Tác giả: GS.TS Ngô Thắng Lợi – TS Vũ Thanh Hưởng (đồng chủ biên)
Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia – Sự thật, 2015, 411 trang
Ký hiệu: Vv2732
Trong mấy thập kỷ qua, kinh tế thế giới phát triển rất mạnh trên phạm vi toàn cầu. Nhiều khu vực, nhiều nước trên thế giới trước đây chậm phát triển nhưng đã đẩy mạnh tiến hành cải tổ để trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong giai đoạn bùng nổ kinh tế này, nhiều quốc gia chỉ chú trọng phát triển kinh tế chứ chưa thực sự quan tâm đến những hậu quả nó gây ra như vấn đề môi trường, sự bất bình đẳng trong xã hội. Để khắc phục tình trạng trên, các nhà kinh tế học, các nhà hoạch định chính sách kinh tế đã đề xuất mô hình phát triển bền vững và đến nay mô hình này đã trở thành một xu hướng mang tính toàn cầu. Mỗi quốc gia trong từng thời kỳ phát triển, với những yêu cầu thực tế khác nhau sẽ cần có những mô hình phát triển bền vững khác nhau, và luôn được cập nhật bổ sung theo thời gian.
Trong xu thế chung của thế giới, Việt Nam đã xây dựng và bước đầu thực hiện mô hình phát triển bền vững, tận dụng những thời cơ thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đạt được nhiều thành tựu trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên trong thực tế vẫn có nhiều vấn đề đặt ra cần sớm giải quyết: kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu là thâm dụng các yếu tố vốn có giá trị tăng thấp, trong khi các ngành công nghiệp hiện đại chưa phát triển; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, môi trường ngày càng ô nhiễm cả ở nông thông và thành thị…. Những vấn đề này ngày càng bộc lộ rõ khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nhằm cung cấp cho các độc giả quan tâm đến phát triển bền vững ở Việt Nam. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách: Phát triển bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa, hội nhập quốc quốc tế và biến đổi khí hậu. Cuốn sách gồm 3 chương, nội dung chính như sau:
Chương 1: Cơ sở khoa học nghiên cứu phát triển bền vững ở Việt Nam trong điều kiện mới của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu: Trong chương này tác giả đưa ra cơ sở lý luận về phát triển bền vững, bao gồm quan niệm về phát triển bền vững; vấn đề toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu với phát triển bền vững; quan niệm về nội hàm và tiêu chí đánh giá phát triển bền vững trên thế giới và Việt Nam hiện nay. Đồng thới tác giả còn đề cập đến kinh nghiệm quốc tế về mô hình phát triển bền vững ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Nam Phi và đề xuất quan niệm, nội hàm, tiêu chí đánh giá phát triển bền vững ở Việt Nam.
Chương 2: Thực trạng phát triển bền vững của Việt Nam thời gian qua và những vấn đề cấp bách đặt ra: Tác giả khái quát quá trình phát triển kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay). Phân tích quá trình hoàn thiện và chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững trong quá trình công nghiệp hóa. Đánh giá phát triển bền vững ở Việt Nam (từ năm 2001 đến 2014) và những vấn đề cấp bách đặt ra. Bên cạnh đó tác giả còn đề cập đến những vấn đề thiếu bền vững trong phát triển ở Việt Nam và nguyen nhân của các vấn đề đó.
Chương 3: Định hướng và các giải pháp đột phá phát triển bền vững của Việt Nam trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu: Trong chương này tác giả đưa ra dự báo xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu đến năm 2030 và mức độ ảnh hưởng đến Việt Nam. Quan điểm và định hướng phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2020 và xác định tầm nhìn đến năm 2030. Các giải pháp đột phá thực hiện phát triển bền vững áp dụng cho giải đoạn đến năm 2020.
Cuốn sách sẽ cung cấp cho độc giả một cái nhìn toàn diện về cơ sở lý luận và kinh nghiệm của một số nước về phát triển bền vững, đề xuất quan điểm, nội hàm và tiêu chí đánh giá phát triển bền vững của Việt Nam; thực trạng phát triển bền vững của Việt Nam thời gian qua và những vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới cũng như các giải pháp đột phá phát triển bền vững của Việt Nam trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.
Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Thực hiện: Kiều Dung
Viện nghiên cứu Đông Bắc Á