Tác giả: TS. Nguyễn Xuân Cường chủ biên
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2018, 275 trang
Kí hiệu: Vv2872
Trung Quốc sau gần 40 năm cải cách mở cửa đã trở thành cường quốc về kinh tế, đang hướng tới mục tiêu siêu cường, đại phục hưng Trung Hoa với khát vọng “giấc mộng Trung Hoa”sớm trở thành siêu cường, lãnh đạo thế giới… đang cạnh tranh quyết liệt với Mỹ. Trong tiến trình đó, tìm kiếm mô hình, con đường, phương thức phát triển, thay đổi tư duy, chiến lược… là những chủ đề then chốt trong cải cách và phát triển, cũng là những nội dung quan trọng trong cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Bước vào thế kỷ XXI, với việc gia nhập WTO, Trung Quốc chủ động, tích cực hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế và chính trị toàn cầu. Cải cách, nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cải cách thể chế quản lý, chuyển biến chức năng của chính quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật, mở rộng dân chủ hóa kinh tế, giải quyết các vấn đề nổi cộm… trở thành những nội dung quan trọng trong cả cách thể chế chính trị ở Trung Quốc. Cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc, đặc biệt từ Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc là những bước tìm tòi, thử nghiệm thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” hướng tới mục tiêu siêu cường, tác động tới thế giới, khu vực và Việt Nam. Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, nhóm tác giả đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách này. Cuốn sách có kết cấu 4 chương như sau:
Chương 1: Một số vấn đề cơ bản và bối cảnh cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc khi bước sang thế kỷ XXI. Trong chương này, các tác giả phân tích một số vấn đề cơ bản về cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc. Đồng thời các tác giả cũng trình bày bối cảnh cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc khi bước sang thế kỷ XXI.
Chương 2: Cải cách thể chế chính trị Trung Quốc thập niên đầu thế kỷ XXI. Ở đây, các tác giả tập trung phân tích định hướng cải cách chính trị Trung Quốc thập niên đầu thế kỷ XXI, tiến trình xây dựng pháp trị và dân chủ, đồng thời đưa ra những nhận xét về cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc thời gian này và bối cảnh cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc khi bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, trong đó đề cập đến tình hình Trung Quốc, thách thức đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và bối cảnh quốc tế.
Chương 3: Cải cách thể chế chính trị Trung Quốc từ Đại hội XVIII. Trong phần này, các tác giả đi sâu phân tích chủ trương, biện pháp; cải cách cơ chế quyết sách chính trị; cải cách thể chế quản lý và nâng cao năng lực quản trị quốc gia; phòng chống tham nhũng, đẩy mạnh giám sát; thúc đẩy cải cách tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; thí điểm cải cách thể chế tại một số tỉnh, thành phố.
Chương 4: Nhận xét, triển vọng và bài học kinh nghiệm cải cách thể chế chính trị của Trung Quốc. Chương này bao hàm những nhận xét về cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc từ Đại hội XVIII, đó là cải cách thể chế chính trị và kinh tế, cải cách thể chế chính trị và xã hội, cải cách chính trị với cải cách quân đội ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đưa ra triển vọng về cải cách thể chế chính trị Trung Quốc, cụ thể là về kinh tế, xã hội; triển vọng giải quyết những khó khăn của Đảng Cộng sản Trung Quốc; triển vọng chính trị đối nội, chính trị đối ngoại; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm của Trung Quốc.
Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện các nghị quyết của Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên hiện nay chúng ta đang đứng trước những thách thức trong tái cấu trúc gắn với chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng; tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Quan hệ Việt - Trung đã bước vào giai đoạn mới, vừa hợp tác vừa đấu tranh với những thời cơ và thách thức đan xen. Nội dung cuốn sách giúp chúng ta hiểu sâu hơn về những biến chuyển ở Trung Quốc, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, gợi mở đối với Việt Nam. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!
Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á