sự đầu tư, quan tâm tới chính sách văn hóa của các chính phủ Hàn Quốc sau này một cách toàn diện, hoàn thiện hơn.
Với định hướng xây dựng một quốc gia “lấy văn hóa làm trung tâm” bằng cách “nhận diện và phát triển kinh tế và xã hội của văn hóa”, về mặt nội dung chính sách văn hóa, có thể nói Hàn Quốc đã thành công trong việc lồng ghép phát triển văn hóa với kinh tế, giải quyết tốt bài toán giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện đại, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, dễ nhận thấy kết quả qua Hallyu - Làn sóng văn hóa Hàn Quốc.
Nghiên cứu chính sách văn hóa của Hàn Quốc là cần thiết để có thể rút ra những kinh nghiệm quý báu trong việc hoạch định và triển khai thực hiện chính sách văn hóa, đặc biệt trong chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa… của Việt Nam.
Do đây là một đề tài có phạm vi nghiên cứu rộng, khó có thể đảm bảo nghiên cứu sâu trong một đề tài cấp cơ sở, tại buổi báo cáo, các cán bộ tham dự đã có nhiều góp ý cho chủ nhiệm đề tài trong việc giới hạn nội dung và tập trung vào các chính sách nổi bật trong lĩnh vực văn hóa như chính sách bảo tồn di sản văn hóa và giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa. Một số ý kiến khác cũng cho rằng đề tài nên tập trung phân tích bối cảnh ra đời của các chính sách văn hóa để làm rõ hơn mục tiêu của các chính sách trong giai đoạn nghiên cứu. Các câu hỏi và ý kiến đặt ra đã được ThS. Phan Thị Oanh nhiệt tình giải đáp, chia sẻ và tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện đề tài trước khi nghiệm thu chính thức.
Phương Hoa