Trang chủ

CẢI CÁCH THỂ CHẾ VĂN HÓA TRUNG QUỐC TỪ NĂM 1978 ĐẾN NAY

Đăng ngày: 14-06-2018, 09:31 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Phương chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2017, 374 trang

Kí hiệu: Vv 2871

Sau gần bốn thập kỷ tiến hành công cuộc cải cách mở cửa, Trung Quốc đang bước vào một chu kì mới của cải cách thể chế văn hóa trong bối cảnh thế giới cũng như tình hình trong nước có nhiều thay đổi. Để tận dụng thời cơ chiến lược, cũng như hạn chế tối đa những thách thức, Đại hội lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định quốc gia này trong tương lai phải là cường quốc văn hóa xã hội chủ nghĩa có khả năng dẫn dắt lãnh đạo thế giới. Trong các bước tiến hành cải cách để trở thành cường quốc văn hóa thế giới, Trung Quốc đã chú trọng triển khai các phương thức ngoại giao văn hóa mới mẻ và thực dụng hơn nhằm khẳng định vị trí nước lớn và khả năng ảnh hưởng về văn hóa đối với các nước láng giềng tại khu vực Đông Á. Điều này đã, đang và sẽ đặt ra nhiều vấn đề cần phải xem xét, lý giải đối với Việt Nam, quốc gia nằm ở vị trí then chốt trong mục tiêu chiến lược trở thành cường quốc văn hóa của Trung Quốc. Do đó, nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu “Cải cách thể chế văn hóa ở Trung Quốc từ năm 1978 đến nay” nhằm rút ra một số kinh nghiệm thành công cũng như thất bại có khả năng gợi mở cho chúng ta các hướng giải quyết chủ động và đề xuất một số giải pháp ứng phó phù hợp. Cuốn sách gồm 3 chương như sau:

Chương 1: Khái niệm thể chế và nhận thức của Trung Quốc về cải cách thể chế văn hóa. Trong chương này, các tác giả trình bày khái niệm thể chế; quan niệm về thể chế văn hóa; các nhân tố dẫn đến cải cách thể chế văn hóa; nhận thức của Trung Quốc về mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc cải cách thể chế văn hóa.

Chương 2: Thực trạng cải cách thể chế văn hóa Trung Quốc từ năm 1978 đến nay trình bày tiến trình cải cách thể chế văn hóa Trung Quốc từ giai đoạn bước đầu triển khai cải cách (1978-1991) đến giai đoạn hoàn thiện khung thể chế văn hóa theo hướng hiện đại hóa (1992-2001) và giai đoạn cải cách mang tính đột phá (từ năm 2002 đến nay). Bên cạnh đó, các tác giả cũng đưa ra một số đánh giá về thành công và hạn chế trong cải cách thể chế văn hóa Trung Quốc.

Chương 3: Dự báo xu hướng cải cách thể chế văn hóa Trung Quốc đến năm 2020 – một số kinh nghiệm và gợi mở đối với Việt Nam. Các tác giả đưa ra dự báo về những cơ hội và thách thức cũng như định hướng, giải pháp trong tương lai của cải cách thể chế văn hóa Trung Quốc; một số kinh nghiệm và vấn đề rút ra từ trường hợp Trung Quốc. Đồng thời, các tác giả cũng nhìn lại chặng đường cải cách thể chế văn hóa của Việt Nam từ năm 1986 đến nay, cơ hội và thách thức cũng như đưa ra một số gợi mở về giải pháp cải cách thể chế văn hóa Việt Nam.

Với lối trình bày khoa học, dễ hiểu, cuốn sách giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những thay đổi của quá trình cải cách thể chế văn hóa của Trung Quốc, giúp các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đưa ra những chính sách phù hợp hơn trong các mối quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa với Trung Quốc, đồng thời rút ra những kinh nghiệm thiết thực trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới trên lĩnh vực văn hóa hiện nay.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận