Ngày 15/9/2020, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, ThS. Lương Hồng Hạnh, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên đã trình bày một số kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 với nhan đề “Quản lý thảm họa ở Nhật Bản: khảo sát trường hợp động đất Hanshin (1995) và động đất sóng thần Fukushima (2011)”.
Báo cáo đưa ra cái nhìn toản cảnh về lịch sử thảm họa thiên nhiên tại Nhật Bản, trong đó tập trung vào các trận động đất, sóng thần lớn ở Nhật Bản nhằm nêu lên đặc trưng, tính chất, mức độ tác động của động đất, sóng thần đối với Nhật Bản. Đồng thời giới thiệu sơ lược về hệ thống quản lý thảm họa ở Nhật Bản thông qua hai trường hợp động đất Hanshin (1995) và động đất sóng thần Fukushima (2011).Thế kỷ 21 là thế kỷ tiềm ẩn nhiều nguy cơ và khủng hoảng. Với tình trạng nóng lên của Trái Đất, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, cùng với đó là sự gia tăng về dân số, sự lớn mạnh như vũ bão của công nghệ trong bối cảnh chênh lệch giàu nghèo, sự chia rẽ giữa các cộng đồng, các quốc gia ngày một rõ nét, có thể thấy các nguy cơ về thảm họa là thực tế, gần gũi với mỗi cá nhân và phổ biến trên toàn thế giới. Do vậy, quản lý thảm họa đã trở thành nhu cầu cấp thiết đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia thuộc khu vực Đông Á – khu vực được coi là chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tiềm ẩn nhiều bất ổn về an ninh, chính trị.
Nghiên cứu về quản lý thảm họa đối với Việt Nam đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Không chỉ đối mặt với các nguy cơ về thảm họa môi trường, điển hình như “Thảm họa cá chết ở Formosa” (Vũng Áng) - thảm họa môi trường biển chưa từng có đối với Việt Nam, gây nên những chấn động và bàng hoàng không chỉ ở phạm vi địa phương mà với toàn bộ người dân trong cả nước, Việt Nam còn là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng. Việc Trung Quốc cho xây dựng các nhà máy điện hạt nhân gần biên giới Việt Nam cũng đang đặt ra cho chúng ta những câu hỏi về an toàn bức xạ và yêu cầu hợp tác về xây dựng mạng quan trắc, cũng như các kế hoạch ứng phó quốc gia khi xảy ra sự cố. Trong bối cảnh mới này, thảm họa không còn chỉ là thiên tai với “giặc nước”, “giặc lửa”,… mà còn là những thảm họa công nghệ, thảm họa nhân tạo mang tính hủy diệt môi trường ở phạm vi rộng lớn và lâu dài hơn.
Trong khi đó, Nhật Bản là quốc gia liên tục phải đối mặt với các thảm họa tàn khốc trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là động đất và sóng thần. Với những kinh nghiệm từ các thảm họa quy mô lớn, Nhật Bản đã xây dựng một hệ thống quản lý thảm họa toàn diện từ trung ương đến địa phương và liên tục cải tiến hệ thống nhằm nâng cao hơn nữa khả năng ứng phó thảm họa, tăng cường an toàn và an ninh quốc gia. Trong bối cảnh thảm họa diễn biến ngày một phức tạp hơn trước, những kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống quản lý thảm họa, cũng như các bài học rút ra từ thảm họa động đất, sóng thần của Nhật Bản chắc chắn sẽ trở nên hữu ích đối với mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Các nội dung ThS Lương Hồng Hạnh trình bày đã nhận được nhiều sự quan tâm và ý kiến đóng góp, thảo luận của các cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á về kết cấu, nội dung của báo cáo. Nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến hệ thống quản lý thảm họa ở Nhật Bản, các biện pháp cảnh báo và hỗ trợ thảm họa ở Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam … đã được ThS Lương Hồng Hạnh nhiệt tình chia sẻ, giải đáp. Một số ý kiến góp ý cho rằng đề tài nên xác định rõ hơn phạm vi nghiên cứu, chỉ tập trung vào các thảm họa động đất sóng thần và cần có các so sánh rõ hơn về hai trận động đất Hanshin (1995) và động đất sóng thần Fukushima (2011)
Phương Hoa