Trang chủ

KINH TẾ VÀ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN 2015

Đăng ngày: 6-10-2016, 04:31 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Nguyễn Bình Giang (chủ biên)

Nhà xuất bản Khao học xã hội, 2016, 204 trang

Ký hiệu: Vv2759

Năm 2015 là một năm có nhiều sự kiện kinh tế và chính trị đặc biệt vì tác động và sự khó đoán trước của chúng. Tuy nhiên, bên cạnh các xu thế mới, vẫn có một số xu thế của những năm trước tiếp tục diễn ra trong năm 2015 và chi phối kinh tế chính trị toàn cầu.

Nhằm giúp độc giả có cái nhìn tổng quan về tình hình thế giới trong năm 2015, nhà xuất bản Khoa học xã hội cho ra mắt cuốn sách Kinh tế và chính trị thế giới – Báo cáo thường niên 2015. Cuốn sách mô tả bức tranh tổng quan về nền kinh tế thế giới, chính trị và an ninh quốc tế năm 2015. Đồng thời, cuốn sách cũng điểm lại và phân tích những sự kiện kinh tế, chính trị, an ninh phi truyền thống nổi bật trong năm qua. Dựa trên các xu thế và các sự kiện lớn của năm 2015, đánh giá triển vọng kinh tế và chính trị năm 2016 và một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam.

Cuốn sách gồm 3 chương, có những nội dung chính như sau:

Chương 1: Tổng quan kinh tế và chính trị thế giới năm 2015. Trong chương này tác giả đưa ra đánh giá tổng quan về bức tranh kinh tế, chính trị an ninh năm 2015 với các nội dung chính như: Về kinh tế: Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại; các xu thế kinh tế năm 2014 vẫn tiếp tục trong năm 2015; chính sách ứng phó của một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc…. Về Chính trị và an ninh: Mâu thuẫn cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc; Những căng thẳng được nhận thấy trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của các cường quốc; nỗ lực tái cấu trúc đồng minh và nhóm liên minh của các cường quốc; xu thế đổ vỡ quan hệ và xung đột ở một số diểm nóng; chủ nghĩa Islam cực đoan tiếp tục phát triển; điểm sáng về hợp tác khu vực và quốc tế.

Chương 2: Một số vấn đề nổi bật trong năm 2015. Trong chương này tác giả đưa ra 11 vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội nổi bật trong năm 2015 bao gồm: Hai cú sốc toàn cầu từ Trung Quốc; vốn rút khỏi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển; sự nở rộ của các hiệp định thương mại tự do khu vực; hoàn tất đàm phán hiệp định TPP; bàn cờ kinh tế giữa các nước lớn; Nga và Trung Quốc nỗ lực thay đổi trật tự thế giới; phản ứng của Mỹ trước những thách thức mới; biển Đông tiếp tục căng thẳng; chủ nghĩa Islam cực đoan và cuộc chiến chống khủng bố; nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu; cuộc khủng hoảng di cư trên thế giới.

Chương 3: Triển vọng kinh tế và chính trị thế giới năm 2016 và một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam.

+ Tác giả đưa ra dự báo về triển vọng kinh kế thế giới năm 2016: kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2016. Cả hai nhóm nước tiên tiến và đang phát triển đều sẽ tăng tốc. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng 3.3% đến 3.5% trong năm 2016

+ Về triển vọng chính trị, an ninh, an ninh phi truyền thống quốc tế năm 2016: Dự báo Mỹ - Nga, hai cường quốc đại diện cho hai phe đối lập, có thể cùng nhau hợp tác chồng khủng bố; Các hoạt động khủng bố có thể tiếp tục gia tăng; Các liên minh truyền thống tiếp tục được củng cố; Tranh chấp ở Biển Đông vẫn tiếp tục căng thẳng; Cuộc khủng hoảng Ucraina khó đi đến hồi kết, thậm chí có thể biến xấu đi với tính chất cực đoan hóa và phe phái hóa của các lực lượng chính trị; Châu Á có thể sẽ làm chia rẽ châu Á; Châu Âu có thể sẽ bước vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới.

+ Một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam: Tác giả đưa ra những thách thức cần giải quyết về kinh tế, chính trị, thương mại…đặt ra cho Việt Nam trong năm 2016.

Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Thực hiện: Kiều Dung

Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận