Ngày 22/9/2020, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, TS. Hạ Thị Lan Phi, cán bộ phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội đã trình bày một số kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 với nhan đề “Hệ giá trị quan Nhật Bản”.
Báo cáo tập trung làm rõ những vấn đề lí luận về giá trị, hệ giá trị và hệ giá trị quan Nhật Bản. Báo cáo cũng đi sâu phân tích các giá trị quan cốt lõi của Nhật Bản như tinh thần Nhật Bản, tinh thần võ sĩ đạo; sự tỉ mỉ, nhẫn nại và cầu toàn; đồng thời đưa ra các khía cạnh hình thành nên bảng giá trị quan con người Nhật Bản. Trên cơ sở lý luận đã trình bày ở các phần trên, báo cáo tìm hiểu những vấn đề giá trị quan Nhật Bản từ 1990 đến nay và đề xuất một vài gợi ý cho Việt Nam.Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay đang có những biến động lớn trong bối cảnh chuyển đổi đa chiều, phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế. Có sự thay đổi thang bậc và sự mai một, phai nhạt, thậm chí suy thoái ở một số giá trị vốn được coi trọng trong xã hội truyền thống, như: tiết kiệm, cần cù, giản dị, khiêm tốn, nhẫn nhịn, chung thủy... Những câu chuyện về sự tha hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ những người có tiền, có quyền; nạn bạo hành, xâm hại trẻ em; quan hệ giữa thầy, cô giáo và học trò; không ít người trẻ lười lao động, ăn chơi hưởng thụ… thường xuyên xảy ra và trờ thành đề tài thời sự. Vì vậy, vấn đề xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người được nhắc đến nhiều và được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển văn hóa, hoàn thiện con người Việt Nam trong thời kì hiện nay.
Ở khu vực châu Á, Nhật Bản là nước đi đầu trong phong trào mở cửa “học tập, đuổi kịp và vượt phương Tây”, tiến hành hiện đại hóa đất nước một cách nhanh chóng, mạnh mẽ. Bên cạnh nỗ lực tăng cường tiềm lực kinh tế, công nghiệp, quốc phòng..., Nhật Bản cũng sớm ý thức được tầm quan trọng của việc khẳng định vị thế đồng đẳng với các quốc gia tiên tiến phương Tây trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng. Do đó, cho đến nay, trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn các giá trị văn hóa của các nước, đặc biệt, đối với các quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, việc tìm hiểu và học tập những kinh nghiệm xây dựng hệ giá trị văn hóa, giá trị con người ở các quốc gia tiên tiến, có nền văn hóa truyền thống, tuy mở cửa tiếp nhận nền văn minh khác nhưng vẫn duy trì được những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của dân tộc như Nhật Bản là cần thiết cho việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, giá trị con người ở Việt Nam hiện nay.
Các cán bộ tham dự đã có nhiều câu hỏi thảo luận và góp ý với chủ nhiệm đề tài. Một số ý kiến cho rằng đề tài nên làm rõ hơn và có so sánh giữa các khái niệm giá trị, hệ giá trị và hệ giá trị quan; đồng thời tìm hiểu thêm tác động tích cực và tiêu cực của các giá trị quan tới phát triển kinh tế - xã hội. Một số cán bộ cũng đưa ra câu hỏi về bốn chiều cạnh của bảng giá trị quan Nhật Bản; các giá trị quan mới và giá trị cốt lõi mà Nhật Bản hiện nay đang muốn xây dựng, phát triển; tác động của văn hóa Hán đến hệ giá trị quan Nhật Bản... Các câu hỏi và ý kiến đặt ra đã được TS. Hạ Thị Lan Phi nhiệt tình giải đáp, chia sẻ và tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện đề tài trước khi nghiệm thu chính thức.
Phương Hoa