Trang chủ

HOA CÚC VÀ GƯƠM NHỮNG HÌNH MẪU VĂN HÓA NHẬT BẢN

Đăng ngày: 11-05-2018, 08:48 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Ruth Benedict

Nhà xuất bản:  Hồng Đức

Ký hiệu: Vv2829

 

Đất nước và con người Nhật Bản với những nét văn hóa đặc trưng và bí ẩn luôn là một đề tài thu hút các nhà nghiên cứu toàn thế giới. Năm 1944, tác giả người Mỹ Ruth Benedict được giao nhiệm vụ nghiên cứu về nước Nhật. Tuy nhiên lúc này, Mỹ và Nhật Bản đang giao chiến nên tác giả đã không thể dùng phương pháp điều tra thực đại thông thường. Thay vào đó, trên cương vị một nhà nhân loại học văn hóa, bà đã dùng những phương pháp nghiên cứu lý thuyết cơ bản để viết cuốn sách: Hoa cúc và gươm những mẫu hình văn hóa Nhật Bản. Cuốn sách gồm 13 chương: Nhiệm vụ Nhật Bản; Người Nhật trong chiến tranh; Người nào chỗ nấy; Cuộc duy tân Meiji; Kẻ mang nợ của lịch sử và thế giới; Đền ơn trong muôn một; Sự đền đáp “cái khó nhận nhất”; Gột rửa thanh danh; Thế giới cảm xúc của con người; Vấn đề nan giải của đạo đức; Tự tu dưỡng; Việc học của trẻ em; Người Nhật sau ngày bại trận.

Từ tựa đề cuốn sách, người đọc có thể thấy nổi bật hình tượng hoa cúc và gươm trong văn hóa Nhật Bản. Hoa cúc là loài hoa cao quý nó không chỉ tượng trưng cho sự thanh khiết, thẩm mỹ mà nó còn là biểu tượng cho Hoàng gia. Với gu thẩm mỹ tinh tế, người Nhật luôn tìm kiếm sự hoàn hảo trong mọi việc. Người Nhật rất coi trọng nghĩa vụ và ân huệ: ân huệ của cha, mẹ, của giáo viên, sư phụ và trên hết là ân huệ của Thiên hoàng. Họ luôn coi trọng việc đền ơn cao độ về mặt đạo đức. Họ coi mình là kẻ mang nợ của lịch sử và thế giới, thừa nhận về sự mắc nợ lớn lao của con người với quá khứ. Chính từ sự hàm ơn này dẫn đến những quyết định và hành động hàng ngày của người Nhật.

Thanh gươm trong văn hóa Nhật được xem như là biểu tượng của danh dự, lòng tự trọng và sự tu dưỡng tâm hồn của người Nhật. Thanh gươm cũng là vũ khí tối thượng của Samurai, nó luôn phải được mài sáng giống như đức hạnh của con người. Người Nhật cho rằng điều quan trọng để có một tâm hồn luôn thanh khiết, sáng ngời là sự tự tu dưỡng bản thân. Tự tu dưỡng giúp gột sạch những cái gọi là sự rỉ sét của con người, làm cho con người giống sắc bén giống như những thanh gươm được mài sáng.

Nét đặc trưng văn hóa của người Nhật chính là dung hòa những mâu thuẫn. “Người Nhật, ở mức độ cao nhất, vừa rất hung bạo lại vừa rất ôn hòa, vừa quân phiệt lại vừa có khiếu thẩm mỹ, vừa cao ngạo lại vừa lịch sự, vừa cứng nhắc lại vừa có khả năng thích ứng nhanh, vừa dễ phục tùng lại vừa không thích bị sai khiến, vừa trung thành lại vừa dễ bội tín, vừa dũng cảm lại vừa hèn nhát, vừa bảo thủ lại vừa hoan nghênh những cách thức mới”.

Trong cuốn sách, tác giả nghiên cứu về văn hóa hành vi của người Nhật trong chiến tranh, tìm hiểu sự khác biệt trong nhân sinh quan giữa người Nhật với người phương Tây. Tác giả cũng đề cập đến cuộc Duy tân Minh Trị, thế giới cảm xúc của con người và việc học của trẻ em Nhật Bản. Bên cạnh đó, tác giả trình bày quá trình tiến hóa của ý thức hệ Nhật Bản và khám phá một số điều phức tạp, hấp dẫn và thú vị của xã hội và con người Nhật Bản được hàm chứa rõ nét trong sự sùng bái hoa cúc và thanh gươm. Benedict cũng đưa ra dự đoán hành vi của người Nhật trong tương lai sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nước Nhật đã thay đổi rất nhiều từ năm 1945. Lớp trẻ Nhật hiện nay thậm chí còn khó có thể hiểu được một vài khía cạnh của “tính cách dân tộc” được đề cập trong sách của Benedict. Lòng trung thành với Nhật hoàng, trách nhiệm với cha mẹ, nỗi sợ khi không đáp lại được lòng tốt của người khác, tất cả những điều này đã dần phai mờ trong kỷ nguyên say mê bản ngã và săn đuổi công nghệ.

Tác giả Ruth Benedict là một trong những nhà nhân loại học kiệt xuất của thế kỷ XX. Cuốn sách Hoa cúc và gươm những mẫu hình văn hóa Nhật Bản tuy đã trải qua nhiều thập niên nhưng vẫn là tác phẩm không thể thiếu trong những nghiên cứu về nhân loại học văn hóa.

Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả!

Thực hiện: Kiều Dung, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận