Ngày 18/9/2020, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh, cán bộ phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội đã trình bày một số kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 với nhan đề “Đào tạo thợ thủ công truyền thống ở Nhật Bản từ 1945 đến nay”.
Báo cáo tập trung làm rõ khái niệm liên quan đến thợ thủ công truyền thống Nhật Bản; tìm hiểu thực trạng về thợ thủ công truyền thống Nhật Bản về cả số lượng, chất lượng thợ thủ công truyền thống và môi trường làm việc của họ từ năm 1945 đến nay. Báo cáo cũng tiến hành khảo sát một số trường hợp đào tạo thợ thủ công truyền thống tiêu biểu trong mô hình gia đình – dòng họ và mô hình đào tạo ngoài xã hội để làm dẫn chứng cụ thể. Đồng thời đi sâu phân tích những chính sách, giải pháp của Nhật Bản trong vấn đề đào tạo thợ thủ công truyền thống và đề xuất một vài gợi ý cho Việt Nam.Nghề thủ công truyền thống là ngành sản xuất ra các sản phẩm vật chất có tính ứng dụng, phục vụ cho nhu cầu của đời sống hàng ngày. Bên cạnh đó, các sản phẩm thủ công truyền thống cũng là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo lưu giữ những giá trị truyền thống qua hàng trăm năm, đồng thời cũng thỏa mãn yếu tố thưởng lãm nghệ thuật của công chúng. Ở Nhật Bản, từ sau năm 1945, khi Nhật Bản bước vào giai đoạn kiến thiết của nền kinh tế sau chiến tranh, những ngành nghề thủ công truyền thống trở nên lạc hậu, và dần suy thoái. Khi nghề thủ công không còn giữ vị trí chủ chốt trong sản xuất kinh tế, số lượng thợ thủ công theo nghề cũng vì thế nên sụt giảm mạnh. Đặc biệt, số lượng nghệ nhân ngày càng ít đi theo thời gian, nghệ nhân lành nghề ngày một lớn tuổi.
Tuy hiện nay Nhật Bản đã nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát triển nghề thủ công truyền thống và thực thi rất nhiều biện pháp đào tạo, hỗ trợ nhằm nâng cao số lượng và chất lượng tầng lớp thợ thủ công kế nhiệm, song hiệu quả nhận được từ những chính sách này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Do đó, việc nghiên cứu để thấy được toàn cảnh bức tranh đào tạo thợ thủ công truyền thống trong công cuộc gìn giữ và phát triển nghề là rất cần thiết. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước có sự tương đồng về văn hóa sản xuất đồ thủ công truyền thống, từ việc nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề này có thể rút ra nhiều bài học hữu ích cho nước ta trong việc đề xuất các chính sách bảo tồn và phát huy các ngành nghề thủ công truyền thống hiện nay.
Các cán bộ tham dự đã có nhiều câu hỏi thảo luận và góp ý với chủ nhiệm đề tài cần chú trọng hơn vào những vấn đề liên quan đến nhân lực và chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân trong các làng nghề truyền thống, cách thức giữ gìn các bí quyết nghề gia truyền. Đồng thời bổ sung và tìm hiểu thêm về yếu tố kinh tế trong vấn đề thu hút và đào tạo nghệ nhân; mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước và nghệ nhân; mối quan hệ giữa phát triển nghề thủ công truyền thống với phát triển du lịch và giao lưu quốc tế; tìm hiểu kinh nghiệm đào tạo nghệ nhân của các nước khác và liên hệ với Việt Nam. Các câu hỏi và ý kiến đặt ra đã được ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh giải đáp, chia sẻ và tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện đề tài trước khi nghiệm thu chính thức.
Phương Hoa